THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

09 January 2012

Phó Tổng Tham mưu trưởng tiếp Tư lệnh Hạm đội 7!

CÁC TIN LIÊN QUAN
Thủ tướng tiếp Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ
Thủ tướng đề nghị Chính phủ Hoa Kỳ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường và dành cho Việt Nam ưu đãi thuế quan phổ cập.

Việt Nam, Mỹ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp
Chiều 16/11, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã làm việc với Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Tom Vilsack về các vấn đề trong lĩnh vực nông nghiệp.

Sáng 9/1, tại Hà Nội, Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam đã tiếp Phó Đô đốc Scott H. Swift, Tư lệnh Hạm đội 7 Hoa Kỳ đang ở thăm và làm việc tại Việt Nam.

Thay mặt lãnh đạo Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam, Trung tướng Võ Văn Tuấn chúc mừng Phó Đô đốc Scott H. Swift và đoàn sang thăm, làm việc tại Việt Nam đúng vào dịp năm mới 2012; chúc mừng Phó Đô đốc Scott H. Swift được bổ nhiệm làm Tư lệnh Hạm đội 7.

Trung tướng Võ Văn Tuấn cho rằng thời gian qua, quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam-Hoa Kỳ được đẩy mạnh trên các lĩnh vực trao đổi đoàn, đào tạo, quân y, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả sau chiến tranh ở Việt Nam.

Trung tướng Võ Văn Tuấn tin tưởng chuyến thăm, làm việc của Phó Đô đốc Scott H. Swift và đoàn sẽ có những đóng góp thiết thực, góp phần thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác cùng có lợi giữa hai nước Việt Nam-Hoa Kỳ trên các lĩnh vực, trong đó có quốc phòng.

Thay mặt đoàn, Tư lệnh Hạm đội 7 Hoa Kỳ Scott H. Swift cám ơn Trung tướng Võ Văn Tuấn đã dành thời gian tiếp và cho rằng, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam-Hoa Kỳ thời gian qua đã có bước phát triển đáng kể, nhất là kể từ khi hai nước ký biên bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng song phương cấp thứ trưởng; trên cương vị công tác của mình, khẳng định sẽ làm việc hết sức, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác hai nước tiếp tục phát triển./.

Xuân Trường (TTXVN/Vietnam+)

Hà Nội: Lại tiếp diễn kịch bản cháy xe SH trên phố

 

Chiếc xe SH tự nhiên bốc cháy đùng đùng. (Ảnh: CTV)

Sự việc xảy ra vào khoảng 17h30 chiều nay (09/01) tại khu vực đường Nguyễn Chí Thanh, trước cổng Đài Truyền hình Việt Nam (quận Ba Đình, Hà Nội). Chiếc xe SH (mang BKS 29V4-0433) đang lưu thông trên đường bỗng dưng “phát hỏa” khiến người điều khiển chiếc xe và những người đi đường vô cùng hoảng sợ.

Chủ nhân của chiếc xe là chị Nguyễn Thị Lý (sống tại tổ 31, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy). Chị Lý cho biết, khoảng 17h chiều nay, chị đi xe từ Công ty may Chiến Thắng (số 22 Thành Công, Ba Đình, Hà Nội) về nhà, đến khu vực trước cổng Đài Truyền hình Việt Nam thì xe bốc cháy.

Anh Nguyễn Văn Hưng, bảo vệ trông xe của Đài Truyền hình Việt Nam, người đã chứng kiến sự việc kể lại: khi chiếc xe đi gần khu vực cổng Đài Truyền hình thì những người đi đường nhìn thấy chiếc hiện tượng xì khói từ khu vực cốp sau. Sau đó, chiếc xe đã nhanh chóng bốc cháy.

Được người đi đường thông báo tình hình, chị Lý đã kịp thời xuống xe. Chị vội vàng mở cốp lấy túi đồ và tri hô mọi người trợ giúp dập lửa. Những người dân sống xung quanh khu vực đó đã nhanh chóng lấy nước và bình phun bọt dập tắt ngọn lửa.

Theo ghi nhận của phóng viên, chiếc xe bị cháy ở khu vực phía hông xe và cháy thủng vào phần cốp, khu vực gần bình chứa xăng. Rất may, đám cháy đã được phát hiện và dập tắt kịp thời, nếu không, hậu quả thật khó lường.

Chị Lý cho biết, chiếc xe được mua từ cách đây trên 05 năm tại một cửa hàng xe máy trên phố Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), đăng ký sử dụng chính thức ngày 02/05/2006. Hôm qua (8/1), chị mới đổ xăng tại cây xăng số 463 Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội).

Vì sự việc xảy ra vào giờ cao điểm nên đã gây ùn tắc giao thông kéo dài tại khu vực đường Nguyễn Chí Thanh.

Sau đó, các lực lượng chức năng đã kịp thời có mặt để phân làn giao thông và tiến hành điều tra, làm rõ nguyên nhân sự việc.

Trong thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước đã liên tiếp xảy ra các vụ cháy, nổ ôtô, xe máy khiến không ít người  hoang mang, lo sợ. Sự việc hôm nay thêm một lần đặt ra câu hỏi về mức độ an toàn của các phương tiện giao thông./.


