Sau khi Thanh tra Chính phủ ngày 17/1 có thông báo kết luận thanh tra về những sai phạm liên quan đến đất đai lên đến hơn 3.400 tỉ đồng, chiều 18/1, ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND thành phố Đà nẵng đã lên tiếng về vấn đề này.
Trên Infonet, ông Văn Hữu Chiến khẳng định, Thanh tra chính phủ kết luận: "UBND TP Đà Nẵng không triển khai tốt việc đấu giá chuyển quyền sử dụng đất trong những năm qua, không tuân thủ đúng quy định của Luật Đất đai và Quyết định 216/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ” là không đúng.
“Tất cả các trường hợp giao đất cho tổ chức, cá nhân trên địa bàn Đà Nẵng đều được công khai đấu giá và giao quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật về đất đai tại từng thời điểm. Cụ thể là Nghị định 181/2004/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai; Nghị định 17/2006/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai; Nghị định 187/2004/NĐ-CP về việc chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần; Quyết định 216/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đấu giá quyền sử dụng đất.
Việc đấu giá quyền sử dụng đất được các đơn vị công khai trên báo chí, đảm bảo đúng thời gian và các tiêu chí như quy định địa điểm xây dựng, diện tích, đơn giá, mục đích sử dụng đất, thời gian, địa điểm đăng ký... để các nhà đầu tư có thông tin đăng ký đấu giá”, ông Chiến giải thích.
|
Ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND thành phố Đà nẵng. Ảnh Infonet |
Về kết luận Đà Nẵng có 6 dự án gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng của Thanh tra Chính phủ, ông Chiến cho biết, Thanh tra Chính phủ thanh tra 46 dự án, trong đó có một số dự án TTCP lấy giá đất của Hội đồng thẩm định giá đất làm căn cứ chính rồi so với giá đất mà UBND TP quyết định có sự chệnh lệch, đồng thời không tính mật độ xây dựng khi xác định giá đất để kết luận gây thất thoát là không có cơ sở.
“Theo quy định, việc phê duyệt giá đất để thu tiền sử dụng đất thuộc thẩm quyền của UBND thành phố. Hội đồng thẩm định giá đất thành phố gồm đại diện Sở Tài chính, Sở TN-MT, Sở Xây dựng, Cục Thuế thành phố, Văn phòng UBND thành phố chỉ là bộ phận tham mưu, đề xuất cho lãnh đạo UBND thành phố trong việc xem xét và phê duyệt giá đất. Việc đồng ý giảm, tăng hoặc giữ nguyên theo đề nghị của Hội đồng thẩm định giá đất thành phố là việc làm bình thường và đúng thẩm quyền của UBND thành phố”, ông Chiến nói.
Ông Chiến cũng khẳng định, giá đất cụ thể được UBND thành phố Đà Nẵng xác định phù hợp với từng vị trí, với từng quy hoạch, điều kiện cơ sở hạ tầng, giá đất thị trường ở vị trí đó tại mỗi thời điểm và các lô đất đều được đưa ra đấu giá công khai. Việc xác định giá đất các lô đất lớn phải tính đến mật độ xây dựng, thường là dưới 60%.
Về kết luận của Thanh tra chính phủ cho rằng "khu đất chuyển nhượng cho Công ty Phúc Thiên Long để xây dựng khu dịch vụ thương mại du lịch đã được UBND TP Đà Nẵng xác định giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) năm 2007, qua 4 lần gia hạn nộp tiền, đến tháng 9/2009 Công ty mới nộp tiền sử dụng đất nhưng TP không xác định lại giá, gây thất thu 120.172 triệu đồng", ông Chiến cũng khẳng định là UBND thành phố làm đúng thẩm quyền và đúng quy định của luật đất đai.
“Trên cơ sở đề xuất của Hội đồng thẩm định giá đất TP, UBND TP Đà Nẵng đã phê duyệt giá khởi điểm đấu giá là 2,5 triệu đồng/m2. Sau khi công khai đấu giá theo đúng quy định, hết thời hạn vẫn không có tổ chức, cá nhân nào tham gia đấu giá, chỉ có Công ty Phúc Thiên Long xin nhận QSDĐ. Do đó, việc UBND TP thống nhất chủ trương giao đất cho công ty này là phù hợp với quy định tại Điểm d, Khoản 5, Điều 2 Nghị định 17/2006/CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 181/2004/CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.
