THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

23 January 2012

Kiếm tiền đêm giao thừa

(TNO) Bất chấp cái rét tê tái, kèm làn mưa xuân lất phất, càng gần thời khắc giao thừa, dòng người đổ về trung tâm thành phố Hà Nội càng nhiều. Và lẫn trong đám đông đổ ra đường để vui đón thời khắc thiêng liêng nhất của năm, còn có những người tìm về đây để kinh doanh.

Trong đó có chị Trần Thị Tuyết (ở xã Hải Bối, H.Đông Anh, TP.Hà Nội), một người bán mía lộc trong đêm giao thừa. Giá hai cây mía lộc có thắt dải dây màu đỏ được chị Tuyết bán 65.000 đồng.
Theo lời chị Tuyết, sau bữa cơm tất niên sớm vào lúc 16 giờ chiều cùng gia đình, hai vợ chồng chị chất đầy hơn 100 cây mía tím phóng sang khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm bán kiếm tiền.

Bán mía lộc
"Vợ chồng tôi chấp nhận bán mía lộc rẻ hơn những người khác vài giá, nên tới gần 11 giờ đêm đã bán được hơn 60 cây rồi. Cứ đà này, chỉ qua giao thừa một lát là sẽ hết hàng để hai vợ chồng về với các cháu", chị Tuyết nói.
Được biết, mía lộc tím được vợ chồng chị Tuyết mua của một thương lái ở Hòa Bình với giá không tới 9.000 đồng/cây. "Một năm có mỗi một tối. Trong khi mọi người được quây quần bên gia đình đón giao thừa, thì mình lại đội mưa rét ra ngoài, nên tôi nghĩ có bán đắt một chút cũng không sao", chị Tuyết giọng thật thà.
Theo ghi nhận của chúng tôi, quanh khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm, hay đường Bà Triệu, phố Huế, Cửa Nam, hồ Tây, Nhà hát Lớn, bốt hàng Đậu, Công viên Thống Nhất, Công viên nước hồ Tây, chùa Hà, chùa Láng, Cầu Giấy… có rất nhiều người đi bán mía lộc trong đêm giao thừa. Tuy nhiên có điều dễ dàng nhận thấy là mỗi cặp mía lộc tím được hét với giá rất cao. Có khi là 75.000 đồng, nhưng cũng có khách bị "chém" với giá 100.000 đồng cho hai cây mía lộc.
 
Một điểm bán lộc là cành hoa hải đường trên phố Kim Mã
Ngoài mía lộc, trong đêm giao thừa, dọc nhiều tuyến phố chính, các đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc, đền Ngọc Sơn, hay tại 29 điểm bắn pháo hoa tầm cao, tầm thấp tại thủ đô Hà Nội, còn có nhiều người tham gia bán "lộc". Đó là lộc bằng cành táo, bằng cành cây kèm quả trứng gà… nhưng nhiều hơn cả là lộc bằng cành hoa hải đường.
Và thay vì tập tục là đi hái lộc đêm giao thừa, thì người du xuân có thể bỏ ra vài chục nghìn để mua một cành hoa hải đường kiểu về làm lộc. Trong số những người đi bán lộc, có không ít là bạn trẻ, hay sinh viên do nhà xa, đã ở lại và nhân dịp này góp tiền kinh doanh.
Trần Vân Anh, một sinh viên Trường đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: nhóm 5 bạn của Vân Anh do không có điều kiện về quê do xa, nên sáng ngày cuối năm đã gom tiền đi sang hai huyện ven thủ đô là Đông Anh và Sóc Sơn, gom mua hoa hải đường về bán. Được biết, tùy vào khách, vào nụ hoa của cành lộc mà có giá bán khác nhau. Giá một cành lộc hoa hải đường từ 25.000 - 40.000 đồng.
 
Đêm giao thừa, quanh bờ hồ Hoàn Kiếm có nhiều người bán muối
Ngoài lộc, muối trắng cũng được nhiều người rao bán trong đêm giao thừa. Mỗi nhúm muối nhỏ được gói ghém cẩn thận trong một chiếc túi vải nhỏ. Bên ngoài được trang trí bắt mắt, cột dây màu đỏ… cũng được rất nhiều người hỏi mua.
Giá mỗi túi muối kiểu này dao động từ 15.000 - 25.000 đồng. Và khi có khách mua, người bán bao giờ cũng tặng kèm câu nói "Đầu năm mua muối, cuối năm xây nhà".
Bên cạnh đó, những quả bóng bay loại to, màu đỏ tươi, in dòng chữ "Chúc mừng năm mới" kèm một nhành hoa đào cũng đắt khách không kém. Giá mỗi quả bóng này được bán tại khu vực Q.Cầu Giấy là 40.000 đồng. Còn tại khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm, mỗi quả bóng bay loại này được bán với giá từ 50.000 - 60.000 đồng.
Bài, ảnh: Hà An

Chật kín bệnh nhân cấp cứu đêm giao thừa

(TNO) Kim đồng hồ nhích dần sang số 12, năm mới đến rất gần, tại các bệnh viện tiếng xe cấp cứu vẫn chạy ra chạy vào. Nơi đây, đội ngũ y, bác sĩ vẫn đang miệt mài nhận bệnh, cấp cứu cho từng bệnh nhân.
Nhiều trường hợp tai nạn giao thông
21 giờ ngày cuối năm, vừa bước vào khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy khung cảnh trước mắt tôi là hơn 35 giường bệnh gần như kín bệnh nhân, tràn ra cả lối đi. Và gần như suốt đêm 29 tết, trước cửa khoa Cấp cứu cứ hết lượt xe này đến lượt xe khác chuyển bệnh nhân vào.
 
Chật kín bệnh nhân cấp cứu đêm giao thừa
Trong bộ dạng hốt hoảng, chân phải xây xát tứa máu, anh P.Đ.Q (29 tuổi), ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM níu theo cáng chuyển vợ là chị C.T.N.T (27 tuổi) và con gái P.T.T.T (6 tuổi) vào cấp cứu.
Ngày cuối năm, gia đình anh tranh thủ về thăm bên ngoại ở Bến Lức, Long An lúc trên đường về thì xe anh Q. va chạm với xe máy khác.
Anh Q. xây xát nhiều chỗ, bị thương phần mềm còn chị T. bị chấn thương sọ não, bé T. thì bị gãy chân phải. Vừa ôm con, vừa nhìn sang vợ, anh Q. than: "Bố có lỗi với con, anh có lỗi với em. Cuối năm rồi mà gia đình mình ra nông nỗi này đây".
Không lâu sau, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận thêm một loạt trường hợp cấp cứu vì tai nạn giao thông. Nạn nhân là ba cha con: anh B.V.H (36 tuổi), B.N.H (13 tuổi) và B.N.H (12 tuổi), ngụ H.Cần Giờ, TP.HCM.
Vào lúc 16 giờ chiều 22.1, cả ba đang trên đường đi thăm nội ở Cần Đước, Long An trở về nhà thì va chạm với xe máy khác chạy từ trong hẻm ra.
B.N.H (12 tuổi) bị nặng nhất với cả tay và chân đều bị gãy. Hớt hải chạy vào bệnh viện lo cho chồng và 2 con trai bị nạn, vợ anh H. chỉ còn biết ôm mặt khóc: "Em đang làm bữa cơm tất niên để bố con anh về ăn mà sao giờ anh và các con lại nằm ở đây đau đớn như thế này".
Điều dưỡng Nguyễn Xuân Hương, người tiếp nhận bệnh cho biết, chỉ trong vòng chưa đầy 3 tiếng đồng hồ (từ 20 giờ đến 23 giờ đêm), bệnh viện đã tiếp nhận gần 30 ca tai nạn giao thông trong nội thành và từ tuyến dưới chuyển lên.
Xe cứu thương vừa đổ xịch ngay trước cổng khoa Cấp cứu, một trường hợp nguy kịch chuyển lên từ Bệnh viện Sa Đéc (Đồng Tháp) được vận chuyển ngay vào phòng hồi sức.
Bệnh nhân là một người đàn ông với khuôn mặt đã bị biến dạng và khắp người bết máu vì tai nạn giao thông đang thoi thóp. Trong phòng hồi sức lúc này cũng chật kín bệnh nhân, BS Nguyễn Khắc Lê Sơn và Ngô Sỹ Đại kịp thời đặt nội khí quản và tiến hành các bước hồi sức cho bệnh nhân.
 
