Giới trí thức gởi thơ cho đối tác nước ngoài về vụ Văn Giang
Quỳnh Chi, phóng viên RFA
2012-05-11
Một nhóm trí thức vừa viết thư gởi cho tập đoàn Savills và trường Đại học Anh tại Việt Nam, là hai đối tác của dự án Ecopark để kiến nghị về vụ cưỡng chế tại Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
Citizen photo
Hàng ngàn công an, cảnh sát cơ động, bộ đội được huy động đến xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên hôm 24-04-2012 để cưỡng chế 70 hecta đất xây dựng khu đô thị Ecopark.Vì quyền lợi người dânBắt đầu từ ngày 8 tháng 5, cộng đồng mạng truyền đi hai lá thư kiến nghị về việc thu hồi, cưỡng chế và đền bù không hợp lý tại huyện Văn Giang, là nơi sẽ được tiến hành dự án khu đô thị Ecopark. Lá thư được một nhóm các trí thức góp ý, trong đó giáo sư Phạm Quang Tuấn, công tác tại Đại học New South Wales, Úc là người soạn thảo chính. Vị giáo sư này cho biết, ông rất bất bình trước tình trạng ngày càng có nhiều người dân bị mất đất và thấy cần phải làm một việc gì đó:
Khoảng cách giàu nghèo càng lớn lớn, nông dân dân càng ngày càng bị mất đất là những chuyện tôi đã thấy từ lâu và thấy bất bình.GS Phạm Quang Tuấn“Khoảng cách giàu nghèo càng lớn lớn, nông dân dân càng ngày càng bị mất đất là những chuyện tôi đã thấy từ lâu và thấy bất bình. Đến một lúc nào đó thì tôi cảm thấy tôi cần làm một việc gì đó. Cho nên tôi quyết định viết lá thư đó”.
Lá thư được gởi cho văn phòng giám đốc điều hành tập đoàn Savills Á Châu Thái Bình Dương và một số trường đại học như Đại học Anh tại Việt Nam, Đại học Luân Đôn, đại học Staffordshire và ông Antony Stokes LVO - đại sứ Anh tại Việt Nam. Trong dự án Ecopark, tập đoàn Savills được cho biết là một đối tác chiến lược của tập đoàn Đầu tư và Phát triển Đô thị Việt Hưng. Tập đoàn Savills được nói là có độc quyền bán nhà đất của dự án khu đô thị lớn nhất nước này. Còn Đại học Anh cũng được nói sẽ thuê một phần đất lớn tại khu đô thị Ecopark.
Trong lúc Việt Nam đang kêu gọi đầu tư và hợp tác quốc tế, việc các vị trí thức viết thư kiến nghị đến các đối tác nước ngoài có thể gây ra ảnh hưởng nhất định hoặc tạo ra sự thận trọng hơn trong việc hợp tác với Việt Nam từ phía đối tác. Tuy nhiên, những người ký tên vào thư này khẳng định họ không phản đối đầu tư phát triển tại Việt Nam mà chỉ kêu gọi sự công bằng. Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng người ký tên và đăng tải hai lá thư trên blog của mình cho biết:
Công an, cảnh sát cơ động, bộ đội được huy động đến cưỡng chế đất tại xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên hôm 24-04-2012. Citizen photo.
“Chúng tôi rất ủng hộ trào lưu hòa nhập, phát triển của Việt Nam nhưng phải làm như thế nào. Bây giờ là một nhóm lợi trở thành một ảnh hưởng bao trùm, chà đạp lên lợi ích người dân. Tôi cho đây một sai lầm chính trị.
Chúng tôi không phả đối các công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, vấn đề là sự đầu tư đó phải đạt đến quyền lợi của người dân. Làm thế nào để nước Việt Nam phát triển kinh tế mà không đụng chạm đến quyền lợi người dân mà nông dân là đại đa số. Chúng tôi nghĩ rằng có cách giải quyết đền bù, giải tỏa thỏa đáng hơn”, ông nói thêm.
Giá đất mà các hộ dân thuộc diện bị cưỡng chế nhận được là 36 triệu đồng một sào ruộng, được cho là quá thấp so với mức thực tế và không đảm bảo được việc tái thiết lập cuộc sống của bà con. Theo giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, số tiền đền bù như thế sẽ đẩy bà con nông dân vào thảm cảnh và khiến ông phải lên tiếng “theo lương tâm của mình”. Lá thư cho rằng số tiền đền bù chỉ đủ để người dân “sống trong một vài tháng” và gọi đây là “cách đối xử nhẫn tâm với dân làng Văn Giang”.
Họ là những người có văn hóa và được giáo dục trên một đất nước tiên tiến thì họ phải biết làm gì trước một tình huống như thế này.GS Nguyễn Đăng HưngMục đích chính của lá thư kiến nghị này là kêu gọi các tập đoàn đối tác gây áp lực để công ty Việt Hưng “xin lỗi và bồi thường xứng đáng cho các chủ đất”. Giáo sư Phạm Quang Tuấn cho biết yêu cầu này phản ánh được hy vọng của người dân và cũng là hy vọng chính của những người ký tên vào lá thư:
“Đó là hy vọng chính của chúng tôi vì đằng nào người dân cũng bị mất đất. Nếu họ rút ra khỏi dự án thì chưa hẳn tốt cho bà con Văn Giang”.
