THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

15 May 2012

CA bắt giữ bà con Dương nội mặc áo đỏ đi chơi ngang qua vườn hoa Mai Xuân Thưởng 14/5/2012...

Xe công an biển số 31 A - 8432 đang bắt giữ bà con Dương nội mặc áo đỏ đi chơi ngang qua vườn hoa Mai Xuân Thưởng.

 Hiện đã bắt giữ 15 người lên xe và chưa biết chở đi đâu.
 Vậy thông báo để bà con biết, ảnh và phim sẽ được đăng lên khi bà con chuyển đến cho trang tin của tôi.




DIỄN BIẾN VỀ VIỆC BÀ CON VĂN GIANG ĐẾN THĂM VOV : 


Bà con mang cả hoa đến VOV
 Chị Ngô Thị Ánh - người bị công an đánh rất đau trong clip cũng đến VOV hôm nay.
Đây là cái áo của chị Ánh mặc hôm bị đánh, dù đã được giặt giũ sạch sẽ nhưng đã bị rách toạc.

Bao tải đầy bắp ngô non được mang đến tặng nhà đài.


 Sáng nay hơn năm chục bà con Văn giang đã mang theo ngô đến phố Bà triệu, vào trụ sở của VOV để xin gặp lãnh đạo đài, cám ơn nhà đài về việc đã cử phóng viên bám sát hiện trường trong ngày 24 tháng 4 năm 2012 - khi chính quyền Hưng yên cho các lực lượng đến cưỡng chế 72 hecta đất của Văn giang.
 Mặc dù Hưng yên thông báo cho các nhà báo hôm 23 tháng 4 tại cuộc họp báo rằng : " các nhà báo không nên đến hiện trường để đảm bảo an toàn", tuy nhiên vì nhiệm vụ tuyên truyền được lãnh đạo VOV giao, hai nhà báo Ngọc Năm và Phi Long đã vẫn phải đến hiện trường để tác nghiệp. Họ đã bị các lực lượng trong đó có công an đánh hội đồng gây thương tích, bắt giữ, còng tay, thu giữ máy ảnh, thẻ đảng, thẻ nhà báo, thẻ luật gia...
 Lãnh đạo VOV hôm nay không có ai tiếp bà con, chỉ có nhà báo Ngọc Năm tranh thủ vài phút gặp bà con.
 Cuộc gặp đã kết thúc sau khoảng 15 phút, ngoài đường trước cổng VOV, có đến hai xe của công an phường chuyên để dẹp trật tự và một xe 5 chỗ của quân đội, một xe car 45 chỗ của quân đội cũng " vô tình " đến nhà đài để làm việc.


Chắc đây là lần đầu bà con được đến thăm nhà đài, cũng nhờ vụ cưỡng chế ngay 24 tháng 4 mà có được vinh dự này.

 Trang tin sẽ tiếp tục cập nhật các tin vắn trong ngày.
 Cập nhật tiếp :
- Bà con gọi điện cho biết : công an đang chở bà con Dương Nội về số 6 Quang trung - trụ sở của công an Hà nội tại Hà đông.
- 11.30 bà con Dương nội cho biết : công an đưa bà con bị bắt lên xe thùng về số 1 Ngô Thì Nhậm, tuy nhiên bà con không đồng ý xuống xe, yêu cầu công an Hà đông phải lập biên bản về việc bắt người đi bộ trên phố. Bà con cương quyết sẽ sinh hoạt trên xe thùng của công an.
- 12.10 bà con cho biết : gần năm chục công an đang lao lên xe cưỡng chế bà con xuống khỏi xe, tình hình  đang rất hỗn loạn.
-12.45  bà con Dương nội thông báo : công an đã thả tất cả bà con ra, bà con hiện đang quay về khu Ba Đình để lấy xe máy, xe đạp gửi trên đó.

ĐƠN KÊU CỨU KÍNH GỬI CỤ LÊ HIỀN ĐỨC



CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự Do – Hạnh Phúc

ĐƠN KÊU CỨU
 KÍNH GỬI CỤ: LÊ HIỀN ĐỨC

Chúng cháu là những người nông dân mất ruộng và bị chính quyền đàn áp ngày 9 tháng 5 năm 2012 tại Liên Minh – Vụ Bản – Nam Định vì tội ra giữ ruộng của mình không cho họ phá.

Sự việc xảy ra như sau:

Khu công nghiệp Bảo Minh huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định được thành lập cuối năm 2007 đầu 2008. Lúc đầu thông báo là 150 ha, không hiểu vì sao sau này lại thấy thông báo là 165 ha?

