THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

03 January 2013

Bốn ngày nghỉ lễ, cấp cứu hơn 1.000 ca tai nạn giao thông

(TNO) Chiều nay 2.1, số liệu tổng hợp nhanh về hoạt động cấp cứu, khám chữa bệnh tại TP.HCM trong 4 ngày nghỉ lễ (29.12.2012 - 1.1.2013) cho biết, các bệnh viện (BV) tiếp nhận hơn 1.000 ca tai nạn giao thông (TNGT).
Trong 4 ngày nghỉ lễ, các BV của TP tiếp nhận 48.473 lượt đến khám, trong đó có 6.167 ca cấp cứu. Trong số ca cấp cứu, chiếm nhiều nhất là ngày 1.1 với 2.110 ca; số liệu TNGT trong ngày 1.1 cũng nhiều nhất trong 4 ngày nghỉ với 317 ca. 
Trong số đến khám, cấp cứu trên, có 5.356 trường hợp phải nhập viện, 27 ca tử vong (trong đó có 4 ca tử vong do TNGT, tất cả đều là người lớn: 3 ca ngụ TP.HCM, 1 ca ở tỉnh Long An).
Riêng về tai nạn sinh hoạt có 729 ca, đả thương 253 ca, ngộ độc thực phẩm 39 ca.
4 ngày nghỉ lễ, cấp cứu hơn 1.000 ca tai nạn giao thông
Cấp cứu tại BV Cấp cứu Trưng Vương - Ảnh: Hà Minh
Tai nạn giao thông giảm nhẹ
Bác sĩ Nguyễn Đình Phú - Phó giám đốc BV Nhân dân 115 nhận định, năm nay số ca TNGT ở TP.HCM có giảm nhẹ là do các yếu tố: số ngày nghỉ dài, nhiều người về quê, hoặc đi chơi xa nên mật độ tham gia lưu thông, cũng như lượng nhậu nhẹt say xỉn tại TP cũng giảm bớt. Ngoài ra, có lẽ năm nay thực hiện Nghị định 71, nhiều người tham gia lưu thông ý thức hơn.

Bác sĩ Võ Quang Huy - Trưởng khoa Cấp cứu ngoại viện, BV cấp cứu Trưng Vương cho biết số lượng cuộc gọi đến Trung tâm Cấp cứu 115 trong những ngày nghỉ lễ chủ yếu vẫn là cấp cứu không chấn thương (chiếm 60%). Trong đó, ngày 31.12.2012, số lượng cuộc gọi tăng đáng kể, với 20 cuộc gọi đến trung tâm, và nơi đây đã cấp cứu tại chỗ cho 19 trường hợp.
Bốn ngày nghỉ lễ, BV Nhân dân 115 tiếp nhận cấp cứu 950 trường hợp, trong đó có 161 ca do TNGT. So sánh trong ngày và đêm giao thừa (31.12) năm nay, BV Nhân dân 115 tiếp nhận ít trường hợp TNGT hơn (với 37 ca so với 44 ca cùng thời điểm năm ngoái). 
BV Chấn thương Chỉnh hình trong 4 ngày nghỉ tiếp nhận 277 ca TNGT trong số 612 trường hợp vào cấp cứu. Trong đó, ngày 31.12 tiếp nhận cấp cứu nhiều nhất với 182 ca.
BV Cấp cứu Trưng Vương tiếp nhận cấp cứu 153 trường hợp, có 46 ca TNGT, không có trường hợp chấn thương sọ não do TNGT.
Nằm ở hướng cửa ngõ phía đông TP, BV Quân dân miền Đông (Q.9) trong 4 ngày nghỉ lễ chỉ tiếp nhận 28 trường hợp TNGT, 3 ca chấn thương đầu cùng 42 ca tai nạn khác (ẩu đả, tai nạn sinh hoạt, tai nạn lao động). BV nhận định, cả Noel và tết Dương lịch năm nay BV tiếp nhận lượng TNGT ít hơn năm trước.    
Ở cửa ngõ phía bắc TP, BV Đa khoa khu vực Củ Chi tiếp nhận 68 ca TNGT trong số 420 trường hợp vào đây cấp cứu, ít hơn năm trước (89 ca TNGT).
Thanh Tùng - Hà Minh

