Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người
TT - Nhiều trường mầm non trên địa bàn TP.HCM tạm đóng cửa vì bệnh tay chân miệng đang lây lan nguy hiểm.
Một số phụ huynh đến xem thông báo của Trường mầm non Vàng Anh tại cơ sở 1 ở 629B Hưng Phú, Q.8, TP.HCM về việc tạm ngưng học hè vì bệnh tay chân miệng (ảnh chụp chiều 13-7) - Ảnh: M.ĐỨC
Sáng 13-7, sân Trường mầm non Vàng Anh, Q.8, TP.HCM không còn hình ảnh cô giáo và các bé chạy nhảy, vui chơi trong tiếng nhạc rộn ràng. Trường đóng cửa, hành lang thành chỗ để xe, các phòng học khóa im ỉm. Chỉ còn vài giáo viên túc trực ở trường để nhận hồ sơ tuyển sinh và phát tài liệu về phòng chống dịch tay chân miệng cho phụ huynh có nhu cầu.
Áp lực từ phụ huynh
Để phòng bệnh, nên:
1. Rửa tay: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy, nhất là trước và sau khi nấu ăn, trước khi ăn và sau khi đi tiêu. Nếu chăm sóc trẻ thì cần lưu ý rửa tay sau mỗi lần thay tã, làm vệ sinh cho trẻ.
2. Rửa sạch các dụng cụ, vật dụng, đồ chơi, sàn nhà bằng nước và xà phòng, rồi khử trùng bằng cloraminB 5% (có thể mua tại nhà thuốc tây).
3. Đeo khẩu trang mũi miệng khi hắt hơi hoặc ho.
4. Cách ly người bệnh tại nhà cho đến khi khỏi bệnh (thường ít nhất là bảy ngày).
Bác sĩ Trương Hữu Khanh
Trước cổng trường có bảng thông báo với nội dung “Hiện nay tình hình dịch bệnh tay chân miệng lan nhanh, diễn biến phức tạp, nguy hiểm... Chúng tôi tha thiết mong phụ huynh vượt qua khó khăn, cố gắng tìm cách giữ trẻ ở nhà”...
Đại diện ban giám hiệu Trường Vàng Anh cho biết: “Nhiều tháng nay trường tăng cường công tác phòng ngừa, tuyên truyền về dịch bệnh cho phụ huynh và giáo viên, vệ sinh môi trường và thân thể các em sạch sẽ. Tuy nhiên trong số 120 trẻ học hè ở trường có một em bị bệnh phải nghỉ ở nhà một tuần nhưng gia đình không biết trẻ bị bệnh tay chân miệng, cứ đinh ninh bị viêm họng.
Sau khi gia đình đưa trẻ đến lớp, bé bị nôn ói, nhập viện thì bé bị hôn mê, lúc đó mới biết bị bệnh tay chân miệng. Ngay sau đó, cơ quan y tế đã kiểm tra tình trạng sức khỏe của tất cả học sinh trong trường và nhà trường quyết định xin tạm ngưng dạy hè cho đến khi vào năm học mới”.
Tương tự, một số trường mầm non công lập tại Q.8 cũng tạm ngưng hoạt động dạy hè kể từ đầu tuần này. Tại Trường mầm non TH, các giáo viên cho biết hoạt động dạy học đã tạm ngưng, đến đầu năm học mới trẻ sẽ tới trường.
Đa số phụ huynh ở địa bàn này đưa con về nhà, một số phụ huynh khó khăn thì gửi con ở các trường tư trong thời gian ngắn. Tại Trường mầm non tư thục Ánh Linh, ban giám hiệu vẫn nhận trẻ đến lớp nhưng dán thông báo ở cổng trường với nội dung “Nhà trường sẽ không nhận các bé khi có các dấu hiệu sốt, nổi mẩn đỏ ở tay, chân, miệng, mông, đầu gối..., nếu bé có bệnh phụ huynh cho bé ở nhà để điều trị”.
Việc không tiếp tục nhận giữ cháu trong hè đã gây khó khăn cho một bộ phận phụ huynh không có người ở nhà giữ trẻ. Tuy nhiên, ông Triệu Tuấn, trưởng Phòng GD-ĐT Q.8, khẳng định: “Bây giờ đang là thời điểm hè, việc có giữ trẻ hay không là do thỏa thuận giữa trường mầm non và phụ huynh.
Đây là thời điểm giáo viên làm thêm để tăng thu nhập nhưng nếu họ không muốn làm thì không thể ép buộc. Thời gian qua, các trường mầm non trên địa bàn quận đã phát hiện gần 10 trường hợp bị bệnh, trong đó có một trường hợp tử vong và một trường hợp bị hôn mê sâu. Thậm chí có trường cứ hai tiếng kiểm tra các cháu một lần nhưng vẫn phát hiện hai trường
hợp bị bệnh khiến giáo viên rất lo lắng. Phòng GD-ĐT đã chỉ đạo trường nào cảm thấy không yên tâm, không bảo đảm tránh được việc lây lan bệnh tay chân miệng thì tạm ngưng, không giữ cháu trong hè”.
Có “hạ nhiệt” nhưng vẫn ở mức cao
Nghỉ học 10 ngày nếu có từ 2 trẻ trong 1 lớp mắc bệnh
Bộ GD-ĐT vừa có công văn gửi các sở GD-ĐT về việc tăng cường phòng chống bệnh tay chân miệng. Trong đó yêu cầu tăng cường truyền thông giáo dục cho trẻ, giáo viên và phụ huynh về các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng. Cụ thể, khi có từ hai trẻ trong một lớp trở lên bị mắc bệnh trong vòng bảy ngày, cần phải thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất và đề xuất phương án cho lớp nghỉ học 10 ngày, kể từ ngày khởi bệnh của ca cuối cùng để tránh lây lan mầm bệnh.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, nhận xét những năm trước vào thời điểm này gần như chỉ còn rải rác một vài ca tay chân miệng nhập viện, nhưng nay đã vào giữa tháng 7 số trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhập viện vẫn ở mức cao. Hiện mỗi ngày khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1 vẫn có 160-200 trẻ nằm viện và 70-100 trẻ nhập viện, trong đó có nhiều ca nặng.
Ngày 13-7, tại khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM có 180 ca tay chân miệng nằm điều trị. Mỗi ngày tại khoa này tiếp nhận khoảng 60 ca mắc bệnh mới. Một bác sĩ điều trị tại khoa cho biết năm trước ngày cao nhất cũng chỉ khoảng 35 trẻ mắc bệnh tay chân miệng, đến giữa tháng 6 bắt đầu giảm, thì năm nay số trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhập viện tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM vẫn đang ở mức cao.
Số ca nặng vẫn nhiều. Tuần trước, đã có hai trẻ mắc bệnh tay chân miệng tử vong tại khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2, trong đó có một trẻ ở Q.12 và một trẻ ở tỉnh chuyển lên. Cả hai bệnh nhi này đều nhập viện trong tình trạng nặng, đã bị sốc, phù phổi...
Theo bác sĩ Khanh, bên cạnh những trường hợp trẻ mắc bệnh tay chân miệng bị tử vong do nhập viện trễ vẫn có trường hợp trẻ đến từ sớm nhưng tử vong vì bệnh diễn tiến rất nhanh.