Chính quyền không làm theo đúng trình tự các bước trước khi thu hồi đất được pháp luật quy định, làm đảo lộn trình tự cụ thể là: 


-   Ngày 20/01/2008 họp dân thông báo thu hồi đất làm khu công nghiệp.
-   Ngày 27/01/2008 Trả tiền bồi thường.
-   Ngày 07/4/2008 Mới có quyết định thu hồi.
-   Cuối tháng 8/2008 Mới được tỉnh duyệt phương án đền bù giải phóng mặt bằng.


Trong cuộc họp với dân ngày 20/01/2008 thì chùng cháu có thắc  mắc là sao giá đền bù quá rẻ vậy thì được cán bộ giải thích là: “Đất này chỉ có hạn đến 2013, thì nhà nước thu hồi, tiền này chỉ trả hoa lợi trên đất đến hết 2013 (Giá 27.000 đồng/m2) ai không lấy vẫn cứ thu hồi đất, còn tiền thì gửi vào ngân hàng Nhà Nước...” những người nông dân chân lấm tay bùn như chúng cháu suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nào đâu biết nghị định này, quyết định kia là như thế nào đâu... vừa sợ mất tiền và cũng tin tưởng vào Đảng và Nhà nước cùng Chính quyền địa phương chắc là họ không lừa mình đâu nên mọi người cùng nhau đi nhận tiền. Khi lấy tiền chúng cháu chỉ được kí vào phiếu chi và một loạt các tờ có ghi danh sách các hộ, loại đất, số diện tích, số thửa và vị trí cánh đồng chứ tuyệt nhiên không có bất cứ một biên bản bàn giao mặt bằng nào hết.

Sau tết nguyên đán 2007, con em các nơi về nghỉ tết đã chỉ ra những sai trái của chính quyền khi tiến hành thu hồi đất. chúng cháu đã đi khiếu nại nhiều nơi nhưng đều bị trả về huyện giải quyết.\

Ngày 24/9/2008 ông Nguyễn Văn Tuấn – Phó Chủ tịch tỉnh Nam Định có về đối thoại với dân mất đất của cả ba xã tại UBND xã Liên Minh. Sau khi nghe dân nói và chất vấn thì ông kết luận như sau:


“....Dự án này của công ty cổ phần dệt may VINATEX nhà đầu tư chỉ trả có 42.000 đồng/ m2 thôi ai bán thì bán, không bán trả lại tiền nhà đầu tư trả lại đất... Dân đồng thuận mới làm khu Công Nghiệp , nếu không đồng thuận thì tỉnh cũng không làm nữa...làm mà để tình hình an ninh trật tự bị bất ổn thì tỉnh cũng không làm...”. Chúng cháu nhất trí ngay nhưng chờ mãi mà không thấy ông cho người về nhận tiền.

Ngày 19/12/2010 xã Liên Bảo đón danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang thời kì chống Pháp.

Ngày 20/12/2010 xã Liên Minh đón danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang thời kì chống Pháp.

Đêm 20 rạng sáng ngày 21 tháng 12 năm 2010 chính quyền cho hàng ngàn bộ đội và công an, cảnh sát được trang bị đầy đủ vũ khí cùng lũ chó béc dê tràn xuống cánh đồng xã Liên Minh, chúng đánh đập, lôi kéo, khênh vác người dân quẳng lên đường Quốc lộ 10, toàn bộ xoong nồi đang nấu cơm bị chúng vứt xuống mương nước, chúng bỏ đất cát vào bao gạo của chúng cháu, túi bánh bì một người dân vừa mua về bị chúng giằng được và dẫm xuống bùn, hơn 100 người dân bị đánh tả tơi trông thê thảm lắm cụ ơi, tiếng kêu khóc vang cả cánh đồng, cuối cùng Chính quyền đã thắng, chúng cháu đã thua trên chính mảnh đất của mình với những thiệt hại là ruộng bị mất, dân bị đánh và chúng bắt đi tù 5 người thanh niên với tội danh cản trở và chống người thi hành công vụ.

Không chịu khuất phục bởi những sai trái của chính quyền và tin tưởng vào Đảng. Chúng cháu tiếp tục làm đơn gửi khắp các cơ quan từ địa phương đến TƯ nhưng đều bị TƯ trả về tỉnh - tỉnh trả về huyện, huyện bảo họ đúng...

