THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

27 May 2011

Bắt quả tang "đảng ta" chơi trò khủng bố tinh thần lùa dân đi làm diễn viên bầu cử

Đúng là hết ý kiến. Còn bằng chứng nào rõ ràng hơn để phơi bày sự khủng bố tinh thần sinh viên tại Vinh (và các đại học khác)?

Xem các mục sau trong bản "HƯỚNG DẪN" dưới đây thấy thật tội cho người dân VN bị nhà cầm quyền coi thường một cách quá đáng:
Ảnh – Bản hướng dẫn quán triệt để các ứng cử viên trúng cử (Nuvuongcongly, Danlambao)

4. "Điểm bầu cử tại Trường có quán triệt riêng vì đây là một trong các đầu cầu truyền hình về bầu cử của cả nước". Bắt quả tang "đảng ta" chơi trò lùa sinh viên lãng vãng đến thùng phiếu ở Trường cho đông "để quay hình lên TV tuyên truyền" rằng bầu cử đông đảo đấy nhá. Sinh viên thời đại @@@ này có bao nhiêu kẻ còn chịu cúi đầu làm con rối cho "đảng ta" hay không, xin hãy chờ xem.

5. Bước tiếp theo là khủng bố quản lý, dùng lớp trưởng "thu thẻ cử tri của sinh viên" để kiểm soát xem sinh viên nào không đi bầu. Chính phủ gì mà làm cái chuyện gì mà kỳ cục vậy? Ở Xã hội dân chủ, người dân có quyền lựa chọn không đi bầu mà không hề bị chính phủ kiểm soát hành hạ như thế. Đây là sự vi phạm quyền tự do cá nhân trắng trợn đến vô liêm sĩ của nhà cầm quyền csVN.

6. Ahhh! Tiết mục quan trọng đây. Bây giờ thì "đảng ta" trắng trợn ra lệnh cho dân bầu ai đảng muốn dân bầu! Nhưng "đảng ta" láo cá lắm! Nếu dùng cho đúng từ ngữ thì lộ mặt hết, nên "đảng ta" đểu cáng 1 chút dùng từ "Quán triệt trúng cử" cho nó lập lờ đánh lận con đen vậy mà.

Danh sách Đảng "Quán triệt trúng cử"
Nhìn vào bản "quán triệt" này còn ai muốn đi bầu cử nữa không? Nếu có lòng tự trọng thì câu trả lời là: "KHÔNG"!

HLTL

Tàu Trung Quốc 'vi phạm lãnh hải' Việt Nam


Tàu khảo sát địa chấn Bình Minh 02
Tập đoàn dầu khí quốc gia PetroVietnam nói ba tàu hải giám Trung Quốc đã vi phạm lãnh hải của Việt Nam, phá hoại thiết bị và cản trở hoạt động của tàu khảo sát Việt Nam.
Sự kiện này xảy ra ngay mới sáng hôm thứ Năm 26/05, tại vùng biển miền Trung chỉ cách mũi Đại Lãnh của tỉnh Phú Yên 120 hải lý, mà PetroVietnam nói hoàn toàn trong thềm lục địa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
PetroVietnam đã có cuộc họp gấp với báo chí về sự việc mà hãng này gọi là "hành động hết sức ngang ngược, vi phạm trắng trợn đối với quyền chủ quyền của Việt Nam, gây thiệt hại lớn về kinh tế và cản trở hoạt động của PetroVietnam".
Phó Tổng Giám đốc PetroVietnam Đỗ Văn Hậu được Thông tấn xã Việt Nam trích lời nói hãng này đã báo cáo và đề nghị Chính phủ cùng các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam "có các biện pháp phản đối mạnh mẽ nhất có thể đối với phía Trung Quốc", đồng thời hỗ trợ PetroVietnam thăm dò và khai thác dầu khí trong vùng biển của Việt Nam.

Uy hiếp

Theo ông Hậu, vụ gây hấn xảy ra khi tàu địa chấn Bình Minh 02 của PetroVietnam đang tiến hành khảo sát địa chấn tại khu vực các lô 125, 126, 148, 149 trên thềm lục địa miền Trung của Việt Nam.
Ông nói tàu Bình Minh 02 đã làm công việc này trong hai đợt, đợt thứ nhất hồi năm 2010 và đợt thứ hai từ 17/03 năm nay, "quá trình khảo sát những ngày vừa qua được tiến hành trôi chảy".
Đây là hành động hết sức ngang ngược, vi phạm trắng trợn đối với quyền chủ quyền của Việt Nam, gây thiệt hại lớn về kinh tế và cản trở hoạt động của PetroVietnam.
Phó TGĐ PetroVietnam Đỗ Văn Hậu
Tuy nhiên vào khoảng 5 giờ sáng thứ Năm, tàu Bình Minh 02 phát hiện ba tàu hải giám của Trung Quốc chạy nhanh vào khu vực tàu này đang khảo sát mà không hề cảnh báo.
Gần một tiếng sau đó, "tàu hải giám Trung Quốc đã chủ động chạy qua khu vực thả dây cáp, cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02", sau đó tiếp tục uy hiếp tàu này.
Được biết hai bên đã có trao đổi, và tàu Bình Minh 02 khẳng định đang hoạt động trong lãnh hải của Việt Nam.
Mãi tới 9 giờ sáng, tức sau gần bốn tiếng đồng hồ, các tàu hải giám Trung Quốc mới rút đi.
Ông Đỗ Văn Hậu được dẫn lời cho biết: "Tàu Bình Minh 02 và các tàu bảo vệ đã phải dừng công việc trong ngày 26/05 và thu lại các thiết bị bị hỏng để sửa chữa".
Tàu khảo sát địa chấn của Việt Nam phải tới 6 giờ sáng thứ Sáu 27/05 mới quay trở lại hoạt động bình thường.

Tăng căng thẳng

Đây là một trong những lần hiếm hoi tàu Trung Quốc vào lãnh hải Việt Nam sâu và có hành động mạnh bạo như vậy.
Trong quá khứ, Việt Nam từng cáo buộc tàu tuần ngư và tàu cá Trung Quốc vi phạm lãnh hải Việt Nam, nhưng sự kiện hôm 26/05 dường như vượt xa mức độ vi phạm của các lần trước.
Hiện chưa biết Chính phủ Việt Nam sẽ phản đối mạnh mẽ đến mức nào.
Năm nay Trung Quốc đã và đang đóng mới hàng chục tàu hải giám để tăng cường tuần tra biển.
Tháng Ba vừa qua, hai tàu Trung Quốc cũng gây hấn với tàu thăm dò địa chấn của Philippines hoạt động tại khu vực Bãi Cỏ Rong ở Biển Đông, gây căng thẳng lớn về ngoại giao giữa Manila và Bắc Kinh.
Sau đó, Philippines đã gửi công hàm để phản đối.
Truyền thông Philippines những ngày gần đây đồng loạt đề cập chủ đề chủ quyền tại Biển Đông, dường như đang chuẩn bị dư luận cho một giai đoạn mới trong căng thẳng khu vực.

Chiến lược an ninh mới của TQ: Quả quyết không đối đầu


Đây có thể là đặc điểm mô tả chính xác nhất về thái độ mới của Trung Quốc trong an ninh khu vực. Nó sẽ là thực tế mới mà những người chơi trong khu vực có thể phải tiếp cận.
Bài phân tích của tác giả Lí Minh Giang - trợ lý giáo sư tại trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam - Đại học Công nghệ Nam Dương, Singapore.