Nhiều trường hợp cấp cứu đêm giao thừa liên quan đến tai nạn giao thông
Ngoài những ca bị tai nạn giao thông, đêm cuối năm, bệnh viện còn tiếp nhận các trường hợp gây gổ, đâm chém…
Anh N.T.H, 37 tuổi, ngụ Đắk Nông chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy lúc hơn 23 giờ đêm trong tình trạng bị chém ở cổ, tay và hông. Vì không nhịn được sự quậy phá, ồn ào của nhóm thanh niên nhậu xỉn ở cạnh nhà, anh H. lên tiếng yêu cầu giữ im lặng.
Không ngờ chỉ mười mấy phút sau, cả đám bạn của người kia kéo đến nhà và "xử" anh bằng mã tấu. Nằm trên băng ca anh H. than thở: "Cuối năm không ngờ lại phải vào bệnh viện cấp cứu, chỉ một lời nói mà chúng chém tôi ra nông nỗi này".
Gắn bó cùng bệnh nhân

Trên 70 ca tai nạn giao thông nhập viện Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu
Sáng mùng 1 tết Nhâm Thìn, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre) Phạm Quốc Tuấn cho biết: Trong ngày 22.1 (29 tết), tại đây đã tiếp nhận 74 ca cấp cứu do tai nạn giao thông; phần lớn đều xuất phát từ say rượu khi điều khiển phương tiện giao thông. Rất may, không có trường hợp nào tử vong trong số ca cấp cứu trên.
Khoa Chiến
23 giờ 50 phút, khu vực nội thành trở nên vắng vẻ, nhiều người tề tựu bên gia đình để cùng đón năm mới nhưng ở Bệnh viện Chợ Rẫy, tiếng xe cấp cứu vẫn hú còi inh ỏi, lượt này qua, lượt khác đến. Đội ngũ y, bác sĩ vẫn miệt mài nhận bệnh, cấp cứu bệnh nhân không kịp để ý thời khắc giao thừa đến rất gần.
Hơn 11 năm làm ở khoa Cấp cứu cũng chừng ấy năm BS Vũ Dzuy chưa có cái tết trọn vẹn bên gia đình.
"Đêm giao thừa ai cũng mong sum họp cùng gia đình nhưng vì công việc, vì nhiều bệnh nhân cần bác sĩ nên việc ăn tết trong bệnh viện cũng trở nên thường xuyên và lâu dần thành quen", BS Dzuy tâm sự.
Khi thời gian đã bước sang năm mới, các y, bác sĩ cũng chỉ kịp gửi lời chúc đến nhau, cùng nhau ăn ít bánh kẹo rồi lại vào guồng công việc. Điều dưỡng Nguyễn Xuân Hương đang ghi hồ sơ bệnh nhân nói: "Nãy giờ cả chục tin nhắn chúc năm mới mà tôi không có thời gian để nhắn tin chúc lại nữa".
BS trẻ Nguyễn Viết Đăng Quang tâm sự: "3 năm rồi năm nào tôi cũng ăn tết luôn trong bệnh viện. Năm ngoái, vừa xong giao thừa tôi đã phải đi mổ, đến 10 giờ sáng mới mổ xong. Niềm vui cứu sống bệnh nhân đã làm cho ngày tết thêm ý nghĩa mặc dù mình không được ở bên gia đình đêm giao thừa".
Năm nay, dù hơi chạnh lòng khi giao thừa không thể ở bên vợ đang mang bầu tháng thứ 5 nhưng điều dưỡng Lê Bá Tuyên tâm niệm: "Vì công việc đành phải hy sinh niềm vui riêng vậy. Mình tận tụy với nghề thì nghề không phụ mình. Năm rồng này, vợ chồng tôi sẽ đón con gái đầu lòng, đó cũng là động lực, niềm vui để tôi cố gắng nhiều hơn trong công việc".
Điều dưỡng sơ cứu vết thương cho bệnh nhân
Bài, ảnh: Hà Minh



Mất điện, người dân đón giao thừa trong ánh nến


(Dân trí) - Đúng thời khắc giao thừa, bỗng nhiên đèn tắt phụt. Hàng nghìn người dân chưng hửng vì không được ngắm màn pháo hoa được truyền hình trực tiếp trên truyền hình và nghe lời chúc Tết của Chủ tịch nước.


Mất điện, cả gia đình quây quần đón giao thừa trong ánh nến ấm áp

Tối ngày 22/1, vào đúng thời khắc giao thừa thì một số địa phương thuộc 2 huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên (Nghệ An) đã bị mất điện. Nguyên nhân là do công suất sử dụng điện quá lớn khiến attomat bị quá tải nên tự động ngắt nguồn điện. Ngay sau khi xảy ra sự cố, nhân viên điện lực chi nhánh Nghi Lộc đã tiến hành khắc phục sự cố, đóng lại attomat nhưng do lượng điện tiêu thụ quá lớn nên mãi đến 0h16 phút ngày 23/1, toàn bộ điện trên hệ thống mới được phục hồi.

Điện bị mất vào thời khắc giao thừa đã khiến hàng nghìn người dân bỏ lỡ màn bắn pháo hoa mừng năm mới được tường thuật trực tiếp trên truyền hình và lời chúc Tết của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Anh Sơn (xã Nghi Vạn, Nghi Lộc) cho biết: "Không được ngắm màn bắn pháo hoa tiếc lắm nhưng không thể bỏ lỡ lời chúc Tết của Chủ tịch nước nên chúng tôi tức tốc mở đài FM để nghe."

Truyền thống của các gia đình xứ Nghệ là vào thời khắc giao thừa sẽ hạ mâm cỗ cúng gia tiên trên bàn thờ xuống cho con cháu thụ lộc. Mâm cỗ đã dọn ra nhưng không có điện nên nhiều gia đình đã được đón năm mới và ăn bữa cơm đầu tiên trong năm bằng ánh nến. 


Bữa cơm đầu tiên trong năm mới bên ánh nến cũng nhiều thi vị chẳng kém

Anh Tùng (xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên) cho biết: "Mất điện vào đúng giao thừa đúng là làm Tết kém vui hơn nhưng cả nhà quây quần quanh mâm cơm, giữa ánh sáng mờ tỏ của ngọn nến cũng khá thú vị. Cảm giác thật ấm áp, thân thuộc. Ký ức một thời nghèo khó cũng trỗi dậy khiến cả nhà cũng rưng rưng xúc động. Để cho các con, các cháu chiêm nghiệm những khó khăn mà ông bà, cha mẹ đã trải qua để có được cái Tết tương đối đầy đủ như bây giờ cũng là một cách để giáo dục các con các cháu biết vượt lên khó khăn, thử thách trong cuộc sống".

Bên ánh nến mờ tỏ, mọi thành viên trong gia đình quây quần bên nhau, cùng nâng chén rượu cay nồng chào đón năm mới trở thành một kỷ niệm đẹp trong ký ức Tết của nhiều người dân. 