Còn theo bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, số trẻ mắc bệnh tay chân miệng ở TP đã có chiều hướng giảm, tuy nhiên vẫn ở mức cao. Hiện mỗi tuần TP có 400-450 trẻ mắc bệnh tay chân miệng, tuần cao điểm nhất trong mùa dịch này lên đến hơn 500 trẻ.
Theo bác sĩ Thọ, nguyên nhân chủ yếu khiến số trẻ mắc bệnh tay chân miệng tăng hơn nhiều so với mọi năm là do năm nay xuất hiện tác nhân gây bệnh tay chân miệng mới, đó là chủng EV 71 phân nhóm C4. Tác nhân gây bệnh mới này làm nhiều trẻ từng bị bệnh tay chân miệng vẫn có thể mắc bệnh lại.
ĐBSCL: bệnh tay chân miệng tăng đột biến
* Bạc Liêu tạm đóng cửa Trường mầm non Hoa Mai 1 tuần
Ngày 13-7, bác sĩ Nguyễn Văn Minh, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bạc Liêu, cho biết bệnh tay chân miệng đang bùng phát và diễn biến phức tạp tại tỉnh này, hiện có 129 trẻ mắc bệnh trên địa bàn tỉnh được ngành y tế ghi nhận. Địa phương có số ca nhiễm bệnh nhiều nhất là TP Bạc Liêu với 44 ca, đã có hai trường hợp tử vong tại huyện Đông Hải và huyện Hòa Bình. Ngành y tế địa phương đang tiến hành triển khai các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa dịch bệnh lây lan trên diện rộng.
Sáng 11-7, ban giám hiệu Trường mầm non Hoa Mai (TP Bạc Liêu) đã quyết định tạm đóng cửa trường, cho các cháu nghỉ học một tuần vì nhà trường phát hiện có ba học sinh mắc bệnh tay chân miệng. Hiện cả ba em được điều trị tại TP.HCM, trong đó một em phải thở máy.
Tại TP Cần Thơ, tiến sĩ Lê Hoàng Sơn - giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ - cho biết từ đầu năm đến tháng 7 bệnh viện đã ghi nhận trên 2.800 ca bệnh tay chân miệng (tăng 109% so với cùng kỳ 2010), số ca phải nhập viện điều trị là 220, trong đó nhiều ca đến từ các tỉnh lân cận như Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng... Trong khi đó, tại An Giang và Đồng Tháp bệnh tay chân miệng cũng gia tăng đột biến. Theo bác sĩ Võ Huy Danh - giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng An Giang - gần đây bệnh tay chân miệng bắt đầu có dấu hiệu tăng mạnh tại các huyện thị trong tỉnh. Từ đầu năm tới nay đã phát hiện gần 120 ca, tăng 30% so với cùng kỳ 2010 và đã có một ca tử vong.
TS Nguyễn Ngọc Ấn - giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Đồng Tháp - cho biết kể từ đầu tháng 6 tình hình nhiễm bệnh tay chân miệng ở địa phương này có chiều hướng lan rộng và gia tăng đáng báo động. Từ đầu năm tới nay các cơ sở y tế phát hiện 1.046 ca, tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo TS Ấn, bệnh tay chân miệng đã xuất hiện ở Đồng Tháp từ nhiều năm trước, mầm bệnh trong cộng đồng tích tụ dần nên bùng phát mạnh thành dịch. Bệnh vốn dễ lây lan từ người sang người do quá trình tiếp xúc với các dịch tiết mũi họng, nước bọt, chất dịch từ các bọng nước hoặc phân của người bệnh. Hiện bệnh chưa có thuốc đặc trị và văcxin phòng ngừa nên ngành y tế đang tập trung giám sát dịch tễ, phát hiện khống chế sớm các ổ dịch qua việc triển khai chiến dịch làm vệ sinh môi trường, phun hóa chất tại các trường học, cơ sở điều trị.
TTO - Sáng 14-7, nguồn tin từ Bệnh viện Nhi Thanh Hóa- cho biết hai trẻ là Hà Tiến Đức (12 tháng tuổi) và Hà Văn Xuân Trà (26 tháng tuổi) đều trú tại xã Triệu Thành, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) đã tử vong tại bệnh viện này vì bệnh tay chân miệng.
Bác sĩ Hà Hoàng Minh - trưởng Khoa cấp cứu - hồi sức của Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho biết, cả hai bệnh nhi trên đều nhập viện vào sáng 12-7 trong tình trạng sốt cao, nổi nốt nhiều ở chân, tay. Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ của bệnh viện đã điều trị theo đúng phác đồ của ngành y tế. Đến tối 12-7, cháu Trà có biểu hiện co giật, suy hô hấp. Các bác sĩ đã hỗ trợ hô hấp, truyền dịch, hạ sốt, an thần. Khi sức khỏe tiếp tục có diễn biến xấu, cháu Trà đã được cấp cứu tích cực.
Tuy nhiên, do bệnh nặng, diễn biến phức tạp, cháu Trà đã tử vong sáng 13-7. Còn cháu Đức cũng có những triệu chứng, diễn biến bệnh tương tự cháu Trà, nên cũng đã tử vong lúc 7g sáng 14-7.
Nguyên nhân tử vong của hai cháu có thể là do bị nhiễm loại vi rút EV71, gây biến chứng nặng. Đây là loại vi rút gây bệnh tay chân miệng hiếm gặp.
Được biết, từ đầu năm 2011 đến nay, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa đã tiếp nhận, điều trị hơn 100 cháu mắc bệnh tay chân miệng. Các bệnh nhi đều được điều trị khỏi bệnh.
Đến nay, hai cháu Đức và Trà là hai ca tử vong đầu tiên do mắc bệnh tay chân miệng tại tỉnh Thanh Hóa.
Được xây trên mặt bằng 17 m2, ngôi nhà 4 tầng ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đang nghiêng dần và có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. Sáng 14/7, chính quyền phải rào chắn và mời đơn vị xử lý nghiêng lún đến gia cố khẩn cấp. > Nhà 5 tầng đổ đè sập một phần chung cư/ Những ngôi nhà lún nghiêng ở Hà Nội
Căn nhà bị nghiêng cao 4 tầng, một tum, thuộc số 2B nằm trong ngách 36, ngõ Chùa Liên Phái, phường Cầu Dền (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Tại hiện trường, mép tường sau lưng nhà 2B đang tách dần khỏi tường của một ngôi nhà khác, đoạn há rộng nhất khoảng 20 cm. Mặt tiền tầng 4 đã đổ dần về phía nhà đối diện khiến cánh cửa sổ không mở hết được.
Khe hở ngày một rộng tại bức tường sau của ngôi nhà bà Dũng với hàng xóm. Khoảng trên cùng ước tính đã tách ra tới 20 cm. Ảnh: Hoàng Hà.
Bà Tạ Thị Dũng, chủ nhân ngôi nhà cho biết, đã xây nhà từ 7 năm trước với diện tích mặt bằng 17 m2. Từ hơn một tháng nay, khi ngôi nhà kế bên xây dựng thì nhà bà cũng bắt đầu nghiêng. Ngày 12/6, bà đã làm đơn gửi UBND phường đề nghị xử lý. "Ban đầu là một khe hở nhỏ, dần dần tôi thấy khoảng cách to dần, sợ lắm mà vẫn phải ở, chờ quyết định của địa phương chứ biết làm sao", bà Dũng nói.
Tuy nhiên, đến hôm qua khi ngôi nhà có dấu hiệu sắp đổ, bà Dũng cùng 4 người con cháu vội chuyển khỏi nhà. Các hộ gia đình xung quanh do lo sợ cũng phải thuê xe chở đồ đạc tạm dọn đi nơi khác.
