THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

15 August 2012

Cháy lớn tại khu công nhân Trung Quốc



TTO TIN NÓNG - Trưa 14-8, một vụ cháy lớn đã xảy ra tại khu ở của công nhân người Trung Quốc đang thi công nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng II (xã Tam Hưng, Thủy Nguyên, Hải Phòng).

Vụ cháy xảy ra vào khoảng 10g trưa. Lửa bùng lên từ một căn phòng nhỏ rồi lan ra các dãy nhà khác. Sau hơn hai tiếng, lực lượng phòng cháy chữa cháy (PCCC) mới khống chế được ngọn lửa.

Vụ cháy đã thiêu rụi và làm hỏng khoảng 50 phòng của hai dãy nhà.

Lửa bốc lên từ khu nhà ở của công nhân người Trung Quốc

Vụ cháy đã thiêu rụi, làm hỏng khoảng 50 căn phòng của hai dãy nhà

Lực lượng PCCC đang khống chế ngọn lửa

Các công nhân người nước ngoài ở nhiều dãy nhà khác dọn đồ ra ngoài vì sợ ngọn lửa lan rộng

Khu nhà này có năm dãy với gần một trăm phòng do nhà thầu Hồ Bắc xây dựng tạm bằng vật liệu nhẹ như tôn, gỗ ép, cọc sắt… cho khoảng 300 công nhân người Trung Quốc ăn ở, sinh hoạt.

Hiện các cơ quan chức năng đang điều tra nguyên nhân vụ cháy.

Tin, ảnh: THÂN HOÀNG

Khi giá xăng tăng liên tục?



Paulo Thành Nguyễn/Trịnh Kim Tiến - Việc tăng giá đã trở thành “điệp khúc” trong cuộc sống người dân những năm gần đây. Thời gian này, việc giá xăng tăng liên tục đã khiến dư luận không khỏi lo lắng và bức xúc.

Dân ngán ngẩm vì giá xăng tăng, đa số người dân “méo mặt”, nhăn nhó và kêu than vì giá xăng nhưng cuối cùng đều phải chấp nhận, cắn răng, nhắm mắt bỏ tiền ra đổ xăng cho các phương tiện đi lại của mình. Việc tăng giá xăng gây ra không ít khó khăn cho người dân, nhất là những người lao động, bởi sau đó sẽ kéo theo một loạt mặt hàng tăng giá, lạm phát gia tăng.

Chính phủ đã đưa ra lộ trình thị trường hóa giá cả xăng dầu, để các doanh nghiệp tự quyết định và điều chỉnh giá cả. Thị trường hóa giá xăng dầu là điều tất yếu trong nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam chỉ riêng Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex), Tổng công ty Dầu VN (PVOil) và Tổng công ty Thương mại kỹ thuật và đầu tư (Petec) đã chiếm hơn 90% thị trường (PPP). Trong đó, riêng Petrolimex chiếm khoảng 60% thị trường.

Sau khi được Nhà nước trao quyền chủ động giá thì tức nhiên việc PPP (Petrolimex, PVOil, Petec) tăng hay giảm giá xăng dầu có lợi cho họ là điều hòan tòan có thể xảy ra. Bên cạnh đó lại không có việc can thiệp, giám sát, kiểm soát giá chặt chẽ từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước. Và việc tăng giá xăng 3 lần / 1 tháng là minh chứng rõ nhất hậu quả về việc độc quyền xăng dầu.

Đồng ý là giá xăng dầu trên thế giới cũng tăng nhưng không đến mức liên tục và tắc trách như ở Việt Nam. Về cơ bản, chi phí sản xuất xăng dầu ở các trước trên thế giới được dựa trên bốn yếu tố :

1. Thuế
2. Chi phí phân phối, vận hành kinh doanh
3. Chi phí lọc
4. Chi phí khai thác dầu thô

Còn ở VN, xăng dầu sử dụng đều là xăng dầu được nhập khẩu nên giá xăng bán lẻ được tính bằng cách cộng giá nhập khẩu (CIF) với thuế (gồm thuế nhập khẩu, VAT) và phí lưu thông (gồm các chi phí như vận chuyển, lưu kho, bảo quản, khấu hao, tiền lương công nhân…). Nhưng trong khi ở VN, thuế nhập khẩu xăng dầu thấp hơn nhiều so với Campuchia, Mỹ , Úc... Vậy mà các nhà nhập khẩu xăng dầu ở úc, Mỹ, Campuchia... vẫn có lãi, còn ở VN thì tại sao luôn kêu than lỗ lớn thế kia?