Quang Anh

Mỹ tăng áp lực với Việt Nam về vấn đề nhân quyền

Một phúc trình của Human Rights Watch cho biết trong năm vừa qua chính phủ Việt Nam đã đàn áp mạnh bạo các nhà hoạt động xã hội và các nhân vật bất đồng chính kiến. Phúc trình kêu gọi Việt Nam phải trả tự do ngay cho những người này. Lời kêu gọi được đưa ra vào thời điểm có các Thượng nghị sĩ Mỹ đến Việt Nam để yêu cầu chính phủ Việt Nam cải thiện thành tích nhân quyền, một điều kiện để mở rộng quan hệ quân sự song phương với Mỹ.
Ron Corben | Bangkok

Chị Bùi Thị Minh Hằng tham gia một cuộc biểu tình chống Trung Quốc ngày 17/7/2011 tại Hà Nội
Hình: hrw.org
Chị Bùi Thị Minh Hằng tham gia một cuộc biểu tình chống Trung Quốc ngày 17/7/2011 tại Hà Nội
Phúc trình của HRW công bố hôm Chủ nhật cho biết Việt Nam đã tiến hành một "cuộc đàn áp có hệ thống" trong năm 2011, kết quả đã có trên 30 người bị khởi tố về tội mà phúc trình này gọi là "đã dựa trên những điều khoản có lời lẽ mơ hồ" trong bộ luật hình sự của Việt Nam, và những người này đã bị phạt tù.

Phúc trình nói rằng các blogger, những người viết lách, những người bảo vệ nhân quyền, những người bênh vực quyền nhà đất, quyền tự do tôn giáo và nhiều loại người khác đã bị chính quyền Việt Nam chiếu tướng và phải đối mặt với sách nhiễu, hù dọa, bắt bớ, tra tấn và giam cầm.

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc của HRW đặc trách châu Á cho biết:

"Các vụ bắt bớ này nêu bật lập trường của Việt Nam về các quyền chính trị và quyền được quốc tế công nhận. Có ít nhất 33 người mà chúng tôi biết đã ngồi tù trong năm nay chỉ vì bày tỏ quyền tự do ngôn luận, lập hội hoặc hội họp ôn hòa. Các tội này đi từ chuyện cầm biểu ngữ cho đến viết blog. Toàn là những quyền lẽ ra phải được bảo vệ tại Việt Nam, bởi vì người ta đã quên rằng Việt Nam đã phê chuẩn công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị."

Trong số những người mới bị bắt gần đây có bà Bùi Thị Minh Hằng, bị phạt hai năm trong trại cải tạo.

Ông Robertson yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ duy trì áp lực lên Việt Nam để trả tự do cho những người này.

Phúc trình của HRW được đưa ra một ngày sau khi phái đoàn Thượng nghị sĩ Mỹ do hai ông John McCain và Joseph Lieberman dẫn đầu đã cảnh báo với phía Việt Nam rằng phát triển quan hệ quân sự với Hoa Kỳ tùy thuộc vào tình hình cải tiến nhân quyền tại Việt Nam.

Tường trình với các nhà báo tại Bangkok, Thượng nghị sĩ McCain cho biết ông đã nêu rõ lập trường này trong khi nói chuyện với các giới chức Việt Nam, nêu ra những quan tâm của Hoa Kỳ trước thành tích nhân quyền của Việt Nam đang xấu đi. Ông nói tiếp:

"Tôi không thấy có tiến bộ nhân quyền; trái lại, đã có một thái độ tụt hậu về vấn đề này. Tôi đặc biệt nhấn mạnh với phía Việt Nam rằng quan hệ an ninh hai nước sẽ gặp tác động trực tiếp của vấn đề nhân quyền. Cần phải nói rõ như thế, và tôi tin là họ hiểu rõ như vậy."

Việt Nam đang tìm cách phát triển quan hệ quân sự với Hoa Kỳ và đã đưa ra một "danh sách mong muốn" về các loại vũ khí trong khi tiếp phái đoàn Thượng nghị sĩ Mỹ. Không có chi tiết nào về danh sách này được công bố.

Dịp này Thượng nghị sĩ Lieberman cho biết mặc dù Quốc hội Hoa Kỳ-Việt Nam có cải tiến, nhưng vấn đề nhân quyền vẫn còn là một trở ngại:

"Chúng tôi đã nói cụ thể. Chúng tôi nói rằng có một số loại vũ khí mà Việt Nam muốn mua của Mỹ và chúng tôi muốn chuyển cho họ. Nhưng chuyện đó sẽ không xảy ra cho tới khi nào Việt Nam cải thiện nhân quyền. Nếu nói một cách thực tế, Quốc hội Mỹ sẽ không phê chuẩn chuyện bán vũ khí cho Việt Nam trừ phi có cải thiện nhân quyền tại Việt Nam."

Giáo sư Carl Thayer ở Úc, một chuyên viên về các vấn đề khu vực nói sự kiện cả chính quyền Obama lẫn Quốc hội Mỹ đều ràng buộc vũ khí với nhân quyền làm tăng thêm áp lực để Việt Nam cải tổ:

"Ta có thể kết luận rằng nếu chính quyền Obama muốn thay đổi chính sách, muốn bán vũ khí cho Việt Nam mà không cần ràng buộc vấn đề nhân quyền thì Quốc hội sẽ chận lại. Nói một cách đơn giản, Việt Nam đã được thông báo."

Cũng trong phúc trình của mình, HRW còn tố giác Việt Nam dùng biện pháp giam giữ hành chính và cưỡng bức lao động đối với thành phần gọi là tệ đoan xã hội, trong đó có những nghiện ma túy. 

HRW cho biết tính đến đầu năm 2011, khoảng 40.000 người, có cả trẻ em 12 tuổi, đã bị giam giữ trong 123 trại khắp Việt Nam.

HRW nói những trại viên phạm nội quy của trại phải đối mặt với đánh đập, tra điện, và biệt giam không có thức ăn nước uống.
 VOA

CON GÁI TÔI ĐÂU ???

Đón Xuân này tôi nhớ Xuân xưa
Hẹn gặp nhau khi pháo giao thừa…

…Mong ước tìm cô gái Xuân xưa, cho vơi bao niềm nhớ
Có ngờ đâu Xuân vắng người thơ

 Nhạc & Lời: Châu Kỳ- Ca sĩ: Đàm Vĩnh Hưng (nhạc của tui).

Nhân dịp xuân về, blog16 xin được đại diện.  Kính  chúc quý bậc trưởng thượng, quý thân hữu, quý bạn,  một năm mới An Khang, Thịnh Vượng.


Bài đọc suy gẫm:  Con Gái Tôi Đâu? tức "Vết Hằn Mùa Xuân" của tác gỉa Ngô Viết Trọng.

Noted:  Hình ảnh từ cả nghìn nguồn trên net về thảm sát Mậu Thân chỉ có tính cách minh họa.

 

Vết Hằn Mùa Xuân – Ngô Viết Trọng.

 

 Mời bạn đọc truyện ngắn nầy để nhớ lại Mùa Xuân năm nào Công Sản đã gieo rắc đau thương trên người dân vô tội. 

