THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

22 November 2013

Kinh hoàng cảnh người Trung Quốc lột lông thỏ còn sống

Kinh hoàng cảnh người Trung Quốc lột lông thỏ còn sống




14:03:49 ngày 21-11-2013

Hình ảnh man rợ về cảnh công nhân Trung Quốc lột lông những chú thỏ còn sống đang gây phẫn nộ cộng đồng mạng.



Chú thỏ tội nghiệp bị “kéo” lông.

Một video dài 2 phút được tổ chức Bảo vệ động vật tại đây bí mật quay lại cho thấy, những chú thỏ tội nghiệp bị cột chặt vào một chiếc bàn, các công nhân dùng một dụng cụ sắt chọc vào da chúng (chắc chắn sẽ để lại vết thương) rồi dùng tay lột, kéo mạnh từng mảng lông trên da con vật, làm chúng vùng vẫy trong tuyệt vọng, kêu thét đau đớn. Tiếng kêu của những chú thỏ làm thắt lòng người xem.




Được biết Trung Quốc là nguồn cung cấp 90% lông thỏ cho thế giới. Những chú thỏ được nuôi từ 2-5 năm và cứ mỗi 2-3 tháng người ta lại tiến hành “kéo” lông thỏ một lần. Sau bị “kéo” trụi lông, con vật được thả vào chuồng chờ bình phục hoặc cũng có thể bị giết lấy da.





Tại Trung Quốc không hề có hình phạt về tội lạm dụng thỏ. Nhiều tổ chức bảo vệ động vật lên tiếng kêu gọi mọi người đừng mua quần áo làm từ lông thỏ nhằm góp phần bảo vệ động vật này.

70 tỷ đồng mở rộng nghĩa trang Mai Dịch ? !



Nghĩa trang Mai Dịch dự kiến được mở rộng thêm 3.000 m2, cùng với đó là chỉnh trang vườn hoa, lát gạch mới ở lối đi các khu mộ lãnh đạo cao cấp.

Sau khi khảo sát, UBND thành phố đã lên phương án mở rộng, cải tạo nghĩa trang Mai Dịch. Theo đó, khu nghĩa trang sẽ được mở rộng khuôn viên thêm 3.000 m2, khu vực an táng liệt sĩ sẽ được bóc lớp đá cũ, ốp lại bằng đá granit.
Mai-Dich-7844-1385005408.jpg
Nghĩa trang Mai Dịch đang nằm giữa khu vực dân cư đông đúc thuộc huyện Từ Liêm. Ảnh:QĐND
Khu trung tâm sẽ được chỉnh trang vườn hoa, lát gạch chữ "Thọ", khu cán bộ cao cấp cũng được lát gạch Terazzo thay cho gạch cũ tại lối đi. Những hạng mục khác như chiếu sáng, bãi đỗ xe cũng được cải tạo.
Cơ quan chức năng Hà Nội dự toán tổng đầu tư khoảng 70,6 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng khoảng 46 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng 13 tỷ đồng, chi phí dự phòng 6,4 tỷ đồng. Việc thực hiện cải tạo sẽ bắt đầu cuối năm nay bằng vốn ngân sách của Hà Nội. Ban tổ chức Trung ương - cơ quan quản lý nghĩa trang sẽ hoàn trả bằng vốn ngân sách trung ương năm 2014.
Nghĩa trang Mai Dịch có tổng diện tích 5,9 ha, nơi đặt 394 ngôi mộ của các vị lãnh đạo cấp cao và 1.228 mộ liệt sĩ. Đây là nơi an nghỉ của Tổng bí thư Lê Duẩn, Tổng bí thư Trường Chinh... và nhiều nhà khoa học, nhà văn hóa, các tướng lĩnh xuất sắc.
Sau nhiều năm, nghĩa trang Mai Dịch đã hết diện tích chôn cất, UBND Hà Nội nhiều lần cho biết sẽ đóng cửa nghĩa trang này. Bộ Xây dựng cũng từng đề xuất hai vị trí xây dựng nghĩa trang quốc gia mới tại nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng về phía nam, thuộc huyện Ba Vì và khu vực xã Yên Trung, huyện Thạch Thất.
Đoàn Loan

Lao động làm việc ở Hàn Quốc phải ký quỹ 100 triệu đồng ? !


Người Việt Nam đi làm việc theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc phải ký quỹ 100 triệu đồng. Những người đầu tiên sẽ xuất cảnh vào ngày 4-5/12.

