THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

21 January 2013

Nhân một phiên toà nói về sửa đổi Hiến Pháp



"Chẳng có ai đủ sức phỉ báng và làm suy yếu chế độ 
Cộng sản hơn những người đang nhân danh và bảo vệ chế độ đó". 

Lê Thăng Long - Nếu theo lập luận mà Viện Kiểm sát đã cáo buộc chúng tôi thì không khéo sắp tới đây hàng ngàn người tham gia góp ý sửa đổi hiến pháp có thể đứng trước nguy cơ bị truy tố là những người tích cực hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân theo khoản 2 điều 79 bộ luật hình sự. Còn những người chủ trương sửa đổi hiến pháp có thể bị kết tội theo khoản 1 của điều này là những người chủ mưu cầm đầu. Nếu lập luận này là đúng và pháp luật nghiêm minh thì Tổng bí thư có thể phải ra tòa và đối diện với án tử hình, các đại biểu quốc hội có thể bị chung thân. Những người tham gia soạn thảo hiến pháp sửa đổi có thể nhận 12 đến 20 năm tù...

*

Ngày này 3 năm trước (20/1/2010) đã diễn ra một phiên tòa đình đám lần đầu tiên xét xử một vụ án bị cho là lật đổ chính quyền nhân dân bằng diễn biến hòa bình. Những người bị cáo buộc là Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định và Lê Thăng Long. 

Cốt lõi của lập luận do bên công tố đưa ra là những người này đã lợi dụng Internet và sử dụng những thủ đoạn bất bạo động nhằm thay đổi các chế độ chính trị, kinh tế, xã hội của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do hiến pháp 1992 quy định. 

Những sự phi lý, bạo ngược và vi phạm luật tố tụng hình sự của phiên tòa này đã được nói nhiều, cũng giống như tất cả các phiên tòa xử các vụ án chính trị khác. Nhân lúc đảng và nhà nước phát động lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi hiến pháp, tôi muốn nói về một khía cạnh của vụ án này liên quan đến sự kiện này. 

Nếu theo lập luận mà Viện Kiểm sát đã cáo buộc chúng tôi thì không khéo sắp tới đây hàng ngàn người tham gia góp ý sửa đổi hiến pháp có thể đứng trước nguy cơ bị truy tố là những người tích cực hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân theo khoản 2 điều 79 bộ luật hình sự. Còn những người chủ trương sửa đổi hiến pháp có thể bị kết tội theo khoản 1 của điều này là những người chủ mưu cầm đầu. Nếu lập luận này là đúng và pháp luật nghiêm minh thì Tổng bí thư có thể phải ra tòa và đối diện với án tử hình, các đại biểu quốc hội có thể bị chung thân. Những người tham gia soạn thảo hiến pháp sửa đổi có thể nhận 12 đến 20 năm tù. Vì đây là loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, có thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đến 20 năm nên nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cũng có thể bị hồi tố vì đã ký thông qua bản sửa đổi hiến pháp 1992 vào năm 2001 với rất nhiều điều khoản thay đổi các chế độ kinh tế, chính trị của hiến pháp trước đó!? 

Rõ ràng cái lập luận như trên quá dễ bị bẻ gãy cho nên tại phiên tòa 3 năm trước hội đồng xét xử đã không dám để chúng tôi tranh luận. Khi anh Thức đặt đến vấn đề này thì bị gạt ngay, anh tiếp tục nói thì bị đuổi về chỗ. Do vậy anh chỉ còn có thể nói lúc nói lời cuối cùng rằng những lập luận ép buộc như vậy là cường quyền và anh còn sẽ chống sự cường quyền đến khi nào anh còn thấy nó, chứ anh chẳng có tội gì. Còn tôi thì khẳng định rằng điều 4 hiến pháp hiện hành không ngăn cản sự hoạt động hợp pháp của các đảng chính trị khác ngoài đảng Cộng sản Việt Nam, ngay cả mục đích của họ là nhằm thay đổi cái điều 4 này đi nữa. Do vậy kết tội tôi hay bất kỳ ai khác vì muốn thay đổi điều này là vừa vi hiến vừa phạm luật. Còn anh Định thì sâu sắc hơn khi cho thấy rằng nếu một bản hiến pháp như vậy có thể dùng để kết tội mong muốn chính đáng của người dân thì họ rõ ràng bị mang tội trước bản hiến pháp. Nhưng cũng chính vì thế mà hiến pháp đó phải thay đổi. 

Đại diện Viện Kiểm sát tại phiên tòa nhiều lần ấp úng khi bị chúng tôi hỏi ngược lại nhưng chủ tọa phiên tòa ngay lập tức nhảy vào cứu bồ bằng cách rất thô thiển là gạt ngang. Khi Viện Kiểm sát nói rằng anh Thức có mục đích viết quyển sách Con đường Việt Nam để kiến nghị đến Chủ tịch nước thực hiện theo đường lối trong cuốn sách, tức là thủ đoạn thay đổi chế độ, thì anh Thức hỏi ngược lại rằng nếu như vậy viện kiểm sát xem Chủ tịch nước là một mắt xích quan trọng cho việc lật đổ, là đồng phạm. Sao không truy tố? Chủ tọa phiên tòa can thiệp bằng cách nói là bị cáo chỉ được trả lời chứ không được hỏi!!! 

Một hội đồng xét xử như vậy đã tự chứng minh sự đúng đắn của điều mà anh Thức yêu cầu lúc khai mạc phiên tòa, là phải thay đổi tất cả hội đồng xét xử bằng những người không phải đảng viên đảng Cộng sản Việt nam, vì đây là một vụ án xét xử việc bị cho là lật đổ chính quyền do đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Chủ tọa phiên tòa đã ấp úng một lát rồi nhờ luật sư thuyết phục anh Thức rút lại lời yêu cầu. Nhưng anh vẫn giữ. Hội đồng xét xử phải vào họp thảo luận rồi ra tuyên bố rằng yêu cầu của anh Thức là không có cơ sở, hội đồng xét xử có đủ căn cứ pháp lý để bác bỏ yêu cầu đó. Khi về trại giam Xuân Lộc cùng nhau, anh Thức hỏi anh Định rằng có những điều luật nào để làm căn cứ pháp lý nói trên không. Anh Định nói vui rằng chắc lúc vào thảo luận họ tự tuyên bố tạm thời ra khỏi đảng Cộng sản Việt Nam. Sau phiên tòa, một trung tá an ninh điều tra đã phải thừa nhận với tôi rằng yêu cầu của anh Thức là hoàn đúng luật và hợp lý nhưng điều kiện lúc đó không cho phép để thực hiện được như vậy. Họ luôn tự cho phép mình đặt ra những điều kiện để đạp lên pháp luật như thế. 

Nếu bạn được ở trong phiên tòa mà chứng kiến mọi diễn biến của nó thì bạn sẽ nghe thấy những điều phi lý đến nực cười. Cá nhân tôi đã nhiều lần không nhịn được cười và cũng làm cho mọi người phải bật cười. Nói thật là chúng tôi cảm nhận rằng phiên tòa này chẳng khác gì một vở tuồng vừa bi, vừa hài. Có rất nhiều những vấn đề của bản án này mà thân phụ anh Thức, bác Trần Văn Huỳnh đã viết ra trong đơn yêu cầu giám đốc thẩm nhưng tất cả đều không được trả lời ngoại trừ mấy chữ “đúng người đúng tội”. 

