TT - Đúng 7g15, các phi công và chuyên gia nhanh chóng
di chuyển ra hangar, nơi để máy bay. Những chiếc Su-30MK2 - máy bay tiêm
kích đa năng siêu âm hiện đại trên thế giới hiện nay - đang giương cánh
đợi xuất kích.
|
Máy bay Su-30MK2 cất cánh - Ảnh: TRỌNG TUYẾN |
Trước đó, lúc 6g30, căn cứ quân sự của trung đoàn không
quân tiêm kích đa năng 935 (Sư đoàn không quân 370 - Quân chủng Phòng
không không quân VN) yên bình giữa nắng và gió sớm mai. Nhưng trong
phòng họp triển khai nhiệm vụ ban bay là khung cảnh rất tất bật: toàn bộ
phi công, chuyên gia người Nga đang ngồi chật kín phòng, sau khi nghe
các bộ phận bảo đảm báo cáo tình hình, trung đoàn trưởng giao nhiệm vụ
cho các thành phần bảo đảm tiếp tục các công việc còn lại và chuẩn bị
tốt mọi mặt cho hoạt động của ban bay.
Trên tường, bảng kế hoạch bay dày kín tên phi công, số
hiệu phi công, số hiệu máy bay, giờ bay. Mỗi giờ bay đều ghi cụ thể yêu
cầu từng bài bay huấn luyện và cả những điều cấm kỵ không được làm vì
yếu tố an toàn của chuyến bay.
“Thiên nga và hổ mang chúa”
Hệ thống vũ khí tối tân
Phi công Phạm Hồng Dương (phó chính ủy trung đoàn),
người có gần 1.000 giờ bay tích lũy trên cả hai loại Su-27 và Su-30MK2,
cho biết: “Su-30MK2 có những kỹ thuật bay mà nhiều máy bay chiến đấu
khác không thực hiện được, tính năng cơ động tốt, hệ thống vũ khí tối
tân rất thông minh, khả năng làm chủ trên không lớn và rất dài”.
Đây là một trong những loại máy bay cất cánh nhanh
nhất, có thể tác chiến mà không cần dẫn dắt của mặt đất. “Tất cả phi
công trẻ lần đầu tiên được lái Su-30MK2 đều rất tự hào, hãnh diện vì đó
là một dấu ấn lớn trong đời, đánh dấu sự trưởng thành”, phi công trẻ Đỗ
Mạnh Hùng nói.
|
Các chuyên gia và kỹ thuật
viên luôn di chuyển, kiểm tra từng chi tiết, đôi mắt không rời chiếc
Su-30MK2. Họ bận bịu với những cuộc trao đổi dồn dập. Tất cả chuyên gia
đều là người của Văn phòng thiết kế máy bay Sukhoi - văn phòng thiết kế
số 1 của Nga trong lĩnh vực hàng không. Trong số họ có người là anh hùng
không quân Nga được phong cách đây bảy năm. Ông được coi là chuyên gia
số một của Văn phòng thiết kế máy bay Sukhoi.
Cả không gian căn cứ không quân rộng lớn bị âm thanh
gầm rú đầy uy lực của Su-30MK2 chiếm lĩnh. Từng chiếc lần lượt nhẹ nhàng
lao ra khỏi hangar, di chuyển ra đường lăn vào khu vực đường băng và
lao vút lên trời. Có lúc từng chiếc một, có lúc cả một biên đội.
Ngày hôm nay, các phi công phải thực hiện những bài bay
huấn luyện tác chiến nhào lộn phức tạp ở nhiều độ cao. Hai quả tên lửa
tinh khôn cũng được gắn vào thiết bị phóng thả của một chiếc Su-30MK2 để
phi công bay kiểm tra thông số kỹ thuật sau khi cải tiến.
Trong khi đó, trên đài chỉ huy, chỉ huy bay và tổ dẫn
đường đang liên lạc với phi công bằng những câu thông thoại ngắn gọn,
chuẩn xác. Hôm nay thượng tá Phan Xuân Tình - phó trung đoàn trưởng quân
huấn - chỉ huy bay, đang cùng các sĩ quan dẫn đường và một chuyên gia
người Nga tập trung theo dõi màn hình với những thông số về tốc độ bay,
độ cao... và liên tục đưa ra những câu thông thoại. Tất cả những câu đối
không được ghi chép cẩn thận từng chi tiết.