Liên Bộ Tài chính - Lao động, Thương binh và Xã hội vừa ban hành Thông tư liên tịch số 31 hướng dẫn việc ký quỹ 100 triệu đồng đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của nước bạn. Đây là một giải pháp được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng quyết định thực hiện thí điểm nhằm giảm tỷ lệ bỏ trốn của lao động Việt Nam tại thị trường tiềm năng này.
Với các đối tượng nghèo, thuộc diện chính sách có nhu cầu vay để ký quỹ sẽ được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay tối đa 100 triệu đồng, không phải thế chấp tài sản. Thời hạn cho vay tối đa bằng thời hạn ký quỹ của người lao động là 5 năm và 4 tháng. Mức lãi suất cho vay áp dụng theo mức lãi suất cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài (phù hợp với từng đối tượng).
lao-dong-xk-1377-1385029425.jpg
Lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài.
Người lao động thực hiện ký quỹ tại chi nhánh hoặc phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn nơi người lao động cư trú hợp pháp. Những người không vay vốn sẽ được hưởng mức lãi suất tiền gửi ký quỹ phù hợp với mức lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từng thời kỳ của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Số tiền này cũng được hoàn trả lại cả gốc lẫn lãi 10 ngày sau khi người lao động hoàn thành hợp đồng về nước. Các trường hợp về nước trước hạn do vi phạm hợp đồng thì tiền ký quĩ được sử dụng để bù đắp các thiệt hại do lỗi của người lao động gây ra cho Trung tâm lao động ngoài nước (nếu có). Số tiền còn lại được hoàn trả cho người lao động, nếu tiền ký quỹ không đủ thì người lao động phải nộp bổ sung.
Trường hợp người lao động bỏ trốn khỏi nơi làm việc theo hợp đồng (kể cả bỏ trốn ngay sau khi đến Hàn Quốc) hoặc hết hạn hợp đồng không về nước đúng hạn, ở lại cư trú và làm việc trái phép tại Hàn Quốc thì tiền ký quỹ (bao gồm cả gốc và lãi) được chuyển vào Quỹ giải quyết việc làm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi người lao động cư trú hợp pháp trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc. Đối với người lao động vay Ngân hàng Chính sách xã hội để ký quỹ thì tiền ký quỹ (bao gồm cả gốc và lãi) được sử dụng để trả khoản vay của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Trước đó, Bộ Lao động đã ban hành thông tư 21 quy định mức trần ký quỹ tùy thuộc vào ngành nghề và thị trường tiếp nhận lao động. Theo đó, mức trần thấp nhất là 300 USD đối với các nước Malaysia, Brunei, Thái Lan, Lào. Mức cao nhất là 3.000 USD đối với thực tập sinh đi Nhật Bản và thuyền viên trên tàu cá tại Hàn Quốc.
Mức trần ký quỹ của các nước khu vực Trung Đông là 800 USD, các nước châu Phi là 1.000 USD, các nước châu Mỹ là 2.000 USD, Australia và các nước châu Âu từ 1.000 đến 2.000 USD.
Hoàng Thùy

Rà soát tử tù để tránh án oan !!!



Chánh án TAND Tối cao khẳng định "đặt trách nhiệm rất cao với người bị kết án tử hình" và chỉ đạo rà soát các bản án hình sự có đơn kêu oan để tránh oan sai.


