THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

22 November 2011

Du khách bị bắt chẹt giữa thủ đô


Hễ thấy du khách nước ngoài, nhóm đánh giày lao tới, cúi xuống chỉ vào chân rồi dùng lọ keo ấn vào giày... Sau vài động tác, người đánh giày giơ tay ra hiệu và đòi bằng được vài trăm nghìn của khách mới chịu đi.
>Đạo chích giật đồ của du khách nước ngoài

*Clip: Người đánh giày bắt chẹt du khách nước ngoài

*AudioNgười dân nói về mánh khóe của kẻ đánh giày

Đánh giày
Thấy khách nước ngoài, người đánh giày lao tới rồi lấy tay cậy cậy vào mũi giày để ra hiệu. Ảnh:Phương Sơn.

9h sáng trên những tuyến phố quanh hồ Gươm như Lò Sũ, Hàng Dầu, Hàng Bè, Cầu Gỗ... xuất hiện từng tốp đàn ông đi đánh giày. Tay xách làn đựng vài hộp xi, miếng lót và đồ nghề, mắt họ hướng theo những vị khách nước ngoài.

Tại một góc phố Hàng Dầu, khi hai vị khách nữ đang mê mải cầm máy ảnh chụp hình, nam thanh niên áo vàng tay xách chiếc làn đựng đồ nghề đánh giày lao tới, cúi xuống cậy cậy, chỉ vào đôi tông vị khách nữ đang đi ra hiệu tông đã bong và phải khâu lại. Thấy bị làm phiền, khách vội vã bước đi, lúc đó người thanh niên mới chịu rời đi.

Cách đó không xa, đầu phố Cầu Gỗ, người đàn ông trạc 40 tuổi, tóc húi cua, xách chiếc làn đỏ đựng đồ nghề đánh giày cũng liên tục đảo mắt theo dõi nhóm du khách. Sau động tác xoa, lau bụi trên giày cho một vị khách Tây, thấy khách ra hiệu đồng ý, anh ta nhanh chóng cầm đôi giày tạt vào trước cửa một khách sạn ngồi đánh.

Đánh xong, người đàn ông lôi điện thoại trong túi quần ra, rồi ra hiệu cho khách phải trả 500.000 tiền công. Vị khách đành đưa tiền theo yêu cầu, chỉ sau khi gã đánh giày đi rồi, khách mới lắc đầu và xua tay tỏ vẻ ngạc nhiên.

Đánh giày bắt chẹt du khách
Vị khách nước ngoài này phải mất cả trăm nghìn đồng để trả tiền công cho những người đánh giày. Ảnh: Phương Sơn.

Theo nhiều người dân khu phố cổ, hiện tượng người đánh giày bắt chẹt khách du lịch nước ngoài đã diễn ra từ lâu, nhưng không ai dám nói vì sợ bị trả thù. Anh Hoàng, nhân viên bán hàng trên phố Cầu Gỗ bức xúc: "Nhiều khi đôi giày của khách đang lành lặn chúng rạch ra rồi khâu, dán đủ thứ và đòi tới hàng trăm nghìn".

Anh Hoàng kể, cách đây vài hôm cũng trên khu phố Cầu Gỗ này một vị khách Trung Quốc bị hai gã đánh giày sau vài phút quệt quạt, dán và khâu mũi giày, chúng tính giá 800.000 đồng. "Khách không chịu, ngay lập tức chúng lườm nguýt, gây sức ép, cuối cùng cũng phải trả giá tới 700.000 đồng", anh Hoàng kể lại.

Với hơn 40 năm bán nước trên phố Hàng Dầu, cụ Lê chứng kiến nhiều chiêu "chặt chém" của những gã đánh giày. Vì vậy khi thấy nam thanh niên người Việt đang ngồi uống nước gọi người tới để đánh giày, cụ vội ngăn: "Đừng dại gì mà đưa giày cho mấy thằng này đánh. Nó chả rạch thêm ra, khâu khâu vá vá rồi đòi vài chục, thậm chí tới cả trăm nghìn. Lúc đó hơi đâu mà đi cãi nhau với chúng".

Theo người dân, người đàn ông đang cầm tiền chuyên 'chặt chém' du khách nước ngoài với giá vài trăm nghìn đồng cho một lần đánh giày. Ảnh: Phương Sơn.

Cụ Lê kể nhóm đánh giày chỉ mời du khách nước ngoài để còn dễ đường "chặt chém". Cứ mỗi lần đánh giày cho khách, chúng kiếm vài trăm nghìn đồng, bằng mấy chục lần đánh giầy cho khách hàng người Việt.

Trao đổi với VnExpress.net, một cảnh sát hình sự Công an quận Hoàn Kiếm cho biết, phía công an từng bắt một số vụ có liên quan đến đánh giày bắt chẹt khách du lịch, tuy nhiên chưa bao giờ phát hiện người đánh giày lấy của khách vài trăm nghìn đồng.

"Chúng tôi sẽ nhanh chóng kiểm tra và xác minh thông tin trên. Nếu có hiện tượng đánh giày chặt chém du khách sẽ xử lý nghiêm khắc theo đúng quy định của pháp luật", viên cảnh sát hình sự cho biết thêm.

Phương Sơn

Phí trông giữ xe ở Hà Nội có thể tăng gấp 4 lần


Theo đề xuất của UBND Hà Nội, mức thu phí trông giữ xe sẽ được điều chỉnh tăng. Tại các quận trung tâm, phí trông giữ ôtô dưới 10 chỗ có thể lên tới 40.000 đồng mỗi lượt, 3,5 triệu đồng mỗi tháng.
Trụ sở Bộ Công an bị bãi trông ôtô 'bao vây'UBND phường, quận tiếp tay làm 'loạn' trông giữ xe

Theo Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng, liên ngành thành phố vừa đề xuất phương án điều chỉnh mức phí trông giữ xe. Theo đó, tại 10 quận và huyện Từ Liêm, phí trông giữ xe máy sẽ là 3.000-5.000 đồng/ngày; 5.000 đồng/đêm. Mức thu phí trông giữ xe máy, xe đạp cả ngày đêm (chưa có trong quy định hiện hành) được đề xuất 8.000-10.000 đồng/xe máy và 4.000 đồng/xe đạp.

Phí trông giữ ôtô theo lượt (không quá 2 giờ) được dự kiến 20.000-40.000 đồng với xe dưới 10 chỗ ngồi và xe tải 2 tấn trở xuống. Xe từ 10 chỗ trở lên và xe tải trên 2 tấn mức phí đề xuất 25.000-50.000 đồng. Mức phí cao nhất được áp dụng tại 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng và Đống Đa.

Mức phí Hà Nội đang áp dụng chung đối với hai nhóm phương tiện này lần lượt là 10.000 đồng và 20.000 đồng.

Ảnh: Tiến Dũng
Hà Nội muốn áp mức thu phí đỗ xe cao tại nội thành nhằm hạn chế gửi xe tại khu vực này. Ảnh: Tiến Dũng.

Đối với xe trông giữ theo tháng, cao nhất là mức phí tại các bãi có mái che ở 4 quận nội thành cũ, trong đó xe dưới 10 chỗ ngồi là 1,2-1,6 triệu đồng. Tại một số tuyến phố bị hạn chế dừng, đỗ xe trong nội thành, mức phí lên tới 3-3,5 triệu đồng.

Tại những tòa nhà cao tầng, trung tâm thương mại, liên ngành đề xuất mức thu phí trông giữ xe máy là 5.000-6.000 đồng mỗi lượt và 10.000 đồng cho cả ngày đêm. Ôtô dưới 10 chỗ có thể chịu mức phí cao tới 50.000 đồng mỗi lượt.

Về phí phương tiện theo tháng tại khu vực này, mức cao nhất là 180.000 đồng mỗi xe máy và 3 triệu đồng mỗi xe ôtô áp dụng với đối với khu căn hộ cao cấp có hệ thống trông giữ xe hiện đại.

Theo UBND Hà Nội, mức thu phí đang áp dụng đã qua 5 năm chưa điều chỉnh, không còn phù hợp với tốc độ trượt giá. Hiện thành phố có nhiều tòa nhà cao tầng, trung tâm thương mại cao cấp có tầng hầm trông giữ xe được trang bị hiện đại cần phải có mức thu đảm bảo chi phí đầu tư của chủ đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng nhà cao tầng phải xây tầng hầm làm nơi trông giữ xe, giảm áp lực thiếu điểm đỗ của thành phố...