Dư luận đòi hỏi phải có sự giải thích rõ ràng về việc tăng giá xăng liên tục tại Việt Nam. Chính vì vậy mà việc công khai giải đáp thắc mắc của PPP về chi phí nhập khẩu, phân phối và lưu thông vận hành xăng dầu là vô cùng quan trọng và cần thiết khi mà PPP đang nắm quyền kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam . Nếu PPP cứ tiếp tục im lặng và giá xăng dầu cứ tiếp tục tăng vọt sẽ không tránh được những suy nghĩ và nhận định của người dân cho rằng PPP có sự mờ ám, khuất tất, thiếu minh bạch bên trong. Ngày hôm trước có thông báo xăng sẽ tăng giá trên các mặt báo thì ngay đến hôm sau tại các trạm xăng, giá xăng đã chính thức tăng.

Nếu kinh doanh chỉ là đổ hết mọi tổn thất cho khách hàng khi có biến động giá thì đứa trẻ ba tuổi cũng làm được chứ không cần nguyên một bộ sậu của tập đoàn doanh nghiệp nhà nước.

Ngoài những lý do khách quan thì thái độ cam chịu của người dân trước việc tăng giá cũng là nguyên nhân dẫn đến việc lạm dụng, tăng giá tùy tiện của các doanh nghiệp xăng dầu.

Trước tình trạng xăng tăng giá, ở nhiều Quốc gia đã nổ ra những cuộc biểu tình phản đối và yêu cầu sự hỗ trợ từ phía Nhà nước. Ngày 30/3 /2012 tại nhiều nơi trong cả nước Indonesia đã có tới trên 81.000 người, nhất là sinh viên và người lao động tại các khu công nghiệp, đã xuống đường biểu tình phản đối dự định tăng giá xăng dầu được trợ giá của chính phủ. Ở Trung Quốc hồi tháng 08/2011 đã có hàng ngàn tài xế đình công vì xăng tăng. Gần hơn là hơn 200.000 tài xế taxi Hàn Quốc tổ chức đình công yêu cầu chính phủ cắt giảm giá nhiên liệu… Năm 2008 biểu tình phản đối tăng giá xăng đã diễn ra khắp châu Âu. Ở Pháp, ngư dân kéo đến kho xăng dầu lớn ở Fos- sur-Mer gần Marseille ở miền Nam nước Pháp biểu tình phản đối xăng tăng giá. Tại London, Anh, các tài xế xe tổ chức biểu tình, bóp còi inh ỏi ở trung tâm London. Khoảng 100 xe tải hạng nặng ở xứ Wales tham gia chặn đường gây ách tắc giao thông để phản đối giá xăng dầu lên cao. Hiệp hội các tài xế xe tải Tây Ban Nha Fenadismer từng dọa rằng họ sẽ biểu tình lớn để phản đối việc tăng giá xăng dầu nếu chính phủ không trợ cấp thiệt hại cho họ…

Còn ở Việt Nam, ngoài việc than vãn, tranh thủ đi đổ đầy bình xăng trước “giờ G”, thì liệu chúng ta có thể làm gì khác để thể hiện quyền bày tỏ thái độ của mình trước nạn "tăng giá" này?

Thầy đánh trò hàng loạt bị phạt 3 triệu đồng



15/08/2012 07:28:32
Theo kết luận ngày 27/7 của đoàn thanh tra Phòng GD-ĐT TP Thái Nguyên, sự việc thầy giáo đánh học sinh trên clip không xảy ra tại phòng trọ của ông Nguyễn Trung Thành. Mức phạt cho thầy giáo đánh học trò ở Trung tâm bồi dưỡng kiến thức cấp II Phạm Minh Tuấn (Thái Nguyên) bị xử phạt 3 triệu đồng.