Ảnh minh họa: allvoices
Nhiều chuyên gia tin rằng, Trung Quốc đã vứt bỏ chiến lược "ẩn mình" trong quan hệ quốc tế và thay vào đó là ngày càng trở nên quyết đoán hơn nhằm thúc đẩy khái niệm lợi ích quốc gia được định nghĩa trong phạm vi hẹp. Các nhà chỉ trích thường xuyên dẫn ra cách hành xử của Trung Quốc tại Hội nghị khí hậu Copenhagen, phản ứng của Bắc Kinh về việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan và quan điểm cứng rắn trong các vấn đề an ninh trên bán đảo Bình Nhưỡng, biển Hoa Đông và Biển Đông trong năm 2010. Đây được xem là những ví dụ tiêu biểu của việc Bắc Kinh thay đổi quan điểm ôn hòa trong an ninh bằng một cách nhìn quyết đoán hơn.
Tuy nhiên, trong ít tháng qua, các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc đã nỗ lực hết mình để thuyết phục khu vực và quốc tế, trấn an nước láng giềng bằng những mục tiêu hòa bình của họ. Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại Diễn đàn châu Á ở Bác Ngao thuộc Hải Nam khẳng định rằng, Trung Quốc tìm cách giải quyết tranh chấp lãnh thổ với các quốc gia láng giềng thông qua các biện pháp hòa bình và mong muốn xây dựng một "châu Á hòa hợp". Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng không ngừng cố gắng làm nổi bật mong muốn của Trung Quốc trong việc sẵn sàng tham gia và hợp tác với láng giềng qua các chuyến công du gần đây tới Malaysia và Indonesia.
Vậy nên đánh giá thế nào về chính sách an ninh Trung Quốc giữa những sự kiện và tín hiệu này? Những gì đã thay đổi và những gì vẫn còn lại trong quan điểm an ninh của Trung Quốc?
Không đối đầu
Những câu hỏi đặt ra ở trên là rất quan trọng với phần còn lại của thế giới, đặc biệt là với các nước láng giềng Đông Á. Trong khi thừa nhận rằng, Trung Quốc trở nên quả quyết hơn và sẽ vẫn như vậy trong tương lai trước mắt, chúng ta cũng phải nhấn mạnh rằng, Trung Quốc dường như không theo đuổi chiến lược đối đầu với những người chơi khác ở Đông Á. Quyết đoán nhưng không đối đầu sẽ là nền tảng cho chính sách an ninh của Trung Quốc những năm tới; đây là thực tế mà phần còn lại của thế giới nên chuẩn bị trong những mối quan hệ của họ với Trung Quốc.
Vậy quyết đoán nhưng không đối đầu của Trung Quốc về cơ bản có ý nghĩa gì? Nghĩa là ở cấp độ chiến lược, Bắc Kinh sẽ không theo đuổi bất kể sự đối đầu nào với những người chơi khác trong khu vực. Chiến lược không đối đầu của Trung Quốc đã được hình thành bởi một số yếu tố. Chừng nào các yếu tố ấy còn tồn tại, thì cách tiếp cận không đối đầu sẽ còn tiếp tục.
Trước hết, ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh là tiếp tục tăng trưởng kinh tế trong nước. "Tầng lớp tinh hoa" của Trung Quốc tin tưởng rằng, họ vẫn cần một môi trường ổn định và hòa bình bên ngoài để hiện đại hóa kinh tế trong nước. Hiện tại, có rất ít bằng chứng cho thấy, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang cân nhắc hay sẵn sàng hy sinh tính cấp bách cho phát triển kinh tế bằng sự đối đầu với những cường quốc khác.
Thứ hai, những người đưa ra quyết định tại Trung Quốc hiểu rõ ràng rằng, quan điểm chiến lược tổng thể của Trung Quốc ở Đông Á không cung cấp một động lực nào khiến họ đối đầu với bất cứ người chơi lớn nào trong khu vực. Sau hai thập niên bền bỉ củng cố chỗ đứng của mình trong khu vực, Trung Quốc vẫn trong vị thế bị cô lập tại Đông Á. Bắc Kinh không vui vẻ gì với thực tế này nhưng các nhà lãnh đạo của họ hiểu rằng, Trung Quốc sẽ phải sống với thực tế ấy một thời gian dài nữa. Những sai lầm của Trung Quốc sẽ chỉ dẫn tới hậu quả là sự củng cố vai trò an ninh hơn nữa của Mỹ ở Đông Á và làm trầm trọng thêm những gì Trung Quốc coi là không thuận lợi về mặt chiến lược.
Chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy
Nhưng cùng lúc đó, Trung Quốc đang trở nên quả quyết hơn trong các vấn đề an ninh khu vực. Thứ nhất, sức mạnh của Trung Quốc đã phát triển tới mức họ có đủ khả năng để quyết đoán hơn. Các nỗ lực hiện đại hóa quân sự của họ đã đem lại những kết quả ấn tượng. Kinh tế Trung Quốc chiếm vị trí lớn thứ hai thế giới và là động lực tăng trưởng quan trọng cho nhiều quốc gia khu vực. Khả năng thực thi luật pháp hàng hải của Trung Quốc đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây và sẽ gia tăng hơn trong thời gian tới. Sự trỗi dậy trong những khả năng ấy dường như đã tạo ra "hấp lực" cho việc sử dụng chiến thuật gây áp lực và quả quyết hơn trong ngoại giao.
Thứ hai, một phần bởi khả năng sức mạnh gia tăng, sự tự tin của Trung Quốc cũng trở nên lớn hơn, đặc biệt trong làn sóng khủng hoảng tài chính. Đó không chỉ là sự tự tin, mà là sự gia tăng trong nhận thức về chủ nghĩa dân tộc của những người dân Trung Quốc vài năm gần đây.
Thứ ba, chính trị trong nước ở Trung Quốc không góp phần "kiềm chế" xu hướng gia tăng chủ nghĩa dân tộc. Bất mãn xã hội do tham nhũng, giá nhà đất tăng cao, bất công bằng xã hội, lạm dụng quyền lực của chính quyền địa phương… là những mối lo lắng lớn với tầng lớp cầm quyền. Những nhà lãnh đạo hàng đầu có thể lo lắng rằng, bất cứ sự thỏa hiệp hay phản ứng yếu ớt nào về vấn đề an ninh khu vực có thể bị thành phần bất mãn sử dụng như một cớ để khơi mào cho những bất ổn về các vấn đề trong nước.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiểu rõ khả năng này bởi sức mạnh của các phương tiện truyền thông xã hội. Sự chuyển giao quyền lực chính trị sắp tới lại càng làm phức tạp hơn chính sách an ninh của Trung Quốc. Không một nhà lãnh đạo nào của Trung Quốc muốn hiện diện yếu ớt về những vấn đề liên quan tới "các lợi ích cốt lõi".
Tác động từ chính trị trong nước
Trong khi thế giới bên ngoài tin rằng, Trung Quốc đã phạm những sai lầm tại Đông Á trong năm 2010, thì bản thân người Trung Quốc lại có thể chú tâm vào một kết luận hoàn toàn khác biệt. Họ có thể quả quyết rằng, quan hệ an ninh căng thẳng của Trung Quốc với các nước láng giềng là do những nước này muốn tiến gần hơn với Mỹ.
Môi trường chính trị mới cũng làm thay đổi đáng kể động lực hoạt động chính trị ở Trung Quốc. Các lực lượng và cơ quan thiên về quan điểm chính sách cứng rắn trở nên có "vai vế" hơn trong việc ra quyết định. Ví dụ, những cơ quan thực thi pháp luật hàng hải đã tận dụng lợi thế của không khí chính trị trong nước cho các lợi ích riêng của họ; điều này giải thích vì sao Trung Quốc trở nên ngày càng quyết đoán hơn trong lĩnh vực hàng hải những năm gần đây.
Sự kết hợp giữa không đối đầu và tính quyết đoán có thể sẽ chiếm ưu thế trong hành xử an ninh của Trung Quốc tại Đông Á những năm tới. Khu vực Đông Á có thể nhận biết những tín hiệu trái ngược nhau trong chính sách an ninh Trung Quốc: đó là biểu hiện của cả thiện chí lẫn độc đoán trong các vấn đề tranh chấp cụ thể. Đó sẽ là sự quả quyết thường xuyên được thể hiện của Trung Quốc nhưng cùng lúc ấy, Bắc Kinh sẽ kiềm chế để không leo thang căng thẳng hay xung đột trong bất cứ cuộc đối đầu lớn nào.

CSVN yêu cầu TQ bồi thường thiệt hại vì cắt cáp dầu khí !


- Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc không để tái diễn những hành động vi phạm quyền chủ quyền, đồng thời bồi thường thiệt hại sau khi 3 tàu hải giám nước này cắt cáp thăm dò dầu khí của Việt Nam.
>> Tàu Trung Quốc cắt cáp thăm dò dầu khí của Việt Nam

Hôm nay (27/5), trả lời Thông tấn xã Việt Nam về việc tàu hải giám của Trung Quốc cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) khi đang khảo sát địa chấn trong thềm lục địa của Việt Nam, quan chức Bộ Ngoại giao xác nhận vào lúc 5h58' sáng 26/5, trong khi đang tiến hành khảo sát tại lô 148 trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam, tàu Bình Minh 02 đã bị 3 tàu Hải giám số 72, 17 và 84 của Trung Quốc cắt cáp thăm dò.
Tọa độ bị cắt cáp ở vị trí 12 o 48'25" Bắc và 111 o 26'48" Đông, cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) khoảng 120 hải lý.
Thiết bị của tàu địa chấn Bình Minh 02 bị ba tàu hải giám Trung Quốc phá hoại. Ảnh: TTXVN
Quan chức Bộ Ngoại giao cho biết: Sáng nay, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối hành động nói trên của phía Trung Quốc, yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay, không để tái diễn những hành động vi phạm quyền chủ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời bồi thường thiệt hại cho phía Việt Nam.

Nội dung công hàm cũng nêu rõ hành động nói trên của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa của mình, vi phạm Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc, trái với tinh thần và lời văn của Tuyên bố năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) cũng như nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Trung Quốc về việc không làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông.

Trước đó, trả lời báo chí tại Hà Nội, Phó Tổng giám đốc PVN Đỗ Văn Hậu cũng thông báo việc các tàu hải giám Trung Quốc đã vi phạm vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam.

Việc các tàu hải giám Trung Quốc vào rất sâu trong vùng biển của Việt Nam để phá hoại, cản trở các hoạt động thăm dò khảo sát bình thường của PVN là một hành động "hết sức ngang ngược, vi phạm trắng trợn đối với quyền chủ quyền của Việt Nam, gây thiệt hại lớn về kinh tế và cản trở hoạt động của PVN", ông Hậu nói.

PVN đã báo cáo và đề nghị Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có các biện pháp phản đối mạnh mẽ nhất có thể đối với phía Trung Quốc; yêu cầu phía Trung Quốc dừng ngay các hành động cản trở hoạt động của PVN; đồng thời hỗ trợ PVN thực hiện nhiệm vụ thăm dò, khai thác của mình.

PVN khẳng định các công việc khảo sát địa chấn ở khu vực này sẽ được tiến hành bình thường vì đây là khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam. PVN sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để bảo đảm cho hoạt động của tàu Bình Minh 02 được hiệu quả, an toàn.
Hiền Anh

Tin đặc biệt : Tàu chiến TQ xâm phạm lãnh hải tấn công VN



VTV1 tuyên bố: "Đây là hành động ngang ngược nhất của Trung Quốc, từ trước đến nay"

Mai Thanh Hải Blog - "Sáng hôm qua (26-5-2011), Tàu Hải giám của Trung Quốc đã xâm phạm vùng biển Việt Nam, sâu vào lãnh hải gần vùng biển Khánh Hòa - Phú Yên. Những tàu Trung Quốc này đã tấn công và phá hoại các thiết bị thăm dò dầu khí của PetroVietNam, gây thiệt hại rất lớn" - Đó là nội dung vừa được phát trên Bản tin Thời sự, VTV1 buổi trưa ngày hôm nay (27-5-2011).

Bản tin này còn có phần trả lời phỏng vấn của 1 Phó Tổng Giám đốc PetroVietNam về nội dung sự việc và cực lực phản đối hành động nghiêm trọng của Trung Quốc.

VTV1 tuyên bố: "Đây là hành động ngang ngược nhất của Trung Quốc, từ trước đến nay"

Việt Nam lên án Trung Quốc phá hoại thiết bị khảo sát địa chất


VTV
- Sáng nay, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã ra tuyên bố lên án và phản đối mạnh mẽ hành động của phía Trung Quốc phá hoạt thiết bị khảo sát địa chất trên tàu Bình Minh 02 và xâm phạm vùng lãnh hải của Việt Nam trên biển Đông.

Theo ông Đỗ Văn Hậu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam, vào hồi 5h58 sáng qua (26/5), ba tàu Hải giám của Trung Quốc đã xâm phạm vào sâu trong vùng lãnh hải đặc quyền kinh tế của Việt Nam 84 hải lý để phá hoại thiết bị thu sóng siêu âm của tàu Bình Minh 02.

Kể từ ngày 17/3 vừa qua, tàu Bình Minh 02 bắt đầu thực hiện việc thăm dò địa chất để tìm kiếm dầu khí tại lô 125, 126, 148 và 149 thuộc bể Phú Khánh, cách Mũi Đại Lãnh của tỉnh Phú Yên 146 hải lý. Vào hồi 5h sáng qua, ba tàu Hải giám của Trung Quốc đã chạy với tốc độ lớn vào thẳng khu vực tàu Bình Minh 02 đang hoạt động, mặc dù được các tàu của Việt Nam cảnh báo và Tàu Bình Minh 02 đã hạ thấp thiết bị là một đoạn cáp dài 10 km từ 8m cách mặt nước xuống sâu hơn 30m. Tuy nhiên, tàu Hải Giám của Trung Quốc đã dùng thiết bị chuyên dụng và có chuẩn bị sẵn để cắt đứt đường cáp này của tàu Bình Minh 02 ở đoạn cách tàu khoảng 3 km.


Vị trí tàu địa chấn Bình Minh 02 bị ba tàu Hải giám Trung Quốc phá hoại. (Ảnh: TTXVN)
Sau khi phá hoạt thiết bị, ba tàu Hải giám của Trung Quốc còn uy hiếp các tàu của Việt Nam và thông báo tàu Bình Minh 02 vi phạm vi phạm chủ quyền của Trung Quốc. Tàu Bình Minh 02 đã bác bỏ ngay những cáo buộc này và khẳng định, tàu đang hoạt động trong vùng lãnh hải thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Tuy nhiên liên tục trong vòng 3 tiếng đồng hồ sau đó, ba tàu Hải giám của Trung Quốc vẫn tiếp tục cản trở việc thu lại đường cáp bị cắt của tàu Bình Minh 02. Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam Đỗ Văn Hậu khẳng định, hành động này của Trung Quốc là hết sức ngang ngược và nghiêm trọng.

Ngay trong ngày hôm qua, Tập Đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã thông báo và đề nghị các Bộ, ngành liên quan và Chính phủ lên án mạnh mẽ và phản đối hành động phá hoạt và xâm phạm lãnh hải Việt Nam của các tàu Hải giám Trung Quốc. Bởi đây là hành động táo tợn nhất từ trước tới nay của Trung Quốc đối với các hoạt động thăm dò dầu khí nằm rất sâu trong vùng lãnnh hải và thềm lục địa của Việt Nam. Hành động này cũng đã vi phạm nghiêm trọng Công ước về Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc.

Sau một ngày khắc phục thiệt hại, ngay trong sáng nay, tàu Bình Minh 02 đã thay thế thiết bị mới và đã trở lại hoạt động bình thường. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam khẳng định, Tập đoàn này sẽ vẫn tiếp tục các hoạt động thăm dò địa chất phục vụ việc thăm dò và khai thác dầu khí tại lô 125, 126, 148 và 149 thuộc bể Phú Khánh nằm sâu trong vùng lãnh hải và thềm lục địa của Việt Nam.
Trung Kiên
***
TÀU HẢI GIÁM TRUNG QUỐC LÀ TÀU CHIẾN ĐẤU TUẦN TRA BIỂN

Đầu tháng 3-2011 vừa qua, Tân Hoa Xã cho biết: Trung Quốc đã hạ thủy thành công chiếc tàu tuần tra với tên gọi là Hải giám 50 (do Cty TNHH Tàu thuyền Vũ Xương chế tạo)


Tàu Hải giám 50 của Trung Quốc được hạ thủy 3-2011
Hải giám 50 trang bị kỹ thuật tiên tiến nhất, trọng tải lớn nhất trong dự án chế tạo tàu tuần tra trên biển của Hải quân Trung Quốc. Chiếc tàu có chiều dài là 98m, chiều rộng là 15,2m, độ sâu so với mực nước là 7,8m, độ giãn nước là 3.336 tấn. Chiếc tàu tuần tra này được chế tạo dựa trên chiếc tàu" Hải giám 83", được trang bị hệ thống điện tiên tiến, tốc độ lớn nhất là 18 hải lý/ giờ, có thể chạy liên tục được 8.000 hải lý.

