THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

05 April 2012

Đánh bắt trái phép, ngư dân Trung Quốc bị bắn chết

Thứ Năm, 05/04/2012 11:48

(NLĐO) - Cảnh sát Palau, một đảo quốc trên Thái Bình Dương – cách phía đông Philippines khoảng 800 km, đã bắn chết một ngư dân Trung Quốc sau khi một tàu cá nước này đánh bắt trái phép trong vùng biển Palau.

Theo cáo buộc của phía Palau, một tàu cá Trung Quốc bị phát hiện đánh bắt trái phép trong vùng biển nước này ngày 31-3. Cảnh sát Palau đã bắn cảnh cáo rồi bắn vào động cơ khi chiếc tàu không chịu dừng lại theo yêu cầu, khiến 1 trong số 6 người trên thuyền Trung Quốc tử thương.
"Không cảnh sát nào nhắm bắn người trên tàu cá. Người thiệt mạng có thể do bị viên đạn nẩy ra từ động cơ ghim trúng vào đùi và tử vong trước khi được đưa vào bệnh viện” – cảnh sát Palau cho biết.

Ngư dân Trung Quốc bị bắn chết do đánh bắt trái phép ở Palau
Ngoài ra, phía Palau cho biết một máy bay đã mất tích khi đang truy tìm chiếc tàu mẹ của tàu cá Trung Quốc. Các thủy thủ trên tàu mẹ đã tự đốt tàu khi bị truy đuổi. 20 ngư dân Trung Quốc được cứu khỏi tàu cháy nhưng bị buộc tội xâm nhập và đánh cá trái phép trên vùng biển Palau.

Trên máy bay mất tích có 1 phi công và 2 cảnh sát. 3 tiếng sau thời điểm lẽ ra phải quay về, phi công đã điện đàm cho biết hệ thống lái bị hư và máy bay đang cạn nhiên liệu.
Thông báo của cảnh sát Palau cho biết: “Sĩ quan Earl Decherong trên máy bay gọi về báo họ dự định hạ cánh trên biển và họ không thể trông thấy đất liền hay ánh sáng”. Hiện vẫn chưa có dấu hiệu gì của máy bay lẫn người dù lực lượng cứu hộ đã ra sức tìm kiếm.
Siêu du thuyền Octopus tham gia tìm kiếm máy bay mất tích. Ảnh tư liệu: AP

Cùng tham gia tìm kiếm có siêu du thuyền Octupus của ông Paul Allen, đồng sáng lập Microsoft. “Thuyền trưởng Octopus liên lạc với lực lượng Bảo vệ bờ biển Palau trong những ngày tìm kiếm qua” – người phát ngôn của ông Allen thông báo.
Palau canh giữ hải phận cực kỳ nghiêm ngặt kể từ khi họ công bố công viên cá mập đầu tiên trên thế giới năm 2009. Họ cấm đánh bắt cá mập trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Với tội xâm nhập bất hợp pháp, Palau ra hình phạt 2 năm tù và 50.000 USD tiền phạt.
Bằng Vy (Theo AP, AFP)

Thủy quân lục chiến Mỹ bắt đầu chiến dịch triển khai tại Úc

Thủy quân lục chiến Mỹ bắt đầu chiến dịch triển khai tại Úc

05/04/2012


Đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ vừa đến căn cứ Darwin của Úc ngày 04/04/2012.

Trọng Nghĩa
-

Đúng theo kế hoạch dự kiến, khuya hôm qua, rạng sáng hôm nay 04/04/2012, 200 lính thủy quân lục chiến Mỹ đã đặt chân xuống căn cứ Darwin miền Bắc nước Úc. Đây là đơn vị tiền trạm của một lực lượng sẽ bao gồm 2.500 quân từ nay đến năm 2016, được Hoa Kỳ triển khai trong khuôn khổ chiến lược gọi là chuyển dịch lực lượng qua vùng châu Á Thái Bình Dương, sẵn sàng ứng phó với đà vươn lên của Trung Quốc.

Việc triển khai thủy quân lục chiến tại Darwin đã từng được chính Tổng thống Mỹ Barack Obama loan báo nhân chuyến công du nước Úc vào tháng 10 năm ngoái, khi ông khẳng định chủ trương tăng cường hợp tác quốc phòng với đồng minh lâu đời của Hoa Kỳ.

