THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

05 May 2012

Đơn tố giác nghi vấn giả tài liệu của Chính phủ




Vụ Ecopark-Văn Giang: 

Đơn tố giác nghi vấn giả tài liệu của Chính phủ 

Posted by basamnews on 05/05/2012

















Nguồn: Ba Sàm

Cháy tàu tại cảng Dung Quất, 2 người bị phỏng nặng



Thứ Bảy, 05/05/2012 13:05

(NLĐO) - Sáng sớm 5-5, tại cầu cảng số 1 Dung Quất (xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn - Quảng Ngãi), một ngọn lửa cao gần 3 m đã bùng phát dữ dội trên con tàu vừa cập cảng làm hai người bị phỏng nặng.

Theo những ngư dân đánh bắt thủy sản gần cảng số 1 cho biết vào thời điểm trên (khoảng 3 giờ sáng), một ngọn lửa cao bùng phát trên thân tàu do ông Đặng Quốc Bình (56 tuổi) làm chủ. Sau đó, ngọn lửa nhanh chóng lan rộng và bao trùm cả con tàu tạo nên một đám cháy sáng rực khu vực cảng. Người dân chỉ kịp nghe tiếng hô hoán, kêu cứu của ông Bình và con ông là Đặng Văn Hiếu (39 tuổi).
 
Nạn nhân Đặng Văn Hiếu đang trong tình trạng nguy kịch                Ảnh: Hoàng Dũng
Những ngư dân này cho thuyền đến cứu cha con ông Bình thoát khỏi đám cháy. Ngay sau đó, 2 nạn nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Bình Sơn cấp cứu. Sau khi sơ cứu, do bị phỏng quá nặng, Bệnh viện Đa khoa Bình Sơn đã chuyển hai nạn nhân đến Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng cấp cứu.
Được biết, tàu của ông Bình chuyên chở kỹ sư, công nhân làm việc tại khu kinh tế Dung Quất đi lại trên biển để làm việc chứ không phải là tàu chở nhiên liệu.
 
Lúc 10 giờ, ngày 5-5, Khoa bỏng và phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng đã tiếp nhận 2 nạn nhân. Bác sĩ Đỗ Văn Hùng, Trưởng Khoa Bỏng và Phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, cho biết bệnh nhân Bình và Hiếu nhập viện trong tình trạng cháy đen toàn thân và sức khỏe rất nguy kịch. Trong đó, bệnh nhân Bình bị bỏng 76%. Bệnh nhân hiếu bị bỏng đến 83%.
 
Theo lời kể của ông Đặng Hồng Lân, em ruột của bệnh nhân Bình, khoảng 3 giờ cùng ngày, sau khi tàu của gia đình anh cập cảng, cha con ông Bình mở bình gas nấu mì tôm ăn sáng. Khoảng 5 phút sau, dây gas bị vỡ gây cháy. Ngay sau đó, ngọn lửa bùng cháy cả tàu. 

Niêm Hà - Hoàng Dũng

Vụ tai nạn trên núi Cấm: Tiếng đá lăn như tiếng trời gầm



Thứ Bảy, 05/05/2012 11:27

(NLĐO)- Khoảng 8 giờ 20 phút, ngày 5-5, đoạn gần Vồ Cứu Nạn đường lên núi Cấm, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên – An Giang đã xảy ra vụ sạt lở đá đè chết 5 khách du lịch cùng tài xế trong xe lữ hành đang đưa khách xuống núi.

 
Theo thông tin ban đầu, vào thời điểm trên, chiếc xe ô tô BKS 67M 1065 thuộc Công ty Cổ phần Du lịch An Giang chở 6 người xuống núi, khi đến đoạn Vồ Cứu nạn, bất ngờ từ trên cao, một tảng đá nặng hàng trăm tấn bị sạt lở, lăn xuống đè bẹp chiếc xe lữ hành. Ngoài ra, chiếc xe máy ở gần đó của người dân địa phương cũng bị tảng đá đè bẹp dúm.
 
Theo ghi nhận của PV tại hiện trường, có 4 khối đá khổng lồ bị sạt lở. Trong đó, khối đá đè bẹp dúm chiếc xe ô tô đã theo đà lăn thẳng xuống vách núi bên dưới.
 
Các du khách bị nạn đều cùng quê Tiền Giang

Đến chiều cùng ngày, các cơ quan chức năng đã tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và tìm cách khắc phục hậu quả.
 
