Do gió đông bắc suy yếu nên Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ hạ mức dự báo đỉnh triều cao nhất trong kỳ triều cường này từ 1,68 m xuống còn 1,65 m tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn.
Đường Lương Định Của, Q.2 thường xuyên bị ngập do triều cường - Ảnh: Diệp Đức Minh |
Còn duy trì ở mức cao đến ngày 7.12
Đường Kha Vạn Cân, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức là tuyến đường thường xuyên bị ngập mỗi khi triều cường dâng cao. Sáng sớm 4.12, nước tràn bờ và cống gây ngập tới pô xe gắn máy, chiều dài đoạn ngập khoảng 1 km. Trên đoạn này có nhiều ổ gà chìm dưới làn nước khiến nhiều xe bị sụp xuống, chết máy.
|
Triều cường xuất hiện vào giờ cao điểm, trong khi đây là tuyến đường có mật độ xe lưu thông cao, nên đã xảy ra tình trạng ùn xe cục bộ. Đường Bình Quới, P.28, Q.Bình Thạnh cũng bị ngập tương tự. Đường Lương Định Của, Q.2 lúc 7 giờ sáng còn mênh mông nước, tuy nhiên xe gắn máy vẫn lưu thông được do đỉnh triều lên cao nhất xuất hiện vào 4 giờ sáng, đến sáng nước đã rút nhanh...
Theo ông Nguyễn Minh Giám, Phó giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, mùa triều cường lớn trong năm ở khu vực Nam bộ bắt đầu từ tháng 9 năm trước kéo dài đến tháng giêng năm sau. Trong thời kỳ này, đỉnh triều cường cao hay thấp tùy thuộc vào 3 yếu tố: mưa tại chỗ, xả lũ ở thượng nguồn và gió đông bắc mạnh hay yếu. Riêng tháng 9, 10 và 11 là những tháng có mưa, nên đỉnh triều cao hay thấp tùy thuộc vào lượng mưa tại chỗ và lưu lượng xả lũ từ các hồ chứa ở thượng nguồn; còn từ tháng 12 trở về sau chủ yếu là do yếu tố gió đông bắc.
Trong 1-2 ngày tới, không khí lạnh ở phía bắc sẽ được bổ sung, do vậy khả năng gió đông bắc mạnh trở lại, sẽ duy trì mực nước đỉnh triều ở mức cao trong nhiều ngày, ít nhất là đến 7.12.
Tại TP.HCM, nếu như những năm trước, đỉnh triều từ 1,50 m trở lên thỉnh thoảng mới xảy ra, thì nay đã xuất hiện thường xuyên hơn và trở nên bình thường. Năm ngoái, đỉnh triều trên 1,60 m xuất hiện là điều bất thường. "Điều khá đặc biệt của triều cường năm nay so với các năm trước đó là đỉnh triều ở mức trên 1,62 m xuất hiện nhiều lần hơn, đỉnh triều cao xuất hiện dày hơn, gần như kỳ triều cường nào cũng có" - ông Nguyễn Minh Giám cho hay. Đặc biệt, kỳ triều cường cách nay hơn 1 tháng đã lập kỷ lục mới với đỉnh triều 1,68 m (xảy ra vào chiều tối 20.10), gây ngập nghiêm trọng nhiều nơi trên địa bàn TP.HCM.
Nguy cơ từ sương mù
Cùng với triều cường ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, trong những ngày qua, hiện tượng sương mù xuất hiện từ sáng sớm kéo dài đến trưa cũng là nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người tham gia lưu thông trên đường.
Theo thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan (nguyên Phó phòng Dự báo - Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ), đây là loại sương mù hỗn hợp, thường xuất hiện ở các đô thị do nhiều nguyên nhân. Khác với loại sương mù bức xạ, thường tan nhanh khi mặt trời xuất hiện, loại sương mù hỗn hợp này kéo dài đến tận trưa. Tại những đô thị có mật độ phương tiện lưu thông dày đặc như TP.HCM, lẫn trong những hạt hơi nước li ti là khói xe và những bụi lơ lửng, tạo thành những "hạt nhân ngưng kết" (còn gọi là sương mù thành phố). Do vậy, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của những người tham gia giao thông, đặc biệt dễ gây ra các bệnh về hô hấp.
Dự báo đỉnh triều tại trạm Phú An từ ngày 5 - 8.12:
Ngày 5.12: 1,65 m (lúc 4 giờ 30) và 1,59 m (lúc 18 giờ 30)
Ngày 6.12: 1,61 m (lúc 5 giờ 30) và 1,56 m (lúc 19 giờ)
Ngày 7.12: 1,52 m (lúc 6 giờ 30) và 1,51 m (lúc 20 giờ)
Ngày 8.12: 1,35 m (lúc 8 giờ) và 1,46 m (lúc 21 giờ).
(Nguồn: Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ)
Các tuyến đường bị ngập do triều cường tại TP.HCM vào ngày 3 và 4.12 sẽ tiếp tục trong những ngày tới, ít nhất đến ngày 7.12: Đường Văn Thân (đoạn từ đường Nguyễn Văn Luông - đường số 5, Q.6), Lương Định Của (từ chân cầu Thủ Thiêm - cột điện số 24, Q.2), Kha Vạn Cân (từ đường số 23 - cột điện T32 C, Q.Thủ Đức), Hồ Học Lãm, Q.Bình Tân, Bình Quới, Q.Bình Thạnh, Huỳnh Tấn Phát, Q.7 (từ số nhà 586 - số nhà 670), Phú Định, Q.8, quốc lộ 50, H.Bình Chánh.
(Nguồn: Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM)
|
Mai Vọng