Kết luận của Phòng GD cũng nêu, do tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm khi chưa được các cơ quan có thẩm quyền cho phép, cơ sở này bị xử phạt hành chính với cơ sở này 2 triệu đồng và dừng hoạt động.
Ảnh cắt từ clip

Sự việc xảy ra tại Trung tâm bồi dưỡng kiến thức cấp II Phạm Minh Tuấn khoảng giữa tháng 7. Sau khi clip được đăng tải cũng có nhiều ý kiến ủng hộ phương pháp dạy bằng roi của thầy giáo ở Thái Nguyên. Tuy nhiên, Trung tâm bị dừng hoạt động để xác minh làm rõ.

Theo kết luận ngày 27/7 của đoàn thanh tra: Sự việc thầy giáo đánh học sinh trên clip không xảy ra tại cơ sở của ông Phạm Minh Tuấn mà xảy ra tại phòng trọ của ông Nguyễn Trung Thành – cộng tác viên của cơ sở tại ngõ 206 đường Minh Cầu, TP.Thái Nguyên.

Ông Thành đã tốt nghiệp Khoa CĐ Toán của Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên năm 2006, chưa xin được việc làm. Ông Thành xin vào cơ sở dạy thêm, học thêm của ông Tuấn từ tháng 9/2011. Từ tháng 9/2011 đến tháng 5/ 2012 dạy gia sư một thầy một trò tại phòng trọ ngõ 206 đường Minh Cầu TP Thái Nguyên, từ ngày 6/6/2012 được phân công dạy một nhóm 10 học sinh.

Việc ông Thành đánh học trò vào khoảng 21h ngày 09/6/2012 đây là nhóm học sinh lớp 7 ôn tập lên lớp 8. Trước khi có hành động đánh trò, ông Thành đã trực tiếp trao đổi với phụ huynh học sinh và được sự đồng ý của gia đình với mục đích “giúp các cháu tiến bộ”. Sau khi sự việc xảy ra ông Thành đã nhận ra khuyết điểm của mình và đã đến xin lỗi gia đình 02 học sinh bị đánh.

Thanh tra Phòng GD-ĐT TP Thái Nguyên đề nghị hình thức xử phạt hành chính 2.000.000 đồng vì chưa được các cơ quan có thẩm quyền cho phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm. Cơ sở này cũng bị đề nghị dừng hoạt động dạy thêm, học thêm.

Phòng cũng đề nghị hình thức xử lí đình chỉ hoạt động dạy thêm trên địa bàn TP Thái Nguyên trong thời gian 01 năm đối với thầy đánh trò và yêu cầu phạt mức 3 triệu đồng vì có hành vi ngược đãi, hành hạ người học.

Nguồn: VietNamNet.vn

Xe ben đi ngược chiều ’đấu đầu’ ôtô CSGT


15/08/2012 07:52:59
Bị cảnh sát dừng xe vì đi vào đường cấm, tài xế xe tải đã bỏ chạy và ’đấu đầu’ xe công vụ trên đường gom Đại Lộ Thăng Long.

Theo thông tin từ diễn đàn Otofun, 13h chiều 14/8, trên đường gom Đại lộ Thăng Long đoạn qua xã Thạch Hòa (Thạch Thất, Hà Nội), xe tải chở vật liệu xây dựng đi ngược chiều. Bị cảnh sát giao thông phát hiện và chặn đầu, xe tải không dừng mà vẫn bỏ trốn, lao vào xe tải của cảnh sát. Rất may vụ va chạm chỉ khiến cả hai ôtô bị xước, không gây thương tích.
Chiếc xe tải chở vật liệu xây dựng và xe tải của Đội CSGT sau cú tông nhẹ. Ảnh: Otofun.