Đó là chưa kể sự chế giễu pháp luật của những người tiến hành tố tụng. Cơ quan an ninh dùng mọi cách để ngăn cản, không cho chúng tôi mang theo bản cáo trạng ra tòa. Anh Thức đã nêu vấn đề này ra và yêu cầu dừng phiên tòa qua hôm sau để hội đồng xét xử phải đảm bảo được cho chúng tôi điều kiện tối thiểu để tự bào chữa. Hơn nữa lúc đó cũng đã hơn 6 giờ tối. Chủ tọa phiên tòa đáp ứng yêu cầu này bằng cách đuổi anh Thức về chỗ và tước luôn thời gian tự bào chữa của anh rồi vội vàng tuyên án. Bao nhiêu đó cũng thấy sự đuối lý của bên công tố và tòa án là điều mà họ đã tự biết trước nên dùng mọi thủ đoạn để hạn chế khả năng tranh luận của bên bị cáo. Trong hồi ký Đường dài đến với tự do của Nelson Mandela kể lại, ông cũng phải ra tòa và đối diện với án tử hình. Giữa phiên tòa ông bất ngờ từ chối sự biện hộ của luật sư và yêu cầu tòa đảm bảo điều kiện cho ông tự bào chữa. Phiên tòa hơn nửa thế kỷ trước của một trong những chế độ độc tài bị phỉ báng nhất thế giới - chế độ phân biệt chủng tộc Aparthei đã phải tạm dừng trong mấy tuần để thực hiện yêu cầu của ông. Thời gian đó ông được đưa khỏi phòng giam chật hẹp để ở trong một phòng có đầy đủ sách luật cần thiết, và được bố trí gặp bất kỳ bạn tù nào để thiết lập lời chứng cho việc biện hộ của mình. Ông còn được xe đưa đón về văn phòng làm việc của mình cách nhà giam đến mấy chục cây số để tìm kiếm chứng cứ bảo vệ mình. Trong khi đó trong tù sách luật đối với chúng tôi là cấm kỵ, và bị cách ly hoàn toàn với nhau vì họ sợ thông cung. Anh Thức yêu cầu tạo điều kiện để anh ấy đưa bằng chứng chứng minh vô tội ra tòa và bị lơ đi mà không một lời giải thích. 

Khi tôi ra tù, những người bạn nước ngoài của tôi điện thoại thăm hỏi. Tôi kể họ nghe về phiên tòa như trên. Họ ngạc nhiên đến sửng sốt và nói rằng không thể ngờ đến thế kỷ 21 rồi mà vẫn còn những phiên tòa mà họ chỉ được nghe trong lịch sử của mấy trăm năm trước. Rồi cuối cùng họ nhận định: "Chẳng có ai đủ sức phỉ báng và làm suy yếu chế độ Cộng sản hơn những người đang nhân danh và bảo vệ chế độ đó". 

Phiên tòa này, cũng như rất nhiều các phiên tòa tương tự, vì vậy chẳng bao giờ đủ cơ sở pháp lý để có giá trị, sớm muộn gì cũng bị hủy bỏ. Nhưng điều mà nó đã làm rất hiệu quả là hủy hoại cơ hội để có thể tránh cho đất nước một tình trạng tồi tệ như hiện nay. Một khi cường quyền còn tồn tại thì bất kỳ điều phi lý nào cũng có thể xảy ra. Nếu một lúc nào đó mà những kẻ cơ hội khống chế được hoàn toàn quyền lực trong tay thì những phiên tòa nực cười như cách đây ba năm hoàn toàn có thể tái diễn nhưng lúc đó các bị cáo sẽ có thể từng là đồng chí của những kẻ cơ hội. Những phiên tòa như vậy không những sẽ chôn chế độ mà còn chôn luôn những đối thủ đã từng cố gắng ngáng chân những kẻ nắm quyền bính tối cao mới. Những bị cáo đó rất có thể sẽ trở thành nạn nhân của chính những giáo điều của mình bây giờ. 

Đã đến lúc, nếu không muốn bị lật đổ thì phải trả lại quyền lực cho nhân dân để đất nước có thể nhanh chóng vượt qua khủng hoảng nhằm đưa nhân dân thoát khỏi khó khăn và bảo vệ được đất nước. Càng trì hoãn thì càng tiếp thêm sức mạnh cho những kẻ cơ hội đang tiếp tay cho ngoại bang và càng kéo dài sự khốn khổ của nhân dân. 

Tức nước thì vỡ bờ. Mọi sự vận động của xã hội đều có qui luật của nó mà chẳng ai có thể chống lại được. Và chẳng có cách gì thắng được những kẻ cơ hội tham nhũng trong tình thế hiện nay nếu không dựa vào nhân dân. Muốn vậy phải trả lại quyền lực cho nhân dân. Đó là việc mà bản hiến pháp sửa đổi phải làm. 


