THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

15 October 2011

Những lương y xem nhẹ chiếc phong bì


Trong khi "lót tay" đã trở thành một thủ tục ở nhiều bệnh viện thì vẫn còn những cơ sở y tế mà người thày thuốc ở đó làm việc thực sự bằng cái tâm, dù đời sống của họ còn chật vật. 
Cựu bộ trưởng y tế: 'Còn quá tải bệnh viện thì còn phong bì'

Đưa mẹ vào Trung tâm chống độc bệnh viện Bạch Mai điều trị vì cụ bị tràn dịch màng phổi, chị Nhan (xã Đồng Tâm, Ninh Giang, Hải Dương) tìm tới đưa phong bì cho bác sĩ điều trị nhưng bị từ chối thẳng thắn.

"Bác ấy bảo, nếu mình có ý tốt thì cứ để khi mẹ khỏi, mang tới tặng giữa phòng, trước mặt mọi người, bác sẽ nhận ngay. Mình thực sự cảm động", chị Nhan kể. Chị cho biết, hiện mẹ chị nằm trong phòng hồi sức cấp cứu, phải thở máy và được các y bác sĩ đến kiểm tra, chăm sóc tận tình.

Cũng tại Trung tâm chống độc, chị Mai (Đông Triều, Quảng Ninh) đi chăm chồng bị rắn cắn nằm điều trị nửa tháng, nay muốn biếu chút tiền cho bác sĩ, nhưng hỏi những người đã nằm viện từ trước, ai cũng bảo chị không nên, vì sẽ chẳng ai nhận.

"Từ đó đến nay, thấy không ai đưa nên em cũng thôi, với lại em thấy các bác ở đây rất nhiệt tình, dù ngày hay đêm, bất cứ khi nào cần, gọi là có ngay", chị Mai thổ lộ.

Các bác sĩ, y tá Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đang thăm khám cho bệnh nhân nặng. Ảnh: Minh Thùy.

Tiến sĩ Phạm Duệ, Giám đốc trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đội ngũ y bác sĩ ở đây đã thực hiện nghiêm túc với "nói không với phong bì" từ nhiều năm trước, tất nhiên, cũng có trường hợp ngoại lệ khi bệnh nhân bày tỏ sự trân trọng, cảm ơn.

Chỉ tay về phía chiếc bàn họp có đủ cả sữa chua, hoa quả và bánh, tiến sĩ Duệ cho biết, đây là quà của bệnh nhân vừa ra viện. "Đấy, nhiều khi không nhận phong bì cũng hóa gây phiền cho người bệnh vì họ lại phải chạy đi mua những thứ khác để cám ơn", ông nói.

Ông cho rằng, phong bì có nhiều loại. "Có những người vừa đưa xong là quay ra chửi sau lưng bác sĩ, phong bì ấy ai muốn nhận?". Ông tâm sự có nhiều người nhà bệnh nhân vào phòng riêng của ông rồi nhất định giúi tiền, từ chối không được, có khi phải cáu, quát mới cầm lại, đi ra. Cũng có những y bác sĩ ở trung tâm từ chối phong bì của bệnh nhân mãi không được, phải dẫn vào phòng giám đốc xin ý kiến.

Trìu mến gọi Khoa thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai là "tổ ấm", nhiều bệnh nhân nghèo của khoa này cho biết, họ coi các bác sĩ như người thân và ngược lại.

Điều trị suy thận mãn đã 13 năm, anh Phương (40 tuổi) ở Yên Mỹ, Hưng Yên cho biết, anh gặp các bác sĩ nhiều hơn bố mẹ, người thân vì mỗi tuần phải chạy thận 3 lần, mỗi lần 4 tiếng, và hai bên hiểu hết về nhau.

"Bố mẹ ở quê thì già rồi, mình ngoài lúc chữa bệnh thì chạy xe ôm, nhặt rác kiếm tiền trả viện. Thấy các bác vô cùng nhiệt tình, quá tốt, mình cũng muốn có chút cảm ơn, nhưng lấy đâu ra. Mà nói thật, có đưa tiền thì thể nào cũng bị các bác mắng thêm", anh bộc bạch.

Các bệnh nhân khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai luôn trân trọng trước thái độ làm việc vô tư, nhiệt tình của các bác sĩ. Ảnh: Minh Thùy.

Tiến sĩ Nguyễn Cao Luận, trưởng khoa thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, từ khi thành lập (1972) đến nay, khoa luôn xác định "không để bệnh nhân nghèo chết" và càng không thể lấy thêm tiền của họ.

Phần lớn bệnh nhân của khoa thận nhân tạo là người nghèo, trong khi chi phí chữa bệnh của họ lại cao. Vì thế, bệnh viện có riêng chính sách miễn giảm chi phí cho những trường hợp khó khăn, đồng thời các bác sĩ trong khoa cũng thường xuyên kêu gọi các nhà tài trợ giúp đỡ. Nhiều người bệnh không có tiền nhờ đó mà duy trì cuộc sống được lâu hơn.

"Thật ra, mỗi lần đưa bệnh án cho mình duyệt, hầu như ai cũng kẹp theo một phong bì, một ngày ít cũng 1-3 cái. Mình không lấy, họ vẫn cố đưa, tới lúc mình phải hỏi 'bác giàu hay nghèo', rồi bảo họ giữ lấy còn chữa bệnh lâu dài, ăn uống... mới thôi", bác sĩ Luận tâm sự.

Tuy nhiên, nói không với phong bì cũng là một cuộc đấu tranh của người thày thuốc.

"Lương bác sĩ theo ngạch nhà nước mỗi tháng tầm hơn 3 triệu, nếu nhận phong bì của bệnh nhân, chỉ cần 10 người đã có thể được 3 triệu. Một năm có khoảng 2.000 người điều trị tại đây, muốn được đút tiền là có ngay, chỉ cần lơ đi chút, không cho thuốc, tỏ thái độ... Nhưng làm thế là thất đức", tiến sĩ Phạm Duệ chia sẻ.

Ông cho biết, bản thân ông cũng nhiều lần phải chần chừ trước chiếc phong bì khi "con đang thiếu tiền đóng học, mình thì thỉnh thoảng lại được hỏi "Sao mày cứ giả nghèo giả khổ" vì ròng rã mấy năm trên chiếc cup 81 cũ, rồi bố, mẹ, vợ con chịu khổ. Nhưng lương tâm và sự tự ái của người thày thuốc vẫn thắng.

Là một đơn vị nhận được rất nhiều ghi nhận tích cực của bệnh nhân, các bác sĩ Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới Quốc gia cũng phải vượt qua nhiều khó khăn trong cuộc sống đời thường để vững tâm làm nhiệm vụ. Nhiều người, sau khi từ chối những chiếc phong bì của bệnh nhân, phải tìm nhiều cách khác mưu sinh, trong lúc đồng lương không đảm bảo cuộc sống.

Bác sĩ Vũ Đình Phú, phó khoa Cấp cứu tích cực, Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới Quốc gia. Ảnh: Minh Thùy.

Theo thạc sĩ Vũ Đình Phú, phó khoa Cấp cứu tích cực, làm trong môi trường cấp cứu không thể gây nhũng nhiễu cho bệnh nhân, không ai có thể chần chừ lưỡng lự khi thăm khám cho những người đang mấp mé bên bờ vực giữa sự sống và cái chết, có khi, chỉ cần chậm vài phút là mất đi một sinh mạng.