Trung tá Nguyễn Khắc Tân, Đội phó Đội CSGT số 11 (Công an Hà Nội) cho biết, 13h chiều tổ công tác của đội phát hiện xe tải đi ngược chiều, cảnh sát ra hiệu lệnh dừng xe, tài xế này đã chấp hành nghiêm chỉnh và bị lập biên bản xử phạt 1 triệu đồng lỗi đi vào đường cấm.

Lý giải việc hai xe đỗ sát nhau, gương chiếu hậu cong vào phía trong, ông Tân cho hay, "có thể xe tải đỗ đúng đoạn đường dốc nên bị trôi rồi nằm sát với xe của tổ công tác". Tuy nhiên, đoạn đường này khá phẳng và xe tải đã nằm sát vệ đường.

Vị lãnh đạo này cho biết thêm, tại đường gom hay trên đường chính của Đại lộ Thăng Long vẫn cắm biển báo nhưng nhiều xe vẫn cố tình vi phạm. Nhiều vụ tai nạn do đi ngược chiều đã xảy ra nên cảnh sát phải cắm chốt xử phạt.

Nguồn: Vnexpress.net

Cây xăng ngừng bán hàng bất thường: Phạt ai, ai phạt?



(Dân trí) - Ông Nguyễn Đắc Lộc, Chi Cục phó Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, không thể tước giấy phép kinh doanh của những trạm xăng đóng cửa trước giờ tăng giá, vì việc cạn nguồn xăng do đầu mối không cung ứng.
 >> Giá xăng dầu nhảy vọt, cước vận tải lao theo
 >> Ngừng bán xăng tràn lan trước giờ tăng giá: Khó xử lý?
 >> Sẽ rút giấy phép cây xăng găm hàng chờ tăng giá

Chiều 14/8, Dân trí đã có trao đổi với đại diện một số cơ quan chức năng về vấn đề các cây xăng đồng loạt "găm" hàng chờ tăng giá. Đây hoàn toàn không phải là hiện tượng mới xảy ra trong đợt tăng giá xăng ngày hôm qua (13/8) mà dường như đã trở thành "chỉ báo" giờ tăng giá xăng dầu mỗi lần có đợt điều chỉnh.

Ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội nói: "Ngày hôm qua, chúng tôi đã phải trực tiếp ra quân và tôi là người trực tiếp đã đến tận những cây xăng đóng cửa, mở cả téc ra không có giọt xăng nào. Và họ tuyên bố thẳng, họ lấy hàng qua đầu mối, chỗ thì Petrolimex, chỗ PV Oil nhưng đều không cấp hàng cho họ".

Ông Lộc khẳng định, việc "hết xăng" trước giờ tăng giá là lỗi ở đầu mối. Đến đây, đại diện Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, việc làm việc với đầu mối không còn nằm trong trách nhiệm, thẩm quyền của cơ quan này.

Cây xăng ngừng bán hàng bất thường: Phạt ai, ai phạt?
Liên tục để tái diễn hiện tượng "hết hàng" ngay trước giờ xăng tăng giá, người tiêu dùng sẽ bị thiệt hại song không được bảo vệ.

Còn Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) Đỗ Thanh Lam giải thích: quy định cấm đầu cơ, "găm hàng" với mặt hàng xăng dầu đã được Chính phủ quy định tại Nghị định 107/2008/NĐ-CP Quy định xử phạt hành chính các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, đưa tin thất thiệt, buôn lậu và gian lận thương mại trước đây và Nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.

Cụ thể, Nghị định 107 về xử phạt đối với hành vi đầu cơ hàng hóa ccó quy định các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa hoặc tạo ra sự khan hiếm hàng hóa giả tạo trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa là xăng, dầu, xi măng, thép xây dựng, khí hóa lỏng, phân bón hoá học nhằm bán lại thu lợi bất chính bị đều xử phạt từ 5 đến 35 triệu đồng.
Nghị định này có dành riêng Điều 5 quy định về xử phạt đối với hành vi găm hàng, theo đó việc cắt giảm lượng hàng hóa bán ra thị trường hoặc ngừng bán hàng không có lý do chính đáng bị phạt tiền 10 - 15 triệu đồng, mức phạt có thể tăng lên 30 triệu đồng tùy mức độ vi phạm.
Mức phạt sẽ nhân đôi nếu các hành vi vi phạm là của cơ sở phân phối hàng hóa hiện đại. Ngoài ra, còn có hình thức phạt bổ sung là tịch thu hàng hóa, thậm chí tước quyền sử dụng đến 12 tháng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, các loại giấy phép kinh doanh được cấp hoặc tước quyền sử dụng không có thời hạn trên 12 tháng trở lên trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

