THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

10 June 2011

Hãy lên tiếng, dõng dạc và minh bạch!

http://boxitvn.wordpress.com/2011/06/10/hy-ln-ti%e1%ba%bfng-dng-d%e1%ba%a1c-v-minh-b%e1%ba%a1ch/

Đăng bởi bauxitevn on 10/06/2011

André Menras Hồ Cương Quyết

Nguyễn Ngọc Giao dịch

(Bài nguyên vẹn chưa bị "biên tập" như trên Vietnamnet)

imageCụ Bùi Thượng 73 tuổi, vô địch lặn nước sâu ở Lý Sơn, rất biết phải đối mặt thế nào với "bọn cá mập" hung hãn để chúng không liều lĩnh dấn thêm từng bước hành vi tàn bạo của chúng: "Gặp một con cá mập lớn, thì phải đối mặt với nó, nhìn trừng mắt vào nó. Có như thế thì nó mới không tấn công".

Ngày hôm qua, mồng 5 tháng sáu 2011, tôi đã đi biểu tình, để nói lên sự công phẫn của tôi đối với nhà cầm quyền Trung Quốc, và biểu lộ sự ủng hộ toàn diện của tôi với nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân các nước bạn ASEAN mà cái "lưỡi bò" của Trung Quốc muốn chiếm đoạt biển đảo thiết yếu cho cuộc sống hôm nay và sự phồn vinh ngày mai. Tôi đi biểu tình để vợi bớt sự cay đắng tích lũy từ nhiều tháng, nhiều năm qua. Cùng đi với tôi là những người bạn đã từng chia sẻ hoạn nạn và chung lưng đấu cật đấu tranh trong nhà tù của chế độ độc tài làm tay sai cho xâm lược Mĩ. Thế là thế hệ lục tuần chúng tôi đã gặp lại nhau, với đầu óc, trái tim và niềm tự hào của tuổi hai mươi, đoàn kết chống lại cuộc xâm lược mới. Khẩu hiệu chúng tôi hô vang là những lời trong sáng, không một chút vẩn đục hận thù. Đó là biểu hiện của một sức mạnh an nhiên, hầu như vui tươi, không một chút sợ hãi. Và chắc chắn là không sợ những cái dùi cui mà chúng tôi đã thấy ngay trước mặt.

Chúng tôi đã nhận lời chính quyền TP HCM, cụ thể là ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, và ông Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư thường trực Thành ủy, đã có nhã ý mời chúng tôi đối thoại. Với hai vị, chúng tôi đã khẳng định là chúng tôi kiên quyết lên án thái độ hiếu chiến, bành trướng chủ nghĩa của chính quyền Bắc Kinh ở Biển Đông. Chúng tôi cũng nói rõ với các vị không gì và chẳng ai có thể ngăn chặn được sự phẫn nộ xuất phát từ lòng yêu nước của nhân dân, bởi đó là sự phẫn nộ lành mạnh, chính đáng và cần thiết để bảo vệ đất nước. Đó là sự phẫn nộ cứu quốc. Chúng tôi đã yêu cầu Chính phủ và Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện để sự công phẫn được thể hiện trong tinh thần trách nhiệm, hòa bình, kiên quyết, toàn diện trong sự tôn trọng trật tự.

Có những tình huống mà im lặng không giúp ta tránh né được hiểm nguy, ngược lại chỉ làm tăng mối họa vì đối phương lầm tưởng im lặng là bạc nhược. Làm sao có thể trông mong vào sự ủng hộ của công luận thế giới nếu ta cấm đoán chính nhân dân ta lên tiếng? Phản ứng ngoại giao tất nhiên là cần thiết, nhưng không đủ để tranh thủ được sự đoàn kết quốc tế mà Việt Nam rất cần trong lúc này. Làm sao mà những người đã từng dựa vào sức mạnh của nhân dân để giải phóng và thống nhất đất nước, ngày nay lại có thể cản ngăn quyền thông tin và hành động của nhân dân?

Trung Quốc đã quyết đẩy mạnh cuộc tiến công quân sự ở Biển Đông. Điều ấy, cộng đồng quốc tế đã thấy nhãn tiền: vậy chúng ta phải lên tiếng mạnh mẽ! Trung Quốc vi phạm mọi thỏa thuận mà họ đã ký kết: chúng ta hãy lên tiếng mạnh mẽ! Hải quân Trung Quốc sách nhiễu, khủng bố ngư dân Trung Bộ trên những vùng biển mà họ đánh bắt từ đời cha ông: chúng ta hãy lên tiếng mạnh mẽ! Hãy lên tiếng trên đường phố, trong hàng quán, tại các trường phổ thông và đại học. Hãy thông báo về số phận những đồng bào bị sách nhiễu, bắt giam, cướp bóc và phá sản trên Biển Đông, phổ biến thông tin trên khắp nước, cho đến mọi vùng sâu vùng xa. Tóm lại: hãy thông báo trung thực về tình hình cuộc xâm lược ngày càng xấu xa và ráo riết.

Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam! Ta không nên tự bằng lòng với những cuộc họp của mấy chuyên gia Việt Nam để khẳng định điều ấy một cách âm thầm với vài chuyên gia quốc tế. Các hội nghị ấy đều quan trọng, nhưng chúng ta cần khẳng định chủ quyền ấy trong các trường học, trong các chương trình sử địa ở cả nước. Tôi rất sửng sốt và đau buồn khi thấy trên đảo Lý Sơn, nơi xuất phát của những ngư dân vẫn kiên trì đánh cá ở vùng biển Hoàng Sa, hòn đảo đứng đầu sóng ngọn gió trong cuộc tranh đấu để khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa, con em của họ không được biết gì về địa lý của những hải đảo, nơi mà cha anh của các em bị hải quân Trung Quốc bắt bớ, giam cầm, nhận chìm tàu thuyền. Biết bao tấm bản đồ hành chính Việt Nam còn thiếu vắng đảo Hữu Nhật và Quang Ánh, những địa danh mang nặng nghĩa tình vì tại đây, tổ tiên của họ trong hải đội Hoàng Sa đã hy sinh!

Tôi rất hiểu vị thế cực kỳ khó khăn và tế nhị của các nhà lãnh đạo Việt Nam mong muốn tránh cho nhân dân mình đã trải qua bao đau thương trong suốt lịch sử dân tộc phải gánh chịu những hy sinh mới. Ai cũng biết Trung Quốc là một cường quốc kinh tế và quân sự có khả năng làm hại và tàn phá to lớn, nhất là đối với những nước lân cận như Việt Nam. Nhà cầm quyền Trung Quốc đã chứng tỏ họ không ngần ngại làm đổ máu Việt Nam: năm 1974, năm 1979, năm 1988. Ngày nay họ vẫn tiếp tục, họ vin vào bất cứ biểu hiện kháng cự chính đáng nào để hành động khiêu khích, giết chóc, phá hủy và chiếm đóng. Những con người đã làm đổ máu chính nhân dân họ, thanh niên của nước họ năm 1989, những con người ấy không biết băn khoăn, coi trọng mạng sống con người là gì. Nhưng sợ hãi không đẩy lùi được hiểm họa. Ngược lại, khi bị chó sủa mà anh bỏ chạy, thì nó sẽ đuổi theo anh và cắn anh. Cụ Bùi Thượng 73 tuổi, vô địch lặn nước sâu ở Lý Sơn, rất biết điều ấy: "Gặp một con cá mập lớn, thì phải đối mặt với nó, nhìn trừng mắt vào nó. Có như thế thì nó mới không tấn công".

