Người dân huyện bắc Trà My đang là nạn nhân của một cuộc tranh cãi liệu thủy điện Sông Tranh 2 có trở thành thảm họa nếu bị vỡ đập hay không. Liệu họ có quyền khiếu kiện chính phủ khi không hoàn thành bổn phận đã được giao phó theo hiến định?
Khan hiếm điện năng là trở ngại lớn nhất cho sự phát triển kinh tế của bất cứ quốc gia nào. Sự thật này khiến nhiều nước không quản ngại tìm mọi cách để khắc phục và trong những biện pháp dễ nhất là tìm đến nhà máy thủy điện.
Giải pháp này được Việt Nam theo đuổi và đã lấp được phần nào khoảng trống nguồn điện sản xuất ngày một tăng theo tỷ lệ thuận với đà phát triển kinh tế.
Thách thức mới
Trở ngại lớn nhất của các nhà máy thủy điện là hủy hoại môi trường và kế hoạch di dời, tái định cư người dân.
Tuy nhiên khi vụ Sông Tranh 2 nổ ra nhà nước phải đối đầu một vấn nạn mới đó là việc tích nước hồ chứa thủy điện có thể gây động đất kích thích và từ đó hàng loạt câu hỏi khác tạo nên một làn sóng tranh luận không kết thúc giữa người dân và chính quyền địa phương với chủ đầu tư cũng như bộ chủ quản.
Công trình thủy điện Sông Tranh 2 lớn nhất miền Trung với công suất 190 MW và tổng công trình có vốn đầu tư gần 5 ngàn 200 tỷ đồng. Đập thủy điện Sông Tranh 2 do Tổng công ty EVN xây dựng và đầu tư được xây dựng năm 2006 và bắt đầu phát điện từ ngày 19 tháng 12 năm 2010.
Ngày 19 tháng 10 năm 2010 đập Sông Tranh 2 chính thức đi vào hoạt động nhưng chỉ sau một thời gian ngắn bị phát hiện phần đập chính chặn dòng sông Tranh xuất hiện 4 vết nứt có mức độ khác nhau rất nguy hiểm làm cho nước trong lòng hồ tuôn ra khiến người dân và chính quyền địa phương rất hoang mang, lo lắng.
Ngay sau đó, những trận động đất cấp độ ngày một lớn và liên tục khiến người dân hoảng loạn.
Các đợt địa chấn xảy ra trong khu vực có thủy điện trong tháng 9 và 10 năm 2012 được các chuyên gia Viện Vật lý Địa cầu cho là động đất kích thích, một loại động đất xảy ra do quá trình tích nước của các hồ chứa và từ nguyên lý này nhiều nhà khoa học đã lên tiếng yêu cầu cơ quan chủ quản con đập phải có biện pháp cấp tốc xử lý nhằm tránh sự cố vỡ đập xảy ra.
Dùng dằng trách nhiệm
Thế nhưng chủ đầu tư cho đến nay vẫn chưa có biện pháp nào thích đáng và quả bóng giải quyết vẫn nằm giữa sân bất kể sự lo lắng của người dân tại đây.
Chính quyền trung ương tỏ ra quá chậm trễ trong các quyết sách và người ta nghi ngờ rằng trung uơng lo ngại nếu giải quyết theo nguyện vọng của dân chúng thì sẽ tạo một tiền lệ cho các vụ tranh chấp thủy điện về sau.
Tối 15 tháng 11 một trận động đất mạnh 4,7 độ richter khíên người dân trở nên hoảng loạn hơn bao giờ hết.
Hàng vạn người dân sẽ không còn quyền được sống và quyền mưu cầu hạnh phúc nếu sự cố vỡ đập Sông Tranh xảy ra.
ĐB Trần Xuân Vinh
Tiến sĩ Nguyễn Huy Minh, Viện phó Viện Vật lý Địa cầu cho biết trận động đất này sẽ không phải là trận động đất cuối cùng:
“Động đất kích thích thường là những chùm động đất. Một trận động đất này có thể lớn hơn động đất khác một chút nhưng sẽ có động đất khác kèm theo nó. Bây giờ mình chưa quan sát dấu hiệu của nó nhưng chắc chắn động đất sẽ còn xảy ra.”
Trận động đất 4,7 độ richter là giọt nước làm tràn chiếc ly nhẫn nại của người dân.
Theo các chuyên gia cho biết nếu động đất làm đập bị vỡ thì đại họa sẽ đổ trên đầu 31 ngàn người dân huyện Bắc Trà My và các huyện lân cận.