Phương Mai (Vietnam+)

Thiếu nữ tát CSGT đập đầu vì không được hưởng án treo

Không được hưởng án treo mà chỉ được giảm 3 tháng tù, Linh kêu gào và đập đầu vào cạnh bàn để phản đối.
> Nhận 9 tháng tù vì tát CSGT, thiếu nữ ngất xỉu

Ngày 9/1, TAND TP HCM xử phúc thẩm đã chấp nhận một phần kháng cáo, giảm án từ 9 tháng xuống còn 6 tháng tù đối với Phạm Thị Mỹ Linh (18 tuổi) về tội "chống người thi hành công vụ".

Theo HĐXX, bản án sơ thẩm áp dụng với Linh là đúng người, đúng tội, không có căn cứ để cho hưởng án treo. Song, hoàn cảnh gia đình của bị cáo khó khăn, bản thân bị cáo đã nhận thấy được sai lầm của mình... nên cần thiết giảm một phần hình phạt để tạo điều kiện cho Linh sớm trở về với gia đình. 

Mặc dù được giảm án nhưng Linh vẫn gào khóc. Cô bảo mình không muốn bị đi tù và đập đầu vào cạnh bàn khẩn thiết xin HĐXX xem xét. Tuy nhiên, đó đã là quyết định cuối cùng của toà.

Nữ sinh ngồi thu mình trên ghế trong phiên xử phúc thẩm.
Nữ sinh ngồi thu mình trên ghế trong phiên xử phúc thẩm.

Bản án sơ thẩm xác định, chiều 2/7/2011, khi 2 cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ trên tuyến đường Lê Văn Khương (quận 12) thì phát hiện xe máy "kẹp 3" do bà Trương Thị Hạnh (37 tuổi) điều khiển, nên ra hiệu dừng xe. Vì người phụ nữ không xuất trình được bằng lái xe nên cảnh sát lập biên bản xử lý.

Không chấp nhận, bà Hạnh giật lại giấy đăng ký, dắt xe đi nhưng bị cảnh sát giao thông giữ lại. Thấy vậy, Mỹ Linh (con gái bà Hạnh) xông tới kêu la, xô cảnh sát ra rồi tát vào mặt người thi hành công vụ. Sự việc được người đi đường ghi hình và đưa lên mạng. 

Với hành vi trên, Linh bị TAND quận 12 (TP HCM) phạt 9 tháng tù vê tội "chống người thi hành công vụ" nhưng bị cáo làm đơn xin được hưởng án treo.

Tại tòa hôm nay, giải thích cho hành vi của mình, cô nữ sinh lớp 12 ấp úng: "Con không cố ý. Lúc đó con cũng không nghĩ được gì. Thấy mẹ bị các chú cảnh sát giao thông bắt, đòi giữ xe nên con vừa sợ vừa thương mẹ nên mới làm như vậy".

Tuy nhiên, HĐXX không chấp nhận lý do mà Linh đưa ra. "Bị cáo không thể lấy lý do thương mẹ để bao biện cho hành vi của mình. Việc cảnh sát giao thông bắt người vi phạm là thực thi đúng pháp luật, cớ gì bị cáo hành xử như vậy", vị thẩm phán nói. Ngoài ra, HĐXX cũng giải thích thêm cô gái biết hành vi của mình là không thể chấp nhận được. Hầu hết những người biết sự việc này đều bất bình, lên án cách hành xử của một học sinh đối với người thực thi pháp luật.

Trong lời nói sau cùng của mình, Mỹ Linh khẩn thiết: "Bị cáo biết việc làm của mình là sai rồi. Chỉ mong quý tòa cho con được hưởng án treo để về tiếp tục đi học, lấy bằng tốt nghiệp sau này có nghề nghiệp, kiếm việc làm giúp mẹ và em".
Hải Duyên

Bộ trưởng GTVT: “Phải nộp phí lưu hành mới được đi xe”

(Dân trí) - “Xe cứ lăn bánh trên đường thì phải nộp phí. Việc thu phí lưu hành nhằm nhiều mục tiêu như: hạn chế xe cá nhân, đầu tư nâng cấp và cải tạo hạ tầng giao thông, chi để thực hiện các giải pháp chống ùn tắc… Phải nộp phí mới được đi xe”.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng cho biết tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 3/1.
Một trong những vấn đề nóng trong buổi làm việc là đề xuất của Bộ GTVT vừa trình Thủ tướng Chính phủ phương án thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân ở Việt Nam và phí ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm. Trong đó quy định mức phí cao nhất đối với ô tô là 50 triệu đồng và mô tô là 1 triệu đồng.
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng

Nhiều ý kiến “chất vấn” Bộ trưởng Thăng về khoản thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân sau thực thu liệu có giảm tai nạn và ùn tắc giao thông? Với giải pháp này thì bao lâu nữa sẽ giảm được ùn tắc, tai nạn giao thông? Phương tiện giao thông phải chịu nhiều loại phí như hiện nay liệu có dẫn tới lạm thu?...
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, việc đề xuất thu phí lưu hành phương tiện cá nhân và thu phí ô tô đi vào trung tâm thành phố trong giờ cao điểm được căn cứ vào các Nghị quyết, Nghị định của Quốc hội, của Chính phủ về những giải pháp đồng bộ nhằm chống ùn tắc và kiềm chế tai nạn giao thông, trong đó có hạn chế phương tiện cá nhân bằng các giải pháp kinh tế đã có từ lâu, bây giờ chỉ là đề xuất của Bộ GTVT để đưa vào triển khai cụ thể.

“Hàng năm ngành giao thông có nhiều giải pháp giảm tai nạn, hạn chế ùn tắc, nhưng tai nạn vẫn nhiều, ùn tắc vẫn phổ biển, nên phải có biện pháp mạnh mẽ, bằng hàng loạt giải pháp đồng bộ, trong đó có đề xuất thu phí lưu hành phương tiện cá nhân” - Bộ trưởng Thăng nói.