Sáng nay, phiên trả lời chất vấn của Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình "nóng" từ những phút đầu bởi hàng loạt câu hỏi về chất lượng xét xử, giải pháp tránh oan sai và để lọt tội phạm.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền nhận xét, dù báo cáo năm 2013 của ngành tòa án cho biết đã hoàn thành nhiều chỉ tiêu, không xảy ra oan sai, song trên thực tế đang có hàng chục nghìn đơn xin đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.
"Điều này cho thấy niềm tin của người dân về công lý là chưa cao. Làm gì để lấy lại lòng tin?", ông thẳng thắn.
Đưa dẫn chứng vụ ông Nguyễn Thanh Chấn được vừa được hủy 2 bản án kết tội giết người với mức án chung thân, được tạm đình chỉ thi hành án sau 10 năm ngồi tù, ông Thuyền cho rằng các cơ quan tố tụng không thể vô can trong vụ này khi "nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại".
"Vậy trách nhiệm của ngành tòa án đến đâu? Chánh án có giải pháp gì để minh oan, xin lỗi, bồi thường thiệt hại cho người dân. Và liệu có còn bao nhiêu con thỏ lại bị tuyên là con gấu?", đại biểu Thuyền chất vấn.
Cho rằng, các vụ án oan có lỗi của điều tra, viện kiểm sát, tòa án, đại biểu Lê Thị Nga đề nghị Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Chánh án TAND Tối cao và Bộ trưởng Công an cho biết trách nhiệm cũng như giải pháp để chống oan.
"Thời gian qua có những phản ánh về việc một số bị can khai điều tra viên ép cung, bức cung, nhục hình nên buộc phải nhận tội mà mình không thực hiện. Ba ông có giải pháp gì để tìm ra sự thật?", Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đặt câu hỏi.
Bà Nga đề nghị lắp camera giám sát tất cả các cuộc hỏi cung và giao ngành khác quản lý trại giam để việc điều tra được khách quan.
Ba-Nga1.jpg
Đại biểu Lê Thị Nga tại phiên chất vấn sáng 21/11.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Bá Thuyền về hàng nghìn đơn giám đốc thẩm chưa được giải quyết, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình cho biết, đã giải quyết được hơn 63% đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm - con số cao nhất từ trước tới nay. "Chúng tôi giải quyết gần 11.000 đơn cũ từ năm trước chuyển sang, hiện còn chưa đầy 4.000", ông Bình dẫn chứng.
Theo ông Bình, năm 2013, đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm gửi về là khoảng 5.000, so với trên 350.000 vụ án đã xét xử, thì chưa phải là nhiều. Ở các nước, tòa án tối cao chỉ chọn hơn trăm vụ liên quan những vấn đề quan trọng, quyền con người... để giải quyết làm án lệ nhưng ở nước ta thì phải xem xét tất cả.
Tự nhận thấy "việc xét xử chưa đạt kết quả như mong muốn của Quốc hội và nhân dân" nhưng Chánh án Bình cho rằng đánh giá niềm tin của dân với công tác tư pháp, tòa án cần căn cứ nhiều yếu tố chứ không thể dựa vào số lượng đơn giám đốc thẩm, tái thẩm. "Điều đó chưa phản ánh đúng uy tín của ngành tòa án", ông trầm giọng.
Về vụ việc Nguyễn Thanh Chấn, ông Bình cho biết sau khi hai bản án kết tội bị hủy, vụ án đang được chuyển cơ quan công an để điều tra lại. "Vụ án này chắc đồng bào cả nước và cử tri quan tâm. Có oan sai hay không, các vị đại biểu cũng có những suy nghĩ khác nhau", ông nói và cho hay, để xác định sự thật việc ông Chấn bị oan, bị ép cung, nhục hình thì cần điều tra chặt chẽ.
"Oan sai gây thống khổ cho dân, ảnh hưởng cả dòng tộc, cần được xem xét kịp thời thấu đáo", ông chia sẻ. Dù khẳng định vụ án có oan hay không còn chưa rõ nhưng nếu để xảy ra oan sai với những người bị buộc tội ở khung hình phạt cao như 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình là "điều không thể chấp nhận được".
Về tố cáo bị ép cung của ông Chấn, ông Bình cho biết Bộ Công an đang kiểm điểm cán bộ có liên quan. Về trách nhiệm của tòa án khi trước tòa bị cáo khai bị ép cung, ông Bình chia sẻ, trong quá trình xét xử "việc phát hiện là rất khó", nhưng như vậy không có nghĩa là nếu việc này có thật thì tòa án vô can. "Tòa án phải chịu trách nhiệm liên đới. Đây là điều không thể phủ nhận", ông Chánh án nói.
Để tránh oan sai, theo ông ngoài việc đòi hỏi thẩm phán, thư ký phải tinh thông để phát hiện những điều không bình thường trong hồ sơ thì những người này cũng "cần phải có tâm".
Vị tư lệnh của ngành tòa án cho rằng không thể kết luận vội vàng vụ án Nguyễn Thanh Chấn vì xác định sự thật không cẩn thận sẽ "ảnh hưởng đến ý chí tấn công tội phạm, làm chùn bước những người đang làm công việc hết sức khó khăn gian khổ".
Từng là thứ trưởng Bộ Công an, ông Trương Hòa Bình nhìn nhận đấu tranh vạch trần tội phạm là công việc vất vả, có chiến sĩ đã phải hy sinh, hao tổn xương máu. Không chỉ ngành công an, cơ quan công tố, tòa án cũng phải chịu áp lực rất lớn. Dù có những nguyên nhân khác nhau dẫn đến oan sai nhưng theo đánh giá của ông, với trách nhiệm được giao, đa số điều tra viên, thẩm phán, kiểm sát viên - những cán bộ tin cậy được giao bảo vệ công lý - đã thực hiện tốt nhiệm vụ.
