THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

06 May 2012

Vận chuyển ma túy 'khủng' qua đường bay


Số ma tuý "đá" do 3 hành khách nữ mang quốc tịch Philippines vận chuyển lên đến 13,7 kg, trị giá khoảng 30 tỷ đồng. Đây là lượng ma túy lớn nhất từ trước đến nay bị bắt giữ khi vận chuyển qua đường hàng không.

Theo trung tá Nguyễn Bá Tuấn, Phó trưởng Đồn Công an cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội), cuối tháng 4, các anh phát hiện 3 hành khách nữ, người nước ngoài đi trên tuyến bay Doha - Bangkok - Hà Nội tỏ ra lo lắng, lấm lét nhìn trước ngó sau. Mỗi người mang theo một valy kéo rất to.
Lập tức 3 người này được mời vào phòng làm việc "đặc biệt". Khi những chiếc valy đựng hành lý mở ra, các cán bộ của Đồn cửa khẩu phát hiện thủ đoạn giấu ma túy tinh vi của nhóm người này.
Chúng ép mỏng ma túy "đá", đóng vào các túi nylon màu vàng, nhét sau lớp "xương" đáy valy, sau đó dùng băng dính cố định và may vải che kín. Với thủ đoạn này, máy soi của các sân bay hầu như không thể phát hiện. Trong một valy thu được 3,1 kg ma túy "đá", hai valy còn lại chứa hơn 5 kg.
Ma túy
Chiếc valy được "cấu tạo" thành 2 ngăn để đựng ma tuý "đá". Ảnh: CAND
Ba người phụ nữ nước ngoài bị bắt giữ đều mang quốc tịch Philippines. Đó là Amodia Tiresita Palacio (61 tuổi); Santos Nelia Rongavilla (50 tuổi) và Javier Engarcia Ebalany (50 tuổi).
Theo lời khai của Amodia Tiresita Palacio, bà ta được một người thuê vận chuyển ma túy về Việt Nam với giá 3.000 USD, bà đã nhận trước 1.000 USD và sẽ nhận hết số tiền còn lại sau khi phi vụ trót lọt. Người đàn bà này đã nhiều lần nhập cảnh vào Việt Nam và 3 lần mang ma túy thuê theo kiểu trên cho những người gốc Phi.
Amodia Tiresita Palacio không chồng, nhưng phải nuôi 4 đứa con. Bà ta đi làm giúp việc cho những gia đình giàu có. Đang lúc túng bấn, bà đã gặp những tên trùm ma túy gốc Phi muốn lợi dụng người có hoàn cảnh khó khăn để thuê vận chuyển ma túy.
Còn Santos Nelia Rongavilla, người đàn bà có vóc dáng đàn ông, cũng có hoàn cảnh khá đặc biệt, không chồng con, không nghề nghiệp. Người còn lại cũng bị chồng bỏ rơi cùng đàn con... Vì hoàn cảnh như vậy, họ đã trở thành kẻ "thế thân" cho các ông trùm ma túy gốc Phi trên con đường vận chuyển những món hàng chết người...
Theo trung tá Nguyễn Bá Tuấn, hiện tội phạm vận chuyển ma túy qua đường hàng không có rất nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, lọt qua được máy soi, kiểm tra hành lý ở các cửa kiểm soát tại sân bay. Thậm chí, có nhóm buôn ma túy còn mua cả máy soi về để đưa hành lý qua thử trước, nhằm tìm mọi cách đối phó với cơ quan chức năng
Công an Nhân dân

Giây phút đá núi Cấm đè chết 6 người



Sau tiếng cây rừng gãy ầm ầm, nhiều tảng đá lớn từ đỉnh núi Cấm lăn xuống đường đúng lúc xe lữ hành trờ tới. Dù tài xế đã lách xe ra sát vực nhưng vẫn bị tảng đá đè lên làm 6 người chết và 2 người bị thương.
Đá lăn từ núi Cấm đè bẹp ôtô, 6 người chết