Về những câu hỏi thắc mắc cho rằng liệu loại phí lưu hành này có phải là 1 cách gọi khác của phí bảo trì đường bộ, Bộ trưởng Thăng khẳng định hoàn toàn không phải. Trên thế giới nhiều nước đã áp dụng thu các loại phí nhằm mục tiêu chống ùn tắc và đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông như: Anh, Mỹ, Singapore, Thụy Điển…

Theo phân tích của người đứng đầu ngành giao thông thì phí lưu hành là loại phí bắt buộc từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/năm đối với tất cả những người sử dụng phương tiện cá nhân trên cả nước, trong đề xuất trình Chính phủ của Bộ GTVT còn có phí đi vào trung tâm trong giờ cao điểm - loại phí này sẽ do từng địa phương quy định mức thu cụ thể.

Điều này có nghĩa là trong 1 đề xuất này, mỗi phương tiện là ô tô và xe máy sẽ phải nộp 2 lần phí trong tương lai thì mới đáp ứng những điều kiện cần và đủ để được phép lưu thông theo nhu cầu đi lại của mình.
Trước nguy cơ phí chồng phí “đội” lên đầu người dân, khi đã có Quỹ bảo trì đường bộ, phí trước bạ, phí môi trường, giờ lại thu thêm phí lưu hành, Bộ trưởng Thăng cho rằng, sẽ không có chuyện chồng chéo, thu phí như vậy để đảm bảo công bằng xã hội, người đi xe máy, ô tô phải có đóng góp để đầu tư hạ tầng. Phí bảo trì đường bộ dùng cho duy tu đường hàng năm, các Bộ đã thống nhất, giờ chỉ chờ Chính phủ ký thông qua. Dù có ban hành, Quỹ bảo trì đường bộ cũng chỉ đáp ứng khoảng 75% chi phí bảo trì, phần còn lại Chính phủ vẫn phải hỗ trợ.

“Xe máy chủ yếu là của người nghèo, nên Bộ chỉ đề xuất có 500.000 đồng/năm. Còn xe máy trên 175 phân khối rất ít người sử dụng, thường chỉ dành cho dân chơi, còn người bình thường không đi xe như vậy, nên phí cho lại xe này áp dụng cao hơn gấp đôi (1 triệu đồng/năm)” - Bộ trưởng Thăng lý giải.
Về vấn đề sử dụng phí lưu hành, Bộ trưởng Thăng cho biết số tiền thu phí sẽ nộp ngân sách nhà nước và chi cho các dự án được các cấp thẩm quyền phê duyệt.

Cũng theo Bộ trưởng Thăng, việc thu phí sẽ có phân cấp, với ô tô sẽ thu phí qua các lần đăng kiểm phương tiện, sẽ do Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện; với xe máy sẽ do các tỉnh thực hiện, phương thức thực hiện, mức phí sẽ do Hội đồng Nhân dân các tỉnh/thành phố tự quyết. Trường hợp chủ phương tiện không nộp phí lưu hành thì sẽ không được đi xe trên đường.

Trước đó, Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ phương án thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân ở Việt Nam và phí ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm. Đề xuất này ngay sau đó đã “vấp” phải những ý kiến phải hồi đa phần là không đồng tình của người dân và giới chuyên môn trong lĩnh vực giao thông về khoản phí được gọi là lưu hành.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Thăng khẳng định, thông điệp ngành giao thông năm 2012 là hành động, hành động và hành động nên không thể nói các giải pháp mà không hành động được. Quan điểm của Bộ Giao thông là khẩn trương quyết liệt và hiệu quả.
Quỳnh Anh

Nữ sinh tát cảnh sát giao thông 6 tháng tù!

 
 
Hành vi tát cảnh sát giao thông của Phạm Thị Mỹ Linh bị pháp luật trừng phạt. (Nguồn: Youtube)
 
Ngày 9/1, xét xử phúc thẩm vụ nữ sinh tát cảnh sát giao thông (cảnh sát giao thông), Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã giảm án cho Phạm Thị Mỹ Linh (sinh năm 1993, ngụ quận 12) từ 9 tháng tù xuống còn 6 tháng tù về tội “chống người thi hành công vụ”.

Theo bản án sơ thẩm, vào khoảng 16 giờ 30 phút ngày 2/7/2011, hai cảnh sát giao thông là Nguyễn Đức Ánh và Vũ Quang Long (Đội cảnh sát giao thông, trật tự và phản ứng nhanh, công an quận 12) đang tuần tra, kiểm soát trên tuyến đường Lê Văn Khương (phường Thới An, quận 12) thì phát hiện bà Trương Thị Hạnh chở 2 con là Phạm Thị Mỹ Linh và Phạm Quang Minh chạy ngược chiều trên phần đường bên trái.

Cảnh sát Nguyễn Đức Ánh đã ra lệnh bà Hạnh dừng xe và kiểm tra giấy tờ, nhưng bà Hạnh chỉ xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký xe.

Trong khi cảnh sát Ánh lập biên bản vi phạm hành chính thì bà Hạnh giật cuốn biên bản, giấy chứng nhận đăng ký xe và đẩy xe đi. Không đồng ý với thái độ này của bà Hạnh, cảnh sát Ánh và Long đã giữ xe lại để lập biên bản vi phạm hành chính. Thấy vậy, Phạm Thị Mỹ Linh liền dùng tay phải xô đẩy đồng chí Ánh 3 cái ra giữa đường, sau đó xô đồng chí Long ra và đánh liên tiếp 4 cái, trúng vào mặt 2 cái, vào vai phải 1 cái và 1 cái không trúng. Đồng thời Linh la hét lớn, mệt mỏi rồi ngất xỉu.