Không vừa lòng với câu trả lời của ông Bình, đại biểu Lê Thị Nga hỏi lại và nêu bốn vấn đề vụ án này. Bà đề nghị không chuyển việc điều tra lại về Công an Bắc Giang mà rút hồ sơ giao Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thụ lý, VKSND Tối cao trực tiếp kiểm sát. "Phải dựa trên chứng cứ điều tra chứ không được áp dụng nguyên tắc nếu không chứng minh được Lý Nguyễn Chung (người bị bắt, nhận là thủ phạm giết người) phạm tội thì ông Chấn là người có tội", bà nói.
Qua việc ông Chấn kêu oan, tố bị bức cung, bị dùng nhục hình, phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp yêu cầu ngoài điều tra làm rõ, cơ quan tố tụng cần rà soát các tất cả các vụ án hình sự có đơn kêu oan. Khẩn trương rà soát các trường hợp bị tuyên án tử hình để tránh phát hiện ra oan thì đã thi hành án.
Ba ý đầu, ông Bình đề nghị người có thẩm quyền của Viện kiểm sát, Bộ Công an tham gia trả lời. Việc này được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tán thành.
Về ý thứ tư, ông cho biết "đã và đang tiếp tục làm". TAND Tối cao đang rà soát các bản án có mức án cao nhất, đặc biệt là án tử hình để xem xét. Nếu có vi phạm pháp luật, có sai lầm nghiêm trọng thì phải thực hiện quyền kháng nghị của Chánh án. Có tình tiết mới sẽ tổ chức phiên tái thẩm.
"Chúng tôi phải đặt trách nhiệm rất cao trong kiểm tra các vụ án hình sự nói chung và nhất là các vụ án tử hình", ông Bình khẳng định.
Chiều cùng ngày, bổ sung trả lời chất vấn của Chánh án Trương Hòa Bình, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang nêu quan điểm nhất quán, xuyên suốt của ngành là nghiêm cấm ép cung, dùng nhục hình. Dù cho biết đã quán triệt toàn diện, nhưng người đứng đầu lực lượng công an thừa nhận vẫn còn những trường hợp cá biệt gây bức xúc trong dư luận.
Theo quy định, nếu việc này gây ra oan sai, thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra phải chịu trách nhiệm. Bộ trưởng khẳng định Bộ Công an có trách nhiệm với các hoạt động của cơ quan điều tra, kể cả trường hợp xảy ra sai sót.
Biện pháp đầu tiên để chống oan sai, theo Bộ trưởng Quang là đảm bảo quyền được bào chữa của các bị can, bị cáo. Bên cạnh chứng cứ buộc tội, các điều tra viên cũng phải thu thập chứng cứ gỡ tội để đảm bảo vụ án được xem xét toàn diện. Bộ cũng có kế hoạch tăng cường bồi dưỡng pháp luật, tâm lý cho điều tra viên.
Biện pháp tiếp theo là tăng cường chỉ đạo của cơ quan điều tra cấp trên với cấp dưới. Qua công tác này, giữa năm 2013, bảy công an huyện Thạch Thất (Hà Nội) do đánh người tử vong đã bị tước quân tịch và xử lý hình sự.
Về đề xuất lắp camera tại phòng hỏi cung, Bộ trưởng Quang cho biết việc này đã được thực hiện và "thực tế đã lắp lại một số địa bàn trọng điểm". Do còn khó khăn về kinh phí nên chưa triển khai rộng khắp, sắp tới, Bộ sẽ kiến nghị tăng thêm kinh phí cho điều tra hình sự.
Trước ý kiến của đại biểu Nga về việc giao cơ quan khác quản lý nhà tạm giam để tránh bức cung, dùng nhục hình, Bộ trưởng Công an cho biết thực tế cơ quan điều tra không phụ trách việc này. "Việc này do Tổng cục thi hành án và hỗ trợ tư pháp quản lý thống nhất", ông thông tin.
Tiếp đó, Viện trưởng VKSND Nguyễn Hòa Bình cho biết dù đã cố gắng nhưng việc oan sai vẫn xảy ra với tỷ lệ nhỏ. Thời gian qua, với nhiệm vụ kiểm soát điều tra, Viện đã hủy bỏ nhiều quyết định khởi tố bị can cũng như không phê chuẩn các quyết định tố tụng khi chưa đủ căn cứ buộc tội. Viện cũng thu thập đầy đủ các chứng cứ gỡ tội, thận trọng khi ra các quyết định truy tố.
Viện trưởng Bình nêu ra 5 việc cần làm khi phát hiện án oan. Đó là: kịp thời minh oan; tích cực phối hợp để làm sáng tỏ, tìm ra tội phạm; triển khai trách nhiệm bồi thường; xem xét trách nhiệm của cá nhân và tập thể; tổ chức rút kinh nghiệm...
Về vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn mà Viện vừa có kháng nghị đề nghị hủy 2 bản án kết tội, ông Bình cho biết đã giải quyết thận trọng với sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Công an và ngành tòa án. Vụ án này nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Chủ tịch nước, sự đôn đốc của Ủy ban kiểm tra trung ương và Ban Nội chính. "Phán quyết cao nhất đã được ban hành. Vụ này không nằm ngoài các vụ án có oan sai khác, những việc cần làm chúng tôi sẽ làm", ông khẳng định.
Trước đề nghị tăng xét xử lưu động với các vụ án do người chưa thành niên gây ra để răn đe, giáo dục chung, Chánh án Trương Hòa Bình cho rằng "cách làm này là không nên". Theo ông, các em do chưa hoàn thiện thể chất, tâm sinh lý nên dễ bị tổn thương trong quá trình tố tụng. Việc xét xử lưu động trước nhiều người sẽ ảnh hưởng tâm sinh lý của người chưa thành niên.
"Nếu trong quá trình xét xử, các em đã qua tuổi thành niên thì tùy một số trường hợp mới có thể đưa ra xét xử lưu động", người đứng đầu ngành tòa án cho hay.
Nhóm phóng viên