Cuộc tiếp xúc với dân ngày 28/03/2012 với sự tham gia của ông Tuấn – Chủ tịch tỉnh cùng các phòng ban của tỉnh và huyện. Chúng cháu có chất vấn ông Tuấn là tại sao lãnh đạo nói trước dân một đằng sau ông lại làm một nẻo. Ông Tuấn công nhận là ông có nói là không bán 42.000 đồng/m2 thì trả lại tiền, nhà đầu tư trả lại đất nhưng ông bảo huyện báo cáo là dân đã nhận hết tiền rồi và mọi người đồng thuận nên tôi mới cho anh em làm, hỏi ông Xung – cán bộ huyện thì ông lại nói huyện báo cáo còn 119 hộ nữa chưa lấy tiền. Tỉnh, huyện đổ lỗi cho nhau, chúng cháu ở giữa bị đánh.

Nhưng thưa ông Tuấn, ông nói dối quá vụng về bởi vì sao ông đã biết rằng chúng tôi chỉ lấy tiền đợt I do bị ông lừa thôi chứ còn đợt II, đợt III chúng tôi đã lấy đâu, thế mới có buổi đối thoại ngày 24/9/2008 để cho ông tuyên bố với dân chứ.

Kính thưa cụ,

Chính vì câu nói của ông Tuấn tại UBND xã Liên Minh và sự thờ ơ vô cảm của ông nên ngày 9/5/2012 dân chúng tôi mới bị các ông đàn áp dã man như vậy.

Hàng mấy trăm công an, cảnh sát sắc phục có, thường phục có, được trang bị đầy đủ súng đạn, dùi cui, roi điện kèm ba con chó béc dê lúc nào cũng nhe răng dữ tợn đồng loạt xông vào đàn áp hơn 100 hộ dân. Chúng cháu nghe lời ông Tuấn ra giữ ruộng bị chúng vụt thẳng tay không thương tiếc bất chấp già trẻ, gái trai, bà cụ 80 tuổi người Cao Phương – Liên Bảo bị chúng bóp cổ và bẻ quặt tay ra đằng sau, kéo lê trên đường. Còn bà cụ Đạt 70 tuổi thì bị chúng vụt và đấm đá cho xưng hết mặt mày, ngất tại chỗ, xong chúng đem bà quẳng ra đường 10 nằm giữa trời nắng to (trên mạng có đăng ảnh).

Các bà, các chị bị chúng vụt cho kêu khóc vang trời . Các cháu nhỏ đi học qua thấy thế cứ đứng khóc tu tu lên và bảo sao các chú lại đánh bố mẹ chúng cháu vậy, các chú các bác ác quá nhưng các cháu chỉ biết đứng khóc chứ không dám vào can vì các cháu sợ lũ chó béc dê đang hung hăng nhe răng đứng đó. Những người đi trên đường 10 đều nói sao các anh ác thế, đánh dân như đánh kẻ thù vậy.

Cụ ơi sao thân phận người nông dân chúng cháu khổ thế, bị chính quyền đánh như đánh xúc vật, nhục nhã quá, cay đắng quá. Những bộ mặt vô cảm, những cái vụt thẳng tay, những cú đấm trực diện vào mặt mặc tiếng khóc, tiếng kêu xin nhưng tất cả đều vô vọng. Người đồ tể thấy con chó trước lúc bị giết nó tru lên cũng phải chùng tay dao xuống. Nhưng ở đây thì không, những bộ mặt hằm hằm, hung dữ, lạnh lùng vô cảm của các chiến sĩ công an và cảnh sát nhân dân.

Cụ ơi, chắc rằng họ coi chúng cháu là kẻ thù không đội trời chung, rồi sau 1 giờ chiến đấu họ đã chiến thắng, đuổi được kẻ địch ra khỏi trận địa, quân ta một số chiến sĩ bị thương máu chảy đầm đìa, bắt được 5 tên tù binh giải về huyện với thân hình tàn tạ, máu chảy đầy mặt, không còn sức chống đỡ nữa mà phải xốc nách mới lê được.

Còn về phía địch thì tồn thất quá lớn, bà cụ phải nhập viện ngay, còn bị thương thì vô kể, bị bắt 5 người đàn ông.

Cụ ơi, họ coi thân phận chúng cháu không bằng con chó, thích thì họ đánh, cướp, bỏ tù bất cứ lúc nào. Mà chúng cháu có tội tình gì đâu, suốt ngày tần tảo với ruộng đồng, làm mong đủ ăn và nuôi các cháu ăn học thành người tử tế , nào đâu biết giàu sang phú quý là gì. Tất cả mọi chi tiêu trong gia đình đều trông vào mấy sào ruộng. Bây giờ mất thì biết làm gì để sống và lấy gì nuôi các cháu ăn học thành người tử tế đây?.

Thưa cụ, xã chúng cháu có truyền thống cách mạng, bao nhiêu các anh hùng từ đây ra đi như Thượng tướng Song Hào, Nguyễn Phúc, Văn Cao, Nguyễn Cơ Thạch, Phạm Bình Minh...

