THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

15 September 2012

Bánh trung thu rẻ tràn xuống phố



Chưa hết tháng 7 âm lịch nhưng tại nhiều nơi ở TP HCM, người bán đã treo bảng giảm giá bánh trung thu 20% - 50%. Bánh trung thu giá bèo cũng được tung ra.

Các xe tải bán bánh trung thu lưu động xuất hiện tại nhiều tuyến đường ở TP HCM, nhất là khu vực ngoại thành. Đặc điểm chung của những xe loại này là đều để tên các thương hiệu bánh quen thuộc nhưng bao bì, nhãn mác lại là thương hiệu… ăn theo. Trên bao bì bánh trung thu có ghi hạn sản xuất, địa chỉ cơ sở nhưng chỉ chung chung tên xã/phường, quận/huyện chứ không cụ thể.
Bánh trung thu giá rẻ được bán theo từng xe tải. Ảnh: Thoại An
Bánh trung thu giá rẻ được bán trên xe tải. Ảnh: Thoại An
Tại đường Trần Xuân Soạn (ngay dưới chân cầu Kênh Tẻ), một số xe tải nhỏ trưng bày bánh trung thu giá 15.000 đồng/cái. Thoạt nhìn, cứ tưởng bánh trung thu của một thương hiệu lớn đại hạ giá sớm nhưng xem kỹ, 2 chữ S.L được in nhỏ xíu phía trên tên thương hiệu này. Khi phóng viên thắc mắc tại sao cùng là bánh trung thu nhãn hiệu này mà có màu đậm – nhạt khác nhau thì người bán cho biết: loại ngoài cùng giá rẻ nhất (15.000 đồng/cái), những dãy bánh phía trên có giá 20.000 đồng/cái trở lên, loại đắt nhất lên đến 150.000 đồng/cái. Giá bán tùy thuộc vào… nhân bánh và màu sắc khác nhau để dễ phân biệt!
Theo chị Mai, người bán bánh trung thu giá rẻ, mùa trung thu năm nay khá đắt hàng, chị mới bắt đầu bán khoảng một tuần nhưng số lượng người mua đã tăng 30% so với năm trước.
Chủ một cơ sở bánh trung thu tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TP HCM cho biết sở dĩ giá bánh rẻ là do giá nhân công, nguyên liệu… rẻ, sản xuất số lượng lớn. Chúng tôi thắc mắc giá hầu hết các loại nguyên liệu như đậu, mứt, lạp xưởng, thịt heo đều tăng so với năm rồi, chỉ có các loại nguyên liệu chất lượng kém mới có giá rẻ thì người này chỉ trả lời lòng vòng.
Trong vai một người cần mua bánh trung thu giá rẻ về tỉnh bán, phóng viên tìm đến chợ Bình Tây (quận 6, TP HCM). Chủ một đại lý bánh trung thu tại đây khẳng định: muốn đặt bánh giá nào cũng có, chiết khấu lại cao. Theo anh này, nếu đặt bánh trung thu K.Đ thì lấy theo hộp 4 cái, chiết khấu cho người lấy hàng đến 24%. Với bánh trung thu Đ.K, chiết khấu cao không kém và giá nào cũng có.
Nghe ý định lấy bánh về bán cho công nhân tại các khu công nghiệp, anh này sốt sắng: "Vậy đặt bánh Đ.K đi, đủ loại, tha hồ mà chọn. Giá trung bình khoảng 20.000 - 40.000 đồng/cái. Nếu bán từ bây giờ, chị nên lấy loại rẻ chừng 20.000 - 30.000 đồng/cái, nếu muốn rẻ hơn nữa thì đặt loại 17.000 đồng/cái rồi kê giá lên gấp đôi, gấp ba vẫn hợp lý cho công nhân. Đến khoảng ngày 10/8 (âm lịch), chị treo bảng “mua một tặng tặng”, bán sát giá vẫn có lời".
Tại chợ Bình Tây, có đủ loại nguyên liệu làm bánh như mứt cóc, bí dài, bí hột, mè trắng, mè đen, hạt điều sấy khô, thịt xé, thịt xay không có nhãn mác, thường để trong một bọc lớn, không có thời hạn sử dụng. Khi có người hỏi mua nhân bánh làm sẵn, người bán hàng dè dặt đưa ra các bịch hỗn hợp sền sệt màu xanh, giới thiệu là nhân đậu xanh, đậu đen, hạt sen, khoai môn, kèm theo đó là một mẫu giấy nhỏ ghi thông tin khá sơ sài bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Một số sạp hàng còn cung cấp nguyên vật liệu làm bánh trung thu bất cứ thứ gì người mua cần: từ bột trung thu đặc biệt, sữa bột béo, bột bánh dẻo,… đến các loại hộp nhựa để đựng bánh và hộp giấy để trưng bày. Nếu lấy với số lượng lớn, người mua có thể được chiết khấu thêm 5% - 10 %.
Bánh trung thu không rõ nguồn gốc, giả nhãn hiệu thường được sản xuất chui và sử dụng nguyên liệu giá rẻ nhất để có lời. Hàng năm, các đoàn kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm phát hiện và xử phạt không ít cơ sở sản xuất bánh trung thu giá bèo sử dụng nguyên liệu không nguồn gốc xuất xứ, thịt bẩn, thịt thối… Tuy nhiên, vì lợi nhuận, các cơ sở này vẫn lén lút hoạt động.
(Theo Người lao động)