Khi vụ việc xảy ra, đồng chí Ánh và Long không có hành động chống trả, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông do người đi đường đứng xem, sau đó gọi điện cho Công an phường Thới An đến hỗ trợ và yêu cầu bà Hạnh và Linh về trụ sở Công an phường giải quyết. Một người đi đường đã dùng điện thoại di động quay hình, đưa lên mạng gây bức xúc dư luận về hành vi chống người thi hành công vụ của Phạm Thị Mỹ Linh.

Ngày 23/8/2011, xét xử sơ thẩm, Tòa án Nhân dân quận 12 đã xử phạt Linh 9 tháng tù về tội “chống người thi hành công vụ”. Cho rằng bản án này lá quá nặng, Linh đã kháng cáo xin được hưởng án treo./.

Trần Xuân Tình (TTXVN/Vietnam+)

Khánh Hòa: Hai cảnh sát dùng nhục hình được hưởng án treo

(Dân trí) - Chiều 9/1, TAND tỉnh Khánh Hòa đã tuyên phạt hai bị cáo nguyên là điều tra viên của Công an TP. Nha Trang mỗi bị cáo 9 tháng tù treo về tội dùng nhục hình. Đồng thời, HĐXX còn buộc hai bị cáo phải bồi thường cho người bị hại 3 triệu đồng.
Hai bị cáo gồm Trần Bá Tuấn (SN 1976, trú 205, Chung cư A, Nha Trang) và Nguyễn Đình Quyết (SN 1984, trú 186/22/7 Lê Hồng Phong, Nha Trang).
 
Hai bị cáo trước vành móng ngựa.

HĐXX nhận định, hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm tới hoạt động đúng đắn của các cơ quan tiến hành tố tụng và xâm phạm sức khỏe, danh dự của công dân được luật hình bảo vệ, gây mất niềm tin của quần chúng nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật nói chung và hình ảnh tốt đẹp của người của người cán bộ công an nhân dân nói riêng, tạo ra bức xúc trong do luận xã hội.

Tuy nhiên xét thấy các bị cáo chưa có tiền án tiền sự, động cơ phạm tội của các bị cáo xuất phát trên tinh thần trách nhiệm cao về đấu tranh trấn áp tội phạm, được ngành công an tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen, phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng nên đã tuyên phạt mức án trên.

Theo cáo trạng của Viện KSNDTC, bà Trần Thị Lan (SN 1970, ở xã Suối Hiệp, huyện Diên Khánh) thuê nhà trọ tại số nhà 229/11 đường 2-4, Nha Trang để tìm việc làm. Từ cuối tháng 9/2009, bà Lan nhận giúp việc cho gia đình anh Võ Hà Trang (ở 9B Lãn Ông, Nha Trang).

Ngày 28/11/2010, anh Trang đến Công an TP. Nha Trang trình báo về việc gia đình anh bị mất trộm 7 triệu đồng và 1.750 USD và nghi ngờ bà Lan lấy trộm. Đội CSĐT tội phạm về TTXH Công an TP. Nha Trang tiếp nhận tin báo và phân công Tuấn (điều tra viên), Quyết (cán bộ trinh sát) xác minh tin báo.

Khoảng 10h ngày 28/11/2010, Tuấn và Quyết đưa bà Lan đến nơi ở trọ để lục soát và lập biên bản thu giữ một số tư trang quần áo, mỹ phẩm, sau đó đưa bà Lan vào phòng làm việc trên tầng 2 trụ sở CATP. Nha Trang để yêu cầu bà Lan khai báo việc trộm cắp tài sản.

Trong khoảng thời gian từ trưa ngày 28/11 đến 17h ngày 29/12/2010, Tuấn và Quyết đã dùng công cụ hỗ trợ là gậy cao su, dùi cui điện do ngành công an trang bị để đánh đập, chích điện nhiều lần vào tay, chân, vai bà Lan để ép bà Lan khai nhận hành vi trộm cắp tiền của gia đình anh Trang.

Do bị đánh đau, bà Lan buộc phải khai nhận có trộm số tiền trên của gia đình anh Trang nhưng vẫn để lại tủ nhà anh Trang. Đến 11h30 cùng ngày, Tuấn và Quyết đưa bà Lan về nhà anh Trang tìm nhưng không thấy nên lại đưa bà Lan về trụ sở công an. Đến 14h bà Lan lại khai nhận lấy tiền giấu ở bụi cây khu vệ sinh nơi ở trọ, Tuấn và Quyết lại tiếp tục đưa bà Lan về nơi trọ lục tìm nhưng vẫn không thấy.

Đến hơn 19h cùng ngày thì bà Lan lại khai lấy tiền đưa cho Nguyễn Quyết Thành là người quen cùng quê, Tuấn đã điện cho anh Thành nhưng anh Thành khẳng định không có việc bà Lan đưa tiền.

Khoảng 17h ngày 29/11/2010, Tuấn và Nguyễn Duy Đông (là Công an TP. Nha Trang) đưa bà Lan đến Công an phường Vạn Thắng để cơ quan CSĐT thực hiện lệnh bắt khẩn cấp và quyết định tạm giữ đối với bà Lan.

