THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

02 May 2012

Quy hoạch sân bay Chu Lai thành sân bay quốc tế

Quy hoạch phát triển lại sân bay Chu Lai thành sân bay quốc tế là một trong 10 nhóm vấn đề vừa được UBND tỉnh Quảng Nam xác định để xây dựng kết cấu hạ tầng, xúc tiến đầu tư với tổng nhu cầu vốn (cho 10 nhóm) hơn 19.481 tỉ đồng.
Từ tháng 8.2011, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung dự án “Nghiên cứu chuẩn bị dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Chu Lai” do Cơ quan Thương mại và Phát triển Hoa Kỳ (USTDA) tài trợ từ nguồn vốn của chính phủ Mỹ vào danh mục tài trợ chính thức.
Đây là một trong những dự án hạ tầng động lực quan trọng của khu kinh tế mở Chu Lai, góp phần thu hút các dự án vào khu vực giáp ranh sân bay như sửa chữa bảo dưỡng máy bay, sản xuất sản phẩm phục vụ hoạt động chuyển phát nhanh, dịch vụ du lịch đô thị...
Được biết, sân bay Chu Lai cùng với nhiều dự án lớn khác (Bệnh viện đa khoa T.Ư Quảng Nam, đường cao tốc Đà Nẵng - Dung Quất, trường đào tạo nghề chất lượng cao...) đang được lồng ghép từ các nguồn ngân sách nhà nước, ODA và vốn hợp pháp khác.
H.X.Huỳnh

Sai phạm ở dự án đảo Kim Cương: Khó xử phạt "nhà giàu"?

Ngang nhiên xây thêm từ 1-2 tầng mỗi block, tổng diện tích vi phạm gần 2.900 m2 nhưng dự án đảo Kim Cương (Q.2) đang có tín hiệu thoát án phá dỡ khi được "bật đèn xanh" cho điều chỉnh thiết kế.
Phạt rồi lại xin ý kiến
Ngày 19.4, UBND TP.HCM đã có kết luận về xử lý vi phạm của Công ty CP bất động sản Bình Thiên An, chủ đầu tư (CĐT) dự án (DA) đảo Kim Cương với các sai phạm cực lớn là xây lố 1-2 tầng mỗi block với tổng diện tích xây dựng trái phép là 2.899,6 m2. Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân đã chỉ đạo phải có hình thức xử phạt nghiêm đối với CĐT và đơn vị thi công.
 dự án đảo Kim Cương
Gần 3.000 m2 vi phạm ở dự án đảo Kim Cương sẽ được tồn tại ? - Ảnh: Diệp Đức Minh
Đồng thời giao Giám đốc Sở Xây dựng và Chủ tịch UBND Q.2 tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các cán bộ, công chức thuộc sở, quận, phường được phân công phụ trách liên quan đến DA vi phạm mà không kịp thời phát hiện, ngăn chặn. Cụ thể, phạt hành chính CĐT 35 triệu đồng và buộc tháo dỡ toàn bộ diện tích sàn xây dựng sai phạm nói trên. Mức xử phạt này không chỉ đúng với quy định của pháp luật mà còn thể hiện tính công bằng của cơ quan quản lý bởi trước đó, UBND TP đã kiên quyết cắt ngọn, buộc tháo dỡ diện tích vi phạm với rất nhiều công trình, DA trên địa bàn.
Trong khi các trường hợp khác phải đập bỏ nhưng "công trình lớn, vi phạm lớn" lại được "yên thân" sẽ khiến người dân mất lòng tin vào chính quyền, vào tính nghiêm minh của pháp luật
Nhưng chỉ 1 ngày sau kết luận trên, ngày 20.4, UBND TP có công văn "xin ý kiến" Bộ Xây dựng "hướng dẫn cụ thể để xử lý đối với phần diện tích tăng thêm so với thiết kế...". Lý do dẫn đến việc "xin ý kiến" này là trước đó, Bộ Xây dựng có công văn "đề nghị UBND TP.HCM giao cho cơ quan nhà nước có chức năng tại địa phương hướng dẫn CĐT thực hiện điều chỉnh DA đầu tư, thiết kế theo đúng quy định hiện hành".
Việc "xin ý kiến" của UBND TP đang đặt ra 2 vấn đề khiến dư luận bức xúc. Thứ nhất, UBND TP có đủ thẩm quyền ra quyết định xử phạt các công trình vi phạm trên địa bàn. Mức xử phạt cũng phù hợp và đúng với quy định. Việc "xin ý kiến" là đi ngược với quy trình xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị của luật Xây dựng, vậy tại sao UBND TP lại phải làm vậy? Thứ hai, với động thái "bật đèn xanh" của Bộ Xây dựng cũng như việc thiếu kiên quyết của UBND TP qua việc "xin ý kiến" nói trên, gần 3.000 m2 vi phạm của DA đảo Kim Cương đang có dấu hiệu "thoát án" tháo dỡ để được tồn tại.
Thiếu công bằng
Theo kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Ngọc Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Hội KTS TP.HCM, tất cả các công trình vi phạm phải bị xử lý mạnh tay. Thậm chí, nhà dân chỉ xây lấn cái ban công là bị bắt đập ngay. Vậy mà DA đảo Kim Cương xây lố tới gần 3.000m2 vẫn được tồn tại là điều không thể chấp nhận được.