Hàng cứu trợ bão của Việt Nam tới Philippines ? !



7 tấn hàng gồm lương thực, thực phẩm đóng hộp, sữa, chăn mền... dành để cứu trợ nạn nhân bão Haiyan ở Philippines đã được chuyển đến thủ đô Manila hôm nay.

Hàng cứu trợ chuyển đến sân bay ở thủ đô Manila. Ảnh: An Nhơn
Hàng cứu trợ chuyển đến sân bay ở thủ đô Manila. Ảnh: An Nhơn
Lượng hàng cứu trợ này được bàn giao cho hai tổ chức từ thiện phi chính phủ nước sở tại là DSWD và Couples For Christ Global Mission Foundation Inc.
Hôm 18/11, hãng hàng không Vietjet Air cũng đã chuyển hơn 5 tấn hàng cứu trợ tới Manila.
“Trong tuần này, hàng hóa sẽ được chuyển đến vùng Catarman, sau đó phân phối cho người dân bị nạn ở Tacloban”, ông Philippe De Guzman, đại diện cho tổ chức Couples For Christ Global Mission cho biết.
Hàng hóa chuyển lên xe đến vùng Taloban. Ảnh: An Nhơn
Hàng hóa chuyển lên xe đến vùng Tacloban. Ảnh: An Nhơn
Số hàng cứu trợ này do VietJet Air tài trợ và vận động sự đóng góp của các cá nhân, tổ chức khác tại Việt Nam. Trong chuyến cứu trợ này, máy bay của hãng cũng phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines tổ chức vận chuyển những người Việt Nam bị ảnh hưởng bởi cơn bão còn kẹt lại Philippines mà không có kinh phí về nước.
Dự kiến, chuyến bay sẽ khởi hành lúc 5h sáng ngày 24/11 tại Manila, Philippines (giờ địa phương).
Các hành khách phải có đầy đủ giấy tờ hợp lệ, hộ chiếu và đăng ký trực tiếp với nhân viên của hãng hàng không VietJet (Tại Philippines: +63 919 832 5221. Tại Việt Nam: 0909475179. Email: customerservice@vietjetair.com). Vietjet sẽ tiếp nhận danh sách từ nay cho đến 12h trưa ngày 23/11.
An Nhơn

Bắt hai tàu đổ lén bùn thải xuống vịnh Hạ Long



Chiều nay, lực lượng chức năng đã bắt quả tang hai tàu trọng tải lớn lén đổ bùn đất ngay khu vực bảo vệ tuyệt đối của di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.


bun1-4355-1385036389.jpg
Tàu chở bùn bị bắt quả tang chiều 21/11 khi đổ thải xuống vùng lõi của vịnh Hạ Long. Ảnh:Hằng Ninh
Hơn 14h ngày 21/11, đội kiểm tra liên ngành đã bắt quả tang hai tàu HP 2338 và HP 3695 đang đổ bùn tại khu vực Hòn Bái Đông, thuộc vùng lõi của vịnh Hạ Long.
Hai lái tàu là Lê Cương (sinh năm 1960) và Bùi Văn Duy (sinh năm 1971, cùng ở Hải Phòng) đã không xuất trình được giấy tờ liên quan đến người, phương tiện cho việc đổ thải bùn tại khu vực trên.
Theo Đội Kiểm tra vi phạm thuộc Ban Quản lý vịnh Hạ Long, khu vực hai tàu đổ bùn thải là vùng lõi, được bảo vệ nghiêm ngặt, cấm mọi hoạt động đổ thải và xâm hại. Số lượng bùn đổ thải của hai tàu lên tới gần 300 m3. 
bun2-3904-1385036389.jpg
Khoảng 300m3 bùn thải đã được đổ xuống vịnh trước khi cơ quan chức năng phát hiện, bắt quả tang. Ảnh: Hằng Ninh.
Theo Ban quản lý vịnh Hạ Long, vài năm trở lại đây, mỗi khi cảng Cái Lân tổ chức nạo vét luồng lạch thì lại xuất hiện tình trạng tàu chở bùn lén lút xả thải xuống Vịnh Hạ Long. Phía cảng Cái Lân thường thuê đơn vị nạo vét bên ngoài nên không quản lý việc bùn nạo vét được đổ ở đâu.
Hằng Ninh

Mua dâm nhiều người cùng lúc bị phạt 5 triệu đồng



Chính phủ vừa ban hành Nghị định 167/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội...
Hành vi mua dâm bị phạt nặng hơn bán dâm
Hành vi mua dâm bị phạt nặng hơn bán dâm.
Mức phạt tiền tối đa linh hoạt theo từng hành vi và đối tượng vi phạm, từ 30 triệu đồng tới 100 triệu đồng. Theo Nghị định 167/NĐ-CP, cá nhân có hành vi vi phạm về trật tự công cộng có thể bị phạt đến mức cao nhất là 5 triệu đồng. Tổ chức vi phạm sẽ bị phạt gấp đôi cá nhân.
Cụ thể, cá nhân có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; thả rông động vật nuôi trong thành phố, thị xã hoặc nơi công cộng hoặc gây mất trật tự nơi công cộng sẽ bị phạt từ 100-300 nghìn đồng.
Bên cạnh đó, hành vi đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau; say rượu, bia gây mất trật tự công cộng; ném gạch, đất, đá, cát hoặc bất cứ vật gì khác vào nhà, vào phương tiện giao thông, vào người, đồ vật, tài sản của người khác; tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng sẽ bị phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng.
Mức phạt trên cũng sẽ áp dụng đối với các hành vi: Báo thông tin giả đến các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; để động vật nuôi gây thiệt hại tài sản cho người khác; thả diều, bóng bay, chơi máy bay, đĩa bay có điều khiển từ xa hoặc các vật bay khác ở khu vực sân bay, khu vực cấm; đốt và thả “đèn trời”; sách nhiễu, gây phiền hà cho người khác khi bốc vác, chuyên chở, giữ hành lý ở các bến tàu, bến xe, sân bay, bến cảng, ga đường sắt và nơi công cộng khác...
Đặc biệt, hành vi mua dâm sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Trường hợp mua dâm nhiều người cùng một lúc sẽ bị phạt nặng hơn, từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Trong khi đó, hành vi bán dâm bị phạt hành chính nhẹ hơn, ở mức cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Trường hợp bán dâm cho nhiều người cùng một lúc bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng.
Theo An ninh thủ đô