Trên thuyền được trang bị hệ thống ổn định, chịu được cơn bão cấp 12, ngoài ra được trang bị máy bay trực thăng Z-9A, hệ thống định vị vệ tinh, hệ thống dẫn đường và các thiết bị tiên tiến để điều tra, thu thập tin tức các tàu thuyền khác.

Tân Hoa Xã cũng dẫn lời Cục trưởng Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc cho biết: Lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc sẽ khai thác sử dụng loại tàu này cho nhiệm vụ.

Ngoài Hải giám 50, Trung Quốc còn có chiếc tàu Hải giám 83 có độ giãn nước là 3.980 tấn, do Tập đoàn chế tạo tàu thuyền của Trung Quốc tại Thượng Hải nghiên cứu chế tạo và hạ thủy. Trên tàu trang bị trực thăng B-7112, do Trung Quốc tự chế tạo.

Căn cứ quân sự của Trung Quốc xây dựng trên đảo Gạc Ma - Trường Sa. Ngày 14-3-1988, Hải quân Trung Quốc đã nổ súng và lực lượng Công binh Hải quân Việt Nam đang đóng quân, xây dựng trên đảo Gạc Ma, làm 3 tàu Vận tải của ta bị chìm, cháy và 74 cán bộ chiến sĩ Hải quân Việt Nam hy sinh - mất tích. Từ ngày 14-3-1988 đến nay, đảo Gạc Ma của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm giữ và củng cố thành căn cứ quân sự trên biển

Bên cạnh đó, phải kể đến "Hải giám 75", có chiều dài là 77,39m, chiều rộng là 10,4m, độ giãn nước là 1.290 tấn, hai máy chủ với công suất là 2.380 mã lực, tốc độ chạy là 20.6 hải lý/ giờ, có thể chạy liên tục được 5.000 hải lý.

Theo thống kê của Cục hải dương quốc gia Trung Quốc, trong một vài năm tới Trung Quốc sẽ chế tạo 36 chiếc tàu tuần tra. Trong đó có 7 chiếc tàu với trọng lượng 1.500 tấn, 15 chiếc tàu 1.000 tấn, 14 chiếc tàu 600 tấn.

http://maithanhhaiddk.blogspot.com/2011/05/news-tau-trung-quoc-tan-cong-tau-cua.html

Phóng sự: Đất người Mơnông ở Đăk Nông bị cướp đoạt

Đăk Nông – Kỳ 2: Đất của tám làng đâu?
BKL (27/05/2011) – "Trong các ngày 20 – 21.4, đoàn liên ngành tỉnh Đắc Nông tiến hành giải toả đất rừng tại vùng giáp ranh Đắc Nông – Bình Phước (thuộc huyện Tuy Đức) khá suôn sẻ. Tuy nhiên, từ sáng 22.4, hơn 400 lâm tặc phản công rầm rộ, gây tổn thất nặng nề cho lực lượng chức năng". Đây là câu dẫn đăng trên báo Lao Động Thứ Bảy, 23.4.2011.
Hơn "400 lâm tặc phản công rầm rộ", họ là ai?
Xin trả lời ngay, đó là hơn 400 nhân khẩu thuộc các làng Bon Bu Thun, Bon Phê Lang, Bon Pê Rơte, Bon Dien Wit, Bon Tâu Đat, Bon Phê Đăng, Bon Diêng Đu, Bon Đang Drang. Chỉ theo những ghi chép về lịch sử đấu tranh của đồng bào Đăklăk (trước đây khi chưa tách tỉnh) thì ai cũng rõ các làng này đã có mặt và dân cư sinh sống từ trước 1975.
Ông Điểu Bẫy cho biết đất chúng tôi đang ở, được gọi là các tiểu khu 1521, 1525, 1537, 1538 là quê cha đất tổ. Mẹ tôi lấy bố tôi ngay trên đất này. Trước đây mỗi làng chúng tôi có một nghĩa địa, sau đó Ủy ban nhân dân (UBND) xã Đăk Ngo đã xin và UBND huyện Tuy Đức đã quy hoạch cho một nghĩa trang chung rộng 9,8 hecta.
Anh Điển Bẫy, một người Mơnông nói bố mẹ anh cưới nhau ngay trên đất này
Như vậy những người mà báo chí gọi là "lâm tặc" lại là chính những người dân đã cư ngụ lâu đời trên mảnh đất của tổ tiên họ.
Ông Điểu Bẫy còn chỉ cho chúng tôi xem từng biôch (nghĩa trang) của từng làng, và nghĩa trang chung của tám làng sau khi chính quyền đã quy tập lại. Tại các nghĩa trang này vẫn còn nguyên các ghè rượu (phần của người chết) xếp quanh.  Ông cũng chỉ cho tôi đất trước đây là cánh rừng dung để buộc các nhau thai, sau khi bà mẹ sinh ra em bé. Theo phong tục của người Mơnong, đứa trẻ nào sinh ra, mà nhau thai không được buộc lên cây trong cánh rừng đó thì cuộc sống sẽ không được an toàn. Đây là phong tục đặc biệt, chúng tôi chưa có đủ kiến thức để nhìn nhận giá trị thật tiềm ẩn, nhưng đó là giá trị thiêng liêng của một dân tộc, những ai đến đất của họ cần phải tôn trọng và tuân giữ.
Bước vào vùng đất ấy, không ai có thể nói đó là vùng dân cư mới đến vài nằm.
Tuy trước đại hội đảng CSVN lần thứ 11, công cụ và tư liệu sản xuất là công hữu, nên đất đai là sở hữu toàn dân, thì chính quyền vẫn ý thức người dân có quyền sử dụng đất đai. Một thực tế, chúng tôi đã trình bày ở bài thứ nhất: Du canh lạc hậu, định canh tiên tiến. Sự thật hay lừa cướp đất? cho thấy bản chất của chính sách định canh định cư thay vì du canh di cư là chiếm đoạt tài sản của các cộng đồng sắc tộc thiểu số ở Tây Nguyên, ở đây là đất và rừng, nói theo nhà văn Nguyên Ngọc, người có thời gian dài gắng bó với đất Tây Nguyên, thì rừng là môi trường sống của người dân tộc thiểu số. Tức là chiếm đoạt môi trường sống của gần 500 nhân khẩu của người Mơnông.

Ở thời điểm này đại hội đảng đã kết thúc được nữa năm rồi, mà những thay đổi căn bản trong cương lĩnh về công hữu và tư hữu của đại hội vẫn chưa được các đảng viên là lãnh đạo tỉnh, huyện ở Đăk Nông cập nhật để làm theo !

Hành động tàn phá của chính quyền, thuê quần chúng tự phát đánh người Mơnông
Báo Lao Động viết tiếp: "Để thực hiện kế hoạch truy quét tại các tiểu khu 1521, 1525, 1537, 1538, liên ngành kiểm lâm, công an, quân đội… đã triển khai lực lượng đến văn phòng 2 của Cty TNHH một thành viên lâm nghiệp Quảng Tín (đóng tại xã Đắc Ngo, huyện Tuy Đức). Theo phương án được duyệt, đoàn sẽ giải toả 36 căn nhà, 91 lều lán, chặt bỏ 507ha cây trồng trái phép, thu hồi 711ha đất rừng giao trả cho Cty lâm nghiệp Quảng Tín quản lý, trồng lại rừng v.v…"  (báo Lao Động).

Nhà của dân Mơnông bị phá sập hoàn toàn
Theo đơn tố cáo của 56 hộ thì 507 hecta cây, mà phóng viên báo Lao Động gọi là "cây trồng trái phép" lại là cây công nghiệp đang thu hoạch là cao su, là điều. Một cây công nghiệp trồng để có thể thu hoạch phải mất tối thiểu là 3 năm. Cao su là 7 năm. Nếu là bất hợp pháp sao không cấm, không giải tỏa ngay khi họ mới xuống giống, mới cấy cây con, mà đợi đến sau 7 năm sau mới ra tay?
Cũng trong đơn tố cáo khẩn cấp được gần 200 người ký tên ngày 21/04/2011 gởi đến ông Tổng bí thư và nhiều vị chức trách nhà nước, gần 500 người dân cho biết ngoài việc chặc phá các cây công nghiệp, là cả cơ nghiệp của họ và con cháu họ, thì công an, lực lượng liên ngành của tỉnh Đăk Nông và huyện Tuy Đức đã đốt hết nhà cửa của họ, khiến họp không có chổ ở, phải ra ngoài đường sống, một số nhỏ đã lên UBND xã Đăk Ngo lăn vào tìm chổ ngủ.



