TP - Ngày 30 – 11 đoàn công tác thuộc Viện KHCN Việt
Nam đã đến huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) để khảo sát, nghiên cứu hiện
tượng vùng Bắc Trà My và một phần Nam Trà My liên tiếp xảy ra những rung
chấn, kèm theo những tiếng nổ lớn và khẳng định đó là động đất.
|
Các chuyên gia Viện Vật lý địa cầu kiểm tra thực tại đập hồ thủy điện Sông Tranh 2. |
TS Lê Tử Sơn, Viện Vật lý địa cầu, thành viên đoàn
khẳng định: “Những rung chấn tại huyện Bắc Trà My bắt đầu được ghi nhận
từ tháng 8 đến tháng 11 – 2011 thì liên tiếp ghi nhận được nhiều rung
chấn mạnh. Đặc biệt, tối 27 – 11, trạm Vật lý địa cầu ở Huế ghi nhận
rung động tại Bắc Trà My là 2,9 độ richter.
Chúng tôi khẳng định đó là
động đất. Tuy nhiên, liệu động đất ở Bắc Trà My có liên quan đến thủy
điện Sông Tranh 2 hay không cần có thời gian”.
Cũng theo ông Sơn, nguyên nhân lòng hồ thủy điện Sông Tranh tích nước sẽ được cân nhắc kĩ lưỡng trong các bước nghiên cứu.
Trong khi đó, ông Vũ Đức Toàn, Phó ban quản lý dự án
thủy điện 3 không thừa nhận nhưng cũng không bác bỏ việc rung chấn trên
địa bàn Bắc Trà My trong thời gian qua do lòng hồ Sông Tranh 2 tích
nước: “Việc lòng hồ tích nước chỉ là một yếu tố cộng hưởng với việc áp
lực do tích nước. Diện tích hồ nước và cột nước hồ Thủy điện Sông Tranh 2
có thể tác động gây ra những đứt gãy núi đá. Cần có cơ quan chuyên môn
nghiên cứu kĩ hiện tượng này trước khi có kết luận cuối cùng!”.
Cũng theo ông Toàn, khi xây dựng nhà máy thủy điện Sông
Tranh 2 đã có nhiều chuyên đề, hội thảo nghiên cứu về hiện tượng này và
không phải duy nhất thủy điện Sông Tranh 2 có hiện tượng này. Việc khảo
sát các hiện tượng rung chấn, động đất đã được Viện vật lý địa cầu khảo
sát tính toán trước khi xây dựng nhà máy.
Trong báo cáo đánh giá tác động môi trường có nhắc đến
chuyện này, trên căn cứ của các nhà khoa học mới tiến hành xây dựng. Đập
thủy điện Sông Tranh 2 chịu được tác động của động đất cấp độ 7, mức độ
5,9 độ richter. Được biết, hiện tại dung tích hồ thủy điện Sông Tranh 2
hiện tại hơn 730 triệu m3 tương đương 730 triệu tấn.
Câu chuyện rung chấn ở Bắc Trà My đang là vấn đề được
người dân và chính quyền địa phương hết sức quan tâm. Ông Đặng Phong –
Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết: “Rung chấn chỉ mới xảy ra khi
thủy điện Sông Tranh 2 tích nước, tôi lên đây 24 năm rồi nhưng chưa bao
giờ có hiện tượng này xảy ra ở địa bàn Bắc Trà My. Ngay những rung chấn
đầu tiên, UBND huyện đã yêu cầu công an điều tra xem có nổ mìn phá đá,
làm vàng hay không nhưng không hề có. Chúng tôi mong muốn có kết luận
giải tỏa tâm lý cho người dân!”.
Cũng theo ông Phong, hiện tượng rung chấn đã ảnh hưởng
mạnh đến tâm lý người dân, gây hoang mang cực độ. Đặc biệt, hơn 20.000
người dân tộc thiểu số rất sợ các hiện tượng lạ của thiên nhiên, rất dễ
bỏ làng, du canh du cư. Đây là mối lo ngại dân sinh nhất của địa phương.
Trong vòng một tháng qua, nhiều gia đình tại thị trấn
Trà My đã ngừng xây dựng nhà cửa, nhiều gia đình xây dựng nhà có tầng đã
dừng lại vì lo sợ động đất.
Tại các xã Trà Bui, Trà Đốc, Trà Tân nơi nằm dưới khu
vực đập nước nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 hết sức hoang mang, nhất là
các hộ gia đình thuộc diện tái định cư Thủy điện Sông Tranh 2. Hầu hết
chất lượng nhà cửa của các gia đình này đã xuống cấp dù rằng nhà thuộc
dự án tái định cư thủy điện Sông Tranh 2 được đưa vào sử dụng chưa được 4
năm. Đây chính là mối lo ngại cho chính quyền địa phương và người dân
tại các xã này.
Ông Đinh Văn Xuân, chủ tịch xã Trà Bui cho biết: “Hiện
tượng rung chấn đang làm người dân hết sức hoang mang. Nhiều gia đình đã
bỏ nhà tái định cư xuống cấp để qua ở các nhà gỗ tự làm. Nguy hiểm hơn,
nhiều người lợi dụng chuyện rung chấn, bỏ khu tái định cư vào rừng phá
rừng làm nương rẫy và sinh sống vì lo sợ!”.
Hiện tại, xã Trà Bui có 40 nhà tái định cư thuộc dự án
Thủy điện Sông Tranh 2 bị bỏ hoang, theo cảnh báo của chính quyền xã số
lượng này sẽ tiếp tục tăng nếu như chính sách, chỗ ở của khu tái định cư
kèm theo việc xảy ra rung chấn liên tiếp sẽ khiến số hộ gia đình bỏ tái
định cư sẽ tiếp tục gia tăng.
Ông Phạm Văn Nhân, Phó chủ tịch HĐND xã Trà Đốc cho
biết: “Địa phương và người dân chưa hề được cảnh báo về hiện tượng này
cũng như các phương án đối phó với rung chấn, động đất trong trường hợp
nguy cấp có thể xả ra”.
TS Trần Tuấn Anh - Viện trưởng Viện Địa chất cho biết:
“Từ ngày 1 đến ngày 10 – 12, đoàn sẽ khảo sát toàn bộ khu vực Bắc Trà My
và Nam Trà My, cố gắng xác định tìm ra vùng tâm chấn của các vụ động
đất vừa qua. Trên cơ sở kiểm tra ghi nhận ban đầu, sẽ kiến nghị lên Viện
KHCN lắp đặt các máy, trạm ghi nhận chấn động trên địa bàn, nghiên cứu
cụ thể từng nguyên nhân dẫn đến các vụ động đất”.
Nguyễn Thành