Anh Phú cho biết, tại nơi anh làm việc, hầu như không ai từng nhận phong bì của bệnh nhân, có chăng là một vài tấm lòng cảm ơn khi họ đã được cứu sống. "Cái lớn nhất chúng mình nhận được chính là những thành quả của lao động, đó là sinh mạng, sức khỏe của người bệnh", bác sĩ nói.

Bản thân anh, sau 14 năm ra trường, vẫn chỉ có mức lương hệ số 3,67 với thu nhập eo hẹp. "Cũng may hai vợ chồng mình đều đi làm, lại chỉ có một con nên đủ sống, chỉ không có tích lũy thôi. Nhà thì được hưởng lại từ cha ông nên cũng đỡ một khoản lo", anh Phú chia sẻ.

Anh cho biết, ngoài khám, chữa cho bệnh nhân, cũng như các bác sĩ trong khoa, anh phải tham gia nghiên cứu các đề tài khoa học, rồi đi tuyến dưới theo đề án tăng cường y tế cơ sở của Bộ Y tế...

"Ai đi làm cũng mong có thu nhập đảm bảo cuộc sống. Nhưng trong điều kiện nhà nước và hệ thống của mình bây giờ, phải biết chấp nhận. Đồng lương của mình ít nhưng vẫn nhiều hơn người nông dân, họ sống được, mình cũng sống được, liệu cơm mà gắp mắm thôi", người bác sĩ gày gò thổ lộ.

Anh cho biết, nhiều đồng nghiệp của mình phải đi làm thêm.

Chẳng hạn, bác sĩ Đinh Công Tiến, Khoa Cấp cứu tích cực, đã tốt nghiệp đại học 12 năm và gắn bó với khoa hơn 4 năm. Mỗi tháng anh lĩnh hơn 2 triệu từ lương nhà nước, cộng thêm hơn một triệu phụ cấp của bệnh viện và khoảng 200 nghìn tiền trực 4 đêm một tháng, tổng cộng thu nhập khoảng trên 4 triệu đồng. Để đảm bảo cuộc sống gia đình, cuối tuần anh lại đi làm thêm (siêu âm) cho một phòng khám tư trên đường Nguyễn Khuyến, và kiếm được 400.000 đồng mỗi ngày.

"Vất vả lắm chứ, nhưng lòng mình thanh thản, vì đó là đồng tiền do mình lao động chân chính mà ra", bác sĩ Tiến chia sẻ.

Theo tiến sĩ Nguyễn Cao Luận, để chấm dứt hẳn nạn phong bì, người đầu tiên cần nói không là bệnh nhân: "Nếu mọi người đều kiên quyết không phong bì, những anh nhũng nhiễu sẽ lòi ra và bị xử lý nặng". Còn các y bác sĩ cũng cần đảm bảo đời sống để chuyên tâm với công việc.

Tại khoa thận nhân tạo, để cải thiện thu nhập cho nhân viên, khoa đã thực hiện theo chủ trương khoán, ký quỹ của bệnh viện, từ đó lấy thu bù chi, đồng thời tiết kiệm, chống thất thoát, mở ra các dịch vụ tăng nguồn thu, cải tiến kỹ thuật...

Tương tự, tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, tiến sĩ Phạm Duệ cho biết, để đảm bảo đời sống nhân viên, ngoài những cách trên, trung tâm tạo điều kiện cho các bác sĩ trong khoa làm thêm, tăng thu nhập bằng cách ký hợp đồng khám chữa, tư vấn với các đơn vị khác...

Chia sẻ trên Vnexpress.net, độc giả Đỗ Văn Hùng cho biết, năm 2010, khi đưa mẹ đi mổ thoát vị đĩa đệm cột sống tại Khoa phẫu thuật cột sống - Bệnh viện Việt Đức, anh có đưa phong bì cho các y bác sĩ khi làm các thủ tục... nhưng tuyệt nhiên không ai nhận và mẹ anh vẫn được xếp lịch mổ như những người khác.

Mẹ anh được bác sĩ Nguyễn Văn Thạch (trưởng khoa) mổ và ca mổ đã thành công tốt đẹp. Khi mẹ xuất viện, anh tìm bác sĩ Thạch để cám ơn và gửi một chiếc "phong bì". Bác sĩ Thạch thay mặt thay mặt khoa cám ơn gia đình và gọi một cô hộ lý vào và bảo cô bóc phòng bì, nhận tiền của anh và ghi số tiền vào sổ của khoa.

"Tôi thấy đây là một cách làm các khoa khác, bệnh viện khác nên học tập. Khoa nhận phong bì một cách công khai minh bạch do người nhà bệnh nhân tự nguyện cám ơn sau khi mọi việc đã tốt đẹp để đưa vào quỹ của khoa và sau này chi thưởng, lễ, tết... cho cán bộ nhân viên trong khoa. Hành động này hoàn toàn chính đáng".

Minh Thùy

Việt Nam đã đánh mất những thương hiệu nào?


14/10/2011 18:04:33
- Cà phê Trung Nguyên, thuốc lá VINATABA, Petro Vietnam, bánh phồng tôm Sa Giang, kẹo dừa Bến Tre, võng xếp Duy Lợi, cà phê Buôn Ma Thuật, Đắk Lắk... là những nhãn hiệu có tên tuổi của Việt Nam từng liên quan đến việc vi phạm và tranh chấp thương hiệu.
 
Mới đây nhất, thương hiệu nước mắm Phan Thiết đã bị một công ty ở Mỹ đăng ký thương hiệu. Tuy nhiên, việc đòi lại thương hiệu gặp không ít khó khăn.

Nước mắm Phan Thiết

Mới đây nhất, vào tháng 10/2011, một giáo viên Mỹ gốc Việt cho biết, một công ty Kim Seng, trụ sở tại: 1561 Chapin road, MonTebello, California 90640 và tại 6121 Randolph street, City of commerce, California 90040 (Mỹ) kinh doanh đa sản phẩm cũng như đã đăng ký  thương hiệu "nước mắm nhỉ thượng hạng Phan Thiết"  tại Văn phòng bản quyền sáng chế và nhãn hiệu thương mại Hoa kỳ, từ ngày 1/6/1999. 
Chai nước mắm và nhãn hiệu Phan Thiết được đăng ký tại Mỹ.
Chai nước mắm và nhãn hiệu Phan Thiết được đăng ký tại Mỹ.

Vào năm 2009, nhãn hiệu này được gia hạn và có hiệu lực trên toàn nước Mỹ.  Điều đáng nói thương hiệu nước mắm Phan Thiết được Kim Seng đăng ký trước khi Việt Nam có Luật Sở hữu trí tuệ (2005).

Cafe Buôn Ma Thuật và Đắk Lắk

Vào tháng 6/2011, những cú click tìm kiếm tình cờ trên mạng đã giúp Luật sư Lê Quang Vinh - Cty CP Sở hữu trí tuệ Bross và Cộng sự, trụ sở tại Hà Nội, phát hiện hai nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột và Đắk Lắk đã bị doanh nghiệp nước ngoài chiếm dụng tại Pháp và Trung Quốc.