Đến 17h45 cùng ngày, Tuấn và Đông dẫn giải bà Lan bàn giao cho Nhà tạm giữ Công an TP. Nha Trang, đồng thời soạn sẵn biên bản giao nhận người bị bắt, xác nhận bà Lan tình trạng sức khỏe bình thường.
Ngày 30/11/2010, bà Lan bị ngất xỉu tại nhà tạm giữ nên đã được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa cấp cứu và điều trị, đến ngày 7/12/2010 thì xuất viện.

Theo kết luận của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, bà Lan bị “đa chấn thương”, trong đó có nhiều vết thương ở vùng đùi, tay, ngực...

Ngoài ra, quá trình điều tra, bà Lan khai nhận ngoài Tuấn và Quyết còn có 3 người đàn ông mặc thường phục cũng tham gia đánh bà nhưng kết quả điều tra không có cơ sở để xác định được tên, tuổi ba người này nên không đủ cơ sở để kết luận.
Trịnh Anh

Kinh hoàng “công nghệ” xăng dỏm ky 1 & 2

Khác với hình dung của nhiều người rằng xăng dỏm chỉ có ở những điểm bán nhỏ lẻ bên lề đường, trong nhiều ngày thâm nhập, PV Thanh Niên đã phát hiện sự thật kinh hoàng đằng sau những chuyến xe bồn chở xăng dầu đến các cây xăng lớn của nhà nước lẫn tư nhân để bán cho người tiêu dùng. Nguyên nhân xảy ra những vụ cháy liên tục cũng có thể từ đây.

Bơm chất lỏng vào bồn xăng



Theo đúng quy trình vận tải xăng dầu, xe bồn (thường là loại 16.000 lít, 4 hầm chứa) sau khi lấy hàng từ kho phải chở thẳng đến các cây xăng hoặc nhà máy, xí nghiệp để bán cho người tiêu dùng. Thế nhưng, tại TP.HCM, những xe bồn sau khi “ăn hàng” ở Tổng kho xăng dầu Nhà Bè đã rẽ ngang các “trạm pha chế” bí mật.
Những bãi đáp bất thường
Những ngày đầu đeo bám theo các xe bồn xuất phát từ Tổng kho xăng dầu Nhà Bè, chúng tôi đã rất ngạc nhiên không hiểu nhiều khu vực vắng vẻ, thưa thớt dân cư tại các cung đường Hoàng Quốc Việt, Đào Trí, Huỳnh Tấn Phát... (Q.7) “có cái gì” hấp dẫn mà các tài xế đều tranh thủ đưa xe ghé qua với hành tung bí hiểm.
Một đặc điểm chung của những bãi đáp này là rất kín cổng cao tường, phía trước cũng không hề ghi địa chỉ hay tên doanh nghiệp. Trước cổng ra vào luôn có một số thanh niên mặt mà