Dự án đảo Kim Cương gồm 6 block chung cư quy mô 16-25 tầng, tổng diện tích sàn xây dựng trên 122.000 m2. Tại đây sẽ có 313 căn hộ và một phần diện tích sử dụng làm khách sạn, thương mại... Tổng vốn đầu tư dự án gần 1.900 tỉ đồng.
Một quan chức của TP.HCM cũng thừa nhận, ông cảm thấy "nực cười" với mức phạt 35 triệu đồng cho gần 2.900 m2 của đảo Kim Cương. Vì nếu không buộc phá dỡ phần vi phạm thì quyết định xử phạt không có giá trị gì cả. Trong khi các trường hợp khác phải đập bỏ nhưng "công trình lớn, vi phạm lớn" lại được "yên thân" sẽ khiến người dân mất lòng tin vào chính quyền, vào tính nghiêm minh của pháp luật. Trả lời vấn đề "tăng tầng nhưng không vượt chiều cao cho phép" mà CĐT biện hộ cho sai phạm của mình, vị quan chức này cho rằng, vượt hay không vượt chiều cao không quan trọng, vấn đề là phải làm đúng giấy phép. Đó là chưa kể, chúng ta phải kiểm tra lại về tăng trọng tải, kết cấu chịu lực, chất lượng... của công trình khi làm sai với thiết kế đã được phê duyệt.
Câu chuyện của DA đảo Kim Cương đang đặt ra một bài toán lớn đối với việc xử lý vi phạm xây dựng trên địa bàn TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung. Nếu 3.000 m2 sai phạm của đảo Kim Cương được tồn tại, được điều chỉnh thiết kế thì quy định phạt cấp phép xây dựng trên thực tế đã bị vô hiệu hóa. Vậy TP sẽ phải trả lời thế nào với những công trình đã bị cắt ngọn, phá dỡ trước đây. Nên nhớ, vi phạm của nhiều công trình này không thấm gì so với vi phạm của DA đảo Kim Cương. Quan trọng hơn, từ trường hợp của đảo Kim Cương trở đi, tất cả các trường hợp vi phạm khác đương nhiên sẽ được tồn tại, chỉ cần có đơn thay đổi thiết kế là xong, là được chấp thuận.
Nếu vậy, chúng ta sẽ phải tính đến việc sửa luật để tạo công bằng cho tất cả người dân, doanh nghiệp.
Khách hàng thiệt thòi
Đảo Kim Cương là DA căn hộ sang trọng và đắt giá bậc nhất TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung. Căn hộ rẻ nhất ở DA này cũng lên tới 5 - 6 tỉ đồng, có căn hộ còn được đồn thổi lên tới 3 - 4 triệu USD. Nhưng với việc "nén" chiều cao, tăng thêm tầng của CĐT (tăng thêm tầng nhưng chiều cao lại thấp hơn so với giấy phép), có thể khẳng định, CĐT đang hưởng lợi cực lớn. Theo KTS Nguyễn Ngọc Dũng, việc vi phạm của CĐT là hoàn toàn vì mục đích lợi nhuận. Cũng có nghĩa là, các khách hàng của DA phải chấp nhận thiệt thòi. Bởi việc tăng thêm tầng mà chiều cao của DA lại thấp xuống thì tất nhiên, mỗi căn hộ phải "lùn" đi một ít. Trong khi mua căn hộ, vấn đề khách hàng quan tâm đầu tiên là thiết kế cao ráo, không gian thoáng đãng.
Đồng quan điểm này, KTS Lưu Trọng Hải, Hội KTS TP.HCM cũng khẳng định, việc tăng tầng này là hoàn toàn vì mục đích lợi nhuận. Nhưng với cách làm này, CĐT đã "được con tép, mất con tôm" khi làm cho chất lượng sống của công trình kém đi so với mục tiêu ban đầu. Bởi tăng thêm căn hộ là tăng thêm mật độ dân cư, tăng thêm các yêu cầu về công ích, hạ tầng như chỗ đậu xe, khu vui chơi cho trẻ em, trường học... Như vậy, chỉ vì ham lợi nhuận, CĐT đã làm giảm giá trị của chung cư, ảnh hưởng tới uy tín và thương hiệu của chính mình.
Dư luận đang chờ đợi và theo dõi việc xử lý sai phạm tại DA đảo Kim Cương của UBND TP.HCM để có niềm tin vào tính nghiêm minh và công bằng của pháp luật.