Cầu thi công, sông nghẽn, dân khổ

(TNO) Người dân sinh sống tại khối phố 6 (P.Phước Hòa, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) hết sức bức xúc trước việc đơn vị thi công cầu Kỳ Phú 1 và 2 làm nghẽn sông Bàn Thạch khiến bèo, lục bình giăng kín cả một khúc sông hơn 1 km.
Khoảng một tuần nay, những ngư dân tại khu vực này không thể chèo thuyền đi lại trên sông cũng như không thể thả lưới, đánh bắt tôm cá do mặt nước bị lớp bèo dày hơn 1 mét bao phủ.
Anh Phan Văn Liên (35 tuổi), người dân sống tại đây, cho biết: “Đây là lần thứ 2 đơn vị thi công cầu Kỳ Phú 1 và 2 làm nghẽn sông. Lần trước, khúc sông này cũng bị nghẽn trong nhiều ngày, người dân trong khối phố phải thay nhau vớt bèo liên tục trong 4 ngày mới thông được sông”.
Tuy nhiên, chỉ trong vòng một tháng, đơn vị thi công cây cầu này tiếp tục làm nghẽn sông. Lần này, lượng bèo dồn ứ lớn gấp nhiều lần so với lần trước. Khoảng 30 hộ dân tại khu vực này đã chèo thuyền vớt bèo bằng thủ công nhưng bất lực do lượng bèo quá lớn. Vì không thể chèo thuyền đánh bắt tôm cá nên những ngày gần đây nhiều ngư dân đành phải bó gối ở nhà.
Theo ông Lê Đình Thành, Phó chủ tịch P.Phước Hòa, nguyên nhân gây nghẽn sông Bàn Thạch là do Công ty Thái Dương - đơn vị trực tiếp thi công cầu đổ đất làm đường tràn ra lòng sông. Ngoài ra, do cầu tạm được làm quá thấp, sát với mặt nước khiến cho số bèo trên sông không thể lưu thông.
“Chúng tôi sẽ họp với Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh (chủ đầu tư) cùng đơn vị thi công để bàn giải pháp khơi thông lòng sông. Vì lượng bèo quá lớn nên đơn vị thi công cần phải huy động máy móc để vớt hết bèo chứ không thể làm bằng tay được”, ông Thành cho biết.
Đựợc biết, cầu Kỳ Phú 1, 2 được khởi công xây dựng vào tháng 5.2012, với tổng vốn hơn 257 tỉ đồng. Công trình có tổng chiều dài 1.651 mét, điểm đầu thuộc P.Phước Hòa, Hòa Hương và điểm cuối thuộc P.An Phú, TP.Tam Kỳ.
Khoảng 1 km sông Bàn Thạch bị bèo phủ kín hoàn toàn