Dì Sáu đang giúp bà Thái lượm những hạt cứt chuột, những hạt sâu cùng những thứ khác lẫn lộn trong mấy thúng nếp thì Liên về.  Cô gái với khuôn mặt bầu bĩnh tươi như hoa, dựng chiếc xe đạp trước sân, hớn hở bước vào nhà nói như khoe khoang:
- Chào dì qua chơi! Mạ với dì thấy chiếc xe đạp của con chưa?
Hai người đàn bà đều ngừng tay nhìn ra. Một chiếc xe đạp đàn bà mới toanh láng coóng, sườn sơn màu tím óng ánh, ghi đông, vành, tăm đều sáng choang.
- Trời! Chiếc xe của công chúa có khác! Cho dì mượn đi phố một bữa đi!
Bà Thái ngắm nghía chiếc xe, mặt bà cũng tươi rói, hết nhìn Liên lại nhìn dì Sáu hài lòng, hãnh diện:
- Mất của tôi gần ba chục thúng lúa đấy! Rứa là cô ưng chi tôi cũng thỏa mãn cho cả rồi. Vô thay quần áo đi mà ra phụ mạ làm sạch sẽ ba cái nếp để lo bánh trái cho rồi! Tết ni đình chiến chắc mấy thằng anh mi cũng về. Tổ cha mi hai ngày nữa là lên mười tám rồi, phải siêng siêng lên cho mạ nhờ một tí chứ!
Liên cười qua con mắt, nũng nịu nhìn mẹ:
- Thì con lo học chứ có lười nhác đâu nào! Mạ lo chuẩn bị quà thưởng khi con đậu tú tài cuối niên khóa đó!
- Thì đã thưởng trước chiếc xe đạp rồi cô! Cô liệu hồn để trượt vỏ chuối là chết với tôi đó chứ đừng nói!
Dì Sáu cười chung hòa niềm vui:
- Thì thưởng cho hắn một thằng dôn cao ráo đẹp trai, cháu có chịu không?
Cô gái vẫn mặt tươi như hoa cười khúc khích:
- Con không cần tới một thằng dôn cao ráo đẹp trai đâu dì! Con chỉ cần một anh chồng xấu ỉn thôi.
Cả ba người cùng cười ròn rã. Dì Sáu hỏi:
- Mụ nội mi nói cái chi lạ đời rứa! Răng không ưng chồng đẹp mà lại ưng chồng xấu nói cho dì nghe thử coi!
Liên lại cười khúc khích:
- Dì không nghe người ta nói "củi nè dễ nấu chồng xấu dễ sai" đó sao? Con dại gì mà lấy chồng đẹp!
Dì Sáu cười nghiêng ngửa:
- Thì ra con nhỏ tinh ranh tới rứa là cùng! Cho hắn bấp một thằng chồng hay đặp vợ cho biết mặt!
Bà Thái cũng cười ròn rã:
- Tổ cha mi nói rứa có chó mà dám ưng mi! Coi chừng ở quá đó nghe con!
- Ở quá con cũng không sợ. Ở với ba với mạ lo chi!
Liên vừa nói vừa nhí nhảnh đi vào phòng của mình. Dì Sáu nhìn theo cười:
- Hắn tuổi Tân Mão phải không chị? Mới nhỏ chút xíu đó mà! Hèn chi lớp mình mau tra cũng phải.
- Có thư đi thư lại rồi đó dì! Thấy cái thằng cũng hiền lành dễ thương!
- Chị không la hắn à?
- La mần chi! Trước mình răng thì chừ hắn rứa! Nhưng mình cũng phải ngó chừng chừng cho hắn chứ! Tôi chỉ ớn ớn mấy thằng lường gạt thôi. Nói cho cam quả, con ni cũng ngộ thiệt. Từ ngày đẻ hắn ra trong nhà cứ ăn mần nên phơi phới. Học hành thì chuyên đứng nhất đứng nhì, năm mô cũng có phần thưởng. Cha hắn cưng lắm, muốn chi được nấy mà!
- Hắn dễ thương quá đi chứ! Thằng mô mà gặp hắn thiệt là có phước!
Hai người đang vui vẻ bàn tán thì Liên đã thay xong quần áo, chạy vụt ra phụng phịu đưa cả hai tay đấm thùm thụp vào lưng bà Thái.
- Ồ, cái con! Mi mần cái chi rứa?
- Mạ tầm bậy lắm! Mạ đọc chùng mấy cái thư của con hết trơn rồi phải không? Trong phòng con ngoài mạ ra ai vô được?
Cả ba người lại cùng cười ròn rã. Bà Thái nhìn con gái âu yếm:
- Thì mạ phải kiểm soát chứ lỡ gặp thằng mô ba láp hắn dụ dỗ con mạ dắt đi mất mạ biết mần răng? Nói rứa chứ con của mạ đứa mô mà dụ dỗ được!
- Lần sau cấm mạ không được coi chùng thư riêng của con nữa đó!
Dì Sáu nhìn cái cảnh hạnh phúc tràn trề của hai mẹ con mà thèm khát. Chồng dì, ông Hữu, tập kết ra Bắc biệt tăm đã hơn mười năm rồi. Con Lý, đứa con gái của dì và ông Hữu kém Liên một tuổi, học hành chưa tới đâu hết phải bỏ ngang. Sau này dì cũng có thêm một thằng nhỏ nữa giờ đã lên sáu, không rõ cha nó là ai. Cuộc sống của mấy mẹ con dì chưa lúc nào được thoải mái cho lắm. Bà Thái là chị con ông bác của dì vốn rất thương dì nên vẫn hay giúp đỡ dì nhiều mặt. Hai chị em qua lại với nhau khá tâm đắc. Dì nhìn hai mẹ con bà Thái rồi bất giác thở dài:
- Con gái chỉ ở với cha mẹ được một thời. Mai mốt là con người ta rồi đó.
Lời nói của dì Sáu như là một cái đánh động nhẹ vào tâm tư bà Thái. Bà Thái quay lại nhìn người em họ rồi lại nhìn Liên. Thình lình bà ôm lấy Liên hôn lên tóc, lên má, lên cổ nàng tới tấp. Nước mắt bà trào ra ràn rụa trước sự ngơ ngác của dì Sáu. Giọng bà thổn thức nấc lên:
- Mai mốt con đi lấy chồng rồi mạ ở với ai đây?
Cặp mắt nai của Liên cũng mở lớn tròn xoe long lanh nước. Nàng cũng ôm chầm lấy mẹ rồi sau đó gục mặt vào vai mẹ. Bà Thái lại nghẹn ngào:
- Con khoan đi lấy chồng đã nghe! Con đi lấy chồng rồi thì mạ ở với ai đây?
Dì Sáu sững sờ rưng rưng nước mắt lặng người chốc lát trước hoạt cảnh ấy. Sau đó dì làm tỉnh lên tiếng:
- Cái chị ni vô duyên thiệt! Con gái lớn ai không lấy chồng? Mà đã có chi mô nà? Gả hay không đều còn do mình mà! Hắn đi lấy chồng thì chị ở với anh Thái chứ ở với ai nữa!
Một chốc sau hai mẹ con buông nhau ra, mắt người nào cũng đẫm lệ. Dì Sáu vươn vai đứng dậy cười:
- Ngồi ngó hai người tôi cũng mệt. Thôi, hai mạ con làm với nhau đi, tôi về!
*
Ông Thái trước đây đã từng làm Đại Diện xã. Ông là người kiến thức rộng, có đạo đức,làm việc gì cũng có lý có tình nên rất được lòng người. Bây giờ ông đã thôi việc nhưng mọi người, kể cả lớp có chức sắc trong xã lúc nào cũng tỏ ra trọng vọng kính mến ông. Những việc làm lớn nhỏ liên can đến chuyện an ninh thôn xã, phát triển văn hóa, quân cấp ruộng đất, cúng tế hàng năm… những người gánh vác công việc lúc nào cũng thỉnh hỏi ý kiến ông. Những mối bất hòa, những vụ xung đột gia đình hay xóm giềng với nhau, dù không còn làm việc, hễ ông đứng ra dàn xếp thì thế nào cũng yên.
Cúng giao thừa xong, ông Thái toan đi ngủ bỗng nhiên ông cảm thấy có gì hơi khác trong tiếng pháo nổ như mọi năm. Ông lắng tai và ngạc nhiên nghe những tiếng nổ lạ có thể không phải là tiếng pháo.  Không lẽ lại có bắn nhau? Cái tin hưu chiến đã được loan đi rộng rãi cho đồng bào yên tâm ăn tết mà! Ông áy náy không thể nào ngủ được. Đến khi nghe thêm nhiều tiếng nổ lạ một vài nơi nữa, ông Thái mới đoan quyết đấy là tiếng súng. Ông liền tìm cách liên lạc với xã để biết tình hình.
Sau khi ra ủy ban xã, ông Thái liền nhắn về nhà cho biết tình hình đang xấu lắm, ông chưa thể trở về liền được. Nếu có ai tới thăm hỏi ông cứ bảo là ông đi thăm viếng ai trên phố.
*

