4 thuyền viên phải trốn khỏi tàu cá Hsieh Ta của Đài Loan (Trung Quốc) ở vùng biển của Pháp hiện nay đã về đến quê nhà, nhưng trong họ vẫn còn nguyên nỗi bàng hoàng qua những lời kể...
Bị đánh đập thường xuyên
Tại nhà của thuyền viên Trần Văn Dũng (SN 1994) ở xóm 5, xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) rất đông bà con, làng trên xóm dưới đến hỏi thăm. Bà Đậu Thị Ngọc (mẹ Dũng) luôn ngồi bên cạnh cầm lấy tay con như sợ Dũng sẽ đi biền biệt như thời gian vừa qua. Bà nói: "Giờ có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, đói khổ, mẹ con có nhau, còn hơn là đi xa, bị đánh đập đối xử như vậy.
Mấy ngày qua, nhiều thông tin đến với gia đình, nào Dũng bị đánh đập thậm tệ, nào nó nhảy xuống biển trốn bị cá mập ăn thịt, làm gia đình tui hoang mang lo lắng, như ngồi trên đống lửa. Nhưng lúc 1h sáng 15.8 nó bỗng dưng mở cửa gọi bố mẹ ơi. Tui mở cửa thấy nó, cứ tưởng mình nằm mơ. Thế rồi mẹ con ôm nhau khóc vì mừng. Nay tui không cho nó đi mô nữa hết."
Thuyền viên Trần Văn Dũng
Khuôn mặt Dũng vẫn còn mệt mỏi sau chuyến hành trình từ Pháp về Việt Nam. Dũng kể rằng được một người tên Đồng ở xóm 10 môi giới cho đi sang Đài Loan vào ngày 20.12.2012. Sang đó Dũng được đưa lên tàu cá Hsieh Ta.
Sắc mặt Dũng bỗng thay đổi, như bị dị ứng khi nhắc đến tên con tàu này: " Trên tàu đó có cả thảy 23 thuyền viên gồm: 10 người Việt Nam, 8 người Indonesia, 2 người Myanma, Philipin 3 người. Công việc của em là phụ lái tàu, đánh câu và bắt câu.
Hỏi về việc có một số thông tin cho rằng 4 thuyền viên bỏ trốn là muốn đến Tahiti làm việc khác, thì cả 4 thuyền viên đều phủ nhận điều này. "Bọn em bị đối xử thậm tế quá mới bỏ trốn chứ bọn em không biết Tahiti là ở nước nào và ở đó ra làm sao cả. Bọn em muốn về nhà chứ không phải trốn để kiếm việc làm", thuyền viên Hoàng Văn Hậu khẳng định.
|
Em không thể ngờ được, làm việc trên tàu này lại vất vả cực nhọc đến vậy. Bọn em làm liên tục, mỗi ngày đêm chỉ được ngủ có 6 tiếng. Nhưng ngủ gục là bị cai tàu đánh liền, họ toàn dùng cờ lê, mỏ lết và búa để đánh.
Họ luôn nhằm đầu để đánh, em cũng bị họ đánh đập thường xuyên".
Hỏi Dũng, làm gì mà bị họ đánh. Dũng buồn bã lắc đầu: "Không có chuyện gì họ cũng đánh. Thậm chí thuyền viên đang ngủ cũng bị họ "tè" vào mặt, vào người. 4 cai tàu hay đánh người nhất là tên máy trưởng Ta Sơ (60 tuổi ), tên Thuyền trưởng Xoắn Giảng (SN1963) và 2 cai tàu người Trung Quốc.
Là con người cả nhưng không biết sao họ đối xử quá tàn nhẫn đối với bọn em chẳng khác gì nô lệ". Dũng kể mà khuôn mặt vẫn còn nét bàng hoàng đau đớn bởi những trận đòn oan.
Thuyền viên Hoàng Văn Hậu quê ở bản Hạnh Tiến, huyện Quỳ Châu cũng về đến nhà vào lúc 10h sáng nay (15.8). Kể về việc bị hành hạ, đánh đập, trên tàu cá Hsieh Ta, Hậu bức xúc: " Bọn em làm trên tàu đó bị đánh đập thường xuyên, em có lần bị đánh vào đầu bằng búa ngất xỉu, có lần còn bị túm tóc đập vào thành tàu, máu ra nhiều và ngất. Bức xúc và căm giận nhưng bọn em không thể chống đối được.Vả lại, nhà nghèo, vay mượn để đi, phải chịu nhục, chịu đòn để làm cho ở nhà vợ con bớt khổ."