Các nạn nhân xấu số bao gồm: Trương Hoàng Tâm (30 tuổi, tài xế,  ngụ ấp Thiên Tuế, xã An Hảo), Võ Hoàng Phương (SN 1971), Trần Văn Lèo (SN 1980), Võ Văn Nhẹ (SN 1980), Nguyễn Văn Ngà (SN 1952) và Võ Văn Lý (SN 1982).

Hai nạn nhân bị thương nặng gồm Nguyễn Văn Đủ và Phạm Văn Tâm đang điều trị tại bệnh viện trong tình trạng gãy tay và chân. 
Ngoài tài xế là người ở địa phương, tất cả các nạn nhân còn lại đều là khách hành hương người Tiền Giang.

Trong cái nắng chang chang như đổ lửa, bà Trần Thị Thu (59 tuổi) cầm chiếc ô đứng lóng ngóng tại hiện trường, nước mắt lăn dài trên má. Bà cho biết, tất cả những du khách bị nạn đều là bà con trong dòng họ của mình, cả đoàn có đến 10 người đi vía bà Chúa Xứ núi Sam vào chiều hôm qua. Sáng nay (5-5), 7 người trong đoàn lên núi Cấm viếng chùa và thuê xe của Công ty Cổ phần Du lịch An Giang xuống núi và gặp nạn.
 
 
Bà Thu chết lặng khi hay tin bà con mình gặp nạn
 
“Hôm qua, cả đoàn con cháu và người thân trong gia đình bao xe lên cúng chùa bà xin lộc nhân dịp Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam. Sáng hôm sau, đoàn tiếp tục đến núi Cấm để cúng chùa Phật Lớn, riêng tôi và 2 đứa con chưa lịp lên núi thì hay tin cả đoàn đi trước chết gần hết. Nhờ đứa cháu bị thương điện thoại cho hay nên tôi mới biết. Nghe nó nói mà muốn chết đứng trong người và cầu mong cho trong đoàn còn người sống sót. Thằng Phương (con rể bà Thu) nó chết rồi thì con gái và cháu tôi không biết sẽ sống ra sao đây”, bà Thu nói trong nước mắt.
 
Chiếc xe bị nạn nằm cheo leo bên vách núi

Anh Trần Long Hộ, một tài xế khác chạy phía sau xe gặp nạn cho biết: Lúc đó, xe anh chỉ cách xe anh Tâm khoảng 100 m. Khi nhìn thấy phía trước xuất hiện những ngụn khói, bụi cao mù mịt và có nghe tiếng nổ, anh Hộ nghĩ rằng đó chỉ là vụ nổ bom, mìn. Tuy nhiên, khi đến gần thì anh chết lặng người khi thấy chiếc xe bị đè dẹp lép và nằm cạnh những khối đá khổng lồ.

“Khi dừng xe đến gần thấy anh Tâm và mọi người bị ép chết trong đó là tay chân tôi run rẩy. Anh Tâm cũng là người sống cùng địa phương với tôi trên núi Cấm. Tâm vào lái xe cho công ty được gần 3 năm nay và chưa có vợ con gì cả”, anh Hộ nói.

Còn anh Chau Oanh, một người dân sống dưới chân núi Cấm cho biết, vào thời điểm đó, anh đang làm vườn thì nghe nhiều tiếng nổ lớn phát ra từ đoạn gần khu vực thoát nạn trên núi. Khi nhìn lên, anh thấy nhiều khối đá to lăn từ trên cao xuống và kèm theo khói, bụi.

Anh Oanh nói: “Nghe tiếng đá lăn mà tôi tưởng đâu trời gầm và định dọn đồ về nhà nghỉ. Không ngờ nhìn lên núi thì thấy có một chiếc xe nằm sát vách núi và sau đó nghe chiếc xe đó đã bị đá đè rồi lên coi thử. Nhìn thấy người ta chết nằm la liệt mà tôi phát sợ nãy giờ”.

Sau gần 6 giờ xảy ra tai nạn, các ngành chức năng trong tỉnh đã đến lập biên bản hiện trường, đưa các nạn nhân ra khỏi chiếc xe gặp nạn và làm các thủ tục xét nghiệm cũng như giao lại thi thể cho người nhà nạn nhân về quê chôn cất.
 
Cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường
 
Những hình ảnh lở đá kinh hoàng ở núi Cấm

Chiều cùng ngày, ông Ngô Hồng Yến, Chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên, cho biết trước mắt, UBND huyện cùng với Ban quản lí khu du lịch Núi Cấm hỗ trợ mỗi nạn nhân tử vong 14 triệu đồng và hai nạn nhân bị thương nặng mỗi người được hỗ trợ 1,5 triệu đồng.