Một số hình ảnh cộng sản thảm sát đồng bào vô tội tại Huế Tết Mậu Thân qua các báo chí ngoại quốc 

 

Sáng mồng một tết thì cả xã nhốn nháo về tin Cộng Sản đã kéo về khắp nơi. Thế là sau đó chẳng ai còn bụng dạ xuất hành chúc tết họ hàng chung quanh. Mọi người đều lăng xăng lo cất giấu hoặc thủ tiêu những thứ gì trong nhà có liên can đến binh lính và chính quyền miền Nam như bức hình chụp, giấy tờ, quần áo giày mũ… Và Cộng Sản đã kéo về làng thật. Ngoại trừ những căn nhà ven quốc lộ 1, nhà nào cũng có vài ba anh bộ đội đến trú đóng. Bà Thái đang hồi hộp nhìn ra đường thì thấy bốn người lính Cộng Sản đi vào nhà bà. Ba người trẻ mang súng dài tỉnh bơ đến thẳng thềm hiên nhà lớn, cởi ba lô và súng ra ngồi xuống nghỉ. Có lẽ họ đang mệt. Những nhà theo kiểu cổ, trừ khi có cúng giỗ tiệc tùng, ít khi người ta mở cửa nhà lớn. Mọi người trong nhà vẫn vô ra bằng cửa nhà lều. Người thứ tư, một người trung niên mang súng ngắn, tỏ vẻ đã hiểu biết thói tục ở đây, bước tới cửa nhà lều gọi:
- Anh chị Thái ơi, em là Trí đây, anh chị có nhớ em không?
Qua giây phút lo sợ, ngỡ ngàng, bà Thái mừng rỡ bước ra chào hỏi người em họ của chồng. Ông Trí là em con ông cậu ruột của ông Thái, tập kết ra Bắc năm 1954. Sự có mặt của một người bà con trong toán người xa lạ mà xưa nay gia đình bà vẫn coi như là thù địch làm bà Thái đỡ lo hơn nhiều. Bà niềm nỡ săn đón:
- Trời ơi, không ngờ còn gặp lại được chú Trí! Chú khỏe mạnh không? Có vợ con rồi chứ chú? Anh Thái vẫn nhắc đến chú hoài! Sáng ni anh Thái lên phố chúc tết mấy người quen không biết răng tới chừ chưa thấy về!
- Tình hình lộn xộn thế mà anh không ở nhà à? Chị có biết bây giờ anh đi đâu không? Nguy hiểm lắm đó nghe!
- Thôi, ông đi mô rồi ông cũng lo về. Chừ mời chú và mấy anh em vô nhà nghỉ ngơi. Chắc mấy chú cũng đói bụng rồi, tôi dọn cơm cho mấy chú ăn nghe!
Ông Trí vui vẻ tự nhiên bước vào ngồi xuống cái giường lèo:
- Để họ nghỉ ngoài đó được rồi. Còn cơm nước lo chi chị!  Bộ đội bác Hồ đến dân vui, đi dân nhớ, ở dân thương, đến đâu nhân dân cũng lo cho đầy đủ cả làm sao mà đói! Em tới đây mục đích chính là thăm anh chị. Sau nữa là xin cho mấy anh em ở tạm vài hôm. Rồi tụi em cũng phải lo đi tiếp thu những chỗ khác. Anh em đàng hoàng lắm, không có phá phách như bọn lính ngụy đâu! Chị đừng lo lắng chi cả!
- Thôi, chốc nữa nói chuyện tiếp. Chừ chú nói mấy anh em rửa tay để ăn cơm, tôi đi dọn ra đây!
- Cứ thủng thẳng đã chị, à, mấy cháu đi đâu mà chẳng thấy cháu nào hết?
- Khi đêm tụi nó ham chơi thức khuya quá chừ còn ngủ đó chú!
Cơm dọn ra, một mâm thịt chả cá canh phủ phê. Ông Trí cùng mấy chú bộ đội ăn uống rất thiệt tình. Họ vừa ăn vừa huênh hoang nói về những bước hành quân kỳ diệu của họ. Những món ăn khoái khẩu làm cho thực khách càng nói cười vui vẻ cởi mở thêm. Với bà Thái, mấy chú bộ đội cứ một điều thưa mẹ hai điều thưa mẹ rất thân mật. Bầu không khí lo lắng nghi kỵ trong nhà cũng dần loãng đi. Chốc sau, bà Thái vào phòng kêu chị em Liên và Thảng ra chào ông chú họ và mấy anh bộ đội. Cả hai đều đã thức dậy từ sớm nhưng thấy người lạ vào nhà nên cố nằm nín trong phòng. Thấy mẹ gọi, Liên rụt rè đẩy em đi trước.
- Thưa chú! Chào mấy chú bộ đội!
- Ối chao!  Mấy cháu của chú ngoan thế này à!
Lập tức, ông Trí bước lại ôm lấy thằng Thảng mà hôn hít tới tấp. Thằng nhỏ từ khi lên mười tuổi đã xa hẳn kiểu biểu lộ tình cảm nồng nàn thắm thiết đó, đâm ra ngượng ngập, lúng túng, thụ động. Liên trố mắt ngạc nhiên rồi cũng lúng túng thối lui một bước. Liên sợ ông Trí cũng hôn nàng như hôn Thảng. Bà Thái cũng ngạc nhiên cảm động vì cử chỉ của người em họ chồng. Bà mừng vì như thế, những người trong gia đình bà, ông Thái và hai đứa con đi lính chắc không đến nỗi nào. Bà có chút ân hận vì lâu nay nghe chồng mà bà đã hiểu lầm về người Cộng Sản. Tình cảm họ chan chứa mặn nồng như thế mà bảo họ vô tình thì đúng là đặt điều! Mấy chú bộ đội hình như chẳng quan tâm tới chuyện đó. Họ chỉ cười chào lại Liên và Thảng rồi tiếp tục ăn.
Ông Trí vừa ăn vừa nói:
- Anh chị có hai cháu dễ thương quá! Tương lai của đất nước đấy! Bác Hồ nói "kế hoạch trăm năm không gì hơn là trồng người", đào tạo nuôi dưỡng ở lứa tuổi này thì không chê vào đâu được.
Bà Thái sung sướng hãnh diện cười với hai con:
- Các con nghe chú nói đó, phải gắng học thêm lên nữa!
Bữa ăn gần xong, một anh bộ đội nhìn chiếc xe đạp của Liên rồi khen:
- Chiếc xe trông hết sẩy!
Mọi người đều nhìn theo và thay nhau khen. Liên nghe như vậy vẻ sung sướng hãnh diện lộ ra mặt. Một anh bộ đội hỏi:
- Chiếc xe này của ai mà sang quá vậy mẹ?
Bà Thái hãnh diện trả lời:
- Xe sắm cho cháu Liên đi học đó.  Ở đây lên tới trường Đồng Khánh xa lắm mấy chú!
- Dạ, chúng con cũng có nghe nói đến trường Đồng Khánh Huế nữ sinh đẹp lắm. Nghe nói ở đó cũng có nhiều nữ sinh tham gia mấy đội quyết tử của ta chống ngụy quyền gắt gao lắm cơ!
Ông Trí nhìn Liên hỏi:
- Cháu có thấy hoạt động của mấy đội quyết tử ấy không? Cháu có ủng hộ hay tham gia với họ lần nào chưa?
Liên ngơ ngác ngây thơ trả lời:
- Làm gì có! Cháu chưa bao giờ thấy đội quyết tử nào hoạt động ở trường Đồng Khánh cả.
Ông Trí vội nói:
- Hoạt động mật, người ta không phổ biến đâu!
Một anh bộ đội ngập ngừng trở lại chuyện chiếc xe đạp:
- Được đi chiếc xe như thế chắc thích lắm nhỉ! Cô Liên cho chúng tôi mượn tập đi thử chốc lát được không?