Những hòn đá to lớn từ đỉnh núi Cấm (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) ầm ầm lăn xuống, đè bẹp ôtô chở khách du lịch và xe máy lúc 8h sáng 5/5 gây tiếng động kinh hoàng. Nhiều người dân làm rẫy cạnh đó hoảng loạn.
Ông Hai Minh, một người dân làm rẫy trên núi Cấm chứng kiến vụ tai nạn cho biết, khi nghe tiếng cây rừng gãy ầm ầm, ông nhìn lên lưng chừng núi thì thấy nhiều tảng đá lớn đang lăn xuống đường. Đúng lúc hai chiếc xe lữ hành đang xuống dốc thì tảng đá to nhất lăn đến giữa con đường, dù tài xế đã lách xe ra sát vực thẳm nhưng vẫn bị toàn bộ tảng đá đè lên. Chiếc xe sau kịp thời thắng lại nên không bị nạn.
"Tôi và vài người dân chạy đến định cứu họ nhưng thấy nhiều người đã chết, thi thể không toàn vẹn. Còn lại 3 người đang rên rỉ, máu me be bét khắp người nên chúng tôi kéo họ ra trước”, ông Minh kể.
*ẢnhHiện trường đá lăn từ núi Cấm
Dù tài xế đã lách xe gần sát vực nhưng cũng không tránh được tảng đá lớn. Ảnh: B.T
Là một người trong đoàn du lịch may mắn không gặp nạn, bà Trần Thị Thu (ngụ ấp Phú Thuận, xã Phú Phong, huyện Châu Thành, Tiền Giang) cho hay tất cả những du khách bị nạn đều có quan hệ bà con, sui gia với nhau. "Đoàn của chúng tôi có 13 người, cùng thuê xe 15 chỗ để đi hành hương trên núi Cấm. Do là xe ngoài, không được chạy lên núi nên 7 người nam trong đoàn đã thuê xe lữ hành lên trước và gặp nạn. Còn lại mấy người chúng tôi vẫn ở dưới chân núi", bà Thu ngậm ngùi.
Ngoại trừ ông sui của bà Thu đã lớn tuổi, còn lại hầu hết nạn nhân đều là lao động chính trong gia đình. Trong số những người tử nạn có con rể của bà, ông sui và những người con của sui gia...
"Nhiều đứa mới lấy vợ, có con nhỏ, gia đình nghèo khó. Tụi nó chết rồi cuộc sống gia đình sau này không biết phải tính sao. Năm nào chúng tôi cũng tổ chức đi núi Cấm chơi nhưng năm nay không ngờ lại gặp cảnh tang thương đến vậy”, người đàn bà cho biết thêm.
Theo ghi nhận của VnExpress.net, tại hiện trường hơn chục tảng đá lớn nhỏ nằm chắn trên con đường. Phía mé đường gần vực thẳm là tảng đá lớn, nặng đến vài chục tấn đang đè bẹp dí chiếc xe du lịch chỉ còn trơ khung sắt.
Nơi đầu xe vẫn còn kẹt lại đôi chân của người tài xế xấu số mà người ta không thể lôi ra được. Gần đó là tấm bạt xanh phủ thi thể không còn nguyên vẹn của các nạn nhân. Một chiếc xe máy của người dân sống trên núi Cấm cũng bị đá đè tan nát. Rất may, chủ nhân của chiếc xe đã không có mặt lúc xảy ra tai nạn.
Ông Lê Minh Hưng, Giám đốc Công ty Cổ phần phát triển du lịch An Giang cho biết, ngay sau khi nghe tin tai nạn xảy ra, ông đã lập tức điều xe cứu hộ lên núi. Qua kiểm tra ban đầu cho thấy, 5 người đã chết tại chỗ, bao gồm cả tài xế. Sau khi tiến hành sơ cứu 3 người còn sống sót, công ty đã cho xe chở thẳng xuống Bệnh viện Đa khoa thị xã Châu Đốc. "Tuy nhiên, vừa đến bệnh viện đã có thêm một nạn nhân tử vọng, còn lại 2 người đã tạm thời ổn định", ông Hưng nói.
Theo vị giám đốc này, do đoạn đường lên núi bị chắn ngang bởi những tảng đá lớn nên công ty đã tạm thời cho dừng các hoạt động đưa rước khách lên đỉnh núi Cấm, kể cả xe du lịch lữ hành và đội xe honda. Người đi bộ cũng không được đi lên núi bằng con đường này để đề phòng tai nạn.
Các nạn nhân chết thảm đều là bà con, dòng họ với nhau. Ảnh: B.T
"Trước mắt chúng tôi sẽ tiến hành chẻ những tảng đá lớn rồi dùng máy xúc và xe tải chở đi nơi khác. Sau khi vận chuyển hết đá ra khỏi còn đường thì vẫn chưa cho phép lưu thông, phải đợi khi nào cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, đảm bảo đá không bị sạt lở nữa thì hoạt động đưa rước khách mới được nối lại”, ông Hưng nói.
Về xử lý hậu quả, ông Hưng cho biết, công ty đã hỗ trợ tạm thời cho mỗi nạn nhân đang cấp cứu tại bệnh viện 5 triệu đồng. Đồng thời, tiếp tục theo dõi và lo chi phí điều trị cho 2 nạn nhân này. Riêng đối với 5 du khách đã tử vong, khi nào cơ quan pháp y khám nghiệm xong công ty sẽ đưa xác họ về quê ở huyện Châu Thành. "Chúng tôi sẽ hỗ trợ trước mắt mỗi nạn nhân 10 triệu đồng để gia đình lo việc mai táng. Sau đó sẽ có những bước hỗ trợ tiếp theo", ông Hưng khẳng định.
Về nguyên nhân gây sạt lở núi lần này, ông Hưng cho biết còn phải chờ các cơ quan chức năng điều tra.
Theo nhiều người dân sống lâu năm trên núi Cấm, vị trí sạt lở đá rơi xuống đường có con suối chảy qua, nhiều du khách còn mang theo đồ để tắm suối. "Có lẽ do mấy cơn mưa lớn đầu mùa khiến nước chảy mạnh gây xói mòn chân của một số tảng đá lớn, khiến chúng lăn xuống núi. Ngoài vụ sạt lở hôm nay được coi là lớn nhất từ trước đến nay, trên núi Cấm thỉnh thoảng vẫn có những tảng đá nhỏ lăn xuống nhưng chủ yếu là ban đêm”, ông Hai Minh, người chứng kiến vụ tai nạn cho biết.
Còn ông Nguyễn Văn Sỹ (xã An Hảo) cho rằng, nguyên nhân sạt lở đá là do khi làm đường lên núi Cấm, đơn vị thi công đã dùng thuốc nổ phá đá khiến nhiều tảng đá lớn bị đứt gãy. "Khi xe lữ hành lưu thông gây rung động làm những tảng đá này dần nhích ra khỏi vị trí và lăn xuống", ông Sỹ phán đoán.
8h sáng 5/5, nhiều hòn đá bất ngờ lăn từ đỉnh núi Cấm, xã An Hảo (Tịnh Biên, An Giang) xuống đường, đè bẹp ôtô và xe máy làm chết 6 người, 2 người khác bị thương.
Núi Cấm còn được biết đến với tên gọi khác là Thiên Cấm Sơn, ngọn núi cao nhất trong dãy Thất Sơn – An Giang (705m). Tại đây, Công ty Cổ phần phát triển du lịch An Giang đã xây dựng nhiều mô hình phục vụ du lịch, trong đó có đường nhựa dẫn lên đỉnh núi.
Công ty còn đầu tư đội xe lữ hành 44 chiếc (loại 7 chỗ) để đưa rước khách từ chân núi lên tham chùa Phật Lớn, tượng Phật Di Lặc, hồ Thủy Liêm cùng nhiều địa điểm du lịch khác trên đỉnh núi.
Bích Thanh

Hacker Philippines tiếp tục hạ 14 website Trung Quốc



Không lâu sau khi giới chức Philippines ra lời kêu gọi kiềm chế những căng thẳng trên mạng, lại có thêm 14 trang web thuộc hệ thống thông tin Chính phủ Trung Quốc bị tấn công và thay đổi giao diện.

Một trang web Chính phủ Trung Quốc bị hacker Philippines thay đổi giao diện – Ảnh minh họa: Internet
Một trang web Chính phủ Trung Quốc bị hacker Philippines thay đổi giao diện – Ảnh minh họa: Internet
Trong hành động được giới truyền thông gọi là sự “phớt lờ” yêu cầu từ chính phủ nước mình, các hacker Philippines, được xem là thuộc tổ chức hacker quốc tế Anonymous, vẫn tiếp tục tấn công và thay đổi giao diện của 14 trang web trực thuộc Chính phủ Trung Quốc, trong chiến dịch được gọi là “OpChinaDown”.

Theo nguồn tin từ trang công nghệ NewsBytes, lý do của những cuộc tấn công chủ yếu vẫn mang màu sắc chính trị, cụ thể là các tranh chấp địa lý xung quanh khu vực bãi đá ngầm Scarborough giữa Philippines và Trung Quốc.