UBND TP Đà Nẵng thống nhất phê duyệt giá đất giao QSDĐ theo đúng đề xuất của Hội đồng thẩm định giá đất TP, với đơn giá là 3,03 triệu đ/m2, cao hơn đơn giá phê duyệt để đấu giá. Việc phê duyệt đơn giá đất 3,03 triệu đ/m2 là đúng thẩm quyền của UBND TP và phù hợp với giá thị trường tại thời điểm đó”, ông Chiến phân tích.
Ông Chiến cũng lý giải giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các cá nhân, tổ chức đối với khu đất này không phải là giá thị trường trong điều kiện bình thường. Vấn đề này không thuộc trách nhiệm của UBND thành phố.
Bởi lẽ “sau khi Công ty Phúc Thiên Long được phép chuyển đổi tên sang ông Nguyễn Hữu Bình, sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông Bình đã chuyển nhượng lại cho Công ty ATS do bà Nguyễn Thị Thoa làm giám đốc. Bà Thoa và ông Bình là chị em ruột (có quan hệ huyết thống) nên giá chuyển QSDĐ của hai người này không phải là giá trị thực của khu đất.
Việc tăng giá đất chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các cá nhân trên nhằm mục đích nâng khống giá trị chuyển quyền sử dụng đất lên quá cao để được vay ngân hàng với số tiền lớn. Đây chính là thực trạng dẫn đến nợ xấu trong ngân hàng như hiện nay.
Ngoài mục đích nâng giá đất ảo nêu trên thì việc chuyển nhượng QSDĐ giữa các cá nhân, tổ chức là quan hệ dân sự giữa các bên, được cơ quan Công chứng chứng thực hợp đồng, sang tên trước bạ theo quy định của pháp luật. Vấn đề này không thuộc trách nhiệm của UBND thành phố”, ông Chiến nói.
Trước đó, ngày 17/1, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng trong việc chấp hành pháp luật về thanh tra và quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn.
Theo Thanh tra Chính phủ, trong những năm qua, thành phố Đà Nẵng có tốc độ phát triển đô thị khá “nóng”, số lượng các dự án đầu tư của khu vực công và tư nhiều, diện tích đất thu hồi để thực hiện dự án nhiều, song việc quản lý sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng còn bộc lộ nhiều vi phạm, ảnh hưởng đến lợi ích nhà nước.
Trong khi đó, công tác thanh tra và phòng chống tham nhũng ở những lĩnh vực này chưa được thành phố “quan tâm đúng mức”, dẫn đến vi phạm xảy ra trong một thời gian dài mà không được phát hiện, xử lý.
Theo đánh giá của Thanh tra Chính phủ, việc thực hiện công khai minh bạch trong lĩnh vực đất đai, đầu tư xây dựng còn mang tính hình thức, công khai không đầy đủ thông tin, thông tin công khai không chính xác… Việc phát hiện và xử lý sai phạm thông qua kết quả thanh tra toàn thành phố trong 3 năm qua còn rất ít.
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện tình trạng giao đất không qua đấu giá còn diễn ra phổ biến dẫn đến việc xác định giá trị tiền sử dụng đất chưa sát với giá chuyển nhượng trên thị trường, tạo điều kiện để một số nhà đầu tư, đầu cư trục lợi.
Đặc biệt, đối với công tác thu tiền sử dụng đất, tổng hợp kết quả từ 22 dự án có vi phạm về xác định số tiền phải thu khi chuyển quyền sử dụng đất là hơn 2.120 tỷ đồng. Không những thế, thành phố Đà Nẵng đã sai phạm trong việc giảm 10% tiền sử dụng đất cho nhiều cá nhân, tổ chức không đúng đối tượng và trái với quy định, gây thất thu cho ngân sách hơn 1.300 tỷ đồng.
Trên cơ sở kết quả và kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng kiểm điểm Chủ tịch, các phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, các tổ chức và cá nhân có liên quan trong giai đoạn 2003 – 2011, do đã vi phạm quy định về quản lý đất đai, gây thất thu cho ngân sách hơn 3.434 tỷ đồng.
Thuần Lương (T.H)