Riêng về những khói đá khổng lồ vẫn còn nằm ngổn ngang và chắn hết cả lối lên xuống núi sẽ được khẩn trương di dời.

Do vụ tai nạn xảy ra ngay vào dịp cuối tuần nên lượng khách còn mắc kẹt trên núi Cấm khá lớn. Tuy nhiên, đến chiều cùng ngày, lượng khách đã giảm đáng kể vì phần lớn khách tự đi bộ hoặc thuê xe ôm từng đoạn xuống núi.  
Tin-ảnh: Thốt Nốt

Gọi người thiểu năng trí tuệ đăng ký nhập ngũ



Thứ Bảy, 05/05/2012 19:15

(NLĐO) - Chuyện ngỡ như đùa nhưng có thật đến… 100% tại phường Phú Tài (TP Phan Thiết – Bình Thuận).

 
Ông Hùynh Văn Nam và bà Nguyễn Thị Mạnh (ở khu phố 2, phường Phú Tài, TP Phan Thiết – Bình Thuận) ngỡ ngàng khi nhận lệnh của Ban Chỉ huy quân sự thành phố gọi con trai là Hùynh Xuân Thành (17 tuổi) đăng ký nghĩa vụ quân sự, trong khi em này bị thiểu năng trí tuệ đang theo học tại Trường Tình thương khuyết tật câm điếc của tỉnh.
 
Lệnh gọi đăng ký NVQS làm gia đình ông Nam “dở khóc dở cười”

Trao đổi với phóng viên về trường hợp “dở khóc dở cười” này, chiều 5-5, một cán bộ phường (thành viên Hội đồng NVQS phường Phú Tài) cho biết: “Đây là lệnh gọi đăng ký tuổi 17 nên bất kỳ thanh niên nào trong độ tuổi này thì gọi hết”. 
 
Xem ra lời giải thích này không ổn vì theo quy định khi tuyển chọn công dân nhập ngũ, chính quyền địa phương phải thực hiện phương châm “3 gặp, 4 biết”.
 
Hơn nữa, ông Nam, cha em Thành hiện là trưởng khu phố thì chuyện em Thành bị thiểu năng trí tuệ, làm sao phường không biết (!?).
Tin-ảnh: L.Trường

Cảnh sát Thái tóm gọn 35 kẻ lừa đảo Trung Quốc



Thứ Bảy, 05/05/2012 18:32

(NLĐO) - Ngày 4-5, cảnh sát Thái Lan vừa bắt giữ một băng nhóm người Trung Quốc chuyên lừa đảo qua điện thoại tại một ngôi nhà sang trọng bên bờ biển phía Đông tỉnh Chon Buri (Thái Lan).

Băng nhóm lừa đảo bị bắt ở Chon Buri

Phó cục trưởng Cục xuất nhập cảnh Chartchai Lamfang và Ittipol cho biết hơn 20 sĩ quan cảnh sát đã được điều động tới căn nhà ở quận Bang Lamung tỉnh Chonburi sau khi điều tra và xác nhận băng nhóm tội phạm này trú ngụ ở đây. Cảnh sát Thái Lan đột kích bất ngờ và tóm gọn 22 đối tượng là công dân Trung Quốc, trong đó có 20 nam và 2 nữ, cầm đầu là tên tên Liu Jian, 33 tuổi cũng là người đứng tên thuê nhà ở đây.
 
Ngoài ra, cảnh sát còn thu giữ được tang vật gồm 26 điện thoại cố định, 20 điện thoại di động, 2 máy tính xách tay và các trang thiết bị khác để phục vụ kết nối internet. Ngôi nhà này được chúng thiết lập tổng đài trung tâm và nhận tiền chuyển khoản từ các nạn nhân “nhẹ dạ cả tin”.



Những tang vật thu được tại hiện trường


Đây là vụ bắt giữ thứ hai các băng nhóm lừa đảo lớn trong 2 ngày qua ở Thái Lan, trong đó cuộc truy bắt nhóm ở Chon Buri được tiến hành theo tin tức khai thác từ nhóm 13 kẻ lừa đảo người Trung Quốc bị bắt giữ hôm 3-4 tại khu vực quận Chaengwattana.
Theo cảnh sát điều tra, hai băng nhóm này có sự cấu kết với nhau.
 
Căn nhà những kẻ lừa đảo thuê ở Chon Buri làm trụ sở


Cầm đầu băng nhóm ở Chon Buri là Liu Jian, 33 tuổi, là người đứng tên thuê căn nhà làm trụ sở cho cả nhóm với giá 90.000 Baht (tương đương gần 3.000 USD).
 
