Trả lời báo nước ngoài hôm thứ Năm 07/07, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói việc biểu tình là "phản ứng của người dân trước những sự kiện ở Biển Đông". Bà Nguyễn Phương Nga đã chủ trì buổi họp báo thường kỳ với các phóng viên trong và ngoài nước, trong đó bà trả lời một số câu hỏi được các phóng viên gửi tới từ trước. Báo mạng Giáo dục Việt Nam tường thuật rằng phóng viên hãng thông tấn Pháp AFP có mặt tại đây đã hỏi bà Phương Nga: "Liệu trong bao lâu nữa Chính phủ Việt Nam sẽ cho phép người dân tiến hành biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc sau một loạt các sự kiện người dân Việt Nam tiến hành tuần hành trước cửa Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội và lãnh sự quán Trung Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng như sự kiện thứ trưởng Hồ Xuân Sơn đã tới thăm Trung Quốc trong tháng 6 vừa qua?" Câu trả lời của người phát ngôn dường như biểu lộ hàm ý không hẳn tán đồng nhưng cũng không chỉ trích điều mà chính phủ Việt Nam sau sự kiện biểu tình hôm 05/06 nói là "một số người đã tự phát tụ tập... để thể hiện tinh thần yêu nước". Bản tin của Giáo dục Việt Nam nay đã bị gỡ xuống nhưng vẫn còn lưu lại trên một số trang mạng. Trung Quốc đã nhiều lần yêu cầu Việt Nam phải "định hướng dư luận" sau các cuộc biểu tình phản đối chính sách của Bắc Kinh tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Trả lời một câu hỏi khác, bà Nga nói Bộ Ngoại giao Việt Nam "không có thông tin về việc" được nói là tàu Trung Quốc định cắt cáp thăm dò dầu khí của tàu Việt Nam hôm 30/06. 'Nhận thức chung'Bà Nguyễn Phương Nga cũng lên tiếng giải thích về 'nhận thức chung' giữa lãnh đạo VN và TQ về Biển Đông nhưng không nhắc tới cụm từ 'đồng thuận'. Khi trả lời câu hỏi của phóng viên Việt Nam về 'nhận thức chung giữa Việt Nam và Trung Quốc về vấn đề Biển Đông', bà Nga nói "nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai nước đã được ghi nhận trong các tuyên bố chung của Việt Nam-Trung Quốc", gần đây nhất là trong "thông tin báo chí chung về cuộc gặp giữa Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn và Ủy viên quốc vụ Đới Bỉnh Quốc" hôm 25/06. Người phát ngôn Việt Nam nhắc lại những chi tiết chính của nhận thức chung này, như quyết tâm gìn giữ hòa bình, ổn định tại Biển Đông; duy trì cơ chế đàm phán trên biển; căn cứ các nguyên tắc và chế độ pháp lý đã được xác định bởi luật pháp quốc tế bao gồm Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc năm 1982 để tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài mà các bên có thể chấp nhận được ... Bà Nguyễn Phương Nga cũng khẳng định, nhận thức chung đi kèm nguyên tắc dễ làm trước, khó làm sau trong đàm phán về các vấn đề trên biển, và "hai bên cùng nỗ lực gìn giữ tình hình ở Biển Đông, không áp dụng hành động làm phức tạp hóa hoặc mở rộng thêm tranh chấp". Các điểm mà người phát ngôn Việt Nam đưa ra không có gì mới và trên thực tế đã nhắc lại nhiều lần. Bà Nga không đề cập tới phạm trù "đồng thuận chung" mà truyền thông Trung Quốc, đặc biệt là Tân Hoa Xã, đã đưa ra khi tường thuật cuộc gặp giữa ông Hồ Xuân Sơn và lãnh đạo Trung Quốc hôm 25/06. Yêu cầu giải thíchBản tin của Tân Hoa Xã phát đi hôm 28/06 dẫn