Sau khi khảo sát, sáng 14/7, UBND phường Cầu Dền đã mời thần đèn Đỗ Quốc Khánh đến chống nghiêng lún, đảm bảo an toàn cho những gia đình bên cạnh. Hiện toàn bộ ngách 36, ngõ Chùa Liên Phái bị rào chắn, ngăn không cho phương tiện qua lại.
Mặt trước của ngôi nhà đã nghiêng sang nhà đối diện khiến cánh cửa sổ không mở hết được. Ảnh:Hoàng Hà.
Thần đèn Khánh cho biết, trước mắt phải chống sập cho ngôi nhà, sau đó sẽ chỉnh sửa lại móng và ép cọc đề phòng lún. "Còn về độ nghiêng bao nhiêu, độ dốc sàn như thế nào phải đến chiều hoặc sáng mai dùng máy đo mới có thể xác định được", ông nói.
Về nguyên nhân nghiêng lún, qua khảo sát, UBND phường Cầu Dền cùng đại diện Phòng Quản lý đô thị quận Hai Bà Trưng và đại diện Thanh tra xây dựng, xác định hộ bà Đỗ Thị Phúc tự ý cải tạo nhà ở không có giấy phép xây dựng và gây ảnh hưởng đến nhà bà Dũng ở liền kề.
UBND phường đã yêu cầu hộ bà Phúc phải chịu mọi kinh phí cho các giải pháp chống đỡ, gia cố, khắc phục ảnh hưởng do công trình xây dựng của nhà mình gây nên.
Cách đây hơn 3 tháng, một ngôi nhà 5 tầng ở mặt phố Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội) trong quá trình hoàn thiện đã bất ngờ đổ sập, đè phá hỏng một phần chung cư 5 tầng và siêu thị máy tính cạnh đó. Sau sự cố, UBND Hà Nội đã yêu cầu các quận huyện rà soát chất lượng công trình do người dân tự xây dựng, đặc biệt là nhà cũ được sửa chữa, cơi nới.
Giá vàng trong nước càng về trưa và chiều càng có xu hướng giảm, và bắt đầu rời mốc 39 triệu đồng khi thị trường thế giới đang lên xuống thất thường sao đà tăng mạnh hôm qua. > Kỷ lục mới của giá vàng/ Đà bán tháo vàng chững lại
Chiều nay, vàng trong nước lại quay về trên 38 triệu đồng một lượng. Ảnh: Tuệ Minh.
Giá vàng SJC tại hệ thống DOJI lúc hơn 2h là 38,88- 38,96 triệu đồng, giảm 70.000 đồng chiều thu gom và 90.000 đồng chiều bán so với buổi sáng. Biên độ chênh lệch mua bán là 80.000 đồng. Theo đà, giá sỉ cũng giảm đáng kể, chỉ 38,90 – 38,95 triệu đồng (mua vào- bán ra). Biên độ mua bán chênh lệch 50.000 đồng. Tuy nhiên, giao dịch sôi động hơn, chủ yếu người dân đến bán. Theo thống kê của đơn vị này, sáng nay, toàn hệ thống đạt doanh số khoảng 5.000 lượng.
Giá vàng ti nhiều doanh nghiệp kinh doanh khác thậm chí giảm khá sâu so với sáng. Tại Hà Nội từ đầu giờ chiều, hầu hết các thương hiệu niêm yết quanh 38,82- 38,85 triệu đồng chiều thu mua. Chiều bán ra cũng tuột khỏi 39 triệu, chỉ còn khoảng 38,90- 38,93 triệu đồng.
Thị trường quốc tế, giá đang có dấu hiệu phục hồi sau khi giảm mạnh vào trưa nay. Hiện tại, vàng giao ngay giao dịch ở xấp xỉ 1.585 USD mỗi ounce, tăng khoảng 2- 3 USD so với giá trước đó.
Tỷ giá USD/VND trong ngân hàng chiều nay vẫn duy trì như những ngày trước. Vietcombank thu mua ở 20.550 đồng, bán ra 20.610 đồng. VietinBank cũng cố định giao dịch 20.560- 20.600 đồng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường tự do, đôla giao dịch khá chậm. Tỷ giá cũng không có nhiều biến động so với sáng, phổ biến ở 20.550- 20.570 đồng. Một người kinh doanh vàng kiêm thu đổi ngoại tệ ở Hà Trung (Hà Nội) than thở, từ mấy ngày nay vắng khách.
Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 13 (ngày 21/7-6/8), Quốc hội sẽ bầu chức danh Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng... đồng thời lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. > Trung ương Đảng xem xét nhân sự cấp cao
Sáng nay, tại phiên họp cuối cùng của Thường vụ Quốc hội khóa 12, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn cho hay, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 13 sẽ khai mạc ngày 21/7 và bế mạc ngày 6/8, tập trung vào công tác nhân sự như bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội...
Theo đó, ngày 23/7 Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch, các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 13. Sau khi Chủ tịch Quốc hội trình bày tờ trình danh sách đề cử chức danh chủ tịch nước, ngày 25/7, Quốc hội sẽ bỏ phiếu bầu người đứng đầu Nhà nước.
Sáng 21/7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ trình bày báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm. Ảnh: Tiến Dũng.
Sau bài phát biểu nhậm chức, Chủ tịch nước sẽ đọc tờ trình giới thiệu danh sách đề cử để Quốc hội bầu Phó chủ tịch nước, Thủ tướng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Và ngày 26/7, Quốc hội sẽ bỏ phiếu bầu các chức danh này.
Sau khi họp để trao đổi về dự kiến nhân sự các phó thủ tướng, bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ do Thủ tướng đề nghị, ngày 3/8, Quốc hội bỏ phiếu phê chuẩn các chức danh này. Cùng ngày, Thủ tướng mới được bầu sẽ thay mặt Chính phủ phát biểu nhậm chức.
Theo ông Đàn, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Văn phòng Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ bố trí thêm nửa ngày để nghe và thảo luận việc triển khai thực hiện nghị quyết về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992 và thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Chính phủ cũng sẽ có báo cáo về công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh, trật tự vùng biển đảo, nhất là những vấn đề liên quan đến tình hình biển Đông, để gửi đại biểu tự nghiên cứu. Đây là vấn đề đang được dư luận xã hội và nhân dân cả nước rất quan tâm.
Ngoài phiên khai mạc và bế mạc, Quốc hội sẽ truyền hình và phát thanh trực tiếp phiên thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2011; các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển 6 tháng cuối năm.
Trước đó, hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) cũng đã dành thời gian để xem xét, quyết định giới thiệu nhân sự cho các chức danh lãnh đạo chủ chốt của cơ quan nhà nước để Quốc hội bầu, phê chuẩn.
- Đột xuất kiểm tra một số cở sở kinh doanh đông dược trên chợ Đông dược ở quận 5, TP.HCM, Chi cục quản lý thị trường TPHCM đã thu giữ hơn 1,5 tấn đông dược không rõ nguồn gốc ngày 13/7.
Kiểm tra điểm kinh doanh đông dược địa chỉ 17A, Hải Thượng Lãn Ông, phường 10, quận 5, TPHCM, đội quản lý thị trường 3A (Chi cục quản lý thị trường TPHCM) đã phát hiện ở đây chứa 13 bao tải đông dược nhập từ Trung Quốc về với tổng khối lượng là gần 800kg, không rõ nhãn mác, tiêu chuẩn cũng như hạn sử dụng….
