THÔNG BÁO !
Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người
TM Ban Điều Hành Blog
TM Ban Điều Hành Blog
08 November 2012
Sự xâm nhập của đảng vào lề Dân
Vũ Đông Hà (Danlambao) - Để hạ thủ nhau trong cuộc đấu đá nội bộ với mục tiêu tranh giành quyền lực, các cán bộ quan chức đảng và bộ hạ của phe nhóm không thể sử dụng hệ thống truyền thông chính thống của đảng. Họ phải sử dụng phương thức thông tin rò rĩ qua các trang mạng lề Dân, thế giới của những blogger độc lập đứng ngoài sự kiểm soát của đảng. Khi "công cuộc" đấu đá lên đến cao điểm, nhu cầu tố cáo, sát phạt nhau trở thành cấp bách, không thể phụ thuộc vào các trang blog khác, họ chuyển hướng và tự biến mình thành một "truyền thông blog". Đó là sự ra đời của trang Quan Làm Báo.
Những dấu ấn đáng ghi nhận của bức tranh đấu đá nội bộ xuất hiện trên các trang blog lề Dân bắt đầu trong khoảng 6 tháng trước đại hội đảng XI, 2011. Những thông tin về Trần Đại Quang khai gian tuổi tác (lúc đó Quang đang dòm ngó cái ghế bộ trưởng công an), về Hồ Đức Việt (lúc đó là Trưởng ban tổ chức trung ương đảng), về cuộc đại chiến Ba-Tư trong đó những góc tối của Vinashin... đã được rò rỉ rỏ và tung ra qua ngả lề Dân.
Đặc điểm của hiện tượng này là sự thẩm tra thông tin, quyết định đăng bài nằm trong tay các blogger độc lập và bạn đọc có tự do nhận xét phê bình nội dung bài viết. Chính nhờ đó mà mức độ khả tín của những bài viết được đăng này tương đối chấp nhận được trong việc hé lộ một góc sự thật đằng sau sân khấu hậu trường kín bưng của nội bộ đảng.
Những bài viết loại này không nhiều nhưng khi xuất hiện bài nào cũng được các blog phổ biến, đăng lại và nằm trong danh sách bài được đọc nhiều nhất trên các blog. Điều này đương nhiên được bộ phận an ninh phụ trách mạng lưu ý.
Sau đại hội đảng, ai ngồi vào 14 cái ghế đỉnh cao của đảng, tứ trụ triều đình chia nhau bốn phần miếng bánh quyền lực Tổng bí thư, Thủ tướng, Chủ tịch đảng, Chủ tịch Quốc hội đã được dàn xếp sau một cuộc đóng cửa sát phạt nhau và rò rỉ một chút thông tin đấu tố nhau ra bên ngoài. Bộ chính trị và Ban chấp hành TU mới được hình thành với những vết u trên đầu, vết chém trên thân của mỗi đồng chí lãnh đạo vẫn còn ung mủ. Một tập thể lãnh đạo đồng chí nhưng không đồng lòng với nhau về những quyền, lực, lợi, thế đang có.
Cuộc chiến Ba-Tư tiếp diễn với thái độ của tân chủ tịch nước Trương Tấn Sang, khác hẳn với cái bóng mờ nhạt trước đây của Nông Đức Mạnh. Phát pháo khai hỏa của ông nhắm vào Nguyễn Tấn Dũng, bắt đầu cho màn 2 của cuộc chiến Ba-Tư là phát biểu "Trước đây chỉ một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm. Nghe mà thấy xấu hổ, không nhẽ cứ để hoài như vậy. Mai kia người ta nói một bầy sâu, tất cả là sâu hết thì đâu có được. Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là 'chết' cái đất nước này..." vào ngày 7 tháng 5, 2011 khi ông tiếp xúc cử tri quận 1, Tp. HCM.
Trong khoảng thời gian đó thì Nguyễn Tấn Dũng xây dựng trục quyền lực của mình với dàn bộ hạ thân tín Đinh La Thăng, Bùi Quang Vinh, Vương Đình Huệ, Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Thanh Nghị, Nguyễn Văn Hưởng... Một kế hoạch PR quảng cáo và đánh bóng tên tuổi của các đàn em bộ trưởng được ban tham mưu của Nguyễn Tấn Dũng tung ra, điển hình, nổi bật và tạo động lượng nhất trong dư luận là Đinh La Thăng, Vương Đình Huệ, Nguyễn Văn Bình.
Trong khi các trang báo lề đảng nổ pháo bông với những bộ trưởng tư lệnh ngành của thủ tướng thì bắt đầu có những bài viết tố cáo Thăng, Huệ, Bình được gửi đến một số blog lề Dân.
Trên các trang lề đảng, cuộc chiến Ba-Tư được nâng cấp: bên này là chiến dịch tấn công trực tiếp vào ĐBQH kiêm đại gia và là tay chân thân tín của ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: bà Đặng Thị Hoàng Yến; Bên kia là những nòng súng bắn vào Đinh La Thăng dựa vào những khuất tất và tầm bản lãnh không quá đầu gối của bộ trưởng họ Đinh trong vai tư lệnh trảm tướng được đạo diễn bởi ban tham mưu chuyên nghề tiếp thị, quảng cáo thị trường mua bán của Nguyễn Tấn Dũng.