Kinh hoàng “công nghệ” xăng dỏm - Kỳ 2: Hàng trăm nghìn lít mỗi ngày

Dân trí xin được trân trọng giới thiệu đến bạn đọc kỳ tiếp theo của phóng sự Kinh hoàng "công nghệ" xăng dỏm do PV báo Thanh niên thực hiện:
 >> Kinh hoàng “công nghệ” xăng dỏm
Sau khi “làm bùa” tại các “điểm pha chế”, xe bồn công khai chở xăng dỏm đến giao hàng tại các cây xăng của TP.HCM và các tỉnh lân cận.
Xăng dỏm khắp nơi
Ghi nhận của chúng tôi vào sáng qua 9.1, sau khi bài Kinh hoàng “công nghệ” xăng dỏm đăng trên Thanh Niên, toàn bộ “điểm pha chế” trên đường Huỳnh Tấn Phát - Hoàng Quốc Việt - Đào Trí đều án binh bất động, hoàn toàn không thấy bóng dáng một chiếc xe bồn nào chạy qua, dù trước đó, khu vực này tấp nập xe bồn qua lại... Trước khi khởi đăng loạt bài hơn 1 tuần, PV Thanh Niên đã chủ động chuyển toàn bộ thông tin và tài liệu video clip về quy trình pha chế xăng dầu dỏm cho Cục CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C46) - Bộ Công an, cơ quan phía Nam.
Chỉ tính riêng khu vực Huỳnh Tấn Phát - Hoàng Quốc Việt - Đào Trí (Q.7) với hàng chục chuyến xe bồn (16.000 lít) pha chế mỗi ngày, ước tính cứ một ngày có đến hàng trăm nghìn lít xăng “bẩn” được tung ra thị trường, bán hợp pháp tại các cây xăng.
Sau nhiều tuần phục kích tại các bãi pha chế xăng dầu dỏm, PV Thanh Niênbắt đầu đeo bám các xe bồn đến tận từng cây xăng. Việc bám theo không hề đơn giản, vì vừa ra khỏi “điểm pha chế”, tài xế xe bồn bắt đầu phóng bạt mạng nhằm "bù đắp" thời gian ghé qua các bãi đáp. Nhất là khi ra đến quốc lộ, xa lộ, ngã rẽ, không ít lần chúng tôi đã bị mất dấu. Chúng tôi đặc biệt chú ý và bám theo xe bồn 57K-8275 chở xăng của Công ty CP cơ khí xăng dầu (trực thuộc Petrolimex) đều đặn ngày nào cũng ghé “điểm pha chế” trên đường Hoàng Quốc Việt để “làm bùa”. Ra khỏi bãi đáp, xe phóng ra đường Huỳnh Tấn Phát, vượt cầu Tân Thuận qua Q.4, Q.1, nhanh chóng rẽ vào đường Tôn Đức Thắng - Nguyễn Hữu Cảnh rồi vòng ra Điện Biên Phủ, hướng về vòng xoay Hàng Xanh và rẽ vào đường Bạch Đằng. Lúc sau, xe giảm tốc độ, rẽ vào cửa hàng xăng dầu Petrolimex Bạch Đằng (469 Bạch Đằng, P.2, Q.Bình Thạnh) - cũng là cây xăng của Công ty CP cơ khí xăng dầu.
Chúng tôi nhanh chóng tấp vào quán cà phê “cóc” cạnh cây xăng để quan sát quy trình giao hàng và bí mật ghi hình. Việc kiểm tra diễn ra qua loa, nhân viên kiểm hàng của cây xăng chỉ nhìn lướt các hầm xăng, hầu như không để tâm đến việc niêm nhựa đã bị cắt ra và quấn lại tạm bợ. Khi nhận thấy sự quan sát chăm chú của chúng tôi, nhân viên cây xăng cùng tài xế nhanh chóng tiến đến gần để nhìn. Ngay sau đó, một người mặc đồng phục Petrolimex yêu cầu chúng tôi nhích ra phía ngoài với lý do “tránh đường cho xe ra vào”, dù vị trí ngồi của PV hoàn toàn không ảnh hưởng đến hoạt động cây xăng. Sau đó, liên tiếp có 3 nhân viên cây xăng kéo ghế ngồi ngay phía trước nhằm che khuất tầm nhìn của chúng tôi. Các nhân viên cây xăng này “nhạy cảm” một cách bất thường trước sự quan sát của người lạ!
Xăng dỏm từ xe 57K-8275 giao cho cây xăng Bạch Đằng (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) - Ảnh: Phương Thanh - Trần Hơn
Ngoài cây xăng Bạch Đằng, xe 57K-8275 còn cung cấp xăng dầu cho nhiều cây xăng khác trực thuộc Petrolimex, như cây xăng đại học Nông Lâm (QL1A, Q.Thủ Đức), Sông La (114/7A khu phố Chiêu Liêu, P.Tân Đông Hiệp, Dĩ An, Bình Dương), Tân Bình (cụm công nghiệp Tân Bình, P.Tân Bình, Dĩ An, Bình Dương)...
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đeo bám xe 57K-9343 của Công ty TNHH thương mại dịch vụ vận tải hàng hóa Hiếu Phương xuất phát từ kho B của Tổng kho xăng dầu Nhà Bè đến “điểm pha chế” ở Q.7 rồi về giao hàng cho cây xăng Bình Chiểu (818 tỉnh lộ 43, khu phố 3, P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức) - đây là cây xăng tư nhân làm đại lý cho PetroVietnam. Điều này cho thấy, xăng dỏm, xăng “bẩn” có thể tồn tại ở bất kỳ cây xăng nào dù lớn hay nhỏ, của nhà nước hay tư nhân.
Pha trộn xăng dầu
 