Qua kiểm tra, chủ cơ sở là ông Nguyễn Doãn Sáu đã không xuất trình được hóa đơn, chứng từ của số hàng này, cũng như không có giấy kinh doanh đông dược.
Đội quản lý thị trường 3A đang lập biên bản
Còn qua kiểm tra kho hàng tại số 45 Triệu Quang Phục, quận 5, TP.HCM thì đội quản lý thị trường 3A cũng đã phát hiện hàng chục bao tải chứa đông dược không có nguồn gốc, xuất xứ. Cụ thể, gồm 745 đông dược (gồm Dương Quy, Trần Bì, Uy Linh Tiền, Thảo Phiến… ), 18 thùng la hán quả, 282 chai đông trùng hạ thảo dạng nước của hai chủ hàng là bà Nguyễn Thị H. và bà Nguyễn Thị T.
Chủ hàng không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề dược. Được biết, cơ quan chức năng đã lập biên bản, tạm giữ số hàng này để điều tra làm rõ.
- Bộ quy tắc về ứng xử ở Biển Đông (COC) – một hiệp định có tính rằng buộc pháp lý chặt chẽ hơn DOC đang được ASEAN và Trung Quốc thảo luận và dự kiến sẽ hoàn tất trước Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 19.
Theo một bản dự thảo tuyên bố chung mà hãng tin Kyodo có được ngày hôm qua (13/7), cuộc họp lần thứ 44 của Bộ trưởng ngoại giao các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) diễn ra tại Bali, Indonesia tuần tới dự kiến sẽ đưa ASEAN và Trung Quốc tiến gần hơn tới việc hoàn tất COC.
Dự thảo này cho biết ASEAN và Trung Quốc - một trong những bên đối thoại của khối - đã bắt đầu thảo luận về COC "bằng cách xây dựng dựa trên nền tảng lễ kỷ niệm lần thứ 20 quan hệ đối thoại ASEAN - Trung Quốc" diễn ra trong năm nay.
"ASEAN và Trung Quốc mong muốn hoàn tất việc này trước Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 19 và các hội nghị cấp cao liên quan tổ chức tại Bali trong tháng 11 tới", bản Dự thảo viết.
Cũng trong Bản dự thảo trên, hai bên dự kiến sẽ tiếp tục nhắc lại việc kêu gọi tất cả các bên tôn trọng quyền tự do hàng hải và tự do vùng trời trên Biển Đông như các quy định của luật pháp quốc tế.
Năm 2002, ASEAN và Trung Quốc đã đã ký Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) nhằm đảm bảo giải quyết hòa bình các tranh chấp trên những tuyến đường biển chiến lược này, nhưng các bên vẫn cần phải thiết lập một Bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc pháp lý. Tuy nhiên Trung Quốc vẫn còn lưỡng lực tham gia hiệp định pháp lý này.
Các nước hiện có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông bao gồm Brunei, Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam.
Căng thẳng đã leo thang trong năm nay giữa Trung Quốc và Philippines khi hai tàu của Trung Quốc đã yêu cầu một tàu khảo sát của Philippines tránh xa khu vực Bãi Cỏ Rong ở phía Tây đảo Palawan. Philippines đã cử máy bay quân sự xua đuổi và từ đó liên tục phản đối các hành đông vi phạm chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.
Trong một diễn biến liên quan trước đó, Bộ trưởng ngoại giao Philippines, ông Albert del Rosario đã chỉ trích Trung Quốc khi bác bỏ đề nghị của Manila đưa vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông ra trước một tòa án quốc tế do Liên Hợp Quốc bảo trợ. Ông Rosario cho rằng điều đó chứng tỏ Bắc Kinh không chứng minh được được tính hợp pháp trong các tuyên bố chủ quyền của mình trên Biển Đông theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
TQ ngày càng kiên quyết áp đặt "đường lưỡi bò" ở Biển Đông bằng mọi cách mà VN là một mục tiêu chủ chốt.
AFP photo
Người Việt hô to khẩu hiệu chống TQ trong cuộc biểu tình tại HN hôm 03/7/2011
Thái độ né tránh của chính quyền
Trong khi giới cầm quyền trong nước tỏ ra mềm yếu với Phương Bắc như dạo nào và – nói theo lời blogger Sự thật và Công Lý "VN tăng cường lực lượng chống nhân dân", thì nhiều ngày nay, người dân Việt tiếp tục thắc mắc về chuyến "đi sứ sang Tàu" của "đặc phái viên" Thứ trưởng Ngọai giao Hồ Xuân Sơn, bất an về thực chất thỏa thuận Việt-Trung dựa trên tình nghĩa "16 chữ vàng" và "4 tốt" này.
Đó là lý do khiến 18 nhân sĩ trong nước kiến nghị Bộ Ngoại giao VN yêu cầu cung cấp thông tin đầy đủ về vấn đề vừa nói, nhất là khi gần 3 năm về trước, 1 bản kiến nghị của một số cựu chiến binh gởi tới giới lãnh đạo Đảng và Nhà nước VN đề nghị xóa bỏ tính pháp lý của "công hàm Phạm Văn Đồng" dâng Hoàng Sa và Trường Sa cho TQ nhưng bị giới lãnh đạo VN lờ đi khiến Bắc Kinh bây giờ luôn viện dẫn "công hàm Phạm Văn Đồng" như một bằng chứng Hoàng Sa và Trường Sa là của Hoa Lục.
Qua bài "Một bản Kiến nghị bị bỏ quên" được nhiều nhật ký trên mạng, kể cả các blog Hoàng Quang, Bô-xít VN, phổ biến, tác giả Lê Bảo Sơn thắc mắc:
"Không rõ ông "phái viên đặc biệt của Việt Nam" đã nói điều gì với Thứ trưởng Ngoại giao Trương Chí Quân và Ủy viên Quốc vụ viện Đới Bỉnh Quốc mà sau đó, Tân Hoa xã đã phát đi một bản tin trong đó nhấn mạnh: "Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố về chủ quyền không thể tranh cãi của mình tại các hòn đảo trên Biển Hoa Nam [tức Biển Đông] và những vùng biển xung quanh các hòn đảo này.
Những hồ sơ lịch sử của Trung Quốc đã cho thấy rằng năm 1958, chính phủ Trung Quốc đã khẳng định các hòn đảo trên Biển Hoa Nam [Biển Đông] như là bộ phận thuộc lãnh thổ quốc gia của Trung Quốc, và kế đó Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng đã bày tỏ sự tán đồng trong bức thư ngoại giao ngắn của mình gửi tới Thủ tướng khi đó là ông Chu Ân Lai."
Từ đó, tác giả Lê Bảo Sơn không khỏi không thắc mắc về "điều kỳ lạ" liên quan thái độ né tránh của Đảng và Nhà nước VN, qua đó, Hà Nội luôn im hơi bặt tiếng, không giải thích cũng như không nhắc tới "công hàm Phạm Văn Đồng" dù Bắc Kinh luôn viện dẫn công hàm này như là một trong nhiều cái cớ để họ xâm chiếm lãnh hải VN.