Các bình xịt hơi cay đã sử dụng để tấn công dân
Báo Lao Động mô tả sự hào hùng của các lực lượng chuyên chính tấn công người dân tộc Mơnông như sau : « «Trưa 22.4, Công an tỉnh đã tăng cường 100 cảnh sát cơ động vào xã Đắc Ngo để hỗ trợ lực lượng liên ngành, UBND huyện Tuy Đức cũng huy động nhiều xe "reo" (GMC) kéo gỗ, giải phóng tuyến đường vào hiện trường v.v… Khoảng 14 giờ cùng ngày, hơn 400 lâm tặc đã rút vào rừng". (báo Lao Động).
Một điều phụ nhưng đáng nói ở đây là báo Lao Động là cơ quan ngôn luận của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, nhưng lại không bảo vệ giới thợ thuyền, nông dân, mà hùa theo giới chủ và chính quyền tuyên truyền sai sự thật.
Báo Dân Việt cũng hùa theo đưa tin : « Ngày 27.4, Công an huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Nông đã bắt Lò Văn Phải (SN 1969) và Bảy Điếc (SN 1973), đều trú tại huyện Bù Đăng, Bình Phước để điều tra về hành vi "tụ tập, lôi kéo đông người chống lại người thi hành công vụ". Liên quan vụ việc này, có 5 đối tượng khác cũng đã bị bắt" (Dân Việt). Nhưng sự thật, hầu hết 56 hộ đang sử dụng ổn định hơn 10 năm trên 507 hecta đất bị cưỡng chế giải tỏa là người địa phương của tỉnh Đăk Nông, chỉ một vài hộ mới từ Bình Phước chuyển qua, nhưng không phải là di cư tự do, mà là trở về đất mẹ đã sinh ra mình.
Bản chất sự việc này thế nào ?
Theo em Điểu Lý, một thánh niên mới lớn đã học xong lớp 12, cho biết ông bà của em kể lại là dòng tộc người Mơnông mình sống ở đây rất lâu đời. Mồ mả ông cố của em vẫn còn đó. Sở dĩ có chuyện liên quan đến tỉnh Bình Phước là do những năm đầu thập niên 1970 chiến tranh ác liệt, nhiều gia tộc tránh nạn đã xuống Bình Phước, nhưng sau khi hòa bình lập lại, họ đã trở về với rừng của họ. Vì đối với người các sắc tộc thiểu số Tây Nguyên, rừng là nhà.

Điểu Lý nói gia đình em bị cướp 10 hecta
Việc thu hồi đất này dẫn đến tranh chấp không đơn giản như các báo Lao Động và Dân Việt đưa tin là thu hồi để giao cho công ty lâm nghiệm một thành viên Quảng Tín trồng rừng, mà thực tế tỉnh và huyện đã ký giao cho bốn công ty tư nhân là Hoàng Khang Thịnh, Hoàng Thiên, Lâm Phát Đạt và Bảo Châu với diện tích lên tới 2.000 hecta.
Việc cưỡng chế ngày 20, 21 và 22 tháng 04, công an đã dùng nhiều bình lựu đạn cay để tấn công dân. Từ « lâm tặc » các báo đưa tin ám chỉ người dân mất đất không biết do ai đã mớm cho, nhưng dù là ai, chắc chắn đó là cách biên mình cho việc làm sai trái của mình tấn công nhân dân bằng vũ lực.

Ngoài lực lượng chính quy này, trong suốt những ngày qua, dưới sự bảo kê của công an, các công ty tư nhân Hoàng Thiên và Bảo Châu đã thuê khoảng 70 thanh niên choai choai từ 16 đến 25, mà cầm đầu là hai thanh niên có tên là Bằng và Hùng, người xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng.

Cách báo Lao Động viết : «Khoảng 14 giờ cùng ngày, hơn 400 lâm tặc đã rút vào rừng" cho người đọc nhận ra sự thật hơn 400 người này không phải là lâm tặc, vì lâm tặc không ở trong rừng bao giờ cả, mà chỉ vào rừng ăn cắp gỗ rồi mang bán mà thôi. Còn nếu đó là đất lâm trường thì may ra có cán bộ, công nhân lâm trường ở trong các láng trại giữa rừng để canh chừng lâm tặc. Hoặc nếu không phải vậy thì đích thực đó là những người Mơnông, từ ngàn xưa chọn rừng làm nhà, và đích thực rừng là nhà của họ nên họ về. Ai đến chặc phá, thiêu đốt rừng, cây hoa màu, nhà cửa của họ là quân cướp đúng nghĩa.
Trong những ngày này, nhiều người gia, trẻ sơ sinh phải sống trên vĩa hè của các nhà gần UBND xã Đăk Ngo, vì nhà họ đã bị đốt, do lệnh cưỡng chế, mà chẳng ai có trách nhiệm sắp xếp một chở ở tạm thời cho gần 500 con người này.
Để tạm kết, chúng tôi ghi lại đây nguyên văn đoạn kết từ Đơn tố cáo khẩn cấp của 56 hộ Mơnông có đất đang bị cượp đoạt cách bất công bằng chính bạo lực của chính quyền, một lực lượng có trách nhiệm bảo vệ họ như sau :
« Trên 500 nhân khẩn chúng tôi đồng thống nhất tố cáo ông Đỗ Thế Như (Phó chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông), ông Trần Đình Mạnh (Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức), ông Lê Văn Quang (Trưởng đoàn giải tỏa), dân chúng tôi vô cùng oán hận và tố cáo ba ông to này khắp nẻo đường trên đất nước cùng công luận quốc tế, để nhìn thấy cảnh đói nghèo của người dân tộc Mơnông đã bị chính quyền tỉnh + huyện đàn áp chúng tôi không hề thương tiếc.
Dân chúng tôi kêu gọi quý cấp có thẩm quyền xem xét để trả lại quyền sinh, quyền sống và quyền làm người của chúng tôi, vì chúng tôi đang sống trong đất nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, độc lập-tự do-hạnh phúc »
Sau đó là gần 200 chữ ký của những người lớn trong số 56 hộ đang phải sống trong tình trạng không nhà không cửa, không đất sống.

VN-Index suy giảm gần như mạnh nhất

SGTT.VN - Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - một hoạt động nằm trong khuôn khổ hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG) giữa kỳ sáng 27.5 tại Hà Nội, ông Dominic Scriven, trưởng nhóm Công tác thị trường vốn cho biết, VN-Index gần như là chỉ số chứng khoán suy giảm mạnh nhất trong số các thị trường mới nổi.
VN-Index gần như là chỉ số chứng khoán suy giảm mạnh nhất trong số các thị trường mới nổi. Ảnh minh hoạ: L.Q.N
Theo ông, VN-Index đã suy giảm trong năm ngoái và tiếp tục giảm mạnh trong những tháng đầu năm nay.
Trong 6 tháng đầu năm 2011, kinh tế Việt Nam đã trải qua một giai đoạn đầy thách thức với nhiều bất ổn vĩ mô như lạm phát tăng cao (hiện là 20%), biến động trên thị trường vàng và ngoại hối, lãi suất kinh doanh quá cao và thanh khoản kém trong hệ thống ngân hàng.
"Mặc dù Chính phủ đã phát đi thông điệp rõ ràng về chính sách điều hành tài khóa và tiền tệ thắt chặt nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô nhưng chúng ta cần phải thừa nhận thẳng thắn là việc điều hành của Chính phủ còn chậm và đôi khi bị động, đặc biệt là thiếu sự trao đổi một cách minh bạch, đầy đủ với cộng đồng kinh doanh, nên trong chừng mực nào đó đã gây ra cú sốc cho cộng đồng doanh nghiệp", ông Scriven nói.
Ông Scriven cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam đang bị định giá thấp hơn giá trị thực, hay đơn giản chỉ là đang phản ánh đúng những bất ổn vĩ mô và rủi ro của môi trường kinh doanh? Câu trả lời có lẽ sẽ phụ thuộc vào các điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ trong thời gian tới.
Đáng chú ý, ông Scriven nhận định, chính sự trì trệ của thị trường chứng khoán gần đây đã khiến tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước chậm lại. Trong khi đó, thị trường chứng khoán rất cần những hàng hóa có chất lượng để thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước. Vì thế, Chính phủ cần tăng tốc chương trình cổ phần hóa thông qua một lộ trình mới với các tiêu chí rõ ràng và thời gian biểu cụ thể. Đặc biệt, Việt Nam phải chú ý đến cơ cấu lại khu vực quốc doanh, nhất là sau sự đổ vỡ của Vinashin.
Một điểm nhấn khác của Diễn đàn doanh nghiệp lần này là huy động sự tham gia của tư nhân vào phát triển cơ sở hạ tầng của Việt Nam, thông qua hình thức hợp tác công – tư (PPP). Theo ông Tony Foster, trưởng nhóm Công tác cơ sở hạ tầng, từ nay đến 2010, Việt Nam sẽ cần khoảng 160 tỉ USD cho đầu tư xây dựng đường bộ, đường sắt, cảng, cầu cống, điện, viễn thông… Trong đó, Chính phủ có thể tự huy động 100 tỉ USD (tính cả ODA), còn lại sẽ thiếu khoảng 8 tỉ USD mỗi năm. Vì vậy, ông Foster cho rằng Chính phủ cần cân nhắc và bàn thảo với khu vực tư nhân để thu hút sự quan tâm của khu vực này.
Việt Anh (ghi)