Thuyền ngư dân không thể đi lại trên sông do bèo ken đặc
Tin, ảnh: Hoàng Sơn

Đòi được đất sau 20 năm theo kiện

(TNO) Câu chuyện ly kỳ nhưng có hậu này là của ông Nguyễn Đức Tam, ở xóm 11, xã Hưng Lộc, TP.Vinh, Nghệ An.
Năm 1989, ông Tam mua một mảnh đất 220 m2 ở xóm 11 với giá 770.000 đồng. Theo đó, ngày 20.6.1989, Hội đồng giao đất của UBND xã Hưng Lộc đã đo đạc và lập biên bản bàn giao đất cho ông Tam. Cuối năm 1989, UBND TP.Vinh đã cấp phép cho ông Tam xây dựng nhà ở trên lô đất được giao. Đúng lúc này, doanh nghiệp nơi vợ chồng ông Tam công tác bị giải thể, cuộc sống khó khăn nên việc xây nhà của ông Tam phải dừng lại.
Năm 1992, ông Tam tiếp tục làm nhà thì phát hiện mảnh đất của mình đã bị ông Phạm Hưng, Chủ tịch UBND xã Hưng Lộc khi đó ký quyết định cho ông Hán, có nhà liền kề “mượn” 60 m2. Ông Hán sau đó đã bán phần đất này cho người khác.
Đòi được đất sau 20 năm theo kiện
Ông Tam và hồ sơ 20 năm thưa kiện - Ảnh: Khánh Hoan
Sau nhiều lần thưa kiện, năm 2001, UBND xã Hưng Lộc mời ông lên làm việc và năm 2003, ông Tam được UBND TP.Vinh cấp sổ đỏ cho mảnh đất đã mua. Nhưng trớ trêu là mảnh đất trong sổ đỏ chỉ có diện tích 161,1 m2 và ghi tên ông nhưng lại cách mảnh đất đã mua gần 2 km và trùng lên một mảnh đất đã cấp cho người khác!
Ông Tam làm đơn xin điều chỉnh, nhưng kết quả là UBND TP.Vinh ra luôn quyết định thu hồi sổ đỏ nói trên và không cấp sổ mới. Tiếp đó, ngày 25.8.2005, cơ quan này ra quyết định không thừa nhận việc ông Tam đòi lại mảnh đất 220 m2 với lý do “từ khi được cấp đất, ông Tam không thực hiện các qui định ghi trong giấy phép”.
Cho rằng mình oan, ông Tam lại tiếp tục kiện. Đến UBND TP.Vinh không được, ông lên tỉnh. “Lên tỉnh, họ nhận đơn nhưng sau đó lại chuyển về cho TP giải quyết”, ông Tam nói. Thế là hàng tháng, cứ mỗi ngày tiếp dân của UBND TP hay UBND tỉnh, ông đều có mặt. Mỗi lần bị bác đơn, ông lại ra Hà Nội gõ cửa các cơ quan trung ương. “Ở Hà Nội, tui thường phải chờ mấy ngày mới gặp được người có trách nhiệm nhưng họ lại bảo về gặp UBND tỉnh mới xử lý được”, ông nói.
Sau nhiều lần bác đơn, cuối cùng UBND tỉnh Nghệ An đã phúc kiểm đơn thư và nhận thấy việc đòi đất của ông là có cơ sở. Ngày 14.11.2012, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, ông Tam đã được UBND TP.Vinh cấp lại sổ đỏ cho mảnh đất mà ông đã mua 23 năm trước, đúng diện tích 220 m2.  
Được vạ, má sưng
“20 năm qua, đơn thư của tui nếu trải ra sẽ rộng bằng mấy lần diện tích mảnh đất này. Tiền của, công sức và thời gian bỏ ra để đòi đất cũng bằng tiền mua vài mảnh đất như thế này rồi”, ông Tam nói. Việc theo kiện đã làm cho gia đình ông kiệt quệ về kinh tế, rệu rã về tinh thần. Căn nhà ở P.Hồng Sơn, TP.Vinh của ông đã phải bán để lấy tiền đi kiện.
Trên hành trình đòi đất, ông Tam còn bị “hành” đủ khổ. Lần xây nhà năm 1992, ông bị chính quyền đến cưỡng chế. Năm 2004, ông sửa lại nhà cũng bị TP.Vinh và xã Hưng Lộc huy động lực lượng đến ngăn cản, yêu cầu tháo dỡ. Ông nói: “Tui mang biên bản giao đất, giấy phép xây dựng ra cho lực lượng thi hành nhiệm vụ xem, họ im lặng rút lui. Nhưng vài hôm sau, thanh tra đô thị lại đến ngăn cản, đêm họ cũng đến trực trước cổng vì sợ tui làm vụng”.
“Đôi lúc đâm ra tuyệt vọng, nhưng thâm tâm tui vẫn tin có ngày sẽ đòi được”, ông Tam nói. Và như một kết thúc có hậu, sau 20 năm kiện tụng gian nan, ông Tam đã đòi lại được mảnh đất đã mua 23 năm trước.
Khánh Hoan