Bị đàn áp vì yêu nước
Qua bài "Câm mồm để cho tao ăn cướp", blogger Quê Choa tỏ ra "rất thú" với bài "Định hướng dư luận" của GS Nguyễn Văn Tuấn, và đưa ra nhận xét:
Hai nhạc sĩ chơi các bài hát yêu nước trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội hôm 03/7/2011. AFP photo
"Sở dĩ bác Tuấn phải cất công diễn giải…chỉ vì sau chuyến viếng thăm TQ của ông Hồ Xuân Sơn, chả biết ông Hồ Xuân Sơn hứa hẹn những gì mà Tân hoa xã dẫn lời ông Hồng Lỗi: "Cả hai nước đều phản đối những thế lực bên ngoài can dự vào tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam và nguyện sẽ tích cực hướng dẫn công luận và ngăn ngừa những lời bình luận hoặc hành động làm tổn hại tới tình hữu nghị và sự tin cậy giữa nhân dân hai nước."
Sau đó BBC dẫn lời ông tướng Mã Hiểu Thiên:"Tình hình căng thẳng sau các diễn biến tại đây trong cuộc gặp khi nhấn mạnh rằng ông "hy vọng phía Việt Nam sẽ xử lý các vấn đề tế nhị một cách thích đáng và hướng dẫn dư luận cũng như cảm tính xã hội một cách đúng đắn".
Tướng Mã Hiểu Thiên cũng khuyến cáo phía Việt Nam "không nên để cho các diễn biến leo thang và tránh làm phức tạp thêm tình hình, khiến các vấn đề bị trầm trọng hóa, dẫn tới đa phương hóa và quốc tế hóa chúng…"
…. Bao nhiêu năm giao thiệp khúm núm, gọi dạ bảo vâng, tóm lại, Biển Đông càng ngày càng dậy sóng, TQ càng ngày càng lộ nguyên hình một tên cướp biển, chứ chẳng đồng chí đồng chéo gì sất, điều đó thì đến đứa con nít nó còn biết, huống hồ là ông Hồ Xuân Sơn."
Giữa lúc giới lãnh đạo VN "giao thiệp khúm núm, "gọi dạ bảo vâng" trước Phương Bắc "ngày càng lộ nguyên hình một tên cướp biển", thì lòng ái quốc của người dân Việt thể hiện qua hành động biểu tình bị công an đàn áp, "công an đủ sắc phục kín đặc như bức thành lũy thép kiên cố cố bảo vệ trại Tàu", trong khi các quan chức VN, qua phát ngôn nhân Bộ Ngọai giao Nguyễn Phương Nga, cáo giác rằng lòng ái quốc ấy bị kẻ xấu lợi dụng. Bức xúc trước cáo giác oan ức như vậy, blogger Mẹ Nấm có "Thư gởi chị Nga":
"Lòng yêu nước, như chị nói đã bị lợi dụng ("kẻ" lợi dụng ở đây là Việt Tân). Vậy trong những "cuộc cách mạng" trước đây mà sứ mệnh là của dân bắt đầu từ lòng yêu nước có bị lợi dụng không ạ? Em đi học, chỉ được nghe nói, được dạy và hiểu rằng "kêu gọi tinh thần yêu nước", "khích lệ tinh thần yêu nước" thôi chị ạ. Những người tỏ thái độ và hành động vừa rồi để chống lại phía Trung Quốc có hành vi như đã nói, họ bao gồm nhân sĩ trí thức, học sinh sinh viên…và các tầng lớp nhân dân là tỏ lòng yêu nước.
Họ có bị lợi dụng hay kích động không thưa chị? Nếu cấu trúc câu trên hợp lý, vì chị đã nói ra thì tức là chị đã trả lời câu hỏi này của em. Trời đất? Chị ở đâu ra mà dám coi thường nhân dân thế? Nhân dân họ dễ bị lợi dụng và kích động lắm sao? Ngay cả khi ở vào chỗ cùng cực nhất, lịch sử đã từng ghi như chị biết, dân tộc bị lợi dụng và kích động hay chưa? Với chị, lòng yêu nước có thể bị lợi dụng (chưa cần biết ai lợi dụng), nhân dân ta dễ bị kích động? Nếu vai trò "nhai lại của chị" phát huy hết khả năng rồi, câu hỏi này em nhờ chị chuyển giùm tới chỗ mà theo chị có "thẩm quyền và chức năng" trả lời. Em biết ơn chị về điều này."
Diễn biến dồn dập hiện nay khiến blogger Quê choa, theo lời ông, "đã rõ ra phần nào" rằng TQ có vẻ như "thả cho VN một cái phao" và cho rằng "đám biểu tình là do bọn phản động nó xúi giục", và VN "vội vàng ôm ghì lấy cái phao" ấy. Bài "Ông Nguyên và ông Nghị" trên blog Quê Choa nhận xét rằng nếu quả đúng như vậy thì cái phao đó "cực kỳ nguy hiểm":
"Đó là kế " thả mồi bắt bóng" TQ vẫn hay dùng, một mặt lấy cớ đó dẹp tan biểu tỉnh, mặt khác làm cho ta vui vẻ ôm lấy cái bóng tưởng bở để họ lại lùa ta vào cái vòng kim cô "Đồng chí bốn tốt", "16 chữ vàng" hòng dễ bề thao túng. Có phải vì e ngại chuyến công du của ông Hồ Xuân Sơn là để ôm cái phao này về nên 18 nhân sĩ Việt Nam mới vội vàng Kiến nghị Bộ ngoại giao minh bạch hóa bí mật của chuyến đi này chăng?"
16 chữ vàng và song phương?
Giữa lúc "sơn hà nguy biến" ngày càng lộ rõ trên quê hương và cho dân tộc Việt thì một trong những nỗ lực của Bắc Kinh – nói theo lời blogger Tô Hải – là nhồi nhét "sự thật giả" cho 60 triệu đảng viên và hơn 1 tỷ dân Tàu về điều gọi là "sự thật uất ức căm hờn" khi Bắc Kinh cho rằng lãnh hải và quyền lợi của họ bị các nước ngoài, nhất là VN và Philippines, liên tục xâm hại. Nhưng, vẫn theo blogger Tổ Hải, "Khốn thay! Ở VN, cái sự thật đắng cay lại… ngược lại !". Sự thật đắng cay đó là gì? Theo nhận xét của Nhạc sĩ Tô Hải:
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao VN Nguyễn Phương Nga trả lời những câu hỏi trong cuộc họp báo tại Hà Nội vào ngày 23 tháng 6 năm 2011. AFP photo
"Mất cướp trên đất cả một tỉnh Thái Bình rồi, người Tàu đang hành động công khai và cụ thể "đòi lại" cái vùng "lưỡi bò của họ" rồi, dân Tàu nhập cư lập làng trương bảng hiệu, thầu hết các công trình trọng điểm của ta, đang đổ tiền thu mua thượng vàng hạ cám của ta rồi!... Đó là sự thật.
Nhưng Sự Thật này, đến giờ vẫn chưa là Sự Thật cần nói lên, kêu to lên, cần động viên toàn dân trong cũng như ngoài nước cùng góp sức chung tay với Nhà Nước với những cơ quan Luật pháp Quốc Tế, Tòa Án Quốc tế giúp đỡ thì Sự Thật đắng cay và tủi nhục này lại được các cơ quan, những người lãnh đạo cao nhất ủy nhiệm cho đặc phái viên chính phủ sang tận Bắc Kinh xin được giữ vững 4 tốt,16 chữ vàng và "cấm không cho một nước thứ ba dính líu vào!"...