Có những thời điểm phải biết đối mặt. Đó là vấn đề sống còn. Đối mặt trước hết là nói thật, nói sự thật. Ở Bình Châu và Lý Sơn, tôi đã phỏng vấn những ngư dân ngày ngày phải liều mạng ra khơi. Họ kể rằng họ đã đụng phải những đoàn tàu đánh cá Trung Quốc tới sát đảo 20 hải lý. Những đội đánh cá Trung Quốc tổ chức chặt chẽ, hung hãn, chắc là được sự yểm trợ của hải quân Trung Quốc đóng căn cứ ở Hoàng Sa. Còn ngư dân Việt Nam, tôi không thấy ai nói là cảm thấy được bảo vệ hay yểm trợ! Và khi gặp họa, thì bị bắt, bị giam cầm, bị tịch thu cá mú và thiết bị, và những món nợ to lớn phải trả. Thân cô thế cô, như ông Tiêu Viết Là, người xã Bình Châu, bốn lần bị Trung Quốc bắt giam. Trợ cấp của Nhà nước hoặc không có, hoặc không thấm vào đâu. Phải anh hùng đến mức nào mới tiếp tục đi khơi ra lộng trong tình hình như vậy!

Những người vợ góa của các ngư dân đã bị mất tích một cách bí hiểm ở khu vực Đá Bông Bay, một thứ "tam giác Bermuda" của Quần đảo Hoàng Sa, ngày nay sống đơn độc, hết sức cô độc, vì "quỹ tiết kiệm" duy nhất của họ là người chồng. No đói là nhờ chồng. Có chị thậm chí tiền không có để xây được một cái "Mộ Gió" cho chồng. Mùa mưa, không có tiền sửa lại mái dột trên căn nhà một gian trơ trọi. Tiền đâu cho con cái học thêm, mà việc học của con cái là nguồn hy vọng duy nhất cho những người góa bụa đau thương này.

Món tiền tượng trưng hai triệu đồng mà chính quyền thi thoảng ban phát nơi này nơi kia không thay đổi được số phận của họ. Món tiền hàng tỉ đồng mà các đại gia bỏ ra để xây tượng đài ở Trường Sa không giúp gì cho họ sống qua ngày. Phải lên tiếng, phải nói về họ. Họ phải được hưởng một chương trình hỗ trợ chính thức của Nhà nước, một chương trình ưu tiên và tối thiểu cũng phải cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm và thuốc men. Con cái của họ phải được học và chăm sóc sức khỏe hoàn toàn miễn phí. Các cháu các em phải được coi là nghĩa tử quốc gia. Bảo vệ các em, mẹ của các em là bảo vệ biển đảo, là bảo vệ đất nước một cách cụ thể và hữu hiệu.

Trong bối cảnh ấy, tôi lại càng sửng sốt khi thấy chính quyền tìm cách giảm nhẹ trách nhiệm của Trung Quốc. Hãy nói chuyện "tàu lạ" với ngư dân Trung Bộ, họ sẽ sửa ngay "tàu Trung Quốc". Họ chẳng "lạ" gì, sự thật rành rành đối với họ. Tại sao phải giấu cả tên bọn hung thủ mà không ai không biết? Tại sao còn bắt cả báo chí phải dùng chữ "lạ" ở đây? Cái gì hại đến khả năng tự vệ là có hại cho đất nước!

Nhiều bạn nói với tôi: Trung Quốc không như Mỹ đâu: họ khôn lắm, nên nguy hiểm hơn nhiều. Không chắc! Đúng là gần kề thì hiểm họa càng lớn và lâu dài, đúng là họ có kế hoạch bành trướng bạo liệt về mọi mặt – kinh tế, quân sự, ngoại giao và tuyên truyền đối nội – nhưng chưa chắc là họ đã cân nhắc đầy đủ những hậu quả của chính sách xâm lược ấy. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thực là "khôn" không? Leo thang quân sự như vậy, họ đang tạo điều kiện xích lại gần nhau giữa những nước ASEAN mà lợi ích ở Biển Đông bị đe dọa. Sau các sự kiện Tây Tạng, Tân Cương, họ đang đánh mất chút uy tín còn lại đối với công luận quốc tế. Họ mở ra một trận tuyến mới, nghĩa là phải ghìm ở đây những lực lượng, nghĩa là chuyển hướng một phần đầu tư cần thiết cho công cuộc phát triển kinh tế vào một cuộc phiêu lưu tốn kém chắc chắn sẽ làm họ sa lầy. Đã qua rồi cái thời mà họ có thể ngang nhiên chiếm đoạt Hoàng Sa, ngang nhiên đánh chìm tàu tiếp vận của Việt Nam tại Bãi Gạc Ma. Trung Quốc đang phát triển mạnh, song chính sự phát triển ấy đang khoét sâu những mâu thuẫn nội tại, khuếch đại những bất bình đẳng xã hội. Nguy cơ xảy ra rối loạn xã hội không thể dùng đàn áp mà đẩy lùi mãi mãi, và những rối loạn ấy sẽ đe dọa sự phát triển kinh tế mà thực chất là tư bản chủ nghĩa. Không cần phải là nhà tiên tri cũng thấy được rằng: khó khăn của Bắc Kinh đang ở trước mặt, chứ không phải ở sau lưng. Đó là điều chắc chắn. Và lúc đó, họ sẽ phải trả lời trước nhân dân Trung Quốc, trước những người mà họ sách nhiễu, đàn áp, trấn lột.

Còn một bài học Lịch sử nữa mà nhà cầm quyền Trung Quốc muốn quên – như thế không "khôn" tí nào – đó là: về lâu dài, không thể làm nên điều gì khi họ đi ngược lại ý chí của các dân tộc, bởi vì sức mạnh thực sự nằm trong nhân dân, chứ không nằm trong họng súng, trong số lượng vũ khí. Ở Lý Sơn, tôi có dịp tham dự một nghi thức rất có ý nghĩa, nói lên ý chí của người dân hải đảo. Khi một ngư dân mất tích vì bão biển hay vì lí do bí ẩn nào đó, gia đình nào có khả năng xây mộ và mời thầy cúng, thì tổ chức một cái lễ rất độc đáo, có lẽ có một không hai, để gọi hồn người đã khuất về nhập vào một hình nhân nặn bằng đất sét được phù phép. Hình nhân được an táng trong một cái mộ gọi là "mộ gió", để thân nhân có thể tới cúng viếng. Mê tín chăng? Có thế. Nhưng không chỉ có thế. Tôi nghĩ việc này có một ý nghĩa sâu sắc: phong tục mấy trăm năm này nói lên ý chí của những người sống, kiên quyết giành lại từ biển cả, từ kẻ địch cái gì quý nhất, mang về cho gia đình, cho đất nước. Đó là thông điệp rất rõ ràng gửi tới kẻ xâm lược: "Dù các người làm gì đi nữa, chúng tôi vẫn gắn bó với những người đi biển, gắn bó với biển, với văn hiến này, với đất nước này. Những điều ấy, không gì, không ai có thể chiếm đoạt được".

A. M.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Người Buôn Gió và Bùi Chát kể chuyện bị công an tạm giữ

In
Viết bởi **   
Thứ sáu, 10 Tháng 6 2011 00:00

Vào những ngày cuối cùng khi lời kêu gọi biểu tình được phát đi bởi trang Nhật Ký Yêu Nước ngày càng nhận được nhiều sự ủng hộ của các công dân mạng thì cũng là lúc nhà nước thực hiện một cuộc bố ráp đồng loạt với nhiều nhà hoạt động từ Bắc tới Nam, những người mà tên tuổi của họ đã ít nhiều được biết đến.