Còn trên4 quận nội thành Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, đặc biệt tại một số tuyến phố trung tâm là nơi có lưu lượng xe tham gia giao thông rất lớn, tập trung nhiều cơ quan, nhiều khu buôn bán, nhiều tuyến phố du lịch, diện tích trông giữ xe thiếu, chủ yếu sử dụng vỉa hè, lề đường để trông giữ nên không khuyến khích đỗ xe gây mất trật tự an toàn giao thông và mỹ quan thành phố.

Thành phố cho rằng tăng mức thu đối với trông giữ ôtô sẽ hạn chế một phần việc đỗ xe chây ỳ chiếm dụng diện tích, tiết giảm lưu lượng một cách hợp lý. Phí trông giữ sau khi bù đắp các chi phí trông giữ, nộp thuế sẽ phải điều tiết vào ngân sách qua việc thu phí sử dụng hè, lề đường để cải tạo sửa chữa hè, lề đường và tăng ngân sách. Mức phí gửi xe mới sẽ được HĐND thành phố xem xét, thông qua tại kỳ họp cuối năm, dự kiến diễn ra vào đầu tháng 12/2011.

Nguyễn Hưng

Thượng úy công an hành xử lỗ mãng


Không chỉ xưng "mày", "tao" với người đi xe máy không gương, thượng úy công an ở Hà Nội còn liên tục văng những câu chửi tục tĩu và đòi "vả vỡ mồm" người vi phạm chỉ vì dám lên tiếng đề nghị được xử phạt tại chỗ.

Hai ngày qua, đoạn ghi âm công an phường vừa xử phạt vừa chửi bới người vi phạm giao thông tại Hà Nội đã gây bức xúc cho các thành viên trên nhiều diễn đàn mạng.

Theo anh Thắng, nhân vật trong đoạn ghi âm, chiều 20/11 anh đi xe máy chở vợ và con nhỏ từ Bắc Ninh về Hà Nội, với 15 kg gạo và chiếc balo đựng quần áo trẻ em để phía trước xe. Khi vừa xuống khỏi cầu Thanh Trì (quận Hoàng Mai, Hà Nội) được một đoạn thì anh bị dân phòng và công an phường Yên Sở lao ra đường chặn lại.

Khi lập biên bản lỗi không gương chiếu hậu, thượng úy công an cho biết không có biên lai phạt tại chỗ nên anh Thắng phải tự lên kho bạc nộp tiền phạt. Thắc mắc về cách xử lý này, anh Thắng nhận được câu trả lời: "Tao không có loại biên bản ấy, mày lên kho bạc mà nộp... Mày chỉ đạo tao đấy à? Tao vả vào mồm mày bây giờ". Kèm theo đó là những câu chửi tục tĩu của viên công an.

Thấy người vi phạm vẫn tỏ thái độ không bằng lòng, thượng úy công an liền bực bội nói thêm: "Tao lập tiếp lỗi cồng kềnh cho mày biết thế nào là lễ độ".

Khi phát hiện anh Thắng dùng điện thoại ghi lại lời lẽ thiếu văn hóa này, viên thượng úy liền bắt anh phải tắt điện thoại và "quay cái gì thì xóa đi" bởi "không có quyền quay khi chưa hỏi ý kiến tao". Dọa nạt không có kết quả, công an này liền bảo anh Thắng nếu xóa đoạn ghi âm thì sẽ được trả lại giấy tờ, không bị phạt.

Trong bối cảnh Bộ Công an đang phát động phong trào "Công an nhân dân chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ" nhằm xây dựng lòng tin ngày càng lớn mạnh trong nhân dân thì việc xuất hiện đoạn ghi âm này đã khiến nhiều cư dân mạng bức xúc.

Không ít ý kiến cho rằng ngành công an cần mạnh dạn đấu tranh trước cái xấu để loại bỏ dần những "con sâu" này ra khỏi lực lượng công an nhân dân.

Công an phường
Ở nhiều phường tại Hà Nội, tình trạng dân phòng, công an vi phạm luật giao thông trở nên khá phổ biến. Ảnh minh họa: Tiến Dũng.

Chiều 21/11, trao đổi với VnExpress.net, trung tá Phùng Ngọc Linh, Phó công an phường Yên Sở xác nhận, chiều 20/11, tổ công tác của phường gồm 2 công an và 4 dân phòng đã xử lý vi phạm tại khu vực đường dân sinh dưới cầu Thanh Trì.

Sau khi nhận được thông tin phản ánh về việc công an chửi bới người vi phạm, ông Linh tìm hiểu và xác định, thượng úy Đỗ Thế Anh là người ứng xử không đúng với người vi phạm giao thông trong đoạn ghi âm được tung lên mạng.

"Nghe giọng trong đoạn ghi âm thì đúng là giọng của Thế Anh. Tôi hỏi thì Thế Anh thừa nhận chiều qua có tình huống như thế và lúc đó cậu ấy ứng xử không đúng", ông Linh nói thêm.

Theo Phó công an phường Yên Sở, trước khi chuyển về phường công tác năm 2006, thượng úy Đỗ Thế Anh làm tại Cục Cảnh sát bảo vệ (Bộ Công an). Trong công việc, Thế Anh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, có trách nhiệm và chăm chỉ nhưng "không hiểu có vấn đề gì mà lại bức xúc đến thế".

"Nếu gặp anh Thắng tôi sẽ trực tiếp xin lỗi vì lính sai chỉ huy phải nhận trách nhiệm. Còn trước mắt tôi sẽ yêu cầu Thế Anh làm tường trình, kiểm điểm nghiêm túc", trung tá Phùng Ngọc Linh chia sẻ.

Cũng theo ông Linh, những vi phạm về phẩm chất đạo đức như nhận tiền, vòi vĩnh, đánh người... thì quy định của ngành xử lý rất nghiêm. Còn với vi phạm về thái độ như nói tục tĩu... thì có thể bị phê bình nội bộ, phê bình trong công an quận hoặc cắt thi đua 6 tháng, một năm... Cụ thể, vụ việc này "chưa có gì lớn" nên công an phường sẽ giáo dục cán bộ chiến sĩ, đưa ra đơn vị rút kinh nghiệm.

Đề cập tới cách ứng xử của người vi phạm, trung tá Linh cho rằng, anh Thắng đã nhận thức chưa đúng khi yêu cầu xử phạt tại chỗ lỗi không gương chiếu hậu bởi "với lỗi này sau khi lập biên bản thì chỉ huy công an phường còn phải ký quyết định xử lý nên không phạt tại chỗ được". Các lỗi vi phạm khác có mức phạt dưới 200.000 đồng sẽ được công an phường xử phạt tại chỗ, không phải tới kho bạc.

Trong khi đó sáng cùng ngày, trao đổi với VnExpress.net, Trưởng công an quận Hoàng Mai Trần Văn Tỉnh cho biết chưa nhận được thông tin về vụ việc. Ông Tỉnh đề nghị người dân gửi đơn phản ánh về công an quận để ông xem xét và xử lý.

Khánh Chi

Nghĩ gì qua việc dân phòng gây hấn ở Thái Hà?


2011-11-22

Lại thêm một vụ quấy nhiễu xảy ra đối với giáo xứ Thái Hà, Hà Nội, ngay trong lúc đang diễn ra thánh lễ dành cho thiếu nhi vào chiều ngày 20/11.

Courtesy thaiha.org

Người dân phòng xông vào nơi tổ chức thánh lễ ở giáo xứ Thái Hà, Hà Nội, vào chiều ngày 20/11.

Giữ trật tự hay gây rối?

Điều đáng nói là người xông vào đe dọa linh mục vào giáo dân ngay trong thánh lễ lại là một dân phòng, vốn là lực lượng được lập ra để giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương. Sự việc trên lại một lần nữa khiến cho người dân phải đặt lại câu hỏi: Bản chất thực của các lực lượng mang tiếng là "giữ gìn trật tự, an ninh" là gì?

Bất kỳ tôn giáo nào thì cũng khó có thể chấp nhận được việc đấy. Đó là sự xúc phạm rõ ràng. Còn trách nhiệm của ông dân phòng thì ông làm gì có cái trách nhiệm gì ở đấy.

Giáo dân Thái Hà

Vào ngày 21/11, linh mục Nguyễn Văn Phượng, chánh xứ Thái Hà, đã có bản tường trình chính thức về vụ việc một dân phòng xông vào nhà thờ gây hấn, để gửi đến các giám mục phụ trách Tổng giáo phận Hà Nội và linh mục giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam.  