Trong một bản tuyên bố chung công bố hôm nay, cả Thủ tướng Úc Julia Gillard, lẫn Bộ trưởng Quốc phòng Úc Stephen Smith đều nhấn mạnh đến khía cạnh liên minh quân sự từ hơn 60 năm nay giữa Úc và Mỹ, khi cho rằng việc lính Mỹ đến Darwin chỉ là một bước chuyển mới của công cuộc hợp tác từ trước đến nay giữa hai quân đội đồng minh. Cả hai cũng khẳng định rằng Hoa Kỳ sẽ không có căn cứ thường trực tại Úc.

Lời khẳng định của hai lãnh đạo Úc rõ ràng là nhằm trấn an Trung Quốc, vốn rất bực tức trước việc Hoa Kỳ chuyển dịch trọng tâm quốc phòng qua vùng châu Á Thái Bình Dương. Bắc Kinh từng lên tiếng tố cáo Hoa Kỳ vẫn mang nặng “tâm lý thời chiến tranh lạnh” khi quyết định đưa thủy quân lục chiến đến Darwin.

Giáo sư Vương Tập Tư, hiệu trưởng rất có uy tín của Trường Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, trong một bài viết mới đây, đã thẳng thừng cho là Trung Quốc tin chắc rằng Hoa Kỳ đang tìm cách kềm hãm đà vươn lên của Trung Quốc.

Nếu Bắc Kinh bực bội, thì quyết định của Mỹ lại trấn an được nhiều nước châu Á, từ Việt Nam, Philippines cho đến Nhật Bản, vốn không ngừng bị Trung Quốc lấn lướt trong thời gian gần đây. Theo các nước này, việc Hoa Kỳ xoay trục qua vùng châu Á Thái Bình Dương thể hiện quyết tâm của Washington sẵn sàng bảo vệ đồng minh và lợi ích của mình trong khu vực, nếu Trung Quốc làm quá.

Trên bình diện thuần túy quân sự, không phải là ngẫu nhiên mà Hoa Kỳ lại muốn cắm lực lượng tại Darwin. Đại sứ Mỹ tại Úc Jeffrey Bleich vào hôm nay nhận định là từ căn cứ này ở miền Bắc nước Úc, người ta có điều kiện ra thẳng Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, Biển Đông Timor và tất cả các tuyến đường thương mại xung quanh.

Theo giáo sư François Godement, chuyên gia Pháp về Trung Quốc, việc đồn trú thủy quân lục chiến tại Darwin mang lại cho lực lượng phản ứng nhanh của Mỹ một lợi thế không nhỏ. Trả lời RFI, ông phân tích :

Đây hiển nhiên là một phần trong chiến lược gọi là chuyển trục (pivot) mà chính quyền Obama đã thông báo, và sự triển khai này tương ứng với sự thành lập một căn cứ thủy quân lục chiến Mỹ nhìn thẳng ra vịnh Timor, nằm ngay sau lưng Indonesia.

Căn cứ này rõ ràng sẽ là một địa bàn cho phép tung quân ra xa một cách nhanh chóng, vì nó sẽ được trang bị bằng tàu chuyển quân cao tốc, cho phép triển khai lực lượng can thiệp ra toàn vùng một cách mau lẹ. Tóm lại đây quả đúng là một hành động tăng cường lực lượng.

Tuy nhiên, ta cũng phải nhìn sự kiện này ở một góc độ khác. Darwin cách Trung Quốc 2.500 cây số, nằm ở phía sau quần đảo Indonesia. Việc Mỹ tăng cường lực lượng ở đấy cũng là một cách để họ mặc nhiên công nhận là các căn cứ của họ ở tuyến đầu như Okinawa bắt đầu bị hỏa tiễn đạn đạo tầm ngắn hay tầm trung của Trung Quốc đe dọa.

Theo tôi, việc Mỹ trú quân tại Darwin là một cách để Hoa Kỳ có thêm một chỗ trú tốt cho lực lượng tiến công nhanh của họ, trên một lãnh thổ mà rõ ràng là sự hiện diện của lính Mỹ không bị xét lại về mặt chính trị ».

Dẫu sao thì việc đóng quân tại Darwin chỉ là một thành tố trong chủ trương tăng cường sức mạnh quân sự của Mỹ tại vùng châu Á Thái Bình Dương thông qua nước Úc. Canberra vào tuần trước cho biết có thể cho phép Hoa Kỳ sử dụng đảo Coco của họ làm căn cứ xuất phát phi cơ do thám không người lái tầm xa.

Ngoài ra, cũng có tin cho biết là hàng không mẫu hạm và tàu ngầm tấn công hạt nhân của Hoa Kỳ cũng có thể trụ lại ở thành phố cảng Perth ở miền đông nước Úc.

Theo RFI