Nằm trong số đó là Bùi Thanh Hiếu tức Người Buôn Gió và nhà thơ Bùi Chát. Tối qua cả 2 đều đã được tự do. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi nhanh với 2 anh họ Bùi gần 1 ngày sau đó.

Cùng bị giữ tại sân bay Tân Sơn Nhất

Một người bay từ Nam ra Bắc và một người từ Bắc vào Nam nhưng điểm đến cuối cùng của họ là đồn công an. Vì những lý do có thể hơi khác nhau nhưng cả 2 cùng bị giữ tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Người Buôn Gió kể: "Vừa xuống sân bay là bị công an Tp. HCM tóm luôn và bảo đi uống cafe rồi nói chuyện, anh em lâu ngày chưa gặp nhau. Trong này tình hình đang phức tạp lắm, để chúng tôi đưa anh đi. Nói rồi, họ chở thẳng về công an phường".

Bùi Chát

Với Bùi Chát thì anh bị 'tóm' khi đang chuẩn bị lên máy bay ra Hà Nội dự chiêu đãi của Đại sứ quán Thụy Điển nhân dịp kỉ niệm quốc khánh nước này, 6/6. Tháng trước, sau khi nhận được giải thưởng của Hiệp hội Xuất bản Quốc tế (IPA), cũng tại phi trường này, Bùi Chát (tên thật là Bùi Quang Viễn) đã bị giữ và thẩm vấn 2 ngày. Nhà cửa bị khám xét và nhiều vật dụng cá nhân trong đó có Giải thưởng của IPA, máy tính, sách vở.v.v. cho tới nay vẫn chưa được trả lại cho khổ chủ.

 

Lần này, Bùi Chát mới được Trung tâm Văn bút Quốc tế  của Thụy Điển mời làm thành viên danh dự, chính vì vậy, anh trở thành khách mời của Đại sứ Thụy Điển trong ngày quốc lễ của đất nước này.

Dù đã cảm nhận tới việc có thể bị giữ tại phi trường, do những ứng xử hết sức khó lường của nhà cầm quyền nhưng Bùi Chát vẫn lên đường vào tối 5/6 và anh đã bị giam gần trọn ngày, vừa đủ để buổi chiêu đãi tại Đại sứ quán Thụy Điển kết thúc.

Sau khi được tự do, Bùi Chát còn phải tiếp tục đến tình diện công an vào những ngày tiếp theo. Hôm nay, anh đã phải làm việc với họ từ 8 giờ sáng tới 17 giờ chiều. Khi nhấc điện thoại nói chuyện với chúng tôi, giọng Bùi Chát còn khá mệt mỏi vì anh vừa trở về nhà sau cuộc thẩm vấn chán ngắt kéo dài gần 10 tiếng đồng hồ.

Thẩm vấn

Lái Gió bị tra hỏi nhiều nhất xung quanh cuộc Hội nghị của Truyền thông dòng Chúa Cứu Thế mà anh được mới tham dự  và thuyết trình với tư cách blogger. Tư trang và máy tính bị lục lọi tung tóe, công an muốn thu giữ bài phát biểu mà anh dự định trình bày. Nhưng Người Buôn Gió cho biết, anh vẫn chưa viết, dù đã có một dàn bài sẵn trong đầu, định tới nơi mới chấp bút.

Không tìm được "tài liệu phản động", công an in một số bài viết đã được công bố trong blog cá nhân của Gió và bắt đương sự ký nhận. Ngoài ra, họ cũng không bỏ qua những lưu trữ trong laptop hay chiếc điện thoại mà họ đã chiếm giữ làm của riêng trong suốt 4 ngày.

Sau mấy thủ tục chiếu lệ ở công an phường,  Lái Gió được đưa về khách sạn rồi… ở cùng phòng với 2 anh công an trong suốt thời gian còn lại.

Trả lời câu hỏi về điều kiện ăn ở và đối xử trong mấy ngày đó ra sao, Lái Gió cho biết, khách sạn có điều hòa, nước nóng đàng hoàng, có Ti-vi và muốn ăn gì họ mua cho thức nấy, kêu đau dạ dày, cần thuốc họ cũng mua.

Ngay lúc bị bắt, Gió đã yêu cầu cho xem lệnh bắt hay lệnh tạm giam nhưng "mấy anh cười hề hề bảo, sao anh lại dùng từ nặng nề thế, chúng tôi giữ anh ở chơi, nói chuyện tí, có gì đâu…"

Với Bùi Chát, khi được hỏi về thái độ của công an trong mấy lần thẩm vấn vừa rồi ra sao, anh cho hay: "Nhiều người thẩm vấn tôi và thái độ của họ rất khác nhau. Có người thì mềm mỏng vui vẻ, người thì cứng rắn, khó chịu. Phương pháp làm việc của họ thay đổi liên tục, do đó có lúc tôi cũng cảm thấy thoải mái nhưng lúc khác lại bực bội".

Họ quan tâm tới nhiều vấn đề, không chỉ chuyện viết lách hay xuất bản mà cả các mối quan hệ của Bùi Chát với một số người trong và ngoài nước. "Họ hỏi tôi ra nước ngoài thì gặp gỡ những ai, có tham gia tổ chức nào ở hải ngoại không, có nhận tiền tài trợ của ai để xuất bản sách không, rồi ai là người giới thiệu tôi và Văn Bút của Thụy Điển.v.v. Điện thoại của tôi họ cũng thu và ghi lại toàn bộ những người có tên trong đó, các cuộc gọi đi và đến".

Che giấu mục đích

Ở Việt Nam có nhiều chuyện nghe vậy mà không phải vậy. Chẳng hạn "anh em lâu ngày gặp nhau, quý nhau ngồi nói chuyện" nhưng 'em' nhìn 'anh' trừng trừng, canh 'anh' từng bước.

Bùi Thanh Hiếu

Sự thật không hé lộ ra qua những lời nói, cũng không phơi bày trên các trang giấy mà đôi bên viết viết, ký ký nhưng ai cũng hiểu mục đích chính của vụ việc là gì. Lái Gió cho biết: "Họ hỏi tôi, anh có biết ai kêu gọi biểu tình, ai là người tổ chức không? Những ai tham gia? Anh cỏ rủ rê ai tham gia không? Rồi họ hỏi, nếu anh được tự do, thì anh có đi biểu tình không?".

 

Câu trả lời của Gió là CÓ, "nhất định tôi đi chứ".

Và họ cười. Đôi bên cùng hiểu vì sao có cuộc gặp gỡ "hữu nghị" như thế. Lái Gió cho biết, theo quan sát của anh, họ rất không muốn anh có mặt tại cuộc biểu tình và nhiều khả năng họ đã theo dõi anh từ ở Hà Nội.

Bùi Chát bị giữ một ngày để trả lời vẫn những câu hỏi thẩm vấn của tháng trước. "Họ hỏi lung tung, chẳng có nội dung gì, khi không còn gì hỏi họ lôi biên bản của lần thẩm vấn trước ra rồi chép lại cho đầy, xong bắt tôi ký vào, hết sức nhảm nhí và nhàm chán".

Giữ và thả đều không một lời giải thích lý do nhưng theo nhận định của Bùi Chát "họ không thừa nhận việc họ ngăn cản tôi ra Hà Nội nhưng qua cách làm việc thì tôi ngầm hiểu ý của họ là gì. Họ câu lưu tôi vì sợ ra ngoài đó có thể tôi gặp gỡ một số nhà ngoại giao nước này nước khác trong bữa tiệc chiêu đãi của Đại sứ Thụy Điển rồi trình bày hoặc đề nghị điều gì đó mà họ không muốn".