Ông Vinh làm văn bản gửi Sở KHCN Đắk Lắk, cho biết chỉ dẫn địa lý cafe Buôn Ma Thuột đã bị Cty Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co.,Ltd có văn phòng đặt tại Quảng Châu (Quảng Đông, Trung Quốc), đăng ký độc quyền nhãn hiệu thời hạn 10 năm, bắt đầu từ 2010 và 2011 cho một số loại sản phẩm trên toàn lãnh thổ Trung Quốc.

Còn tên DAK LAK của tỉnh trồng nhiều cà phê nhất Việt Nam cũng bị Cty ITM ENTREPRISES (Pháp) đăng ký nhãn hiệu, đã được cơ quan sở hữu trí tuệ Pháp cấp độc quyền sử dụng cho sản phẩm cà phê của họ từ tháng 9/1997.

Tỉnh  Đắk Lắk sẽ sẽ bố trí một phần kinh phí từ ngân sách tỉnh và huy động các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh cà phê trên địa bàn tỉnh tham gia đóng góp kinh phí cùng tỉnh thực hiện việc khiếu kiện và đăng ký bảo hộ cho Chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột.   Tỉnh sẽ giao cho Sở khoa học và Công nghệ xây dựng kế hoạch và liên hệ với Cục Sở hữu trí tuệ xin hỗ trợ một phần kinh phí ban đầu từ Chương trình hỗ trợ và phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp giúp địa phương đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể cà phê Buôn Ma Thuột ra nước ngoài.
Hai nhãn hiệu "BUON MA THUOT & chữ Tàu" và "BUON MA THUOT COFFEE 1896 và logo" đã được Trung Quốc cấp chứng nhận bảo hộ độc quyền cho công ty Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co.,Ltd.

Cty này sử dụng thương hiệu được cấp độc quyền, sau đó tiếp tục đăng ký trên phạm vi toàn cầu theo hệ thống Madrid. Theo đó, thương hiệu cà phê DAK LAK của họ sẽ được bảo hộ tại các quốc gia khác không kể Pháp, gồm: Áo, Bulgaria, Bỉ, Hà Lan, Luxembourg, Thụy Sĩ, Czech, Đức, Croatia, Hungary, Ý, Ma rốc, Monaco, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Rumani, Slovenia, Nga, Slovakia, Serbia… 

Nước mắm Phú Quốc

Nước mắm Phú Quốc đã bị một công ty có địa chỉ tại Mỹ sử dụng làm nhãn hiệu hàng hóa từ năm 1982. Đó là công ty Viet Huong Fishsauce, Hoa Kỳ, được cơ quan đăng ký nhãn hiệu Hoa Kỳ cấp nhãn hiệu nước mắm Phú Quốc từ năm 1982. Trên các sản phẩm nước mắm của công ty này từ năm 1982 tới nay sử dụng nhãn hiệu "Nước mắm Phú Quốc" có hình bản đồ VN và đảo Phú Quốc.

Hai nhãn hiệu
Nhãn hiệu Phú Quóc trên sản phẩm của công ty Viet Huong - Hoa Kỳ

Sau đó công ty này đã lần lượt đăng ký nhãn hiệu "Nước mắm Phú Quốc" ở cộng đồng chung Châu Âu và Úc. Mới đây nhất- năm 2006, công ty này được cấp đăng ký nhãn hiệu Phú Quốc ở Trung Quốc vẫn với mẫu nhãn hiệu và logo như trên".

Mới đây 11/5/2011, một doanh nghiệp tại Hồng Kông là Cty TNHH thương mại Việt Hương (VIET HUONG TRADING COMPANY LIMITED) đã chính thức nộp đơn lên cơ quan có thẩm quyền để đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu "Phú quốc" cho nhóm hàng hóa 30 (trong đó có nước mắm) trên lãnh thổ Trung Quốc.

Kẹo dừa Bến Tre

Năm 1998, khi đang có doanh số tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc rất cao, nhãn hiệu kẹo dừa Bến Tre của bà Nguyễn Thị Tỏ (tức Hai Tỏ) bỗng sụt giảm nghiêm trong. Qua dò hỏi bà được biết trên thị trường đang có sản phẩm kẹo dừa giả, nhái kẹo dừa Bến Tre. Tháng 8/2008, bà được biết Công ty TNHH Rừng Dừa đã đăng kí độc quyền nhãn hiệu tại Trung Quốc được 8 tháng, chỉ còn ba tháng nữa là được cấp bằng độc quyền.

Bà Hai Tỏ và nhãn hiệu kẹo dừa Bến Tre của công ty Đông Á
Bà Hai Tỏ và nhãn hiệu kẹo dừa Bến Tre của công ty Đông Á

Cùng người phiên dịch, bà đến trình bày sự việc tại Cục Quản lý hành chánh Công thương nhãn hiệu hàng hóa quốc gia nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, nêu rõ những thiệt hại về kinh tế và luật pháp mà doanh nghiệp làm giả gây ra tại thị trường Trung Quốc và Việt Nam. Đến năm 1999, bà thành công trong việc đòi lại tên cho sản phẩm đặc trưng của Bến Tre này.

Cà phê Trung Nguyên

Sau 2 năm Trung Nguyên mới
Sau 2 năm , Trung Nguyên mới đòi lại được thương hiệu ở Mỹ.

Tháng 7/2000, Thương hiệu cà phê Trung Nguyên – thương hiệu được đánh giá là nổi bật nhất của cà phê Việt Nam đã bị một công ty của Mỹ là Rice Field nhanh chân đăng ký trước tại Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO). Sau hai năm thương thảo, công ty  này đã chấp thuận trả lại quyền bảo hộ và nhận làm đại lý phân phối sản phẩm Cafe Trung Nguyên của Việt Nam tại Mỹ.

Thuốc lá Vinataba 

Năm 2002, thương hiệu Vinataba – thương hiệu thuốc lá hàng đầu của Việt Nam đã bị P.T. Putra Stabat Industri (một công ty của Indonesia) chiếm đoạt đăng ký tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và 9 nước Asean. 
Thuốc lá Vinataba
Thuốc lá Vinataba

Năm 2002, Tổng công ty thuốc lá Việt Nam đã phải chi đến 1 tỷ đồng cho việc bảo vệ thương hiệu ở nước ngoài. Do có đăng ký thương hiệu từ trước và những cố gắng của Tổng công ty này, ngày 24/1/2003, tại Lào, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam đã được công nhận là doanh nghiệp có quyền sở hữu thương hiệu Vinataba, Công ty Sumatra không chứng minh được quyền sở hữu của mình đã buộc phải hủy bỏ các sản phẩm mang thương hiệu Vinataba...

Tại Campuchia, vào tháng 12/2002, sản phẩm Vinataba của Việt Nam cũng được công nhận. Tuy nhiên, tại Trung Quốc, đến tháng 3/2003, việc Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam có được công nhận là đơn vị sở hữu thương hiệu Vinataba hay không mới được công bố.