Một lần nữa, các quan chức Philippines đã lên tiếng bày tỏ “sự thất vọng” đối với hành động của nhóm Anonymous “chi nhánh” Philippines, cho rằng các hành vi cực đoan này chỉ khiến sự căng thẳng giữa hai quốc gia leo thang một cách không cần thiết.
Thông điệp của nhóm hacker tự cho là thành viên của nhóm Anonymous trong chiến dịch chống lại Chính phủ Trung Quốc
Thông điệp của nhóm hacker tự cho là thành viên của nhóm Anonymous trong chiến dịch chống lại Chính phủ Trung Quốc

Hiện danh sách các trang web thuộc hệ thống thông tin Chính phủ Trung Quốc là nạn nhân của vụ tấn công vẫn chưa được công bố cụ thể. Theo các chuyên gia nhận định, có thể những trang này đã được lựa chọn hoàn toàn ngẫu nhiên.

Ngày 23-4, Chính phủ Philippines thông báo ba trang web thuộc phủ tổng thống đã bị các hacker từ Trung Quốc tấn công.

Ngày 26-4, các hacker Philippines tấn công trả đũa nhiều trang web thuộc Chính phủ Trung Quốc. Giới chức Philippines lập tức yêu cầu các hacker trong nước chấm dứt các hành động này, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế để tránh leo thang một “cuộc chiến ảo” giữa hai nước.

Ngày 30-4, các hacker tự xưng là “chi nhánh” Philippines của nhóm hacker quốc tế Anonymous phớt lờ lời kêu gọi, tiếp tục tấn công 14 trang web của Chính phủ Trung Quốc.
(Theo Tuổi trẻ)

Sau mổ, con sống, mẹ chết không rõ nguyên do



06/05/2012 18:39:35
 - Cái chết thương tâm của người mẹ trẻ Lê Thị Nguyệt (33 tuổi, trú tại thôn 6, xã Hương An, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) vào sáng nay ngày 6/5 tại Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức (đóng tại thị trấn Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) đang gây sự bức xúc và xôn xao dư luận ở Quảng Nam.
Theo người thân gia đình chị Nguyệt cho hay, vào lúc 3h sáng nay, sau khi Nguyệt chuyển dạ sinh con, gia đình đã chuyển thẳng ra Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức để nhập viện. Chỉ sau đó khoảng 3 giờ, gia đình nhận được tin là chị Nguyệt phải sinh con mổ. 6h, chị Nguyệt lên bàn mổ. Đến 7h thì gia đình thấy các bác sĩ của ca mổ đi ra với nét mặt thẫn thờ.
Không yên tâm, gia đình đến gặp bác sĩ thì bị từ chối gặp. Đến 9h, gia đình nhận tin dữ là chị Nguyệt đã bị tử vong sau mổ.
Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức, nơi sản phụ Nguyệt tử vong sau mổ.

Biết tin, người nhà chị Nguyệt đã kéo nhau đến Bệnh viện gây áp lực buộc Bệnh viện phải đưa thi thể về an táng.
Khi người nhà yêu cầu lý giải nguyên nhân thì Bệnh viện viện nhiều lý do không thích đáng. Quá uất ức, gia đình đã đưa thi thể về và yêu cầu cơ quan pháp y và công an đến làm rõ sự việc. 14h chiều nay, cơ quan chức năng đã có mặt tại nhà chị Nguyệt để khám nghiệm tử thi nhưng vẫn chưa có kết luận. Hiện vụ việc đang được cơ quan tiếp tục điều tra làm rõ.
Hiện nay, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức đang có động thái điều tra êkip ca mổ sáng nay làm sản phụ Nguyệt chết và sẽ xử lý nghiêm những cá nhân bất cẩn dẫn đến cái chết thương tâm này.
Được biết, đứa bé sau mổ (con chị Nguyệt) là con trai, hiện sức khỏe vẫn bình thường, đang được gia đình đưa ra Bệnh viện Đà Nẵng nuôi dưỡng. Chị Nguyệt là giáo viên dạy môn mĩ thuật, trường THCS Quế Phú (xã Quế Phú, huyện Quế Sơn).

Hà Kiều

Vợ chồng đại gia đánh bà già nhập viện vì…quả xoài thối



06/05/2012 14:39:29
 - Chỉ vì quả xoài thối mà một bà già bán hoa quả bị 2 vợ chồng đại gia con chủ tiệm vàng ở Hà Tĩnh đánh đến mức phải nhập viện cấp cứu.

Ngày 5/5, bà Lê Thị Sáu (61 tuổi), trú khối 7 Bắc Sơn, thị trấn Nghèn huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), đang phải điều trị tại bệnh viện vì bị đánh kể lại sự việc: Sáng 28/4, con gái là Ngô Thị Ngà (20 tuổi) đang trông quán cho tôi gọi điện nói: “Hôm qua mẹ bán hoa quả cho chị Hà My, có quả hỏng thấy anh chị đến chửi tục, đánh con”. Ra quán thì con kể lại sự việc vợ chồng chị Hà My tới chửi bới, lấy trái cây ném lung tung và đánh con gái.
Hàng trái cây của bà Sáu.

“Nghe con nói xong tôi sang trước nhà chị Hoa (mẹ Hà My) nói chuyện: “có gì gì chị thông cảm, tại sao lại sang phá quán và đánh con tôi”, chị Hoa bảo “về rồi có gì chị sang đền cho”. Đang nói chuyện thì Hà My xông tới đánh tôi, giẫm lên trên bụng và ngược tôi, con gái tôi là Ngà chạy sang để can ngăn cũng bị đánh, tôi đau quá, mọi người can ngăn và đưa về quán của mình. Sau đó thấy Đức (chồng Hà My) cầm ống típ nước bằng nhựa sang đánh con gái tôi tên là Ngọc, rượt đuổi và tiếp tục đánh vào chân tôi, còn Hà My thì tiếp tục đánh tôi và giật tóc tôi, mọi người can ngăn và tôi được đưa đi viện cấp cứu”.

Bà Từ Thị Liệu, một nhân chứng chứng kiến sự việc tường trình lại: "Sáng 28/4, thấy một chiếc xe ô tô màu đỏ tới trước quá hàng bà Sáu, 2 vợ chồng Hà My xuống phá quầy hàng bà Sáu, lấy trái cây ném lung tung, bừa bãi, sau đó cô Hà My tới đánh cháu Ngà đang trông hàng cho mẹ. Một lúc sau thì bà Sáu tới bên nhà bà Hoa (mẹ Hà My), họ nói chuyện gì thì tôi không nghe nhưng nhìn sang thấy Hà My đánh bà Sáu tới tấp, bà Sáu ngã xuống sân, tiếp đó, chồng Hà My cầm ống típ nhựa tới đánh bà Sáu và con gái."