Giá dầu, vàng tăng mạnh phiên đầu năm

(TNO) Đêm qua, rạng sáng nay (3.1.2013, giờ VN), thị trường dầu thô thế giới ghi nhận phiên tăng giá đáng kể.
Ghi nhận tại thời điểm chốt phiên, giá dầu thô WTI giao tháng 2.2013 tại Sở Giao dịch hàng hóa New York (NYMEX, Mỹ) ở mức 93,12 USD/thùng, tăng 1,3 USD/thùng, tương đương tăng 1,4%, mức chốt phiên cao nhất kể từ 18.9.2012.
Nguyên nhân chính khiến giá dầu thô tăng mạnh phiên này là việc Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật ngân sách mới về tăng thuế và cắt giảm chi tiêu. Đây được coi như một động thái tích cực giúp quốc gia tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới này tránh khỏi những khó khăn tài chính khi năm mới vừa sang.
Tuy nhiên, trong phiên đầu năm nay, đà tăng của giá dầu có phần bị hạn chế khi đồng USD cũng tăng bật trở lại so với đồng euro.
Trong năm 2012, giá dầu thô tại New York đã giảm 7,1%, là năm đầu tiên giảm kể từ 2008.
Giá dầu Brent giao cùng kỳ hạn tại London (Anh) cũng tăng 1,36 USD/thùng, tương đương tăng 1,2% so với phiên cuối năm, lên chốt phiên ở mức 112,47 USD/thùng. Trong năm 2012, giá dầu Brent tăng tích cực 3,5%, đánh dấu năm tăng giá thứ tư liên tiếp.
Theo dự luật ngân sách mới vừa được Hạ viện Mỹ thông qua, thuế thu nhập đối với người giàu tại Mỹ được áp tăng đáng kể, lên tới 39,6% (so với mức 35% hồi năm 2012). Tuy nhiên, dự luật này cũng sẽ kéo dài thời gian hỗ trợ thất nghiệp, cũng như giảm thuế cho những gia đình thu nhập thấp và sinh viên.
Chuyên gia Phil Flynn thuộc Price Futures Group (trụ sở tại Chicago, Mỹ) cho biết: “Giới đầu tư vui mừng vì chúng ta (nước Mỹ - PV) đã tránh được vách đá tài khóa”. Ông cũng nhận định tâm lý lạc quan này có thể kéo dài đà tăng của giá dầu thô ít nhất thêm hai tuần nữa.
* Trên thị trường vàng, giá vàng giao theo kỳ hạn cũng tăng lên mức cao nhất trong vòng hai tuần qua sau khi dự luật ngân sách của Mỹ được thông qua.
Giá vàng giao tháng 2 tại NYMEX tăng 0,8%, lên thành 1.688,8 USD/ounce, ghi nhận lúc 00 giờ 38 ngày 3.1.2013 (giờ VN). Trước đó, giá vàng giao kỳ hạn tại đây đã đạt tới 1.695,4 USD/ounce, cao nhất kể từ 18.12.2012.
Trong năm 2012, nhờ các biện pháp kích cầu và kích thích kinh tế của hầu hết các quốc gia lớn trên thế giới, giá vàng đã tăng 7%, đánh dấu năm tăng thứ 12 liên tiếp của loại kim loại quý này.
Thu Hạnh (Theo BloombergReuters)

Ai thắng cuộc và ai thua cuộc?

Học trò vùng cao Kim Bon săn chuột để thoả cơn thèm thịt




Dựng lều tạm, chiều bẫy chuột, sáng lấy chuột về làm thịt ăn… là cuộc sống hằng ngày của các em nhỏ vùng cao Kim Bon, Phù Yên, Sơn La trên con đường học chữ.
Những căn lều tạm
Đến được nơi mà các em nhỏ Kim Bon sống và học tập chúng tôi phải mất hơn 2 tiếng đồng hồ đi từ chân núi, vượt qua nhiều dãy núi. Đường lầy lội vào mùa mưa, mùa hè thì bụi mù dày đặc. Cuộc sống của các em nhỏ nơi đây dường như bị cô lập với thế giới bên ngoài.

Xã Kim Bon là một trong những xã lớn nhất ở huyện Phù Yên, xã chủ yếu có hai dân tộc sinh sống là người H’Mông và người Dao. Cư dân ở đây sống rải rác ở các ngọn núi khác nhau. Để tìm kiếm được con chữ, các em nhỏ phải vượt mấy chục cây số để đến trường.
Do trường cách quá xa nhà nên việc vận động học sinh ở bán trú để đến trường đối với các thầy cô giáo và cán bộ xã vô cùng khó khăn.
Cô Hồng, hiệu trưởng trường cấp 2 Kim Bon, cho biết: “Các thầy cô giáo trong trường phải đến tận từng nhà, từng bản cách trường mấy chục cây số để vận động các em đi học, nhưng cứ mùa thu hoạch ngô và lúa nương đến thì phụ huynh bắt con ở nhà đi làm nương, thầy cô giáo không thấy học sinh đến lớp lại đến tận nhà vận động phụ huynh cho các em đến trường”.