Một số dự án bị cắt ngọn và phá dỡ trên địa bàn TP.HCM
4 công trình tại P.Bến Nghé gồm: số 20-22 Thái Văn Lung đã tháo dỡ xong 5 tầng sai phạm, số 24 Thái Văn Lung tháo dỡ 7 tầng, số 17/15 Lê Thánh Tôn + 10A + 10B Thái Văn Lung tháo dỡ 4 tầng, số 17/19 Lê Thánh Tôn + 10C Thái Văn Lung tháo dỡ 5 tầng; 2 công trình tại P.Phạm Ngũ Lão gồm: 219/8A Phạm Ngũ Lão và 219/9 Phạm Ngũ Lão đã tháo dỡ 2-3 tầng sai phép.
Nguyên Khanh

Thịt “thuốc phiện” tại Giang Tô

Đài truyền hình Giang Tô công bố chính quyền địa phương vừa phát hiện loại chất phụ gia có tên “Vua loài thịt” dùng để chế biến thịt có tác dụng như thuốc phiện.
Theo đó, chất phụ gia này “gây nghiện” cho người tiêu dùng, càng ăn càng thèm. Tân Hoa xã dẫn lời Giáo sư Mạc Bảo Khánh của Đại học Y Nam Kinh khẳng định phụ gia “Vua loài thịt” có chứa chất chlorine để làm chất xúc tác, gây tổn hại tới sức khỏe con người. Ngoài ra, thông qua mạng xã hội Weibo, Công ty nước giải khát Sơn Tây Coca Cola vừa chính thức xin lỗi khách hàng về việc sản xuất Coca Cola có chất chlorine gây độc hại nhưng chưa công bố việc thu hồi. Theo truyền thông đại lục, từ đầu tháng 2.2012, vì thay đổi đường ống dẫn nên 121.058 thùng Coca Cola của công ty này bị nhiễm độc. Trong số đó, 76.391 thùng Coca Cola đã được bán ra thị trường.
Lucy Nguyễn

Tử vong do uống rượu ngâm cây rừng



Thứ Ba, 01/05/2012 23:29

(NLĐ) - Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế cho biết trong tháng 4-2012, cả nước đã xảy ra 10 vụ ngộ độc thực phẩm với 972 người mắc, 726 người nhập viện và 4 người tử vong

Nguyên nhân ngộ độc được xác định có 5 vụ do vi sinh vật, 2 vụ do độc tố tự nhiên (nấm độc, cây rừng), 1 vụ nghi do hóa chất và 2 vụ không xác định được nguyên nhân. Trong 4 trường hợp tử vong, có 2 người ở tỉnh Điện Biên được xác định do uống rượu ngâm cây rừng.
Theo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra 26 vụ ngộ độc thực phẩm với 1.332 người mắc, 980 người nhập viện và 7 trường hợp tử vong.
D.Thu

"Tạt axit phải xử tử hình!"



Thứ Ba, 01/05/2012 08:51

(NLĐO) - Tử hình là mức án mà hàng trăm bạn đọc Báo Người Lao Động cho rằng xứng đáng với tính chất nguy hiểm và hành vi man rợ của các sát thủ dùng axit tấn công người khác, khiến họ phải sống quãng đời còn lại trong cảnh đau đớn, tủi hận.

Có rất nhiều nguyên nhân để người ta hất axit vào mặt người khác, nhưng dù nguyên nhân nào đi chăng nữa thì nạn nhân sống không bằng chết trong khi kẻ thủ ác nhởn nhơ với những bản án chưa nghiêm khắc.
 
Sống không bằng chết
 
Tôi lặng người khi bước vào Khoa Phỏng-Bệnh viện Chợ Rẫy, bắt gặp hình ảnh nữ sinh viên ngành Y, N.T.T.T (25 tuổi, ngụ quận 9) đang chống chọi với những cơn đau do axit gây ra.
 
Axit phủ toàn bộ khuôn mặt T., vết thương đau rát và biến dạng qua từng ngày khiến ai nhìn thấy cũng xót xa. Chúng tôi không dám hỏi gì thêm khi thấy những giọt nước mắt pha lẫn máu ứa xuống đôi gò má của em.
 
Gương mặt thanh tú của chị T. bị hủy hoại ghê gớm bởi axit
 
Bên hành lang khoa phỏng, gia đình T. cho biết, sáng ngày 12-4, gia đình đau đớn nhận được hung tin em bị kẻ xấu tạt axit trên đường đến trường.
 
Lúc đó, T. chỉ kịp nhìn thấy một đôi nam nữ đi trên xe gắn máy trước khi ca axit văng vào mặt.
 