Khi mục đích của họ đã đạt được, Bùi Chát và Người Buôn Gió được trả tự do. Lái Gió được áp tải tới phi trường Tân Sơn Nhất để mua vé về lại Hà Nội. Hai công an viên kèm sát bên Gió và "tiễn" tới tận cầu thang máy bay. Bùi Chát tiếp tục những ngày "làm việc" với công an.

Cả 2 anh họ Bùi đều khẳng định, họ sẽ vẫn tiếp tục công việc đang làm và không khó khăn nào có thể làm họ nao núng hay lùi bước. Bùi Thanh Hiếu tiếp tục việc buôn gió của anh trên mạng lưới Internet toàn cầu. Bùi Chát sẽ vẫn làm thơ và cùng bạn hữu ngụp lặn trong công việc sắp tới của nhà xuất bản Giấy Vụn. Chỉ có điều, anh nói, "chuyện này hơi bí mật, chưa thể tiết lộ hết với chị được".

Bọ xít hút máu người lan đến Hải Phòng


In
Viết bởi người việt   
Thứ sáu, 10 Tháng 6 2011 00:00

HẢI PHÒNG (TP) -Mới đây, cư dân quận Hải An, Hải Phòng hoảng kinh khi tìm ra được thủ phạm đốt sưng tay một bé gái lên 5 là một con bọ xít màu đen có vòi chích dài như một cây kim.

Bọ xít hút máu người bắt được tại Hải Phòng. (Hình: báo Tiền Phong)

Tay bé bị đốt sưng bầm tím, nổi mụt cứng và gây ngứa kéo dài cả tuần lễ.

Báo Tiền Phong dẫn lời của giám đốc Trung Tâm Y Tế Hải Phòng cho rằng đây là trường hợp đầu tiên xảy ra tại vùng này.

Cũng theo báo Tiền Phong, trước đó người ta khám phá một ổ lên đến gần một ngàn con bọ xít tại huyện Từ Liêm, Hà Nội. Bà Nguyễn Thị Thơm, cư dân xã Cổ Nhuế thuộc huyện này cho biết bọ xít xuất hiện cách nay một tháng, thỉnh thoảng có vài con bay vào nhà bà với bụng căng tròn. Bị đập chết, con nào cũng tóe máu, chứng tỏ đã chích hút máu người không khác muỗi.

Một cư dân khác, bà Lưu Thị Ninh cho biết đã khám phá một ổ bọ xít hàng trăm con trong đống củi, con nào cũng căng cứng bụng vì chứa đầy máu.

Ông Trương Xuân Lam, trưởng phòng Côn Trùng Thực Nghiệm, Viện Sinh Thái & Tài Nguyên Sinh Vật xác nhận sự hiện diện có thật của loài bọ xít hút máu người. Ông nói: "Tôi từng nghiên cứu loại bọ xít hút máu người tại Trung Quốc, nhưng thông thường một ổ chỉ có 70 con." Ổ bọ xít hút máu người lên đến hàng trăm, hàng ngàn con đã làm ông Lam kinh ngạc.

Cũng theo ông Lam, các khu dân cư đông đúc, nhà cửa san sát nhau giúp bọ xít có cơ hội lây lan nhanh chóng. Ông cũng cho rằng loài bọ xít hút máu người đang hiện diện tại hầu hết các quận huyện Hà Nội. (PL)

Taxi 'made in China' sút bánh lết trên đường


In
Viết bởi Hoai Nam   
Thứ sáu, 10 Tháng 6 2011 00:00

HUẾ (VNE) - Chuyện hi hữu vừa xảy ra tại thành phố Huế khi chiếc Taxi "made in China" đang chạy thình lình cả trục gắn 2 bánh sau sút văng ra đàng sau.

Chiếc taxi 4 bánh, chỉ còn lại 2 bánh nằm ngang giữa đường. (Hình: VNExpress)

Sự việc xảy ra tại góc đường Nguyễn Huệ và Ðiện Biên Phủ, Huế đã làm gián đoạn lưu thông nhiều tiếng đồng hồ.

Báo VNExpress cho biết, chiều ngày 7 tháng 6, tài xế Tuấn Anh lái chiếc xe taxi mang bảng hiệu công ty Dòng Hiền đang hướng tới góc đường nói trên.

Ðột nhiên, ông Tuấn Anh thấy toàn thân chiếc xe lắc mạnh và chao đảo một hồi. Chỉ trong tíc tắc, ông Tuấn Anh vừa vội đạp thắng thì trục hai bánh xe sau rớt hẳn ra ngoài.

Hai bánh sau của xe taxi hãng Dòng Hiền rớt ra đường. (Hình: VNExpress)

Chiếc taxi trượt tới trước một hồi rồi mất thăng bằng xoay ngang, nằm chắn giữa đường.

Rất may lúc đó không có xe chạy phía sau nên không xảy ra tai nạn.

Ông Tuấn Anh cho biết, chiếc xe hơi này do hãng LiFan, Trung Quốc sản xuất được công ty Dòng Hiền nhập về chừng ba năm nay với giá khoảng 200 triệu đồng, tương đương với 10,000 Mỹ kim. (PL)

Trung Quốc đòi các nước ngừng thăm dò ở Trường Sa ????


Đại diện ngoại giao của Bắc Kinh tại Philippines hôm nay lên tiếng đòi các nước láng giềng chấm dứt thăm dò tài nguyên tại khu vực quần đảo Trường Sa đang tranh chấp và nếu muốn tiếp tục phải hợp tác với Trung Quốc.
ASEAN kêu gọi hạ nhiệt ở Biển Đông
Trung Quốc gây rối Biển Đông

Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Lưu Kiến Siêu (Liu Jianchao) tổ chức họp báo sau vài lần bị Manila triệu tập để phản đối vì những vụ tàu Trung Quốc xâm phạm chủ quyền. Sự kiện diễn ra ngay sau khi một tàu cá với sự yểm trợ của các tàu ngư chính Trung Quốc tiếp tục xâm phạm chủ quyền biển của Việt Nam và cắt cáp tàu thăm dò Viking II, sáng 9/6.

Dàn khoan dầu khổng lồ "nửa chìm nửa nổi" của Trung Quốc đang chuẩn bị đưa vào Biển Đông. Ảnh: Shanghai Daily.

Tờ Inquirer của Philippines dẫn lời ông Lưu nói: "Chúng tôi đang kêu gọi tất cả các bên chấm dứt tìm kiếm khai thác tài nguyên trong khu vực mà Trung Quốc đòi chủ quyền. Đồng thời nếu các nước muốn thăm dò thì có thể bàn với Trung Quốc về khả năng hợp tác cùng phát triển và khai thác tài nguyên thiên nhiên".

Khi được hỏi về các thông tin cho thấy Trung Quốc đang thăm dò tìm kiếm dầu mỏ tại khu vực tranh chấp xung quanh quần đảo Trường Sa mà Bắc Kinh gọi là Nam Sa trên Biển Đông, Lưu nói thêm: "Trung Quốc chưa bắt đầu khai thác các mỏ dầu trong khu vực này. Trong khi đó Trung Quốc lại có một khu vực biển rộng lớn ví như biển Hoa Đông chẳng hạn".

Đại diện ngoại giao của Bắc Kinh tại Manila còn nói thêm: "Chúng tôi đề xuất với chính phủ Philippines về việc cùng thăm dò dầu khí trong khu vực, đó là công thức hoàn hảo. Đó cũng là lý do tại sao chúng tôi kêu gọi phía Philippines có phản ứng tích cực".