Cách trường mấy chục cây số, không có tiền thuê trọ, những cậu học trò người Dao phải vác gỗ, nứa từ nhà đến làm lều tạm cách trường gần 2 km. Căn lều tạm quá đơn sơ, ngoài những cây gỗ dựng lên thành khung, lấy những tấm mên làm từ tre chắn xung quanh, nền nhà bằng đất và chỉ bỏ mấy tấm gỗ làm phản để ngủ. “Lạnh buốt chân và tay mỗi khi đi ngủ vào ban đêm” – Đặng Văn Cường – một học sinh trọ học thỏ thẻ.
Còn những em nhỏ có điều kiện hơn thì thuê nhà người dân để ở, “Mỗi tháng chúng em mất 70 nghìn/người tiền chỗ ở, tiền điện tính riêng. Mà tháng này không hiểu sao lại tăng giá điện, em mất 9 nghìn đồng trong khi đó tháng trước có 7 nghìn. Mỗi tháng bố mẹ cho em hơn 100 nghìn đi học”, cậu học trò Đặng Văn Khánh kể.
Những căn nhà tạm bợ như thế này không thể che mưa, chắn gió ở nơi có thời tiết khắc nghiệt như ở vùng cao Kim Bon được. Mùa đông ở đây nhiệt độ luôn dưới 10 độ mỗi khi đêm về, kéo theo đó là sương mù dày đặc.

Săn chuột cải thiện bữa ăn

“Thèm ăn thịt” là cảm giác chung của những em học trò nơi ở nơi đây. Bởi có về nhà thì các em cũng chỉ được bố mẹ cho một ít gạo, mấy mớ rau, vài quả bí đỏ và một hộp muối để ăn với cơm.
Bạn nào sang hơn thì bố mẹ cho thêm một lọ măng muối chát đắng vì mặn. Vì vậy mà thịt chuột là món ăn được các em chọn làm thức ăn “sang” mỗi ngày và nhất là để giải tỏa cơn “khát” thịt.

Bẫy chuột là công việc hằng ngày của các em nhỏ sau mỗi giờ học. Các em chia từng tốp nhỏ, chia luôn những nương lúa, ngô, sắn để bẫy chuột. Chiều học về lúc 16h, các em lại rủ nhau đi đặt bẫy, sáng sớm tinh mơ tầm 5h sáng rủ nhau đi lấy chuột.
Đặng Văn Cường vừa mới nhập học cách đây mấy hôm mặt buồn rượi khi kể về sự thất bại liên tiếp của mình. “Em chưa quen với cách bẫy chuột ở nơi đây nên mấy hôm liên tiếp theo các bạn đi bẫy nhưng em không bắt được con nào, nên em ăn cơm rau hoặc ăn với muối”.
Về cách làm thịt chuột như thế nào Cường chia sẻ: “Em đập chết chuột, xong lột da nó ra và hơ lên bếp, rồi mổ bụng nó ra, vứt hết bộ lòng, để lại gan và xào lên ăn với cơm”.
Với những học sinh ở khu bán trú thì nếu không bắt được chuột thì các em mua cá khô để ăn cơm. Có cá khô để ăn với cơm là quá sang với các em nhỏ nơi đây, Thầu A Sếnh đang rửa cá khô cho vào nồi phấn chấn nói: “Cá này em mua 5 nghìn, cho hai người ăn với cơm, em rang với muối”.
Chân trần, áo mỏng… và rét
Đến thăm những học sinh trường tiểu học, không ít người mủi lòng khi thấy các em mong manh trong áo mỏng, chân đất đỏ ửng. Khi được hỏi các em có lạnh không, cả nhóm xôn xao tiếng H’Mông “No no” (rất lạnh – PV)

Áo ấm, tất chân… đối với các em là thứ quá xa xỉ. Một bà mẹ người H’Mông bế con trên tay, đứa bé chỉ có một cái áo, không có quần... Những đứa trẻ chân trần đỏ ửng, đứng run lên từng hồi vì lạnh. Các em vẫn đang mơ ước có một cái áo ấm chống rét.