Theo tường trình của Linh mục Nguyễn Văn Phượng, một người mặc đồ dân phòng, cùng với bảng tên, dùi cui và điếu thuốc lá trên tay đã xông vào nhà thờ ngay trong lúc thánh lễ dành cho thiếu nhi đang diễn ra vào chiều Chủ nhật 20/11. Ông dân phòng này đã bước lên cung thánh, nơi hai linh mục Đinh Tiến Đức và Vũ Đồng Tùng đang dâng lễ, để lăng mạ các linh mục và giáo dân. Sau đó, các huynh trưởng của giáo xứ đã mời ông dân phòng này ra khỏi nhà thờ một cách ôn hòa. 
Sự việc xảy ra khiến cho nhiều giáo dân giáo xứ Thái Hà rất bức xúc. Một giáo dân cho biết:

"Hôm đó thì mình không có mặt ở đấy, nhưng nghe lại các thông tin thì thấy là những việc đấy không thể chấp nhận được, đúng không? Bất kỳ tôn giáo nào thì cũng khó có thể chấp nhận được việc đấy. Đó là sự xúc phạm rõ ràng. Còn trách nhiệm của ông dân phòng thì ông làm gì có cái trách nhiệm gì ở đấy. Ông chạy vào đấy tức là ông đi phá rối đấy chứ."

Không chỉ giáo dân Thái Hà, mà ngay cả những người dân không công giáo cũng phải lên tiếng vì bất bình trước thái độ thiếu văn hóa trên của một người trong hàng ngũ những người được xem là có chức năng hỗ trợ giữ gìn trật tự, an ninh trên. Ông Vĩnh, một cư dân của quận Đống Đa, cho biết:

"Nhiều người dân không công giáo cho rằng việc làm của người dân phòng trên một lần nữa góp phần làm xấu đi hình ảnh của lực lượng dân phòng." 

Người dân phẫn uất

th200.jpg
Các Huynh trưởng mời người dân phòng đi ra khỏi nơi tổ chức thánh lễ ở giáo xứ Thái Hà, Hà Nội, vào chiều ngày 20/11. Courtesy thaiha.org
Vụ việc xảy ra cũng đã khiến cho nhiều cư dân mạng phẫn uất. Một số cư dân mạng đã phát động phong trào đổi avatar thắp nến cầu nguyện cho giáo xứ Thái Hà, mặc dù nhiều người trong số họ là những người không công giáo hoặc thuộc các tôn giáo khác. 

Một cư dân mạng có tên Lâm Mạnh Di viết trên Facebook của mình: "Tôi là một Phật Tử thuần thành, nhưng trong những giờ phút khi cả giáo xứ Thái Hà bị cường quyền dùng bạo lực khủng bố đe dọa, để cướp đi tài sản của giáo xứ, để chà đạp những quyền căn bản của con người, tôi xin nguyện đứng dưới ánh sáng của Chúa, đứng cạnh người anh em Công Giáo của tôi, cùng đồng hành để vượt qua sự sợ hãi, để dành lại những gì mà người Công Giáo nói riêng và dân tộc VN nói chung đã từ lâu bị đánh cắp: Sự Thật, Công Lý và Quyền được sống trong 1 xã hội mà quyền con người được bảo đảm và tôn trọng…".

Trang phục, vũ khí, thái độ và khung cảnh xuất hiện của người dân phòng trên khiến cho nhiều giáo dân nghi ngờ về một thế lực đứng đằng sau tiếp tay cho người này thực hiện hành vi gây hấn đối với giáo xứ Thái Hà, đặc biệt là việc ông này mang theo dùi cui, một vũ khí chỉ được sử dụng khi đi vào những khu vực nguy hiểm như can thiệp những vụ đánh lộn, truy bắt đối tượng phạm tội... 

Trong sự việc xảy ra ở giáo xứ Thái Hà, giáo dân trên cho biết thêm:

Làm như thế rõ ràng là ổng đã làm trái chức năng nhiệm vụ là một đàng, cái thứ hai quan trọng hơn là sự xúc phạm nặng nề đến cả một tôn giáo bởi vì hôm đấy là đang có thánh lễ.

Giáo dân Thái Hà

"Làm như thế rõ ràng là ổng đã làm trái chức năng nhiệm vụ là một đàng, cái thứ hai quan trọng hơn là sự xúc phạm nặng nề đến cả một tôn giáo bởi vì hôm đấy là đang có thánh lễ, mà ổng xông thẳng lên cung thánh. Đó là khu vực rất thiêng liêng, cao cả, mà ông lại xông thẳng lên trên đấy, tay thì cầm thuốc lá, thắt lưng thì đeo dùi cui điện, mà dân phòng thì làm gì có chuyện đeo dùi cui điện?!"

Những giáo dân chứng kiến sự việc còn cho biết trước và trong lúc người dân phòng hung hãn xông lên cung thánh nhà thờ, thì bên ngoài nhà thờ Thái Hà đã có một số dân phòng, công an đứng sẵn nhưng không hề có một hành động can thiệp nào. 

Ông Vĩnh cho biết:

"Sự việc hôm qua thì cũng chưa xác định được là dân phòng ở phường nào, chắc chắn là ở quận Đống Đa rồi. Người này là người lớn tuổi, có sự hỗ trợ của dân phòng bên ngoài. "

Kể từ sau khi xảy ra việc Dòng Chúa Cứu Thế yêu cầu chính quyền trả lại phần đất mà chính quyền đang mượn để làm Bệnh viện Đống Đa thì liên tiếp xảy ra các vụ tấn công, gây hấn đối với các linh mục và giáo dân giáo xứ Thái Hà. Theo thông tin từ trang mạng của Dòng Chúa Cứu Thế, chỉ trong vòng một tháng qua, giáo xứ Thái Hà đã ba lần gửi đơn yêu cầu nhà nước giải quyết trả lại đất cho tu viện và cả ba lần đều xảy ra những sự việc tấn công, gây hấn chỉ vài ngày sau đó.

Cho dù những sự việc trên xảy ra một cách có chủ ý hay ngẫu nhiên, thì người dân, đặc biệt là người công giáo, vẫn không thể không đặt ra câu hỏi về vai trò và trách nhiệm của các lực lượng an ninh khi tận mắt họ chứng kiến thái độ dửng dưng, thậm chí tiếp tay của lực lượng này trong các vụ việc trên.

Trong bài tường trình tiếp theo, Khánh An sẽ tiếp tục tìm hiểu về chức năng chính của lực lượng dân phòng và hình ảnh thực tế của họ qua các sự kiện và trong mắt người dân như thế nào? Mong quý vị đón theo dõi.

Hoa Kỳ trở lại tây Thái Bình Dương


Tổng thống Obama khẳng định quyết tâm trở lại Á châu. Hình EastAsiaForum

Tổng thống Obama trong chuyến đi 9 ngày qua Hawai, sinh quán của ông, Canberra và Indonesia, đã công bố một chính sách mới tại Á châu Thái Bình Dương. Trong một cuộc họp báo với thủ tướng Úc, bà Julia Gillard, và một ngày sau đó trước quốc hội Úc, tổng thống Obama công bố kế hoạch "Hoa Kỳ trở lại tây Thái Bình Dương". Kế hoạch là trong nhiều năm tới Hoa Kỳ sẽ chuyển 2500 quân đến trú đóng tại Darwin, một thành phố ở cực bắc Úc châu.

Darwin nhìn ra một vùng biển theo chiều kim đồng hồ gồm Indonesia, Singapore (với hai eo biển chiến lược Sunda, Malacca), Cam Ranh, Đài Loan, Nam Hàn, Nhật Bản, vòng xuống qua đảo Guam, trở về Papua New Guinea. Trung tâm vùng biển là Phi Luật Tân và quần đảo Spratlys nằm trên con đường huyết mạch từ Ấn Độ Dương vào tây Thái Bình Dương. Vùng biển Darwin, Guinea, Bornea là nơi từng chứng kiến những cuộc tranh hùng đẫm máu đầu thập niên 1940 giữa Hải quân Hoa Kỳ và Hải quân Nhật trước khi Hoa Kỳ chiếm lại Thái Bình Dương dẫn đến sự kết thúc chiến tranh và đầu hàng của Nhật Bản.