Ngày 26 tháng 5 năm 2012, bà Đặng Thị Hoàng Yến, chủ tịch Hội đồng Quản trị của Tập đoàn Tân Tạo, đại biểu Quốc Hội khu vực Long An - quê quán của Trương Tấn Sang - chính thức bị Quốc hội bãi nhiệm, với hơn 90% số đại biểu tán thành.
Một tháng sau, đầu tháng 7, 2012 trang blog Quan Làm Báo ra đời, bắt chước tên gọi của Dân Làm Báo - một trang blog với khẩu hiệu "Mỗi người chúng ta là một chiến sỹ thông tin" - nhưng khác với Dân Làm Báo, Quan Làm Báo xác định vị trí qua đúng tên gọi của mình - những ông quan chức nhảy vào lề Dân, làm báo với mục đích: tấn công Nguyễn Tấn Dũng, gia đình và tập đoàn tay chân tư bản đỏ của Nguyễn Tấn Dũng - bầy sâu mà ông Trương Tấn Sang ám chỉ.
Trong vòng một thời gian ngắn, Quan Làm Báo trở thành một trang blog có lượng truy cập hàng đầu trong thế giới blog của người Việt. Với hình thức trang trí tạp nhạp, văn phong lủng củng, sai phạm lỗi chính tả ở mức độ không chấp nhận được, Quan Làm Báo thu hút sự chú ý của quần chúng và ngay cả các đảng viên đang từ thiếu đến đói thông tin và tò mò về những thâm cung bí sử của bầy sâu mà ông Trương Tấn Sang đã đề cập, cảnh báo.
Nếu trước đây những tờ báo khô khan của đảng ế hàng đến mức người dân đặt tên cho nó là những phương tiện rẻ nhất để gói thịt, gói cá và sau đó đảng chuyển hướng cho thêm siêu sao, chân dài vào câu khách, đem "lá cải" vào cửa hàng quốc doanh chính luận của đảng, thì Quan Làm Báo cũng đã thành công trong việc đem "lá cải" vào truyền thông blog.
Nếu nhìn vào khẩu vị thích chuyện giật gân, chuyện lộ hàng của siêu sao, chuyện giết người cướp của và đo lường dân trí về mặt xã hội của người dân Việt Nam sau bao nhiêu năm bị uốn nắn bởi nền giáo dục của đảng thì người ta có thể thấy được phần nào hình ảnh đó đã xảy ra trong lãnh vực chính trị.
Nếu nhìn vào luận cứ của những người ủng hộ Quan Làm Báo người ta thấy được thái độ chấp nhận khá dễ dãi về cung cách làm truyền thông nói 10 đúng 1. Những thái độ này có thể xuất phát từ những nguyên nhân, lý giải, tâm lý và hoàn cảnh thực tế:
1. Có một thông tin chính xác về những điều mà quần chúng muốn biết "sự thật" về đảng còn hơn không có. Ở đây, một lần nữa là hệ luỵ của một chế độ bưng bít thông tin, về một tập đoàn lãnh đạo quốc gia không minh bạch, luôn tìm mọi cách để che giấu thông tin của chính họ. Và đây cũng là phản ảnh về khát vọng nắm bắt thông tin của quần chúng về những người đang lãnh đạo đất nước.
2. "Chúng nó tấn công nhau là tốt, phải ủng hộ vì nó sẽ làm suy yếu chế độ". Biết là bài viết này láo nhưng nội dung bôi xấu, hạ thấp uy tín tên trùm tham nhũng coi như là OK. Điều này phản ảnh tâm lý hoặc là mong chờ đảng suy yếu và tự tan rã, hoặc tâm lý đảng suy yếu thì chúng ta có cơ hội để đánh sập nó, hoặc đơn giản là chúng nó bôi xấu nhau: tốt! cần ủng hộ.
3. Có một bộ phận đảng viên lẫn quần chúng tin vào "giải pháp Trương Tấn Sang" - hoặc là hy vọng Trương Tấn Sang sẽ là một Boris Yelsin của Việt Nam, hoặc "giữa 2 thằng ăn cướp ta chọn thằng ăn cướp ít thay vì thằng ăn cướp nhiều."
...
Những quan điểm, lý luận, cảm tính chọn lựa trên trong một thời gian đã làm mờ đi nguyên tắc căn bản về truyền thông: làm truyền thông phải đặt mục tiêu trung thực lên hàng đầu, nói đúng 9 mà sai 1 sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, đã không còn đếm xỉa gì đến thái độ tối thiểu phải có của người làm truyền thông - tôn trọng độc giả. Nói theo lời của một blogger Hà Nội: "tụi này nó làm xấu mặt blogger."
Tuy nhiên, "hiệu ứng" của đám đông - trong đó còn có sự thúc đẩy của những người tích cực nhất đang bỏ thì giờ công sức năng động lên tiếng cho mục tiêu riêng tư của họ - đã là những hỗ trợ tích cực giúp Quan Làm Báo phát triển về số lượng truy cập. Những ý kiến như "Quan Làm báo không phải là một vật thể lạ. Nó kết hợp mọi đặc điểm quen thuộc của đa số báo chí Việt Nam và đưa chúng lên đỉnh cao: hình thức hàng chợ, phong cách bát nháo, nghiệp vụ thô sơ và nội dung đáng ngờ. Xấu. Huếnh. Rởm. Cẩu thả. Rẻ tiền..." của nhà văn nữ Phạm Thị Hoài bị một số người ném đá. Quan Làm Báo sau đó tấn công cá nhân Phạm Thị Hoài bằng cách tung tin Nguyễn Thanh Phượng qua Đức đến ở nhà Phạm Thị Hoài cũng được một số người hùa theo để "lá cải" bà Hoài mà không cần một chứng cớ nào. Trang blog nào lên tiếng phê bình Quan Làm Báo có thể sẽ đối diện với búa rìu của dư luận: "ganh ăn tức ở" với Quan Làm Báo về lượng truy cập hoặc là tay sai của Nguyễn Tấn Dũng.