Được biết, Hà My tên đầy đủ là Lê Thị Hà, con gái của chủ tiệm vàng Hoa – Phượng ở thị trấn Nghèn, gần đối điện với quán bán trái cây bà Sáu. Là gia đình được xếp vào tầm “đại gia” của vùng quê Can Lộc.

Một mình bà phải nuôi 4 đứa con ăn học, 2 đứa đã trưởng thành, 2 đứa đang đi học đại  học và cao đẳng, Ngoài ra hàng ngày phải lo thuốc thang cho đứa con nuôi bị bệnh tim yếu ớt. Tất cả chỉ trông chờ vào quầy hàng hoa quả của bà.

Nay không những bà bị đánh thương nặng, mà ngay cả quán hàng cũng khó đảm bảo an toàn bởi ông Vịnh bố Hà My dọa dẹp quán. Ngà kể lại ông Vinh dọa “Chúng mày có thích bán đây không, tao mà không cho bán thì chúng mày không được bán”.

Hiện tại, gia đình đã nộp đơn tới Công an thị trấn Can Lộc, và cơ quan này đã lấy lời khai từ bị hại cũng như từ vợ chồng đại gia đánh người.

Vương Long
 

“Cò” dẫn khách lén lên núi Cấm khi bị phong tỏa



06/05/2012 17:46:21
Đến trưa 6/5, giao thông quanh khu vực núi Cấm (xã An Hảo, H. Tịnh Biên, An Giang) vẫn chưa được tái lập. Toàn bộ xe cộ phải dừng lại tại trạm kiểm soát cách đó khoảng 2km nhưng nhiều người vẫn được “cò” dẫn đi đường tắt.
TIN LIÊN QUAN

Đường lên núi Cấm. (ảnh chụp lúc 11g ngày 6/5)

Công tác khắc phục nhằm tái lập giao thông được bắt đầu từ 15h ngày 5/5. Tại hiện trường, 4 công nhân, thuộc công ty TNHH một thành viên khai thác đá Năm Chùa, giáng từng nhát búa dưới ánh nắng gay gắt để chẻ thành những phiến đá nhỏ.
Anh Lê Văn Giồng, Tổ phó tổ công nhân, cho biết, khi đến hiện trường có tất cả 6 khối đá lớn, 3 khối đã nằm dưới triền núi, 3 khối còn lại án ngữ mặt đường. Nhiệm vụ của tổ là chẻ nhỏ những tảng đá này, sau đó, xe cẩu sẽ đưa chúng ra khỏi mặt đường.

Chốt chặn các loại phương tiện lên núi

Mặc dù không thể lên núi bằng bất cứ phương tiện nào ngoài đi bộ, du khách vẫn dồn dập đổ về khu vực núi Cấm. Công ty CP phát triển du lịch An Giang vẫn tiếp tục bán vé vào cửa. Nhưng bên cạnh đó, một số cò tìm cách chèo kéo để đưa khách lên núi bằng nhiều ngõ ngách khác.

Cò hoành hành

Người dân tại đây cho biết, những con đường tắt phần nhiều là đường mòn ven núi không đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, không thấy một biện pháp ngăn chặn nào từ phía cơ quan hữu trách đối với nhóm cò mồi này.
Theo Trần Chánh Nghĩa
Vietnamnet

Việt Nam chế tạo thành công áo chống đạn như của Mỹ ??



06/05/2012 17:45:09
Viện Công nghệ (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) đã chế tạo thành công áo giáp chống đạn có khả năng chống đạn tiêu chuẩn cấp III+ theo tiêu chuẩn NIJ0101.04 của Mỹ.
Áo giáp và tấm chống đạn làm từ vật liệu oxit nhôm tăng bền.
Áo giáp và tấm chống đạn làm từ vật liệu oxit nhôm tăng bền.
Viện Công nghệ (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) đã nghiên cứu chế tạo thành công áo giáp chống đạn từ vật liệu gốm oxit nhôm (Al2O3) siêu mịn tăng bền bằng Zr­O2 nano và vật liệu dyneema, có khả năng chống đạn đạt tiêu chuẩn cấp III+ theo tiêu chuẩn NIJ0101.04 của Mỹ.
 
Đây là sản phẩm của đề tài khoa học cấp Nhà nước “Nghiên cứu chế tạo áo giáp chống đạn trên cơ sở gốm Al2O3 tăng bền bằng nano ZrO2” do Tiến sĩ Tạ Văn Khoa thuộc Phòng Vật liệu (Viện Công nghệ) làm chủ nhiệm.

Tác giả đã nghiên cứu hoàn thành công nghệ chế tạo vật liệu gốm Al2O3 tăng bền bằng ZrO2 nano, với các hạt ZrO2 nano phân tán đồng đều trên nền Al2O3 giúp nâng cao đáng kể cơ tính của vật liệu.

Từ loại vật liệu đặc chủng này, tác giả đã nghiên cứu chế tạo thành công các tấm gốm có kết cấu dạng “mosai” đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật chế tạo tấm gốm chống đạn có khả năng chịu được nhiều phát bắn. Đồng thời, đề tài cũng xác định được công nghệ chế tạo tấm ép dyneema đạt độ bền cao, đáp ứng các yêu cầu chế tạo tấm chống đạn.

Đề tài đã chế tạo thành công 4 loại áo giáp chống đạn gồm: 2 loại từ vật liệu gốm Al2O3 tăng bền bằng ZrO2 nano và vật liệu composit dyneema đạt cấp độ chống đạn cấp III+ theo tiêu chuẩn NIJ0101.04 của Mỹ (chống được đạn 7,62x54mm); 2 loại áo giáp chống đạn còn lại được chế tạo từ 100% composit dyneema, có thể chống đạn súng AK47 cỡ 7,62x39mm theo tiêu chuẩn NIJ0101.04 của Mỹ ở khoảng cách bắn 15m.

Áo giáp chống đạn được chế tạo từ 100% composit dyneema có khối lượng nhẹ (khoảng 3,4kg/bộ) nên rất phù hợp cho trang bị. Các sản phẩm đều đã được thử nghiệm đáp ứng tốt các yêu cầu kỹ, chiến thuật đặt ra.