Cùng lúc đó, ở phòng kiểm tra khách quan, đại tá Nguyễn
Văn Phượng - phó trưởng phòng quân huấn Sư đoàn không quân 370 - đang
theo dõi các bài bay huấn luyện của từng nhóm phi công trong hộp đen và
được tái hiện bằng sơ đồ trên màn hình. Có lúc khi tuyến bay vừa kết
thúc, anh lại đến phòng họp gặp phi công học chuyển loại, sửa những lỗi
mà một phi công trẻ hay mắc phải.
11 năm trước, đại tá Phượng là một trong bốn phi công
từng được cử sang Nga bay thử nghiệm hai dòng máy bay Su-30MK2 và
Su-30MKI để tham mưu cho Bộ Chính trị, Quân chủng Phòng không không
quân... nên mua cái nào.
“Su-30MK2 ổn định hơn các loại máy bay khác, ít phụ
thuộc vào các phương tiện dẫn đường ở mặt đất. Làm chủ được nó là làm
chủ bầu trời”, đại tá Phượng khẳng định.“Ở dưới mặt đất, Su-30MK2 hiền
lành như những con thiên nga nhưng khi thực hiện những động tác bay kỹ
chiến thuật trên trời, nó dũng mãnh như rắn hổ mang chúa”.
Khi được tận mắt nhìn thấy hình ảnh những chiếc
Su-30MK2 bay huấn luyện chiến đấu, tôi mới cảm nhận trọn vẹn cách so
sánh đầy biểu cảm của các phi công. Su-30MK2 là loại máy bay có thể tác
chiến độc lập hoặc theo biên đội trong nhiều kiểu thời tiết, địa hình, ở
cả trên không, trên đất, trên biển. Nó có khả năng thực thi nhiệm vụ
tiêm kích (không chiến) trong điều kiện đêm tối, sử dụng các loại vũ khí
tác chiến tầm trung, tầm xa và tiếp nhiên liệu ngay trên không (khi
được tiếp nhiên liệu trên không, Su-30MK2 sẽ tăng tầm hoạt động từ
3.000km lên tới 8.000 km!).
Dưới thân và cánh Su-30MK2 được trang bị tên lửa tinh
khôn (tên lửa truyền hình), tên lửa không đối hạm, không đối đất... Ở
chế độ không đối không, chiến đấu cơ này có thể thực hiện chín
nhiệm vụ và mười nhiệm vụ ở chế độ không đối đất.
Đặc biệt, hệ thống radar của Su-30MK2 có khả năng phát
hiện 15 mục tiêu cùng lúc, có thể đồng thời theo dõi mười mục tiêu
và sử dụng vũ khí tấn công bốn mục tiêu trên không hoặc hai mục tiêu
mặt đất.
Kỳ tích 14 năm bay an toàn
“Chúng tôi phải thường xuyên bay huấn luyện để rèn
luyện bản lĩnh, làm dày dạn thêm kinh nghiệm xử lý các tình huống trên
không, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu. Có những bài bay huấn luyện
phải làm đi làm lại nhiều lần để phi công thật sự thành thạo, nếu có
tình huống chiến đấu xảy ra sẽ xử lý rất nhanh” - thượng tá Trần Trọng
Tuyến, chính ủy trung đoàn 935, cho biết. Việc bay huấn luyện diễn ra
hàng tuần. Có khi nhiệt độ trên đường băng lên đến 45-47 độ C, ban bay
vẫn diễn ra như kế hoạch. Có phi công một ngày bay ba chuyến.
“Tất cả phi công lái Su-30MK2 đều có giờ bay tích lũy
hơn 300 giờ trên các loại máy bay phản lực, dày dạn kinh nghiệm và phải
biết tiếng Nga nên khi huấn luyện bay chuyển loại, họ chỉ cần một tháng
học lý thuyết và sau 1-2 chuyến bay kèm đã tự điều khiển được Su-30MK2”,
thượng tá Tuyến nói.
Một chuyên gia người Nga đã nhiều năm làm việc tại
trung đoàn 935 nhận xét: “Đội ngũ kỹ sư máy bay VN rất thông minh. Nhiều
sự cố hỏng hóc ngay cả chúng tôi cũng không xử lý được vì ở Nga chưa
từng gặp tình huống như thế, nhưng kỹ sư và nhân viên kỹ thuật người
Việt tự mày mò khắc phục được. Còn phi công của các bạn rất giỏi và dũng
cảm. Có những tình huống nếu là phi công ở nước khác họ đã nhảy dù, hi
sinh máy bay. Nhưng phi công VN vẫn ở lại cùng máy bay, bình tĩnh xử lý
và cứu thành công chiến đấu cơ này”.