Bên cạnh đó là sự "vô tình" tiếp tay của những blogger chân chính, những cơ quan truyền thông uy tín quốc tế đã trích dẫn nguồn tin hoặc toàn bộ một số bài viết của Quan Làm Báo. Trong mớ thông tin đúng sai lẫn lộn, trong cái chợ trời lá cải đó, những thông tin "đúng" được chọn ra và từ đó, qua lăng kính của blogger, của các cơ quan thông tấn quốc tế, bộ mặt 1/10 thật củaQuan Làm Báo được đập vào mắt của nhiều người. Nguyên lý về uy tín được gia tăng khi được "bảo kê" bởi những người / tổ chức uy tín xảy ra trong trường hợp này.
Tóm lại, Quan Làm Báo là tấm gương phản chiếu của một góc cạnh của đất nước và con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay: lãnh đạo đảng đã quăng tình đồng chí vào sọt rác và sẵn sàng bôi tro trát trấu vào nhau; quần chúng thiếu thốn thông tin và sẵn sàng dẹp bỏ những nguyên lý về đạo đức truyền thông cũng như tính tôn trọng sự thật để nắm bắt được những mẫu vụn bánh mì thông tin.
Tuy nhiên, tác hại của Quan Làm Báo không dừng lại ở đó. Sau Quan Làm Báo, hiệu ứng tin hót, tin nóng, tin riêng, tin quý đã trở thành món hàng đắt giá và hàng loạt các trang "... làm báo" ra đời. Tình trạng thật giả, vàng thau lẫn lộn, đen không rõ đen, trắng không ra trắng và môi trường blog, một môi trường thông tin độc lập, trong bao nhiêu năm qua những blogger dù không chuyên nghiệp đã cố gắng để làm báo một cách chuyên nghiệp, có lương tâm... đã bắt đầu có hình ảnh của một chợ trời thông tin bát nháo.
Đến lúc này, có thể nói an ninh mạng đã vào cuộc với một kế hoạch quy mô và tinh xảo. Nhìn vào bức tranh của làng blog, an ninh mạng rút ra những điều gì?:
- Thực tế cho thấy trong thời đại internet, đảng không thể hoàn toàn ngăn chận sinh hoạt của truyền thông độc lập bằng tin tặc, bằng tường lửa, bằng đe dọa, trấn áp hoặc ngay cả công văn chính thức của văn phòng chính phủ. Nếu không dẹp hẳn được môi trường blog thì biến môi trường blog thành một sân chơi "dân và đảng" hổn độn nhập nhằng. Sự xuất hiện của Quan Làm Báo và những gì xảy ra cho thấy thời cơ đã đến cho mục tiêu này;
- Quần chúng đang đói tin và dễ dàng chấp nhận mọi kiểu thông tin; An ninh là bộ phận nắm giữ nhiều thông tin và từ đó sẽ cung cấp thông tin thật giả lẫn lộn để điều hướng dư luận. Với đạo quân công an mạng hùng hậu và làm việc toàn thời, có lương bổng, có nghiệp vụ và có kế hoạch chỉ thỉ, an ninh có khả năng đóng vai dư luận để định hướng dư luận và cổ vũ cho những trang blog "của đảng trong lề dân". Tuần tới sẽ bắt đối tượng X thì tuần này blog đảng trong lề dân tung tin là uy tín sẽ lên cao;
- Những gì đăng trên báo đảng đã không còn thuyết phục hoặc mỵ dân đối với thành phần quần chúng lẫn đảng viên quan tâm đến vấn đề đất nước ở mức độ phải vượt tường vào truy cập các trang blog lề Dân. Những "chuyên án" của công an đánh vào những đối tượng "phản động" không còn thuyết phục thành phần này khi được đăng tải đồng loạt theo chỉ thị, từ một nguồn tin duy nhất xuất xứ từ Bộ công an, trên các tờ báo đảng. Môi trường blog sẽ là môi trường để "dọn bãi" cho các chuyên án này bằng chính những cái miệng giả danh blogger hoặc từ một số blogger, thông tấn quốc tế vô tình tiếp tay chuyển tải thông tin hay dùng nguồn để viết bài phân tích thời sự.
Từ đó người ta sẽ thấy có những trang blog:
a. Sẵn sàng nương theo dư luận và ủng hộ những nhân vật bất đồng chính kiến hay có những hoạt động nói chung là "không theo ý đảng" - Họ làm những việc này mà không ngại ngùng vì biết rõ không có họ thì với sự lớn mạnh của truyền thông lề Dân, dư luận vẫn đã bùng nổ đối với những sự kiện này.
b. Sẵn sàng đăng tải, giới thiệu những bài viết, nguồn dẫn, quảng cáo không công cho một số các trang blog "phản động" - Họ làm điều này vì biết rõ không cần đến sự tiếp tay của họ, quần chúng cũng đã biết đến, cũng vẫn hàng ngày vượt tường lửa để truy cập và theo dõi sự kiện ở những trang blog đó.
c. Sẵn sàng bỏ công bỏ sức trong một thời gian ngắn tổng kết toàn bộ những "hồ sơ" về những nhân vật bất đồng chính kiến với đảng, tạo hình ảnh một trang blog đứng về phía những người hoạt động đấu tranh cho dân chủ. Họ cũng thừa biết, không có họ, với hàng hàng lớp lớp thông tin lề Dân đang có và với công nghệ Google, ai cũng có thể truy cập những nguồn thông tin này.