Hồ Sỹ Anh

http://vietbf.com/forum/showthread.php?s=bafc4666d61da766fb4279d1a4bc0255&t=607484
See translation

Mẹ của sinh viên Phương Uyên gửi Đơn Kêu Cứu tới Liên Đoàn Sinh Viên Công Giáo


Sinh viên Công Giáo Việt Nam - Thưa các bạn sinh viên! Ngày 31/12/2012 vừa qua, Ban đại diện Liên Đoàn Sinh Viên Công Giáo có nhận được Đơn Kêu Cứu của Mẹ bạn sinh viên Phương Uyên với nội dung trình bày sự thật và xin được sự nâng đỡ về tinh thần. Bạn Phương Uyên là một sinh viên yêu nước và đã có những hành động chống lại sự xâm lược của Trung Quốc nên đang bị bắt giữ...

Xin được gửi tới các bạn sinh viên nội dung Đơn Kêu Cứu:





Nghi án CSGT “ra gậy”, thai phụ nguy kịch nhập viện



(Dân trí) - Đang phải điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang trong tình trạng chấn thương sọ não, nguy cơ hỏng thai, chị Tống Thị Sen (SN 1990) kêu cứu việc chị bị một chiến sĩ CSGT huyện Yên Dũng dùng gậy vụt thẳng vào đầu do không đội mũ bảo hiểm.

Phản ánh sự việc đến báo điện tử Dân trí, anh Nguyễn Văn Tài (SN 1989, trú tại thôn Yên Tập - Yên Lư - Yên Dũng, Bắc Giang), chồng chưa cưới và là người trực tiếp chở chị Tống Thị Sen (SN 1990, trú tại thôn Chằm Mới - Tiên Hưng - Lục Nam, Bắc Giang) kể lại: Khoảng 9h30' ngày 28/12/2012, nhận được điện thoại của chị Sen ra đón đi đăng ký kết hôn, anh Tài đi xe máy ra đón chị Sen tại ngã tư Quốc lộ 1A giao cắt với tỉnh lộ 398 thuộc xã Song Khê - Yên Dũng (Bắc Giang). Do đi vội, anh Tài quên mang mũ bảo hiểm cho chị Sen.

 2 vợ chồng chị Tống Thị Sen đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang trong khi gia đình vẫn "nén lòng" tổ chức đám cưới ở nhà. 

Anh Tài cho biết, khi đón vợ quay ngược trở lại tỉnh lộ 298 khoảng 500 mét thấy một đội CSGT làm nhiệm vụ bên tay trái đường, biết vợ không có mũ, anh đã đi ép sát bên tay phải đường với ý định tránh lực lượng CSGT. 

"Khi tôi đi đến gần qua đội CSGT, một chiến sĩ chạy từ bên trái đường sang không ra bất cứ hiệu lệnh gì mà vung gậy vụt thẳng vào sau gáy vợ tôi. Cú vụt khiến vợ tôi choáng váng. Tôi hoảng sợ vòng một tay ra phía sau giữ vợ. Nhưng vợ tôi ngất lịm, toàn thân mềm oặt ngã sấp mặt xuống đường. Còn tôi mất đà cũng ngã xe luôn", anh Tài nói.

Vừa đứng được dậy, dù tay xây xát chảy máu, anh Tài vội vã chạy lên chỗ vợ thấy chị Sen bị thương tích khắp vùng đầu mặt, ngất lịm. "Vợ tôi như vậy, nhiều người đi đường dừng lại bất bình. Nhóm CSGT có cả người ra gậy vụt vợ tôi cũng chạy lại xem rồi quay lại xe ngay như không hề liên quan đến sự việc. Họ có xe ô tô ở đó nhưng cũng không đưa vợ tôi đi cấp cứu dù tôi đã khẩn nài. Đến khi có mấy anh cán bộ điện lực tỉnh Bắc Giang đi xe qua mới đưa giúp vợ tôi vào bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang". Anh Tài cho biết.

Vết thương tại vùng sau gáy chị Sen được gia đình khẳng định là do dùi cui đập vào là một vết dài sưng to khá rõ. 

Tại bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang, các bác sĩ đã hội chẩn quyết định chuyển chị Tống Thị Sen xuống Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) vào lúc 14h20' cùng ngày do chấn thương sọ não trong khi đó chị Sen đang mang thai 11 tuần tuổi.