Như vậy, kể cả khi bị phát hiện, nếu các đơn vị vi phạm cân nhắc số tiền phạt vẫn thấp hơn số tiền đầu cơ thu được nhờ găm hàng thì họ vẫn thực hiện. Để đối phó, chế tài xử phạt đã được nâng lên đến mức có thu hồi giấy phép kinh doanh.

Trả lời báo giới, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Đào Minh Hải cho biết, cơ quan này sẽ xử lý nghiêm và công khai các cây xăng vi phạm, xem xét xử lý thích đáng, thậm chí có thể rút giấy phép kinh doanh các đơn vị cố tình đóng cửa để chờ tăng giá.

Tuy nhiên, khi trao đổi với chúng tôi, ông Lộc tỏ vẻ ngạc nhiên, "Làm sao rút giấy phép của họ được, đầu mối có cung ứng nguồn xăng để họ bán đâu. Không có hàng, họ không bán thì làm sao rút giấy phép".

Điều 31 của Nghị định 84 quy định về các hành vi vi phạm đối với thương nhân kinh doanh xăng dầu có khoản 3 nêu hành vi vi phạm của thương nhân làm tổng đại lý, đại lý bán lẻ trong đó có việc không đảm bảo số lượng, chất lượng xăng dầu bán ra trên thị trường theo quy định của pháp luật, có các hành vi đầu cơ, găm hàng...

Về phương án xử lý, ông Đỗ Thanh Lam cho biết, có nhiều cách chỉ đạo để xử lý vấn đề này, trực tiếp hoặc qua văn bản. "Cụ thể đến ngày mai chúng tôi sẽ có thông báo chi tiết", ông Lam hứa hẹn.

Nói như ông Nguyễn Đắc Lộc, sau khi xăng tăng giá xong, mọi việc lại trở lại trạng thái bình thường. Việc xử lý nếu không quyết liệt, việc vi phạm như thế này sẽ vẫn tiếp tục là một vòng luẩn quẩn: cây xăng đổ cho đầu mối, đầu mối đổ cho nguồn cung. Người tiêu dùng rốt cuộc vẫn là người thiệt hại.  
 
Trong khi đó, liên hệ với ông Nguyễn Văn Thành, Phó Trưởng ban Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) chúng tôi nhận được câu trả lời: Hiện tại, có quan này vẫn đang nghiên cứu, chưa có đề xuất nào liên quan đến vấn đề trên.
 
Bích Diệp

Nông dân Văn Giang cần một quan tòa công bằng



2012-08-14
Hôm 13/8, nông dân Văn Giang lại gửi một đơn kiến nghị trực tiếp lên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường yêu cầu được đối thoại trực tiếp với Bộ trưởng thay vì với Thứ trưởng theo như kế hoạch của bộ này cho buổi đối thoại sẽ diễn ra vào tuần tới.
AFP photo
Một vụ công an trục xuất người dân ra khỏi nhà tại Hà Nội hôm 07/7/2011 do người dân không đồng ý với giá đền bù.

Yêu cầu được gặp Bộ trưởng ...