Tổng thống Obama có nhắc đến Hiệp ước ANZUS (Australia – New Zeland – USA) ký năm 1951 tại San Francisco liên kết 3 nước Úc, Tân Tây Lan và Hoa Kỳ trong một hiệp ước phòng thủ chung để hàm ý đây không phải là một cái gì mới và do đó không có tính de doạ ai. Và điểm nhấn tế nhị này cũng đã được Úc thông báo cho Thứ trưởng Bộ quốc phòng Trung quốc biết trước đó. Nhưng năm 1984 khi Tân Tây Lan từ chối không cho chiến hạm nguyên tử của Hoa Kỳ cập bến thì xem như Tân Tây Lan rút ra khỏi ANZUS và sau đó hiệp ước ANZUS cũng không được nhắc nhỡ tới nhiều vì không có nhu cầu. Lần này liên minh quân sự giữ Hoa Kỳ và Úc châu là một quyết định có tính chiến lược do tình hình mới đòi hỏi.

Thập niên 1970 khi Hoa Kỳ ra khỏi tây Thái Bình Dương Hoa Kỳ nghĩ rằng sự hiện diện của Hạm đội 7 trên Thái Bình Dương là đủ duy trì thế lực và bảo vệ  quyền lợi của Hoa Kỳ trong vùng. Điều này đúng lúc đó, khi Trung quốc còn lúng túng với "bước nhảy vọt" và với cuộc "cách mạng văn hóa" và là một lực lượng kinh tế và quân sự không đáng kể, hơn nữa lại là một đồng minh lỏng lẻo với Hoa Kỳ trong một mục tiêu chung là chận sự bành trướng của Liên bang Xô viết xuống nam Thái Bình Dương. Nhưng từ thập niên 1970 sau khi ông Đặng Tiểu Bình trở lại chính quyền, Trung quốc đã tiến vượt bực về cả hai mặt kinh tế và quân sự với quyết tâm trở thành siêu cường thế giới, và Trung quốc trở thành một mối đe dọa cho quyền lợi của Hoa Kỳ vùng tây Thái Bình Dương.

Hoa Kỳ không thể ngồi yên nhìn tư thế cường quốc của mình lu mờ dần trong vùng trời đó nên trong nhiều năm qua, với sự ủy thác của tổng thống Obama ông bộ trưởng quốc phòng Robert Gates đã để thì giờ và tâm trí, và qua nhiều chuyến đi Á châu, nhắc nhở các quốc gia Đông Nam Á  rằng Hoa Kỳ không bỏ quên vùng tây Thái Bình Dương. Ông Robert Gates thực hiện công tác này trong những điều kiện không thuận lợi khi Hoa Kỳ còn đang bận tay (thì giờ, quân lính, tiền bạc) với Trung đông nên ảnh hưởng tâm lý đối với các nước Đông Á, nhất là các nước trong khối Asean rất hạn chế. Các quốc gia này chờ đợi một chính sách mạnh mẽ hơn của Hoa Kỳ .

Và cái gì tới sẽ phải tới. Trung quốc càng lúc càng xây dựng và củng cố tư thế của mình trong vùng tây Thái Bình Dương như công bố chủ quyền trên Biển Đông (kho dầu hỏa tương lai và là con đường lưu thông trên biển từ Ấn Độ Dương vào), thiết lập căn cứ tàu ngầm tại đảo Hải Nam, tạo khó khăn cho các công ty ký giao kèo khai thác dầu hỏa với Việt Nam, ngang nhiên bắt nạt Việt Nam, Phi luật tân bằng cách thỉnh thỏang ra lệnh cấm ngư dân Việt Nam đánh cá trên Biển Đông trong vùng Việt Nam có đặc quyền kinh tế, bắt giữ ngư dân và tịch thu thuyền bè, và nhất là ngang nhiên chận tàu chiến của Hải quân Hoa Kỳ đang hoạt động thăm dò đáy biển trong hải phận quốc tế.

Mặt khác Hoa Kỳ bắt đầu rảnh tay tại Trung đông (rảnh tay một chút nhưng chưa hết chuyện nhức đầu với tình hình Pakistan, tương lai của Afghanistan và Iran sắp có bom nguyên tử) và với cuộc chạy đua vào Bạch ốc năm tới, tổng thống Obama có nhu cầu công bố một chính sách mạnh để làm yên tâm dân chúng Hoa Kỳ.

Trong bối cảnh đó sự cam kết mới của Hoa Kỳ tại Á châu ra đời.

Đọc diễn văn trước Quốc hội Úc, tổng thống Obama đưa ra những lời lẽ khá mạnh mẽ để cảnh báo Trung quốc về quyết tâm của Hoa Kỳ, là dù có khó khăn cũng sẽ làm tròn nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của Hoa Kỳ và đồng minh tại Á châu. Tổng thống Obama nói: "Hoa Kỳ là một thế lực Thái Bình Dương, và chúng tôi sẽ duy trì tư thế đó" (nguyên văn: The United States is a Pacific power, and we are here to stay). Bằng lời lẽ không úp mở tổng thống Obama tuyên bố: "sau một thập niên bận rộn với hai cuộc chiến đẫm máu hao tiền tốn của, lúc này Hoa Kỳ sẽ quan tâm đến Á châu, một địa lý có nhiều tiềm năng" (nguyên văn : After a decade in which we fought two wars that cost us dearly in blood and treasure, the United States is turning our attention to the vast potential of the Asia Pacific). Không dấu diếm quan điểm rằng Á châu sẽ xác định hòa bình hay chiến tranh trong thế kỷ này, tổng thống Obama nói: "Với vũ khí nguyên tử và một nửa nhân loại, người ta tự hỏi trong thế kỷ này Á châu sẽ là nơi tranh chấp mang đến thống khổ hay hợp tác đem lại tiến bộ cho thế giới"(nguyên văn:  With most of the world's nuclear power and some half of humanity, Asia will largely define whether the century ahead will be marked by conflict or cooperation, needless suffering or human progress).

Với những ai nghĩ rằng Hoa Kỳ đang gặp khó khăn tài chánh và trong tương lai sẽ phải cắt giảm ngân sách quốc phòng, tổng thống Hoa Kỳ trấn an rằng "Sự cắt giảm ngân sách quốc phòng để giải quyết sự thiếu hụt ngân sách sẽ không – tôi lặp lại, sẽ không, làm giảm cam kết của Hoa Kỳ tại Á châu" (nguyên văn: cut in US defense spending to help rein in huge budget deficit will not – I repeat, will not – come to the expense of the Asia-Pacific). Trước đó một ngày, trong cuộc họp báo với bà thủ tướng Úc tổng thống Obama cảnh cáo Trung quốc rằng Hoa Kỳ không lo sợ vì Trung quốc đang lớn mạnh, nhưng Trung quốc phải chơi theo luật quốc tế và "chừng nào Trung quốc chơi theo luật chơi chung, chừng nào Trung quốc biết vị trí của mình, chừng đó chúng ta cùng có lợi". Còn nếu Trung quốc chơi luật giang hồ, "chúng ta sẽ cho Trung quốc biết rằng không chơi theo luật quốc tế thì Trung quốc không xứng đáng là một siêu cường" (nguyên văn: So where China is playing by these rules, recognizing its new role, I think this is a win-win situation", if not "we will send a clear message … that they need to be on track in terms of accepting the rules and responsabilities that come with being a world power).

Đưa quân đến đóng tại nước ngoài luôn là một vấn đề tế nhị, đối với một số thành phần nhân dân của nước sở tại và các thế lực mà cuộc chuyển quân nhắm tới – trong trường hợp này là Trung quốc-  nên Hoa Kỳ đã cân nhắc thận trọng đưa ra một con số rất khiêm nhường là 2500 quân, và số quân này cũng chỉ được đưa vào một cách tiệm tiến, mỗi năm một đại đội từ 200 đến 250 quân, và đại đội đầu tiên sẽ đến căn cứ Darwin vào năm 2012. Một chương trình chuyển quân như vậy sẽ không làm thay đổi cán cân quân sự nên có thể xem như một nước bài để rộng cửa còn thương thuyết với nhau.

Vì cuộc điều quân đến Úc châu có tính hình thức, nên thành phần tả khuynh tại Úc châu không ồn ào lên tiếng phản đối, ngoại trừ ông Hugh White một cựu viên chức quốc phòng Úc nay là giáo sư đại học Úc châu (Australian National University) cảnh giác rằng chính sách "bắp thịt" của Hoa Kỳ trước sự lớn mạnh của Trung quốc có thể tạo một cái khung tranh chấp hơn là tương nhượng (*). Trong khi đó Trung quốc phản ứng một cách rất ngoại giao. Trong ngày 17/11, sau bài diễn văn của tổng thống Obama ở Canberra, một phát ngôn nhân bộ Ngoại giao Trung quốc lên tiếng bằng cách đặt câu hỏi: "Trong tình hình kinh tế khó khăn trên thế giới, Hoa Kỳ đưa ra những chính sách quân sự mạnh mẽ như vậy không biết có lợi ích gì không?