lời Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói Bắc Kinh hy vọng Hà Nội sẽ thực hiện những gì hai bên đạt được trong chuyến đi của ông Sơn. Ông Hồng Lỗi nói: "Chúng tôi hy vọng phía Việt Nam sẽ thực hiện đồng thuận chung và nỗ lực bảo vệ hòa bình và ổn định tại Nam Hải (Biển Đông)". Cụm từ "đồng thuận chung" hiếm gặp đã khiến không ít người ở Việt Nam lo lắng về khả năng có thể hai bên, nhất là các lãnh đạo Đảng, đã đạt một "thỏa thuận ngầm" nào đó. Hôm 02/07, một nhóm nhân sỹ trí thức hàng đầu Việt Nam đã gửi kiến nghị lên Bộ Ngoại giao yêu cầu giải thích về những điều Tân Hoa Xã đưa tin. 18 trí thức ký tên yêu cầu cung cấp "thông tin chi tiết (toàn văn) thỏa thuận đã đạt được (nếu có) giữa ông Hồ Xuân Sơn và đại diện Trung Quốc" hôm 25/06. Họ cũng kiến nghị bộ này giải thích quan điểm của Việt Nam về bức thư ngoại giao của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi người đồng nhiệm Trung Quốc năm 1958 về chủ quyền ở Biển Đông. Phát biểu của Người phát ngôn Nguyễn Phương Nga không đề cập tới các yêu cầu nói trên. |
Tập đoàn dầu khí Việt Nam và các đối tác có thể mua lại 1,5 tỷ đô la cổ phần của ConocoPhillips ở Biển Đông, hãng Reuters đưa tin.
Hãng tin này trích một tuyên bố của Tổng Giám đốc Phùng Đình Thục nói điều này thể hiện sự cam kết của Việt Nam trong vấn đề bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông.
Trước đó có tin một số nhà đầu tư Trung Quốc hoặc Ấn Độ có thể mua lại số cổ phần này.
Reuters nói họ không gọi điện được cho các quan chức ConocoPhillips để có phản ứng trong khi một Phó Tổng giám đốc của tập đoàn dầu khí cũng không nghe điện thoại di động khi BBC gọi tới.
Trước đó ông Thục nói với truyền thông trong nước trong một họp báo mới đây về lý do ConocoPhillips rút khỏi các mỏ đang khai thác: "Nguyên nhân hãng này rút lui có thể do họ đang cơ cấu lại. Cũng có ý kiến cho rằng mỏ này đang trong giai đoạn phức tạp và họ không gia tăng khai thác nữa."
ConocoPhillips sở hữu hơn 23% cổ phần trong tổ hợp năm giếng dầu ở lô 15-1 thuộc bể trầm tích Cửu Long.
Tập đoàn này cũng nắm giữ 36% cổ phần mỏ Rạng Đông tại lô 15-2 và hơn 16% cổ phần trong dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn.
'Dồn vốn đầu tư'
Một số nhà phân tích nói một trong những nguyên nhân ConocoPhillips muốn rút khỏi Việt Nam là hoạt động kinh doanh của họ ở đây không tương xứng tầm vóc công ty và họ muốn dồn vốn đầu tư cho các dự án lớn hơn.
Bên cạnh đó, có thể ConocoPhillips đánh giá rằng trữ lượng dầu thô ở Việt Nam không đủ để hãng có cam kết lâu dài trong khi thăm dò ngoài Biển Đông đang phức tạp do tranh chấp lãnh hải.
Tập đoàn dầu khí Việt Nam nói họ khai thác được hơn 7,2 triệu tấn dầu thô và 4,7 tỷ m3 khí đốt trong sáu tháng đầu năm, đạt doanh thu 340.000 tỷ đồng so với kế hoạch doanh thu cho cả năm là 640.000 tỷ.
Trước ConocoPhillips, tập đoàn BP của Anh cũng đã thu hẹp hoạt động của họ tại Việt Nam.
Hồi năm 2009, BP tuyên bố rút lui khỏi hai lô 5.2 và 5.3, tại hai mỏ khí Hải Thạch và Mộc Tinh nằm ở khu vực Nam Côn Sơn, giữa Trường Sa và bờ biển Việt Nam.
Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần lên tiếng phản đối Việt Nam cho các đối tác nước ngoài khai thác dầu khí tại vùng biển này.