Băn khoăn cảng tỉ đô

Nếu xây cảng Lạch Huyện (vốn đầu tư ban đầu 2 tỉ USD, tương đương hơn 40.000 tỉ đồng), TP Hải Phòng sẽ không còn “lỗ mũi” nào để thở, ảnh hưởng toàn diện đến tăng trưởng kinh tế của cực phát triển này
Thời gian qua, dư luận tỏ ra quan ngại về việc xây dựng cảng nước sâu Lạch Huyện (Hải Phòng) bởi vừa không có hiệu quả kinh tế lại vừa tác động lớn đến môi trường sinh thái.
Những dấu hiệu bất thường
Dự án đầu tư xây dựng công trình cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng giai đoạn khởi động có 2 hợp phần: Hợp phần A (luồng tàu, vũng quay tàu, đê chắn sóng, đê chắn cát, đường ngoài cảng) do Cục Hàng hải làm chủ đầu tư và hợp phần B (cầu cảng, đường bãi, thiết bị trong cảng) do liên doanh giữa Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam và đối tác Nhật Bản - Công ty Molnykit đại diện.
Hội Xây dựng trực thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) là tổ chức đầu tiên quan tâm phản biện dự án cảng Lạch Huyện. Trong quá trình tham vấn, lãnh đạo Bộ GTVT 4 lần thúc ép, thuyết phục lãnh đạo Hội Xây dựng ký công văn xác định cảng Lạch Huyện là công trình “cấp bách” (!?). Gần đây, lãnh đạo Trung ương MTTQ Việt Nam dự định tổ chức hội thảo về cảng Lạch Huyện theo đúng chức năng giám sát và phản biện nhưng Bộ trưởng Bộ GTVT lại khuyến cáo “không nên làm” (!).
Các nhà khoa học trong một chuyến thị sát vị trí dự kiến xây cảng Lạch Huyện. Ảnh: TRỌNG ĐỨC
Báo cáo tác động môi trường (ĐTM) chưa được Hội đồng Thẩm định đánh giá phê duyệt, Bộ GTVT đã “phạm quy” cho mở gói thầu số 6: Đê chắn sóng đoạn A, kè bảo vệ bờ, tường chắn đất, tôn tạo xử lý nền, bến công vụ, đường sau cảng, hạ tầng điện nước. Thiết kế do các đơn vị tư vấn bao gồm các công ty: Oriental Consultants, Nippon Kei, Padeco, Japan Bridge & Structure Institute, Inc.
Đơn vị thẩm tra: Công ty CP Tư vấn Thiết kế Cảng - Kỹ thuật biển (Portcoast). Có thể nói, chưa có hội đồng nào liên quan đến ĐTM lại phải trải qua 2 phiên họp kỹ thuật, một đợt đi khảo sát thực địa nhưng đến phiên họp thẩm định chính thức ngày 15-1 vừa qua vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận về dự án nhạy cảm, phức tạp nói trên. Hội đồng làm việc nghiêm túc, đúng theo quy trình, kết quả bỏ phiếu 68% tán thành thông qua nhưng phải sửa chữa bổ sung khoảng 20 điểm (chưa kể các góp ý chi tiết của từng thành viên hội đồng).
Theo thông lệ, các hội đồng ĐTM thường 100% đồng ý thông qua có sửa chữa và chủ đầu tư khi nộp lại báo cáo chỉ cần thông qua chủ tịch hội đồng và 2 phản biện là đủ nhưng lần này thì báo cáo chỉnh sửa phải được toàn thể hội đồng họp kỳ tới, nếu hội đồng chấp nhận thì Bộ Tài nguyên - Môi trường mới ra quyết định phê chuẩn báo cáo ĐTM.
Nhiều sai lầm “chết người”
Trong phạm vi bài báo này, tôi chỉ điểm lại một số ý kiến chính của các thành viên hội đồng. Việc lựa chọn vị trí Lạch Huyện (một lạch thủy triều xưa) làm tiền cảng nước sâu của cụm cảng Hải Phòng mà không phải là cửa Nam Triệu và Đình Vũ chắc chắn sẽ vấp phải sai lầm về mặt chiến lược. Các bài học sử dụng 5 cửa sông chính đổ ra biển từ mảnh đất Hải Phòng trong 20-30 năm qua đã cho thấy những thất bại của sự can thiệp bởi con người đối với dải đất ven biển giàu tiềm năng này.
Bắt đầu từ hiện tượng nông hóa và bồi lấp không còn khái niệm cửa sông Thái Bình theo đúng nghĩa của nó, đến đắp đập Đình Vũ (năm 1978) lấp cửa sông Cấm - một trong những cửa luồng chính vào cảng Hải Phòng gây sa bồi nghiêm trọng đối với vùng cửa Nam Triệu - luồng chính vào cảng Hải Phòng hiện nay và làm thay đổi toàn cảnh bức tranh phân bố phù sa trong diện rộng của vùng cửa sông hình phễu Bạch Đằng (từ Bắc Đồ Sơn đến Lạch Huyện).
Các nhà khoa học trong một chuyến thị sát vị trí dự kiến xây cảng Lạch Huyện Ảnh: TRỌNG ĐỨC
Cửa Nam Triệu (cửa mở chính của hệ cửa sông hình phễu Bạch Đằng) bị sa bồi nông dần, đến nay chỉ còn sâu 2,5-2,7 m, sẽ rất khó khăn cho tàu thuyền qua lại, đặc biệt là tàu trọng tải lớn, ảnh hưởng lớn đến vị thế của TP biển Hải Phòng. Gần 150 năm về trước, nhà địa lý hàng hải người Pháp Gouru trong một chuyến khảo sát luồng lạch đã cắm sào và không lầm lẫn khi nói rằng nơi đây (bến Ninh Hải xưa) chính là địa điểm đẹp nhất để làm cảng nước sâu ở phía Bắc châu thổ sông Hồng và Bắc Việt Nam. Bức tranh ảm đạm về sa bồi vùng cảng Hải Phòng do các sai lầm về khai thác, sử dụng không hợp lý và quản lý phát triển thiếu hiệu quả dải đất ven biển này gây ra mà những bài học thất bại nhãn tiền của nó chưa được cân nhắc cho việc chọn vị trí tiền cảng nước sâu của hệ thống cảng Hải Phòng hiện giờ.
Kéo theo sai lầm nói trên đáng lẽ cần nói cả về tác động kinh tế khi phải tốn kém xây dựng một loạt công trình phụ trợ cho cảng này bằng ngân sách Nhà nước và vốn vay ODA (đường, công trình…). Cách làm này vẫn là để giải quyết tình thế như đã nói trên: lấp cửa Cấm thì đi cửa Nam Triệu, mất cửa Nam Triệu thì đào kênh Cái Tráp, hỏng kênh Cái Tráp thì đào kênh Hà Nam hiện nay và Lạch Huyện 20 năm nữa sẽ lặp lại bài học nói trên. Khi đó, TP Hải Phòng không còn “lỗ mũi” nào để thở và cái thế “cửa ngõ hướng biển” sẽ bị đe dọa nghiêm trọng, ảnh hưởng toàn diện đến tăng trưởng kinh tế của một “cực phát triển” trong bình đồ tổ chức lãnh thổ duyên hải mang tầm chiến lược của đất nước.
Chất lượng quy hoạch cảng (dự báo lượng hàng) cũng đang là dấu hỏi lớn. Dự án đầu tư xây dựng công trình cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng - giai đoạn khởi động - là dự án rất lớn (hàng tỉ USD) trong bối cảnh đất nước đang gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế thì việc gấp rút triển khai liệu có hợp lý hay không? Trong khi đó, việc vận chuyển hàng của các công ty vận tải lớn của chúng ta trong giai đoạn này đang gặp nhiều khó khăn, nhiều tàu chở hàng loại lớn bị bỏ hoang cả trong nước và nước ngoài, không có lương cho thủy thủ...
Tác động của việc nạo vét 40 triệu m3 bùn cát (kể cả thành phần kim loại nặng) đến môi trường xung quanh và phương án đổ ra biển chưa thuyết phục. Báo cáo chưa đề cập vấn đề đổ thải ở vị trí khác. Báo cáo hoàn toàn thiếu các biện pháp giảm thiểu tác động xấu do dự án đối với Vườn Quốc gia Cát Bà, Khu Bảo tồn biển, Khu Dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà - Long Châu, Khu Di sản Thiên nhiên thế giới Cát Bà, các bãi tắm...
Mô hình đã không tính tới bùn cát từ sông ra biển và tác động của dòng chảy sông trong đoạn sông nhân tạo mới hình thành do xây dựng cảng + đê chắn sóng + đê chắn cát cùng nạo vét sâu lòng dẫn thành luồng tàu...
Tư vấn sử dụng phần mềm IDEA (chưa được kiểm nghiệm ở Việt Nam) tính toán dòng chảy và bùn cát 3 chiều nhưng kỹ thuật tính toán chưa tiên tiến. Lưới tính theo phương ngang vuông góc không mô phỏng tốt khu vực gần bờ. Lưới tính theo phương đứng không đúng phép biến hình nên các lớp lưới cũng nằm ngang một cách cứng nhắc dẫn đến vùng sát đáy cũng như vùng sát mặt nước mô phỏng không tốt. Tài liệu cơ bản đầu vào không chuẩn xác, không đưa ra được kết quả hiệu chỉnh bộ thông số và bộ thông số mô hình đã hiệu chỉnh. Các kết quả mô phỏng sai nhiều so với các số liệu thực đo.
Phải có ý kiến của Quốc hội
Theo quy định của Nghị quyết 49/2010/QH12 ngày 19-6-2010 của Quốc hội thì các dự án, công trình quan trọng quốc gia phải trình Quốc hội xin ý kiến chủ trương đầu tư. Để lách luật, chủ đầu tư đã tách dự án cầu Tân Vũ - Lạch Huyện do Tổng cục Đường bộ quản lý nguồn vốn. Trong thực tế, dự án cầu Tân Vũ - Lạch Huyện là tuyến đường kết nối cảng cửa ngõ này với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, là hợp phần cầu đường của dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cảng Lạch Huyện. Do đó, tổng số vốn cho dự án cảng Lạch Huyện đã vượt trên 40.000 tỉ đồng (nếu được thực thi, chắc chắn sẽ còn tăng lên nữa).
Xét tiêu chí về nguồn vốn và tiêu chí tác động lớn đến môi trường sinh thái, nhất là UBND TP Hải Phòng mới trình UNESCO về đề nghị công nhận Khu Di sản Thiên nhiên thế giới Cát Bà - Long Châu thì dự án cảng Lạch Huyện bắt buộc phải xin ý kiến chủ trương về đầu tư của Quốc hội.
TS TÔ VĂN TRƯỜNG

“Phố giấy tờ giả” lại nhộn nhịp


Chủ Nhật, 20/01/2013 22:29

Tại TP Biên Hòa - Đồng Nai, nếu ai có nhu cầu sửa CMND hoặc giấy phép lái xe, các “dịch vụ đen” sẽ… sẵn sàng đáp ứng