Áo giáp chống đạn là loại trang bị đặc chủng phục vụ nhiệm vụ an ninh, quốc phòng. Hiện nay, các loại áo giáp chống đạn, nhất là loại làm từ vật liệu gốm oxit nhôm tăng bền được quân đội và lực lượng đặc nhiệm các nước sử dụng khá phổ biến.

Việt Nam đang phải nhập khẩu một lượng lớn áo giáp chống đạn loại này với giá cao nhưng kích thước, khối lượng của áo chưa thật sự phù hợp với đối tượng sử dụng.

Kết quả nghiên cứu của đề tài mở ra khả năng chủ động về công nghệ sản xuất áo giáp chống đạn trong nước với số lượng lớn, chất lượng tốt để trang bị cho các đối tượng sử dụng.
 
(Theo Quân đội Nhân dân)

Cây cầu ngày nào cũng có người sụp ván



06/05/2012 17:13:38
(Kienthuc.net.vn) - Chiếc cầu phao chông chênh, xập xệ, cũ nát là con đường duy nhất dẫn đến xóm Gò, thôn Thi Thại, xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên và thôn Trà Đình 2, xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, Quảng Nam.
Cây cầu dài hơn 70 mét, chỉ rộng chừng 1 mét, không có lan can. Những thanh đà dưới và trên làm bằng gỗ đã bị mục, gãy gục chúi đầu xuống mặt sông. Ván lót mặt cầu hầu hết đã bị bong ra. ½ trong số 180 cái thùng phi lót dưới mặt nước đều bị thủng.
Ngày nào cũng có người bị sụp ván cầu, hay đêm tối khó nhìn nên rớt xuống nước. Việc đi học, đi viện, đi làm luôn bị trễ nải. Thậm chí, khiêng quan tài qua cầu phao thì cả xóm phải tổ chức đóng cọc dọc cầu để cầu khỏi chao.
Người dân đã nhiều lần đóng góp kinh phí sửa chữa cây cầu. Chỉ tính riêng trong năm 2011, tiền góp tu sửa 3 lần gần 50 triệu.
Ông Trần Thanh Thư, phó chủ tịch UBND xã Duy Thành cho biết: “Xã cũng rất lo lắng về tình trạng hư hỏng của cầu phao nhưng vì điều kiện của xã không thể làm gì hơn. Xã đã kiến nghị lên cấp trên và cấp trên đã phê duyệt  hỗ trợ xây dựng đường cứu hộ đi qua xóm Gò cũng như xây 2 cầu bê tông kiên cố. Nhưng không hiểu vì sao đến nay, dự án vẫn chưa được triển khai”. 
Dắt bộ qua sông cũng không hết thấp thỏm.

 

1 (4).JPG
 
Cầu nhiều lỗ hổng
Chêm thêm 2 thanh ván dọc thì mới qua được cầu
Tránh xe máy nên anh Thủy Văn Tuấn đã suýt bị rơi xuống sông

Cây cầu ọp ẹp cõng người, cõng hàng
Hà Kiều

Lạm phát tháng 4 thấp – Tín hiệu không bình thường



2012-05-05
Với báo cáo mới đây từ Tổng cục Thống kê cho thấy lạm phát quý 1 nói chung và của tháng 4 năm nay ở mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.
RFA PHOTO
Một sạp bán rau tại chợ Hoàng Hoa Thám ở TPHCM hôm 14-07-2011.
Liệu đó có phải là tín hiệu đáng mừng cho nền kinh tế hay đây chỉ là biểu hiện của nền kinh tế đang kém sôi động? Vũ Hoàng có bài trình bày sau đây.

Dấu hiệu suy thoái

Ngay sau khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 được công bố, mức tăng chỉ 0,05% so với tháng trước, là mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây, nhiều người tỏ ra phần nào lạc quan vì thấy sự ổn định của giá cả hàng hóa và dường như mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới hai con số trong năm nay của Chính phủ đang đi đúng đường. Thế nhưng, ẩn chứa đằng sau con số biết nói kia, giới phân tích lại quan ngại đó có thể là dấu hiệu của sự suy giảm kinh tế và đây là dấu hiệu bất thường.
Dấu hiệu bất thường chính là nguyên nhân giá cả hàng hóa không thay đổi, sức mua của người dân sụt giảm, khiến người bán thậm chí phải hạ giá để tìm cách bán hàng, nhưng vẫn ế ẩm, thị trường tiêu thụ thiếu sức sống. Ở tầm vĩ mô, giới phân tích gọi đó là tổng cầu sụt giảm, là mối lo ngại của toàn nền kinh tế.
Một kiểu mời khách của siêu thị. AFP
Một kiểu mời khách của siêu thị. AFP
Nhìn từ các con số thống kê có thể thấy rõ, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ cả năm 2011 chỉ tăng chưa đến 5%, còn trong quí 1 năm nay cũng dừng lại ở mức đúng 5%. Trong cuộc họp chiều 2/5, báo cáo của Bộ Công thương cho thấy nhiều ngành công nghiệp quan trọng có chỉ số sản xuất giảm, chẳng hạn như dệt may, da dày, sắt thép, xi măng và đặc biệt là công nghiệp chế biến. Lượng hàng tồn kho lên đến mức 35% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ở góc độ xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của 4 tháng đầu năm giảm khoảng 82 triệu đô la so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước cũng giảm gần 12% chủ yếu với những nguyên liệu phục vụ sản xuất nội địa, điều này cho thấy nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng đang gặp rất nhiều khó khăn để phát triển sản xuất kinh doanh.
Mặc dù lạm phát vẫn đang được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nhưng những diễn biến đang xảy ra trên thị trường rất có thể là dấu hiệu của suy giảm, đặc biệt nhất là giá cả mặt hàng quan trọng như xăng dầu liên tục tăng thì chỉ số giá CPI toàn nền kinh tế lại gần như đứng yên tại chỗ. Thậm chí, trong cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng không ngần ngại cho rằng nếu lạm phát tiếp tục ở mức dưới 0,1% như tháng 4 thì không ai làm ăn được gì cả và nếu xuống thấp hơn nữa thì sẽ mất cân đối cung cầu hàng hóa.
Vì thế chỉ số giá tiêu dùng xuống đột biến, đó không phải là một hiện tượng gì đáng mừng mà phải thận trọng để nghiên cứu.
Ô. Bùi Kiến Thành
Quan ngại với những dấu hiệu tiềm ẩn này, chuyên gia tư vấn tài chính cấp cao Bùi Kiến Thành cho chúng tôi biết:
“Chúng ta thấy rằng qua bao nhiêu chính sách của năm rồi, quí 1 của 2012 đưa đến một tình trạng là trong quí 1 này lạm phát xuống rất là nhanh, nó biểu hiện gì và vì sao chỉ số giá tiêu dùng xuống nhanh đến như vậy?
Thứ nhất chúng ta thấy rằng có đến 79,000 doanh nghiệp bị phá sản trong năm rồi, như vậy có hàng triệu người bị thất nghiệp, mất mãi lực mua bán và các doanh nghiệp bị tồn kho rất nhiều, bán hàng không được, tung ra bán không ai mua, bán một mua một cũng không ai mua bởi vì dân chúng không còn tiền nữa.
Vì thế chỉ số giá tiêu dùng xuống đột biến, đó không phải là một hiện tượng gì đáng mừng mà phải thận trọng để nghiên cứu. Đi đôi với cái đó là chỉ số tăng trưởng GDP, tổng sản lượng quốc nội trong quí 1 chỉ còn 4% thôi, không đạt được chỉ tiêu như quốc hội đề ra là 6%.”