Tuy nhiên, những vụ xâm phạm chủ quyền của các tàu Trung Quốc đối với Việt Nam và Philippines nghiêm trọng hơn nhiều so với thông tin được đại sứ của Bắc Kinh tại Manila nhắc đến. Cụ thể các tàu này đã liên tục tiến sâu vào vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của cả Việt Nam và Philippines, những nơi vốn không có tranh chấp và không có cơ sở nào để Bắc Kinh đòi chủ quyền, nhằm quấy nhiễu và phá hoại tàu thăm dò dầu khí của các nước sở tại.

Song song với việc đòi các nước láng giềng ngừng thăm dò dầu khí ở các vùng biển tranh chấp trên Biển Đông, trước đó vào ngày 27/5 vừa qua, báo chí Trung Quốc đồng loạt đưa tin và ảnh về việc nước này sẽ đưa vào Biển Đông một dàn khoan dầu khổng lồ có thiết kế tối tân. Philippines đã triệu tập đại sứ Lưu Kiến Siêu tới để yêu cầu giải thích về thông tin này.

Trong khi đó, Chủ tịch Thượng viện Philippines Juan Ponce Enrile bức xúc rằng Trung Quốc đang đối xử với Philippines như với "chiếc thảm chùi chân" và cho rằng đây là thái độ của "một nước lớn chống lại nước yếu hơn". Ông Enrile cũng bình luận cách tự vệ tốt nhất để chống lại "hành động bắt nạt" này là Philippines phải phát triển sức mạnh quân sự và kinh tế.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Philippines Eduardo Batac thì đưa ra giải pháp khác khi thông báo: "Chúng tôi đang đưa vụ việc ra cộng đồng quốc tế và chúng tôi sẽ để cộng đồng quốc tế phán xử những hành động do phía Trung Quốc gây ra".

Mới đây Manila đệ trình văn bản phản đối lên Liên Hợp Quốc về vụ tàu Trung Quốc quấy rối một tàu thuộc Bộ Năng lượng Philippines. Nhưng đại sứ Lưu Kiến Siêu chối rằng: "Đó không phải là quấy rối. Đó là hoạt động thực thi quyền tài phán bình thường và tin đồn các tàu Trung Quốc đã tấn công bằng đạn là không chính xác".

Thái độ của Bắc Kinh đối với các vụ xâm phạm chủ quyền Philippines cũng giống như đối với Việt Nam. Sau mỗi lần tàu Trung Quốc gây rối và phá hoại tàu thăm dò của Việt Nam như hai ngày 26/5 và 9/6 vừa qua, Bắc Kinh lại lên tiếng phủ nhận và tuyên bố một cách vô lý rằng các tàu này chỉ hoạt động ở vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

Đình Nguyễn

Mỹ điều khu trục hạm tới Tây Thái Bình Dương


Mỹ vừa triển khai tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Chung-Hoon tới Tây Thái Bình Dương trong lúc căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng vì tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông lên cao.
Mỹ giúp ĐNA tăng phòng thủ

Khu trục hạm USS Chung-Hoon. Ảnh: US Navy.
Khu trục hạm USS Chung-Hoon. Ảnh: US Navy.

Hải quân Mỹ cho hay 280 thủy thủ trên tàu dự kiến sẽ hoạt động hợp tác với các nước đồng minh trong khu vực. BBC cho hay tàu này rời căn cứ ở Hawaii tới Tây Thái Bình Dương hôm 8/6 trong sứ mệnh xác định "quyền tự do hải hành" trong vùng. Tuy nhiên, phía Mỹ cũng nói nhiệm vụ của tàu còn là để "răn đe", thúc đẩy "hòa bình, an ninh" cũng như đảm bảo sẵn sàng cứu trợ nhân đạo.

Năm ngoái, USS Chung-Hoon từng hợp tác huấn luyện với Lực lượng cảnh vệ bờ biển Philippines tại biển Sulu. Tàu này thường hỗ trợ cho các nỗ lực chống nổi dậy ở miền nam Philippines. Nó cũng từng tham gia các cuộc tập trận cùng lực lượng Mỹ ở Guam và hải quân Singapore.

Chính quyền Obama gần đây chuyển trọng tâm chiến lược sang Đông Nam Á, sau khi nhận thấy tầm quan trọng ngày càng lớn về quân sự, ngoại giao lẫn thương mại của khu vực này, tạp chí Foreign Policy nhận định. Tàu USS Chung-Hoon được điều tới Tây Thái Bình Dương đúng thời điểm Trung Quốc bị tố cáo liên tục có những hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam và Philippines tại Biển Đông.

Hôm qua, Việt Nam cho biết tàu đánh cá Trung Quốc định cắt cáp tàu Việt Nam khi đang thăm dò địa chấn trong phạm vi 200 hải lý trên thềm lục địa của Việt Nam. Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định hành động của các tàu cá và tàu ngư chính Trung Quốc là "hoàn toàn có chủ ý, được tính toán và chuẩn bị kỹ lưỡng", nhằm biến yêu sách đường lưỡi bò thành hiện thực và Việt Nam không thể chấp nhận điều này.

Đây là lần thứ hai trong vòng hai tuần qua, tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển chủ quyền của Việt Nam và phá hoại tàu thăm dò của Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam. Trước đó hôm 26/5, ba tàu hải giám Trung Quốc đã tấn công tàu thăm dò địa chấn Bình Minh 02 đang làm việc bình thường trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam.

Philippines gần đây cũng cáo buộc tàu Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của họ ở Biển Đông. Tổng thống Philippines Benigno Aquino hôm qua cho biết sẽ phản đối Trung Quốc lên Liên Hợp Quốc.

Tàu USS Chung-Hoon của Mỹ có trọng tải khoảng 9.200 tấn, được trang bị radar Aegis, cùng nhiều tên lửa chống phi cơ, tàu chiến, tàu ngầm và cả tên lửa Tomahawk. Hồi tháng 3/2009, tàu này từng được điều động tới hộ tống tàu thăm dò Impeccable của Hải quân Mỹ sau một vụ va chạm với tàu đánh cá Trung Quốc ở Biển Đông.

Mai Tran
g

Trung Quốc nói gì trong vụ phá cáp tàu Việt Nam?


Hôm qua Bắc Kinh nói không có việc tàu nước này quấy rối tàu khảo sát của Việt Nam, sau khi Hà Nội phản đối tàu Trung Quốc cố tình cắt cáp và vi phạm chủ quyền của Việt Nam.

Phát ngôn viên ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói rằng tàu cá của Trung Quốc đang hoạt động ở khu vực gần Trường Sa thì "bị tàu của Việt Nam đuổi theo. Trong quá trình đuổi đó tàu của Trung Quốc vướng vào cáp của tàu khảo sát dầu khí của Việt Nam".

Tàu của Trung Quốc (trong vòng đỏ) nhìn từ tàu Viking II của Việt Nam. Ảnh: Petrotimes.
Tàu của Trung Quốc (trong vòng đỏ) nhìn từ tàu Viking II của Việt Nam. Ảnh: Petrotimes.

Hãng thông tấn Xinhua dẫn lời Hồng Lỗi nói vì bị vướng, nên tàu cá Trung Quốc phải cắt lưới.

Hồng Lỗi cũng nhắc lại quan điểm của Trung Quốc - quan điểm bị các nước láng giềng phản đối vì vô căn cứ - rằng nước này có chủ quyền với quần đảo Trường Sa. Ông Hồng còn yêu cầu Việt Nam "ngừng các hành động vi phạm chủ quyền của Trung Quốc".

Điều này hoàn toàn trái ngược với tuyên bố của Việt Nam về việc Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử chứng minh chủ quyền Trường Sa.

Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết vào lúc 6h sáng qua một tàu cá của Trung Quốc, được sự yểm trợ của hai tàu ngư chính, đã chạy ngang qua mũi tàu khảo sát Viking II mà PetroVietnam thuê, sau đó đổi hướng và gia tăng tốc độ. Mặc dù tàu Việt Nam đã phát pháo hiệu cảnh cáo nhưng tàu cá Trung Quốc vẫn lao vào cắt cáp thăm dò của tàu Viking II, làm cho tàu thăm dò này không thể hoạt động bình thường.

Tiếp đó hai tàu ngư chính và các tàu khác của Trung Quốc vào giải cứu cho tàu cá. Ngư chính là một trong 5 lực lượng hành pháp phi quân sự liên quan đến bờ biển của Trung Quốc. Ngư chính có nhiệm vụ quản lý và hỗ trợ các hoạt động nghề cá của người Trung Quốc.

Đọc thêm về Ngư chính 311 - con tàu tham gia vụ quấy rối Viking II

Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định khu vực mà tàu Viking II đang hoạt động khi sự việc xảy ra lúc sáng qua nằm trong phạm vi 200 hải lý trên thềm lục địa Việt Nam, hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam.

Hành động của Trung Quốc là vi phạm quyền chủ quyền của Việt Nam. Việt Nam mạnh mẽ phản đối hành động của tàu Trung Quốc, yêu cầu chấm dứt ngay không để tái diễn các hành động tương tự và đòi phía Trung Quốc bồi thường thiệt hại gây ra.

Vụ việc hôm qua nằm trong một chuỗi các hành động vi phạm chủ quyền của Trung Quốc với Việt Nam. Sau sự việc ngày 26/5, khi tàu Trung Quốc cắt cáp khảo sát của tàu Bình Minh 02 của PetroVietnam, Bắc Kinh cũng có tuyên bố tương tự, chối bỏ hành động vi phạm chủ quyền của tàu hải giám của họ.

Tàu ngư chính 311, một trong các tàu vào giải cứu cho tàu cá Trung Quốc trong vụ Viking II hôm qua. Đây là tàu lớn nhất trong đội ngư chính của Trung Quốc, được hoán cải từ một tàu chiến. Ảnh: China Daily.
Ngư chính 311, một trong các tàu vào giải cứu cho tàu cá Trung Quốc trong vụ Viking II hôm qua. Đây là tàu lớn nhất trong đội ngư chính của Trung Quốc, được hoán cải từ một tàu chiến. Ảnh: China Daily.

Thanh Mai

Một cán bộ sở bắt tay với “cò”… nhận tiền hối lộ


10/06/2011 14:19:33
Ngày 9/6 Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Cần Thơ cho biết, ông Lê Quang Phượng - Phó Giám đốc, kiêm Chánh Thanh tra Sở GTVT TP Cần Thơ vừa ký Quyết định số 101/QĐ-TTGT tạm đình chỉ công tác 3 tháng đối với ông Nguyễn Quốc Thanh (33 tuổi, ngụ xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, Hậu Giang) - Tổ viên Tổ Xử lý vi phạm hành chính thuộc Văn phòng Thanh tra Sở GTVT. 

a
"Cò" Nguyễn Hoàng Việt.
Trước đó, Thanh đã có hành vi câu kết với đối tượng Nguyễn Hoàng Việt (34 tuổi, ngụ phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) để nhận tiền của tài xế vi phạm qua việc giải quyết trả lại giấy phép lái xe của các tài xế trước thời hạn (thay vì bị tạm giữ 30 - 60 ngày, nhưng có trường hợp chưa đầy 1 tuần, Thanh đã giải quyết trả lại).

Với hành vi nhận hối lộ, đối tượng Nguyễn Quốc Thanh đã bị khởi tố, cho tại ngoại. Liên quan đến hành vi của cán bộ này, một số cán bộ khác của Sở GTVT cũng đã bị cơ quan điều tra triệu tập, lấy lời khai.

Thông tin cùng ngày được biết đối tượng Nguyễn Hoàng Việt cũng vừa bị cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ khởi tố, bắt tạm giam.

Ngoài hành vi cấu kết với cán bộ Sở GTVT Nguyễn Quốc Thanh như đã kể trên, Việt từng hăm dọa với nhiều tài xế xe tải rằng lực lượng chức năng sẽ xuất hiện ngay lập tức, lập biên bản hành vi xe chở quá tải, phạt nặng (theo luật là 4,5 triệu đồng - PV) và tạm giữ giấy phép lái xe (30-60 ngày, buộc phải học, thi lại lý thuyết). 

Có ít nhất 50 tài xế xe tải và chủ phương tiện, chủ hàng từ TP HCM, Cần Thơ và một số tỉnh đến Cần Thơ  buộc phải chung chi cho Việt với giá tối thiểu 1,5 triệu đồng/xe/tháng. Nguyễn Hoàng Việt khai đã nhận từ các tài xế xe tải số tiền trên 200 triệu đồng.

Đại diện chính quyền địa phương nơi Việt cư trú cho biết khi khám xét nơi ở của Việt, CQĐT thu giữ được nhiều tài liệu có liên quan đến hành vi phạm pháp, trong đó có danh sách những xe tải đã "đóng hụi chết" cho Việt. Số tiền mà Việt thu "hụi chết" từ các tài xế do Việt hưởng một mình hay chia lại cho ai đang được cơ quan điều tra tập trung làm rõ.

(Theo Công an Nhân dân)
TIN LIÊN QUAN

Giám đốc nhận 4,4 tỷ chênh lệch bán dự án

03/06/2011 21:02:21
 - Ngày 3/6, CATP Hà Nội cho biết, vừa bắt quả tang Nguyễn Trần Linh (SN 1977, trú tại Nghĩa Tân, Cầu Giấy), Giám đốc kinh doanh của Công ty Cổ phần đầu tư và Quản lý bất động sản UDIC về hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn, chiếm đoạt số tiền chênh lệch ngoài số tiền ghi trong hợp đồng.
Bước đầu, cơ quan công an cho rằng, Nguyễn Trần Linh đã lợi dụng vị trí công tác, đặt ra những khoản chi phí ngoài hợp đồng để "bán" quyền mua nhà, nhằm trục lợi cá nhân.
Cũng trong ngày hôm nay, công an đã khám xét khẩn cấp nơi làm việc của Nguyễn Trần Linh tại tòa nhà Trung Yên 1 (khu đô thị Trung Yên, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy), thu giữ nhiều tài liệu liên quan.
Được biết, sáng 3/6, Phòng CSĐT tội phạm về TTQL kinh tế và chức vụ bắt quả tang Linh và Đặng Quang Huy (SN 1984), nhân viên kinh doanh cùng Công ty đang nhận gần 4,4 tỷ đồng của một khách hàng.
Đây là số tiền chênh lệch so với giá ghi trong hợp đồng, khách hàng phải chi cho bộ phận kinh doanh do Linh quản lý để được mua căn hộ (loại thông tầng) K26 thuộc dự án nhà ở khu Trung Yên (Cầu Giấy). Trong dự án này, Linh là đại diện giao dịch.
Cơ quan công an đang tiếp tục điều tra mở rộng.
HQ