“Phố giấy tờ giả” ở TP Biên Hòa, nơi Báo Người Lao Động từng có loạt bài phản ánh về tình trạng “sản xuất” giấy tờ giả, sau một thời gian lắng xuống nay trở lại hoạt động nhộn nhịp.
“Thổi” thế nào cũng được!
Đường Bùi Văn Hòa (phường An Bình - TP Biên Hòa) nằm trên khu phố đông đúc, tập trung nhiều điểm photocopy, chụp ảnh và các trung tâm môi giới việc làm, cung ứng lao động nằm san sát nhau, luôn đông khách.
Chiều 16-1, chúng tôi bước vào một trung tâm cung ứng lao động, lách khỏi những người đang chờ môi giới việc làm và nói nhu cầu muốn thay đổi thông số trên CMND và giấy phép lái xe. Một nữ nhân viên khoảng 20 tuổi đon đả: “Đưa đây em xem, thay đổi ngày tháng năm sinh, mỗi chữ số giá 100.000 đồng, tuần sau đến lấy”. Khi nghe chúng tôi bảo mình muốn thay đổi cả… dãy số CMND gồm 9 chữ số, cô nhân viên tặc lưỡi: “Thế này thì phải mất nhiều tiền đấy, 900.000 đồng, chỉ có thể bớt cho anh chút đỉnh thôi”.
Nữ nhân viên một trung tâm cung ứng lao động trên đường Bùi Văn Hòa đang gọi điện để nhận sửa CMND cho khách
Tại một trung tâm giới thiệu việc làm khác cũng trên đường Bùi Văn Hòa, khi nghe chúng tôi nói muốn thay đổi toàn bộ dãy số CMND, một nữ nhân viên nói: “Thay đổi dãy số màu đỏ này thì đắt tiền lắm, nếu chỉ làm vài số, cụ thể là ngày tháng năm sinh màu đen thì chỉ vài chục ngàn đồng/số, còn số màu đỏ thì khó hơn nhiều”. Bước vào một điểm cung ứng lao động trên đường Vũ Hồng Phô (phía trước Trường Trung cấp Chính trị, thuộc phường Bình Đa), sau khi nghe yêu cầu của chúng tôi, nữ nhân viên gọi điện thoại cho người nào đó, rồi đồng ý thay đổi dãy số màu đỏ với giá 500.000 đồng.
Đến một trung tâm giới thiệu việc làm khác trên đường Vũ Hồng Phô, lần này chúng tôi đề nghị thay hẳn bức hình chân dung trên CMND và giấy phép lái xe vô chủ mà chúng tôi có được. Nam nhân viên quản lý tại đây gật đầu rồi ra giá 1 triệu đồng. Chúng tôi hỏi: “Thay hình của người khác, thay tên đổi họ như vậy không sợ à? Còn dấu nổi trên CMND nữa, có làm được không?”. Người này lạnh lùng: “Thổi CMND, sửa giấy phép lái xe, làm được cả. Có cầu thì có cung (!)”.
Cùng một đường dây
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khách hàng của những “dịch vụ đen” này đa số là công nhân đến từ các miền quê để xin việc làm nhưng chưa đủ tuổi lao động. Các công nhân nhỏ tuổi chỉ cần bỏ ra khoảng 100.000 đồng để nhờ thay đổi số cuối của năm sinh sẽ được các công ty nhận vào làm việc. Ngoài ra, không loại trừ có những đối tượng phạm tội muốn thay đổi họ tên, năm sinh để qua mặt cơ quan pháp luật. Khi đi thực tế, chúng tôi tiếp cận nhiều người và nhận thấy việc “thổi” CMND không hề xa lạ với họ.

CMND của một nữ công nhân được sửa năm sinh từ 1996 thành 1993 và một CMND khác đã bị mờ số,
được “dịch vụ đen” trên đường Vũ Hồng Phô “hô biến” thành một số hoàn toàn khác

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nếu việc làm giả hoàn toàn các giấy tờ, tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức phải chuẩn bị công phu, áp dụng trình độ tin học công nghệ cao và sản phẩm “gần như thật” thì việc “thổi” giấy tờ đơn giản hơn nhiều. Việc “hô biến” các giấy tờ chỉ cần một chút khéo léo khi bóc lớp giấy ép trên các giấy tờ này, dùng hóa chất tẩy các con số rồi in các chữ số mới bằng những khuôn đã đúc sẵn là đã “như thật”.
Thậm chí, những chữ số, dấu mộc có nhòe nhoẹt, có dấu hiệu làm giả cũng chẳng ai “săm soi” làm gì! Cũng chính vì vậy, lợi dụng tình trạng này, nhiều kẻ giang hồ, thậm chí tội phạm, đều dùng chiêu thức đơn giản này để dễ dàng thay tên đổi họ. Một số thành phần bất hảo còn dùng cách này để xin vào làm bảo vệ ở các công ty để… ăn trộm.
Gần 1 tuần sau, khi quay lại các điểm đã để lại các loại giấy tờ để “thổi”, lấy lại CMND và giấy phép lái xe đã được thay đổi cả dãy số, chúng tôi ngỡ ngàng khi thấy những con số “ảo” sáng rõ chẳng khác gì số thật. Tuy nhiên, khi đến điểm đã để lại CMND yêu cầu thay hình chân dung, chúng tôi bắt gặp vẻ mặt rầu rĩ của nam nhân viên: “Rất tiếc không làm được anh ạ, nghe tin báo chí đang điều tra nên dừng lại, không dám làm”.
Vài ngày sau, chúng tôi đem CMND đến 2 tiệm khác để tiếp tục thay hình, sau khi liên lạc bằng điện thoại, các nhân viên đều từ chối: “Tạm thời không làm anh ạ, cái này hôm trước đem đến rồi mà. Cùng chung một chỗ mà…”.
Vi phạm pháp luật
Đồng Nai là một trong những địa bàn phức tạp về lưu hành các loại giấy tờ, con dấu giả. Đã có rất nhiều vụ lừa đảo lớn bằng thủ đoạn dùng giấy tờ giả bị phát hiện, khởi tố. Nhiều đường dây làm sổ đỏ, bằng đại học bị phanh phui. Thời gian qua, sau khi báo chí phản ánh, công an vào cuộc, tình trạng “sản xuất” giấy tờ giả đã giảm. Tuy nhiên, việc “hô biến” giấy tờ từ thật sang giả như chúng tôi đề cập thì vẫn nở rộ. Theo một lãnh đạo Công an tỉnh Đồng Nai, có thể những kẻ hám lợi vẫn móc nối, tiếp tay cho một vài đường dây làm giấy tờ giả. “Có thể các chủ tiệm này nghĩ đơn giản là hành vi của họ có quy mô nhỏ nên cơ quan chức năng không mấy để ý. Tuy nhiên, việc tham gia thay đổi bất kỳ tiểu tiết nào trên CMND, giấy phép lái xe là vi phạm pháp luật”- vị lãnh đạo này nói.
Thượng tá Trần Hữu Danh, Trưởng Công an TP Biên Hòa, cho biết trong thời gian qua, đơn vị đã rất nỗ lực dẹp bỏ tệ nạn làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức trên địa bàn. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số dấu hiệu cho thấy hiện tượng này vẫn tồn tại.
Bài và ảnh: XUÂN HOÀNG

"Sứt đầu mẻ trán" vì đường xấu

Nhiều độc giả Báo Thanh Niên bức xúc phản ánh tình trạng đường Nguyễn Văn Bứa, đoạn từ cầu Lớn đến cầu đúc Nhỏ thuộc xã Xuân Thới Sơn, H.Hóc Môn và xã Phạm Văn Hai, H.Bình Chánh, TP.HCM xuống cấp trầm trọng, mặt đường xuất hiện nhiều “ổ trâu” khiến người chạy xe 2 bánh thường xuyên bị sụp té, tai nạn, ngày nào cũng có người té sứt đầu mẻ trán.
Đây là tuyến đường mật độ phương tiện rất cao, do gần các khu dân cư đông đúc, tập trung nhiều nhà máy, xí nghiệp, nhất là các khu công nghiệp giáp ranh TP.HCM và Long An…
Chị Nguyễn Thị Anh Thúy, ngụ xã Xuân Thới Sơn, cho biết đã 4 năm nay chính quyền địa phương nhiều lần họp dân công bố chuẩn bị nâng cấp mở rộng đường, nhưng đến nay vẫn không thấy làm. Ông Trần Đức Huấn, Tổng giám đốc Công ty Tuyết Trân (cụm công nghiệp Hoàng Gia, tỉnh Long An), bức xúc: “Do thường xuyên đi lại trên tuyến đường này nên tôi chứng kiến rất thường xuyên nhiều công nhân trên đường đi làm bị té ngã thương tâm do mặt đường tan nát. Trời nắng bụi mịt mù, trời mưa thì bùn lầy kinh khủng”.
"Sứt đầu mẻ trán" vì đường xấu
Đường Nguyễn Văn Bứa tan nát do không được đầu tư sửa chữa - Ảnh: N.Thảo
Trao đổi với PV Thanh Niên ngày 17.1, ông Bùi Xuân Cường, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết đoạn đường này đã được TP giao cho lực lượng Thanh Niên xung phong làm chủ đầu tư. Do hiện chủ đầu tư phải điều chỉnh lại dự án, sau đó mới đến giai đoạn bố trí vốn nên việc triển khai thi công bị chậm trễ. Sở GTVT sẽ đề nghị UBND TP chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ dự án. Trên tuyến đường này còn một cầu mang tên TL9, Sở GTVT đã giao Khu Quản lý giao thông đô thị số 3 làm chủ đầu tư xây dựng mới, dự kiến cuối năm 2013 sẽ khởi công.
Đình Mười - Như Thảo