PetroVietnam 

Tháng 4/2002, một công ty của Mỹ là Nguyen Lai Corporation đã nộp đơn tại USPTO đăng ký thương hiệu PetroVietnam & hình ngọn lửa – thương hiệu quen thuộc và rất nổi tiếng của ngành công nghiệp dầu khí của Việt Nam. Ngoài ra còn một số các doanh nghiệp khác như võng xếp Duy Lợi, Bi'tis, bánh phồng tôm Sa Giang.... cũng đã bị mất thương hiệu tại các nước.
PetroVietnam
PetroVietnam



Sự chủ quan và chậm trễ trong việc đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài nhiều doanh nghiệp đã đánh mất tên sản phẩm của chính mình. Thực tế tên thương hiệu gắn với chỉ dẫn địa lý của Việt Nam cũng là tài sản của Nhà nước. Việc chủ thể nước ngoài sở hữu nó đồng nghĩa với việc tài sản của Nhà nước bị rơi vào tay người khác. Mặt khác, việc này càng nguy hại hơn đối với những sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Có thể sản phẩm đó sẽ bị kiện hoặc bị ngăn chặn xuất khẩu ngay tại cửa khẩu biên giới các nước do xâm phạm độc quyền nhãn hiệu.

Về lâu dài, niềm tin của khách hàng nước ngoài đối với sản phẩm của Việt Nam có thể suy giảm nghiêm trọng do không thể phân biệt được đâu là thực đâu là giả. Như vậy một lợi thế cạnh tranh của Việt Nam sẽ bị mất đi hoặc ảnh hưởng rất lớn.

Bắc Lưu  (Tổng hợp)

Dép nhựa càng mềm, càng độc


15/10/2011 20:32:06
 - Phóng viên KH&ĐS nhờ các chuyên gia hóa học và khoa học vật liệu phân tích đôi dép nhựa có mùi hôi nồng nặc mà bạn đọc Nguyễn Thị Hương (ngõ 124 Âu Cơ, Hà Nội) gửi đến báo nhờ tìm hiểu nguyên nhân.
Theo các chuyên gia, mùi hôi vô cùng khó chịu này là do trong quá trình sản xuất nhà sản xuất đã sử dụng quá nhiều hóa chất độc hại như chất hóa dẻo và chất tạo xốp, làm nở nhựa.

Mềm, xốp vì ít nhựa

Đôi dép nhựa mà độc giả Nguyễn Thị Hương chuyển đến Báo KH&ĐS có màu đen bóng, rất nhẹ và cầm vào có cảm giác rất xốp, có thể nói là mềm nhũn. Tuy nhiên khi mở túi ra thì mùi hôi nồng nặc như dầu hỏa bốc lên.
 
Chị Hương cho biết, đôi dép chị mua về để đi trong nhà tắm. Phòng tắm nhà chị chỉ khoảng 2m2 nhưng mỗi khi mở cửa phòng tắm thì không thể chịu được mùi hôi nặng từ đôi dép đó lan tỏa khắp căn phòng, xộc vào mũi khiến chị có cảm giác nhức đầu.
 
 Các loại dép có màu tối thường sử dụng nhựa phế thải để tái chế, có nhiều nguồn gốc khác nhau mà người làm đôi khi cũng khó biết rõ xuất xứ.
 
Phân tích lý do tại sao có thể tạo được nhựa xốp và mềm đến vậy, đồng thời cũng là nguyên nhân gây mùi hôi đó, PGS.TS Phạm Gia Điền, Viện Hóa học, Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam cho biết, để sản xuất các sản phẩm dép nhựa có độ mềm dẻo, xốp nhẹ, các cơ sở sản xuất phải bổ sung các chất hóa dẻo, chất tạo xốp, chất siêu nở...
 
Các chất này được cho vào trong quá trình phối trộn nhựa có tác dụng làm nở nhựa (nghĩa là từ một lượng nhựa rất ít có thể nở ra để đủ tạo thành sản phẩm là những chiếc dép vừa to, vừa xốp nhẹ). Các chất hóa dẻo là những chất DOP (Dioctyl Phthalate), DEP (Diethyl phthalate), DBP (dibutyl Phthalate), là những hóa chất độc hại.
 
Những hóa chất này mặc dù được phép dùng trong ngành công nghiệp chế biến nhựa, tuy nhiên phải tuân theo giới hạn về hàm lượng cụ thể. Các cơ sở sản xuất tư nhân thường chỉ chú trọng đến hiệu quả làm xốp, nở nhựa mà có thể sử dụng các chất hóa dẻo này vượt quá mức cho phép. 

Tăng phụ gia cho nhựa tái chế

Theo KS Vũ Tân Cảnh, phòng Nghiên cứu Vật liệu Polyme - Compozit, Viện Khoa học Vật liệu (Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam), các loại dép có màu tối thường sử dụng nhựa phế thải để tái chế, có nhiều nguồn gốc khác nhau mà người làm đôi khi cũng khó biết rõ xuất xứ.
 
Đặc điểm nổi bật nhất của loại nhựa này chính là gồm các thành phần nhựa mất vệ sinh và mang tính tận dụng cao. Ngoài ra, cũng vì lẫn nhiều loại nhựa với nhau nên màu tối sẽ che được khuyết điểm dễ dàng.

Tùy vào nguồn gốc các loại nhựa khi chế biến, gia công người sản xuất sẽ cho thêm các chất phụ gia vào để phù hợp với mục đích sản xuất. Ví dụ, có những loại nhựa xấu quá nên người ta phải cho thêm cao su để tăng độ kết dính hoặc chất hóa dẻo. Nhưng cho vào thì các chất này cũng chỉ mang tính liên kết chứ không đảm bảo như loại nhựa tốt.
 
Vì thế, tính liên kết của loại nhựa tái chế này vẫn kém. Cùng lúc đó, khi cho vào máy đùn bằng nhiệt các loại nhựa này vừa được quấy đều vừa làm nóng chảy để đùn ra nhựa. Từ các đùn nhựa mới cho vào khuôn dập ra sản phẩm. Với tính chất như trên nên khi sử dụng được một thời gian ngắn sẽ lộ diện các hạn chế như bở và nhanh đứt, đùn nhựa ra ngoài, các mùi hôi khó chịu phát tán.
 
"Mùi hôi mà nhiều người dân thường ngửi thấy ở dép chính là mùi nhựa bẩn, cháy tạo nên. Đồng thời, mùi dầu hỏa được dùng làm vệ sinh dép khi ra khuôn nhằm mục đích làm đẹp và bóng, giấu đi điểm xấu từ nhựa tái chế", KS Vũ Tân Cảnh giải thích. 

Theo chuyên gia, hiện nay chưa có cơ quan chức năng nào kiểm soát đồ dùng từ loại nhựa tái chế này nên người dân vẫn phải biết tự bảo vệ mình để lựa chọn hàng tốt, tránh ảnh hưởng sức khoẻ. Bởi nếu tiếp xúc thường xuyên với đồ nhựa tái chế sẽ có nguy cơ bị thôi nhiễm các chất độc hại và mất vệ sinh có trong đó. Ví dụ, nhiều đồ dùng có nhựa bẩn thì còn có các chất như niken, đồng, chì, cadmi... Thậm chí, có người đi dép còn bị mạt kim loại thừa trong đó đâm vào chân gây nhiễm trùng.
 

Sản phẩm dép nhựa xốp dẻo do nhà sản xuất phải bổ sung các các chất phụ gia, hóa chất

"Nguyên liệu chủ yếu để sản xuất các mặt hàng nhựa gia công này thường là nhựa tái chế được lấy từ nhiều nguồn khác nhau, nên chất lượng nhựa không thể đảm bảo, có thể lẫn nhiều tạp chất bẩn và các hóa chất độc hại, cũng như các thành phần kim loại nặng. Hóa chất tạo màu cũng được sử dụng rất nhiều trong sản xuất nhựa thủ công để tạo màu sắc bắt mắt, để tẩy trắng hoặc để làm tối màu các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa đen bẩn. Các hóa chất độc hại này không những bay mùi rất khó chịu, ảnh hưởng đến hô hấp mà còn có nguy cơ gây dị ứng, viêm da ở những người mẫn cảm". PGS.TS Phạm Gia Điền cho biết.