Mỹ đưa tàu chiến tới Tây Thái Bình Dương

(Dân trí) - Hải quân Mỹ sẽ đưa tàu chiến USS Chung-Hoon mang tên lửa tới Tây Thái Bình Dương giữa lúc căng thẳng đang gia tăng giữa Trung Quốc và các quốc gia láng giềng về tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Tàu chiến USS Chung-Hoon của Hải quân Mỹ.
Hải quân Mỹ cho biết 280 thuỷ thủ của tàu dự kiến sẽ hợp tác với các đối tác liên minh trong khu vực. Con tàu đã rời căn cứ tại Hawaii hôm thứ 4.
Năm ngoái, tàu Chung-Hoon và Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines đã tham gia việc huấn luyện công tác tìm kiếm và cứu hộ tàu tại Biển Sulu.
Tàu Chung-Hoon đã hỗ trợ các nỗ lực chống phiến quân ở miền nam Philippines. Tàu này còn tham gia các cuộc tập trận với các lực lượng khác của Mỹ ngoài khơi đảo Guam và trong các cuộc tập trận với Hải quân Singapore.
Tạp chí Foreign Policy cho hay chính quyền Obama đã chuyển hướng trọng tâm chiến lược sang Đông Nam Á do nhận thấy tầm quan trọng của khu vực này trong các lĩnh vực kinh tế, ngoại giao và quân sự.
Tàu Chung-Hoon được triển khai tới Thái Bình Dương giữa lúc căng thẳng trên Biển Ðông giữa Trung Quốc và các quốc gia láng giềng.
Ngày 9/6, một tàu cá của Trung Quốc phá cáp tàu Viking II của Việt Nam trong khi con tàu này đang có mặt trên khu vực thềm lục địa của Việt Nam. Trước đó, tàu Bình Minh 02 của Việt Nam cũng bị tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp địa chấn trên thềm lục địa cách bờ biển Việt Nam 120 hải lý hôm 26/5.
Philippines gần đây cũng lên tiếng việc các tàu của nước này bị tàu Trung Quốc uy hiếp, và đáng lo ngại nhất là vụ Trung Quốc dựng cột sắt và đổ vật liệu xây dựng xuống vùng Biển Đông tranh chấp từ ngày 21/5-24/5.
Tổng thống Philippines Begnino Aquino đã tuyên bố là Manila sẽ chính thức khiếu nại lên Liên hợp quốc về những hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông.
An Bình
Tổng hợp

Nhật ký tàu Viking II: TQ dùng máy bay tham gia cắt cáp

10/06/2011 09:56


Nhật ký tàu Viking 2 của Việt Nam cho thấy, Trung Quốc đã dùng máy bay để "bảo hộ" tàu cắt cáp của mình.
Nhật ký tàu Viking II: TQ dùng máy bay tham gia cắt cáp
Trực thăng của Trung Quốc. Ảnh: vietnamdefence. 


Nhật ký tàu Viking của Việt Nam:
* Ngày 8/6
- 5 giờ 30 phút: Tàu bảo vệ Vạn Hoa 737 và 731 trinh sát về phía bắc của mục tiêu.
- 7 giờ: Vạn Hoa 737 và 731 tiếp cận khu vực quay đầu phía tây, quan sát thấy hơn 15 tàu đánh cá của Trung Quốc làm việc bên trong khu vực quay đầu.
- 8 giờ 45 phút: Tàu Vạn Hoa 737 đến bên cạnh tàu Trung Quốc 80105 phát lời cảnh báo của Chính phủ Việt Nam (bằng tiếng Trung Quốc) là tàu này đã vi phạm lãnh hải Việt Nam.
- 9 giờ 35 phút: Tàu ngư chính Trung Quốc số hiệu 303 thông báo với Vạn Hoa 737 rằng các tàu đánh cá sẽ khởi hành khỏi khu vực trong 3-4 giờ. Họ cho biết do gặp sự cố nên sẽ mất thời gian dài để hồi phục bánh lái tàu của họ. Nhận tin, Vạn Hoa 737 đứng dự phòng.
- 11 giờ: tàu Vạn Hoa 737 nhận được tín hiệu từ tàu ngư chính Trung Quốc 303 thông báo họ sẽ rời khỏi khu vực. Nhưng ít phút sau, tàu này trắng trợn thông báo họ có quyền tiếp tục đánh cá trong vùng này và có vấn đề gì thì liên hệ với chính phủ của họ (Trung Quốc).
- 11 giờ 30 phút: Một máy bay không xác định được lai lịch bay trên tàu Vạn Hoa 737 và trên tàu Trung Quốc ở độ cao rất thấp. Đây là máy bay hai cánh quạt lớn, sơn màu xám và không dấu hiệu đã bay quanh khu vực khoảng 10 phút rồi rời đi.
- 12 giờ: Viking 2 thay đổi kế hoạch thu nổ địa chấn để tránh các tàu cá Trung Quốc.
 -14 giờ 50 phút: Một số tàu cá của Trung Quốc chạy theo đường cong hình chữ S không đúng với lộ trình. Chúng chạy trước tàu Vạn Hoa 737 rồi thay đổi hướng quay trở lại phía bắc.
- 20 giờ 30 phút: Tàu CR1 trực bảo vệ trong khi các tàu cá Trung Quốc chạy ngay sau các phao phía cuối tàu. Tàu Viking 2 bắt đầu làm việc, các tàu bảo vệ vào vị trí bảo vệ, di chuyển về phía trước.
Nhật ký tàu Viking II: TQ dùng máy bay tham gia cắt cáp
Tàu Viking của Việt Nam. Ảnh: PVN.
* Ngày 9-6:
- 6 giờ: khi đang thu nổ ở tọa độ 6o47,5' Bắc, 109o17,5' Đông, tàu Viking 2 bị tàu 62226 của Trung Quốc chạy cắt ngang phần dây kéo giữ thiết bị dàn trải cáp thu và gây rối bốn đường cáp thu phía bên trái tàu. Tàu 62226 bị hỏng chân vịt, trôi dạt phía sau tàu Viking 2 trong vài giờ.
- 8 giờ 20 phút: Viking 2 thoát khỏi sự theo đuổi của tất cả các tàu Trung Quốc. Tàu Viking 2 đang phục hồi các thiết bị và có kế hoạch khởi hành khỏi khu vực.
"Tàu phá hoại cáp" của Việt Nam xuất thân từ hải quân Trung Quốc Tàu ngư chính 331 xuất thân là tàu 503 của đội tàu hải quân Nam Hải (tức Biển Đông) nhưng tới cuối năm 2006 đã được phân về Cục Ngư chính khu Nam Hải với mục đích "sử dụng cho công vụ quốc gia".
Tàu nặng 4.600 tấn, dài 113,5m, rộng 15,5m, có thể đi tới 3.500 hải lý mới cần nạp nhiên liệu, tốc độ chạy cao nhất có thể lên tới 20 hải lý/giờ.
Tàu 311 được trang bị rất tối tân với hệ thống điều khiển GMDSS, là con tàu thuộc dạng có tốc độ nhanh nhất, trọng tải lớn nhất trong hệ thống tàu ngư chính của TQ hiện nay.
Nhật ký tàu Viking II: TQ dùng máy bay tham gia cắt cáp
Tàu ngư chính 311 tham gia giải cứu cho tàu cá Trung Quốc - Nguồn: Xinhua. 