Phản ứng này có thể xem là nhẹ nhàng trước những lời tuyên bố mạnh mẽ đối với Trung quốc của tổng thống Obama như khi yêu cầu Trung quốc vào khuôn phép quốc tế. Nhưng khi nói tới kinh tế khó khăn, Trung quốc không khỏi hàm ý nhắc Hoa Kỳ còn nợ nần Trung quốc nhiều và Trung quốc có nhiều cách để tạo khó khăn cho Hoa Kỳ .

Ngoài việc đồn trú quân tại Darwin, Úc còn đồng ý để Hoa Kỳ dùng các căn cứ Không quân trong vùng bắc Úc châu và Không quân hai nước sẽ cùng tham dự các chương trình huấn luyện, thao dượt và hành quân chung.

Mục tiêu trước mắt của Hoa Kỳ là tạo điều kiện để thực hiện chính sách bảo vệ sự lưu thông trên Biển Đông. Năm trước ngoại trưởng Hillary Clinton đã tuyên bố đó là quyền lợi thiết yếu của Hoa Kỳ. Thiết yếu chẳng phải chỉ là nguyên tắc của Luật Biển mà còn là một thực tế vì mỗi năm số lượng hàng hóa mậu dịch giữa Hoa Kỳ và các nước tây Á châu đi qua Biển Đông lên đến 1.200 tỉ (một ngàn hai trăm tỉ) mỹ kim.

Đứng từ Darwin, trong tầm nhìn chiến lược, trước mắt là 3 cứ điểm quan trọng liên quan đến sự lưu thông trong vùng tây Thái Bình Dương. Hai eo biển Malacca, và Sunda từ Ấn Độ Duươg vào tây Thái Bình Dương và quần đảo Trường Sa. Cả 3 đều nằm trong khoảng cách kềm chế được từ căn cứ Darwin. Darwin- Malacca 3500 km, Darwin – Sunda 2600 km và Darwin Trường Sa 4500 km. Căn cứ Darwin là nơi tốt nhất xuất phát các cuộc hành quân trong trường hợp cần bảo vệ 3 cứ điểm trên.

Đó là việc trước mắt. Xa hơn là con đường lấn chiếm của Trung quốc ra biển rộng Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Hiện Hoa Kỳ có 28.500 quân đồn trú tại Nam Hàn, hơn 40.000 đồn trú tại Nhật,  gần 13.000 trên các chiến hạm ngoài khơi Thái Bình Dương, nhưng phía Nam còn trống. Những gì Hoa Kỳ và Úc vừa thỏa thuận với nhau là bịt kín lỗ hổng phía nam.

Có thể vì Spratlys nằm trong tầm nhìn của thỏa thuận Darwin nên Việt Nam đã phấn khởi và ngầm ý khuyến khích. Khoảng 10 ngày trước, một đoạn phim ngắn cho thấy tàu cảnh sát biển Việt Nam rượt tàu hải giám Trung quốc ngoài khơi. Nhiều nghi vấn đưa ra về nguồn gốc đoạn phim và mục đích của nó. Nay người ta có thể nghĩ sự tiết lộ đoạn phim trên có liên quan đến chính sách mới của Hoa Kỳ. Sự thật (theo mạng BBC) những ai theo sát tin tức ngoài biển Việt Nam trong năm qua đều biết rằng những cuộc rượt đuổi căng thẳng như vậy thường diễn ra khi tàu Trung quốc bắt nạt và hành hung ngư dân Việt Nam. Nhưng cả hai, Trung quốc cũng như Việt Nam đều ém nhẹm vì mỗi bên đều tính toán rằng làm vậy có lợi hơn.

Còn đối với các nước Đông Nam Á khác, một phần ngán đòn phép kinh tế của Trung quốc, phần khác chưa hoàn toàn tin vào sự nhập cuộc của Hoa Kỳ nên chọn thái độ thượng sách là chờ đợi. Nhưng tuy giữ thái độ im lặng, các nước Đông Á và khối Asean không khỏi phấn khỏi trước động thái mới của Hoa Kỳ.

Câu hỏi căn bản đối với người Việt trong và ngoài nước là: Chính quyền Việt Nam phải hành xử như thế nào trước tình hình mới? Phấn khởi cũng không có gì sai trái. Tuy nhiên trong bối cảnh tế nhị hiện nay thái độ tốt nhất của Việt Nam là bình tĩnh và dè dặt quan sát.

Tôi không tin người cộng sản Việt Nam đã chọn con đương đầu hàng Trung quốc cho yên thân và cứu đảng. Nhưng nếu chọn con đường ngả hẳn vào Hoa Kỳ để bảo vệ chủ quyền quốc gia và quyền lợi của đảng cũng chưa phải là cách an toàn nhất.

Cần khai thác yếu tố quốc tế. Cần biết cân nhắc lợi hại và trên hết phải khai thác cho được nội lực của toàn dân bằng một chương trình tiệm tiến dân chủ hóa đất nước thì đó mới là sách lược cứu quốc hữu hiệu nhất lúc này cũng như bất cứ lúc nào khác. Bài học cứu quốc của tiền nhân còn đó.

Nov. 20. 2011

© Trần Bình Nam

Những Cách Ăn Chơi Sa Đọa Của Cán Bộ Cộng Sản VN


(11/22/2011) 
Tác giả : Trúc Giang

Những Cách Ăn Chơi Sa Đọa Của Cán Bộ Cộng Sản VN

Trúc Giang MN

1* Làm gì cũng được nhưng không cho cởi quần à nghen!

Làm gì cũng được nhưng không cho cởi quần à nghen! Đó là một trong những tiếng la hét cười giỡn vang dậy cả một khúc sông trong ngày 20-8-2011, giữa những cô gái trẻ và những người đàn ông, đưa đến cái chết của người con gái 20 tuổi tên Đinh Thị Kim Phượng. Ông Trần Văn Út, tự Út Lùn, một nhân chứng thuật lại với một nhà báo như thế. Vụ việc xảy ra trên sông Vàm Cỏ Đông, thuộc huyện Tân Trụ tỉnh Long An.

Nhân chúng Út Lùn kể tiếp: Khoảng 3 giờ chiều, chiếc phà chạy đến và neo cách xuồng của tôi khoảng 15m, dưới bóng mát của cây cổ thụ de ra sông. Trên phà lúc ấy có đông người đang nhậu nhẹt, cười giởn vang dội cả một khúc sông. Một lát sau, 3 thanh niên trên phà lội xuống đến xuồng tôi, hỏi mượn con dao đi chặt dừa nước. Tôi hỏi: Sao bây không nhậu nhẹt mà lại đi chặt dừa?. Họ đáp: Trên đó toàn là đại gia không hà!, mấy ổng biểu tụi cháu đi khỏi phà..

Sau đó, nhóm người trên phà nhảy xuống sông tắm. Mấy cô gái mặc nguyên quần áo, đàn ông cởi áo quần, mặc quần lót.

Khoảng 3 giờ rưởi, tôi không muốn thấy những cảnh tượng ngứa mắt, nên chèo xuồng qua bờ bên kia để giăng lưới.

Tôi nghe loáng thoáng sau lưng một giọng nữ la lên Đừng kéo tôi! Tôi không biết bơi, trong túi có điện thoại ướt hết.

Một giọng đàn ông nói Xuống sông, họ tắm với nhau vui lắm. Họ chơi đủ trò lạ mắt, mới thấy lần đầu. Chơi như vậy mới gọi là đại gia chứ. Tôi không ngó lại cảnh họ đang đùa giởn.

Sau đó, nhóm người la lên Mất con Phượng rồi. Mất con Phượng rồi. Biết có chuyện, tôi liền chèo xuồng trở lại và lên phà hỏi thăm sự việc. Nghe câu chuyện mà thấy đau lòng. Nhóm người đó nhờ tôi lặn mò tìm nạn nhân, tôi từ chối vì nước ở đó rất sâu.

Họ dự định cho phà chạy đi, tôi yêu cầu họ neo phà lại, và tôi chạy ngay lên bờ, đến báo công an xã Nhựt Thịnh. Khi công an đến, chiếc phà được kéo vào bờ. Nhiều người dân kéo đến xem rất đông.