PV

Tuyên bố chung hai nước Việt Nam và Trung Quốc


15/10/2011 12:39:26
 - Ngày 15/10, tại thủ đô Bắc Kinh, Việt Nam và Trung Quốc đã ra Tuyên bố chung về chuyến thăm chính thức Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam. 
Bee.net.vn trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung:

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN
1. Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Hồ Cẩm Đào, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ ngày 11 đến ngày 15 tháng 10 năm 2011. 

Trong thời gian chuyến thăm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Ðào; lần lượt hội kiến với Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Ðại hội Ðại biểu Nhân dân Toàn quốc Ngô Bang Quốc; Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Thủ tướng Quốc vụ viện Ôn Gia Bảo; Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc Giả Khánh Lâm. Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Phó Chủ tịch nước Tập Cận Bình, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Phó Thủ tướng Quốc Vụ viện Lý Khắc Cường cũng đã tham gia các hoạt động liên quan. 

Trong bầu không khí chân thành, hữu nghị, hai bên đã thông báo cho nhau về tình hình mỗi Đảng, mỗi nước; đi sâu trao đổi ý kiến về việc tăng cường hơn nữa quan hệ giữa hai Đảng, hai nước trong tình hình mới, cũng như về các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm, đạt được nhận thức chung rộng rãi. Ngoài Bắc Kinh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thăm tỉnh Quảng Đông.

Hai bên nhất trí cho rằng, chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thành công tốt đẹp, thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hai Đảng, hai nước phát triển ổn định, lành mạnh và đi vào chiều sâu, đồng thời có ảnh hưởng tích cực thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. 

2. Hai bên vui mừng trước những thành tựu mang tính lịch sử mà nhân dân hai nước, dưới sự lãnh đạo của hai Đảng Cộng sản, đã đạt được trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước, trong đổi mới của Việt Nam và cải cách mở cửa của Trung Quốc. 

Phía Việt Nam nhiệt liệt chúc mừng 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc và sự mở đầu thuận lợi trong thực hiện Quy hoạch 5 năm lần thứ 12 của Trung Quốc; tin tưởng vững chắc Đảng Cộng sản Trung Quốc nhất định sẽ đoàn kết chặt chẽ và dẫn dắt nhân dân Trung Quốc thực hiện thắng lợi mục tiêu vĩ đại xây dựng toàn diện xã hội khá giả và đẩy nhanh hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa. 

Phía Trung Quốc chúc mừng thành công của Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam và tin tưởng vững chắc rằng, nhân dân Việt Nam nhất định sẽ thực hiện thắng lợi những mục tiêu và nhiệm vụ mà Đại hội XI đã đề ra, xây dựng Việt Nam thành nước xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

3. Hai bên đã nhìn lại và tổng kết những thành tựu to lớn đã giành được trong quá trình phát triển quan hệ hai nước 61 năm qua kể từ khi Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao, đặc biệt là 20 năm kể từ khi bình thường hóa quan hệ, và nhất trí cho rằng, quan hệ hai nước đã phát triển nhanh và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. 

Hai bên nhấn mạnh tôn trọng lẫn nhau, hiểu biết lẫn nhau, ủng hộ lẫn nhau, tin cậy lẫn nhau, hợp tác với nhau là kinh nghiệm quan trọng cho quan hệ hai nước phát triển ổn định, lành mạnh; khẳng định tình hữu nghị đời đời Việt-Trung là tài sản quý báu chung của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước, cần được không ngừng củng cố, phát triển, truyền mãi cho các thế hệ mai sau.

Hai bên khẳng định, Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục kiên trì phương châm "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" và tinh thần "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt," từ tầm cao chiến lược và tầm nhìn toàn cục, sẽ tăng cường giao lưu hữu nghị giữa hai nước, mở rộng hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực, trân trọng, giữ gìn, phát triển tốt quan hệ hai Đảng, hai nước Việt-Trung, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc phát triển một cách ổn định, lành mạnh, lâu dài. 

Hai bên nhất trí cho rằng, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến sâu sắc, phức tạp, việc hai Đảng, hai nước Việt Nam-Trung Quốc tăng cường hơn nữa sự tin cậy chiến lược, hợp tác chặt chẽ toàn diện, xử lý thỏa đáng các vấn đề còn tồn tại hay mới nảy sinh giữa hai nước, là phù hợp với lợi ích căn bản và lâu dài của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước, có lợi cho sự nghiệp chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước, có lợi cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

4. Hai bên nhất trí áp dụng các biện pháp hữu hiệu, thiết thực để mở rộng toàn diện và đi sâu hợp tác hữu nghị trên các lĩnh vực giữa hai nước: 

Một là, duy trì truyền thống tốt đẹp các chuyến thăm và tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao thông qua các hình thức linh hoạt, đa dạng như thăm song phương, trao đổi qua đường dây nóng, gặp gỡ tại các diễn đàn đa phương, cử đặc phái viên…, kịp thời trao đổi ý kiến về tình hình quốc tế, khu vực và các vấn đề quan trọng trong quan hệ song phương, tăng cường trao đổi chiến lược, nắm chắc phương hướng thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc phát triển lâu dài, lành mạnh, ổn định. Trong thời gian chuyến thăm, hai bên chính thức khai thông đường dây nóng giữa lãnh đạo cấp cao hai nước.

Hai là, phát huy đầy đủ vai trò quan trọng của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc trong việc đi sâu hợp tác thực chất, thúc đẩy quan hệ song phương, tăng cường hơn nữa sự chỉ đạo và quy hoạch chính sách đối với hợp tác trong các lĩnh vực, thúc đẩy tổng thể sự hợp tác, phối hợp xử lý vấn đề phát sinh, thúc đẩy hợp tác thiết thực trên các lĩnh vực đạt thành quả phong phú hơn nữa, không ngừng làm phong phú nội hàm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện hai nước.

Ba là, thắt chặt giao lưu hợp tác giữa hai Đảng, thực hiện có hiệu quả "Kế hoạch hợp tác giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc giai đoạn 2011-2015." 

Tổ chức tốt Hội thảo lý luận giữa hai Đảng, tăng cường trao đổi kinh nghiệm xây dựng Đảng, quản lý đất nước; mở rộng và đi sâu hợp tác đào tạo cán bộ Đảng, chính quyền; tổ chức các cuộc gặp gỡ cấp Trưởng Ban theo cơ chế giao lưu, hợp tác giữa hai Ban Đối ngoại và hai Ban Tuyên truyền hai Đảng vào thời điểm thích hợp.

Bốn là, đi sâu hợp tác giữa hai quân đội, tăng cường tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao quân đội hai nước; tiếp tục tổ chức tốt Đối thoại Chiến lược cấp Thứ trưởng Quốc phòng; thúc đẩy thiết lập đường dây điện thoại trực tiếp giữa hai Bộ Quốc phòng hai nước; tăng cường hợp tác đào tạo cán bộ và giao lưu sĩ quan trẻ; triển khai thí điểm tuần tra chung biên giới đất liền vào thời điểm thích hợp; tiếp tục tổ chức tuần tra chung giữa hải quân hai nước trong Vịnh Bắc Bộ; tăng cường hợp tác trong các mặt như tàu hải quân hai nước thăm nhau.