Doanh nghiệp kiệt sức

cong-trinh-bat-dong-san-250.jpg
Một công trình xây dựng của một công ty bất động sản tại Hà Nội hôm 11-07-2011. RFA photo.
Với con số tăng trưởng GDP quí 1 chỉ ở mức 4% như chuyên gia Bùi Kiến Thành vừa nêu lên, thì mức tăng trưởng này cũng được xem là mức thấp nhất trong nhiều năm qua và chỉ bằng một nửa so với tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Thậm chí, nhiều chuyên gia còn cảnh báo nếu GDP tăng trưởng dưới 5,5% trong năm nay sẽ kéo theo hệ lụy là tình trạng thất nghiệp tăng cao và không bảo đảm an sinh xã hội.
Nguyên nhân trực tiếp khiến mức GDP này thấp chính là tình trạng doanh nghiệp suy yếu, phá sản. Nếu như năm 2011, đạt “kỷ lục” có hơn 50,000 doanh nghiệp giải thể, phá sản hoặc ngừng nộp thuế, thì ngay trong quí một năm nay, con số này đã lên hơn 20,000, trong số này, doanh nghiệp giải thể tập trung nhiều nhất ở lĩnh vực bán buôn, bán lẻ chiếm hơn 26%, công nghiệp khai khoáng gần 15%, xây dựng và bất động sản hơn 10%.
Trao đổi với chúng tôi, chủ một doanh nghiệp tư nhân bán lẻ thép xây dựng không giấu nổi thất vọng:
“Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn từ cuối năm ngoái do tình hình bất động sản toàn thị trường đứng cho nên vấn đề sắt thép, vật liệu xây dựng, xi măng nói chung chúng tôi gặp rất khó khăn. Hàng hóa hàng ngày tại cửa hàng hoạt động rất chậm chạp do vậy hàng tồn kho của chúng tôi ứ đọng, ngoài chuyện trả tiền thuê mặt bằng, trả nhân công, hiện nay hàng tồn kho nhiều, đầu ra không thể lưu thông được.
Là một doanh nghiệp chúng tôi cũng phải vay lãi của ngân hàng, gần đây, chủ trương Nhà nước có hạ thấp lãi suất khoảng 1% như thế này thì thật ra cũng không thể giải quyết những khó khăn hiện tại của doanh nghiệp chúng tôi, hàng tồn kho thì rất nhiều. Chúng tôi không biết tình trạng này kéo dài đến bao giờ, mà lãi suất ngân hàng hàng tháng vẫn phải trả đều, với khả năng này, chúng tôi nghĩ là có khả năng phải phá sản mất thôi.”
Chúng tôi không biết tình trạng này kéo dài đến bao giờ, mà lãi suất ngân hàng hàng tháng vẫn phải trả đều, với khả năng này, chúng tôi nghĩ là có khả năng phải phá sản mất thôi.
Một doanh nghiệp tư nhân bán lẻ
Sự thất vọng của người chủ tư nhân doanh nghiệp vật liệu xây dựng trên có lẽ cũng là nỗi bức xúc của nhiều doanh nghiệp khác đang bắt đầu bước vào vòng xoáy mà TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam gọi là “đình lạm” – lạm phát cao song hành với tăng trưởng đình đốn. Ngoài ra, T.S Thiên còn cho rằng chi phí tài chính cao không những làm suy giảm lợi nhuận mà còn làm giảm khả năng hồi phục của khu vực doanh nghiệp.
Ông lưu ý rằng một đặc điểm rất nổi bật của kinh tế Việt Nam là tăng trưởng dựa mạnh vào vốn, nghĩa là nhiều doanh nghiệp hoạt động theo phương châm "tay không bắt giặc", kinh doanh dựa chủ yếu vào vốn vay ngân hàng. Phương thức hoạt động theo kiểu này trở nên rất rủi ro khi nền kinh tế lâm vào tình trạng khó khăn như hiện nay.
Tiếp tục phân tích về những bất lợi mà các doanh nghiệp Việt Nam đang vấp phải nhất là vấn đề vốn tín dụng khi mức tăng này trong quí 1 là âm gần 2%, chuyên gia Bùi Kiến Thành nhận xét:
“Trong suốt cả năm qua, lãi suất của ngân hàng lên mức 20% hoặc 30% thì doanh nghiệp không thể hoạt động được, vì thế họ phải ngưng hoạt động để bảo vệ năng lực của mình về sau. Những doanh nghiệp nào gồng lên đi vay với lãi suất cao như thế thì sẽ đi đến chỗ đình đốn và phá sản.
Theo các doanh nghiệp phát biểu ý kiến thì lãi suất đó không thể quá 10% được. Vì trong khu vực từ Malaysia cho tới Đài Loan, người ta chỉ hoạt động với lãi suất 4-7% thôi, thì doanh nghiệp Việt Nam không thể cạnh tranh được với lãi suất quá cao, đó là một trong những giải pháp cần phải giải quyết ngay.”
Một công ty sản xuất đế giày phải đóng cửa, may móc để phơi nắng phơi mưa. Photo Nam Duong
Một công ty sản xuất đế giày phải đóng cửa, máy móc để phơi nắng phơi mưa. Photo Nam Duong.
Mặc dù, nhiều chuyên gia bi quan về vòng xoáy suy thoái kinh tế bắt đầu chớm nở, thì ở một góc khác, phân tích về hiện tượng sụt giảm chỉ số CPI tháng 4 này, Vụ trưởng Vụ Giá, Tổng cục Thống kê, Nguyễn Đức Thắng cho rằng đây chưa phải là dấu hiệu thiểu phát. Ông giải thích do tháng 4 bắt đầu bước vào hè nên nhu cầu tiêu dùng giảm, sức mua yếu, đặc biệt là Hà Nội thành phố đông dân có CPI âm, góp phần kéo lùi tốc độ tăng giá chung. Ngoài ra theo dự báo, trong tháng 5, CPI sẽ vẫn tăng nhẹ và cao hơn tháng 4.
Vẫn biết, kiềm chế lạm phát là nhiệm vụ trọng tâm của Việt Nam theo hướng ổn định bền vững kinh tế xã hội, nhưng với những dấu hiệu được gọi là “bất thường” hay “đình lạm” thì Việt Nam cần phải “bắt mạch, kê đơn mạnh hơn nữa” chứ không chỉ dừng lại ở Nghị quyết 11 của Chính phủ, theo lời TS Thiên. Những giải pháp cấp cứu như giảm thuế, giãn thuế cho các doanh nghiệp cũng được khuyến nghị mặc dù đây chỉ là tạm thời, tuy muộn có lẽ còn hơn không.