Nỗi lo sập cầu khi vận chuyển bauxite

Tập đoàn than và khoáng sản Việt Nam (TKV) đã cho vận chuyển bauxite để thử tải, nhưng các tuyến đường đi qua địa bàn Đồng Nai đang xuống cấp nghiêm trọng.
Nỗi lo sập cầu khi  vận chuyển bauxite
Cầu La Ngà có nguy cơ sập nếu xe chở bauxite nặng trên 40 tấn đi qua - Ảnh: Kim Cương
UBND tỉnh Đồng Nai vừa có buổi làm việc với TKV về phương án vận chuyển nguyên, nhiên liệu từ dự án tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng đến cảng Gò Dầu (Đồng Nai). Theo phương án, các loại xe vận chuyển nguyên, nhiên liệu bauxite đi qua QL20, QL51, tỉnh lộ (TL) 769.
Theo TKV, từ tháng 7.2012, tập đoàn đã bắt đầu cho vận chuyển nguyên, nhiên liệu bauxite - nhôm từ Nhà máy alumin Tân Rai (Lâm Đồng) về cảng Gò Dầu để thử tải. Hiện mỗi ngày có khoảng 5-6 chuyến xe vận chuyển bauxite đi qua QL20 và TL769 (đoạn qua Đồng Nai). Trong 6 tháng vận chuyển, đã có 13.000 tấn xút và 30.000 tấn than được vận chuyển cập cảng Gò Dầu. Theo TKV, trong năm 2013 đơn vị sẽ đạt 100% công suất khai thác và vận chuyển. Lúc này, mỗi ngày có khoảng 300 chuyến xe vận chuyển bauxite hoạt động xuôi ngược (150 chuyến từ Tân Rai đi Gò Dầu và 150 chuyến ngược lại). Theo phương án đưa ra, TKV sử dụng xe đầu kéo rơ moóc có tổng trọng tải trên 40 tấn, thời gian giãn cách giữa các xe khoảng 10 phút/chuyến.
Để phục vụ cho việc vận chuyển bauxite, dự án nâng cấp và sửa chữa QL20 và TL769 cũng đã được các địa phương bắt tay vào thực hiện. Trong đó TL769 đã được khởi công vào ngày 5.1.2013, dự kiến hoàn thành sau 7 tháng. Còn dự án mở rộng QL51 về cảng Gò Dầu cơ bản hoàn thành đáp ứng nhu cầu vận chuyển bauxite.
Tại cuộc họp, các sở, ngành tỉnh Đồng Nai lo ngại nhất là xe bauxite đi qua 16 cây cầu, trong đó cầu chịu tải trọng thấp nhất là 15 tấn và cao nhất là 25 tấn, trong khi trọng tải xe và hàng hóa (bauxite) lên đến 40 tấn. Lý giải về vấn đề trọng tải cho phép qua 16 cây cầu trên đoạn đường vận chuyển cao nhất chỉ có 25 tấn, đại diện TKV cho rằng về mặt kỹ thuật thì các xe vận chuyển đều được (!?). Tuy nhiên, đại tá Huỳnh Tiến Mạnh, Phó giám đốc Công an Đồng Nai không đồng tình. “QL20 có đoạn mặt đường chỉ 7 m, trong khi đoàn xe chuyên dụng của TKV đều là xe tải trọng lớn. CSGT đã xử lý một số xe chở hàng của TKV tất cả đều vượt tải trọng cho phép khi cả xe và hàng lên đến 44 tấn. Ngay cầu La Ngà, cây cầu thiết yếu trên QL20, dài trên 300 m thì xuống cấp nặng, đã một lần đứt, tải trọng chỉ còn 20 tấn. Nếu không xử lý vi phạm thì sập cầu ai chịu trách nhiệm?”, đại tá Mạnh nói.
Ông Trần Văn Vĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu TKV phải tiến hành khảo sát, đánh giá đúng thực trạng các tuyến đường và cầu mà dự án đi qua, đặc biệt là đối với tất cả các cầu có trọng tải nhỏ. Ngoài ra, phải có văn bản chính thức của Bộ GTVT cho phép tải trọng cụ thể để lực lượng chức năng nắm rõ trong việc kiểm soát tải trọng xe và vật liệu vận chuyển bauxite.
Kim Cương

Rượu độc tràn lan

Với công thức pha chế sởn gai ốc, gồm cồn công nghiệp, nước giếng và thêm một chút... thuốc trừ sâu, những lò rượu dỏm vẫn ngang nhiên tồn tại và đang ráo riết tung hàng bán tết.
Rượu độc tràn lan
Vận chuyển rượu sau khi chế xuất đi tiêu thụ - Ảnh: Nam Anh
Rượu độc tràn lan
Rượu từ cồn pha nước giếng bẩn để la liệt trước cơ sở chế xuất - Ảnh: Minh Sang
Rượu độc tràn lan
Cận cảnh công nghệ chế xuất rượu từ cồn pha nước giếng bẩn - Ảnh: Minh Sang
Trong vai chủ quán nhậu Hà Nội đi lùng mua rượu quê bán tết, tôi được anh Nguyễn Văn Q. (39 tuổi, ở TP.Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh), người thuộc lòng các lò ở Đại Lâm (thuộc xã Tam Đa, H.Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) dẫn mối. “Cứ 2 hôm một lần tôi lại đánh xe chở từ 10 - 12 thùng phuy 220 lít đi đổ buôn khắp các tỉnh Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương… và Hà Nội. Mỗi chuyến chủ lò trả 300.000 đồng tiền công”, vừa nói Q. vừa dẫn tôi men theo con đường đất bụi mù, gồ ghề, để tới lò nhà bà B., thuộc hàng có cỡ ở Đại Lâm.
Nước giếng bơm lên... thùng phuy
Chỉ nhìn bằng mắt thường thôi cũng đủ thấy là rượu chế từ cồn với nước giếng là không đạt chất lượng rồi. Nhưng toàn bộ số rượu mà các hộ chế ra đều được đem đi tiêu thụ ở ngoại tỉnh. Cộng với việc ở làng này vẫn chưa có ai tử vong vì dùng rượu nên rất khó cấm được họ
Ông Vũ Đình Minh, Phó chủ tịch xã Tam Đa (H.Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh)
Khi chúng tôi đến, bà B. vừa tiếp chuyện vừa làm công việc thường nhật của mình: pha chế rượu. Chốc chốc, vài ba thùng phuy được “chưng cất” xong,  đóng nắp cẩn thận, rồi được đưa lên thùng xe tải. Điều lạ là lò rượu nhà bà B. chẳng có nồi nấu, bếp lò, men, cơm ủ… mà thay vào đó, “rượu” được dẫn vào hàng loạt những thùng phuy cáu bẩn để ven đường bằng vòi bơm nước. “Ông chẳng hiểu gì hết. Ông tính đi, gạo rẻ bây giờ mỗi yến cũng tốn cả trăm ngàn đồng. Mà một yến giỏi lắm cũng chỉ nấu được hơn 7 lít rượu. Ở đây họ bán 10.000 đồng/lít, tính sơ đã thấy lỗ chỏng vó rồi, nhưng lò nào cũng sống khỏe thì ông biết nhờ đâu rồi”, Q. giải thích khi thấy tôi thắc mắc.
Q. đi trước lần theo đường ống bơm nước, còn tôi bám sau. Đoạn cuối của đầu dây máy bơm dẫn chúng tôi tới một cái giếng. Chỉ tay xuống mặt nước giếng nổi váng vàng, Q. bảo: “Đấy, trước nay lò này vẫn dùng nước giếng pha với cồn để thành rượu trắng kiểu này nên mới có giá 10.000 đồng/lít”. Rồi Q. khoe mình vốn từng là dân làm rượu cồn đổ buôn đi Hà Nội, nên cậu ta có thể đọc vanh vách “chiêu” chế rượu “nút lá chuối” của lò bà B: “Đầu tiên đổ chừng 15 - 20 lít cồn công nghiệp, sau đó đấu vòi mà bơm nước giếng vào, dùng gậy khuấy đều. Cuối cùng là dùng thiết bị đo nồng độ. Nếu nồng độ cao, thì bơm thêm nước giếng, còn thấp quá lại bỏ thêm cồn. Chế rượu kiểu này, nếu khách có nhu cầu, bà B. đủ khả năng cho ra lò cả chục ngàn lít mỗi ngày”.
“Nhưng nước giếng vàng thế thì pha sao được rượu?”, tôi thắc mắc. “Tất nhiên là nước giếng vàng như vậy pha rượu bị khê hết. Nhưng chỉ cần dùng đầu đũa chấm vào lọ thuốc trừ sâu rồi nhúng vào phuy rượu, cứ làm như thế khoảng năm lần, sau đó khuấy đều một lúc rượu sẽ trong vắt như mắt mèo thôi”, Q. tiết lộ.
Vẫn theo lời Q., từ lâu, người dân Tam Đa chỉ dùng nước giếng cho việc tắm rửa. Để đảm bảo sức khỏe, các hộ gia đình đã phải đầu tư hàng loạt hệ thống lọc nước đắt tiền. “Hiện rất nhiều người dân ở Tam Đa vẫn uống rượu, nhưng họ uống rượu nấu bằng men thuốc bắc với gạo nếp hoặc gạo tẻ và chưng cất bằng nước lọc vốn dùng để thổi cơm. Chứ tuyệt nhiên không uống rượu cồn với nước giếng do chính tay họ pha chế ra”, Q. nói thêm.
Khi quay trở ra, viện lý do mua rượu với số lượng lớn để kinh doanh, cần có giấy chứng nhận chất lượng, tôi liền nhận được cái nguýt rõ dài của bà B. “Ôi dào, làng này có ai uống rượu mà bị chết đâu. Bao nhiêu năm nay rồi, không riêng gì nhà này mà nhiều hộ làm rượu khác ở Tam Đa đâu có cần đăng ký sản xuất hay chứng nhận chất lượng”, bà B. nói như đuổi khách.
“Siêu” men