Năm là, đi sâu hơn nữa hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực thi hành pháp luật và an ninh; tổ chức tốt Hội nghị cấp Bộ trưởng Hợp tác phòng chống tội phạm lần thứ 3 giữa hai Bộ Công an hai nước; thúc đẩy triển khai các hoạt động chung chống xuất nhập cảnh trái phép ở khu vực biên giới; tăng cường phối hợp có hiệu quả trong các lĩnh vực phòng chống tội phạm kiểu mới như tấn công tội phạm lừa đảo viễn thông.

Tăng cường giao lưu và hợp tác giữa các cơ quan như tòa án, viện kiểm sát, công an, hành chính tư pháp; cùng phòng ngừa và tấn công các hoạt động vi phạm pháp luật, tội phạm xuyên biên giới; tăng cường phối hợp và ủng hộ lẫn nhau trong việc giữ gìn ổn định trong nước của mình.

Sáu là, tăng cường và mở rộng hợp tác thiết thực giữa hai nước theo các nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, chú trọng hiệu quả thực tế, bổ sung thế mạnh lẫn nhau, bằng nhiều hình thức đa dạng, cùng nhau phát triển:

- Phát huy đầy đủ vai trò của Ủy ban hợp tác kinh tế-thương mại, Ủy ban liên hợp hợp tác khoa học kỹ thuật giữa Chính phủ hai nước trong việc chỉ đạo, điều phối tổng thể, đôn đốc thực hiện hợp tác thiết thực giữa hai nước trong các lĩnh vực liên quan. Thực hiện tốt "Quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế-thương mại Việt Nam-Trung Quốc" vừa được ký kết trong chuyến thăm này.

- Tích cực thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, tài chính, ngân hàng, nông lâm nghiệp, giao thông, điện lực, công nghệ thông tin, khoáng sản, năng lượng, du lịch..., tăng cường trao đổi về thúc đẩy cân bằng thương mại song phương, khuyến khích và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp của hai nước mở rộng hợp tác lâu dài cùng có lợi, xây dựng khu hợp tác kinh tế biên giới và hợp tác "hai hành lang, một vành đai"... 

- Tiếp tục thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực như khoa học kỹ thuật, giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, văn hóa, y tế, thể thao, báo chí… Tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như bảo vệ môi trường, quản lý nguồn nước và ứng phó với biến đổi khí hậu. Thực hiện tốt "Thỏa thuận trao đổi giáo dục 2011-2015," mở rộng số lượng lưu học sinh cử sang nhau.

- Tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động giao lưu nhân dân, như Diễn đàn Nhân dân Việt-Trung, Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt-Trung, đẩy mạnh tuyên truyền tình hữu nghị Việt-Trung, tăng cường định hướng dư luận và quản lý báo chí, thúc đẩy tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, giữ gìn đại cục quan hệ hữu nghị hai nước, làm cho tình hữu nghị Việt-Trung được kế thừa và phát huy rạng rỡ.

- Mở rộng hơn nữa sự giao lưu, hợp tác giữa các địa phương hai nước, nhất là các tỉnh giáp biển, giáp biên giới của hai nước như Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, Quảng Ninh, Điện Biên, Hà Giang, Lai Châu của Việt Nam với Quảng Tây, Quảng Đông, Vân Nam, Hải Nam của Trung Quốc. 

- Tiếp tục thực hiện tốt các văn kiện có liên quan đến biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc, "Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ" và "Hiệp định hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ;" tích cực tìm tòi mô hình mới trong kiểm tra liên hợp khu vực đánh cá chung ở Vịnh Bắc Bộ; thúc đẩy thiết lập đường dây nóng liên lạc giữa cơ quan ngư nghiệp hai nước.

- Đẩy nhanh tiến trình đàm phán, sớm ký kết "Hiệp định tàu thuyền qua lại tự do khu vực cửa sông Bắc Luân" và "Hiệp định hợp tác khai thác và bảo vệ tài nguyên du lịch khu vực thác Bản Giốc," cùng nhau duy trì ổn định và phát triển ở khu vực biên giới.

Trong thời gian chuyến thăm, hai bên đã ký "Kế hoạch hợp tác giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc (2011-2015)," "Quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế-thương mại giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa 2012-2016," "Thỏa thuận trao đổi giáo dục 2011-2015 giữa Bộ Giáo dục-Đào tạo nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Giáo dục nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa," "Nghị định thư giữa Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc về sửa đổi Hiệp định vận tải ôtô giữa Chính phủ hai nước Việt Nam và Trung Quốc," "Nghị định thư giữa Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc về thực hiện Hiệp định vận tải ôtô giữa Chính phủ hai nước Việt Nam và Trung Quốc," "Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa." 

5. Hai bên đã trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển; nhấn mạnh ý chí và quyết tâm chính trị thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị để giải quyết tranh chấp, giữ gìn hòa bình, ổn định tại Biển Đông; cho rằng điều này phù hợp với lợi ích căn bản của hai nước và nguyện vọng chung của nhân dân hai nước, có lợi cho hòa bình, hợp tác và phát triển tại khu vực. 

Lãnh đạo hai Đảng, hai nước sẽ duy trì trao đổi và đối thoại thường xuyên về vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, từ tầm cao chính trị và chiến lược, kịp thời chỉ đạo xử lý và giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển.

Hai bên đánh giá tích cực việc hai nước ký kết "Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển;" cho rằng việc ký kết Thỏa thuận này có ý nghĩa chỉ đạo quan trọng đối với việc xử lý và giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển, sẽ cùng nỗ lực thực hiện nghiêm chỉnh Thỏa thuận này.

Căn cứ vào nhận thức chung đã có giữa Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước và "Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển," hai bên đẩy mạnh đàm phán vấn đề trên biển, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được, đồng thời tích cực trao đổi tìm kiếm giải pháp có tính quá độ, tạm thời, không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của mỗi bên, bao gồm việc tích cực nghiên cứu và trao đổi về vấn đề hợp tác cùng phát triển.

Hai bên thúc đẩy vững chắc đàm phán phân định khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, đồng thời tích cực trao đổi về vấn đề hợp tác cùng phát triển ở khu vực này. Hai bên tích cực thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển, thăm dò khai thác dầu khí, phòng chống thiên tai…

Trước khi giải quyết dứt điểm tranh chấp trên biển, hai bên cùng giữ gìn hòa bình, ổn định trên Biển Đông, giữ thái độ bình tĩnh và kiềm chế, không áp dụng hành động làm phức tạp hóa hoặc mở rộng thêm tranh chấp, không để các thế lực thù địch phá hoại quan hệ hai Đảng, hai nước, xử lý các vấn đề nảy sinh với thái độ xây dựng, không để ảnh hưởng tới quan hệ hai Đảng, hai nước và hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

6. Phía Việt Nam khẳng định thực hiện nhất quán chính sách một nước Trung Quốc, ủng hộ quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan phát triển hòa bình và sự nghiệp lớn thống nhất Trung Quốc, kiên quyết phản đối hành động chia rẽ "Đài Loan độc lập" dưới mọi hình thức. 