Câu nói bất ngờ làm cho Liên tắt mất vẻ cười. Nàng bối rối đưa mắt nhìn mẹ. Bà Thái vốn biết tính con mình rất cưng quí xe. Bình thường, Liên ít khi cho ai mượn xe huống bây giờ xe mới, mà lại đòi tập nữa mới khó chứ! Tuy thông cảm với con gái nhưng bà cũng nghĩ tới những khó khăn hiện tại của mình. Sợ con làm mất lòng mấy chú bộ đội, bà cười giả lả:
- Tập chốc lát cũng được, nhưng cẩn thận giùm một chút kẻo cháu nó nóng ruột, xe mới sắm chưa đi.
Bà Thái nói thế rồi nhìn ông Trí chờ đợi một câu nói ngăn cản hay một lời dặn nào đó. Nhưng ông Trí chưa nói gì thì mấy chú bộ đội đã hồ hởi nhanh nhẹn dắt xe ra sân. Liên nhăn mặt kéo Thảng ra theo ngồi coi. Ông Trí vẫn ngồi uống nước ăn mứt ở bàn ăn.
Sau khi đã dọn dẹp mâm chén xong, bà Thái đến ngồi đối diện với ông Trí:
- Chú Trí cưới vợ lâu chưa?  Được mấy cháu rồi?
- Em cưới vợ năm 1957, vợ em người Sơn Tây, đã được ba cháu gái, đứa lớn nhất mới 11 tuổi.
- Rứa chú có đem theo vô đây không?
- Giờ thì chưa, nhưng chậm lắm là cuối năm nay. Giải phóng xong miền Nam em phải đem vô chứ.
- Nì, chị em tôi hỏi thiệt nghe, như tôi có thằng Long thằng Đạt đi lính quốc gia có can chi không?
- Thì chị biết mấy cháu ở đâu kêu về là xong. Cách mạng khoan hồng lắm, bác Hồ và Đảng nhân ái lắm chị, chị đừng lo chi cả.
- Như anh Thái trước đây có làm Đại Diện xã nhưng nghỉ lâu rồi có bị tội lệ chi với cách mạng không chú?
- Không sao đâu, chị biết anh ở đâu cứ kêu về là yên chí chứ lo gì!
- Chú bảo đảm cho anh ấy được chứ!
- Được quá đi chứ chị! Anh ấy là anh của em mà! Cái tình nghĩa của phe dân chủ mình nó thắm thiết sâu đậm lắm chị à! Có em đây chị cứ yên chí mà gọi anh về. Bác và Đảng bao giờ cũng thương dân như con đỏ chứ đâu có vô tình vô nghĩa như bọn đế quốc chỉ biết bóc lột, đàn áp, giết chóc mà ngại! Chị phải mọi cách kéo anh về càng sớm càng tốt. Mười đời không rời cánh tay, em lo cho anh ấy lắm. Bây giờ em phải đi họp một chốc. Hi vọng khi em trở lại thì gặp anh ở nhà.
Bà Thái càng ân hận về những hiểu lầm lâu nay của mình. Thế mà bảo con tố cha, vợ tố chồng, thậm chí còn nói đến chuyện chôn sống người nữa, toàn đặt điều hết!
Ông Trí ra dặn dò mấy chú bộ đội mấy lời gì đó rồi đi.
Ông Trí vừa đi khỏi, Liên liền vào nhà với vẻ bực bội, nói với mẹ:
- Mạ nói họ trả xe lại giùm con đi! Họ tập té lên té xuống trầy trợt hết mạ ơi! Xe mới lấy về chưa kịp đi thì gặp như thế thiệt rầu thúi ruột.
Bà Thái giải thích với Liên:
- Họ cũng như khách, người ta tốt với mình mình phải tốt lại! Đừng làm mất lòng họ không hay mô! Cha con đang ở thế kẹt lắm. Họ ở đậu vài bữa rồi họ đi thôi con ơi.
Liên cười méo mó:
- Chợt chạt móp méo nhiều rồi mạ! Khi kia để tết xong rồi lấy về cho rồi!
- Đừng nói nữa con, cầu cho cha con và mấy anh con yên lành là được rồi. Con đậu tú tài xong mạ mua cho chiếc khác. Chừ con ra kêu em vô ăn uống mà ngủ cho sớm.
Nói xong, bà Thái đi thắp một lượt tất cả các bát nhang. Sau đó, bà dọn ra giữa bức phản một mâm bánh thịt và mấy dĩa mứt, lấy lồng bàn đậy lại. Khi trời đã khá chiều, mấy chú bộ đội vẫn thay nhau tập xe như tranh thủ thời gian. Bà Thái tươi cười ra sân nói với họ:
- Mấy chú tập xong đói bụng cứ vô giở lồng bàn có sẵn đồ ăn đó, cứ tự nhiên coi như người trong nhà, đừng ngại chi hết.
- Dạ, chúng con cám ơn mẹ!
*
Một hiện tượng mà người dân không thể nào hiểu nổi là bộ đội Cộng Sản đóng khắp trong xã thế mà trên quốc lộ 1 xuyên qua xã, lính Mỹ dùng xe di chuyển qua lại  đều đều vẫn tuyệt nhiên không có một cuộc đụng độ xảy ra. Rõ ràng là quân hai bên đều trông thấy nhau cả mà! Không biết cái tình trạng này còn kéo dài tới bao lâu nữa?
Bà Thái mỗi ngày mỗi nôn nóng lo sợ thêm. Ông Thái vẫn biền biệt không nghe tin tức. Mấy ký thịt heo, mấy thẩu dưa món, bốn năm con gà choi và bốn ổ trứng gà đã đi trọn rồi. Ban đầu bà cũng tưởng họ ở đậu vài hôm là cùng, nào ngờ cả tuần rồi vẫn không có chi thay đổi. Ông Trí ngày nào cũng đi họp một hai lần. Thỉnh thoảng cũng có vài người đi công tác đâu đó. Mấy chú bộ đội trẻ cứ rảnh rỗi lại thay nhau hành hạ chiếc xe đạp của Liên. Lúc này Liên cũng phó mặc ra sao thì ra, không cần để tâm tới nữa. Những ngày sau này ông Trí luôn luôn thúc giục bà Thái tìm cách kiếm chồng về. "Nếu anh ấy không chịu về, tôi không bảo đảm được", ông Trí nói.
Rồi một buổi sáng bà Thái thấy toán bộ đội có vẻ nhốn nháo. Hẳn có chuyện gì xảy ra? Họ hấp tấp sửa soạn hành trang. Sau đó ông Trí với hai người vội vã mang cả đồ cá nhân ra đi. Chỉ có chú bộ đội Minh con người trông nghiêm nghị, ít nói ít cười nhất ở lại. Trước khi đi, ông Trí cũng dặn kỹ người trong nhà từ giờ phút này đừng đi đâu hết. Bữa cơm trưa rồi bữa cơm tối bà Thái đều mời Minh cùng ngồi với gia đình nhưng hôm nay thấy anh ta chẳng thiết tha chi đến chuyện ăn uống. Có lẽ anh ta đang có vấn đề căng thẳng trong đầu. Thấy Minh chỉ một mình, bà Thái tò mò muốn gợi chuyện nhưng không thể nào cậy môi anh ta được. Anh ta cứ chăm chú hướng mắt ra đường. Tới chạng vạng vẫn chưa thấy một ai về.
Mãi tới khi thấy mấy bóng đen xăm xăm bước vào ngõ, bà Thái kêu lên:
- À, mấy chú đã về đó rồi!
Nhưng không phải. Hai người đang tiến vào sân cũng mặc đồ bộ đội nhưng đều là người lạ. Họ tiến thẳng tới trước mặt bà Thái nói giọng nghiêm nghị:
- Lệnh của ủy ban, mời ông Thái sang trường học xã họp ngay bây giờ!
Bà Thái lo lắng trả lời:
- Dạ ông Thái nhà tôi đi chúc tết rồi kẹt mô đó tới nay chưa về đến. Có chú Minh ở đây lâu nay biết rõ đó.
- Nếu ông Thái đi khỏi, xin cho cô Liên đi họp thế vậy!