Chúng cháu không phản đối chủ trương của Đảng và nhà nước, các nghĩa vụ đối với nhà nước chúng cháu đều hoàn thành tốt. Con em chúng cháu có mặt khắp nơi từ biên giới đến hải đảo để bảo vệ sự bình an của Tổ Quốc. Thế mà ở nhà chúng cháu bị Chính quyền đối xử vậy sao?

Thưa cụ, Chúng cháu nhờ cụ nhắn giùm tới con em chúng cháu đang ở biên giới hải đảo xa rằng: bố mẹ, anh chị chúng ở nhà đang rất cần tiền để đi điều trị vết thương, các con được Đảng và nhà nước trả lương cố gắng dành tiền gửi về nhà cho bố mẹ đi chữa trị vết thương sau cuộc đàn áp ngày 9/5/2012.

Nếu không có tiền thì không thể mua thuốc trị thương được, gia đình rất mong lương của con gửi về...

Thưa cụ, chúng cháu sẵn sàng hiến đất để làm các công trình an ninh, quốc phòng, chương trình kinh tế trọng điểm của nhà nước, sinh mạng chúng cháu còn không tiếc thì vài sào ruộng có là gì đâu. Nhưng dự án Bảo Minh này không nằm trong phạm trù đó thì chính quyền phải làm theo đúng pháp luật chứ sao lãnh đạo cấp tỉnh lại đi lừa dân, cướp mất quyền tự do dân chủ của chúng cháu, đẩy chúng cháu vào con đường cùng. Chúng cháu cảm thấy họ không cho chúng cháu quyền làm người nữa? Những kẻ đánh vào đầu chúng cháu không biết còn nhớ bản Tuyên ngôn Độc lập Bác Hồ đã đọc ngày 02/9/1945 giữa quảng trường Ba Đình nữa không?.

Cụ ơi, cụ hãy cứu chúng cháu với. Mong cụ hãy nói với các lãnh đạo có lương tri, biết thương dân hãy lên tiếng bảo về quyền được làm người của chúng cháu, hiện tại chính quyền đang dùng hệ thống tuyên truyền của huyện, tiếng loa đài ra rả suốt ngày, họ tuyên truyền với mọi người rằng chúng cháu là những phần tử chống đối, cần được xử lý trước pháp luật, yêu cầu mọi người tố giác tội phạm.

Tiếng loa như ngàn mũi dao đâm vào tim chúng cháu, bố mẹ, anh chị em đánh chửi nhau, hàng xóm nghi ngờ nhau, một không khí nằng nề u ám đang bao trùm lên quê hương Liên Minh một thời anh hùng của chúng cháu.

Kính thưa cụ: Chúng cháu chỉ biết trông nhờ vào cụ và mọi người có lương tri trong cả nước hãy lên tiếng cứu chúng cháu với. Ở dưới này chúng cháu không biết tin và ai được nữa. Bởi vì từ Chủ tịch tỉnh kiêm Phó Bí thư tỉnh uỷ Nam Định còn lừa chúng cháu thì cụ bảo chúng cháu biết tin vào ai bây giờ. 

Chúng cháu khẩn thiết kêu cứu tới cụ và mọi người, mong cụ và mọi người cứu chúng cháu với.
Chúng cháu xin chân thành cảm ơn cụ và mọi người đã giúp đỡ.

Liên Minh, ngày 9 tháng 5 năm 2012 
Vũ Bảo Minh
Thôn Lương Kiệt – xã Liên Minh cùng 120 hộ dân
_________________________________________ 


MỘT SỐ HÌNH ẢNH GỬI KÈM THEO ĐƠN KÊU CỨU 
(Một số bức ảnh chụp hình vị trí tương đối nhạy cảm, nhưng chúng tôi quyết định đưa lên, vì đây là đơn kêu cứu của một người phụ nữ, gửi đến một người phụ nữ. Mong chư vị hiểu và thông cảm) 









Chúng đánh bằng gậy cao su nên các vết đánh chỉ sưng to chứ rất ít bầm tím


Người này bị chúng đấm thẳng mặt tụ máu mũi,sưng hết mặt


Các ảnh trên do bà con gửi. NXD-Blog bổ sung thêm 01 ảnh dưới đây:



Báo Tuổi trẻ: NGƯỜI DÂN VĂN GIANG KIỆN CHỦ TỊCH HUYỆN




Đặng Bích Thủy, Chủ tịch huyện Văn Giang - kẻ đang bị người dân căm giận và kiện ra tòa

Người dân Văn Giang kiện chủ tịch huyện

TT - Một số người dân xã Xuân Quan, huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên) gồm các ông Đàm Văn Đồng, Đàm Như Hải, bà Nguyễn Thị Thậm đã nộp đơn đến TAND huyện Văn Giang khởi kiện chủ tịch UBND huyện vì đã không thực hiện theo yêu cầu của thanh tra tỉnh liên quan đến 57ha đất xã Xuân Quan cho thuê. 