Độc dược 'tẩm' hoa quả nhanh chín, lâu hỏng




Không quá khó để mua các loại hóa chất này. Có loại trong suốt như nước cất, có loại sền sệt như hồ dán giấy tập học sinh.
Đủ loại “thuốc” tẩm trái cây
Chúng tôi cùng với anh T. (Long Khánh, Đồng Nai), một thương lái trái cây đường dài đến cửa hàng hóa chất “Kh” (Vạn Tượng, quận 5, TP.HCM) nằm trong chợ Kim Biên để mua hàng. Anh T vốn là khách hàng quen thuộc của cửa hàng. Mới gặp anh T, chị H, chủ cửa hàng đã đon đả nói: “Gớm, sao lặn lâu thế. Bây giờ miền Đông hết vụ sầu riêng, chôm chôm rồi… Em đang làm hàng gì?”. “Ôi, đủ thứ chị ơi… Hôm nay bà chị có thuốc nào mới 'quất' cho trái tươi lâu hơn không, giới thiệu cho thằng em với”, anh T đáp.
Chỉ tay vào mấy can nhựa 25 lít màu xanh, màu trắng dựng san sát phía trước cửa hàng, chị H nói: “Mấy loại đó chị mới nhập về từ Móng Cái. Em coi cái nào được chị giới thiệu cho. Cái nào cũng “tăng phọt” và giữ tươi trái cây cả”.
Sau khi quan sát, anh T chỉ vào một can nhựa có ghi một chữ gọn lỏn “bóng”, rồi nói: “Chị lấy cho em thứ đó đi”. “Ừ, loại đó em cho chị 80.000 đồng/lít. Nhưng nó không phải thuốc nước 'Gờ 4' của Trung Quốc (nhãn hiện Progibb T98, loại dùng cho các nhà vườn phun trái nhanh lớn) như trước đâu. Thứ này là loại dung dịch sền sệt như hồ (keo dán), mạnh hơn 'Gờ 4'. Đem thứ này 'tắm' cho chuối, mít, sầu riêng, bơ, nho, chôm chôm, sapo, măng cụt… chỉ trong vòng 1 ngày là chín ngay. Cứ 1 lít thuốc em pha cho chị ½ lít nước”, chị H quảng cáo.
Dung dịch sền sệt như hồ dán giấy tập học sinh pha với nước phun vào trái cây kích thích mau chín
Dung dịch sền sệt như hồ dán giấy tập học sinh pha với nước phun vào trái cây kích thích mau chín.
 
Sau khi coi mặt hàng, cò kè giá, anh T đồng ý mua 1 lít giá 70.000 đồng về dùng thử trên mít. “Thế còn loại nào bảo quản giữ cho trái cây tươi lâu để em còn chở ra Bắc. Hôm trước chị bán thứ gì mà phun sương vào trái cây mùi nồng không chịu được, có loại nào mùi dễ chịu hơn không?”.
Chỉ tay vào can màu xanh, chị H giới thiệu: “Loại đang đựng trong can màu xanh đó. Loại này không mùi, không màu. Mới có khách hàng ở Bình Thuận vào mua thử để "tắm” cho trái thanh long chở ra Bắc. Họ nói thứ này được lắm. 1 lít “thuốc” pha với 5 lít nước rồi đổ trong thùng. Sau đó, ngâm trái cây vào khoảng 3-4 giờ sau vớt ra, để qua đêm, trái cây sẽ chín ngon”.
Cứ rẻ là được
Có thể nói, tại các sạp hóa chất ở khu vực chợ Kim Biên có rất nhiều loại hóa chất để thúc chín trái cây. Từ bột trắng hoặc dung dịch sền sệt dùng pha với nước để phun trực tiếp lên trái cây, cho đến những loại “thuốc” đựng trong ống 5ml dùng tiêm trực tiếp vào quả. Tuy nhiên, do có dư luận về độc hại của các “thuốc” này nên ban quản lý chợ Kim Biên quản lý gắt gao hơn. Vì vậy, việc mua bán chúng chỉ diễn ra ngấm ngầm. Chủ các cửa hàng, quầy sạp tại đây chỉ bán cho những khách hàng quen mà thôi.
Theo PGS.TS Trương Vĩnh, Trưởng Bộ môn Công nghệ Hóa học (đại học Nông Lâm TP.HCM), thuốc làm trái cây mau chín thực chất làm tăng tốc độ chuyển hóa tinh bột thành đường. Còn thuốc bảo quản trái cây thì theo cơ chế ngược lại, tức làm chậm quá trình lên men bên trong, làm chậm quá trình chuyển hóa tinh bột thành đường nhằm giữ trái cây tươi lâu, không thối, dễ vận chuyển đi xa. Trên thị trường có nhiều loại hóa chất sử dụng vào mục đích này. Có loại chứa hoạt chất có tính bay hơi hoặc rửa trôi thì vô hại, nhưng có loại chứa hoạt chất “ngậm” bền vững vào trái cây thì có hại cho người dùng. Thực tế, thuốc của Trung Quốc do giá rẻ nên hoạt chất sử dụng bảo quản thường “ngậm” bền trong trái cây.
Hóa chất được đựng trong các can nhựa 10 lít, 25 lít, trong đó không ít loại dùng thúc chín trái cây và bảo quản trái cây nhưng hoàn toàn
Hóa chất được đựng trong các can nhựa 10 lít, 25 lít, trong đó không ít loại dùng thúc chín trái cây và bảo quản trái cây nhưng hoàn toàn "hai không"(không nhãn hiệu, không nhà sản xuất).
 