T. ngã quỵ giữa đường, cô được người dân đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện quận 9 rồi được chuyển đến Chợ Rẫy với thương tật 8% tạm thời và nguy cơ giảm thị lực rất lớn.
 
Nằm cạnh phòng T., anh P.N.T.(28 tuổi, ngụ Trảng Bàng, Tây Ninh) cũng đang được chăm sóc đặc biệt với vết thương do axit gây ra.
 
Anh P.N.T đang được chăm sóc đặc biệt với vết thương do axit gây ra.

Anh T đau xót kể lại: "Buổi sáng đầu tháng 4, tôi vừa ngủ dậy thì nhận được điện thoại của một thanh niên kêu đi quay phim đám cưới. Tôi tranh thủ đi mua kem đánh răng về để rửa mặt, đi gặp khách hàng cho kịp giờ hẹn. Vừa dắt xe ra khỏi nhà thì bị hai kẻ lạ mặt ép sát, hất axit vào mặt".
 
Theo anh T, anh không hề có mâu thuẫn với ai trong cuộc sống, trong công việc và trong tình yêu thì lại càng không thể. Anh vẫn không hiểu vì sao người ta lại ra tay tàn độc với mình như vậy.
 
Vụ tạt axit cả nhà anh Nguyễn Quốc Tuấn và chị Phạm Thị Xuân (ngụ đường Nguyễn Văn Nghi, phường 7, Gò Vấp) càng đau đớn, tang thương gấp bội. Từ cuộc sống hạnh phúc, gia cảnh khá giả, giờ gia đình anh Tuấn rơi vào cảnh vợ chồng con cái ly tán, kinh tế kiệt quệ, mẹ ruột anh phải chạy ngược chạy xuôi, vay nóng đưa con đi điều trị.
 
Nguy cơ tàn phế đối với anh Tuấn rất cao, hy vọng tìm lại ánh sáng mà bác sĩ nhen nhóm trong anh là rất mong manh. Giờ đây, con trai anh, Nguyễn Quốc Huy Bảo, mới hơn 3 tuổi, cũng đang oằn mình chống chọi với hàng chục vết sẹo đang hoành hành trên cơ thể.
 
Nguy cơ tàn phế đối với anh Tuấn rất cao
 
Trong vụ án này, dư luận vô cùng phẫn uất khi nhìn thấy hình ảnh một gia đình hạnh phúc lại rơi vào cảnh bỉ cực, khốn cùng. Bản án nào thích đáng cho hung thủ Lâm Tiến Dũng khi y chỉ bị khởi tố tội cố ý gây thương tích?
 
Công an khởi tố tội giết người, tòa án xử tội cố ý gây thương tích!
 
Ngày 20-12-2011, TAND tỉnh Đồng Nai xử phúc thẩm đã tuyên y án sơ thẩm 14 năm tù đối với Trần Dũng (SN 1984) và 13 năm tù đối với Nguyễn Văn Hương (SN 1986 cùng ngụ Bà Rịa - Vũng Tàu) về tội "Cố ý gây thương tích".
 
Điều khiến dư luận quan tâm đó là Công an huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai khởi tố hai bị cáo nói trên tội giết người nhưng VKSND và TAND cùng cấp xử tội cố ý gây thương tích.

Nạn nhân kháng cáo đòi đổi tội danh Dũng và Hương sang tội giết người nhưng TAND tỉnh Đồng Nai đã bác kháng cáo của bị hại, tuyên y án sơ thẩm.
 
Bản án này được cho là quá nhẹ đối với hai kẻ tàn độc khi hủy hoại khuôn mặt của một phụ nữ với thương tật 96% vĩnh viễn, khiến chị sống một quãng đời còn lại như một phế nhân.
 
Chị K. T. với thương tật 96% do axit gây ra
 
Chiều 5-11-2010, chị N.T.K.T (SN 1968, ngụ ở ấp Hoà Bình, xã Đông Hoà, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) đang đi đón con thì bất ngờ Dũng và Hương đi xe máy từ phía sau vọt lên ép xe chị vào lề. Chị T. chưa kịp phản ứng đã bị đổ thẳng axit vào đầu, mặt, người. Gây án xong, hai tên mất tính người tăng ga bỏ chạy.
 
Trong khoảng thời gian từ năm 2006-2007, chị T. hợp đồng nuôi 2.500 hécta cá nước ngọt tại hồ Sông Ray (thuộc huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) với Trần Anh Cường (SN 1965, ngụ ở tỉnh Khánh Hoà).
 
Do mâu thuẫn trong dự án nuôi cá này, Cường đã "ký hợp đồng tạt axit" chị T. với Dũng và Hương giá 52 triệu đồng. Cường ứng trước 2 triệu để hai tên này gây án, sau khi khiến nạn nhân sống không bằng chết sẽ thanh toán số còn lại.