Bất chấp để thu lợi
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, tài xế xe bồn có vô số mánh lới để che giấu thủ thuật “rút ruột” và pha chế xăng. Theo quy trình chuẩn, trước khi xuất hàng, bao giờ nhân viên tổng kho cũng giữ lại một mẫu xăng, khi xe đến cây xăng giao hàng, nhân viên đại lý tiếp tục giữ một mẫu khác để phòng khi sự cố xảy ra, cơ quan quản lý sẽ kiểm nghiệm và đối chiếu 2 mẫu xăng này. Do đó, tài xế thường “thủ” bằng cách chỉ “rút ruột” và pha chế 2 trong số 4 hầm đựng xăng trên xe, sau đó lấy mẫu xăng ở hầm không pha chế. Với thủ thuật này, khi đổ xăng từ xe “làm bùa” vào bồn chứa của cây xăng, lượng xăng từ 4 hầm sẽ hòa trộn vào nhau, và trộn lẫn với xăng sạch do các xe khác chở đến, lúc này “vàng thau lẫn lộn”, các cơ quan chức năng muốn truy trách nhiệm cũng “bất khả thi”. Tài xế còn “ăn gian” bằng cách thường giao hàng vào buổi trưa khi nhiệt độ tăng cao nhằm lợi dụng độ giãn nở của xăng. Với điều kiện đó, dù “rút ruột” hàng trăm lít xăng nhưng chỉ cần bù vào một lượng nhỏ chất lỏng khác, phần thiếu hụt còn lại sẽ được làm đầy khi xăng giãn nở bởi nhiệt.
Xăng dỏm từ xe 57K-9343 giao cho cây xăng Bình Chiểu (Q.Thủ Đức, TP.HCM)
Thực tế, xăng dầu trữ tại tổng kho vốn sạch, nhưng với quy trình kiểm soát lỏng lẻo, lượng xăng dầu này dễ dàng bị pha chế, “làm bùa” ở bất kỳ công đoạn nào trước khi thực sự đến được với người tiêu dùng, đặc biệt là ở công đoạn vận chuyển. Hiện nay, việc dùng niêm chì, niêm nhựa để quản lý chất lượng xăng dầu đã hoàn toàn bị vô hiệu hóa. Vì thường có sự “bắt tay” giữa tài xế và doanh nghiệp vận tải (DNVT) với nhân viên kiểm hàng nên các xe đã đứt niêm chì vẫn có thể vô tư giao hàng tại cây xăng. Chưa kể, dân trong nghề vận tải có thể dễ dàng tìm mua đủ “bộ đồ nghề” từ niêm chì, niêm nhựa, đồ bấm niêm tại các chợ dân sinh 
trên đường Nguyễn Công Trứ, Ký Con (Q.1)...
Nhân viên cây xăng Sông La (Bình Dương) chỉ kiểm tra qua quýt xe 57K-8275
Đi sâu phân tích, sẽ thấy mánh làm ăn gian lận này đã mang lại món lợi khổng lồ cho tài xế và DNVT. Với mức “rút ruột” mỗi xe từ 400 - 500 lít, sau đó bán rẻ lại cho các “điểm pha chế” với giá 16.000 - 17.000 đồng/lít, cứ mỗi chuyến, tài xế có thể ung dung đút túi 7 - 8 triệu đồng. Nếu chạy thường xuyên, số tiền bất chính thu được có thể lên đến hàng trăm triệu đồng/tháng. Riêng các DNVT tư nhân được “ăn” đến 2 lần lợi nhuận. Bởi cùng với lợi nhuận từ hợp đồng vận tải xăng dầu cho khách hàng, các DNVT này đồng thời hưởng lợi bất chính từ việc “rút ruột” xăng dầu của những khách hàng đã bỏ tiền thuê mình chở hàng.
Ăn cắp xăng dầu ngay ngoài đường
Tình trạng “rút ruột” xăng dầu không chỉ diễn ra bên trong các điểm dịch vụ mà còn được thực hiện ngang nhiên ngoài đường. Theo đúng “quy trình của ông chủ” là phải đưa xe chạy thẳng từ tổng kho tới bến bãi mới thực hiện việc rút trộm, pha trộn, thì một số tài xế của DNVT tư nhân không ngần ngại đỗ xe ngay dọc đường. Sau đó, vài người đàn ông tại các điểm đầu nậu thu mua xăng dầu lẻ bên lề đường nhanh chóng cùng tài xế xách can chui xuống gầm xe, tháo van xả xăng dầu vào đầy 4 - 6 can loại 50 lít. Động tác này diễn ra một cách thuần thục chỉ trong vòng ít phút rồi tài xế lại phóng xe bạt mạng tới kho bãi của DN để “rút ruột” lần hai trước khi pha trộn. Trong nhiều ngày theo dõi trên các tuyến đường Q.7 chúng tôi thường xuyên chứng kiến cảnh các tài xế xe bồn ngang nhiên “rút ruột” xăng dầu ngoài đường kiểu này.
Theo Phương Thanh - Trần Hơn
Thanh niên

Xót xa cụ già mất 1 con, hỏng 2 mắt, liệt 2 chân!

Một mảnh áo mưa rách, mấy chiếc chăn cũ nát...Đó là tất cả "vũ khí" mà cụ già 72 tuổi Nguyễn Thị Thanh, bị hỏng 2 mắt, hỏng 2 chân và đau ốm dùng để chống lại buốt lạnh, khắc nghiệt của cái rét run người của miền Bắc.

TIN BÀI KHÁC

Những hình ảnh và thông tin xót xa này được một học sinh THPT chụp và cung cấp cho chúng tôi
Tôi gặp cụ vào một buổi sáng ngày đông đầy giá rét và buốt lạnh. Hỏi chuyện thì biết cụ tên là Nguyễn Thị Thanh, năm nay cụ 72 tuổi. Cụ nằm tựa lưng vào bức tường ven đường với một mảnh áo mưa rách, một chiếc chăn cũ nát không đủ ấm và một chiếc chăn buộc kín đầu… Trông cụ như chìm trong một đống đồ đã rách nát và nhuốm bẩn.

Trò truyện với cụ, nghe cụ nói bằng giọng “mong chết” như cam chịu, đầy chua xót. "Tôi năm nay 72 tuổi rồi, sắp vào quan tài rồi, vào quan tài cho nó xong..."

Cố hỏi chuyện, thì tôi được nghe cụ Thanh kể thêm: Tôi quê gốc ở Thanh Hóa nhưng từ khi còn trẻ đã ra Nam Định làm ăn. Khi còn sức tôi đi làm thuê ngoài Chợ Rồng Nam Định, thế nhưng sau này gặp tai nạn cướp đi đôi chân, chẳng làm ăn được nữa, chẳng thể đi lại… Thế là hết.

Lúc tuổi đôi mươi, là gái làm thuê nhắm mắt xin một người đàn ông lạ mặt một mụn con và nuôi nấng với hi vọng về già hai mẹ con nương tựa vào nhau. Thế nhưng khi mẹ mất chân, con gái chỉ chăm mẹ được vài tháng thì tự dưng biến mất. Người ta đồn con cụ bị bắt bán sang Trung Quốc, khóc con mẹ già thành mù lòa. “Nó đi hơn 7 năm rồi, biệt tăm đâu đâu cậu ạ…” cụ Thanh nói.

Sau hàng loạt biến cố cay đắng của cuộc đời, mất đôi chân, mất con, rồi lại mất đôi mắt, cụ Thanh phiêu bạt ngoài đường. Hầu hết các tuyến đường trong thành Phố Nam Định cụ đều lết qua. Ăn ngủ và mọi sinh hoạt ngoài đường, cụ nhờ cả vào những tấm lòng hảo tâm để có thể sống qua ngày.