Và ngay trong cuộc họp T.Ư lần đầu, Tổng Bí thư mới kiêm bí thư Quân Ủy T.Ư, trong diễn văn khai mạc cũng không một lần dám động đến hai chữ Biển Đông (mà đối tác 4 tốt luôn gọi là Biển Hoa Nam đã được chính VN công nhận?), còn về an ninh quốc phòng thì ông Trọng chỉ nói đến bảo vệ vững chắc lãnh thổ! Không một chữ lãnh hải, biển đảo!?"
Qua bài tựa đề "Không thể đi ngược ý chí nhân dân" của nhà văn Phạm Đình Trọng viết vào "những ngày buồn của lịch sử VN" hồi tháng 6 vừa rồi và được rất nhiều mạng nhật ký phổ biến, tác giả lưu ý rằng "Mỗi lần nghe lãnh đạo đảng Cộng sản và lãnh đạo nhà nước Việt Nam thành kính nhắc lại lời lãnh đạo Đại Hán tán tỉnh, tâng bốc mối quan hệ với Việt Nam là Láng Giềng Hữu Hảo, Đồng Chí Tốt, người dân Việt Nam lại ngậm ngùi, tê tái như bị phản bội và càng âu lo cho vận nước". Vẫn theo nhà văn Phạm Đình Trọng thì thực tế từng diễn ra trong quá khứ và rồi hiện tại là 1 bằng chứng hiển nhiên, không thể phủ nhận, rằng "Đảng CSVN đang đi ngược ý chí của nhân dân VN!".
Triển khai những tiểu tựa như "Chủ nghĩa xã hội: Lòng dân không thuận, hào kiệt tan tác", "Một chủ trương mất gốc: Đối lập với dân, liên minh với ác", "Ý chí nhân dân VN", nhà văn Phạm Đình Trọng mở đầu bài "Không thể đi ngược ý chí nhân dân" với tiểu tựa mở đầu "Nhà nước không mang ý chí nhân dân", và nhận xét:
... những người lãnh đạo cao nhất ủy nhiệm cho đặc phái viên chính phủ sang tận Bắc Kinh xin được giữ vững 4 tốt,16 chữ vàng và "cấm không cho một nước thứ ba dính líu vào!"...
Nhạc sĩ Tô Hải
"Người dân Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh phẫn nộ biểu tình trước trước cơ quan đại diện nhà nước Trung Hoa không phải chỉ vì hành động gây hấn mang rõ bản chất xâm lược, thôn tính của những chiến hạm Trung Hoa giả dạng tàu dân sự, tàu đánh cá, tàu giám sát biển mà còn vì ứng xử nhu nhược đến tủi nhục làm mất thể diện quốc gia, làm nhụt ý chí dân tộc của các cơ quan chức năng nhà nước Việt Nam!…
Nếu cơ quan chức năng nhà nước Việt Nam có ứng xử thỏa đáng, bảo vệ dân, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, có tư thế hiên ngang của một nhà nước độc lập, tự chủ, khôn khéo và cương quyết đòi Trung Hoa chấm dứt xâm phạm vùng biển Việt Nam, thực hiện những lời tốt đẹp họ đã nói về mối quan hệ hai nước thì người dân Việt Nam hoàn toàn yên tâm, tin cậy giao vận mệnh dân tộc và vận mệnh đất nước cho những người xứng đáng ở vị trí quản lí đất nước, lãnh đạo nhà nước.
Người dân chỉ còn bình tĩnh trong tư thế sẵn sàng đáp ứng mọi sự huy động sức dân, đáp ứng cả xương máu cho sự nghiệp giữ nước! Nhưng thực tế đã không như vậy! Vì nhà nước không phải do dân bầu ra nên không mang ý chí nhân dân!"
BẾN TRE (TH) -Chuyện tưởng như đùa lại là chuyện thật vừa xảy ra tại tỉnh Bến Tre khi một chiếc cầu sắp được khánh thành thình lình đổ sập trưa ngày 12 tháng 7.
Chiếc cầu Bà Hạc sập ngày 12 tháng 7. (Hình: báo Người Lao Ðộng)
Theo VTC News, đó là chiếc cầu mang tên Bà Hạc bắc ngang sông Thành Thới A ở huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre, dài 48m, rộng 3.5m nối liền hai ấp Thới Hòa và Thới Khương.
Ðây cũng là chiếc cầu mà người dân trong vùng gọi là “chiến lược” vì cầu dẫn tới phà Cổ Chiên để đến tỉnh Trà Vinh, rút ngắn đoạn đường đi lại giữa tỉnh này và tỉnh Bến Tre.
Ban điều hành cầu cho biết cầu Bà Hạc đã được “căn bản hoàn thành” và thông xe từ cuối năm 2010, đang trong giai đoạn “hoàn thiện” trước khi làm lễ khánh thành.
Trong khi đó theo báo Người Lao Ðộng, ban điều hành cho phép xe cộ qua lại cầu vì nhu cầu cấp thiết của người dân. Vào ngày nói trên, chiếc xe vận tải chở 5 tấn thức ăn gia súc vừa băng lên thì cầu bỗng vặn mình rồi đổ sập. Cả chiếc xe vận tải đổ ụp xuống sông. (PL)
Tình hình Biển Đông trở nên phức tạp khi Trung Quốc ngày càng có hành động tùy tiện và gây hấn đáng ngại trong khu vực, nhất là đối với VN.
AFP photo
Các tướng lĩnh quân sự hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc trong một cuộc họp ở Bắc Kinh vào ngày 11 tháng 7 năm 2011 giữa lúc căng thẳng gia tăng ở biển Đông
Hiện, xem chừng như có dấu hiệu Hoa Kỳ cùng các nước trong khu vực, kể cả Úc, xúc tiến hợp tác trước mối đe dọa của Bắc Kinh. Những diễn tiến đó có ý nghĩa ra sao? Và có thể có lợi cho VN như thế nào? Thanh Quang và Giáo Sư Nguyễn Mạnh Hùng thuộc Đại học George Mason, Tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ có cuộc trao đổi quanh vấn đề này.
Thanh Quang: Thưa GS, Hoa Kỳ, Úc và Nhật Bản vừa phối hợp tập trận ở Biển Đông sau khi Philippines đã kết thúc 11 ngày thao dợt hải quân với Mỹ ở vùng biển gần Biển Đông, và VN cùng Hoa Kỳ cũng có kế họach tập trận ở Biển Đông nội trong tháng này. Những diễn tiến khá dồn dập như vậy, theo GS, có ý nghĩa ra sao liên quan đến hành động gây hấn ngày càng đáng ngại của TQ ?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Về những lời tuyên bố chính thức, vì Trung Quốc đã chỉ trích những hành động như vậy là không tốt, thì Hoa Kỳ nói rõ là những hoạt động này đã được chuẩn bị từ lâu rồi, và diễn ra vào thời điểm này là chuyện trùng hợp thôi.
Nhưng trên thực tế chúng ta thấy đây là sự biểu dương lực lượng Hoa Kỳ để chứng tỏ lời tuyên bố từ lâu của Hoa Kỳ là không chấp nhận Biển Đông là vùng đặc quyền của ai cả, mà phải mở vùng này cho tự do lưu thông, và Hoa Kỳ vẫn là cường quốc ở vùng Á Châu-Thái Bình Dương.