Băng nhóm này chia thành 4 nhóm để cạnh tranh với nhau “nâng cao hiệu quả” trong việc “săn tìm con mồi” là các nạn nhân ở Trung Quốc và Đài Loan.
 
Thủ đoạn những kẻ này thường dùng là mạo danh các nhà chức trách của cơ quan chính phủ, khi có người gọi đến chúng nói rằng tài khoản ngân hàng của họ có vấn đề, ra chiêu lừa gạt và đe dọa khiến các nạn nhân sợ hãi chuyển tiền vào tài khoản của chúng. 
Tổng kết mỗi kì, nhóm nào “thu” được số tiền lớn nhất sẽ được thưởng đậm.

 
Theo ông Col Chartchai thì mỗi ngày băng nhóm này lừa được khoảng 100 triệu Baht (tương đương 3,24 triệu USD) và sau hai tháng hoạt động những kẻ lừa đảo này có “thu nhập” hơn 6 tỉ Baht (khoảng 200 triệu USD).
Linh San (Theo Thailandnews)

Xe Camry mới mua bị trộm 4 bánh



Sau một đêm, chiếc Camry vừa được gia đình anh Tiếu (thành phố Pleiku) mua về gửi ở rẫy cà phê đối diện nhà đã bị mất 4 bánh.

Khoảng 5h sáng 5/5, người nhà anh Trương Phước Tiếu thức dậy tập thể dục, tá hỏa khi phát hiện chiếc Toyota Camry vừa mua đã mất hết bánh xe. Chiếc xe tải 2,5 tấn đậu kế bên cũng trong tình trạng tương tự. Thay vào vị trí những bánh xe là 8 viên đá loại xây móng nhà.
Bánh xe Camry bị trộm tháo mất. Ảnh: Tùy Phong.
Bánh xe Camry bị trộm tháo mất. Ảnh: Tùy Phong.
Anh Tiếu kể lại, vì đường Lê Thị Hồng Gấm trước nhà đang sửa chữa, thi công lại mương thoát nước nên dù sân nhà rất rộng "vẫn phải miễn cưỡng mang xe đi gửi nhờ ở rẫy cà phê đối diện".
Camera chống trộm của gia đình anh Tiếu ghi lại được hình ảnh 2 thanh niên lạ mang đồ nghề vào rẫy. Tuy nhiên vị trí đậu xe khá xa so với nhà anh Tiếu nên máy quay ghi không rõ mặt người.
Chủ nhà phải mua 4 bánh xe cũ lắp vào cho ôtô. Ảnh: Tùy Phong.
Chủ nhà phải mua 4 bánh xe cũ lắp vào cho ôtô mới. Ảnh: Tùy Phong.
Theo hình ảnh trên camera thì vụ trộm xảy ra khoảng 2h sáng. 2 thanh niên hý hoáy tháo lốp, rồi chốc chốc có tên chạy ra ngoài bưng đá móng (sẵn có ngoài đường đang thi công) kê ngay vị trí bánh xe vừa tháo.
Khoảng 4h30, ngoài đường xuất hiện một người đàn ông mặc quần đùi, áo thun cứ đi qua đi lại, nhìn vào nhà như để cảnh giới cho đồng bọn. Bọn trộm tháo hết 8 bánh xe trong 3 tiếng.
Chiếc xe tải cũng bị trộm cả 4 bánh. Ảnh: Tùy Phong,
Chiếc xe tải cũng bị trộm cả 4 bánh. Ảnh: Tùy Phong,
Sau khi trình báo công an, kiểm tra hiện trường, anh Tiếu đã mua bánh cũ đi tạm, tổng cộng hết 80 triệu đồng. Theo anh Tiếu, mỗi bánh xe Camry xịn có giá hơn 30 triệu đồng, nhưng phải đặt hàng ở TP HCM.
Công an TP Pleiku đang tiến hành điều tra vụ án.