Tóm lại, họ có thể trở thành những blogger, những trang blog "lề Dân" nhiệt tình nhất; họ không cần phải bí mật xâm nhập theo kiểu tình báo để nằm trong hàng ngũ "địch", ngược lại đây là một tiến trình xâm nhập công khai. Tất cả được công khai xuất hiện dưới căn cước không phải là Dân mà là Vua, là Quan, là Đảng cùng nhau nhảy từ sân chơi độc quyền của 700 tờ báo đảng sang quậy tung thế giới của những người dân đang làm báo không theo lề của đảng.
*
Các bạn thân mến,
Một chế độ độc tài, tồn tại trong một thời gian dài không phải chỉ dựa vào sự tàn ác mà phần lớn nó đến từ những kế hoạch gian manh và xảo quyệt. Sân chơi của độc tài không có chỗ sống còn cho những con người ngây thơ, cả tin. Sức mạnh của đảng cai trị trong hơn một nửa thế kỷ qua được xây dựng bởi nhiều phương tiện. Nhà tù và súng ống chỉ là phương tiện tối hậu mà những kẻ cai trị buộc phải sử dụng đến. Ngay cả những tên bạo chúa hung ác nhất trong lịch sử loài người cũng biết là không thể giam cầm hay bắn bỏ tất cả những kẻ bị trị. Họ sử dụng một phương tiện khác, có khả năng bao trùm, và xâm nhập vào phế phủ của những người bị trị một cách kiên trì như nắng mưa ngày tháng làm rĩ sét những thanh sắt cứng rắn nhất.
Khác với súng đạn và cái còng số 8 thi thoảng xuất hiện, lúc nào nó cũng hiện hữu. Nó xâm nhập đánh thức giấc ngủ an lành của kẻ bị trị vào buổi sáng. Nó trở thành một thứ tiêu khiển của nhiều người sau buổi ăn trưa. Nó chui vào phòng khách, ngồi vào bàn ăn của mọi người vào buổi tối. Có lúc nó ồn ào, khi thì nhỏ nhẹ, thường thì hiền lành, thỉnh thoảng hung dữ nhưng luôn luôn kiên trì, nhẫn nại và ca tụng những điều tốt đẹp nhất, đạo đức nhất, vinh quang nhất.
Tên của nó là: Bộ máy Tuyên truyền của đảng.
Phương hướng của nó: Giam hãm Sự Thật và rao giảng những điều Giả Dối.
Mục tiêu của nó: biến những người bị trị thành những người đi từ thuần phục cho đến tôn sùng những kẻ cai trị.
Khác với những gì người ta thường thấy và cho rằng sức mạnh chính của đảng là thành phần công an hay lực lượng quân đội. Điều này chỉ đúng ở một ý nghĩa tương đối. Thật ra, đây là lực lượng được đảng dùng để răn đe và buộc lòng phải sử dụng đối với một số cá nhân mà Bộ máy Tuyên truyền của đảng đã thất bại trong "sứ mệnh" của nó. Lực lượng công an, quân đội trong nhiều trường hợp cũng không phải là cứu cánh sau cùng của bộ máy độc tài khi cách mạng quần chúng bùng nổ. Sức mạnh chính của đảng là những quân đoàn hùng hậu, những sư đoàn đặc biệt, những trung đoàn thiện chiến, những tiểu đoàn và tiểu đội đặc nhiệm mà vũ khí là những cái loa, cây viết ngày đêm tiến hành những chiến dịch không tiếng súng nhưng có sức công phá như những chất cường toan. Nhiệm vụ của nó là làm tê liệt ý chí phấn đấu, mê muội hóa quần chúng từ trong trứng nước và tiêu diệt mọi mầm mống có thể đâm chồi nảy lộc cho một cuộc cách mạng dân chủ.
Đạo quân "giết người không gươm giáo" của đảng là ai? Khởi đầu đó là những thợ viết sử, thợ viết văn, thợ làm thơ, thợ vẽ hình, thợ làm báo, thợ nghiên cứu... Trong mắt nhìn chiến lược của đảng, khi mà những người bị trị gọi những người có khả năng viết, vẽ, làm thơ, làm tin theo quy định và ý muốn của đảng - nói chung những tên thợ - này là nhà sử học, văn sĩ, thi sĩ, hoạ sĩ, phóng viên, nhà nghiên cứu... thì mục tiêu của Bộ máy Tuyên truyền của đảng coi như thành công. Những tên thợ lưng còng, bút cong đã được quần chúng công nhận là những người có tư cách để làm nên nền sử học, văn học, nghệ thuật, truyền thông... của đất nước.