Mỗi tháng không dưới 50 người loạn thần
Bác sĩ Nguyễn Quang Bính, Trưởng khoa Điều trị nghiện của Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, cho biết: vài năm trở lại đây, số người nhập viện để điều trị chứng bệnh rối loạn tâm thần do rượu đều tăng, năm sau cao hơn năm trước. Trung bình mỗi tháng khoa tiếp nhận không dưới 50 lượt bệnh nhân tới điều trị. Riêng năm 2012 đã có tới 600 bệnh nhân nhập viện do dùng rượu. Các trường hợp này đều được xác định đã uống thứ rượu dỏm.
Qua xét nghiệm, cơ quan chức năng phát hiện loại rượu này có hai thành phần độc tố vượt quá mức tiêu chuẩn cho phép và gây ảnh hưởng sức khỏe con người. Đó là aldehyde có trong dung dịch ngâm xác người, chiếm tỷ lệ 30 - 40% trong rượu nấu thủ công và pha cồn. Thứ hai là chất furfurol, chất này vô cùng độc hại với hệ tim mạch, thần kinh, gây dị dạng thai nhi...
Theo bác sĩ Bính, dùng phải rượu kém chất lượng cũng rất dễ dẫn tới loạn thần mãn tính.
Qua thực tế ở xã Tam Đa, rồi cả làng Vân nấu rượu nổi tiếng từ bao đời nay thuộc xã Vân Hà, H.Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, chúng tôi chứng kiến người dân không chỉ đua nhau chế rượu cồn pha nước giếng, mà họ còn dùng cả men tươi không biết nguồn gốc từ đâu.
Đó là những túi có trọng lượng 500 gr, được bày bán đầy rẫy với giá từ 45.000 - 50.000 đồng/túi. Thế mạnh của “siêu men” này là có thể cho sản lượng rượu gấp rưỡi so với các loại men thông thường. Nghĩa là 10 kg gạo sẽ nấu được 11 lít rượu, thay vì 7,5 lít như dùng men truyền thống. Còn khi nấu với sắn củ, sản lượng đạt tới con số không tưởng: 14 lít/10 kg sắn.
Các chủ cửa hàng chuyên cung cấp “siêu” men ở Tam Đa và Vân Hà cho chúng tôi hay, loại men này được nhập về từ Trung Quốc. “Ban đầu người ta còn để nguyên nhãn mác có chữ Trung Quốc trên các gói men. Về sau biết tâm lý dân mình rất sợ không đảm bảo chất lượng nên họ phải làm lại bao bì có in chữ Việt Nam. Giờ thì người nấu rượu dùng loại men này nhiều lắm, vì cho năng suất cao”, một chủ cửa hàng cung cấp “siêu” men ở Tam Đa tiết lộ. Qua quan sát, trên bao bì mỗi gói men này có ghi dòng chữ “Công ty men rượu Hà Nội”, cùng lo go là hình tháp chùa Một Cột. Tuy nhiên, khi xem kỹ trên bao bì chủng loại men này chúng tôi phát hiện không hề có ghi hạn sử dụng, ngày sản xuất, cũng như địa chỉ, số điện thoại của Công ty men rượu Hà Nội.
Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Đình Minh, Phó chủ tịch xã Tam Đa, nói rằng nghề nấu rượu có từ hàng chục năm nay, nhưng hiện trên 300 hộ sản xuất mặt hàng này trong xã vẫn chưa hộ nào có giấy phép kinh doanh cũng như giấy chứng nhận chất lượng rượu làm ra. “Chỉ nhìn bằng mắt thường thôi cũng đủ thấy là rượu chế từ cồn với nước giếng là không đạt chất lượng rồi. Nhưng toàn bộ số rượu mà các hộ chế ra đều được đem đi tiêu thụ ở ngoại tỉnh. Cộng với việc ở làng này vẫn chưa có ai tử vong vì dùng rượu nên rất khó cấm được họ ngừng sản xuất. Và dù đã ra quân dẹp rất nhiều lần, nhưng từ trước đến giờ chưa xử lý được một vụ vi phạm nào”, ông Minh phân trần.
Vẫn theo ông Minh, do không đủ thẩm quyền cũng như năng lực nên chính quyền địa phương rất mong muốn các cơ quan chuyên ngành vào cuộc, lấy mẫu rượu đi phân tích để có bằng chứng xử lý nghiêm các cơ sở chế biến rượu từ cồn pha nước giếng.
Điều tra của Hà An

Mao Trạch Đông đích thân định độ rộng lãnh hải 12 hải lý



hochiminh-maotrachdong-huunghi

Trích yếu:  Mao Trạch Đông gật gù, ông chỉ vào Bột Hải trên bản đồ, lớn giọng hỏi: “Nếu định được độ rộng lãnh hải là 12 hải lý, thì phía trong Bột Hải có còn là hải phận quốc tế nữa không?”  Nghê Vy ngẫm ngợi một lát rồi trả lời:  “Đường thủy Lão Thiết Sơn rộng nhất trong Bột Hải cũng chưa đến 24 hải lý, như vậy Bột Hải sẽ trở thành nội hải của Trung Quốc, chúng ta được hưởng chủ quyền hoàn toàn”. Mao Trạch Đông mìm cười đứng lên tự nhủ: “Xem ra, vì an ninh và sự phồn vinh của quốc gia, cần phải có một lãnh hải khá rộng”.
Sau khi nước Trung Quốc mới được thành lập,  Mao Trạch Đông đã tỏ ra nhạy bén khi ý thức được rằng phần lớn những vấn đề mà nhà nước vấp phải sẽ tập trung ở biển. Trước đây, Trung Quốc là nước nửa thuộc địa, vùng ven biển trở thành đường biển của quân đế quốc, sông ngòi trở thành “nội hồ” của các nước lớn. Giải phóng rồi, người dân Trung Quốc được làm chủ, nhưng trên biển tàu thuyền các nước vẫn đi lại ngông nghênh, tàu cá các nước bắt cá bừa bãi trong vùng biển Trung Quốc, còn tàu cá Trung Quốc thì liên tục bị bắt giữ ở các nước, không thể hiện nổi chủ quyền biển của Trung Quốc là nằm ở đâu.