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.

Việt Nam điều tra việc 40 lao động bị ngược đãi tại Nga



2012-05-05
Chính phủ Việt Nam cho mở cuộc điều tra sau khi thân nhân của 40 lao động Việt ở Nga đến Cục Lãnh Sự thuộc Bộ Ngoại Giao Việt Nam khiếu nại chuyện con của họ phải làm việc quá sức, ăn uống kham khổ và sống trong điều kiện thiếu thốn trong khi làm việc tại một hãng xưởng của người Trung Quốc ở bên Nga.
AFP PHOTO.
Do cuộc sống khó khăn ở quê nhà, nhiều người Việt Nam tìm cách ra nước ngoài làm việc với hy vọng kiếm tiền giúp đỡ gia đình.

Không trả lương mà còn đe dọa

Vụ việc xảy ra tại công ty giày L.E.O Pard ở thành phố Eukaterinbua thuộc tỉnh Xvetlov, cách thủ đô Moscow khoảng hai ngàn kilômét về hướng Đông Bắc. Bốn mươi lao động Việt trong công ty này gọi về báo cho người nhà biết họ phải làm việc như nô lệ từ mười hai đến mười bốn tiếng một ngày, không được cho ăn uống bồi dưỡng đầy đủ, không được trả lương đúng như thỏa thuận.
Đây là những thanh niên ở Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Giang, đi Nga năm 2011 qua môi giới của công ty Hoa Việt. Số tiền họ phải chi trả để được đi Nga là 1.500 đô la, cộng thêm hai chục triệu tiền cọc tức khoảng 960 đô la nữa.
Theo hứa hẹn của môi giới trong nước, công nhân được trả bốn đến năm trăm đô một tháng, chưa kể tiền thưởng và tiền làm việc phụ trội. Tuy nhiên đã bốn tháng qua chủ nhân là người Trung Quốc đã không trả lương mà còn đe dọa bỏ đói nếu họ đình công.
Mặt khác, theo lời những công nhân không may này khai với báo Tuổi Trẻ, ông chủ Trung Quốc còn ra điều kiện ai muốn lấy lại hộ chiếu thì phải trả cho ông ta một nghìn đô la.

Lường gạt

Nữ công nhân Việt Nam chuẩn bị lên đường lao động ở nước ngoài. Photo courtesy of xaluan.com
Nữ công nhân Việt Nam chuẩn bị lên đường lao động ở nước ngoài. Photo courtesy of xaluan.com
Kết quả điều tra cho thấy đây là vụ lường gạt lao động xuất khẩu. Từ Hà Nội, bà Hoàng Kim Ngọc, phó cục trưởng Cục Quản Lý Lao Động Ngoài Nước, khẳng định:
“Thứ nhất đây không phải công ty được phép xuất khẩu lao động và họ đi dưới danh nghĩa du lịch. Có nhìn thấy chữ ‘xuất khẩu lao động’ nhưng lại đóng mở ngoặc chữ “đen” không?
Cái này thuộc diện quản lý công dân rồi, cho nên nhà nước đang cho kiểm tra. Đó là trá hình dưới danh nghĩa xuất khẩu lao động nhưng thực tế đấy không phải hoạt động đúng pháp luật và theo qui định của nhà nước. Đấy là một kiểu một dạng đưa lao động đi trái phép và Bộ Ngoại Giao với vai trò bảo hộ công dân thì sẽ làm mọi cách mọi khả năng để bảo vệ công dân. Thế còn về việc đúng hay không thì chắc chắn công an phải làm bởi vì nó trái phép.”
Vẫn theo lời bà Hoàng Kim Ngọc, bất kể sự kiểm soát gắt gao, một số cá nhân hoặc doanh nghiệp vẫn lợi dụng chuyện đi nước ngoài lao động để kiếm lợi:
“Họ vẫn hoạt động vụng trộm bởi vì sau những vụ phát hiện và bị xử phạt theo luật định thì rất nhiều doanh nghiệp đã phải chuyển hướng hoạt động, không dám công khai rộng rãi như ngày trước.”
Đây không phải lần đầu tiên chuyện lao động xuất khẩu, đi qua các công ty môi giới không do nhà nước trực tiếp chỉ đạo, gặp vấn đề về công ăn việc làm, lương hướng khó khăn và điều kiện sinh hoạt không thuận lợi ở quốc gia họ đến để làm việc.