Ngày hôm nay với sự lớn mạnh của thông tin và phản biện của lề Dân, những luận điệu của những sản phẩm của lưng còng, bút cong vừa mới ra lò đã bị bẻ gãy không còn đất sống. An Ninh và Truyền Thông đã bắt tay nhau để đối đầu với sự lớn mạnh của thế giới truyền thông độc lập. Lằn ranh giữa lề đảng và lề Dân trong thế giới thông tin đang được đảng tìm cách xóa mờ. Hệ quả là chúng ta đang sống trong một môi trường thông tin xám, vàng thau lẫn lộn, bạn thù lẫn lộn và cùng nhau đánh xáp lá cà.
Liệu chúng ta có đủ sáng suốt và bình tĩnh để vượt qua những cảm xúc, những lôi kéo mang tính phong trào mời gọi của một chợ trời bát nháo nhưng hấp dẫn của một nền truyền thông lá cải chính trị để giữ được truyền thông lề Dân như là một vũ khí sắc bén đánh vào tử huyệt của bộ máy độc tài: sự xảo trá mị dân?
Câu trả lời chắc chắn là chúng ta sẽ phải - vì chúng ta không có chọn lựa nào khác hơn. Đất nước không thể mãi chìm đắm trong u tối và vòng nô lệ khi mà gần 90 triệu người từ tình trạng sống trong bưng bít thông tin phải chuyển sang tình trạng phải sống trong sự lẫn lộn giữa sự thật và giả trá.
Chúng ta không thể chống gậy đi tìm sự thật, tranh đấu cho sự thật bằng cây gậy giả dối.
Chúng ta không thể xiển dương sự thật bằng hành động ăn nằm chung chạ với giả dối.
Chúng ta không thể là-sự-thật nếu không lừng lững đạp lên giả dối mà đi.
Khó tin những gì họ đã luận tội Nguyễn Phương Uyên
Nguyễn Tường Thụy - Không phải ngẫu nhiên mà chỉ 3 ngày sau khi các nhân sĩ trí thức ký đơn gửi Chủ tịch nước đề nghị trả tự do ngay cho Nguyễn Phương Uyên, Cơ quan An ninh điều tra Công an TPHCM, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Long An họp báo thông báo kết quả điều tra ban đầu vụ Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Thiện Thành về các hành vi tuyên truyền chống Nhà nước Việt Nam.
Cứ theo nội dung cuộc họp báo thì công an Tp HCM và Long An đã thắng Nguyễn Phương Uyên sau 20 ngày “đấu tranh với đối tượng”.
Vâng, cái chiến thắng ở đây là lá đơn xin khoan hồng bằng chữ viết của Uyên, clip nhận tội có hình ảnh và tiếng nói của Uyên.
Kết quả này không ai lạ. Một bên là đội ngũ công an, cán bộ điều tra đông đảo, hùng hậu, dày kinh nghiệm và bằng các biện pháp “nghiệp vụ”, một bên là một cô bé sinh viên, thiếu cả kinh nghiệm sống chứ nói gì đến kinh nghiệm làm việc với công an. Cái chiến thắng này có gì đáng tự hào không?
Thế mà Cơ quan An ninh điều tra – Công an TP. HCM và Long An tổ chức một cuộc họp báo khá hoành tráng. Lập tức, một loạt các tờ báo gần như cất cùng một giọng, chỉ trích, ném đá Phương Uyên, giật những cái tít “ghê người”. Trớ trêu thay, “hung hăng” nhất lại là báo Tiền Phong, trong khi Uyên là ủy viên BCH chi đoàn; là báo phụ nữ, trong khi Uyên là một cô gái (chữ trong ngoặc kép là chữ dùng của Ba Sàm).
Ngoài ra, một số kẻ vội vã nhảy vào các blog từng bênh vực Phương Uyên khiêu khích và không giấu được vẻ hí hửng.
Nhiều người ngờ để có được lời nhận tội của Uyên, người ta đã làm gì? Uyên không phải là Cù Huy Hà Vũ từng trải với bản lĩnh vững vàng, với khối kiến thức uyên bác. Uyên chỉ là một cô gái mới lớn, tất cả còn bỡ ngỡ trước ngưỡng cửa cuộc đời.
Người ta khó tin những gì Uyên khai nhận. Họ quá hiểu về những thông tin do công an hay báo chí đưa ra. Bản thân tôi có những bằng chứng về việc cơ quan công an và báo chí xuyên tạc sự thật, trong đó có việc tôi chứng kiến, có việc tôi liên quan và có việc của riêng gia đình tôi.
Hẳn chúng ta còn nhớ Đài truyền hình Hà Nội còn nợ khán giả câu chuyện (bịa đặt) về người biểu tình nhận tiền của thế lực thù địch hôm 5/8/2012 như thế nào.
Cha Nguyễn Văn Lý, người đã trải qua nhiều nhà tù, bằng ấy tuổi đời, bằng ấy kinh nghiệm và bản lĩnh kiên cường như thế nào cũng phải chua chát mà nói rằng: “Những lời nói và hành động của tôi sau khi bị bắt đều không có giá trị” (theo JB Nguyễn Hưu Vinh)
Tác giả Hạ Đình Nguyên, trong bài Nguyễn Phương Uyên – Tôi có thể làm gì cho em có kể một câu chuyện như sau:
“Tôi nhớ tại Tối Cao Pháp viện, Tổng thống VNCH – Nguyễn Văn Thiệu, đã đích thân đến Tòa án can thiệp, tranh luận tay đôi với Viện trưởng Nguyễn Minh Tiết, rằng cần phải kết án 21 SV trong số 42 SVHS đã bị bắt vừa qua là Việt Cộng, vì có bằng chứng minh bạch. Ông Viện trưởng Tiết đã cương quyết bác bỏ, vì sự tra tấn dã man là bằng chứng của ép cung, lời cung đã khai không còn giá trị. Thế là hầu hết đã được trả tự do ngay sau phiên tòa”.