Giám đốc ôm gần 60 tỷ bỏ trốn

- Lợi dụng uy tín là Giám đốc Phòng Giao dịch huyện Lấp Vò, Đồng Tháp thuộc Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL (MHB), Nguyễn Hữu Quang huy động vay vốn của nhiều người quen với số tiền lên đến gần 60 tỷ đồng rồi bỏ trốn.
Ngày 27/5, trả lời PV VietNamNet ông Trần Văn Kháng - Chánh Văn phòng UBND huyện Lấp Vò xác nhận, có vụ việc trên. Tuy nhiên, ông Quang đã bỏ trốn khỏi địa phương cùng số nợ cụ thể là bao nhiêu thì phải chờ kết quả điều tra của cơ quan công an mới rõ, ông Khánh cho biết.
Được biết, ông Nguyễn Hữu Quang là Giám đốc Phòng Giao dịch huyện Lấp Vò, Đồng Tháp thuộc Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL (MHB), lợi dụng mối quan hệ quen biết, ông Quang ngỏ ý hỏi vay tiền nhiều người để hợp tác làm ăn. Bằng chiêu vay vốn ngắn hạn, trả lãi suất cao (từ 3-5%) ông Quang đã lừa được nhiều người nhẹ dạ đem tiền cho vay mà không biết mình bị lừa.
Theo lời một nạn nhân, ông Quang nói với họ cho vay tiền để đáo hạn hợp đồng cho những tín dụng đến kỳ trả lãi gốc. Sau khi khách hàng được ký hợp đồng mới ông Quang sẽ chia phần trăm cho những người "hợp tác" cho ông vay tiền.
Sự việc chỉ vỡ lở khi ông Quang nhắn tin xin lỗi mọi người, xin nghỉ phép rồi "biến" mất khỏi địa phương. Vừa tiếc của, vừa lo lắng nhiều "đối tác" của ông Quang đã làm đơn trình báo với chính quyền địa phương. Thông tin ban đầu cho biết, ông Quang đang nợ nhiều người với số tiền khoảng 58 tỷ đồng.
Vụ việc đang được công an huyện Lấp Vò điều tra, làm rõ.

Lam Nguyễn

Quảng Ngãi: Một tàu đánh cá bị tàu kiểm ngư Trung Quốc tịch thu tài sản

SGTT.VN - Lúc 15 giờ chiều nay 25.5, tin từ UBND xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) cho hay: một tàu đánh bắt hải sản của ngư dân trong xã bị Trung Quốc bắt, tịch thu tài sản trên tàu.
Tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân xã Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi (ảnh minh hoạ). Ảnh: Phạm Anh
Đó là tàu cá QNg 90 016 của ông Phạm Hà, khi hành nghề lặn hải sâm ở khu vực biển quần đảo Hoàng Sa thì bị tàu kiểm ngư Trung Quốc mang số 309 bắt. Theo lời kể của ông Hà, ngày 9.5 tàu cá này và 8 ngư dân bị cán bộ kiểm ngư Trung Quốc khống chế, bịt mắt và tịch thu toàn bộ tài sản trên tàu (trị giá khoảng 200 triệu đồng). Ông Hà sau khi được thả (ngày 9.5) đã mượn trang thiết bị tàu bạn để làm một chuyến cá, đến nay mới về và trình báo vụ việc với UBND xã ngày 25.5.
Trao đổi với chúng tôi, đại tá Bùi Phụ Phú, phó chỉ huy trưởng bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi cho biết: "Trường hợp tàu của ông Hà bị tịch thu tài sản, đơn vị biết được khi ông Hà đi xong phiên biển trở về đất liền báo cáo lại".
PHẠM ANH

Em bầu Đức mua thêm cổ phiếu Hoàng Anh

Ông Đoàn Nguyên Thu, em trai của bầu Đức - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai vừa công bố mua thêm 500.000 cổ phiếu HAG, nâng khối lượng nắm giữ lên trên 4,5 triệu đơn vị.
> Bầu Đức mua thêm cổ phiếu Hoàng Anh Gia Lai

Thời gian ông Thu mua cổ phiếu bắt đầu từ 31/5 và kết thúc là 30/7/2011. Em trai bầu Đức hiện là thành viên Hội đồng quản trị, Phó tổng giám đốc của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai và đang sở hữu hơn 4 triệu cổ phiếu HAG.

Bên cạnh ông Thu, hàng loạt lãnh đạo chủ chốt khác của Hoàng Anh Gia Lai cũng đồng thời công bố mua thêm cổ phiếu. Ông Nguyễn Văn Sự - Tổng giám đốc đăng ký mua 500.000 cổ phiếu, Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính Võ Trường Sơn 300.000 cổ phiếu. Hai Phó tổng giám đốc khác là Nguyễn Văn Minh và Trà Văn Hàn cùng đăng ký mua thêm 400.000 cổ phiếu HAG. Thời gian thực hiện cũng cùng thời điểm với ông Đoàn Nguyên Thu.

Trước đó, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) - Chủ tịch Hội đồng quản trị đăng ký mua vào 3 triệu cổ phiếu HAG trong thời gian từ ngày 26/5/2011 đến 25/7/2011. Đây là lần đầu tiên người giàu thứ hai sàn chứng khoán 2011 mua thêm cổ phiếu HAG kể từ khi niêm yết. Hiện ông Đức là cổ đông lớn nhất sở hữu 219.987.226 cổ phiếu HAG, tương đương với 47,08% vốn điều lệ.

Kết thúc phiên giao dịch sáng nay, HAG tăng trần, lên 32.600 đồng một cổ phiếu. Đây là phiên thứ 2 liên tiếp cổ phiếu này cùng nhiều blue-chip khác tăng trần.

Trung Hoa

Thực hư "cơn sốt" bất động sản Đà Nẵng?