Việt Nam không phát triển bất cứ quan hệ chính thức nào với Đài Loan. Phía Trung Quốc bày tỏ hoan nghênh lập trường trên của phía Việt Nam.

7. Hai bên khẳng định tiếp tục mở rộng giao lưu và hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao hai nước, tổ chức tốt trao đổi chính trị giữa Bộ Ngoại giao hai nước, tăng cường trao đổi và hợp tác tại các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế như Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị cấp cao Á-Âu (ASEM), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), ASEAN+1, ASEAN+3, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng…, cùng giữ gìn và thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển và phồn vinh của khu vực và thế giới.

8. Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng chân thành cảm ơn Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Hồ Cẩm Đào và Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chính phủ, nhân dân Trung Quốc về sự đón tiếp trọng thị, nhiệt tình và hữu nghị. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trân trọng mời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào sớm sang thăm lại Việt Nam. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào bày tỏ cảm ơn về lời mời.
 
(Theo TTXVN)

An Giang vỡ đê: Che lều tạm trên đê chờ nước rút


15/10/2011 20:13:44
 - Nước lũ ngập tận nóc nhà, cuốn đi hầu hết đồ đạc, tài sản... Hầu hết các hộ dân đều che lều bạt, sống tạm bợ và bất lực ngồi nhìn lúa cùng tài sản chìm trong dòng nước mênh mông trắng xóa...
TIN LIÊN QUAN

Sau khi sự cố một đoạn đê dài hơn 30m trên kênh 10 thuộc xã Vĩnh Châu - thị xã Châu Đốc, An Giang bị nước lũ đánh sập vào khoảng 8h30 ngày hôm qua (14/10), hiện nước lũ đã nhấn chìm toàn bộ diện tích 250ha lúa vụ 3 của vùng này. Ngoài ra, vì đây là đoạn kênh nằm trong vùng đê khép kín phục vụ chương trình sản xuất lúa vụ 3 của tỉnh, nên hiện còn trên 2.200ha lúa đang từ 30 – 40 ngày tuổi cũng mấp mé chìm trong nước. 

Theo nhiều người dân sinh sống tại khu vực này  và mục sở thị của PV, hiện nay dòng nước lũ đã ngập trắng xóa ruộng lúa. Mực nước mà nhiều người ở đây dùng thước gỗ đo được, hầu hết các nơi đều đã vượt trên 1-1,2m. Trong khi hầu hết diện tích lúa trong vùng thiệt hại chỉ được trên 40 ngày tuổi, ngọn chưa vượt được 80cm. 

"Tôi làm vụ 3 năm nay là lần đầu tiên, vì có đê bao khép kín và chương trình vận động của ngành nông nghiệp. Tưởng đã ăn chắc khi lúa được hơn 40 ngày tuổi, nhưng không ngờ chiếc kobe múc tới, múc lui gia cố đê bao mấy chục lần mà chẳng ăn thua gì với lũ!" – lão nông Võ Văn Liệt (ngụ TX.Tân Châu) tâm sự.
 
Lão nông Võ Văn  Liệt trong căn lều tạm bợ
Lão nông Võ Văn Liệt trong căn lều tạm bợ
ông lặn xuống nước lũ cao gần 1,2m để nhổ lúa
Ông Liệt lặn xuống nước lũ cao gần 1,2m để nhổ lúa


Ông Liệt là người thuê được 3,7ha đất ở xã Vĩnh Châu, với giá mỗi công là 1 triệu đồng/vụ, tổng chi phí sản xuất vụ 3 của gia đình ông đến thời điểm này là trên 70 triệu đồng. Giờ coi như mất trắng. 

"Bây giờ nước lũ đã làm ngập nhà, ngập lúa của tôi hết rồi. Đã nghèo còn gặp cái eo. Thiệt giờ tôi không biết làm sao nữa!". 

Tuy nhiên, điều lo lắng nhất của lão nông này cũng như hàng ngàn người dân khác trong vùng chính là nước lũ ngập quá nhanh, gần như không hộ nào kịp trở tay, phòng chống.

"Gia đình tôi giờ thậm chí không còn chỗ ở, đành che liều tạm trên bờ đê chờ nước rút. Hy vọng Nhà nước có sự hỗ trợ kịp thời cho gia đình tôi cũng như các hộ dân nghèo trong vùng sớm vượt qua cơn khốn khó này!" – ông Liệt buồn bã nói.

Không chỉ riêng gia đình ông Liệt, đời sống nhiều hộ dân sinh sống tại tiểu vùng đê bao vỡ này đang bị đảo lộn. Theo thống kê chưa đầy đủ của Ban chỉ đạo PCLB, hiện trong tuyến đê bao này có trên 500 hộ dân đang sinh sống và hiện hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Hầu hết nhà cửa đã bị ngập sâu, nhiều hộ nước lũ ngập tận nóc nhà, cuốn đi hầu hết đồ đạc, tài sản... Vật lộn hàng giờ trong nước, các gia đình phải vận chuyển trâu bò, gia cầm và vật dụng thiết yếu còn lại lên tuyến đê bao vùng cao hơn (chủ yếu là khu vực ven kênh Tha La cách đó gần 3km). Hầu hết các hộ dân đều che lều bạt, sống tạm bợ và bất lực ngồi nhìn lúa và tài sản của mình chìm trong dòng nước mênh mông trắng xóa... Rất may cho đến lúc này không có thiệt hại nào về người.
 
lực lượng tham gia cứu đê bao xã Vĩnh Châu – thị xã Châu Đốc
Các chiến sĩ gấp rút cứu đê bao xã Vĩnh Châu – thị xã Châu Đốc


Ông Trần Văn Trơ, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Châu (TX.Châu Đốc) cho biết, tính đến chiều hôm nay (15/10), Ban chỉ huy PCLB – TKCN tỉnh An Giang và địa phương đã huy động trên 2.000 cán bộ, chiến sĩ Công an, quân sự, ĐVTN và nhân dân địa phương tham gia cứu đê bao. 

"Đến thời điểm này tuyến đê bao bị đánh sập đã cơ bản ngăn "vá" xong và hiện ước tính chúng tôi đã ngăn được trên 97% lượng nước lũ tràn vào. Ngay sau khi đóng cọc tràm và đổ bao cát xong, trong chiều tối nay chúng tôi sẽ huy động trên 10 máy bơm điện và máy bơm dầu để nhanh chóng rút nước ra, chống úng kịp thời cho bà con nông dân an tâm…" – ông Trơ khẳng định.

Ngay sau sự cố vỡ đê, Ban chỉ huy PCLB – TKCN tỉnh và chính quyền đoàn thể thị xã Châu Đốc đã tích cực triển khai các phương án đắp đê, ngăn lũ. Một lực lượng lớn cán bộ chiến sĩ cũng liên tục tuần tra trong tất cả các các tiểu vùng khác, để tránh nguy cơ xấu ảnh hưởng tổng diện tích 2.250ha lúa vụ 3 của địa phương. Tại mỗi tiểu vùng, xung quanh các tuyến đê đều thành lập 4 trạm cứu hộ, cứu nạn để tuần tra theo để kịp thời phát hiện những nơi xung yếu và gia cố, đắp đất kịp thời tránh xảy ra trường hợp vỡ để lập lại khi triều cường lên cao…
 
"Nếu không có gì thay đổi thì trong 2 ngày tới nước lũ vùng này sẽ được cơ bản bơm rút ra để người dân tiếp tục canh tác" – ông Trần Hồng Vân – Chủ tịch UBND thị xã Châu Đốc kỳ vọng.