Tuy nhiên, khi thuộc cấp sa lưới, đối tác kinh doanh sống những ngày tháng đoạn trường, Cường đã bỏ trốn và đang bị truy nã.

"Tạt axit phải xử tử hình!"
 
Sau khi Báo Người Lao Động thông tin vụ tạt axit cả gia đình tại quận Gò Vấp-TPHCM, bạn đọcHoài Nam (27 tuổi, ngụ Cà Mau) cho rằng: "Tạt axit phải xử tử hình mới đúng. Bởi, axit khiến người khác sống không bằng chết, nhẹ thì hủy hoại cơ thể, nặng thì mù lòa có khi dẫn đến chết người. Mức án dành cho những kẻ hủy hoại khuôn mặt người khác mà tòa án xử trong thời gian quan chưa xứng đáng với hành vi và tính chất dã man của các bị cáo gây ra".
 
Bạn đọc Nguyễn Xuân Khánh bức xúc: "Theo tôi hãy xử kẻ giết người tàn độc này ở mức án cao nhất để làm gương cho xã hội. Yếu tố nhân thân "gia đình giàu truyền thống cách mạng; có cha, anh và em công tác trong ngành công an..." không thể làm căn cứ để giảm bớt tội trạng của y. Trong vụ tạt axit này, theo tôi thấy, mức độ còn tàn ác và vô nhân tính thể hiện rất rõ vì kẻ thủ ác không tha cả đứa trẻ vô tội. Thiết nghĩ phải loại y khỏi đời sống xã hội mới thuyết phục và răn đe những người khác".
 
Phẫn nộ khi nhìn thấy những hình ảnh gia đình nạn nhân đau đớn với những cơn đau, cháu bé 3 tuổi oằn mình với những vết thương, bạn đọc Công Lý nhận định: "Nếu ai dùng a-xít trong các cuộc xung đột sẽ bị án chung thân hoặc tử hình. Vì đã dùng a-xít là hủy hoại đời sống đồng loại, dù người bị hại không chết nhưng cuộc sống gần như khép lại với họ rồi. Như trường hợp gia đình anh Tuấn, dù các nạn nhân có sống cũng không còn thấy ánh sáng mặt trời nữa, còn khổ nào hơn như thế. Nhất là cháu bé có tội gì đâu mà phải chịu cảnh mù lòa, tối tăm".
 
Sâu sắc hơn, bạn đọc Dân Sài Gòn chia sẻ: "Pháp luật được tạo ra không chỉ để trừng trị người phạm tội mà còn phải có tác dụng răn đe với những người "có ý định phạm tội". Nếu không có tác dụng răn đe này, thì pháp luật chỉ đóng vai trò "giải quyết hậu quả" chứ không có vai trò "kiểm soát hành vi". Nếu hình phạt nhẹ hơn tội ác gây ra thì những kẻ thủ ác sẽ không sợ và những hành vi man rợ này sẽ có khả năng tái diễn.
 
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Thẩm phán Vũ Phi Long, Phó chánh tòa Hình sự TAND TPHCM cho biết: "Hành vi dùng axit tấn công người khác cũng chưa thể khẳng định người đó phạm tội giết người như nhiều người thường nghĩ.
 
Để xác định tội danh cố ý gây thương tích hay giết người thì công việc đầu tiên của các thẩm phán khi xét xử là phải xác định được ý thức phạm tội, nồng độ axit mà bị cáo dùng để gây án đặc hay loãng… Trong trường hợp kẻ thủ ác dùng axit hất vào đầu, cổ hoặc một chỗ nguy hiểm nào khác trên cơ thể con người thì đó là giết người".
 
Bài và ảnh: Phạm Dũng

Dịch vụ 'chặt chém' dịp lễ 30/4



Lượng khách kỷ lục đổ về Hạ Long dự Carnaval đã khiến giá phòng ở đây tăng gấp 4 lần mà vẫn không còn chỗ. Tương tự, khách xem pháo hoa ở Đà Nẵng cũng bị hét giá thuê phòng cao gấp 4-5 lần ngày thường.
Hạ Long tắc nghẽn trước giờ khai hội Carnaval