Nhẹ dạ cả tin

Công nhân Việt Nam đang làm việc tại một xưởng chế tác vàng ở Malaysia, ảnh chụp năm 2009. Photo courtesy of camsa-coalition.org
Công nhân Việt Nam đang làm việc tại một xưởng chế tác vàng ở Malaysia, ảnh chụp năm 2009. Photo courtesy of camsa-coalition.org
Dưới mắt cục phó Cục Quản Lý Lao Động Nước Ngoài, nguyên nhân đầu tiên là:
“Do khiếm khuyết trong hệ thống, cái thứ nhất là quản lý ở các địa phương cũng không phát hiện ra người dân của làng của xã mình đi như thế nào. Thứ hai nữa là có những đối tượng muốn lợi dụng cái đấy để làm ăn chụp giựt để kiếm lợi cho mình một cách nhanh và bất chính.”
Một nguyên nhân quan trọng hơn nữa, bà Hoàng Kim Ngọc nói tiếp, là sự cả tin của người lao động:
“Nhẹ dạ cả tin, dễ dàng phó mặc sự nghiệp của mình, cuộc đời của mình cho những tổ chức, những cá nhân mà không rõ người ta là ai. Chỉ cần nghe người ta nói nộp tiền, từng này tiền mà đồng ý thì đi ngay, thế là rơi vào sự lừa đảo.
Hiểu biết và nhận thức của người dân cũng đang là vấn đề bất cập.Ví dụ như qui trình của các cơ quan hoặc các công ty được cấp phép là phải tuyển chọn, phải tổ chức đào tạo, phải rèn dũa cho người ta về cả ngoại ngữ, về ý thức tác phong, về cả phong tục tập quán, vân vân và vân vân…
Đào tạo thì phải mất thời gian, người lao động của mình bảo học ngoại ngữ thì ngại, bảo học những qui định của nhà nước và nước tiếp nhận thì cũng ngại. Cho nên khi lừa đảo thì họ đánh vào cái tâm lý ngại ấy của người dân, bảo không cần phải học gì cả mà cho đi ngay, đi nhanh. Thế là lao động bị lừa thôi.”
Chỉ cần nghe người ta nói nộp tiền, từng này tiền mà đồng ý thì đi ngay, thế là rơi vào sự lừa đảo.
Bà Hoàng Kim Ngọc
Một khía cạnh tâm lý khác, bà Hoàng Kim Ngọc phân tích tiếp, là rất nhiều lao động ở nông thôn không tin rằng chỉ đóng một số tiền tương đối rẻ cho các công ty của chính phủ mà có thể đi được. Chính vì nghĩ như vậy nên thà bỏ ra một số tiền lớn hơn, gọi là mua một xuất đi nước ngoài, thì mới có cơ hội:
“Nếu người dân mình có nhận thức và hiểu rằng có những công ty chính thức và tìm đến những công ty chính thức thì chuyện kia nó cũng hạn chế đi.
Cho nên cả hai yếu tố vẫn tồn tại, khi phát hiện ra thì một mặt các cơ quan chức năng phải phối hợp với nhau để giúp người lao động thoát ra cảnh sống như vậy và được về nước an toàn như họ mong muốn.
Thế còn đối với những đơn vị những cá nhân tham gia thực hiện thì căn cứ vào phát hiện của người lao động cũng như của chính quyền địa phương thì cơ quan chức năng sẽ vào cuộc, sẽ điều tra, sẽ xử phạt theo luật định, cái đấy chắc chắn phải làm.”
Theo tin trên báo Tuổi Trẻ Online, hôm 17 tháng Tư sáu công nhân ở Bắc Giang làm việc trong hãng xưởng ở Eukaterinbua bên Liên Bang Nga, đã trở về nước và đã khai báo mọi chuyện với cảnh sát điều tra vụ này.

Nhược điểm

Công nhân trong khóa huấn luyện chờ đi XKLĐ ở cty Vinaconex. Photo courtesy of vinaconex.
Công nhân trong khóa huấn luyện chờ đi XKLĐ ở cty Vinaconex. Photo courtesy of vinaconex.
Việt Nam coi xuất khẩu lao động là chính sách giải quyết công ăn việc làm trên thị trường nội địa. Ngoài Đài Loan là thị trường truyền thống đầu tiên, Hàn Quốc và Malaysia đang là hai thị trường hứa hẹn khác với gần một trăm nghìn lao động ở Malaysia và khoảng sáu chục nghìn ở Nam Hàn. Vẫn lời cục phó Cục Quản Lý Lao Động Nước Ngoài Hoàng Kim Ngọc:
“Đưa người lao động đi Nam Hàn từ 2004 thì nhà nước đã có qui trình tổ chức rất rõ ràng, không một đối tượng nào có khả năng tác động đến quá trình tuyển chọn đấy để có thể làm nhanh hoặc không thi đỗ không đạt yêu cầu vẫn được đi. Thế nhưng người dân lại không tin vào con đường minh bạch của nhà nước mà cho rằng làm gì có cái chuyện đi dễ như thế. Mặc dù có qui định rất rõ nhưng họ vẫn không tin. Môi giới hoặc người lừa đảo đã lợi dụng tâm lý đó và người dân vẫn phải nộp tiền một cách rất phi lý.
Ngay cả vừa rồi những đợt thi tháng Mười Một, tháng Mười Hai năm ngoái thì bọn lừa đảo cũng lợi dụng bằng cách nhắn tin những đáp án vào cho người lao động. Vừa rồi những đợt thi mình đã phải loại trừ cả những biện pháp như vậy.
Hầu hết lao động đi nước ngoài xuất thân từ nông nghiệp, tác phong làm việc và ý thức tuân thủ kỹ luật, giờ làm việc cũng như tuân thủ các qui định khác trong qui trình làm việc công nghiệp vẫn còn có những bất cập. 
Bà Hoàng Kim Ngọc
Thực ra mỗi thị trường có yêu cầu khác nhau. Hàn Quốc có điều kiện và trình độ phát triển hơn Malaysia thì cũng đòi hỏi hỏi cao hơn về trình độ của người lao động. Malaysia cũng có rất nhiều lao động các nước chứ không chỉ Việt Nam, có Ấn Độ, Nepal, Bangladesh, vân vân…
Tuy nhiên Malaysia là thị trường mà phần đông lao động ở trình độ thấp, không đòi hỏi qua khắt khe về trình độ, tay nghề cũng như ngoại ngữ. Cho nên ở đâu đòi hỏi như thế nào thì chúng ta phải chuẩn bị như thế cho phù hợp.”
Ngoài những yếu tố chăm chỉ, cần cù và khéo tay khiến lao động Việt Nam được ưa chuộng tại Nam Hàn và Malaysia, viên chức Cục Quản Lý Lao Động Nước Ngoài cũng nhìn nhận một số nhược điểm:
“Lao động mình bên cạnh những ưu điểm thì cũng có cái nhược điểm. Hầu hết lao động đi nước ngoài xuất thân từ nông nghiệp, tác phong làm việc và ý thức tuân thủ kỹ luật, giờ làm việc cũng như tuân thủ các qui định khác trong qui trình làm việc công nghiệp vẫn còn có những bất cập. Đó là những hạn chế chung mà mình phải lưu ý khi đào tạo và chuẩn bị cho người lao động trước khi đi.”
Tóm lại, bà Hoàng Kim Ngọc kết luận, vào khi Việt Nam vẫn muốn mở rộng thị trường xuất khẩu lao động, đặc biệt qua khu vực Trung Đông, vốn đang có công nhân Việt trong ngành xây dựng, thì chất lượng lao động trước khi đi phải là điều kiện cần thực hiện và đào tạo cho người đi.

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.