Chính Tổng Tham Mưu Trưởng Liên Quân Hoa Kỳ, Đô Đốc Mike Mullen đã nói rõ trong chuyến viếng thăm TQ mới đây rằng Hoa Kỳ là cường quốc hiện diện ở trong vùng, và Hoa Kỳ chỉ thực thi quyền này thôi. Đây là một sự biểu dương lực lượng để chứng tỏ Hoa Kỳ quyết tâm thi hành, bảo vệ quyền lợi của mình, bảo vệ lập trường của mình.
Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Trần Bính Đức (thứ hai từ phải) trong cuộc họp với Đô đốc Mỹ Mike Mullen tại Bắc Kinh ngày 11 tháng Bảy năm 2011. AFP photo
Thanh Quang: GS vừa nhắc tới Đô Đốc Mike Mullen, Tổng Tham Mưu Trường Liên Quân Hoa Kỳ, thì đúng là ông có khẳng định với Bắc Kinh rằng Hoa Kỳ quyết tâm duy trì sự hiện diện quân sự trong khu vực. Theo GS thì cụ thể Đô Đốc Mike Mullen muốn nhắn gởi điều gì với Bắc Kinh ?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Hoa kỳ thứ nhất đã khẳng định mình là cường quốc ở Á Châu-TBD, thứ hai là Hoa Kỳ quan tâm đến tự do lưu thông ở Biển Đông, và thứ ba là Hoa Kỳ sẽ duy trì sự hiện diện quân sự ở vùng này. Thì qua những cuộc tập trận hỗn hợp đó, Hoa Kỳ muốn chứng tỏ sức mạnh của mình ở vùng này.
Thanh Quang: Thưa GS, những diễn tiến tập trận vừa nói có phải là dấu hiệu cho thấy Hoa Kỳ sẵn sàng can thiệp quân sự một khi xung đột võ trang xảy ra ở Biển Đông, dù đó là cuộc hải chiến giữa VN và TQ ?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Hoa kỳ không nói rõ như vậy. Hoa Kỳ để cho TQ tự đóan lấy. Đó là một ẩn ý về chiến lược.
Thanh Quang: Thưa GS, tình hình xem chừng như Hoa Kỳ và những nước trong khu vực, kể cả VN, xúc tiến hợp tác nhằm đối trọng hành động gây hấn và tùy tiện ngày càng trắng trợn của Bắc Kinh có thể giúp ích cho VN ra sao trước hiểm họa của Phương Bắc ?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Giúp ích một phần nào, bởi vì khi những nước nhỏ ở bên cạnh nước lớn thì họ muôn luôn phải tìm cách một mặt hòa hõan với nước lớn này, mặt khác thì tìm những đồng minh ủng hộ cho mình. VN cũng trong trường hợp như vậy. Vậy thì sự hiện diện hải quân Hoa Kỳ, và nhất là VN ngày càng muốn có sự hiện diện hải quân của nhiều nước khác là một hình thức giúp VN giảm bớt những áp lực từ phía TQ.
Thanh Quang: Cảm ơn GS Nguyễn Mạnh Hùng rất nhiều.
CẦN THƠ (T.T) -Dư luận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ đang xôn xao vụ cô dâu ở Ðài Loan tên Hà Cẩm Tú vừa từ trần sau 7 năm định cư tại đây.
Nhiều cô dâu Việt lấy chồng Ðài Loan hay Hàn Quốc gặp số phận hẩm hiu. Trong hình là cô dâu Thạch Thị Hoàng Ngọc bị chồng Nam Hàn đánh chết năm 2010. (Hình: báo Tuổi Trẻ)
Theo báo Tuổi Trẻ, cô dâu Hà Cẩm Tú từ trần ngày 7 tháng 7 vừa qua tại Ðài Loan tại một căn phòng trọ ở Ðài Bắc mà người ta nghi cô tự tử. Cô đã khóa trái cửa phòng rồi tự tử bằng khí than. Tất cả các vật dụng trong phòng của cô vẫn còn nguyên. Người nhà của cô dâu Hà Cẩm Tú cho hay cô có để lại một chúc thư cho người bạn gái ở Ðài Loan và còn để lại tin nhắn trong điện thoại di động nói lời chia tay một người bạn trai Ðài Loan trước khi chết. Trong khi đó, theo gia đình chồng của Hà Cẩm Tú thì cô đã sống tại miền Nam xứ Ðài được 5 năm kể từ ngày theo chồng. Hai năm gần đây, cô chia tay chồng để đến Ðài Bắc sinh sống. Một phúc trình của Tổng Cục Dân Số Việt Nam cuối năm 2010 cho biết có 300,000 cô gái Việt lấy chồng ngoại quốc, trong có có 85,000 người theo chồng sang Ðài Loan và Trung Quốc sinh sống. Một cuộc điều tra khác của Bộ Lao Ðộng-Xã Hội Việt Nam nói rằng 31% cô dâu Ðài theo chồng sang xứ người để đi làm, kiếm tiền nuôi gia đình ở Việt Nam. Tháng 4 vừa qua, Bộ Tư Pháp Việt Nam tổ chức một hội nghị tại tỉnh Cần Thơ cảnh cáo phụ nữ Việt Nam lấy chồng Ðài Loan theo phong trào, cuối cùng chuốc lấy hậu quả đau thương: bị chồng hành hạ, đánh đập; có người bị giết chết thê thảm. Vụ án mạng mới nhất xảy ra tại xứ Hàn và nạn nhân là cô dâu Thạch Thị Hồng Ngọc bị chồng đánh chết hồi tháng 7 năm rồi. Tỉnh Cần Thơ hiện có gần 700 trẻ em lai Ðài Loan và Trung Quốc đang được gia đình ngoại nuôi dưỡng vì mẹ ở xứ người không nuôi nổi con. (PL)
- Hà Nội nhìn nhận thế nào về đợt tăng giá thực phẩm thời gian qua, đặc biệt là thịt lợn, thưa ông?
- Tôi theo dõi mấy tháng qua giá cả nhiều mặt hàng, đặc biệt là giá thịt tăng rất cao. Năm ngoái, mỗi chỉ vàng giá 2,8 triệu đồng, năm nay tăng lên 3,7 triệu. Còn thịt lợn hơi năm ngoái chỉ có 37.000 đồng một cân năm nay lên 72.000 đồng. Nói ra điều này để thấy vàng chỉ tăng 30% nhưng thịt hơi tăng gấp đôi.
Nhưng đó là điều không mong muốn, mà do tác động từ nhiều yếu tố, chủ yếu là nguyên liệu đầu vào tăng cao. Tôi theo dõi được nhiều thông tin để phân tích, phải nói sản xuất nông nghiệp chăn nuôi của bà con phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Thức ăn chăn nuôi phần lớn là nhập bên ngoài, giá đầu vào tăng theo giá thế giới. Trong khi dịch bệnh chưa được kiểm soát triệt để nên khi có dịch sẽ ảnh hưởng ngay lập tức tới đàn lợn, khiến cung không đủ cầu.
- Nhiều người cho rằng do thương lái gom hàng bán sang Trung Quốc nên mới có tình trạng thực phẩm tăng giá?
- Giá cả nguyên vật liệu ở Trung Quốc tăng cao nên rất nhiều thương lái Trung Quốc thu mua các loại thực phẩm trong đó có thịt lợn, do vậy làm tăng giá thịt lợn ở nước ta.
Trước tình hình này, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Tài chính và Sở Công Thương kiểm soát dự báo kịp thời để thông tin trao đổi với các đơn vị thương mại và ký hợp đồng tránh khan, cháy hàng trong nước.