Do năm nào cũng tới Hạ Long (Quảng Ninh) nghỉ lễ 30/4 nên một ngày trước lễ hội Carnaval gia đình chị Lan Anh mới có mặt ở Bãi Cháy. Song, theo chị, năm nay việc lựa chọn phòng khó hơn. Các khách sạn 3-4 sao thì chẳng dám ghé vì sợ đắt, còn các khách sạn cấp thấp hơn hay nhà nghỉ bình dân thì đi vài nơi đều chẳng thuê được vì đều kín phòng...
Đây là thực trạng chung mà du khách đổ về Hạ Long dịp lễ này đang gặp phải. Thống kê của ngành du lịch tỉnh này cho thấy, riêng ngày 29/4 đã có hơn 24.000 lượt khách tham quan vịnh Hạ Long - con số kỷ lục mà danh thắng này đón trong một ngày. Và tới 16h ngày 30/4 đã có thêm 16.000 người đổ về đây.
Lượng khách tăng đột biến đã khiến 100% khách sạn, nhà nghỉ ở Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả kín phòng. Nhiều du khách không đặt được chỗ phải liên hệ các nhà dân. Chị Huệ, chủ một nhà nghỉ bình dân ở đường Anh Đào (Bãi Cháy) cho biết, vài ngày trước lễ hội, các đoàn đã đến đặt kín 8 phòng nghỉ của gia đình.
Ngày thường, giá thuê phòng đôi chỉ 200.000 - 220.000 đồng, song theo chị Huệ, dịp này giá tăng lên một triệu đồng. Lý giải việc tăng giá, bà chủ cho biết đây là thời gian lễ hội, cộng thêm việc trang thiết bị của các phòng vừa được nâng cấp.
"Cũng chỉ được nốt hôm nay thôi, chiều 1/5 các em quay lại đây chị hứa giảm xuống còn một nửa", chủ nhà nghỉ cố níu kéo.
Ba cô gái này liên tục gọi điện tìm thuê khách sạn. Nhiều du khách không đặt được chỗ phải liên hệ các nhà dân.
Ba cô gái này liên tục gọi điện tìm thuê khách sạn ở Hạ Long (Quảng Ninh). Nhiều du khách không đặt được chỗ phải liên hệ các nhà dân. Ảnh: Hoàng Hà.
Tình trạng chặt chém không chỉ xảy ra ở các nhà nghỉ bình dân mà còn xuất hiện ngay tại các khách sạn có gắn sao. Tối 30/4, lễ tân một khách sạn 2 sao nằm cách nơi diễn ra Lễ hội Caranaval không xa cho biết, trong tổng số 30 phòng của khách sạn, hiện chỉ còn lại 2 phòng, và giá cũng được nâng gấp 4 lần, lên 1 triệu đồng.
"Nếu không đặt nhanh cũng hết bởi giờ đi thuê phòng khó lắm. Các khách sạn khác cũng đều trong tình trạng 'cháy' rồi...", nam lễ tân quả quyết.
Tại các khách sạn 3 sao, 4 sao như Tuần Châu Holiday Villa beach resot, Hạ Long Dream Hotel, Bạch Đằng Hotel... đều chung tình trạng kín phòng dù giá phòng ở một số nơi lên đến hơn 10 triệu đồng một ngày đêm. Một lễ tân cho hay, khách sạn này có hơn 100 phòng với nhiều mức giá tiền khác nhau: loại đặc biệt có giá 2,5 triệu đồng, loại thấp nhất cũng là 1,8 triệu đồng, song các phòng đã được đặt kín...
Tại Đà Nẵng, giá nhiều khách sạn ở trung tâm thành phố trong dịp lễ hội pháo hoa cũng tăng 2-3 lần so với ngày thường. Lễ tân một khách sạn trên đường Tôn Thất Đạm (Thanh Khê) cho biết, giá phòng một ngày đêm là 1,2 - 1,5 triệu đồng, trong khi giá ngày thường chỉ 350.000 - 400.000 đồng.
"Ở khu vực này, khách sạn nào cũng tăng giá cả dù địa thế không được thuận tiện lắm. Khách muốn xem pháo hoa phải bắt xe xuống gần sông Hàn và đi bộ vào khu vực bờ sông", lễ tân này nói.
Dù Ban tổ chức bán vé xem pháo hoa ở khán đài C1-2-3 lần lượt là 300.000 - 250.000 - 200.000 đồng nhưng những người không mua được vé đành phải bỏ ra khoản tiền tương đương để mua được một chỗ đứng xem pháo hoa trên tầng thượng của các khách sạn ven sông. Tuy nhiên, không phải ai mua chỗ cũng được đứng xem vì mặt tiền của tầng thượng cũng chỉ có thể chứa được 20 - 30 người.
Bên cạnh việc bị chặt chém phòng nghỉ, chỗ xem pháo hoa, nhiều người dân còn bị các dịch vụ trông xe, kinh doanh ăn uống... tăng giá vô tội vạ. Vé gửi xe bị tăng lên 10.000 đồng một lượt, chai nước lọc nhỏ cũng bị đội giá gần gấp 3 lần... khiến chị Sáng - sinh viên ĐH Sư phạm Đà Nẵng phải thốt lên: "Chưa khi nào thấy giá cả tăng cao như dịp này".
Tuy nhiên, cũng tại Đà Nẵng, ngày 30/4 hàng nghìn du khách đến bãi biển Mỹ Khê (quận Sơn Trà) đã vui mừng khi thấy các hàng quán ở đây đều niêm yết giá. Tuy giá dịch vụ tăng cao hơn mọi khi (12.000 một chai nước ngọt, 15.000 - 30.000 đồng một ghế nằm nghỉ trên bãi biển) nhưng hầu hết du khách đều hài lòng khi chủ quán bán đúng giá niêm yết.
Du khách trẻ và người dân địa phương lựa chọn các bãi biển còn hoang sơ ở miền Trung để nghỉ ngơi trong những ngày nghỉ. Trong ảnh, dịp nghỉ lễ, bãi biển Xuân Thành (Hà Tĩnh) thu hút nhiều du khách đến tắm biển.
Du khách trẻ và người dân địa phương lựa chọn các bãi biển còn hoang sơ ở miền Trung để nghỉ ngơi trong những ngày nghỉ. Dịp nghỉ lễ, bãi biển Xuân Thành (Hà Tĩnh) thu hút nhiều du khách. Ảnh: N.K.
Tương tự, vài ngày qua, hàng nghìn du khách đổ về Cửa Lò, Cửa Hội (Nghệ An) khiến các khách sạn, nhà hàng chật kín chỗ. Theo một số du khách, giá phòng tuy cao hơn ngày thường nhưng bù lại là chất lượng phục vụ tốt.
Lý giải việc chọn Cửa Lò làm nơi nghỉ lễ hàng năm của gia đình, anh Nguyễn Hoàng An (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, đơn giản bởi bãi biển đẹp và không bị chặt chém như một số điểm du lịch khác. Đêm 30/4, du khách còn được xem lễ hội sông nước, bắn pháo hoa...
Để đảm bảo an toàn cho du khách, thị xã Cửa Lò huy động hàng trăm cán bộ, cảnh sát bảo vệ ngoài biển để hỗ trợ, cứu nạn, và đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự. Đặc biệt, các cán bộ của Ban quản lý du lịch biển Cửa Lò có mặt ở tất cả các kios, nhà hàng để ngăn chặn và xử lý việc chặt chém khách. Đường dây nóng của Ban quản lý cũng được công khai để du khách có thể liên lạc trực tiếp.
Trả lời VnExpress.net về tình trạng khách sạn đua nhau tăng giá, ông Lê Tấn Trung Tư (Phòng quản lý cơ sở lưu trú, Sở VH-TT&DL Đà Nẵng) khẳng định, tối 29 và sáng 30/4 không nhận được bất cứ phản ánh nào từ du khách cũng như qua đường dây nóng của Ban tổ chức cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế. "Nếu người dân phản ánh Ban tổ chức sẽ lập tức kiểm tra và xử lý", ông Tư nhấn mạnh.
Còn Phó giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Ninh Trịnh Đăng Thanh cho biết, do lường trước tình trạng tăng giá phòng nghỉ nên đã yêu cầu các hộ kinh doanh phải niêm yết giá. Đến chiều 30/4, ông Thanh cũng chỉ mới nghe việc phản ánh này từ cơ quan báo chí. "Những ngày tới chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm", ông Thanh nói.
Hà Anh - Nguyên Khoa - Nguyễn Đông