Một trong hai người quay lại nói với tên Minh:
- Đồng chí cũng thu xếp lên đường. Anh em ai còn sót gì mang cho họ luôn!
Bà Thái ngạc nhiên sao không mời mình đi họp thế chồng mà lại mời Liên? Mà những người này sao lại biết tên của Liên?
- Dạ cháu nó còn dại biết chi mà họp với hành! Tha cho cháu có được không?
- Bà hiểu cho đây là lệnh của ủy ban! Xin mời cô Liên ra ngay cho. Chúng tôi không có thì giờ nhiều!
- Dạ thôi được, để tôi đi họp thế cho cháu.
- Không được! ủy ban chỉ mời cô Liên, không mời bà!
Bà Thái đang lúng túng thì ông Trí từ ngoài đi vào. Bà Thái mừng quá đến đón ông lại:
- May quá, có chú về. Mấy anh này mời cháu Liên đi họp, tôi xin đi thế mấy anh không chịu. Nhờ chú nói giùm một tiếng.
- Không được đâu! Ai có việc nấy. Người ta mời ai thì đi nấy, chết chóc chi đâu mà sợ. Tôi cũng đang có việc của tôi đây.
Bà Thái nghe cái giọng của người em họ chồng không còn ngọt ngào lễ phép với mình như những ngày trước đây thì lo lắm:
- Rứa thôi để tôi cùng đi với cháu nghe chú.
Không biết ông Trí có nghe lời bà Thái không. Ông không trả lời mà chỉ lúi húi tìm cái gì đó tại chỗ ông nằm mấy bữa nay. Anh bộ đội truyền lệnh dứt khoát:
- Cô Liên đi một mình được rồi, mời cô ra mau. Còn bà, đừng bước ra khỏi nhà!
Liên mặc bộ đồ bộ màu tím mới may lững thững đi ra. Bà Thái cầm tay con nhưng không nói gì. Từ khi nghe kêu tên mình tới giờ Liên không hề nói một lời. Khi ấy ông Trí có lẽ đã làm xong việc mình, bước lại nói với bà Thái:
- Để nó đi kẻo người ta chờ kìa. Nó là con chị mà cũng là cháu tôi, tôi cũng biết lo cho nó chứ. Nó qua trường học nghe năm điều ba chuyện rồi về có gì mà bịn rịn như ra Hà Nội không bằng!
Bà Thái đứng nhìn bóng dáng mảnh mai của đứa con gái yêu đang theo mấy người bộ đội ra cửa. Bà rưng rưng nước mắt rồi bỗng chạy vụt vào nhà. Chốc sau bà quay trở ra, chạy theo những người đang đi.
- Chú Trí!  Chú Trí ơi!
Ông Trí đang đi quay mặt lui:
- Gì đó nữa?  Lôi thôi mãi!
Bà Thái cầm một cái áo len và một gói hạt dưa trao cho ông Trí:
- Nhờ chú đưa cái áo cho cháu Liên mặc thêm kẻo sương xuống lạnh và gói hạt dưa ni để nó cúp đỡ buồn.
- Chị làm như đưa tiễn con lên tàu. Tôi chịu thua chị. Thôi nghe.
Bà Thái có cái cảm tưởng đưa con lên tàu thật. Trường học chỉ cách nhà bà không tới năm trăm thước mà ngỡ như cách trở quan san. Bà nhìn theo bước chân đứa con gái. Hình như Liên cũng cố tình bước nhín nhín vì sợ chóng hết quãng đường. Khi những bóng người đã khuất hẳn trong màn đêm bà Thái mới trở vào ngồi thừ ra trước thềm cửa. Ông Thái biệt tin cả chục ngày bà không lo lắng bằng việc đứa con gái đang đi họp ở trường học. Khi bà vào nhà thì thấy thằng Thảng đang nằm chèo queo ngủ trên chiếc giường lèo. Bà chụp mấy con muỗi đang bu cắn con rồi ghé ngồi xuống phần giường còn trống dưới chân nó, mỏi mệt dựa nghiêng đầu vào thanh lèo giường, chờ con gái về.
*
Bà Thái bỗng gật đầu một cái rồi tỉnh thức. Thời gian này hay mất ngủ, mệt người, bà đã ngủ gục một giấc khá dài. Bà đứng dậy nhìn đồng hồ: 3 giờ khuya. Bà Thái hoảng hốt chạy lại đánh thức thằng Thảng:
- Dậy con ơi ! Đi với mạ qua coi thử chứ giờ chừ mà con Liên chưa về, họp hành chi lạ rứa! Mạ nóng ruột quá!
Thằng Thảng bừng mắt ngồi dậy nhưng ngại ngùng:
- Đi giờ này hắn bắn chết! Mạ không thấy mấy người chết rồi đó à? Chắc là chị Liên qua ngủ lại nhà dì Sáu chứ gì!
Bà Thái bực bội:
- Tiếc giấc ngủ thì ngủ tiếp đi! Mi không thương hắn thì tau đi tìm một mình.
Bà Thái bưng cây đèn bóng thắp dầu nhỏ bước ra khỏi nhà. Thằng Thảng lật đật chạy theo mẹ. Bưng đèn theo chỉ có mục đích chứng tỏ sự ngay thẳng không mờ ám trong việc đi đêm chứ thật ra lúc đó dù trăng mờ cũng thấy đường được. Khi nhìn được khu vực trường học, bà Thái ngạc nhiên không thấy đèn đuốc chi cả. Bà nôn nóng bước thật nhanh. Ngọn đèn trên tay tắt mất nhưng bà cũng không ngần ngại, càng bước mau hơn.  Bấy lâu nay vẫn có một số bộ đội, cán bộ làm việc ở đây, sao bây giờ chẳng thấy ai canh gác ngăn cản chi cả? Tới gần, hai mẹ con thấy có nhiều ghế bàn để ngổn ngang trước sân trường nhưng tuyệt nhiên không có một bóng người.
- Đi qua nhà dì Sáu ngay!
Nhà dì Sáu cách trường học chừng 100 thước. Hai mẹ con lại lật đật tới nhà dì Sáu, đấm cửa thình thịch:
- Dì Sáu ơi! Dì Sáu ơi! Con Liên có ngủ lại nhà dì không?
Dì Sáu nghe tiếng vội vàng nhảy dậy xô cái cửa cho hai mẹ con vào, không kịp tìm diêm bật đèn, dì nói liền:
- Con Liên không về nhà à, tội nghiệp chưa? Rứa thì họ đem đi rồi, đem đi mô đó không biết. Khi khoảng 1 giờ khuya họ dắt đi hết không còn một người. Hèn chi em có nghe một ông mô đó nói lớn "không bắt được lão thì cũng phải làm cho lão đứt ruột nát gan ra …". Dám họ nói anh Thái lắm!  Em mới vô nằm được một chút chứ mấy!
Nghe đến đây bà Thái liền nằm lăn xuống nền  nhà mà kêu khóc:
- Trời ơi!  Con tôi nhỏ dại tội tình chi mà đem đi mô rứa hỡi trời!
Thằng Thảng sửng sờ đứng ngây người không phản ứng. Dì Sáu thì hoảng hốt nhào tới ôm bà Thái đỡ dậy và khuyên:
- Bình tĩnh chị ơi, con Liên còn nhỏ dại vô tội họ không làm chi hắn mô mà sợ. Chắc ngày mai họ cũng thả về thôi.
Nhưng bà Thái vẫn tiếp tục lăn lộn khóc lóc:
- Liên ơi là Liên!  Chừ mạ biết con ở mô mà tìm…
Dì Sáu biết lòng thương của người chị họ mình đối với đứa con gái hơn ai hết. Dì cứ ngồi ốm lấy người chị mà an ủi dỗ dành. Dì chẳng buồn đi tìm hộp diêm để châm đèn nữa, dì không muốn bà Thái thấy trên mắt mình cũng có hai ngấn lệ.
*