Trong việc sử dụng quỹ bình ổn giá, chúng tôi yêu cầu phải có cơ cấu cho từng mặt hàng, đặc biệt là thịt lợn để doanh nghiệp chủ động cung cấp hàng cho thị trường.
Nhiệm vụ tiếp theo là kiểm soát chống đầu cơ găm hàng và phải tăng cường quảng bá tuyên truyền cho bà con. Chính sách của nhà nước Trung Quốc về cơ bản là tốt. Nhưng không ít doanh nghiệp Trung Quốc ký hợp đồng với người dân lại không thực hiện cam kết một cách nghiêm chỉnh.
Vì vậy, người dân nên hướng vào doanh nghiệp nội địa làm ăn bền vững.
- Thành phố đã có những biện pháp cụ thể nào để ghìm giá thực phẩm?
- Thành phố đã bỏ ra 475 tỷ đồng từ quỹ dự trữ tài chính cho các doanh nghiệp thương mại vay không tính lãi để họ dự trữ 9 mặt hàng thiết yếu, cung ứng ra thị trường khi giá cả biến động. Những mặt hàng này bán thấp hơn giá thị trường 10-15%, góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân đặc biệt người lao động.
Tuy nhiên, khoản tiền 475 tỷ đồng so yêu cầu bình ổn giá với thị trường có sức mua 6,5 triệu dân và 2 triệu người vãng lai của Hà Nội quả thật nhỏ bé. Mong người tiêu dùng phải chia sẻ với thành phố chứ không thể trông cậy hết vào nguồn quỹ này.
Thực tế cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đang giảm và tôi tin trong những tháng tới do độ trễ của chính sách trong tháng 7 tốc độ tăng chậm lại. Tôi tin lạm phát cả năm sẽ dừng ở mức 15-17%.
- Quỹ bình ổn giá hiện chưa đến được với người nghèo, ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?
- Chúng tôi đã phát hiện ra vấn đề này từ năm ngoái. Năm nay chúng tôi yêu cầu các doanh nghiệp đăng ký nhận nhiệm vụ bình ổn giá phối hợp các ban quản lý ở các chợ dân sinh.
Mục đích của chương trình là cung cấp những mặt hàng thiết yếu cho người lao động. Tuy nhiên, về tổ chức thực hiện đang gặp khó khăn, vì mạng lưới phân phối còn kém do vậy mục đích đạt chưa cao. Trong những năm tới chúng tôi sẽ tăng cường cơ sở hạ tầng thương mại, đẩy mạnh hệ thống các tổ chức thương mại để đáp ứng được yêu cầu này.
Dùng phân đạm, thạch cao làm chất phụ gia, làm giả như thật thịt thú rừng… là những cách chế biến đồ ăn khó tin đã bị phanh phui.
Có nhiều món ăn, đồ uống được coi là rất "khoái khẩu" đối với người Việt Nam, nhưng "công nghệ" chế biến những món ăn này sẽ khiến nhiều người không khỏi kinh hãi.
Dưới đây là một số cách chế biến thức ăn, đồ uống khó tin đã được cơ quan chức năng phát hiện trong thời gian vừa qua:
Từ lâu nay, tiết canh đã được coi là một món ăn có nguy cơ cao về thiếu an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng việc một số cơ sở sử dụng cả… phân đạm bón rau làm chất phụ gia giúp tiết đông cứng, giữ màu đỏ tươi là điều mà ít người có thể tưởng tượng được.
Quy trình làm đậu phụ được thực hiện trình tự theo các bước cơ bản: ngâm mềm đậu tương, xay nhỏ và ủ, sau đó nấu để nổi cái lên trên bề mặt, vớt cái cho ra khuôn ép nước cho thành bánh đậu. Trong quá trình này, không ít cơ sở đã pha thêm thạch cao vào để tăng hiệu suất nổi cái nhiều, giúp sản lượng bánh đậu được nhiều hơn cũng như giúp cái nhanh đông cứng.
Khi bị phanh phui, kỹ nghệ làm ruốc giả đã khiến nhiều người không khỏi kinh ngạc. Chỉ cần thu gom bã sắn dây từ cơ sở lọc bột sắn thuê về ép, phơi khô, đánh bông, tẩm gia vị, xào cho vàng, trộn với một ít ruốc thật là ra ruốc "nhái" y chang ruốc thịt thực sự. Loại ruốc này được bán ra thị trường với giá chỉ bằng 1/3 giá ruốc thật.
Thịt thú rừng cũng không tránh được nạn "hàng nhái". Rùng rợn là ở chỗ các sản phẩm này có thể được chế từ thịt lợn "bẩn" mua gom từ các lò mổ hay bán trôi nổi. Đó có thể là thịt ế đã bị ôi, thịt lợn bệnh, lợn chết có giá rẻ như cho. Các nguyên liệu này được đem về nhúng vào nước pha chất tẩy, ướp "hương vị" các loại theo ý muốn như bò, nai, chồn, cho vào lò sấy khô với nhiệt độ cao để tạo mùi, tạo độ dai như thật. Thịt lợn rừng được làm giả công phu hơn với việc dùng cây kim ba mũi tự chế được đóng chặt vào một chiếc đũa tre châm vào da để tạo ra những lỗ châm lông chụm 3 đúng như lợn rừng "xịn".
Cà phê tưởng như an toàn, nhưng ít ai ngờ rằng sản phẩm này có thể được chế biến từ những nguyên liệu không liên quan gì đến cà phê như bắp, đậu nành, hương liệu hóa học. Để làm cà phê rởm, hỗn hợp các nguyên liệu trên cùng chất tạo dính, đường hóa học, muối gạo… sẽ được trộn đều trong máy trộn, nghiền và "hô biến" thành cà phê thành phẩm, sẵn sàng được tung ra thị trường.
Bún ngon chỉ được làm từ bột gạo, nhưng để giảm chi phí, nhiều cơ sở sản xuất bún chui đã trộn thêm bột mì vào bột gạo. Điều này khiến sợi bún dễ bị nát vụn và có màu đen rất xấu. Để giải quyết vấn đề trên, người làm bún đã dùng đến một loại hóa chất tẩy trắng, tăng độ dẻo dai có tên Tinopal. Đây là một loại hóa chất tẩy rửa cực mạnh, vốn được nhiều người mua để pha chế trong bột giặt, xà phòng.
"Công nghệ hóa học" thao túng cả những đồ uống rất được ưa chuộng như chè, trà sữa, sinh tố… Đầu tiên là "đường siêu ngọt", chỉ cần cho nửa thìa cũng bằng cả cân đường kính, ngọt cả nồi chè. Một loại hóa chất khác là "cần sủi", có khả năng giúp một nồi chè đỗ đen được ninh nhừ sau vài phút, dù bình thường phải mất hơn nửa tiếng. Trà sữa và sinh tố thì được pha chế bằng những hóa chất "lạ" nhiều màu sắc được bọc trong túi nylon, mà một túi nhỏ có thể pha được cả chục cốc
Công nghệ làm trắng bánh bao lại là một điều hãi hùng khác. Để bánh trắng, xốp, mềm hơn, người làm bánh đã không dừng lại ở công đoạn ủ bột mà còn có sự hỗ trợ của phụ gia. Các chất phụ gia bao gồm bột nở, men nở và… bột tẩy trắng, một hóa chất có thể gây viêm loét dạ dày, viêm niêm mạc mắt, niêm mạc miệng, gây hại nghiêm trọng tới sức khỏe con người, đặc biệt là đối với trẻ em.