Tùy Phong

Giải pháp lâu dài chống ùn tắc và quá tải



Để giải quyết một cách bền vững và lâu dài tình trạng ùn tắc và quá tải tại các thành phố lớn khác thì cần thiết phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp chứ không thể dựa vào công cụ phí và cấm phương tiện giao thông như hiện nay.
>Hạn chế ùn tắc không chỉ bằng việc thu phí

Các giải pháp của các nhà quản lý đưa ra thì có nhiều, nhưng tập trung chủ yếu là cấm và thu phí. Cấm ở đây là cấm các loại phương tiện nhất định lưu hành vào các thời gian cụ thể trong thành phố. Thu phí là các giải pháp thu theo từng mức và sử dụng các công cụ khác nhau để giám sát.
Theo tôi, các biện pháp này nếu được áp dụng có thể có hiệu quả nhưng chỉ là trước mắt vì nó không thể đối phó một cách lâu dài. Hiện nay mức tăng dân số cơ học tại các thành phố lớn diễn ra hết sức nhanh chóng và phức tạp.
Để có một giải pháp khắc phục toàn diện vấn đề trên, các nhà quản lý cần phải lấy trọng điểm đó là vấn đề quy hoạch cơ sở hạ tầng giao thông, đô thị một cách bền vững, có khoa học. Tôi xin kiến nghị 5 giải pháp cần thực hiện ngay như sau:
1. Cần xây dựng ngay các hệ thống cầu vượt thép lắp ghép để giải quyết nhanh tình trạng ùn tắc tại các nút giao thông trọng điểm trong thành phố.
Ưu điểm nổi trội là các cây cầu vượt này nhẹ thi công nhanh, được thiết kế thanh mảnh, rất phù hợp với cảnh quan, kiến trúc trong đô thị. Bên cạnh đó, cầu chủ yếu bằng kết cấu thép nên có thể dễ dàng tháo dỡ, di dời để phù hợp với những thay đổi trong tổ chức giao thông đô thị.
2. Cần di dời ngay các trường ĐH lớn ra khỏi trung tâm thành phố, các quỹ đất tại Hà Tây cũ vẫn còn đủ để quy hoạch, xây mới các cơ sở ĐH sẽ được chuyển ra (Việc di dời một số trường đại học trong thành phố ra ngoại thành đã có quyết định của Bộ Giáo dục Đào tạo và UBND TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh).
Việc có một môi trường học tập học tập, nghiên cứu độc lập là thích hợp và cần thiết. Nếu việc chuyển này được thực hiện, chúng ta sẽ giảm thiểu được tương đối mức tăng dân số cơ học cho thành phố.
3. Chuyển các cơ quan công sở, doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp nhà nước ra khỏi nội đô nhưng với cự ly gần hơn so với các trường đại học.
Cụ thể là gần các khu đô thị, việc này hết sức quan trọng vì nó khuyến khích dân cư di chuyển ra khỏi nội đô sinh sống. Hơn nữa, các khu đô thị hiện nay có một hệ thống giao thông kết nối tương đối hoàn chỉnh.
Như một số khu đô thị phía tây hoặc nam thành phố, có không ít người đã mua nhà tại các khu đô thị này. Tuy nhiên, phần lớn trong số họ lại cho thuê hoặc để không do chưa có nhu cầu chuyển đến với lập luận rằng ở nội đô đi làm gần hoặc sinh hoạt cho tiện.
Điều này vô hình dẫn đến mật độ lưu thông cũng như tập trung dân cư đông dẫn đến quá tải trong trung tâm thành phố.
4. Di chuyển các bệnh viện lớn khỏi khu trung tâm thành phố.
Như chúng ta đã biết, khi điều trị cho một người bệnh, đặc biệt là các bệnh nhân từ tuyến dưới được chuyển lên, ngoài đội ngũ các y bác sỹ được phân công, số người nhà đi theo chăm sóc bệnh cho nhân không phải là nhỏ.
Việc sinh hoạt, đi lại của họ vừa kéo theo tình trạng quá tải trong bệnh viện, đồng thời cũng là một sức ép không nhỏ đối với tình trạng quá tải và kẹt xe hiện nay.
Sẽ có một vài ý kiến cho rằng nếu chuyển các bệnh viện lớn khỏi khu trung tâm thành phố sẽ khó cho việc di chuyển từ trung tâm thành phố đến đó do quãng đường xa, gây nguy hiểm cho tính mạng người bệnh nếu không được đưa đến kịp thời.
Như đã nói ở trên, việc chuyển bệnh viện chỉ được thực hiện khi các khu đô thị hiện nay có một hệ thống giao thông kết nối tương đối hoàn chỉnh, phải có đầy đủ bệnh viện, trường học, khu vui chơi giải trí là điều kiện tiên quyết khi quy hoạch và xây dựng.
5. Cần có chính sách phát triển kinh tế xã hội tương đối đồng đều, cụ thể là giảm sự chênh lệch giữa các vùng, miền so với các thành phố lớn.
Hiện nay sự chênh lệch về mức sống, thu nhập, cơ sở hạ tầng ở hai thành phố lớn là Hà Nội, TP HCM so với các tỉnh thành khác trong cả nước là khá cao.
Một lượng dân cư rất lớn đổ về làm ăn, sinh sống, với mục tiêu là “bằng giá nào cũng phải bám trụ lại”. Việc này thực sự đã tạo nên một sức ép tăng dân số cơ học rất lớn, gây khó khăn trong việc quy hoạch cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông và là nguyên nhân chính gây ra tình trạng ùn tắc và quá tải tại đây.
Để giải quyết một cách bền vững và lâu dài tình trạng ùn tắc và quá tải tại Hà Nội và TP HCM thì cần thiết phải thực hiện đồng bộ các giải pháp trên.
Tuy nhiên cũng cần phải có thời gian và ngân sách để biến nó thành hiện thực. Các biện pháp hiện tại có thể là cần thiết nhưng trước mắt chỉ mang tính đối phó, hoặc theo kiểu đuổi theo chứ không giải quyết được gốc gác của vấn đề.
Điều đáng buồn là trong các cuộc họp, các giải pháp được nhà quản lý đưa ra hiện nay đều không nhắc gì hoặc đề cập rất ít đến các giải pháp trên mà chỉ chăm chăm đến việc thu phí và cấm phương tiện.
Nó diễn ra trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới suy thoái, cuộc sống của người dân đang hết sức khó khăn. Tôi nghĩ, các loại mức phí đưa ra đều không có đánh giá và điều tra cụ thể, không tính tới yếu tố công bằng trong việc sử dụng phương tiện, dẫn đến gây bức xúc trong dư luận và nhân dân.
Kỳ họp quốc hội thứ 3 khóa XIII đang đến gần, tôi thiết tha mong muốn được gửi đến các nhà quản lý, các đại biểu quốc hội là đại diện cho người dân những suy nghĩ, tâm huyết của mình để có một giải pháp bền vững trong việc giải quyết vấn đề ùn tắc và quá tải tại các thành phố lớn.
Nguyễn Tuấn Nghĩa