Sau buổi làm việc hôm 10/8 của đại diện bà con nông dân huyện Văn Giang với Bộ Tài nguyên Môi trường để bàn về kế hoạch cho buổi đối thoại giữa người dân và bộ này dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 22/8 liên quan đến vấn đề cưỡng chế và thu hồi đất ở ba xã Xuân Quan, Phụng Công và Cửu Cao, người dân Văn Giang đã có một số điểm không đồng tình với kế hoạch của Bộ Tài nguyên Môi trường nên đã gửi đơn kiến nghị trực tiếp đến Bộ trưởng.
Luật sư Trần Vũ Hải, trợ lý pháp lý cho bà con Văn Giang cho biết bốn nội dung chính của kiến nghị:
Thứ nhất chúng tôi đề nghị người gặp là ông Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường vì ông ta là thành viên chính phủ và ông tuyên bố sẽ đối thoại với nông dân Văn Giang tại diễn đàn quốc hội. Thứ hai, chúng tôi yêu cầu trước khi làm việc phải có một văn bản trả lời nội dung 12 kiến nghị mà chúng tôi đã gửi cho Bộ Tài nguyên Môi trường cách đây hai tháng để minh bạch hóa những vấn đề liên quan đến dự án tại Văn Giang và trách nhiệm của Bộ Tài nguyên Môi trường.
Cho đến nay, họ (nông dân Văn Giang) vẫn chưa nhận được. Thứ ba, chúng tôi đề nghị mời Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải… là những bộ có quản lý liên quan đến dự án Ecopark và dự án đường hạ tầng. Đó là ba điểm chính. Ngoài ra chúng tôi còn đề nghị tạo điều kiện cho các phóng viên tham dự, đề nghị mời thêm chủ đầu tư, đại biểu quốc hội tham dự và chúng tôi cho rằng nếu cần thiết thì có thể tổ chức vào ngày chủ nhật cũng được.
Một người dân ở Văn Giang cho biết đã nhiều lần bà con đến Bộ Tài nguyên Môi trường yêu cầu gặp trực tiếp với Bộ trưởng nhưng chưa bao giờ được đối thoại với ông như lời hứa.
Ông Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường có đứng trước ti vi và nói là sẵn sàng đối thoại với dân Văn Giang, nhưng vừa rồi chúng tôi cũng đi ba bốn lần đến Bộ Tài nguyên Môi trường đòi hỏi ông ấy nhưng ông ấy vẫn tránh. Chỉ có ông Thứ trưởng là nhận sẽ tiếp chúng tôi.
Tuy vậy, người dân Văn Giang vẫn ghi nhận thiện chí của lãnh đạo bộ này trong việc tổ chức đối thoại với dân.
Được ông thứ trưởng thay mặt ông bộ trưởng tiếp dân chúng tôi thì thực sự chúng tôi cũng rất mừng. Nhưng ngược lại, trong cái mừng này chúng tôi cũng không biết phải nói thế nào bởi vì một mình Bộ Tài nguyên Môi trường thì qua mấy lần tiếp, ông thứ trưởng có nói một mình Bộ Tài nguyên Môi trường không giải quyết được. Chúng tôi yêu cầu bộ tổ chức để cho tất cả các ban ngành liên quan vào dự cuộc đối chất này thì mới phân biệt được người dân đúng thế nào và chính quyền sai ra sao.
Theo luật sư Trần Vũ Hải, ngay từ đầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cho rằng dự án đô thị Ecopark có nhiều thiếu sót và chưa được thủ tướng phê duyệt. Ngay cả con đường được coi là quốc lộ mà theo luật là phải có ý kiến của Bộ Giao thông vận tải thì cũng chưa bao giờ thấy ý kiến của bộ này.
Chúng tôi tìm hiểu quy hoạch của tỉnh Hưng Yên cũng như của quốc gia thì chưa bao giờ có đường lộ này. Sau khi nghiên cứu trực tiếp thì thấy rằng con đường chỉ phục vụ cho chính dự án đầu tư Ecopark, tức là phục vụ cho chính lợi ích kinh tế của chủ đầu tư thôi. Cho nên nó không thể là con đường mà chính phủ lấy ra để đổi đất lấy hạ tầng được.