Khi phà cập bờ, một người đàn ông nhảy lên bờ và kêu xe ôm của anh Nguyễn Văn Đồ chở ra bến đò Xã Bảy. Đoạn đường dài 2 km mà người đó trả 100 ngàn đồng, anh Đồ chỉ lấy 20 ngàn.

2* Các đại gia và cán bộ nhậu nhẹt trên sông

Qua lời khai của các nhân chứng, phối hợp với tuyên bố của cơ quan điều tra công an huyện Cần Giuộc tỉnh Long An, thì đây là một vụ ăn nhậu chơi bời được tổ chức khá chu đáo, đầy đủ các mục, từ ăn nhậu trên tàu, nhảy xuống lội sông rồi lên bờ lội cạn.

Thành phần tham dự gồm 6 đại gia, 6 cô gái trẻ và 2 cán bộ lãnh đạo huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.

Nguyên nhân cái chết của cô gái trẻ 20 tuổi còn nhiều bí ẩn. Vụ việc như sau.

Ngày 20-8-2011

Nguyễn Thành Trung, đại gia kinh doanh bất động sản Quận 7, Sài Gòn, rủ ông Nguyễn Nhật Tuấn, Bưu điện Cần Giuộc, có nghề tay trái là kinh doanh nhà đất, đi nhậu.

Sau đó, họ liên lạc mời ông Nguyễn Kim Đoạn, Viện Trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân (VKSND) huyện Cần Giuộc và mời ông Nguyễn Hương Giang Viện Phó.

Khi được 2 cán bộ VKSND đồng ý tham dự, thì ông Nguyễn Thành Trung đem xe đến tận nơi rước cả hai ông Trưởng và phó.

Phần ông Đào Ngọc Hương, một thương gia thuộc hàng đại gia của huyện Cần Đước, Long An, lái xe 7 chỗ ngồi chở ông Trần Thanh Lâm, tư vấn hảng bảo hiểm, và ông Lê Văn Phố, thương gia huyện Cần Giuộc.

Những chiếc xe chạy đến bến phà. (miền Nam gọi là bến Bắc, như Bắc Mỹ Thuận. Phà là tàu chở xe cộ và hành khách sang ngang qua sông. Xà lan là tàu kéo ghe và các tàu khác, thường di dọc theo dòng sông.

Bến phà nầy thuộc huyện Cần Đước tỉnh Long An. Nhóm người nầy thuê một chiếc phà (xà lan) loại 60 tấn, dài 30m với giá 2 triệu đồng.

Cả nhóm ngồi chờ dựng rạp che mát, che mưa, sắp xếp 1 cái bàn tròn nhỏ và ghế, đưa bếp gas và lò than mà họ mang theo xuống phà để nấu nướng.

Ngồi chờ hơn 30 phút, thì bạn gái của đại gia Lê Văn Phố, một thương gia Cần Giuộc, là cô Nguyễn Thị Hoa , 30 tuổi lái xe gắn máy chở Đinh Thị Kim Phượng, 20 tuổi đến nhập bọn.

Tài công lái tàu là Lâm Văn Chía, 21 tuổi, con của chủ phà. Hai cậu bán vé số là Nguyễn Quang Công 17 tuổi, và  Hiếu, 17 tuổi, được thuê xuống phà để nướng đồ nhậu.

Chiếc bàn tròn nhỏ duy nhất, nên 14 người phải ngồi sát bên nhau. Ăn nhậu tưng bừng từ trưa đến xế chiều, uống hết 3 thùng bia, ăn hết 3 kí tôm, rồi cùng nhảy xuống sông tắm, và chết đuối xảy ra.

Trên phà có 14 người. 6 đại gia, 6 cô gái và 2 cán bộ lãnh đạo VKSND huyện Cần Giuộc.

Nạn nhân là Đinh Thị Kim Phượng. Sanh năm 1991 (20 tuổi), ngụ tại xã Trường Bình, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, ly thân với chồng, có con 18 tháng tuổi. Kim Phượng nghỉ việc ở một công ty giày ngoại quốc trong tỉnh.

Các đại gia.

1. Nguyễn Kim Đọan, Viện trưởng VKSND Cần Giuộc

2. Nguyễn Hương Giang, Viện phó VKSND

3. Nguyễn Thành Trung, đại gia kinh doanh bất động sản, Q.7, Sài Gòn.

4. Nguyễn Nhật Tuấn, Bưu Điện Cần Giuộc, nghề tay trái là mua bán nhà đất.

5. Lê Văn Phố, thương gia Cần Giuộc.

6. Ông Quang, chủ cơ sở kinh doanh xe gắn máy.

7. Nguyễn Hoàng Nhã, thương gia Gò Vấp, Sài Gòn.

8. Trần Thanh Lâm, tư vấn hảng bảo hiểm.

6 cô gái trẻ

1. Nguyễn Thị Mỹ Hằng, 18 tuổi, tiếp viên quán nhậu Phương Thanh, Cần Giuộc.

2. Nguyễn Thị Hồng Cẩm, 25 tuổi, tiếp viên quán nhậu Phương Thanh.

3. Mai Thị Ngọc, 18 tuổi.

4. Đào Ngọc Hương, buôn bán.

5. Nguyễn Thị Hoa, 30 tuổi

6. Đinh Thị Kim Phượng, 20 tuổi, nghỉ việc.

3* Khám tử thi

Ông Quang, một đại gia chủ cửa hàng kinh doanh xe gắn máy Cần Giuộc là người đã mời Kim Phượng đi chơi, ông bỏ ra 15 triệu thuê nhóm thợ lặn tìm xác nạn nhân, và đến 8 giờ tối thì vớt được tử thi.

Kết luận khám nghiệm:

Đinh Thị Kim Phượng chết do ngạt nước.

Trong túi quần nạn nhân có 2 điện thoại di động, 1 đồng hồ và tiền mặt. (do mấy cô gởi trước khi xuống tắm.)

4* Những chi tiết đưa đến nghi vấn về nguyên do cái chết

- Lan can của chiếc phà khá cao, nạn nhân không thể tự rơi xuống sông được.

- Điện thoại, đồng hồ và tiền mặt trong túi chứng tỏ nạn nhân không xuống tắm sông.

- Những tiếng la lớn mà nhân chứng Trần Văn Út nghe được: Đừng kéo tôi. Tôi không biết bơi. Trong túi quần có điện thoại ướt hết.

- Người đàn ông nói: Xuống sông, họ tắm vui lắm vui lắm. Họ chơi đủ trò lạ mắt, mới thấy lần đầu. Chơi như vậy mới là đại gia chứ.

- Công an điều tra cho biết, những người tham gia ăn nhậu đều khai rằng nạn nhân tự té xuống sông chết đuối. (nhưng không ai chính mắt thấy Kim Phượng té như thế nào cả).

- Một trong 6 cô gái cho phóng viên biết: họ không biết những gì xảy ra, bởi vì sau khi lội sông, họ lên bãi đáp trên bờ cách phà chửng 30 m để lội trên cạn.

- Nhân chứng Trần Văn Út cho biết, ông là người chứng kiến cảnh nhậu nhẹt trên phà, cũng là người đầu tiên lên phà khi biết có vụ chết đuối. Cũng chính ông chạy đi báo công an xã, thế nhưng công an diều tra huyện không tiếp xúc hỏi ông về vụ việc.

5* Người đàn ông ấy là ai?

Cứ dự đoán.

Xin đừng kéo tôi. Tôi không biết bơi. Nếu đó là một người buôn bán bình thường trong huyện, hoặc một người lạ ở Sài Gòn xuống chơi, thì công an điều tra đâu cần phải che dấu? Vậy có phải là một trong hai cán bộ của VKSND đã chèo kéo cô Phượng hay không?

 

6* Không khởi tố vụ án

Ngày 1-9-2011

Một tuần lễ sau vụ chết đuối, ông Nguyễn Công Pha, Phó Viện trưởng VKSND Tỉnh Long An trả lời báo chí về 2 cán bộ lãnh đạo VKSND huyện Cần Giuộc như sau:

Thì bắt họ làm tường trình thôi, chớ đâu có gì.

Ngày 2-9-2011

Vụ chết đuối xảy ra ở huyện Tân Trụ, nên công an Tân Trụ phụ trách điều tra. Công an Tân Trụ xác định:

Đây chỉ là một vụ té sông chết đuối bình thường, không có dấu hiệu phạm tội, không có dấu hiệu hình sự, nên không khởi tố.