Hoàng Văn Hậu thở dài: "Nhưng rồi cuối cùng bọn em cũng không chịu đựng được, nhiều lần bọn em đòi về nhưng họ không cho về. Vậy là 10 thuyền viên người Việt bọn em bàn chuyện nhảy tàu để trốn".
Khi tàu cá Hsieh Ta đến vùng biển Tahiti, cách đất liền khoảng 5 hải lý (khoảng 10 km) thì 4 thuyền viên: Trần Văn Dũng; Hoàng Văn Hậu, Lê Đình Anh, Nguyễn Văn Hùng ôm AQ (phao câu) nhảy xuống biển.
"Lúc đó khoảng 9h sáng ngày 8.8, bốn đứa bọn em nhảy xuống biển trót lọt, còn 6 người chuẩn bị nhảy nhưng bị cai tàu khống chế không cho nhảy. Bọn em nương vào nhau, bơi lênh đênh trên biển khoảng gần 2 tiếng đồng hồ thì có ca nô của Cảnh sát Pháp đưa chúng em vào bờ.
Cảnh sát bên đó mua quần áo và đồ dùng cá nhân. Họ cho bọn em tắm rửa, ăn uống rồi mới thẩm vấn. Sau khi nghe bọn em trình bày sự việc, bị đối xử thậm tệ và mong muốn được về nhà, họ đã gọi điện cho các bên liên quan làm việc.
Sau 2 ngày được ở khách sạn, được đối xử rất tử tế, cảnh sát đã mua vé máy bay cho 4 đứa bọn em về nước..."
Phản hồi từ các Công ty XKLĐ
Trên đường về, máy bay dừng lại ở Nhật Bản hơn 1 tiếng đồng hồ, sau đó đổi vé máy bay tiếp tục cuộc hành trình. Vào tối 12.8, bốn thuyền viên đã về đến Việt Nam nhưng chỉ có Công ty CP XKLĐ, thương mại và du lịch TTLC đến đón người của mình phái cử là Hoàng Văn Hậu và Lê Đình Anh. Trần Văn Dũng buồn bã: " Em trong túi chẳng có đồng tiền nào cả, may nhờ công ty của anh Lê Đình Anh bảo lãnh cho ăn ở mấy tiếng ở khách sạn sau đó cho tiền để em về nhà, còn công ty của em chẳng thấy ai cả".
Thuyền viên Trần Văn Dũng và mẹ, ngày vui đoàn tụ
Được biết, Dũng là con cả trong một gia đình ngư dân nghèo, sau Dũng còn 4 người em đang tuổi ăn học. Dũng học xong lớp 6 đành phải bỏ học theo cha ra biển mưu sinh. Khát khao được thoát nghèo nên khi được một người đàn ông tên Đồng đến bảo sẽ chạy cho Dũng đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan, gia đình đã chạy vạy vay mượn 20 triệu đồng cho Dũng đi.
Dũng đi sang Đài Loan từ đầu tháng 12 năm ngoái đến nay nhưng mới chỉ gửi về 38 triệu đồng (phải trả cho ông Đồng - người môi giới 10 triệu đồng) rồi bặt tăm, vô tín. Nguyên nhân Dũng và các thuyền viên không liên lạc được với gia đình là do cai tàu không cho gọi điện thoại và dùng điện thoại.
"Từ khi về nước đến nay, người đưa em đi là ông Đồng và công ty cũng không thấy liên lạc gì với em. Nhưng em không buồn. Thoát được kiếp nô lệ trên tàu đó là mừng rồi. Sắp tới đây em sẽ đi biển câu mực với bố và lấy vợ ", Dũng nói.
Còn Hoàng Văn Hậu và Lê Đình Anh cho biết, hiện nay, công ty mới cho tiền tàu xe đi về chứ chưa đề cập đến việc gì cả.
"Khi về, công ty đã giữ hộ chiếu của bọn em và hẹn 3 tháng sau sẽ giải quyết. Em đi sang đó theo hợp đồng là 400USD/ tháng. Tính là đã 8 tháng nhưng ở nhà chỉ mới nhận có 3 tháng lương (350USD/ tháng). Hiện nay em chờ công ty giải quyết xong mới có thể ổn định tìm việc làm khác", Hoàng Văn Hậu nói.