Theo thượng tá Nguyễn Gia Nhân - chủ nhiệm bay trung
đoàn 935, chỉ có khoảng 60-70 tình huống có trong sách nhưng thực tế có
những tình huống chưa từng thấy trong tài liệu. Với 14 năm liên tiếp bay
an toàn, trung đoàn không quân tiêm kích 935 đã làm nên kỳ tích trong
lực lượng không quân - nói như phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân
dân VN Võ Văn Tuấn.
Đến trung đoàn 935 sẽ được nghe, được gặp những con
người đã rất dũng cảm cứu máy bay trong những tình huống đầy kịch tính
còn hơn cả phim ảnh. Đặc biệt nhất là câu chuyện cứu máy bay Su-27 bị
cháy động cơ khi vừa cất cánh chỉ mấy giây của thượng tá Đào Quốc Kháng
(phó chủ nhiệm chính trị trung đoàn).
Gần đây nhất là kỳ tích cứu Su-30MK2 khi bay tuần tiễu
trên biển trở về, cách đất liền tới 600km của phi đội trưởng Nguyễn Xuân
Tuyến (hiện nay là trung đoàn trưởng trung đoàn 935) và chủ nhiệm bay
Nguyễn Gia Nhân ngày 9-4-2011.
Trung đoàn trưởng Nguyễn Xuân Tuyến, người từng kinh
qua tám loại máy bay chiến đấu với hơn 1.500 giờ bay tích lũy, giải
thích: “Trong tình huống đó nếu nhảy dù cũng không có lực lượng nào ra
cứu kịp. Rơi xuống biển là hi sinh. Nhưng trong tâm trí của chúng tôi
luôn nghĩ rằng đất nước mình còn nghèo, khó khăn. Giữ trong tay một tài
sản trị giá hơn 50 triệu USD là mồ hôi, công sức của dân thì phải bằng
mọi giá, kể cả tính mạng, bảo vệ cho được khối tài sản mà đất nước, nhân
dân đã tin tưởng giao cho mình”.
Thực hành bay bắn, ném bom
|
Từ phải qua: đại diện Sư đoàn không quân 370 trình bày với phó tư
lệnh, tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không không quân VN về buổi thực
hành bay bắn, ném bom vào sáng 23-3 - - Ảnh: My Lăng |
Ngày 23-3-2012, tại Trường bắn quốc gia 3, Sư đoàn
không quân 370 (Quân chủng Phòng không không quân VN) đã tổ chức bay
bắn, ném bom trên đất. Đây là dịp để đánh giá khả năng huấn luyện sẵn
sàng chiến đấu của Sư đoàn 370 và rút kinh nghiệm, bổ sung các phương án
huấn luyện trong thời gian tiếp theo cũng như tổ chức huấn luyện để
tham gia thực hành bắn trên biển theo kế hoạch năm 2012.
Chỉ đạo trực tiếp buổi thực hành bay bắn, ném bom là
cục trưởng Cục Quân huấn (Bộ Tổng tham mưu - Cơ quan Bộ Quốc phòng), phó
tư lệnh - tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không không quân VN... Đại
tá Trần Ngọc Đông - sư đoàn trưởng Sư đoàn 370 - trực tiếp chỉ huy toàn
bộ lực lượng tham gia bắn ném. Trực thăng Mi-8, UH-1, máy bay tiêm kích
Su-22M4 đã tham gia bắn đạn thật, ném bom... và đều tiếp cận trúng mục
tiêu; hạ gục mục tiêu ngay từ loạt đạn, lần ném bom đầu.
Đặc biệt, trong buổi thực hành bay bắn, ném bom trên
đất lần này, sư đoàn đã mạnh dạn giao nhiệm vụ lần đầu cho một số phi
công trẻ (người trẻ nhất sinh năm 1984) và sử dụng trực thăng UH-1 được
cải tiến hệ thống vũ khí điều khiển.
Các phi công lái máy bay tiêm kích Su-22M4 đã thực hiện
những bài bay bắn khi cơ động phức tạp, khó hơn nhiều so với bắn bình
thường.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Thọ, phó tư lệnh - tham mưu
trưởng Quân chủng Phòng không không quân VN, cho biết: “Buổi thực hành
hôm nay chỉ sử dụng các vũ khí huấn luyện học tập, chủ yếu là kiểm tra
trình độ xạ thủ của phi công, đánh giá kết quả huấn luyện sẵn sàng chiến
đấu của phi công Sư đoàn 370”.
Lãnh đạo Cục Quân huấn và Quân chủng Phòng không không
quân VN rất hài lòng với buổi thực hành bay bắn, ném bom này và dự kiến
sẽ kết thúc, đánh giá kết quả vào chiều nay 24-3.
|
MY LĂNG