Ngày 1/5 – Việt Nam khác với thế giới




Minh Văn (Danlambao) - Hôm nay là 1/5, ngày kỷ niệm của phong trào công nhân thế giới. Đây là dịp để giới Công Nhân bày tỏ nguyện vọng của mình đối với giới chủ, đòi các quyền và lợi ích chính đáng của người lao động. Vừa bật Ti Vi xem chương trình thời sự tôi đã thấy cảnh Công Nhân và Hội Đoàn ở các nước trên thế giới xuống đường tuần hành để bày tỏ ý nguyện của mình. Nơi thì đòi tăng lương và trợ cấp, nơi thì yêu cầu cải thiện môi trường lao động. Ngay cả cái xứ Cambodia mới thoát khỏi chế độ độc tài Cộng Sản mà giới lao động cũng tưng bừng xuống đường đòi quyền lợi của mình. Họ tuần hành trong trật tự, niềm vui và hy vọng.

Quay sang Việt Nam, thì thấy quay cảnh khắp nơi trưng biểu ngữ đỏ chót theo kiểu lập lờ đánh lận con đen: “Tinh thần ngày 30/4 và Quốc tế Lao động 1/5 bất diệt!”. Tiếp đó là các chương trình kỷ niệm ngày quốc tế lao động do nhà nước tổ chức. Còn các hoạt động xuống đường đòi quyền lợi của giới công nhân thì tịnh không thấy đâu cả, nếu không muốn nói là bị cấm cửa. Nhìn hai cảnh trái ngược như vậy, có thể nói lòng tôi buồn vô hạn. 