Trên nhiều diễn đàn trên mạng TQ hiện nay như bbs.tiexue.net, đề tài "Liệu tàu ngư chính 311 có dám nổ súng?" đang được đem ra bàn luận sôi nổi với nhiều nội dung trái chiều. Tàu ngư chính 303 có trọng tải 1.000 tấn, dài 67,28m, rộng 9,60m. Ngay từ ngày 6.11.2009, 2 con tàu này đã được lệnh kết hợp thành một tổ tuần tra, chuyên trách khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Ngư chính chỉ là 1 trong 7 lực lượng tàu chuyên dụng của TQ hiện nay hoạt động trên biển, bên cạnh hải giám, hải cảnh, hải sự, hải tuần... Chỉ riêng tàu ngư chính cũng lên tới trên 300 chiếc, trong đó có tàu ngư chính Lôi Châu từng xâm phạm chủ quyền VN. Tổng số tàu hải giám được ước tính cũng xấp xỉ ít nhất 40 chiếc. Ngoài đội tàu chuyên dụng, TQ hiện còn có nhiều lực lượng vũ trang biển. Hải quân TQ đang khẩn trương đóng tàu sân bay đầu tiên, cơ sở đặt tại phía đông vịnh Nha Long, tỉnh Hải Nam.
Theo Tuổi TrẻThanh Niên

Trung Quốc đe dọa các nhà đầu tư vào Việt Nam

Thứ sáu, 10/06/2011 14:05

(DVT.vn) - Giới chức ngành dầu khí cho biết, Trung Quốc đã liên tiếp đe dọa Idemitsu, BP và ExxonMobil nếu các Tập đoàn này không rút các dự án khỏi Việt Nam.
>> Tàu Trung Quốc lại ngang ngược quấy rối tàu khảo sát Việt Nam

Thông tin trên được đăng trên tờ South China morning ngày hôm nay (10/6).

Phản ứng trước động thái này của phía Trung Quốc, giới chức Việt Nam đã thông báo cho đối tác Nhật cũng như các đối tác khác trong khu vực về vấn đề này, và cam kết sẽ theo dõi sát sao tình hình.

Idemitsu sau đó đã quyết định tiếp tục các dự án tại Việt Nam vì cho rằng các thương vụ với chính phủ Việt Nam là hoàn toàn tuân thủ luật quốc tế.

Trong cuộc họp báo thường kì của chính phủ tháng 5, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói, Việt Nam kiên quyết bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình tại thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế.

Do đó, Chính phủ sẽ có giải pháp bảo vệ, đảm bảo an toàn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước khi hợp tác thăm dò dầu khí tại thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Biển Đông trải dài từ bờ biển phía tây của Singapore ở Đông Nam Á tới eo biển Đài Loan với diện tích khoảng 3.500.000 km2, ước tính có trữ lượng hơn 50 tỉ tấn dầu thô và hơn 20 nghìn tỉ mét khối khí.

Linh Chi

VDIEO - Đáp Lời Sông Núi - Paracel and Spratly islands belong to Vietnam - Hoàng Sa - Trường Sa

Trung Quốc "tố ngược" Việt Nam tấn công tàu cá

 
Tàu thăm dò Viking II do Tập đoàn dầu khí Việt Nam thuê. (Ảnh: PetroTimes)
CÁC TIN LIÊN QUAN
Tàu Trung Quốc ngang ngược cắt cáp tàu Việt Nam
Hành động của các tàu Trung Quốc, cố tình lao vào tuyến cáp khảo sát của tàu Viking II, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền Việt Nam.

Tuyên bố của Hội Dầu khí VN vụ cắt cáp thăm dò
Hội Dầu khí VN đã ra tuyên bố việc tàu Hải giám Trung Quốc cắt cáp thăm dò địa chấn của tàu Bình Minh 02 thuộc Tập đoàn Dầu khí VN.

Ngày 9/6, nhiều giờ sau vụ tàu Trung Quốc cố tình lao vào tuyến cáp khảo sát của tàu Viking II do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thuê, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố các tàu cá nước này trong khi đang hoạt động đã bị các tàu vũ trang Việt Nam xua đuổi.

THX dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói: "Trong cuộc xua đuổi này, lưới đánh cá của một tàu cá Trung Quốc đã vướng vào cáp của một tàu thăm dò dầu khí Việt Nam, do đó ngư dân Trung Quốc buộc phải cắt lưới đánh cá."

Tàu Trung Quốc liều lĩnh lao vào phá cáp tàu Việt Nam, nhưng người phát ngôn Hồng Lỗi lại nói: "Hành động này đã gây nguy hiểm nghiêm trọng tới sự an toàn của các ngư dân Trung Quốc." 

Vào lúc 6 giờ ngày 9/6/2011, trong khi tàu Viking II do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thuê đang tiến hành thu nổ địa chấn 3D lô 136/03 (tọa độ 6o 47,5’ Bắc và 109o 17,5’ Đông) tại khu vực thềm lục địa của Việt Nam, thì tàu cá Trung Quốc mang số hiệu 62226 được sự yểm trợ của hai tàu ngư chính Trung Quốc số hiệu 311 và 303 đã chạy ngang qua mũi tàu Viking II sau đó đổi hướng và gia tăng tốc độ.

Mặc dù phía Việt Nam đã phát pháo hiệu cảnh báo nhưng tàu 62226 vẫn cố tình lao vào tuyến cáp khảo sát của tàu Viking II và bộ phận cắt cáp chuyên dụng của tàu 62226 đã mắc vào tuyến cáp của tàu Viking II, làm cho tàu Viking II không thể hoạt động bình thường. Tiếp đó, hai tàu ngư chính 311 và 303 cùng với nhiều tàu cá khác của Trung Quốc đã vào giải cứu cho tàu 62226.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, người phát ngôn Nguyễn Phương Nga khẳng định khu vực hoạt động thu nổ địa chấn nói trên của tàu Viking II nằm trong thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam, hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

"Phía Việt Nam phản đối mạnh mẽ việc làm nói trên của phía Trung Quốc; yêu cầu phía Trung Quốc xuất phát từ tầm cao chiến lược của quan hệ Việt-Trung, chấm dứt ngay và không để tái diễn mọi hành động vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, bồi thường thiệt hại đã gây ra cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam," bà Nga nhấn mạnh.

Chiều cùng ngày, Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để phản đối hành động này của phía Trung Quốc và nêu rõ lập trường của Việt Nam./.

(Vietnam+)

Ngày 13/6 Hải quân Việt Nam tập bắn đạn thật trên Biển Đông

Ngày bắn chính thức vào ngày 13/6, trong khoảng thời gian 18-24h.

Cũng theo thông báo, các phương tiện thủy không hoạt động ở khu vực nói trên trong thời gian bắn đạn thật. 



Thông tin trên được Quân chủng Hải quân Vùng 3 và Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc thông báo.

Theo đó, cuộc tập trận bắn đạn thật sẽ diễn ra trên khu vực giới hạn bởi 4 điểm A, B, C, D.
Cụ thể, điểm A ở 15°44’00″ độ vĩ Bắc, 108°35’00″ độ kinh Đông, điểm B ở 15°53’42″ độ vĩ Bắc, 108°35’00″ độ kinh Đông, điểm C ở 15°53’42″ độ vĩ Bắc, 108°46’36″ độ kinh Đông, điểm D ở 15°44’00″ độ vĩ Bắc, 108°46’36″ độ kinh Đông.


Địa điểm bắn đạn thật trên bản đồ:

Địa điểm bắn đạn thật diễn ra ở khu vực gần Hòn Ông

Địa điểm bắn đạn thật diễn ra ở khu vực gần Hòn Ông.


Nguon: http://vietnamnet.vn/

12h21' ngày 10/6/2011 ĐÀI TRUYỀN HÌNH VN TRIỂN LÃM KỶ NIỆM 90 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN TRUNG QUỐC


12h21' ngày 10/6/2011 ĐÀI TRUYỀN HÌNH VIỆT NAM đã chính thức đưa tin về sự kiện mà theo NKYN là không thể chấp nhận được trong tình hình hiện nay.
BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH VIỆT NAM kết hợp với
ĐẠI SỨ QUÁN TRUNG QUỐC TẠI HÀ NỘI khai mạc
TRIỂN LÃM KỶ NIỆM 90 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN TRUNG QUỐC!