Sau khi quan sát dung dịch sền sệt mà thương lái T mua ở cửa hàng hóa chất Kim Biên, PGS.TS Vĩnh nhận định: “Đây là chất bảo quản có tính dẻo bám lên bề mặt trái tạo lớp màng hạn chế oxy, nước và CO2 “thấm” vào trái làm chậm quá trình hô hấp của trái cây. Nhờ đó, trái cây tươi lâu. Thành phần hoạt chất chính của loại dung dịch sền sệt này có thể là Chitosan, hoặc sáp tổng hợp. Nếu là Chitosan, một loại nguyên liệu chiết xuất từ vỏ tôm cá thì “thuốc” không gây hại, nhưng nếu là sáp tổng hợp thì có thể gây hại cho người dùng".
PGS.TS Trương Vĩnh cũng cho biết thêm, có khả năng “dung dịch sền sệt” được làm từ sáp tổng hợp do giá rẻ. Còn Chitosan thì giá đắt, 4 - 5 triệu đồng/kg nên khó được người mua chấp nhận. Ngoài ra, có các nhóm hóa chất khác có tác dụng chống mốc, chống nấm như Carbendazim, Benomyl, Tebuconazole… có khả năng bảo quản trái cây trong thời gian dài cũng được sử dụng. Tuy nhiên, đây là loại hóa chất diệt nấm thuộc nhóm cực độc, phân hủy chậm và có nguy cơ gây ung thư, hoặc vô sinh nếu dùng trái cây có chất này.
Toàn là độc dược
Nói về thuốc tiêm (chích) hoặc “ngậm” cho trái cây mau chín, PGS.TS Trương Vĩnh cho biết, hiện nay, các thương lái thường sử dụng Ethylen. Đây là chất bay hơi, có tác dụng kích thích làm trái cây mau chín, chuyển màu (cà chua từ xanh sang đỏ, mít từ xanh sang vàng…).
Nếu dùng Ethylen với nồng độ rất thấp sẽ làm trái chín chậm. Tuy nhiên, cần khẳng định đây không phải là loại hóa chất được sử dụng trong ngành thực phẩm do tính chất độc hại của nó đối với sức khỏe con người. “Vừa qua, tôi có đọc trên báo chí thông tin về một loại sản phẩm HPC 'trái chín' (một loại “phân bón lá” nằm trong danh mục cho phép của Cục Trồng Trọt) do một doanh nghiệp ở TP.HCM sản xuất và được bán trên thị trường với mục đích “tắm” cho trái mít, sầu riêng... mau chín. Tôi thật sự ngạc nhiên, bởi thành phần hóa học của sản phẩm này lại chính là… Ethylen?!”. Còn theo ông Nguyễn Bá Tùng, Phó chánh thanh tra Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Nai, “Gờ 4” nói ở trên thực chất là hóa chất GA4 được bán lén lút, “trao tay” trên thị trường dưới nhãn hiệu ProGibb T98.
Hóa chất này không nằm trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được đăng ký sử dụng ở Việt Nam và cũng không nằm trong danh mục chất điều hòa sinh trưởng quy định tại phụ lục 4 của Thông tư số 36/2010/TT-BNNPTNT ngày 24/6/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy định quản lý về phân bón. “Vì vậy, bà con nông dân kể cả thương lái không nên sử dụng hóa chất này để phun cho chuối và cây trái. Đây là việc làm lợi bất cập hại. Hậu quả người dùng trái cây có phun loại hóa chất này có thể ngộ độc, hoặc sinh bệnh về sau”, ông Tùng nói. Ngoài “Gờ 4”, hiện còn một loại “thuốc” nữa là GA3 - Gibberellic acid (công thức hoá học C19H22O6) có tác dụng sinh lý mạnh nhất đối với cây trồng.
“Thuốc chích vào trái mau chín nhằm chuyển hóa tinh bột thành đường nhanh hơn có thể gồm 2 loại, một là người ta dùng hóa chất có hàm lượng axit sulfuric hoặc HCl độc tính cao, 1 kg giá vài chục ngàn bán rộng rãi trên thị trường; hai là, sử dụng enzym - một loại protein có tính xúc tác mạnh được lấy từ cây cỏ thực vật, nó không độc, 1 kg enzym bình quân 2 triệu. Trong đó, nếu dùng phương án thứ nhất thì nhất thiết sau đó phải chích vào trái cây lần nữa bằng xút (NaOH) để trung hòa nhằm giảm độc. Trong thực tế thì ít ai chích trái lần hai, bởi vừa nhọc công mà giá thành lại cao”, theo PGS.TS Trương Vĩnh.
Theo Nông nghiệp Việt Nam