Tuy nhiên, theo ông Võ Văn Liệt: "Lúa  đã trên 40 ngày tuổi ( tức ở giai đoạn làm  đồng – trổ bông ) mà nước lũ ngập vào 1 hoặc 2 ngày thì khó có khả năng cứu kịp, lúa đang trổ nên sẽ bị hư cổ bông liền".
 
Một số hình ảnh tại điểm đê vỡ thuộc xã Vĩnh Châu - thị xã Châu Đốc, An Giang:
 
Tuyến đê bao bị đánh sập đã cơ bản ngăn
Tuyến đê bao bị đánh sập đã cơ bản được "vá" xong
 
nhà bà con bị ngập và  phải che liều tạm trên tuyến đê cặp tuyến kênh Tha La, các gia súc, gia cầm và vật dụng gia đình đều chuyển lên đê bao.
Các gia súc, gia cầm và vật dụng gia đình đều chuyển lên đê bao.
nhà bà con bị ngập và phải che liều tạm trên tuyến đê cặp tuyến kênh Tha La,
Nhà bà con bị ngập
 
và phải che liều tạm trên tuyến đê cặp tuyến kênh Tha La,
Che liều tạm trên tuyến đê ở khu vực ven kênh Tha La
Ngôi nhà bị ngập nước lũ của ông Võ Văn Liệt
Ngôi nhà bị ngập nước lũ của ông Võ Văn Liệt
Tranh thủ đánh bắt thủy sản
Tranh thủ đánh bắt thủy sản
 
toàn cảnh cánh đồng 250ha lúa vụ 3 của xã Vĩnh Châu – thị xã Châu Đốc đang bị nhấn chìm trong biển nước, ông Nguyễn Văn Phương đang đứng chỉ về ruộng lúa của mình bị nước lũ nhấn chìm trong biển nước.
Toàn cảnh cánh đồng 250ha lúa vụ 3 của xã Vĩnh Châu – thị xã Châu Đốc đang bị nhấn chìm trong biển nước
Một chiếc Kobe cứu hộ cũng đang chìm trong nước, hiện chưa trục vớt lên được (nơi có cây cọc )
Một chiếc Kobe cứu hộ cũng đang chìm trong nước, hiện chưa trục vớt lên được (nơi có cây cọc )

An An – Bửu Minh

Dân nào đi xe buýt?


15/10/2011 12:42:47

- Mũm Mĩm trợn mắt há mồm, nói té ra nếu dân xe con đi xe buýt thì tiền bạc tiết kiệm gấp mấy lần toàn dân xe máy đi xe buýt? 

TIN LIÊN QUAN

Mũm Mĩm khoa chân múa tay trước mặt Ngu Ngơ, nói hoan hô là hoan hô, hoan hô là hoan hô. Ngu Ngơ trố mắt nhìn Mũm Mĩm, nói em làm gì thế, tính khoe hàng à. Hàng họ cũ rích lại còn khoe. Mũm Mĩm cú đầu Ngu ngơ mấy cú, nói đừng có mà điêu nhé. Người ta hoan hô Bộ trưởng Đinh La Thăng, ai thèm khoe hàng với ông.

Ngu Ngơ cười khì, nói ối giời mỗi chuyện Bộ trưởng gửi công văn hỏa tốc yêu cầu người của ngành giao thông đi xe buýt một tuần một lần mà ầm ĩ cả lên, cứ làm như sắp hết tắc đường đến nơi.

 

Ô tô hay xe máy gây tắc đường? Ảnh minh họa
Ô tô hay xe máy gây tắc đường? Ảnh minh họa
 
Mũm Mĩm lườm Ngu Ngơ, nói anh thì nhìn cái gì nhìn đi đâu cũng tối mò mò. Cái hay ở đây là Bộ trưởng đã hành động hóa bộ máy quan liêu trì trệ bấy lâu nay, buộc mọi người trong ngành xuống đường lên xe buýt cũng là buộc mọi người phải biết hành động thực tiễn, suy nghĩ thiết thực. Rõ chưa? Người của Bộ GTVT vi hành bằng xe buýt, họ sẽ biết xe buýt hay dở thế nào, lợi hại chỗ nào, tiện lợi, bất tiện chỗ nào, từ đó người ta mới quyết đúng, rõ chưa?

Ngu Ngơ gật đầu cái rụp, nói nhất trí nhất trí. Thế thì lên xe buýt đi đã rồi hãy quyết.

Mũm Mĩm nói ngay, Bộ trưởng cũng đã gợi ý toàn dân bỏ xe máy đi xe buýt. Rồi Mũm Mĩm giảng giải, ngành GTVT Sài Gòn công bố thống kê như thế này: " Nếu chuyển từ xe máy sang sử dụng xe buýt sẽ tiết kiệm ít nhất 150.000 đồng/người/tháng. Nếu TP có thêm 1 triệu người chuyển sang đi xe buýt sẽ tiết kiệm 500.000 lít xăng/ngày, tương đương 10,65 tỉ đồng/ngày, 3.887,25 tỉ đồng/năm". Đó, thấy chưa, phấn khởi chưa?

Ngu Ngơ ôm bụng cười rũ rượi, nói thật phấn khởi quá đi mất. Nếu dân bỏ xe máy đi xe buýt theo thống kê phen này đường rộng thênh thang đến nơi. Mũm Mĩm ngạc nhiên nhìn Ngu Ngơ, nói anh nói vậy là sao.

Ngu Ngơ vuốt má Mũm Mĩm, nói còn sao với giăng gì nữa. Cái thống kê "sáng ngời niềm tin" kia chắc chắn là thống kê chưa đầy đủ.

Mũm Mĩm trợn mắt lên, nói anh đừng có mà ăn nói tào lao. Ngu Ngơ cũng trợn mắt lên, nói tào lao cái gì. Một nhà báo vừa tòi ra một thống kê khác, nghe đây này: "Xe máy tham gia giao thông tới 80,8% nhưng chỉ chiếm dụng mặt đường có 62,4%; trong khi, xe con chỉ tham gia giao thông 4% mà chiếm dụng mặt đường tới 19%...

Xe bốn chỗ trung bình chỉ chở 1,5 người/xe, trong khi chiếc xe hai bánh chiếm đường ít lại chở được trung bình 1,3 người/xe. Tuy chỉ đảm trách 4% nhu cầu giao thông nhưng xe con tiêu thụ tới 20,5% nhiên liệu."

Mũm Mĩm trợn mắt há mồm, nói té ra nếu dân xe con đi xe bus thì tiền bạc tiết kiệm gấp mấy lần toàn dân xe máy đi xe buýt? Ngu Ngơ nói chứ còn gì nữa, nhiên liệu tiết kiệm gấp mấy lần, lòng đường cũng tiết kiệm gấp mấy lần, ách tắc giao thông theo đó cũng giảm thiểu gấp mấy lần.

Mũm Mĩm thở hắt, nói rứa thì tại sao Bộ trưởng chưa hô hào toàn dân xe con đi xe buýt? Hu hu.

Nguyễn  Quang Lập