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Phạm Thị Tĩnh, chánh án TAND huyện Văn Giang, cho biết cơ quan này đã nhận được đơn khởi kiện của người dân. Tuy nhiên qua xem xét đơn khởi kiện, TAND huyện Văn Giang đang yêu cầu người dân bổ sung tài liệu chứng minh các nội dung khởi kiện mà người dân đưa ra. Hiện TAND huyện mới nhận đơn, chưa thụ lý đối với đơn khởi kiện hành chính này.
Ông Đặng Hùng Võ
(nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường):
Lần đầu có chuyện đất công ích vượt mức quy định
Đây là trường hợp đầu tiên mà tôi biết chuyện để diện tích đất nông nghiệp làm đất công ích vượt quá 5% tổng diện tích đất nông nghiệp. Luật đất đai năm 1993 và 2003 đều quy định địa phương không thể để vượt quá con số 5% diện tích đất nông nghiệp toàn xã làm đất công ích, làm nguồn thu cho ngân sách xã. Nếu xã nào để vượt quá thì phạm luật và đương nhiên việc cần phải làm ngay là chia số đất vượt quá 5% ấy cho dân.
Trong trường hợp cụ thể nếu đất đó đã được thu hồi và chủ đầu tư đã trả tiền đền bù cho xã thì xã chỉ được để lại nhiều nhất 5% số tiền đền bù ấy, còn lại phải chia đều cho tất cả nhân khẩu còn làm nông nghiệp ở địa phương chứ không được sung công. Bởi việc chia ruộng hay chia tiền là như nhau.
H. ĐIỆP ghi

Theo đơn khởi kiện, UBND xã Xuân Quan cố ý làm sai, giấu diện tích đất và để tỉ lệ đất công ích trái quy định. Trong đó một phần diện tích đất xây dựng dự án Ecopark là đất công ích của xã Xuân Quan. Người dân cho biết 158 mẫu 8 sào 9 miếng đất (tương đương hơn 57ha, hiện đã thu hồi 20ha để làm đất dịch vụ) nằm toàn bộ ngoài đê do xã quản lý chứ không được chia cho các hộ dân. Ông Lê Thạch Bàn, xã Xuân Quan, cho biết: “Diện tích đất ấy chúng tôi phải thuê lại của xã để trồng hoa màu, nuôi cá và chăn nuôi”.

Viện dẫn bằng chứng về số đất bị giấu này, ông Lê Thạch Bàn chìa ra báo cáo kết quả làm việc của thanh tra tỉnh Hải Hưng (bao gồm Hưng Yên và Hải Dương ngày nay) ban hành ngày 4-9-1995 sau khi thanh tra đất đai theo kiến nghị của các hộ dân xã Xuân Quan. Theo đó, trong phần kiến nghị nêu rõ: yêu cầu UBND xã thu hồi 158 mẫu 8 sào 9 miếng gồm đất do HTX nông nghiệp quản lý, đất ao hồ đầm, đất sản xuất gạch và đất chuyển sang ao cá chưa được phép của UBND huyện.

Tuy nhiên từ năm 1995 đến nay, cả địa phương và huyện đều không thu hồi diện tích đất này mà vẫn tiếp tục cho bà con nông dân thuê và đấu thầu để trồng cấy.

Cụ Lê Văn Chi, 84 tuổi, nguyên đại biểu HĐND xã Xuân Quan nhiệm kỳ 1989-1994, cho biết: “Lúc đầu không ai biết tổng diện tích đất nông nghiệp là bao nhiêu, nên khi xã thực hiện nghị quyết của thường vụ tỉnh ủy Hải Hưng trong việc giao đất nông nghiệp, bà con không ai thắc mắc gì. Sau đó, thấy diện tích đất xã cho thuê quá nhiều nên một vài người làm đơn kiến nghị. Năm 1995, thanh tra tỉnh Hải Hưng đã về Xuân Quan làm việc và có báo cáo kết quả thanh tra. Nhưng thay vì chia ruộng đất lại cho dân thì lãnh đạo xã lại giấu bản thông báo ấy đi”.

Đến năm 1999, người dân thôn 1 mới được tiếp cận bản thông báo của thanh tra. Từ đó đến nay, nhiều lần bà con nông dân trong xã lên huyện, lên tỉnh, lên cả trung ương để kiến nghị.

