Kênh truyền hình tiếng Anh ở Trung Quốc, BON, vừa có phóng sự vềBấm thị trường "nhập khẩu" cô dâu Việt Nam trong mục Góc người tiêu dùng.
Cái giá để cưới một cô dâu Việt Nam là rẻ mạt đối với đàn ông Trung Quốc so với cưới một cô dâu cùng quốc tịch, kênh này nhận định.
Phóng sự của Đài BON, tức Blue Ocean Network, cũng cho rằng phụ nữ Việt giúp đàn ông Trung Quốc tìm lại giá trị của bản thân.
Chưa thấy giới chức Việt Nam có phản ứng gì về phóng sự nhìn nhận các cô dâu như hàng hóa này.
‘Ế ẩm’
Phóng sự có độ dài 4’30" với tựa đề ‘Đàn ông Trung Quốc nhập khẩu cô dâu Việt Nam’ được phát vào thứ Sáu ngày 9/8 trong chương trình ‘Góc người tiêu dùng’ của kênh BON, tự nhận là kênh tiếng Anh tư nhân đầu tiên ở Trung Quốc.
Theo BON, hiện nay Trung Quốc có đến 11 triệu đàn ông chưa lấy vợ trong độ tuổi từ 30 đến 39.
Những người thuộc dạng này được xã hội Trung Quốc gọi là ‘độc thân ế ẩm’ (leftover singles).
Do sức ép từ gia đình phải lấy vợ, những người đàn ông 'ế ẩm' này phải ra nước ngoài để tìm cô dâu, đặc biệt là ở Việt Nam, Đài BON nhấn mạnh.
Lý do Việt Nam trở thành một quốc gia xuất khẩu cô dâu được đàn ông Trung Quốc ưa chuộng là vì ở đây ‘cứ 3 đàn ông thì có đến 5 phụ nữ’, theo phóng sự.
"Chỉ cần bỏ số tiền mua vài chiếc Iphone là có thể mua được cô dâu Việt. Các nhà môi giới này thậm chí còn cung cấp dịch vụ hậu mãi phòng khi cô dâu bỏ trốn. Quá hời."
Công dân mạng Trung Quốc
Tuy nhiên, lý do chính là ‘chênh lệnh giá quá lớn’ giữa cô dâu Việt Nam và cô dâu Trung Quốc.
Theo đó, chi phí để cưới vợ ở Trung Quốc có thể lên đến hơn 300.000 Mỹ kim, tức gần 6 tỷ đồng Việt Nam, trong khi để cưới một cô dâu Việt thông qua môi giới, đàn ông Trung Quốc chỉ cần bỏ ra chưa tới 5.000 Mỹ kim, tức khoảng 100 triệu đồng.
Một số cư dân mạng Trung Quốc mỉa mai về điều này, phóng sự của BON dẫn.
Một người viết: “Chỉ cần bỏ số tiền mua vài chiếc Iphone là có thể mua được cô dâu Việt. Các nhà môi giới này thậm chí còn cung cấp dịch vụ hậu mãi phòng khi cô dâu bỏ trốn. Quá hời.”
Một người khác bình luận: “Khi có con thì đứa trẻ này có thể nói được ngoại ngữ miễn phí. Thậm chí đi học ngoại ngữ còn đắt hơn (chi phí cưới cô dâu Việt).”
‘Tự tin hơn’
Phóng sự giới thiệu trường hợp một người thợ hồ ở Trùng Khánh, thành phố lớn nhất ở miền Tây Trung Quốc, vốn đang làm passport để sang Việt Nam tìm vợ.
Người đàn ông không rõ tên họ này cho biết anh ta không đủ tiền để cưới vợ ở các thành phố lớn của Trung Quốc vì anh ta đến từ nông thôn.
“Tôi nghĩ con gái Trung Quốc bây giờ quá say mê vật chất,” anh nói, “Tôi cảm thấy mặc cảm khi đi chơi với con gái thành thị.”
“Tôi muốn có một người vợ Việt Nam trẻ đẹp. Con gái Việt Nam sẽ giúp tôi cảm thấy tự tin hơn.”
Chi phí để cưới một cô dâu Việt – bao gồm tiền đám cưới, tiền trả cho nhà gái và lệ phí nộp cho nhà môi giới – tất cả cộng lại vẫn quá rẻ, BON cho biết.
Theo đó, trước đám cưới, chú rể Trung Quốc sẽ trả cho nhà gái khoảng vài trăm đô la.
Còn tiệc cưới ở Việt Nam chỉ tốn khoản 2.000 đô la. Đám cưới xong, chú rể được phép đưa cô dâu về Trung Quốc.
Một công dân mạng bình luận: “Tôi nghe nói nhiều gia đình ở Việt Nam chỉ đòi có 100 đô la. Mặc dù vậy, 100 đô đã là một số tiền lớn đối với họ.”
"Hôn nhân là phải có tình yêu. Hai vợ chồng sẽ phải ăn đời ở kiếp với nhau. Đằng này là sự kết hợp không có tình yêu giữa những người thậm chí còn không nói chuyện được với nhau."
Công dân mạng Trung Quốc
“Đám cưới ở Việt Nam trên thực tế cũng giống như ở Trung Quốc. Khác biệt duy nhất là mức sống ở Việt Nam thấp hơn, còn ở Trung Quốc con gái chỉ đòi nhà đòi xe.”
Buôn người?
Chỉ riêng tại thành phố Long Nham, tỉnh Phúc Kiến, trong những năm vừa qua đã tiếp nhận trên 2.000 cô dâu Việt, phóng sự cho biết.
Những cô dâu được các nhà môi giới chọn chỉ trong độ tuổi từ 18 đến 25. Các nhà môi giới dạng này nhan nhản ở trên mạng và ngoài thị trường.
Đa phần các cô dâu Việt này một chữ tiếng Hoa bẻ đôi cũng không biết.
Cũng theo BON, tỷ lệ cô dâu Việt bỏ trốn lên đến 25%. Những cô dâu nào vẫn gắn bó với chồng thì phải ở cùng chồng ở Trung Quốc ít nhất 5 năm thì mới được xem xét quyền cư trú lâu dài, còn không hàng năm phải đi xin lại thị thực.
Nhiều người dùng Internet thì nhận ra rằng các cuộc hôn nhân xuyên biên giới này thực chất là hành động ‘buôn người’.
Một người nhận định: “Hôn nhân là phải có tình yêu. Hai vợ chồng sẽ phải ăn đời ở kiếp với nhau. Đằng này là sự kết hợp không có tình yêu giữa những người thậm chí còn không nói chuyện được với nhau.”