“Trong trường hợp này (của SV Nguyễn Phương Uyên) thì đây là vụ án thuộc nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia. Theo pháp luật qui định khi bị khởi tố về tội xâm phạm an ninh quốc gia trong chương đó thì cơ quan điều tra có quyền chưa cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư cho đến khi nào kết thúc điều tra. Tuy nhiên nếu có luật sư hay không có luật sư thì bị can bị cáo vẫn có quyền khai hay không khai; chức năng của cơ quan tiến hành tố tụng là chứng minh có tội hay không”.
Thế nhưng, khi rơi vào tay công an, có ai nói cho Phương Uyên biết quyền im lặng ấy của mình? Liệu trên thực tế, có ai dám thực hiện cái quyền im lặng ấy.
Điều này gợi cho ta nhiều suy nghĩ về độ chính xác của những lời khai, lời nhận tội và lời xin khoan hồng của Phương Uyên khi Uyên bị bắt một cách bí mật, một mình trong trại giam với những cán bộ điều tra đầy kinh nghiệm. Dù pháp luật qui định cấm bức cung, mớm cung, dụ cung, nhục hình… nhưng ai dám nói, những điều ấy không xảy ra đối với Phương Uyên?
Ai dám khẳng định Uyên nói gì, viết gì đều là sự thật, đều là ý kiến của cô chứ không phải là cơ quan điều tra áp đặt?
Nhìn Phương Uyên tiều tụy trên truyền hình, những người ái mộ, bênh vực Uyên càng thương Uyên hơn. Không một ai trách Uyên tại sao lại nhận tội, tại sao lại xin khoan hồng. Có người còn mừng vì như thế nghĩa là Uyên vẫn còn sống. Theo tôi, điều này có lý do bởi Uyên còn quá non nớt và những gì Uyên viết, Uyên nói, còn phụ thuộc vào áp lực trong những ngày Uyên một mình trong trại giam.
Ngay tối hôm họp báo, tôi có gọi điện hỏi thăm chị Nhung là mẹ của Uyên. Chị cho biết, chị mừng vì được nhìn thấy con. Chị bảo bình thường, lúc nào nó cũng vui tươi hồn nhiên trong sáng, cặp mắt bao giờ cũng nhìn thẳng. Nhưng hôm nay thấy cháu trên truyền hình trông xơ xác quá. Phải chăng đấy là kết quả của những “biện pháp nghiệp vụ” nà người ta áp dụng đối với Uyên? Chị Nhung chỉ nói thế, chứ chị không băn khoăn gì về những tội danh mà truyền hình đã đưa ra.
Nhìn Phương Uyên trước lúc bị bắt 2 ngày (hôm sinh nhật) với Phương Uyên 22 ngày sau đó, ai mà không xa xót.
Có thể cuộc họp báo ngày 3/11 được tổ chức là một sự trả lời gián tiếp cho lá đơn của các nhân sĩ trí thức gửi Chủ tịch nước. Phải chăng họ ngầm ý, các vị cứ bênh vực Uyên đi. Tội Uyên rành rành ra đây này, nào là rải truyền đơn chống Đảng, nào là có dấu hiệu của tội khủng bố. Các vị ủng hộ Uyên có nghĩa là ủng hộ bọn khủng bố phải không, coi chừng các vị can tội đồng lõa với khủng bố đấy nhé.
Nhưng giới trí thức là tầng lớp hơn ai hết biết rõ bản chất sự việc. Tôi dám chắc, những người ký vào đơn không ai ân hận vì chữ ký của mình. Giá như lá đơn được thảo ra sau khi họp báo thì các vị ấy vẫn cứ ký như thường, có khi còn đông hơn vì có thêm sự chuẩn bị.
Và, nếu có sự thách thức đối với các nhân sĩ trí thức, hoặc là sự hiếu thắng hay muốn lập công, cũng mong cơ quan điều tra đừng nại thêm cho tội của Phương Uyên cho nặng hơn hoặc thêm tội danh hơn so với sự thật vốn có. Uyên còn trẻ quá, như con cháu tôi, như con cháu các vị. Nếu Phương Uyên bị oan ức, dù chỉ thêm một ngày ngồi tù thì những ai góp phần vào việc này sẽ làm cho lòng người oán hận và nhất là không khỏi tự vấn lương tâm, không thể sống thanh thản trong quãng đời còn lại.
7/11/2012
Ghi Chú
NhanQuyen
Qua một vài phát biểu thấy rõ thêm bản chất của chế độ và con người của chế độ
Dân Làm Báo - Đầu tháng, Quốc hội cùng nhau họp bàn công tác phòng chống tội phạm và phòng chống tham nhũng. Tội phạm và tham nhũng được gom thành một. Chí ít, những ông bà đảng viên được đảng cử dân phải bầu này cũng sáng suốt được một điều: Tội phạm và tham nhũng là một theo đúng phương trình toán học thời kỳ quá độ: Tội phạm + Tham nhũng = Quan chức đảng.