Sau đó, Thanh tra tỉnh Hưng Yên đã giao UBND huyện Văn Giang lập đoàn thanh tra liên ngành (có sự đại diện của công dân xã Xuân Quan) để kiểm tra hồ sơ đất đai và hiện trạng sử dụng đất nông nghiệp của xã Xuân Quan, báo cáo kết quả trước ngày 31-12-2008, nhưng đến nay chưa có một đoàn thanh tra nào được lập. Vì vậy 57ha “đất giấu” vẫn chìm trong im lặng.

Khẳng định đây là việc làm “trái quy định và luật pháp”, ông Bàn nói: “Cả Luật đất đai năm 1993 lẫn Luật đất đai năm 2003 đều khẳng định căn cứ vào quỹ đất và đặc điểm nhu cầu của địa phương mà mỗi xã, phường, thị trấn được lập quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích không quá 5% tổng diện tích đất trồng cấy hằng năm, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản... để phục vụ các nhu cầu công ích của địa phương”.

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Lê Quý Đôn - phó chủ tịch UBND xã Xuân Quan - phủ nhận việc xã giấu 57ha đất để dư ngoài sổ sách.
HOÀNG ĐIỆP - MINH QUANG/Tuổi Trẻ
Ghi chú: Bài này đã bị gỡ khỏi Tuổi trẻ online.
Xem ở đây còn lưu.

Mời đọc thêm bài trên báo Tiền Phong:

Lời dẫn của NTT blogThời kỳ bà Đặng Bích Thủy còn làm phó chủ tịch huyện  Văn Giang  tỉnh Hưng Yên, chồng bà tuy không phải hộ nghèo vẫn được cấp  thẻ BHXH dành cho người nghèo. Ông dùng nó để chữa bệnh hết hơn 210 triệu đồng. Sau khi “nghiêm túc rút kinh nghiệm” bà lên chức chủ tịch. Trên cương vị này, ngày 5/4/2012, bà Đặng  Bích Thủy đã ký quyết định cưỡng chế thu hồi đất của bà con nông dân Văn Giang. Cuộc cưỡng chế đã được thực hiện vào ngày 24/4/2012 như chúng ta từng biết. 
Thẻ nghèo của chồng PCT huyện được giải trình thế nào?


TP - Có vợ là bà Đặng Thị Bích Thủy- Phó Chủ tịch Huyện Văn Giang (Hưng Yên), có cả nhà lầu, xe hơi, nhưng ông Nguyễn Văn Tuấn vẫn được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) người nghèo. Bà Phó Chủ tịch huyện giải trình thế nào về chuyện này?
.
Nhân viên bảo vệ của Trung tâm dịch vụ an ninh Thành Đồng dàn hàng ngang ngăn cản phóng viên vào UBND huyện Văn Giang

Công an vào cuộc

Ông Nguyễn Xuân Thơi, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Hưng Yên cho biết, sau khi nhận được đơn tố cáo, Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo UBKT (do bà Thủy là cán bộ thuộc diện Thường vụ Tỉnh ủy quản lý) làm rõ. Kết quả, gia đình ông Tuấn không thuộc diện hộ nghèo và việc cấp thẻ BHYT người nghèo cho ông Tuấn là sai đối tượng. 

Vậy ai đã đưa ông Tuấn vào danh sách để được cấp thẻ nghèo, thưa ông?

Hôm trước họp ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng tỉnh, tôi kiến nghị với Trưởng ban chỉ đạo, Chủ tịch UBND Tỉnh, yêu cầu công an vào làm tiếp. Tổ dân phố, thị trấn người ta đều nói không đưa ông Tuấn vào. Vậy thì ai đưa vào. 

Tôi cũng đã trao đổi với ông Giám đốc Công an Tỉnh cần đưa công an vào làm vì ngoài trường hợp này, chắc còn nhiều trường hợp khác. Ông trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng và cả Giám đốc Công an Tỉnh nhất trí sẽ làm tiếp. Từ trường hợp cụ thể này cần có một cuộc rà soát lại. Thực tế, việc quản lý thẻ BHYT người nghèo rất lỏng lẻo.

Thưa ông, cán bộ thị trấn thừa nhận họ đưa ông Tuấn vào danh sách từ năm 2003, đến năm 2006 dân có ý kiến và thị trấn đã loại ra nhưng sau đó Phòng Lao động TB&XH chủ động đưa ông Tuấn vào?