Con số nạn nhân kinh khủng này trở thành nỗi lo lắng của đại biểu Quốc hội đơn vị Quảng Nam Trần Xuân Vinh khi ông phát biểu tại Quốc hội một ngày sau đó:
“Nhân dân tin tưởng rằng Đảng, Quốc hội, nhà nước vá quý vị đại biểu quốc hội sẽ không vì mục tiêu phát triển kinh tế với số vốn đã đầu tư cho thủy điện Sông Tranh 2 mà quên đi quyền được sống đã được hiến pháp đề cập.
Đó là tinh thần của hàng vạn người dân sẽ không còn quyền được sống và quyền mưu cầu hạnh phúc nếu sự cố vỡ đập Sông Tranh xảy ra.
Đây không những là nỗi lo, là trách nhiệm là trăn trở của chính quyền của đảng bộ, nhân dân tỉnh Quảng Nam và các tỉnh thành phố khu vực miền Trung mà còn là trách nhiệm, đạo đức của đảng của cảc hệ thống chính trị.”
Lòng dân vỡ theo thủy điện?
Tức nước sẽ vỡ bờ, lòng dân không khác gì con đập bị vỡ nếu sự an toàn tài sản và tính mạng của họ bị đe dọa.
Những người sống trong khu vực có ảnh hưởng trực tiếp của các trận động đất đa số là người dân sắc tộc thiểu số.
Họ như con sâu cái kiến trước thảm họa đuợc báo trước nhưng không có bất cứ phản ứng gì ngoài việc túm tụm nhau chạy lên rừng trốn lũ.
Người Kinh sống tại thị trấn Bắc Trà My với dân số gần 8.000 người thì khác. Bên cạnh tài sản bị đe dọa, họ không thể bỏ của chạy lấy người vì cuộc đời họ dính liền với vùng đất mà gia tộc bỏ ra quá nhiều mồ hôi để tạo nên cơ nghiệp.
Đứng trước bước đường cùng, dư luận nổi lên về một khả năng người dân cùng nhau đứng đơn kiện chính phủ với trách nhiệm bảo vệ tài sản, sinh mạng người dân mà hiến pháp giao phó nhưng đã không được chính quyền thực hiện.
Hiến pháp quy định
Người ta hy vọng rằng trước một lá đơn kiện tập thể hợp lý như vậy chính phủ buộc phải nhìn lại thái độ của mình để đìêu chỉnh chính sách phù hợp với nguyện vọng của người dân.
Theo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 trong Chương VIII nói về Chính phủ, quy định tại Điều 112 khoản 5 ghi rõ:
- Thi hành những biện pháp bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tạo điều kiện cho công dân sử dụng quyền và làm tròn nghĩa vụ của mình, bảo vệ tài sản, lợi ích của Nhà nước và của xã hội; bảo vệ môi trường.
Luật pháp quy định người dân có quyền khởi kiện về những việc làm sai trái của nhà nước, xâm phạm đến lợi ích quốc gia, lợi ích nhà nước và lợi ích chính đáng của bản thân mình.
LS Trần Đình Triển
Tại Điều 114 khoản 6 ghi rằng:
- Thực hiện chế độ báo cáo trước nhân dân qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng mà Chính phủ phải giải quyết.
TS luật học, luật sư Trần Đình Triển cho biết ý kiến của ông trước khả năng khiếu kiện tập thể này:
“Về phuơng diện pháp luật trong hiến pháp cũng như trong những quy định pháp luật khác thì nhà nứơc, xã hội mọi tổ chức hay cá nhân phải quan tâm đến đời sống và bảo vệ tài sản của mỗi cá nhân và của cộng đồng nói chung. Trách nhiệm đó thuộc về tất cả hệ thống bộ máy nhà nước cũng như các tổ chức xã hội, gia đình và mỗi cá nhân, luật pháp đã quy định như vậy.
Thứ hai luật pháp cũng quy định người dân có quyền khởi kiện về những việc làm sai trái của nhà nước, của các tổ chức xã hội và của tập thể cũng như của người khác mà xâm phạm đến lợi ích quốc gia, lợi ích nhà nước và lợi ích chính đáng của bản thân mình.”
Báo chí vẫn đặt câu hỏi liệu sinh mạng của hơn 30 ngàn người dân của tỉnh Quảng Nam quan trọng hay 5 ngàn tỷ đồng bỏ vào thủy điện Sông Tranh 2 là quan trọng.
Người dân còn có một quan tâm khác nữa đó là tại sao nhà nước lại đem sinh mạng và tài sản của họ ra cân đo với số tiền cũng do người dân đóng góp nhưng đang được EVN quản lý?
Người ta kỳ vọng một vụ kiện tập thể của dân sẽ kéo lại quân bình cho tập quán cân đo đong đếm đang xuất hiện ngày một nhiều trong các cơ quan nhà nước để từ đó các vị thẩm quyền tính toán lại và xem trọng sinh mạng người dân hơn, kể cả khi họ là người sắc tộc thiểu số.