Một đất nước mà Hiến Pháp quy định Công Nhân là giai cấp lãnh đạo đất nước mà giới công nhân không có quyền xuống đường tuần hành kỷ niệm ngày 1/5 sao? Hay ở Việt Nam giai cấp công nhân quá sung sướng và đầy đủ quyền lợi đến nỗi không còn muốn có yêu cầu và đòi hỏi gì nữa, nên chỉ nhảy múa và ăn mừng? Hay là giai cấp Công Nhân Việt Nam ở vai trò lãnh đạo nên quên rằng mình xuất thân là công nhân?

Tôi thì không tin như vậy, và vẫn nghi ngờ những câu hỏi đó. Theo tôi được biết thì phần lớn công nhân ở Việt Nam hiện nay có thu nhập không đủ nuôi sống bản thân. Các điều kiện lao động và khoản trợ cấp khác đều không được đảm bảo. Những điều này thì báo chí đã nêu nhiều, từ năm ngoái đến nay cũng đã có hàng trăm cuộc đình công của công nhân diễn ra do bị đối xử tệ và đòi được tăng lương. Phần lớn các cuộc đình công này đã bị Công đoàn nhà nước ỉm đi và công an đàn áp. Chính vì sợ bị đàn áp nên ngày 1/5 giới công nhân Việt Nam không dám xuống đường kỷ niệm ngày lễ của mình chăng? Hay đã có nhà nước làm hộ? 

Ở cái xứ thiên đường Cộng sản này, nhiều thứ nó cứ rối tung rối mù. Nhiều khi phải vận dụng hết đầu óc mà cũng không luận ra được. Có lẽ không phải bởi đầu óc mình kém cỏi mà do cái xứ này nó ngược đời quá. Vì thế mà mọi việc đều cứ bị hiểu ngược lại, nhiều thứ vô lý nó cộng dồn vào, thành ra mình bị mắc vào cái bẫy của mê hồn trận. Để dẫn dắt giới công nhân Việt Nam thoát khỏi cái mê hồn trận quái ác đó thì “Công Đoàn Độc Lập” đã được thành lập năm 2006, nhưng các lãnh đạo và thành viên ưu tú đã bị bắt giam. Vì vậy cho đến giờ vẫn chưa có ai dẫn dắt giai cấp công nhân Việt Nam đấu tranh đòi quyền lợi của mình cả, vì vậy mà họ lại bị mê hồn trận vây bọc. 

Ngày 1/5 năm nay vẫn chưa được thấy hình ảnh những người công nhân Việt Nam xuống đường, sánh vai với giai cấp công nhân thế giới. Hay họ để dành thời gian ngày nghỉ lễ để nghỉ ngơi, sau đó dồn sức cho sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa nước nhà? Mà hiện đại hóa và công nghiệp hóa kiểu gì mà cái Đập Thủy Điện Sông Tranh vừa mới xây xong mà nước rò rỉ rồi chảy ào ào như Thác Bản Giốc ấy nhỉ? Mà Thác Bản Giốc cũng đã bị Trung Quốc chiếm sau cái đợt xây dựng đường biên giới trên bộ rồi chứ còn đâu? Nghĩ đến đây lòng lại càng bồi hồi và buồn thêm, từ chỗ buồn cho giai cấp công nhân nay lại buồn chung cho đất nước. Công Nhân là giai cấp tiên phong ưu tú mà cũng chưa được xuống đường tuần hành đòi quyền lợi thì đến bao giờ người dân Việt Nam mới có quyền biểu tình bày tỏ nguyện vọng nhỉ?

Cambodia

Thailand

Russia

France

Bangladesh

South Korea

Indonesia

Philippines

Japan

Pakistan
Nhìn hình ảnh từng đoàn công nhân trên thế giới họ đi tuần hành trong vui vẻ mà thèm, nghĩ lại thấy thương cho Công nhân Việt Nam. Tại sao lại có sự phân biệt đối xử như vậy kia chứ? Khác gì nhất bên trọng, nhất bên khinh? Nhìn những tấm biển khẩu hiệu họ trưng đầy đường mà thấy tức tưởi và phẫn uất. Như vậy thì “Tinh thần ngày quốc tế lao động 1/5 bất diệt” để mà làm gì? Để lừa dối và bóc lột sao? 

Vietnam
Ôi, ở đất nước tôi cái gì cũng thật là khó hiểu. Khó hiểu từ những điều tưởng chừng như đơn giản nhất. Không biết các bạn Công Nhân có suy nghĩ như tôi không? Nếu có thì hãy ủng hộ cho Công Đoàn Độc lập mà đấu tranh đòi quyền lợi chính đáng của mình. Đến khi đó thì những điều khó hiểu kia sẽ trở thành dễ hiểu, quan trọng hơn là chúng ta có được quyền làm người và được bảo vệ khỏi sự lừa dối và bóc lột.
1.5.2012