Uy tín của bà Thủy với cơ quan và cấp trên đang rất cao, bằng chứng là theo chỉ đạo bà vừa được Thường vụ Huyện ủy Văn Giang làm quy trình để giới thiệu vào chức danh chủ tịch UBND huyện tới đây, do chủ tịch đương nhiệm nghỉ hưu (?).
Ông Nguyễn Trọng Tiến, cán bộ chính sách thị trấn Văn Giang nói là chị Dung ở phòng Lao động TB&XH (nay bà Dung là Phó phòng Lao động TB&XH huyện Văn Giang) nói là đưa trường hợp ông Tuấn vào danh sách, để đề nghị Phòng LĐTB&XH xét. Còn các ông có thẩm quyền khi ký duyệt thì chỉ ký, không kiểm tra.
Khi giám sát, UBKT Tỉnh ủy có hỏi bà Dung vì sao lại đề nghị phải đưa ông Nguyễn Văn Tuấn vào không?
Không. Cái này chúng tôi không hỏi, vì không thuộc thẩm quyền của chúng tôi. Tới đây, khi công an vào cuộc, họ sẽ điều tra.

Bà Thủy giải trình ra sao?

Thưa ông, bà Thủy giải trình ra sao về chiếc thẻ nghèo của chồng?

Bà Thủy giải trình, năm 2003, khi chồng bà được cấp thẻ BHYT người nghèo thì bà đang đi học nên không biết. Còn sau này, khi chồng thực hiện khám chữa bệnh bằng tấm thẻ nghèo này thì bà ấy nghĩ chồng mình hưởng chế độ khám chữa bệnh theo diện gia đình chính sách.

Ông có tin là một người vợ, trong khi chồng trọng bệnh (ông Tuấn bị suy thận) mà không hề biết chồng đang khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT người nghèo?

Nói không biết thì cũng khó tin. Bản thân bà Thủy khi Thường vụ Huyện ủy Văn Giang làm việc với tổ giám sát cũng đã nhận khuyết điểm. Vì thế, trong thông báo kết quả giám sát đối với cán bộ, đảng viên chúng tôi cũng đã yêu cầu bà Thủy cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc vận động gia đình chấp hành chính sách pháp luật của nhà nước.

Trong thông báo kết quả giám sát, UBKT chỉ yêu cầu bà Thủy “nghiêm túc rút kinh nghiệm”. Như  thế có quá nhẹ nhàng, thưa ông?

Không có cơ sở khẳng định bà Thủy tác động để chồng có được tấm thẻ BHYT người nghèo, làm sao xử lý kỷ luật người ta được?

Quan điểm của Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên về việc này cũng như chuyện sắp xếp cán bộ ra sao, thưa ông?

Thường vụ Tỉnh ủy chưa họp nên tôi chưa biết.

Vậy còn trách nhiệm của cán bộ, cơ quan làm sai thì sao?

Công an vào cuộc sẽ làm rõ. Bởi không thể giải trình một cách dễ dàng như thế được. Không lẽ người ta làm đơn xin chế độ thương binh, liệt sỹ cũng cho à. 

Cảm ơn ông.

Sáng 16/7, một số nhà báo tới UBND huyện Văn Giang trình thẻ nhà báo đề nghị được làm việc với lãnh đạo về vụ việc này thì chỉ được các bảo vệ (của TT Dịch vụ An ninh Thành Đồng, được văn phòng UBND thuê) thông báo lãnh đạo đều đi vắng. 

Việc nhân viên dịch vụ bảo vệ trả lời thay cơ quan công quyền gây bức xúc cho các nhà báo và giữa hai bên đã xảy ra căng thẳng. Các nhà báo định vào dù không được phép và một nhân viên bảo vệ đã lên tiếng dọa giết.

Trao đổi với Tiền Phong, bà Dương Thị Minh Thái, Phó Giám đốc BHXH Hưng Yên, cho biết, hiện chưa thể thu hồi trên 210 triệu đồng khám chữa bệnh sai đối tượng của ông Nguyễn Văn Tuấn. Theo quy định, phải có kết luận của UBND Huyện Văn Giang mới có cơ sở để thu hồi.
Bá Kiên 


Nhà hộ nghèo Đặng Bích Thủy
NXD- Blog: Một số bạn đọc là cán bộ công chức ở huyện Văn Giang còn gửi cho chúng tôi nhiều thông tin về vụ bầu cử chức danh chủ tịch huyện Văn Giang nữa, cũng rất kinh. Đang chờ các tài liệu gốc. 