Thân già lặn lội mưu sinh


“Ngày mưa gió không ai đi thì mình đi. Những cái bì ướt, bẩn không ai nhặt thì mình nhặt, giặt, phơi rồi gom lại bán…”, bà cụ Nguyễn Thị Phải giũ mạnh mấy cái bao tải rách bới từ đống rác bẩn trong chợ Long Biên, tâm sự.

Bà Phải sống một mình ở cái xóm trọ nghèo dưới chân cầu Long Biên (Hà Nội) đã hơn 30 năm. Bà nhặt những cái bì rách, bẩn bán kiếm sống qua ngày. Mỗi cân bì, túi ấy chỉ bán được nghìn rưởi bạc, nhưng bà quyết không ăn xin. Bà bảo: "Còn chưa liệt, bà còn làm việc, khi nào không làm được nữa, bà sẽ trở về quê, với các cụ".
Nhà bà Hiền ở Văn Điển. Bà có hai con nhưng cả hai đều nghèo. Hơn 40 năm qua, bà lang thang ở Hà Nội, hết cắm lều trên đê sông Hồng rồi lại ngủ trong nhà chờ xe buýt. Từ năm 1995, Ban quản lý cầu Long Biên thương bà neo đơn cho bà ở trong hốc gầm cầu này.
Bà Hiền năm nay đã 79 tuổi. Bà sống bằng nghề bán nước ngay dưới chân cầu. Ở đây, khách chủ yếu là người đến thu mua đồng nát, đi xe ôm. Họ ra uống nước cho bà đắt hàng
Ai cũng thương bà. Những lúc có việc phải chạy qua chạy lại đun ấm nước, lấy gói kẹo, mọi người đều để mắt trông hàng cho bà.
23h, chợ đêm phố cổ, cụ Thoa vẫn đứng bán mấy hộp kẹo cao su. Người mua trả tiền nhưng chẳng ai nỡ lấy hàng của cụ. Cụ Thoa quê ở Thanh Hóa, đã 85 tuổi nhưng ngày nào cũng vậy, cụ thất thểu ở đây kiếm vài đồng sống cho qua tuổi già.
Ở một góc phố Bảo Khánh (quận Hoàn Kiếm), hàng bánh khúc của cụ bà gần 90 tuổi đã thành quen thuộc với nhiều người hàng chục năm qua.
Ở một góc khác của Hà Nội, bên chiếc ghế đá ven hồ Hoàn Kiếm, một cụ bà ngồi bệt ngay vỉa hè, bán vài chai nước, vài gói kẹo mỗi buổi chiều chỉ để kiếm vài đồng bạc lo cho ngày hai bữa cơm tằn tiện.
Không nhà cửa, cũng chẳng nhớ quê quán ở đâu, đã 45 năm, cụ Liên lang thang khắp nơi. Ai thương thì cho cụ vài đồng. Ngày chầu trực trên phố, đêm đến, cụ về phố Hàng Chiếu, ngủ ngay trên vỉa hè, trước cửa nhà người ta. Ở những góc khuất của Hà Nội như thế này, vẫn còn nhiều nỗi vất vả của những cuộc mưu sinh cuối đời.
Hạ Phong