Khi tình hình đã khá yên, ông Thái mới trở về nhà. Nhưng ông khựng lại khi thấy thằng Thảng ra đón ông không có một nụ cười.
- Mạ mô rồi? Chị Liên mô rồi?
- Chị Liên họ bắt đem đi rồi. Còn mạ khóc từ khi qua nhà dì Sáu tới giờ. Dì Sáu và con mới đưa mạ về hồi sáng. Mạ hiện đang nằm khóc trong nhà.
Mặt ông Thái chuyển sang tái ngắt. Ông đã quá hiểu về những con người Cộng Sản. Ông đau đớn nghĩ tới đứa con gái thơ dại của mình. Thôi, thế là hết. Xưa nay, mỗi khi Cộng Sản đã rớ tới ai thì kẻ đó không mất xác cũng mất hồn. Trên đường về nhà, ông đã nghe tin nhiều người có máu mặt ở thôn xã đã bị chúng bắt đem theo trong khi rút lui. Nhưng ông không hề tưởng tượng rằng đứa con gái của ông cũng chung số phận ấy. Ông đi như chạy vào nhà.
*
Cả mấy tháng sau trong xã hoàn toàn chưa ai được nghe chính xác tin tức về số phận những người bị bắt. Có tin đồn là một số bị giết và một số lại đi theo Cộng Sản. Gia đình ông Thái vẫn hi vọng Liên ngây thơ vô tội chắc không đến nỗi bị hại. Bà Thái không lúc nào quên nghĩ đến đứa con gái mình.  Ngày nào bà cũng thắp hương khấn vái cầu nguyện ông bà giúp đỡ phù hộ cho con mình trở về. Gần như đêm nào bà cũng có khóc. Bà ân hận vì mình không can đảm giữ Liên lại đừng cho đi họp hay ít nhất cũng cương quyết theo chân Liên đến chỗ họp. Không lý người ta dám bắn mình lúc đó? Bà ân hận vì đã quá tin tưởng vào những lời phỉnh gạt của người cán bộ em họ chồng mình. Ngày nào bà cũng vào lau chùi trong phòng Liên và không cho ai làm thay đổi một cái gì hết. Đến đôi tấc, bộ áo quần Liên thay lúc ra đi bà vẫn để chỗ cũ, không đem đi giặt. Lúc này bà hay ngủ tại giường của Liên.
Rồi tin dữ cũng chính thức đến với gia đình ông Thái. Khoảng nửa năm sau, khi Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa phát hiện một số hầm chôn người tập thể do lính bác Hồ thực hiện tại quận Phú Thứ, người ta cho khai quật để cải táng. Trong số nạn nhân, người ta đã chính xác nhận ra Liên. Khi gia đình nhận được tin báo, bà Thái ngất xỉu đi mấy phút. Bà không thể tưởng tượng nổi. Hồi còn trẻ, bà đã nghe mấy người từng chứng kiến kể lại vài vụ chôn sống. Người thì bị đánh cho ngất xỉu rồi đẩy xuống hố mà dập đất lên, đó là lúc người ta muốn giải quyết nhanh. Người thì dùng sức mạnh ép đứng xuống một cái lỗ sâu mà dập đất lên ngang bụng, ngang ngực, hay ngang cổ tùy ý thích của cán bộ lãnh đạo. Những người bị chôn sẽ năn nỉ khóc lóc van xin cho đến khi nào không còn nói được. Phần thân thể bên dưới của người đó sẽ tê dại nhanh chóng dưới sức ép của đất, mạch máu không còn lưu thông được, sau cùng đều chết. Đây là cách giết mà vừa trả thù, vừa thưởng thức. Một cách khác nữa rùng rợn hơn nhiều, gọi là xác chết đội mồ. Người ta đào một cái lỗ cạn, dùng sức đẩy nạn nhân còn đang khỏe mạnh xuống rồi dập phủ kín một lớp đất rất mỏng.  Nạn nhân sẽ ọ ọ lên mấy tiếng giống như bò rống, chỗ đất mới đắp nứt nứt ra rồi cái đầu người phủ đầy đất thò lên tưởng như xác chết đội mồ. Những người chung quanh cứ cười nói thỏa thích chờ cho nạn nhân hồi sức được phần nào rồi áp lại dập đất lần khác. Đến khi nào nạn nhân lã người chịu nằm yên dưới lớp đất phủ là xong. Nghe nói không có nạn nhân nào ngoi dậy được lần thứ ba.  Ngày trước nghe kể như thế nhưng bà đâu có tin!  Bây giờ thì những nạn nhân lại có nhiều người bà từng gần gũi, quen biết, có luôn cả người thân yêu nhất đời của bà nữa! Bà tưởng tượng ra những nỗi đau đớn quằn quại của đứa con gái mình mà rùng mình thon thót. Bất giác bà nhớ tới câu mà theo ông Trí là của bác Hồ, ba mẹ con bà đã nghe trong dịp tết vừa rồi "kế hoạch trăm năm không gì hơn là trồng người". Con người cả đời hiền lành không biết chửi bới ai một câu bỗng nghiến răng rít lên:
- Mụ cô cha hắn chứ trồng người! Té ra trồng người là chôn sống người!
*
Sau khi cải táng cho con, bà Thái ngã bệnh kéo dài cả năm.
Khi lành bệnh, tính khí bà trở nên thất thường. Nhiều khi bà ngồi cả buổi để nhìn lên bàn thờ người con gái. Hình như đôi mắt yếu kém của bà vẫn nhìn thấu suốt qua tấm vải đỏ phủ trên khung ảnh mang gương mặt ngây thơ bầu bĩnh tươi như hoa của cô gái. Những giọt lệ cứ bò trên đôi má nhăn nheo của bà. Nhiều khi đang làm việc gì bà bỗng ngưng lại, thở dài: Bác Hồ nhân ái lắm, bác thương dân như con đỏ, kế hoạch trăm năm không gì hơn là chôn sống người!
Từ ngày mất Liên, lòng bà Thái cũng mất luôn mùa xuân, mất vĩnh viễn. Có mùa xuân nào nữa mang lại niềm vui cho bà đâu? Càng về già cái tính thất thường của bà càng tăng. Lắm lúc bà quên cả mọi người chung quanh cũng như mọi việc. Nhưng lạ một cái bà vẫn hay nhắc một câu nói cũ và vẫn không lẫn lộn một chữ nào: "bác Hồ nhân ái lắm, bác thương dân như con đỏ, kế koạch trăm năm không gì hơn là chôn sống người!".

Ngô Viết Trọng