Anh Tài cho biết: sau nhiều ngày chị Sen hôn mê bất tỉnh tại bệnh viện Việt Đức, các bác sĩ cho biết chị bị đọng máu màng não không thể mổ được do chị đang mang thai nên phải điều trị bằng thuốc. Tuy vậy, thai nhi cũng chỉ có khoảng 30% là có thể giữ lại được. "Trong khi đó, từ khi sự việc xảy ra, người CSGT trực tiếp gây nên sự việc không hề có động thái thăm hỏi hay hỗ trợ gì trong việc cấp cứu cua chị Sen. Chỉ có ngày 29/12, 3 người mặc thường phục tự xưng là lãnh đạo công an huyện Yên Dũng xuống phòng vợ tôi nằm bệnh viện Việt Đức. 

Chỉ có mình tôi ở đó nên tôi mời họ ngồi để mình đi gọi người thân đến tiếp chuyện. Nhưng tôi vừa ra ngoài, họ đã đi mất mà cũng không hỏi han gì, chỉ để lại túi hoa quả và 500 nghìn đồng. Tôi rất bức xúc về cách hành xử như vậy nếu thực sự họ là đại diện Công an huyện Yên Dũng đến vì liên quan đến sự việc", anh Tài bức xúc.

Tình tạng nguy kịch của chị Tống Thị Sen bị chấn thương sọ não và nguy cơ xảy thai nhi ghi trong bệnh án tại BV Việt Đức (Hà Nội). 

Điều "oái oăm" là ngày 2/1/2013 là ngày cưới chính thức của đôi vợ chồng trẻ. Đám cưới đã được chuẩn bị, thiếp mời đã phát hết nên gia đình hai bên vẫn phải nén lòng tổ chức đám cưới trong khi đôi vợ chồng trẻ còn đang phải chăm sóc nhau tại bệnh viện và chưa biết diễn tiến sức khỏe của chị Sen đi theo chiều hướng nào. Để được gần gia đình hơn trong ngày cưới, gia đình đã xin chuyển chị Sen về lại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang điều trị. 

Tiếp xúc với chị Nguyễn Thị Sen tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang vào chiều 1/1, PV Dân trí ghi nhận được tình trạng sức khỏe của chị Sen vẫn hết sức nguy cấp. Vùng mặt nạn nhân do bị ngã sấp nên sưng tím, phù nền. Đặc biệt, vết thương tại vùng sau gáy được gia đình khẳng định là do dùi cui đập vào là một vết dài sưng to khá rõ. 

Chị Sen cho biết khi ngồi sau chồng chị qua trạm CSGT, chị chỉ thấy người công an chạy sang rồi bị đập mạnh vào thẳng gáy. Sau đó, chị ngất lịm và không biết gì nữa. "Đến giờ, dù đã tỉnh nhưng đầu em vẫn bị buốt thấu óc như lúc nào cũng có người dùng búa đinh gõ vào. Nhưng điều em đau đớn nhất là đứa con không biết có giữ được hay không.", chị Sen nức nở.

Theo anh Tài, sau khi sự việc xảy ra, ngày 28/12/2012, gia đình anh đã làm đơn trình báo sự việc có người làm chứng ghi rõ họ tên, gửi Công an tỉnh Bắc Giang và Công an huyện Yên Dũng đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ người đã "ra gậy", trả lại sự công bằng cho vợ anh. Tuy nhiên, đến chiều ngày 1/1, anh Tài cho biết, gia đình chưa nhận được hồi âm chính thức nào từ phía cơ quan công an.

Chị Sen thẫn thờ lo cho số phận đứa con và mong muốn các cơ quan chức năng làm rõ sự việc để trả lại sự công bằng cho chị. 

Cho biết về diễn tiến sự việc, ông Nguyễn Văn Sơn - Trưởng Công an huyện Yên Dũng (Bắc Giang) khẳng định: Công an huyện Yên Dũng đã tiếp nhận được đơn trình báo của gia đình anh Nguyễn Văn Tài. Hôm đó, tổ CSGT huyện Yên Dũng gồm 3 đồng chí làm nhiệm vụ. Hiện sự việc đang được cơ quan chức năng làm rõ.