Lãnh hải 3 hải lý của chính phủ Quốc dân đảng là vô dụng
Mao Trạch Đông tìm đọc lịch sử cận đại Trung Quốc, chuyện trò với sĩ quan binh lính hải quân, tổng kết các kinh nghiệm quân sự biển. Ông lưu ý đến một hiện tượng lạ. Trong lịch sử Trung Quốc đã nhiều độ từng có những hạm đội lớn mạnh, nhưng hải quân Trung Quốc lại chỉ quanh quẩn ở vùng ven biển, hoặc náu lại trong cảng, luôn ở vào thế bị động khi bị đánh. Còn tàu chiến của quân đế quốc thì lại có thể xông thẳng vào vùng biển Trung Quốc. Đối mặt với họng pháo của các nước, hải quân Trung Quốc không biết trở tay ra sao, chỉ biết chờ đợi số phận bị đánh chìm.
Năm 1931, chính phủ Quốc dân đảng từng ban hành chế độ lãnh hải 3 hải lý, nhưng chế độ lãnh hải này vô dụng, tàu chiến các nước lớn tự do đi lại trên biển cả sông ngòi của Trung Quốc nhằm phục vụ cho chính sách xâm lược của mình. Sau khi Trung Quốc giải phóng, quân Mỹ ngang nhiên điều hạm đội tới can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, sử dụng vũ lực ngăn cản ta giải phóng Đài Loan, lại còn trắng trợn xâm phạm vùng biển chủ quyền của ta nhằm kích động hành vi bạo lực.
Mao Trạch Đông cho rằng, người dân Trung Quốc đã đứng lên rồi thì phải chấm dứt lịch sử có biển mà không biết phòng giữ, muốn thế phải nắm lấy chủ quyền lãnh hải của Trung Quốc. Song lãnh hải của Trung Quốc là ở đâu? Ông cảm nhận được một cách mãnh liệt:  Dựng nước xong mà đến “nền nhà tường rào” của nước mình còn không rõ,  khi tàu chiến các nước vào tới tận cửa nhà giương oai diễu võ, chúng ta mà không có cơ sở pháp lý rõ ràng thì nói gì đến chuyện bảo vệ chủ quyền lãnh hải!
Để giữ vững chủ quyền biển quốc gia, trước tiên phải làm rõ “cổng thành biển” là ở đâu. Vấn đề lãnh hải nhắc tới chương trình nghị sự cấp bách. Thế là Mao Trạch Đông liền gọi điện cho Chu Ân Lai:  “Vấn đề lãnh hải cực kỳ quan trọng, nói Bộ ngoại giao hãy mời các chuyên gia về luật biển tới để cùng nghiên cứu về vấn đề lãnh hải của Trung Quốc”.
Mao Trạch Đông tìm hiểu kỹ lưỡng về vấn đề độ sâu lãnh hải
Ngày 22.8.1958, theo sự sắp xếp của Chu Ân Lai, với danh nghĩa Quốc vụ viện đã mời các luật gia nổi tiếng, các cố vấn hàng đầu từng giữ chức công tố viên Trung Quốc tại Tòa án quân sự Viễn Đông, công tố viên Trung Quốc Nghê Vy từng tham gia xét xử tội phạm chiến tranh loại A của Nhật Bản và trợ lý Bộ trưởng Bộ ngoại giao Kiều Quán Hoa từ Bắc kinh tới nơi ở của Mao Trạch Đông tại Bắc Đới Hà để nghiên cứu về vấn đề lãnh hải. Mao Trạch Đông nói với Nghê Vy:  “Gần đây tàu chiến các nước thường đến gây sự, hôm nay muốn mời các nhà tư pháp tới để nghiên cứu vấn đề chủ quyền lãnh hải”.
Nghê Vy giới thiệu chi tiết về vị trí và vai trò của lãnh hải, về phương pháp phân chia lãnh hải cùng chế độ lãnh hải được áp dụng ở các nước trên thế giới. Tại Hội nghị biên soạn luật quốc tế lần thứ nhất được tổ chức vào năm 1930, trong số 40 quốc gia tới hội nghị, có 33 nước đề xuất các chủ trương của riêng mình, trong đó có 12 nước như Mỹ, Anh, Nhật Bản, Trung Quốc… giữ nguyên ý kiến độ rộng lãnh hải 3 hải lý, đồng thời tuyên bố: Đây là “tiêu chuẩn duy nhất về độ rộng lãnh hải của các nước trên thế giới”, 21 nước có chủ trương độ rộng lãnh hải trên 3 hải lý. Vì thế, “trong lịch sử vẫn chưa có một độ rộng lãnh hải thống nhất được công nhận”.
Chu Ân Lai đề xuất:  “Hiện giờ cần giải quyết trước tiên vấn đề độ rộng lãnh hải”. Mao Trạch Đông nói:  “Đúng vậy, sao sự chênh lệch về độ rộng lãnh hải mà các nước đã áp dụng lại lớn đến thế?”. Nghê Vy trả lời: “Các nước phát triển dựa vào thực lực kinh tế, quân sự trắng trợn xâm phạm lãnh hải của các nước khác, cướp đoạt tài nguyên biển, họ chủ trương độ rộng lãnh hải là 3 hải lý; còn các nước đang phát triển để bảo vệ chủ quyền lãnh hải và an ninh lãnh thổ của mình, phần nhiều đều chủ trương độ rộng lãnh hải 12 hải lý, thậm chí còn nhiều hơn”. Nghê Vy đề nghị: “Phải hạn chế không để các cường quốc quân sự hoạt động tự do về lãnh hải, lãnh không, việc thiết lập độ rộng lãnh hải 12 hải lý là tương đối phù hợp với tình hình thực tế của nước ta”.
Mao Trạch Đông lắng nghe chăm chú rồi truy vấn:  “Lãnh hải mà rộng thì có ảnh hưởng gì đến tàu buôn qua lại không?”. Nghê Vy đáp: “Không, luật biển quy định, hoạt động buôn bán bình thường của các tàu buôn có thể đi qua lãnh hải vô tư”. Mao Trạch Đông gật gù, ông chỉ vào Bột Hải trên bản đồ, lớn giọng hỏi: “Nếu định được độ rộng lãnh hải là 12 hải lý, thì phía trong Bột Hải có còn là hải phận quốc tế nữa không?”  Nghê Vy ngẫm ngợi một lát rồi trả lời:  “Đường thủy Lão Thiết Sơn rộng nhất trong Bột Hải cũng chưa đến 24 hải lý, như vậy Bột Hải sẽ trở thành nội hải của Trung Quốc, chúng ta được hưởng chủ quyền hoàn toàn”. Mao Trạch Đông mìm cười đứng lên tự nhủ: “Xem ra, vì an ninh và sự phồn vinh của quốc gia, cần phải có một lãnh hải khá rộng”.
Độ rộng lãnh hải 12 hải lý được quốc tế chấp thuận
Ngày 23.8.1958, Mao Trạch Đông ra lệnh cho hàng vạn khẩu pháo nã đạn vào đảo Kim Môn. Chiều ngày 25.8, Mao Trạch Đông chủ trì cuộc Hội nghị thường vụ Bộ chính trị ở Bắc Đới Hà. Ngoài vấn đề pháo kích vào Kim Môn, hội nghị còn bàn về vấn đề độ rộng lãnh hải. Mao Trạch Đông cho rằng, đường bờ biển nước ta dài, trong lịch sử đã nhiều lần bị xâm lược, để duy trì an ninh hàng hải và lợi ích kinh tế, đồng thời xem xét đầy đủ đến những rủi ro có khả năng gặp phải trên trường quốc tế, cần kiên định chủ trương áp dụng lãnh hải có độ rộng hơn. Ông yêu cầu Bộ ngoại giao, Bộ tổng tham mưu Quân giải phóng tiến hành nghiên cứu sâu hơn, đề xuất các ý kiến về độ rộng lãnh hải, soạn thảo các văn bản tương ứng, chờ Trung ương họp lại để ra quyết định.
Ngày 1-2 tháng 9 cùng năm, Mao Trạch Đông lại triệu tập hội nghị ở Bắc Đới Hà, cả Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Bành Đức Hoài, Tổng tham mưu trưởng Hoàng Khắc Thành mới nhậm chức và cục trưởng Cục tác chiến Bộ tổng tham mưu Lô Anh Phu, cùng Kiều Quán Hoa, các luật gia nổi tiếng như Lưu Trạch Vinh và Chu Ngạnh Sinh… đều tham gia hội nghị. Lưu Trạch Vinh đương nhậm chức ủy viên Ủy ban điều ước Bộ ngoại giao, cố vấn Bộ ngoại giao, đại biểu Trung Quốc đầu tiên tham gia Đại hội lần thứ nhất, lần thứ hai của Quốc tế cộng sản, từng 3 lần gặp Lenin, trên căn cước của ông có dòng bút phê của đích danh Lenin “Các cơ quan đoàn thể xô viết hãy dành mọi sự giúp đỡ cho Lưu Trạch Vinh”. Ông còn chủ trì biên soạn bộ “Đại cương về luật biển” đầu tiên của Trung Quốc. Giáo sư Chu Ngạnh Sinh đương nhậm chức hiệu trưởng trường Đại học Vũ Hán kiêm ủy viên Ủy ban quân chính Trung Nam, phó chủ nhiệm Ủy ban văn hóa giáo dục.
Lôi Anh Phu tóm tắt báo cáo về quá trình luận chứng đường lãnh hải và đề nghị áp dụng chế độ lãnh hải 12 hải lý, Kiều Quán Hoa làm phần giải thích cho bản tin của Bộ ngoại giao đang chờ công bố. Hai vị luật gia thuyết minh thêm về các luật quốc tế, đặc biệt là  “Các công ước La Hay”, họ đưa ra các chứng cứ kinh điển chủ trương tiếp tục dùng chế độ lãnh hải 3 hải lý đã được chính quyền công bố vào thời kỳ Dân quốc, cho rằng nếu tuyên bố 12 hải lý thì rất có thể sẽ dẫn đến tranh chấp quốc tế, Mỹ, Anh sẽ lên tiếng phản đối, xử lý không tốt sẽ đánh nhau. Mao Trạch Đông suy nghĩ một lát, cuối cùng đưa ra lời tổng kết:  “Ý kiến của các ông rất hay, rất đáng quý, khiến chúng tôi có thể suy nghĩ thêm từ một góc độ khác. Song, nghiên cứu đi nghiên cứu lại, “Các công ước La Hay” không phải là thánh chỉ, mà cũng không thể làm theo ý muốn của các nước Mỹ, Anh… được, đường lãnh hải của chúng ta mà mở rộng thêm một chút thì vẫn có lợi hơn. Xét đoán từ các phương diện, đánh thì tạm thời chưa đánh được, chúng ta không muốn đánh thì quân đế quốc lại nghĩ đến chuyện đánh sao? Theo tôi là chưa chắc. Nhất định phải đánh, chúng ta cũng chẳng sợ, đã từng đọ sức ở Triều Tiên rồi, song nếu như vậy thì phải có sự chuẩn bị”. Mao Trạch Đông xuất phát từ các lợi ích kinh tế, an ninh của Trung Quốc, đồng thời có xem xét đến tầm bắn hữu hiệu của hỏa pháo hai bờ nước ta là trên 12 hải lý, cuối cùng đã xác định áp dụng độ rộng lãnh hải 12 hải lý, đồng thời quyết định công bố ngay với thế giới.
Này 4.9.1958, Trung Quốc công bố bản “Tuyên bố về lãnh hải của chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa”, ngay ở Điều 1 đã tuyên bố:  “Độ rộng lãnh hải của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là 12 hải lý”, “tất cả máy bay và tàu thuyền quân dụng của các nước, nếu chưa được phép của chính phủ Trung Quốc, đều không được đi vào lãnh hải Trung Quốc cùng vùng trời trên đó”, phần lớn các quốc gia trên thế giới hiện nay đều áp dụng chế độ lãnh hải 12 hải lý. Nó chứng tỏ quyết sách ban đầu của chúng ta vừa bảo vệ được chủ quyền quốc gia, lại vừa phù hợp với trào lưu lịch sử quốc tế.
Nguồn: news.ifeng.com

