- Phóng viên KH&ĐS nhờ các chuyên gia hóa học và khoa học vật liệu phân tích đôi dép nhựa có mùi hôi nồng nặc mà bạn đọc Nguyễn Thị Hương (ngõ 124 Âu Cơ, Hà Nội) gửi đến báo nhờ tìm hiểu nguyên nhân. Theo các chuyên gia, mùi hôi vô cùng khó chịu này là do trong quá trình sản xuất nhà sản xuất đã sử dụng quá nhiều hóa chất độc hại như chất hóa dẻo và chất tạo xốp, làm nở nhựa.
Mềm, xốp vì ít nhựa
Đôi dép nhựa mà độc giả Nguyễn Thị Hương chuyển đến Báo KH&ĐS có màu đen bóng, rất nhẹ và cầm vào có cảm giác rất xốp, có thể nói là mềm nhũn. Tuy nhiên khi mở túi ra thì mùi hôi nồng nặc như dầu hỏa bốc lên.
Chị Hương cho biết, đôi dép chị mua về để đi trong nhà tắm. Phòng tắm nhà chị chỉ khoảng 2m2 nhưng mỗi khi mở cửa phòng tắm thì không thể chịu được mùi hôi nặng từ đôi dép đó lan tỏa khắp căn phòng, xộc vào mũi khiến chị có cảm giác nhức đầu.
|
Các loại dép có màu tối thường sử dụng nhựa phế thải để tái chế, có nhiều nguồn gốc khác nhau mà người làm đôi khi cũng khó biết rõ xuất xứ. |
Phân tích lý do tại sao có thể tạo được nhựa xốp và mềm đến vậy, đồng thời cũng là nguyên nhân gây mùi hôi đó, PGS.TS Phạm Gia Điền, Viện Hóa học, Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam cho biết, để sản xuất các sản phẩm dép nhựa có độ mềm dẻo, xốp nhẹ, các cơ sở sản xuất phải bổ sung các chất hóa dẻo, chất tạo xốp, chất siêu nở...
Các chất này được cho vào trong quá trình phối trộn nhựa có tác dụng làm nở nhựa (nghĩa là từ một lượng nhựa rất ít có thể nở ra để đủ tạo thành sản phẩm là những chiếc dép vừa to, vừa xốp nhẹ). Các chất hóa dẻo là những chất DOP (Dioctyl Phthalate), DEP (Diethyl phthalate), DBP (dibutyl Phthalate), là những hóa chất độc hại.
Những hóa chất này mặc dù được phép dùng trong ngành công nghiệp chế biến nhựa, tuy nhiên phải tuân theo giới hạn về hàm lượng cụ thể. Các cơ sở sản xuất tư nhân thường chỉ chú trọng đến hiệu quả làm xốp, nở nhựa mà có thể sử dụng các chất hóa dẻo này vượt quá mức cho phép.
Tăng phụ gia cho nhựa tái chế
Theo KS Vũ Tân Cảnh, phòng Nghiên cứu Vật liệu Polyme - Compozit, Viện Khoa học Vật liệu (Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam), các loại dép có màu tối thường sử dụng nhựa phế thải để tái chế, có nhiều nguồn gốc khác nhau mà người làm đôi khi cũng khó biết rõ xuất xứ.
Đặc điểm nổi bật nhất của loại nhựa này chính là gồm các thành phần nhựa mất vệ sinh và mang tính tận dụng cao. Ngoài ra, cũng vì lẫn nhiều loại nhựa với nhau nên màu tối sẽ che được khuyết điểm dễ dàng.
Tùy vào nguồn gốc các loại nhựa khi chế biến, gia công người sản xuất sẽ cho thêm các chất phụ gia vào để phù hợp với mục đích sản xuất. Ví dụ, có những loại nhựa xấu quá nên người ta phải cho thêm cao su để tăng độ kết dính hoặc chất hóa dẻo. Nhưng cho vào thì các chất này cũng chỉ mang tính liên kết chứ không đảm bảo như loại nhựa tốt.
Vì thế, tính liên kết của loại nhựa tái chế này vẫn kém. Cùng lúc đó, khi cho vào máy đùn bằng nhiệt các loại nhựa này vừa được quấy đều vừa làm nóng chảy để đùn ra nhựa. Từ các đùn nhựa mới cho vào khuôn dập ra sản phẩm. Với tính chất như trên nên khi sử dụng được một thời gian ngắn sẽ lộ diện các hạn chế như bở và nhanh đứt, đùn nhựa ra ngoài, các mùi hôi khó chịu phát tán.
"Mùi hôi mà nhiều người dân thường ngửi thấy ở dép chính là mùi nhựa bẩn, cháy tạo nên. Đồng thời, mùi dầu hỏa được dùng làm vệ sinh dép khi ra khuôn nhằm mục đích làm đẹp và bóng, giấu đi điểm xấu từ nhựa tái chế", KS Vũ Tân Cảnh giải thích.
Theo chuyên gia, hiện nay chưa có cơ quan chức năng nào kiểm soát đồ dùng từ loại nhựa tái chế này nên người dân vẫn phải biết tự bảo vệ mình để lựa chọn hàng tốt, tránh ảnh hưởng sức khoẻ. Bởi nếu tiếp xúc thường xuyên với đồ nhựa tái chế sẽ có nguy cơ bị thôi nhiễm các chất độc hại và mất vệ sinh có trong đó. Ví dụ, nhiều đồ dùng có nhựa bẩn thì còn có các chất như niken, đồng, chì, cadmi... Thậm chí, có người đi dép còn bị mạt kim loại thừa trong đó đâm vào chân gây nhiễm trùng.
Sản phẩm dép nhựa xốp dẻo do nhà sản xuất phải bổ sung các các chất phụ gia, hóa chất "Nguyên liệu chủ yếu để sản xuất các mặt hàng nhựa gia công này thường là nhựa tái chế được lấy từ nhiều nguồn khác nhau, nên chất lượng nhựa không thể đảm bảo, có thể lẫn nhiều tạp chất bẩn và các hóa chất độc hại, cũng như các thành phần kim loại nặng. Hóa chất tạo màu cũng được sử dụng rất nhiều trong sản xuất nhựa thủ công để tạo màu sắc bắt mắt, để tẩy trắng hoặc để làm tối màu các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa đen bẩn. Các hóa chất độc hại này không những bay mùi rất khó chịu, ảnh hưởng đến hô hấp mà còn có nguy cơ gây dị ứng, viêm da ở những người mẫn cảm". PGS.TS Phạm Gia Điền cho biết. |
PV