Xin được trích lại 1 số phát biểu của các ĐBQH được thông tin trên báo lề đảng:
Đại biểu Võ Thị Dung (Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Bí thư Đảng Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy Ban MTTQVN Tp. HCM, Cử nhân Kinh tế, Cử nhân Luật, Cao cấp Lý luận chính trị): “Một lần nữa, tự đáy lòng mình tôi tha thiết mong muốn trong kỳ họp này, Quốc hội sẽ có những thông điệp lạc quan về quyết tâm chính trị và hành động tích cực để phòng, chống tham nhũng có hiệu quả cũng như phòng, chống tội phạm, đem lại sự an dân.”
Chỉ dựa vào câu nói này, vài người đọc có thể xúc động về sự tha thiết của bà đại biểu quốc hội, là người không những chỉ đại diện cho cử tri của Tp. HCM mà còn "là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước." (theo điều 97 Hiến pháp).
Tuy nhiên, bà đại biểu Võ Thị Dung đã muốn "Quốc hội sẽ có những thông điệp lạc quan về quyết tâm chính trị và hành động tích cực để phòng, chống tham nhũng" như thế nào?
Thông điệp mà bà đề nghị là:
- Quốc hội và Chính phủ cùng hứa trước quốc dân đồng bào sẽ không bao giờ tham nhũng...
- 498 đại biểu và toàn bộ thành viên của Chính phủ sẽ tuyên hứa trước quốc dân đồng bào kể từ nay sẽ quyết tâm cao để hành động quyết liệt, đẩy lùi tham nhũng có hiệu quả và bản thân của mỗi đại biểu, mỗi thành viên Chính phủ sẽ không bao giờ phạm vào tội tham nhũng”.
- Những ai đã lỡ tham nhũng thì xin nhân dân, Quốc hội, Chính phủ tha thứ xem xét để không hồi tố, nhưng đồng thời kêu gọi sự tự giác, xử sự sao cho có đạo lý với tài sản bất minh đã có được.
- Hỗ trợ cho bà Dung, đại biểu Đỗ Văn Đương (Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kiểm sát - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tiến sĩ Luật, Cao cấp Lý luận chính trị) đã đề nghị năm 2013 và các năm tiếp theo mở cuộc vận động cao điểm về tuyên truyền giáo dục cho cán bộ công chức tiết chế lòng tham.
- Và tóm lại bằng câu phát ngôn ấn tượng cũ mèm của ông phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúcphía chính phủ: "Không thể một sớm, một chiều giải quyết được ngay tình trạng tham nhũng... không thể nói ngay sau kỳ họp này tham nhũng giảm hẳn đi ngay lập tức."
*
Điều 84 Hiến Pháp quy định nhiệm vụ của Quốc hội:
1- Làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp; làm luật và sửa đổi luật; quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh;
2- Thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội;...
Đối chiếu chức năng, trách nhiệm của Quốc hội và những phát biểu của các ông bà ĐBQH chúng ta rút ra một số điều như sau:
1. Tư duy làm việc của các ông bà đảng viên Quốc hội này không dựa vào luật mà dựa vào lời hứa. Đứng trước mọi vi phạm về những luật mà do chính Quốc hội lập ra (theo Điều 84 khoảng 1 HP) các ông bà này cho rằng chỉ cần cùng "hứa" trước quốc dân đồng bào sẽ không bao giờ vi phạm. Các ông bà đã quăng mớ luật của các ông bà vào thùng rác và leo lên nắp thùng, đứng tha thiết xin hứa rằng... Phương châm sống, chiến đấu, học tập... của các ông bà đảng viên đội nón quốc hội này không phải là "sống và làm việc theo pháp luật" mà là những lời hứa hẹn đồng điệu múa với bước đi "không dẹp được tham nhũng tôi sẽ từ chức" của ông đảng viên đồng chí X đứng đầu chính phủ.
2. Các ông bà họp bàn công tác phòng chống tội phạm và phòng chống tham nhũng nhưng các ông bà không thể đưa ra một đạo luật, biện pháp gì để từ đó - chưa nói đến thành công - ngược lại, chỉ có thể gửi một "thông điệp lạc quan về quyết tâm chính trị và hành động tích cực để phòng, chống tham nhũng có hiệu quả". Vì sao? vì làm sao, trên đời này tìm đâu ra những tên ăn cướp có thể làm luật chống ăn cướp thành công!?. Làm sao những tên giết người có thể giám sát tốt việc tuân theo luật (do những tên giết người làm ra) được áp dụng với những kẻ sát nhân như thế nào!? Và cụ thể trong phạm vi chống tham nhũng, làm sao những tên ăn cắp, tham ô, tham nhũng có thể giám sát, giải quyết tội phạm ăn cắp, tham ô, tham nhũng? Điều này, không phải do ai khác dựng lên và bỏ vào mồm các ông bà này mà do chính các ông bà thú nhận:
"498 đại biểu và toàn bộ thành viên của Chính phủ sẽ tuyên hứa trước quốc dân đồng bào kể từ nay sẽ quyết tâm cao để hành động quyết liệt, đẩy lùi tham nhũng có hiệu quả VÀ bản thân của mỗi đại biểu, mỗi thành viên Chính phủ sẽ không bao giờ phạm vào tội tham nhũng”.