Tuy nhiên, ông Sơn cũng cho biết rằng qua xác định bước đầu không có chuyện CSGT dùng gậy vụt người đi đường như đơn phản ánh của phía gia đình anh Tài mà do 2 vợ chồng anh Nguyễn Văn Tài và chị Tống Thị Sen thấy lực lượng CSGT làm nhiệm vụ, hoảng hốt nên... tự ngã.

Trước thông tin về việc 3 cán bộ công an huyện Yên Dũng đã trực tiếp "thân chinh" xuống tận Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) đê thăm thai phụ Tống Thị Sen, ông Sơn cho rằng, vụ tai nạn xảy ra khi tổ công tác làm nhiệm vụ nên cơ quan cử người xuống thăm nạn nhân chỉ là vấn đề cá nhân.

Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc.

Anh Thế - Quốc Đô

Bà Trần Thị Hài vẫn tiếp tục đấu tranh trong tù



Hải Huỳnh (Danlambao) - Hôm nay, ngày 1.1.2013 gia đình của bà Trần Thị Hài đến trại giam Bến Lớn để thăm nuôi. Buổi thăm nuôi chỉ khoảng 15 phút có công an trại giam đứng giám sát từ đầu đến cuối. Bà Hài đã ốm đi rất nhiều do chưa thích nghi với điều kiện sống khắc nghiệt trong tù. Tuy nhiên, tinh thần của bà Hài rất kiên cường và cứng rắn. Khi người nhà nhắc đến những người bạn dân oan khác thì bà Hài xúc động khóc. Bà cũng khẳng định với công an trại giam biết là bà khóc vì thương hoàn cảnh của những người bạn chứ không hề gục ngã cho số phận của bà trong tù. Gia đình gởi cho bà ít thức ăn ít thuốc men và áo quần chăn mền.

Đặc biệt, khi được người nhà chuyển lời của bạn đọc Dân Làm Báo và mọi người khắp nơi gửi đến hỏi thăm, bà Hài đã tỏ ra rất vui mừng. Qua người nhà, bà Hài cám ơn lời thăm hỏi của bạn đọc xa gần, của Dân Làm Báo và bà cho biết: ''Dù trong chốn lao tù, tôi vẫn đấu tranh chống bất công và cho những người tù chính trị khác về các chế độ hà khắc, phân biệt trong tù. Tôi sẽ luôn đấu tranh!". 

Ngay trong nhà tù Bến Lớn, nhiều người biết chuyện đều nói rằng bà Hài là Bùi Hằng thứ 2 trong tù.

Bà Trần Thị Hài cho biết là bà không hề chấp nhận bản án tù quá phi lý và bất công như thế này. Bà và gia đình quyết phản đối đến cùng. Bà tuyên bố là không thèm đi giám đốc thẩm vụ án này. 

"9 tháng trong nhà tù là 9 tháng tôi chuyển cuộc đấu tranh từ nhà tù lớn để vào đấu tranh trong tù nhỏ. Đừng hòng mà bạo quyền khuất phục được tôi". Bà Hài khẳng định sẽ không thèm viết bất cứ cái gì trong tù nữa chứ đừng mong bà viết đơn ăn năn nhận tội xin khoan hồng. 

Khi phóng viên đề cập việc sẽ công khai địa chỉ và số phone của gia đình bà Trần Thị Hài, phía gia đình bà đồng ý để Dân Làm Báo đăng công khai địa chỉ và số phone của gia đình bà như sau:

Chồng bà Trần Thị Hài là ông Đỗ Thành Huân.

Số nhà: 31/7 Khu phố 4, Phường Phú Lợi, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương 

Số điện thoại: 0650- 3 822 152. (Lưu ý mã vùng của Bình Dương là 0650 còn của tỉnh Bình Phước là 0651).

Từ nước ngoài muốn gọi về cho gia đình bà Trần Thị Hài thì bấm như sau: 0084 650 3 822 152 hoặc là: +84 650 3 822 152 .

Qua đây chúng tôi cũng kêu gọi sự quan tâm của bạn đọc xa gần dành cho gia đình của bà Trần Thị Hài. Mọi sự thăm hỏi, khích lệ dành cho bà Trần Thị Hài chẳng những an ủi chia sẻ cho cá nhân họ mà còn làm tăng niềm tin cho những ai đã, đang và sẽ dấn thân cho lẽ phải và công lý trên Đất mẹ Việt Nam yêu quý. 

Hải Huỳnh