Rủi thay, sức cụ ngày càng yếu, khả năng tự chăm sóc, vệ sinh cá nhân cho mình là không thể. Mọi việc ăn uống và vệ sinh của cụ đều ở một chỗ nên cũng ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị và cuộc sống của những người gần đó.

Thế là có người ném đuổi, cụ Thanh lại lết đi khắp trên đường. Gặp một bà già lang thang, cùng cảnh khác - cũng đơn độc, khốn khổ, cụ Thanh gọi là chị. Hai người dẫn nhau đi. Gặp chỗ kín gió thì dựa… Không ai đuổi thì ở.
Hiện nay cụ Thanh đang ở con đường gần tượng đài trong thành phố Nam Định
Có lần may mắn nhất là lần cụ nằm lại ở cổng chùa Vọng Cung (nơi thờ tự tín ngưỡng lớn của thành phố Nam Định) cụ đã từng ở lại nơi đó được rất lâu. Thế nhưng rủi thay, để đảm bảo mỹ quan và thanh tịnh nơi cửa chùa thì cảnh sát đô thị đã buộc lòng phải “đưa” các cụ đi nơi khác.

Trong gió rét cụ lết trên đường, lúc nào gặp chỗ kín gió thì dựa. Xin ngoài đường, ăn ngoài đường và ngủ ngoài đường.

Một cụ già đói rách và khốn khổ được bạn đọc báo thông tin về cho chúng tôi. Khi đọc về hoàn cảnh của 2 cụ, chúng tôi đặt câu hỏi cho 2 tỉnh lớn, khi biết số phận của cụ, tỉnh Nam Định sẽ tạo điều kiện trợ giúp xã hội với cụ? Hoặc tỉnh Thanh Hóa đón cụ về chăm sóc có trách nhiệm như với một người già quá khổ tại địa phương?

Thế nhưng, trước hết chúng tôi kêu gọi bạn đọc xa gần đóng góp giúp cụ thông qua địa chỉ của báo VietNamNet. Mọi sự giúp đỡ chúng tôi sẽ chuyển tận tay cụ.

Nguyễn Việt Hoàng

Lại Ném Lựu đạn Làm 1 Công An, 5 Người Dân Bị Thương


08/01/2012


Theo: TTXVN

“Tổ công tác gồm 3 chiến sỹ Công an phường Hải Hòa đến và yêu cầu giao nộp lựu đạn, đối tượng Hưng bất ngờ rút chốt và ném lựu đạn về phía lực lượng chức năng. Vụ nổ làm thiếu tá Nguyễn Văn Biện và 5 người dân ngồi trong nhà ông Bình bị thương”

Một thiếu tá công an và 5 người dân bị thương sau cú ném lựu đạn của đối tượng Trần Phước Hưng ở thành phố Móng Cái (Quảng Ninh).

Ngày 8/1, Đại úy Đỗ Xuân Trường, Đội phó Đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội công an thành phố Móng Cái cho biết, hai đối tượng dùng lựu đạn ném thẳng về phía tổ công tác Công an phường Hải Hòa vào tối ngày 7/1 đã bị giữ khẩn cấp. Đó là Trần Phước Hưng (sinh năm 1991, thôn 2, xã Hải Xuân, thành phố Móng Cái) và Nguyễn Văn Thắng (sinh năm 1991, khu 3 phường Bình Ngọc, thành phố Móng Cái) để điều tra hành vi Giết người.

Trước đó, khoảng 18 giờ 30 ngày 7/1, Hưng và Thắng đến quán karaoke của ông Nguyễn Thanh Bình (sinh năm 1960 ở khu 8, phường Hải Hòa, Móng Cái) để hát. Hưng và Thắng nói ông Bình yêu cầu chủ nhà cung cấp “nữ tiếp viên” nhưng bị chủ nhà từ chối. Hai đối tượng đã chửi bới gia đình ông Bình và dọa sẽ đem lựu đạn đến.

. 
Đối tượng Trần Phước Hưng.

Nói là làm, một lúc sau Hưng và Thắng trở lại quán karaoke này, vào trong phòng khách của ông Bình ngồi, cầm lựu đạn đe dọa và tiếp tục hỏi đòi nữ tiếp viên phục vụ. Ông Bình vẫn trả lời không có. Đoán biết tình hình xấu, chủ nhà đã thông báo cho Công an phường Hải Hòa đến can thiệp.

Tổ công tác gồm 3 chiến sỹ Công an phường Hải Hòa đến và yêu cầu giao nộp lựu đạn, đối tượng Hưng bất ngờ rút chốt và ném lựu đạn về phía lực lượng chức năng. Vụ nổ làm thiếu tá Nguyễn Văn Biện và 5 người dân ngồi trong nhà ông Bình bị thương gồm Nguyễn Thanh Bình (52 tuổi), Vũ Đình Hùng (33 tuổi), Trần Văn Ngọc (31 tuổi), Nguyễn Văn Độ (43 tuổi) và Vũ Văn Tùng (25 tuổi).

.  
Tang vật thu giữ tại nhà Trần Phước Hưng


Thiếu tá Biện hiện đang được cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Móng Cái, những người còn lại đã được đưa sang Trung Quốc điều trị.Cả hai đối tượng gây án đã bị lực lượng Công an thành phố Móng Cái bắt giữ tại chỗ. Khám xét khẩn cấp nơi ở của Trần Phước Hưng, cảnh sát thu giữ thêm 3 quả pháo (loại pháo ném cá) và 4 viên đạn súng quân dụng. Vụ việc đang tiếp tục được điều tra làm rõ.

Theo Vietnam+