Đại biểu quốc hội họp bàn công tác phòng chống tội phạm và phòng chống tham nhũng nhưng nhìn qua nhìn lại đều thấy những khuôn mặt tham nhũng đang ngó nhau. Bởi vì nhìn mặt nhau đã thấy 2 chữ tham nhũng in trên trán, cho nên các ông bà KHÔNG THỂ NÀO KHÁC HƠN là phải tiếp tục vất bỏ luật pháp vào thùng rác, mọi sự nghiêm trị công minh bằng pháp luật không thể áp dụng cho các ông bà:
"Những ai đã lỡ tham nhũng thì xin nhân dân, Quốc hội, Chính phủ tha thứ xem xét để không hồi tố, nhưng đồng thời kêu gọi sự tự giác, xử sự sao cho có đạo lý với tài sản bất minh đã có được." Pháp trị đối với các ông bà là đồ bỏ. Thay vào đó, các ông bà lấy mỡ bôi trơn mồm, đem cái Đức trị toát mùi đạo đức giả ra xài:
"Mở cuộc vận động cao điểm về tuyên truyền giáo dục cho cán bộ công chức tiết chế lòng tham".
Nội câu này không cũng lại toát ra nhiều chất thải:
a. Các ông bà thêm một lần nữa chính thức công nhận những phần tử trong cái gọi là đảng quang vinh của các ông bà là những kẻ tham lam vô độ.
b. Những kẻ vô độ đó tham lam đến mức phải có một kế hoạch cao điểm để dạy cho chúng (trong đó có các ông bà) tiết chế lòng tham.
c. Các ông bà chỉ dành toà án và những cánh cửa nhà tù cho những người dân phạm luật còn đối với các ông bà chỉ cần hứa và tự tuyên truyền giáo dục cho nhau. Là đủ.
Điều trên lại được thể hiện rõ ràng qua câu nói:
"Những ai đã lỡ tham nhũng thì xin nhân dân, Quốc hội, Chính phủ tha thứ xem xét để không hồi tố, nhưng đồng thời kêu gọi sự tự giác, xử sự sao cho có đạo lý với tài sản bất minh đã có được."
Chỉ có một câu 45 từ nhưng lại có quá nhiều điều để nói với các ông bà:
Thứ nhất: các ông bà không cần phải xin nhân dân. Hơn 80 triệu nhân dân đang bị các ông bà cai trị, "chúng" chẳng có quyền hạn gì để các ông bà xin-cho? đứa nào mở miệng ra phê bình thẳng thắn, không đồng ý, phản đối các ông bà là bị công an lá chắn chế độ của các ông bà đập ngay vào đầu cái còng 88. Chúng cũng chẳng có thể bắt chước các ông bà tha thiết kiểu "đã lỡ phạm tội xin các ông bà tha thứ".
Thứ Hai: các ông bà xem chuyện tham nhũng của các ông bà là "lỡ". "Lỡ" như đi chợ thấy ai không để ý bỏ túi một trái cam. "Lỡ" như đi ngoài đường lượm một cái ví của ai làm rớt. "Lỡ"như một lần, chỉ một lần rồi thôi, không tiết chế lòng tham nhận đại 1 phong bì. Và vì các ông bà xem đó là "lỡ" nên các ông bà tự cho là mình không vi phạm luật, không cần phải bị xét xử như hơn 80 triệu dân đen mà các ông bà vừa cai trị vừa đại diện cho chúng. Vì "lỡ" theo tư duy đó của các ông bà nên chỉ cần xin tha thứ. Không, thưa các ông bà. Nó không là "lỡ". Các ông bà đã mua quan bán chức, lợi dụng quyền hạn cá nhân và quyền sinh sát cả một dân tộc của đảng các ông bà để mà tham nhũng có kế hoạch ngắn hạn, có kế sách lâu dài. Nó không là "lỡ" vì chính ông bà thú nhận cái "lỡ" của các ông bà đã làm nên cả một "tài sản bất minh". Nó không là "lỡ" mà là "lở".
Thứ Ba: khởi đi từ cái tuy duy "lỡ" đó các ông bà kêu gọi những tên ăn cắp - cũng là các ông, các bà - xử sự sao cho có đạo lý với những đồ ăn cắp bất minh. Các ông bà đang nói chuyện với trẻ conlên năm hay chính các ông bà đang mang tư duy và trí tuệ của đứa bé 5 tuổi. Chắc hẳn là không vì bà đại biểu Võ Thị Dung đang cất trong túi 3 mảnh bằng Cử nhân Kinh tế, Cử nhân Luật, Cao cấp Lý luận chính trị. Bà Dung không cần học thêm cũng đủ tư cách để có thêm một tấm bằng Cao cấp Lý luận đạo đức giả.
Thứ Tư: Tự giác, tự xử? Một lần nữa, tư duy đứng ngoài, đứng trên luật pháp, quăng luật pháp vào thùng rác lại được thể hiện từ các ông bà đang chiếm những cái ghế làm luật và giám sát việc thi hành luật của quốc gia.
Kết luận: Tự ông đảng viên Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận cho bài viết và cho các ông bà: "Không thể một sớm, một chiều giải quyết được ngay tình trạng tham nhũng... không thể nói ngay sau kỳ họp này tham nhũng giảm hẳn đi ngay lập tức."
Làm sao có thể giải quyết tham nhũng bởi một tập đoàn tham nhũng thượng thặng!? Kết quả của mấy chục năm cai trị, hàng trăm nghị quyết, hàng ngàn bài diễn từ, hàng vạn bài viết, và hàng tỉ đôla "lỡ" nằm trong túi các đảng viên đại diện cho giai cấp vô sản tự nó là câu trả lời.
Subscribe to:
Posts (Atom)