Ngày 5-9-2011

Sau cuộc họp buổi sáng, cơ quan điều tra  công an huyện Tân Trụ, một lần nữa khẳng định:

Đây là một vụ chết đuối bình thường nên không khởi tố vụ án. Lời khai của 12 người có mặt trên thuyền đều cho rằng chị Phượng tự té xuống sông chết đuối. Riêng hai ông Nguyễn Kim Đọan, Viện trưởng và ông Nguyễn Hương Giang, Viện phó VKSND huyện Cần Giuộc thì đang ghi lời khai.

Nhân chứng Trần Văn Út lập lại với phóng viên, Công an điều tra huyện không hề gặp tôi để lấy lời khai, mà chỉ có công an xã hỏi thăm vài câu rồi về.

Chính ông là người lên phà đầu tiên khi có người chết đuối, cũng chính ông yêu cầu phà phải đậu lại chờ ông chạy báo cho công an xã, bởi vì họ dự tính cho phà ra đi.

Ông Út cho biết, Đây không phải là một tai nạn, mà có sự níu kéo, xô đẩy làm cho nạn nhân té xuống sông.

Nói qua về Viện Kiểm Sát Nhân Dân

Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao (VKSND/TC) trực thuộc Quốc Hội. Chức vụ Viện Trưởng do QH bổ nhiệm với sự đề cử của Chủ tịch nước. Đó là lý thuyết, trên thực tế, tất cả các chức vụ nhà nước đều do đảng phân chia nhau nắm giữ.

Chức năng của VKSND.

- Kiểm sát hoạt động tư pháp của quốc gia.

- Thi hành quyền công tố. Tức là khởi tố những tội danh, từ việc cho bắt giam, điều tra, khởi tố ra toà xét xử.

VKSND có từ cấp quận, huyện đến Trung ương. Bộ phận công an điều tra dưới quyền VKSND, cho nên, vị thế và quyền lực của các KSND địa phương rất lớn.

7* Gia đình bức xúc và khiếu nại

Báo chí đưa tin, dư luận ở Long An rất bức xúc, vì đã hơn 10 ngày sau cái chết của cô gái trẻ mà 2 cán bộ VKSND huyện Cần Giuộc, ăn chơi trác táng, sa đọa, đến nay chưa được xử lý.

Ông Đinh Tấn Phước bức xúc: Cháu tôi chết rất bất thường. Tôi sẽ gởi đơn yêu cầu làm sáng tỏ nguyên nhân gây ra cái chết tức tưởi của cháu Phượng và yêu cầu xem xét lại nhân cách đạo đức của hai cán bộ liên quan.

8* Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao đang nắm sự việc

Ngày 31-8-2011

Viện KSND/TC đã điện thoại cho cơ quan điều tra huyện Tân Trụ để nắm tình hình vụ việc, và đề cập sự liên quan đến 2 cán bộ của VKSND huyện Cần Giuộc.

9* Về việc kỷ luật hai cán bộ

Huyện Ủy Cần Giuộc tỉnh Long An xác định, hai cán bộ ngành KSND nhậu nhẹt với các cô gái trên phà, rồi nhảy xuống sông tắm chung, cười giởn ồn ào là vi phạm đạo đức về lối sống của đảng viên, nên sẽ phải thi hành kỷ luật nghiêm khắc. Theo điều 17 trong Quy định số 115, thì 2 đảng viên Nguyễn Kim Đọan và Nguyễn Hương Giang đã vi phạm vào những điều nói trên.

Nói thì nói, nhưng chưa thấy thi hành như thế nào cả.

Nguyên nhân vụ chết đuối của cô gái trẻ có lẻ cũng cho chìm xuồng thôi, vì thông thường, chết đuối là do chìm xuồng. Chìm xuồng đi chung với chết đuối là lô gíc.

Đề cập đến những vụ việc ăn chơi bê tha, sa đọa trong thành phần cán bộ đảng viên, thì không thể nào bỏ qua được những điển hình độc đáo của thầy trò quan thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Việt Tiến và Tổng Giám Đốc Bùi Tiến Dũng được.

11* Căn phòng sa đọa của Bùi Tiến Dũng

Theo đơn tố cáo của một nữ sinh viên, thì quản lý nhà hàng Phố Núi đường Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa, Hà Nội, là phụ nữ tên Trang, đã dành phòng ngủ của vợ chồng bà để Tổng Giám Đốc Bùi Tiến Dũng tổ chức ăn nhậu và đánh bạc, cho nên rất kín đáo. Từ đó, nơi nầy biến thành Tổ quỷ, thường xuyên diễn ra những buổi tiệc quỷ với những màn vui chơi sa đọa vô tiền khoáng hậu trong làng ăn chơi.

Căn phòng cực kỳ sang trọng, luôn luôn có 4 cô rất đẹp do chính  quản lý dùng tay kiểm soát và tuyển chọn để phục vụ. Họ chỉ mặc quần lót mỏng tanh và để ngực trần.

Con bạc nào vận đen thì ngậm đầu nhũ hoa của các cô phục vụ để lấy hên. Nếu vận quá đen, thua liền mấy ván, thì xả xui bằng cách làm tình với cô phục vụ công khai ngay tại chiếu bạc.

Người nào hên, vừa thắng canh bạc, gom tiền, thì nhét vào quần lót các cô, khi thì tờ 100 đô, khi thì vài tờ 500 ngàn. Cho đến khi chiếu bạc ngừng sát phạt nhau, thì mấy cô mới được phép cổi quần lót lấy tiền ra đếm.

Nhiều con bạc vừa có máu mê cờ bạc, vừa có thói đa dâm, dùng thuốc kích dục, cả đêm xổ xui đến 4 lần.

Có trường hợp nữ sinh viên đi làm thêm kiếm tiền, không chịu được việc quan hệ tình dục công khai và miễn phí như thế, phản đối, nên bị quản lý Trang chửi bới thậm tệ, có người bị đánh đập nữa. Có một lần, quan Tổng Bùi Tiến Dũng đãi tiệc các quan lớn lãnh đạo nhà nước, bắt toàn bộ nhân viên nhà hàng phải ăn mặc thật đẹp, luôn luôn tươi cười và tận tâm phục vụ, sau bữa tiệc, tất cả nhân viên mỗi người được thưởng 100 đô, riêng quản lý tên Trang được thưởng chiếc Camry 3.0. mang số 29X-179.

Chủ nhà hàng Phố Núi nguyên là một nữ công nhân lao động hợp tác ở Liên Xô tên Đ. Đ đã ăn ở như vợ chồng với một quan chức VN qua tu nghiệp bên đó, và được ông cán bộ gộc nầy đưa về cho giữ chức Phó giám đốc một công ty du lịch. Sau đó, bà Đ thôi việc vì kỷ luật, và ra mở nhà hàng Phố Núi. Thấy nhân viên phục vụ tên Trang, 32 tuổi, người Nghệ An nầy có sắc đẹp nổi bật nhất, có khả năng tổ chức và quản lý, nên bà Đ. giao cho Trang toàn quyền quản lý nhà hàng nầy. Trang cũng phục vụ cho Tổng Dũng đúng theo ý muốn, nên được Dũng chọn làm nơi ăn chơi trác táng như trên. Cũng có dư luận cho rằng quản lý nầy là tình nhân của Tổng Dũng, nhưng chồng của bà Trang là ông Hồng Tuấn, 46 tuổi xác nhận dư luận đó không đúng sự thật.

Quản lý Trang rất mê cá độ bóng đá. Mỗi lần bị thua thì luôn mồm chửi mắng nhân viên bằng những lời lẻ tục tĩu vô học thức, vì có Tổng Dũng chống lưng cho nên không ai dám chống đối.

Thói ăn chơi sa đọa, bê tha không chỉ có một Tổng giám đốc PMU-18 Bùi Tiến Dũng, quản lý một tài khoản nợ quốc gia đến hàng tỷ đô la, mà còn là một phong trào đại trà lan rộng trong giới cán bộ đảng viên trên cả nước, chứng tỏ sự tha hoá, suy đồi cùng cực của đảng viên CSVN.

Bùi Tiến Dũng lấy tiền chùa để cung phụng, lo lót cấp trên để được tự do lộng hành, ăn chơi xả láng. Cờ bạc, cá độ bóng đá, lấy tiền bao gái, chỉ trong một tháng mà đốt đến 1.8 triệu đô la.

Trong một trận xem bóng đá, Bùi Tiến Dũng cá với đàn em, nếu tao hút thuốc, tao mất cho mầy 10 ngàn đô. Sau đó, hắn ta bình thản lấy thuốc ra hút, rồi vẫy tay cho đàn em 10 ngàn đô mà không thèm bận tâm.