Hoãn vô thời hạn phiên xử phúc thẩm Trung tá CA Nguyễn Văn Ninh đánh chết người


Danlambao - Lúc 08 giờ sáng nay, 14/05/2012, Tòa án Nhân dân Hà Nội mở phiên phúc thẩm xét xử trung tá CA Nguyễn Văn Ninh đánh chết nạn nhân Trịnh Xuân Tùng (tại số 262, Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội). Ngay từ sáng sớm, gia đình nạn nhân Trịnh Xuân Tùng cùng người thân, bạn bè đã có mặt để theo dõi diễn biến phiên tòa. Theo thông báo, phiên tòa công khai vào cửa tự do. Tuy nhiên, tin từ hiện trường cho biết đây thực chất là phiên tòa xử kín, không ai được tham dự ngoại trừ người nhà nạn nhân. Mọi diễn biến liên quan đến phiên tòa sẽ được cập nhật ngay trên Danlambao.

*
Tin cập nhật lúc 10 giờ sángPhiên toà tạm hoãn và sẽ xét xử vào một ngày khác với lý do: không triệu tập đủ nhân chứng. Khi áp giải bị cáo Nguyễn Văn Ninh ra xe, viên công an áp tải tội phạm đã nói: "Nhà này làm chỉ mất thêm thời gian thôi".

* Cướp biểu ngữ của gia đình nạn nhân 

Cập nhật lúc 09:00 - Tin từ tòa án: Tòa chỉ triệu tập một nhân chứng là ông Phạm Quang Hùng và dân phòng Đặng Hoàng Anh (là người có hành vi bạo lực ấn đầu ông Trịnh Xuân Tùng xuống đất, trong vụ hành hung cùng với trung tá Nguyễn Văn Ninh). Tuy nhiên, người có trách nhiệm liên quan bị triệu tập là Đặng Hoàng Anh đã vắng mặt.

"Cưỡng chế" biểu ngữ
Phiên tòa phúc thẩm sẽ diễn ra trong căn phòng xử án rộng khoảng chừng 30m. Vụ án của gia đình ông Trịnh Xuân Tùng sẽ diễn ra sau một vụ án khác trong sáng hôm nay. Tin từ bên trong phiên tòa cho biết: Phòng xử hiện có 5 bị can của 3 vụ khác nhau. Vụ xử nạn nhân Trịnh Xuân Tùng diễn ra sau cùng. Rất ít ghế trong phòng xử, chủ yếu trong phòng hiện nay là công an.


Tòa phúc thẩm cấm cả báo chí. Lúc đầu, lực lượng dân phòng dàn hàng ngang trước cổng và chỉ cho phép một mình bà nội của Trịnh Kim Tiến (đã 90 tuổi) được vào. Sau khi những người có mặt đấu tranh quyết liệt, thì chỉ có 5 người từ phía gia đình nạn nhân Trịnh Xuân Tùng gồm: Mẹ, vợ, em trai và hai cô con gái của nạn nhân được vào.

Mặc dù phiên tòa được thông báo công khai, nhưng ngoại trừ người nhà nạn nhân, không ai được tham dự

Trong một diễn biến trước đó, trước sự chứng kiến của đông đảo người dân Hà Nội, lực lượng dân phòng đã ngang nhiên "cưỡng chế" biểu ngữ của gia đình nạn nhân Trịnh Xuân Tùng, bất chấp sự phản ứng của mọi người. (Xem Video)




Tại phiên sơ thẩm vào tháng 1/2012, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đã tuyên án 4 năm tù đối Trung tá Nguyễn Văn Ninh bằng tội danh “Làm chết người trong khi thi hành công vụ”. Cả tội danh và bản án đã khiến gia đình nạn nhân phản đối quyết liệt, dư luận cũng bày tỏ sự bất bình.
Hình ảnh bên bên trong tòa án trước giờ xử án
Trong phiên phúc thẩm lần này, con gái nạn nhân Trịnh Xuân Tùng là cô Trịnh Kim Tiến sẽ trực tiếp đứng ra tranh tụng mà không thông qua luật sư. Trịnh Kim Tiến khẳng định “Tôi cảm thấy công lý này cần tự mình giành lấy, và tôi sẽ đứng ra trước Tòa để tranh luận công khai minh bạch trong phiên Tòa sắp tới”. 

Tin cho biết, một số nhân chứng quan trọng trong vụ án đã không được tòa triệu tập, mặc dù gia đình nạn nhân đã nhiều lần làm đơn yêu cầu. Phiên tòa phúc thẩm hôm nay không triệu tập nhân chứng Bạch Chí Cường, Nguyễn Đức Minh và những công an phường Thịnh Liệt trực ban tối hôm xảy ra sự việc. Ngoài ra, những cá nhân tham gia đánh đập nạn nhân Trịnh Xuân Tùng cũng không hề được nhắc đến. Vụ án có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

danlambaovn.blogspot.com

Bên ngoài phiên tòa