Cấp cứu tắc đường, bệnh nhân chết oan



Đèn ưu tiên xoay tít, còi rú từng đợt nhưng cuối cùng chiếc xe cứu thương chở bé trai bị xuất huyết não từ Đồng Nai về TP HCM phải dừng hẳn. Phía trước, dòng xe kẹt kéo dài. Khoảng 30 phút sau, bệnh nhân tử vong.

Cái chết của bé giữa tháng 3 vừa qua khiến bố mẹ (đều là bác sĩ) chỉ còn biết gạt nước mắt đưa con về quê lo hậu sự chứ không biết đổ lỗi cho ai.
"Biết trách ai đây khi tài xế xe cứu thương đã làm hết cách; cô y tá trên xe cũng đã cố hết sức. Chỉ tiếc là tại sao con mình không bị biến chứng ban sáng mà lại trở nặng đúng vào giờ kẹt xe", bố bé lặng lẽ nói.
Dù đã cố gắng hết sức nhưng vẫn áy náy, anh Hùng - tài xế của chiếc xe cứu thương chở cháu bé cho biết, nếu không kẹt xe, đoạn đường ngoài 30 km từ huyện Thống Nhất của Đồng Nai về đến Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP HCM, ước tính chỉ mất khoảng 30-40 phút.
"Hôm đó tại đoạn ngã tư Thủ Đức, xe của tôi đã không có đường thoát nên đành phải chờ. Cả phụ huynh, y tá lẫn người cầm lái đều nóng lòng. Sau gần một giờ đồng hồ thoát khỏi điểm kẹt, chưa kịp đến bệnh viện thì bé đã qua đời", bác tài xế nhớ lại.
Chiều 27/4 trên xa lộ Hà Nội đoạn quận 9, TP HCM, hai xe cấp cứu chở bệnh nhân, một của Bệnh viện đa khoa khu vực Định Quán, một của Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức chết cứng giữa dòng tắc đường. Ảnh: Thiên Chương
Một trường hợp khác, bé trai 3 tuổi ở quận 9 ăn phải trứng cóc nên ngộ độc. Bệnh nhân nguy kịch, bệnh viện địa phương không thể cứu chữa nên chuyển về Bệnh viện Nhi Đồng 2. Tuy nhiên đến cầu Sài Gòn thì bị kẹt xe.
"Khi bé đến được bệnh viện thì đã rơi vào tình trạng ngưng tim ngưng thở. Dù cố gắng hết sức song chúng tôi vẫn không thể nào cứu được bé", một bác sĩ cho biết.
Cũng tại khu vực cầu Sài Gòn, nơi thường xuyên xảy ra kẹt xe ở giờ cao điểm, mới đây chiếc xe cấp cứu chuyển bệnh từ huyện Tân Phú, Đồng Nai, đã phải loay hoay gần một giờ mới vào được đến Bệnh viện Nhi Đồng 1. Trên xe là hai bệnh nhi bị ngộ độc trứng cóc. Khi đến bệnh viện, một trong 2 bé đã qua đời, bé còn lại thoi thóp và theo nhận định của các bác sĩ, chỉ cần chậm vài phút nữa là không thể cứu sống.
Cùng rơi vào cảnh vừa lo lắng vừa ôm người thân nằm trên xe cứu thương bất động mà dòng kẹt càng ngày càng kéo dài, chiều ngày 1/5, chị Hoa nhà ở Tân Thạnh, Long An, uất ức nói: "Nếu không bị kẹt xe có lẽ em tôi đã không qua đời".
Người phụ nữ kể, em trai của chị bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não, chuyển đến bệnh viện địa phương sơ cứu nhưng do tình trạng não xuất huyết dưới màng cứng nên được chuyển về Bệnh viện Chợ Rẫy.
"Thật xui xẻo khi trên đường cấp cứu thì tắc đường, xe không làm sao qua được. Còn khoảng 20 km nữa đến bệnh viện thì em tôi đã trút hơi thở cuối cùng", chị Hoa nói.
Có người thân đang điều trị tại khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy, chị Hồ Thị Thu nhà ở Long Thành, Đồng Nai, cũng bức xúc "bệnh tai biến mạch máu não nguy hiểm, nhưng nếu chiều hôm ấy trên đường đi cấp cứu không bị kẹt xe thì bố tôi chưa chắc đã bệnh nặng như thế này". Bố của chị đang phải nằm bất động trên giường bệnh.