Về gái đẹp, họ Bùi có gần 20 chân dài gồm diễn viên ca múa, ca sĩ, người mẫu, sinh viên. Trong đó có 4 chân dài được đại gia ưu ái thưởng cho biệt thự, căn hộ chung cư hoặc xe hơi.

Thầy nào trò đó

Bùi Tiến Dũng và hàng loạt các nhân vật trong liên minh ma quỷ đã từng nướng vào trò đỏ đen hàng triệu đô la, mà nhiều người chỉ nghe nói đến, nhưng ít có ai chứng kiến tận mắt những cách ăn chơi sa đọa đến bịnh hoạn của các quan tham đó. Một điển hình là ông thầy của Dũng là Nguyễn Việt Tiến. Thầy trò đúng là một cặp bài trùng,thầy nào trò đó ở vào trường hợp nầy quả không sai tí nào cả.

12* Thói ăn chơi bịnh hoạn của Nguyễn Việt Tiến

Nguyễn Việt Tiến là Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải. Cái ngông cuồng bịnh hoạn của thứ trưởng nầy được nhắc đến trong một bữa tiệc rửa ghế thứ trưởng tại nhà hàng Karaoke có tay vịn ở đường Bưởi.

Hôm đó, thứ trưởng cùng 5, 7 thuộc hạ, khi nhậu đã mát trời ông địa bằng rượu Tây đắt tiền, bắt đầu uống bia để chữa lửa. Ông Tiến bắt 4 cô phục vụ, trần truồng 100% ngồi trong những cái chậu, rồi thầy trò tưới bia để tắm những người đẹp. Khi các em đã được tắm rượu bia thỏa thích, ông trùm và các đệ tử dùng ly, cốc múc bia trong chậu, giơ lên cao, cùng nhau hô dzô dzô 100% , nốc cạn.

Mấy cha nội đó ngà ngà chếnh choáng say, cho dù có em nào nhịn không nổi, tè đại trong chậu bia, các quan vẫn không hay biết gì cả. Thông thường, khi thay đổi cảm giác bất ngờ giữa lạnh và nóng tác động vào cơ thể, thì con người mắc tiểu. Vì thế, ở các hồ bơi, mọi người đều phải đi qua những vòi nước lạnh để tiểu trước khi xuống hồ.

Chỉ có những tay giang hồ gan lì mới dám chơi bạo theo kiểu dơ bẩn đó mà thôi.

13* Lãnh đạo nổi máu anh hùng

Một hôm, Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến cùng đàn em đến nhà hàng Karaoke có tay vịn. Chủ nhà hàng đã đổi tay vịn đến 3 lần nhưng quan cán bộ khó tính vẫn chưa ưng ý, cô thì bị chê là thô, cô bị chê là không cao, tay vịn bị chê là có nước da bánh mật…Ông Tiến yêu cầu tất cả các tay vịn phải ra trình diện để ông chọn, thế nhưng cuối cùng, ông không chấm được cô nào cả. Bị mất hứng, ông nhấp 1 chai bia rồi dùng chai giáng một cú thần sầu vào mặt làm cho chủ nhà hàng Nguyễn Văn Hiền gảy mấy 2 cái răng cửa. Ông bảo rằng đó là bài học để rút kinh nghiệm kinh doanh về sau.

Vụ việc bị ém nhẹm. Chủ nhà hàng bị gảy răng nhưng phải ngậm bồ hòn với ít tiền bồi dưỡng vì thân phận của người dân thấp cổ bé miệng.

Những người đã từng ca ngợi đảng CSVN quang vinh, cán bộ là đầy tớ của nhân dân, là đại diện của giai cấp vô sản, của người lao động…phải ngượng miệng và không còn mạnh dạn to tiếng tự ca ngợi mình như trước kia nữa. Đội tiên phong của giai cấp vô sản đã mục rã và biến thái.

14* Ăn chơi sa đọa của hiệu trưởng Sầm Đức Xương

Sầm Đức Xương là cán bộ giáo dục, hiệu trưởng trường Trung học Phổ thông Việt Vinh, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. Sầm nọc trư là một thầy giáo hoang dâm vô độ. Trong một thời gian dài đã liên tục quan hệ tình dục với gần 10 học sinh, trong đó có nhiều bé gái ở tuổi vị thành niên.

Mua dâm học sinh, rồi biến học sinh thành những người môi giới, dẫn dắt những em khác vào việc bán trinh. Thầy Nọc Trư nầy còn dùng văn phòng làm nơi hành lạc, thật là vô giáo dục và mất dạy. Cả thế hệ học trò dưới mái trường Xã hội chủ nghĩa của thầy, cả thầy lẫn trò đều vô giáo dục, vì thầy không dạy mà còn làm hư hỏng con người XHCN tương lai của chế độ.

Thật là chưa có thời kỳ nào trong lịch sử ngành giáo dục VN lại xuống cấp một cách tệ hại đến như vậy cả.

15* Cán bộ đảng viên luôn luôn rèn luyện theo gương đạo đức bác Hồ

Hội Nghị Trung Ương 6 khoá VIII bàn về việc cấp bách trong việc xây dựng đảng. Quyết định mở một cuộc vận động chỉnh đốn đảng.

Văn kiện Đại Hội X của đảng nêu ra cụ thể như sau:

Tình trạng thoái hóa về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, bịnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chạy theo danh vọng, mua bán chức quyền… vẫn còn khá phổ biến trong bộ phận cán bộ đảng viên.

Bộ Chính Trị Khoá X đã ra Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 17-11-2006 về việc tổ chức một cuộc vận động Học tập và làm theo gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Chính vì học tập theo gương bác Hồ vĩ đại, mà cán bộ hư hỏng đến như thế. Cụ thể là về gái, bác đã có ít nhất 5 người vợ không bao giờ cưới. Bác chuyên môn chơi chạy. Không dám nhận trách nhiệm làm chồng, làm cha. Một con người bỏ vợ, từ con, coi phụ nữ chỉ là một món đồ chơi để thoả mãn dâm dục. Chơi xong lại bỏ, Bộ Chính Trị luôn tìm gái cho bác. Cũng có nguồn tin, đảng bộ miền Nam đã có gởi ra Hà Nội cho bác hai trái vú sữa miền Nam, nhưng trên đường đi, đồng chí Võ Văn Kiệt, đã cầm lòng không đậu, nên đã phổng tay trên, xơi táí 2 trái vú sữa.

Chính bác là người đã chà đạp nhân phẩm phụ nữ và được xếp vào hạng xếp sòng trên thế giới.

16* Kết

Trong khi cán bộ đảng viên trở thành những đại gia tư bản đỏ, tiền rừng bạc bể do tham ô, làm ăn bất chánh, sống xa hoa phung phí đến sa đọa, bằng cách vung tiền qua cửa sổ, trước cái nghèo đói của nông dân và người lao động, thì một thế hệ tiếp nối hình thành, đó là các thiếu gia.

Cách ăn chơi của các thiếu gia là những tấm gương xấu lôi kéo đám thanh thiếu niên đua đòi, vào đời sống trụy lạc, biến xã hội VN ngày nay đạo đức dân tộc suy đồi đến cùng cực. Không ai hành xử có trách nhiệm đến sinh mạng của người khác, sống chết mặc bây tiền thì cứ bỏ túi.

Tác dụng của đảng CSVN thật là nguy hại vô cùng cho dân tộc. Đảng CSVN cũng thừa hiểu rằng quần chúng nhân dân không còn tin tưởng vào những khẩu hiệu của đảng nữa, cho nên đảng cai trị bằng chế độ công an trị, thẳng tay trấn áp bằng bạo lực và tiến hành một chính sách bưng bít, lừa bịp.

Đảng nhìn trong quần chúng nhân dân, chỗ nào cũng có những thế lực thù địch cả, ngay cả những tướng lãnh, văn nghệ sĩ và thành phần ưu tú của xã hội VN là các trí thức chân chính, một lòng yêu nước, cũng bị xem như thế.   

Cái sai đậm của đảng CSVN là buộc cán bộ đảng viên học tập theo gương đạo đức của một thần tượng đã bị sụp đổ, một pho tượng trống rổng chỉ còn làm cái bia để cho miệng đời mai mỉa.

Cán bộ đảng viên ăn chơi, nhậu nhẹt sa đọa là do tham nhũng. Cán bộ tham nhũng không còn là một điều lạ, mà điều lạ là cán bộ không tham nhũng.

Thật là hết thuốc chữa!

Trúc Giang

Minnesota ngày 20-11-2011