... và họp tại nơi bị cưỡng chế

clip_image006[4]-250.jpg
Nông dân Văn Giang dựng lều giữ đất trước ngày bị cưỡng chế.
Chính vì những khúc mắc trên mà luật sư đại diện và người dân Văn Giang yêu cầu trong buổi đối thoại phải có đại diện của ít nhất hai bộ là Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Giao thông vận tải để có thể xem xét, giải quyết rốt ráo vấn đề.
Ngoài ra, địa điểm tổ chức đối thoại cũng là một vấn đề gây bất đồng giữa người dân và chính quyền. Nhiều người dân Văn Giang cho biết họ mong muốn buổi đối thoại sẽ được tổ chức ngay trên mảnh đất đã xảy ra vụ cưỡng chế, nhưng yêu cầu này đã không được chính quyền chấp thuận.
Dân chúng tôi muốn về Văn Giang là vì thế này, trực tiếp họ phá, họ cướp đất ở Văn Giang chúng tôi thì họ phải đối thoại với chúng tôi ngay trên mảnh đất đấy nhưng họ không nghe. Tỉnh Hưng Yên thì bảo cho chúng tôi xuống tỉnh. Nói thật với chị đi xuống tỉnh đến 50, 60 cây số mà dân chúng tôi đi như thế thì trên đoạn đường từ Văn Giang đến tỉnh là bao nhiêu sự cố xảy ra. Họ dùng xã hội đen, như chị biết đấy, lao cả vào nhà mấy ông đầu đơn để giết hại. Cho nên họ muốn đưa chúng tôi đi như thế là họ cũng sẽ dùng hình thức mà tôi cho là đen tối để hãm hại chúng tôi nên chúng tôi không nghe.
Cuối cùng, Bộ Tài nguyên Môi trường đã đưa ra giải pháp tổ chức đối thoại ngay tại bộ này. Mặc dù vẫn phải di chuyển một đoạn đường khoảng 20 cây số nhưng người dân Văn Giang đã chấp nhận giải pháp trên. Ông Dật, một đại diện đứng đơn, cho biết:
Càng xa càng nguy hiểm, người dân tiền nong không có mà đi xuống mấy chục cây số thì phương tiện xe máy ít, thuê ô tô thì nhiều lần thuê, người ta lại bắt bớ, có đủ biện pháp để người ta chặn ô tô lại, không cho ô tô đi để kéo dài thời gian ra thì mình lại xuống chậm. Nó lắm vấn đề lắm!
Chỉ còn khoảng một tuần nữa là đến ngày diễn ra đối thoại, người dân Văn Giang cho biết họ rất mong những người có thẩm quyền sẽ trở thành những quan tòa nghiêm minh và có trách nhiệm, biết đứng ra bảo vệ lợi ích cho người dân.
Đợt này chúng tôi mong muốn Bộ Tài nguyên có một ông quan tòa xét xử nghiêm minh, bảo vệ được dân. Nói thật, dân chúng tôi mà sai thì chúng tôi sẵn sàng chịu pháp luật trừng trị. Thế nên quan chức sai thì chúng tôi cũng mong pháp luật phải trừng trị những kẻ như thế. Qua bao nhiêu lần chúng tôi đi thì cứ mỗi một lần lại có thanh tra chính phủ.
Tôi chả hiểu thanh tra như thế nào nhưng thanh tra chính phủ cứ bảo là sẽ đối thoại với dân mà hai đợt thanh tra là hai đợt chúng tôi mất đất. Như hôm 4/5 vừa rồi, họ dùng hình thức cưỡng chế, nói thật với chị là nói thì hơi quá đáng, nhưng theo dân chúng tôi thì họ dùng hình thức đi ăn cướp. Nói thì bảo là nói xấu chế độ nhưng thực sự là họ đi ăn cướp.
Theo dự kiến, buổi đối thoại sẽ diễn ra vào ngày 22/8 tại Bộ Tài nguyên Môi trường nhưng luật sư Trần Vũ Hải và một số đại diện của nông dân Văn Giang cho biết bộ này vừa gọi điện thoại nói sẽ dời ngày đối thoại sang ngày 21/8, tức sớm hơn 1 ngày so với dự kiến. Thông tin này hiện vẫn chưa có thông báo chính thức bằng văn bản.
Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.