Các bác sĩ của khoa cũng thừa nhận, với "thời gian vàng" cấp cứu của chứng tai biến mạch máu não, nếu nhập viện sớm hơn 30 phút, bệnh nhân đã có thể được can thiệp để không phải sống đời sống thực vật.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Nơi, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Đồng Nai thừa nhận, tình trạng xe cấp cứu bị tắc đường ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân không còn lạ hiện nay. Thay vì chỉ mất 45 phút để đến TP HCM, lắm lúc xe cứu thương của bệnh viện phải mất từ một giờ đến hai giờ đồng hồ bởi kẹt xe.
"Điều này rất nguy hiểm đối với các bệnh nhân vốn đang nguy kịch, bởi chỉ có người bệnh tình rất nặng mới được chuyển viện", ông Nơi nói.
Bác sĩ Trần Vĩnh Hưng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức cũng cho biết, hiện tượng kẹt xe cấp cứu vào những giờ cao điểm là không thể tránh khỏi.
"Chúng tôi đã chữa trị hầu hết các trường hợp cấp cứu, song với những ca bệnh tim mạch mà bệnh viện chưa có máy chụp can thiệp mạch máu xóa nền, bệnh nhân buộc phải được chuyển lên tuyến trên. Trong trường hợp này, thời gian cấp cứu cho người bệnh được tính bằng phút. Nếu kẹt xe quá lâu thì mất thời gian vàng, ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân", bác sĩ Hưng nói.
Nhiều bệnh nhân đến khoa cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM trong tình trạng muộn, một trong những nguyên nhân do kẹt xe. Ảnh minh họa: Thiên Chương.
Bác sĩ Đoàn Thị Ngọc Diệp, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2 thì cho rằng, không phải cứ trường hợp nào nhập viện muộn thì bác sĩ cũng truy hỏi nguyên nhân, nhưng chuyện đến cấp cứu chậm vì kẹt xe vẫn xảy ra.
Thường xuyên tiếp nhận những ca bệnh nhân chuyển viện trong tình trạng nguy kịch, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó khoa Hồi sức cấp cứu chống độc Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho hay, bệnh nhân sốt xuất huyết, tay chân miệng, ngạt nước, rắn cắn, ong đốt, tai nạn giao thông thuộc nhóm có thể tử vong trên đường cấp cứu nếu bị kẹt xe quá lâu.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo bác sĩ Tiến, vì bệnh nhân có thể ngưng tim ngưng thở do suy hô hấp hoặc các biến chứng suy gan suy thận cấp. Ngoài ra, trang thiết bị và cán bộ y tế trên xe cấp cứu cũng không đủ để xử trí nếu sức khỏe bệnh nhân có dấu hiệu xấu dần.
Nhằm hạn chế tình trạng người bệnh tử vong vì kẹt xe khi cấp cứu vào giờ cao điểm, theo bác sĩ Tiến, bệnh viện tuyến dưới cần hội chẩn trước với bệnh viện sẽ tiếp nhận bệnh nhân chuyển đến trước khi ra y lệnh. Trên đường đi, trên xe cấp cứu cần trang bị thêm bình ôxy, máy theo dõi nhịp tim. Trong trường hợp bệnh nhân quá nặng, thay vì điều dưỡng đưa đi thì phải là bác sĩ.
Nói về thực trạng này, hầu hết các bác sĩ tuyến cuối tại TP HCM đều cho rằng, việc tăng cường trang thiết bị điều trị và nhân lực cho bệnh viện các tỉnh, bệnh viện cửa ngõ thành phố là điều cần thiết.
"Việc làm này về lâu dài sẽ giải quyết được tình trạng bệnh nhân từ tỉnh ngoài cứ phải vào thành phố để cấp cứu. Tăng cường trang thiết bị và đội ngũ y bác sĩ cho bệnh viện tuyến dưới sẽ giảm bớt việc chuyển viện cho người bệnh. Người bệnh vừa không gặp nguy hiểm; bệnh viện tuyến trên lại không rơi vào tình trạng quá tải", một bác sĩ nói.
Thiên Chương