27/05/2011 12:12:40

 - Gần đây trên một vài tờ báo có số lượng phát hành lớn, xuất hiện một số bài viết kinh tế mang dáng dấp PR cho một tổ chức, tập đoàn kinh tế nào đó ?
Có thể, trong giờ phút chót này, các đại gia bất động sản đang "bắt tay" với các phương tiện truyền thông cố tung vài chiêu "tẩu vi thượng sách" để rút vốn ra khỏi thị trường, nhường "chổ ngồi" cho những "tay mơ" đang cố ôm mộng làm giàu từ giá đất ảo bấy lâu nay.
Một dự án BĐS ở Đà Nẵng được giới thiệu (minh họa IE)
Động tác này, không những định hướng dư luận theo kiểu "tung hoả mù" mà còn đem đến cho công chúng những luận cứ chủ quan, thiếu cơ sở, kém hiếu biết và gây bất lợi cho người dân.
Trước hết phải nói đến những bài viết về bất động sản ở Đà Nẵng. Nào là "Bất động sản ở Đà Nẵng vẫn sôi động", "Đà Nẵng lại sốt đất", "Đất Đà Nẵng ào ạt tăng giá", cách giật tít kiểu rao hàng "Sơn Đông mãi võ" đã làm không ít bạn đọc phải phì cười về cách "làm ăn" của một vài tờ báo chính thống hiện nay.
Theo thống kê của CBRE Việt Nam, khách hàng từ Hà Nội mua các dự án biệt thự, căn hộ cao cấp tại Đà Nẵng chiếm tỉ trọng cao nhất, gần 80%, trong khi TP.HCM chỉ khoảng 13%, số còn lại là nhóm nước ngoài, Việt kiều và những người từ các tỉnh, thành khác.
Theo nhận định của một nhà đầu tư cá nhân, giới đầu tư đất ở Hà Nội có nhiều thủ thuật rất tinh vi. Họ có thể bỏ tiền thuê người, giả về hỏi mua đất nền tại các khu vực như người có nhu cầu thật: Đất ven biển Đà Nẵng kéo từ bán đảo Sơn Trà đến núi Ngũ Hành Sơn, đất ở Hoà Xuân bên kia cầu Cầm Lệ, đất ven sông phía Nam cầu Tuyên Sơn, đất khu vực Miếu Bông lên Hoà Tiến,…
Tất cả đều do bọn cò đất, đội quân "mồi giá" từ Hà Nội và TP.HCM "làm xiếc" hàng ngày. Qua mỗi lần như vậy, người bán lại "hét" lên vài giá, thế là giá đất bị "thổi lên" chứ người dân bản địa sống ở Đà Nẵng lấy đâu nhiều tiền để mua với giá 'cắt cổ' như vậy ?
Vì thế, một phần nguyên nhân dẫn tới việc nhà đầu tư tháo chạy khỏi khu vực này là bởi phần lớn giao dịch đất đai ở những vùng quy hoạch chỉ là giao dịch tạo nhu cầu giả, tức là đầu cơ tích trữ, tự mua đi bán lại với nhau, thậm chí có hiện tượng bố trí giao dịch giả để kích giá đất lên. Ngay tại thời điểm bây giờ, các nhà đầu tư tại Đà Nẵng đã "xả hàng". Tuy nhiên, họ không dễ gì bán được đất vì không có người mua.
Đất ven biển Đà Nẵng, khu vực Hoà Xuân rớt giá liên tục, các trung tâm dịch vụ bất động sản bắt đầu đóng cửa. Thị trường bất động tai Đà Nẵng lâm vô cảnh chợ chiều, ế ẩm.
Việc thổi phồng giá nhà đất tại Đà Nẵng giống như sự toa rập, kích giá, hùa với một số công ty bất động sản thổi "bong bóng" bất động sản ở Đà Nẵng lên quá ngưỡng kiểm soát.
Đây có thể xem như một tác nhân chính gây nên cơn lạm phát tồi tệ ở Việt Nam.
Trương Văn Khoa (Đà Nẵng)

Hầm chui Đại lộ Thăng Long thành sông do lỗi tính toán


27/05/2011 11:07:15

 - Chỉ sau 1 trận mưa lớn vào đêm 22/5, hầu hết những hầm chui ở Đại lộ Thăng Long - một trong những con đường hiện đại vào bậc nhất Việt Nam, đã ngập chìm trong nước. Chiều 25/5, phóng viên KH&ĐS đã mời PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng Đại học Xây dựng Hà Nội đến thực tế tại các "con sông nhỏ" này để có những phân tích chính xác và khách quan nhất. 


Đường biến thành sông


Tại điểm hầm chui số 5 và 6 đi qua Đại lộ Thăng Long (thuộc địa phận xã An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội), tính đến chiều 25/5, tình trạng ngập úng vẫn chưa chấm dứt. Nước  ngập đến khoảng 30 - 40cm làm cho việc đi lại của người dân nơi đây khá khó khăn. Theo quan sát, tại những đường hầm này chưa có hệ thống tiêu thoát nước. Chỉ có hầm cầu chui số 5, cống thoát nước được đặt ở đoạn giữa của hầm, tuy nhiên lượng nước thoát vào cống rất ít. Quan sát dấu vết để lại trên đoạn kè bê tông, vào thời điểm nước dâng cao nhất tại đây có thể lên đến 80cm.


Tình trạng hầm biến thành sông còn trở nên thê thảm hơn ở hầm chui số 6. Nền đường tại đây đã bị phá hủy nghiêm trọng, nước ngập 1/3 bánh xe. Anh Nguyễn Vũ, người dân sống ở làng An Khánh cho biết, tối ngày 24/5, khi đi qua đoạn hầm chui số 6, nước ngập đã làm ô tô của anh bị hỏng phần bảo vệ thân xe. Vào sáng sớm ngày 23, hầu như không có phương tiện nào đi được qua các đoạn hầm chui này. Việc ngập nặng tại hầm chui khiến công việc của cả gia đình anh bị gián đoạn.
Sau  trận mưa lớn vào đêm 22/5, hầm chui ở Đại lộ Thăng Long ngập nước
Sau trận mưa lớn vào đêm 22/5, hầm chui ở Đại lộ Thăng Long ngập nước




Anh Nguyễn Văn Kỳ, người dân sống cạnh hầm chui số 6 kể: "Vào buổi tối trời mưa lớn, nước trong hầm ngập sâu mà tôi vẫn phải đi qua do có việc cần thiết. Khi đi gần hết đường thì có một chiếc xe tải đi qua. Sóng dềnh lên lúc đó không khác gì sóng thần, làm tôi ngã chúi mặt xuống đường suýt chết". Nghiêm trọng nhất là đường hầm số 9 thuộc xã An Khánh (huyện Hoài Đức) luôn trong tình trạng ngập sâu trong nước, nhiều chiếc xe ô tô, xe máy đành quay lại đi ngược chiều. Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết các hầm chui và phần đường cao tốc với đường gom không có hệ thống thoát nước. Vì thế, hầm chui trở thành hố chứa    nước mưa.  


Lỗi ở kỹ thuật tính toán


PGS.TS Nguyễn Văn Hùng phân tích: Qua quan sát thì thấy ở các hầm chui này, yếu kém lớn nhất là hệ thống thoát nước chưa được xây dựng đồng bộ với đường. Ở một số hầm chui có cống thoát nước, nhưng lượng nước chảy vào đây rất yếu. Hơn nữa, vị trí miệng cống không nằm ở nơi thấp nhất của nền đường. Mặt đường không có độ nghiêng đều dẫn đến cống thoát nước tạo ra tình trạng nước ngập còn tồn lại sau trận mưa lớn. Giữa và ngay sau trận mưa xuất hiện tình trạng ngập nặng thì có thể khẳng định là rãnh thoát nước có lưu lượng thấp hơn nhiều so với thực tế xảy ra. Điều này không phải lỗi ở công nghệ mà là lỗi ở kỹ thuật tính toán. Người ta đã không tính toán đến lượng nước dồn về điểm trũng này, trong khi khoảng trống xung quanh rất lớn sẽ tạo ra lượng nước mưa nhiều. Khả năng tiêu thoát nước của đường ống nhỏ hơn lượng nước đổ về, dẫn đến ngập.
 PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng Đại học Xây dựng  Hà Nội
PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng Đại học Xây dựng Hà Nội


"Hệ thống thoát nước ở đây có vấn đề hoặc do lượng rác, đất đá cát sỏi ở đây bị trôi xuống cống làm tắc hệ thống thoát nước. Hoặc có thể cống thoát nước được lắp đặt cao hơn nền đường dẫn đến việc khi nước bị ứ đọng thì nền đường cũng ngập. Rõ ràng đây là lỗi kỹ thuật. Hậu quả là sẽ làm cho nền đất khu vực ngập nước bị yếu, có thể ảnh hưởng đến đường cao tốc bên trên", PGS.TS Nguyễn Văn Hùng phân tích.


Thực trạng đường hầm biến thành sông khá phổ biến tại Hà Nội và các tỉnh thành phố khác dù công nghệ được áp dụng hiện đại, tiên tiến nhất. Theo quan sát của PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, hệ thống cống thoát nước tại những đường hầm này được thiết kế ở hai bên sườn đường. Khi nước đổ vào sẽ chảy đến nơi thấp nhất làm đường bị ngập. PGS.TS Nguyễn Văn Hùng đề xuất phải thiết kế hệ thống tiêu thoát nước theo chiều ngang của đường. Mỗi đoạn đường có một rãnh ngang để khi có mưa, lượng nước này sẽ thoát xuống đường ống và phân tán đều, không tạo ra điểm ngập úng trong đường hầm. 