Cần duy trì tiêu chuẩn đạo đứcLá thư của nhóm trí thức gởi đến các cơ qua đối tác của cơ quan chủ quản dự án Ecopark ngoài trình bày chi tiết về những vi phạm pháp luật và bất hợp lý trong việc đền bù, còn đính kèm những tài liệu chứng minh rằng vụ cưỡng chế đã được thực hiện một cách bạo lực.
Khẳng định “Trong các tổ chức trên thế giới, mọi người đều biết rằng đại học Anh là nơi duy trì các tiêu chuẩn cao nhất về đạo đức và trách nhiệm xã hội”, lá thư này nhấn mạnh vào việc đòi hỏi một ứng xử có văn hóa, văn minh của những cơ quan nước ngoài này. Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng cho biết hy vọng của mình:
“Họ là những người có văn hóa và được giáo dục trên một đất nước tiên tiến thì họ phải biết làm gì trước một tình huống như thế này”.
Nhà báo của Đài Tiếng nói Việt Nam VOV bị đánh đập thô bạo, ngày 24 tháng 4 năm 2012 tại Văn Giang. RFA/screen capture.
Vụ cưỡng chế đất ở Văn Giang được các tờ báo không thuộc nhà nước loan tin có đến hàng ngàn cảnh sát tham dự. Một số người bị đánh và nhiều đạn khói được sử dụng để cưỡng chế cánh đồng 72 ha mà trên đó còn nhiều mồ mã. Trong lúc cưỡng chế, hơn 20 người bị bắt đi trong đó có cả phụ nữ. Sự việc gây nhiều bức xúc cho không chỉ nông dân mà còn cho những người quan tâm đến tình hình đất nước. Mới tuần trước, trang bauxite Việt Nam cũng cho ra một tuyên bố gởi đến các cơ quan nhà nước phản đối cách hành xử của chính quyền tỉnh Hưng Yên.
Trước việc xuất hiện ngày càng nhiều lá thư tập thể gởi đến lãnh đạo nhà nước nhưng đều bị rơi vào im lặng, lá thư gởi đến các đối tác nước ngoài này được cho là một điểm mới với nhiều hy vọng hơn. GS Phạm Quang Tuấn cho biết:
“Tôi cũng hy vọng đây là một con đường mới. Nếu đi theo lối này thì có thể có thêm một chút ảnh hưởng. Tôi cũng muốn nói thêm là sau khi lá thư được công bố thì cũng có nhiều người liên lạc để ký tên. Chúng tôi sẽ gởi cho Savills và Đại học Anh một lá thư nữa với những chữa ký mới, đồng thời hỏi họ về tiến triển sự việc này”.
Dự án khu đô thị Ecopark được bắt đầu từ năm 2004 có diện tích khoảng 500 ha thuộc ba xã Xuân Quan, Phụng Công và Cửu Cao thuộc huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Vì là những cánh đồng sản xuất chính của bà con mà không nhận được đền bù xứng đáng, hơn 2 ngàn hộ dân đã không chịu nhận bồi thường. Hồi năm 2009, chính quyền đã thực hiện đợt cưỡng chế đầu tiên và ngày 24 tháng 4 vừa qua là đợt cưỡng chế thứ hai. Từ năm 2004 đến nay, bà con đã nhiều lần kêu cứu lên các cơ quan chức năng nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.
Khi dư luận ngày càng tìm hiểu về vụ cưỡng chế cũng như hồ sơ dự án Ecopark, xuất hiện nhiều chi tiết bất hợp lý bao gồm cả việc nghi ngờ về tính pháp lý của các quyết định thực hiện dự án.
Cập nhật:
Theo tin tức chúng tôi vừa nhận được ngày 11 tháng 5, Giáo sư Geoffrey Crossick, Viện Phó Viện Đại học London Và Giáo sư Jonathan Kydd, Khoa trưởng Các chương trình Quốc tế của Viện Đại học London đồng thời Giám đốc Điều hành Học viện Quốc tế của Viện Đại học London cũng vừa có thư phản hồi về lá thư của nhóm trí thức. Thư phản hồi khẳng định vấn đề được phản ánh cần được “nghiên cứu nghiêm túc” và nói rằng “đảm bảo là sẽ coi đây là một vấn đề ưu tiên hàng đầu cần phải giải quyết” của viện ĐH Luân Đôn. Lá thư của Giáo sư Geoffrey Crossick cũng khẳng định Viện Đại học Anh ở Việt Nam (British University Vietnam, BUV) chưa phải là một Trung tâm đã được Công nhận trực thuộc Các chương trình Quốc tế của Viện Đại học London.