Chủ tịch phường nhận 50 triệu để phá vỡ quy hoạch Đà Lạt?



(Kienthuc.net.vn) - Ông Phan Văn Thuần, Chủ tịch UBND phường 7, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) thừa nhận hành vi gia đình ông nhận 50 triệu từ bà Nguyễn Thị Phượng.

Bà Nguyễn Thị Phượng, ngụ tại đường Nguyễn Hoàng, TP Đà Lạt vừa có đơn tố cáo ông Phan Văn Thuần, Chủ tịch UBND phường 7, TP Đà Lạt nhận 50 triệu đồng để “làm ngơ” cho bà Võ Thị Anh, ngụ tại đường Nguyễn Siêu, TP Đà Lạt xây nhà. 
 Bản tường trình vụ việc của bà Phượng gửi UBND TP Đà Lạt
Theo đơn tố cáo, ngày 30/7 vừa qua, bà Anh đưa 50 triệu đồng, nhờ bà Phượng sang nhà đưa cho ông Thuần để ông làm ngơ cho bà Anh xây nhà kho chứa nông sản.
Sau khi nhận tiền, ông Thuần đồng ý cho bà Võ Thị Anh làm nhà. Tuy nhiên, ngày 21/8 vừa qua, ông Thuần gọi điện cho bà Phượng “bắn tin” qua bà Anh là tạm ngừng xây nhà và bảo: “Dừng một bước, tiến hai bước”. Bà Võ Thị Anh đồng ý ngừng công trình trên. Tiếp đó ông Thuần ra quyết định cưỡng chế công trình này.
Chung quanh nội dung tố cáo của bà Nguyễn Thị Phượng, ông Phan Văn Thuần, Chủ tịch UBND phường 7, TP Đà Lạt, thừa nhận gia đình ông có nhận 50 triệu đồng từ bà Nguyễn Thị Phượng.
Chủ tịch phường 7, TP Đà Lạt đã thừa nhận hành vi nhận 50 triệu đồng trên của gia đình ông là trái với quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, theo ông Thuần, người trực tiếp cầm số tiền trên là vợ ông, bà Nguyễn Thị Chi. Ông Thuần trình bày, giữa gia đình ông và bà Phượng vốn có mối quan hệ hàng xóm thân thiết. Khi được bà Phượng đặt vấn đề “lót đường” để phường 7 “làm ngơ” cho bà Anh xây nhà, bản thân ông đã không chấp nhận. Ông Thuần cho biết tuyến đường này nằm trong quy hoạch lại là “đường vào khu Ký túc xá sinh viên các sếp thường xuyên đi qua”, ông đã “năm lần bảy lượt từ chối nhận 50 triệu đồng trên”.
“Tuy nhiên, không biết bà Phượng tỉ tê với bà xã tôi như thế nào mà bà ấy lại nhận số tiền này”, ông Thuần nói. Ông Thuần giải thích, việc nhận 50 triệu đồng này là để lo thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất chứ không phải là lo cho cấp trên.
“Do không thể làm thủ tục được nên tôi đã điện thoại cho bà Phượng sang nhận lại tiền nhưng bà ấy không sang, sau đó bà xã tôi đã đem tiền đến trả lại cho bà ấy”, ông Thuần trình bày. 
 Việc xây nhà trái phép đang xảy ra tràn lan ở phường 7, TP Đà Lạt
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Phượng lại cho biết, người trực tiếp nhận số tiền này là ông Phan Văn Thuần chứ không phải là bà Nguyễn Thị Chi. Theo bà Phượng, ông Thuần nhận tiền là để “làm ngơ” cho xây nhà chứ không phải là đi lo thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất như ông Thuần trình bày. Thời điểm ông Thuần nhận tiền là khoảng 6h ngày 30/7 vừa qua. Sau khi nhận tiền, ông Thuần nói là cứ về việc xây đi. Đến chiều ngày 21/8, ông Thuần đã gọi bà qua nhà trả lại 50 triệu đồng này.
Khắc Lịch