Khắc phục không khó


Theo quan sát của chúng tôi tại hầm chui này, nhiều hạng mục công trình xung quanh vẫn còn dang dở. Tại hầm chui số 6, hệ thống cống thoát nước vẫn đang xây dựng dở dang, cát sỏi bị mưa xối chảy xuống đường tạo nên một đường hầm lầy lội, lổn nhổn. PGS.TS Nguyễn Văn Hùng cho rằng, do nguyên nhân là kỹ thuật tính toán làm đường nên việc khắc phục sẽ không khó nhưng cần đầu tư lớn. Có thể đôn nền đường lên cao hơn, tạo ra một mặt phẳng có độ nghiêng liên tục. Ở điểm thấp nhất sẽ lắp đặt hệ thống đường ống thoát nước. Hạ cao độ của mặt cống đến mức thấp nhất để nước dồn vào. Ngoài ra có thể làm hệ thống thoát nước trên đoạn đường phụ phía ngoài để hạn chế lượng nước đổ vào đường hầm.


Biện pháp lâu dài hơn là ngay từ khâu thiết kế, phải tính toán đến hệ thống thoát nước chứ không chờ lúc ngập mới tính. Khắc phục ngập nước là vấn đề không khó nếu thực hiện đồng bộ. "Đường bê tông để ngập nước, sau đó các phương tiện vẫn lưu thông sẽ làm cho đường rất nhanh hỏng, có thể ảnh hưởng đến nền đất của đường cao tốc bên trên. Vì thế việc khắc phục nhanh chóng tình trạng ngập nước phải được làm ngay để bảo đảm an toàn cho con đường đẹp và hiện đại này", PGS.TS Nguyễn Văn Hùng kết luận.
Đại diện chủ đầu tư là lãnh đạo Ban Quản lý dự án Thăng Long cho biết, nguyên nhân ngập các hầm chui là do hệ thống thoát nước chưa thi công xong.
Đại lộ Thăng Long được thông xe, khai thác tạm thời nhằm giải quyết nhu cầu giao thông nhân dịp đại lễ 1.000 Thăng Long - Hà Nội, đến thời điểm này vẫn là công trình vừa thi công vừa khai thác nên vẫn nảy sinh những bất cập.




Tô Hội

" Bác sĩ không cầm phong bì, bệnh nhân không yên tâm”


27/05/2011 08:52:59

 - Không ai nói với ai, không ai bắt buộc, song dường như nó đã trở thành thói quen khi mỗi lần người thân nhập viện, người nhà ngay lập tức tìm vị bác sĩ chuyên khoa nhờ giúp đỡ. Mỗi lần như vậy là một lần phải "cảm ơn". Ý tưởng đặt thùng cảm ơn bác sĩ vào khoa phòng thay việc đưa phong bì trực tiếp liệu có là giải pháp tối ưu? 




Ngày 25/5, nhóm phóng viên KH&ĐS có mặt tại Bệnh viện Nhi TƯ (Hà Nội) để thăm dò ý kiến của các bệnh nhân về việc có nên "đặt thùng cảm ơn" bác sĩ vào các khoa phòng tại bệnh viện hay ai cảm ơn thì cứ đưa thẳng phong bì cho bác sĩ? 100 phiếu thăm dò được phát ra, nhiều ý kiến cho rằng phải cảm ơn trực tiếp người đã giúp mình, một phần thấy rằng đó là trách nhiệm của bác sĩ. Dưới đây chúng tôi tiếp tục đăng tải ý kiến của các chuyên gia.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa


Ý tưởng hay nhưng không dễ thực hiện


Theo PGS.TS Phạm Thúc Hạnh (trưởng khoa Khí công -  Dưỡng sinh, Bệnh viện Y học Cổ truyền Tuệ Tĩnh):
Trước hết, chúng ta cần hiểu, cảm ơn là chữ "lễ", Khổng Tử đã nói "Tiên học Lễ, hậu học Văn". Cái "lễ" ở đây có nghĩa là làm cho nhau một hành động tốt, giúp nhau qua cơn hoạn nạn, cứu sống nhau để người khác phải biết ơn và cảm ơn. Còn hành động đút lót là những việc mưu mô, tính toán.
Nhiều bệnh nhân được bác sĩ nhận phong bì đã thấy mừng lắm, bởi nghĩ sẽ tận tâm cho mình. Còn bác sĩ thì nghĩ nhận để trấn an tinh thần cho bệnh nhân, không nhận họ lại nghĩ bác sĩ không nhiệt tình, hay chê ít.
Tôi nghĩ, việc nhận cảm ơn ở đây không nhất thiết đó là tiền, có thể là một bài thơ, một bài  báo, miễn sao thể hiện tấm lòng, vậy những trường hợp này cho vào thùng sao được? Tuy nhiên, sẽ không tránh khỏi những trường hợp bệnh nhân không cảm ơn, bác sĩ mặt nặng mày nhẹ. Điều đó cũng thật khó nói, khi nghề bác sĩ là nghề đặc thù, song tiền lương thì không đặc thù. Hiện tại, một bệnh nhân khám bảo hiểm, bác sĩ khám được 3.000đ/bệnh nhân. Sự lao động đó "quá rẻ".


Trở lại vấn đề đặt thùng cảm ơn tại các khoa phòng, hiện tại nó chưa phù hợp với chúng ta. Bởi một lẽ, bệnh nhân cảm ơn bác sĩ trực tiếp giúp mình, chứ không phải cảm ơn bệnh viện này giúp mình. Cái thùng đó chỉ nên đặt khi bệnh viện đó làm nhiều việc tốt hoặc cần quyên góp cho người nghèo, hoàn cảnh khó khăn, chứ không phải quyên góp cho bác sĩ. Bác sĩ nhận được những đồng tiền từ trong thùng cũng không vui vì đó là tiền từ thiện. Ở nước ta, mùa hè mất điện là thường xuyên, nếu đặt thùng cảm ơn, nhỡ không may mất điện, camera ngừng hoạt động, tổ bảo vệ lại phải cử người trông cái thùng đó thì quả là bất tiện.


Việc để thùng cảm ơn bác sĩ tại phòng khám là một ý tưởng hay nhưng không dễ thực hiện. Tôi nghĩ việc đặt thùng chỉ phù hợp với những bệnh viện đã đạt chuẩn, bệnh viện quốc tế dành cho người giàu mà ở những bệnh viện như thế phí khám chữa bệnh đã thu đúng, thu đủ, liệu có ai còn bỏ tiền cảm ơn vào thùng? 
Đặt thùng thì tùy tâm


Bà Văn Thị Huế (Tam Nông, Phú Thọ) cho rằng: Thông thường nếu cảm ơn bác sĩ thì phải dựa vào mặt bằng chung, vào những người đi trước để cảm ơn mà không ngại phong bì ít. Đi khám mà không kèm theo cái phong bì thì không yên tâm, nhỡ đâu người ta khám cho mình không kỹ, đi lại nhiều lần càng khổ thân. Nếu bỏ tiền cảm ơn vào thùng thì ai biết? Dân quê chúng tôi thật thà, nếu mọi người cùng bỏ vào thùng thì chúng tôi cũng sẽ làm theo.
Câu hỏi mà nhóm phóng viên đưa thăm dò là: 


1. Bạn có muốn cảm  ơn bác sĩ khi khám chữa bệnh cho người thân bằng cách trực tiếp không?
a. Cảm ơn trước khi bác sĩ khám, chữa bệnh.


b. Cảm ơn sau khi bác sĩ khám, chữa bệnh.


2. Bạn nghĩ sao về ý tưởng đặt thùng cảm ơn bác sĩ tại các khoa, phòng?



a. Đó là ý kiến hay.


b. Chưa thiết thực.


c. Ý kiến khác.


3. Đặt thùng cảm ơn bác sĩ tại khoa, phòng, bạn có:


a. Tự động cảm ơn khi bác sĩ đã khám chữa thành công cho người thân.


b. Có thể cảm  ơn, có thể không, vì chẳng ai biết mình.


c. Tùy tâm cảm ơn để không bị nghĩ là ít, nhiều.


Sau khi tham dò:


72% bệnh nhân muốn trực tiếp cảm ơn bác sĩ.


20% bệnh nhân muốn bỏ  vào thùng cảm ơn để tùy tâm mình.


8% là những ý  kiến khác.
Nhóm PV YTSK (Thực hiện)