Nghệ An: Xô xát với công an, một người tử vong

Người dân kéo nhau mang di ảnh anh Ái đi dọc đường phản đối. 
(Dân trí) - Chỉ vì xích mích khi tham giao thông, một thiếu úy Công an Thị xã Thái Hòa (Nghệ An) đã gọi “đồng đội” đến và xô xát với anh Nguyễn Văn Ái khiến anh Ái phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch và tử vong sau 2 ngày.

Sau hai ngày cấp cứu tại BVĐK Nghệ An, đến trưa 18/1/2013, rất đông người thân anh Nguyễn Văn Ái (SN 1971, trú Thị xã Thái Hòa, Nghệ An) đã kéo đến trụ sở công an Thị xã Thái Hòa yêu cầu làm rõ trách nhiệm những người liên quan và nguyên nhân tử vong của anh Ái.
Theo lời kể của anh Phan Văn Trúc (SN 1968, anh em cọc chèo với anh Ái - PV): Vào khoảng 20h ngày 16/1/2013, anh Trúc nhờ anh Ái chở anh Trúc về nhà có việc gia đình. Sau đó, anh Ái lấy xe máy đến chở anh Trúc về nhà. Khi đang trên đường về đến đoạn cổng chào Thị xã Thái Hòa thì hai người gặp một đôi nam nữ đang đèo nhau trên xe máy đi phía trước.
Thấy nam thanh niên điều khiển xe máy không được chuẩn cho lắm nên anh Ái có lời qua tiếng lại. Sau đó đã xảy ra xô xát giữa hai bên và dẫn tới anh Ái phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Tuy nhiên, do vết thương quá nặng anh Ái đã tử vong sau 2 ngày điều trị tại BVĐK Nghệ An. Theo người dân chứng kiến và người nhà anh Ái, nam thanh niên nói trên cùng một số người khác là chiến sỹ CA TX Thái Hòa.
 
Người dân tập trung đông, khiến Công an phải huy động hàng chục chiến sỹ giải tán đám đông.





 

 
 


Thượng tá Dương Đình Văn - Trưởng Công an Thị xã Thái Hòa xác nhận vụ việc một số chiến sỹ công an có mặt đánh anh Ái vào tối 16/1/2013. Và theo đó, CA TX Thái Hòa đã yêu cầu những cán bộ liên quan viết tường trình và làm rõ về vụ va quẹt xe máy với anh Nguyễn Văn Ái. Ngày 18/1, sau khi anh Ái chết, người nhà và người dân nơi anh Ái sinh sống đã đưa thi thể nạn nhân đến trước trụ sở CA TX Thái Hòa để đòi công bằng. Ngay sau đó, Công an thị xã Thái Hòa đã làm việc với gia đình và người thân đã đồng ý đưa thi thể anh Ái về nhà làm lễ an táng.
Chiều 19/1, người thân và chính quyền địa phương đã làm tổ chức lễ an táng anh Nguyễn Văn Ái. Bà con hàng xóm của anh Ái cho hay, anh Ái là một người hiền lành và chưa gây thù kết oán với ai, anh làm nghề sửa chữa xe máy. Gia đình anh Ái cũng cho biết đã nhận được 100 triệu đồng tiền hỗ trợ viện phí, mai táng và tổn thất tinh thần từ cơ quan công an.
Sông Hiếu - Miền Tây