Bộ trưởng Đức gốc Việt thăm Việt Nam



Bộ trưởng Kinh tế và Công nghệ Đức Philipp Roesler sẽ có chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 17 đến ngày 19/9, theo thông tin từ Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức tại Hà Nội.
Những điều thú vị về bộ trưởng gốc Việt ở Đức

Phó Thủ tướng Đức gốc Việt Philipp Roesler. Ảnh: N24
Tại Hà Nội, ông Roesler sẽ gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng với các đại diện cao cấp khác của Chính phủ Việt Nam. Theo lịch trình, ngày 17/9 ông Roesler sẽ nhận bằng Tiến sĩ danh dự tại trường Đại học Kinh tế quốc dân (Hà Nội), và có bài tham luận chủ đề "Cơ hội của nền kinh tế thị trường xã hội" trước sinh viên của trường.
Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm lần này, vị Bộ trưởng gốc Việt của Đức cùng với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh sẽ tham dự Diễn đàn đối thoại Việt Nam - Đức, được tổ chức vào ngày 18/9.
Tại TP HCM, ngày 19/9 ông sẽ gặp Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng và tham dự Diễn đàn Kinh tế Đức - Việt, dự lễ khai trương Trường phổ thông giao lưu Đức - Việt và Trung tâm Công nghệ Đức - Việt.
Đi cùng với ông Philipp Roesler lần này còn có một số nghị sĩ quốc hội liên bang, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Cornelia Pieper và đại diện của khoảng 50 doanh nghiệp. Sau Việt Nam, Bộ trưởng Roesler sẽ có chuyến thăm tới Thái Lan.
Bộ trưởng Roesler nói: "Việt Nam và Thái Lan là hai nước đang vươn lên trong khu vực tăng trưởng kinh tế ASEAN và là những thị trường tương lai của nền kinh tế xuất khẩu của Đức. Đức có quan hệ đối tác chặt chẽ với hai nước này và chúng ta muốn tiếp tục mở rộng mối quan hệ đó."
Việt Nam có quan hệ truyền thống chặt chẽ với Đức. Từ năm 2011 quan hệ đối tác chiến lược đã được thiết lập nhằm hợp tác mạnh mẽ hơn nữa trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị và văn hóa, thực hiện đối thoại về nhà nước pháp quyền. Năm 2011 trao đổi thương mại song phương tăng 28% lên đến 5,7 tỷ Euro. Hai nước đều có nhịp độ tăng trưởng kinh tế đầy ấn tượng. Đối với cả Việt Nam và Thái Lan, Đức là đối tác thương mại quan trọng nhất trong EU.
Ông Roesler sinh năm 1973 tại Việt Nam, được một cặp vợ chồng người Đức nhận về nuôi lúc 9 tháng tuổi. Ông từng là bác sĩ phẫu thuật tim và lồng ngực. Trước khi là Bộ trưởng Kinh tế - Công nghệ kiêm Phó Thủ tướng Đức, ông Roesler là Bộ trưởng Y tế. Chủ tịch trẻ nhất trong lịch sử đảng Dân chủ Tự do (FDP) từng về thăm quê hương Việt Nam năm 2006.
Anh Quân

Bị mất việc vì tố cáo vụ hối lộ cho Lương Ngọc Anh



MELBOURNE (Người Việt) - Tám viên chức của Securency và NPA đang ra tòa để trả lời cho các cáo buộc liên quan tới hối lộ viên chức ngoại quốc để giành thầu in tiền giấy nhựa polymer. Tại Việt Nam, người bị tố cáo đứng bình phong cầm $20 triệu Úc kim chia lại cho sếp lớn ở Ngân Hàng Nhà Nước CSVN và có thể các cấp cao hơn, là Lương Ngọc Anh, tổng giám đốc Công ty Phát triển Công nghệ AFTD ở Hà Nội...

*

Người tố cáo công ty thầu in tiền Securency và công ty in tiền của chính phủ Úc (NPA) giao dịch và hối lộ cho một đại tá tình báo của công an CSVN, đã bị yêu cầu im lặng rồi cho nghỉ việc. 

Ông Brian Hood, một cựu giám đốc của Securency bị mất việc vì đã chống đối vụ hối lộ quan chức ngoại quốc để giành thầu in tiền giấy nhựa polymer cho Việt Nam và một số nước khác. (Hình: Sydney Morning Herald)

Những lời khai của ông Brian Hood, một giám đốc của Securency, với Cảnh Sát Liên Bang Úc trong cuộc điều tra đặt ra nghi vấn là có phải các viên chức của Quỹ Dự Trữ Liên Bang Úc (RBA) đã có phạm luật không khi nói dối Quốc Hội (trong các buổi điều trần), bao che tham nhũng hay đã trừng phạt kẻ đã đứng ra tố cáo sự sai trái. 

Tám viên chức của Securency và NPA đang ra tòa để trả lời cho các cáo buộc liên quan tới hối lộ viên chức ngoại quốc để giành thầu in tiền giấy nhựa polymer. Tại Việt Nam, người bị tố cáo đứng bình phong cầm $20 triệu Úc kim chia lại cho sếp lớn ở Ngân Hàng Nhà Nước CSVN và có thể các cấp cao hơn, là Lương Ngọc Anh, tổng giám đốc Công ty Phát triển Công nghệ AFTD ở Hà Nội. 

Theo bản tin của báo The Age nêu ra hôm Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2012, ông Hood đã khai với cảnh sát rằng năm 2008 ông đã nêu vấn đề quan ngại về tham nhũng nhưng phó thống đốc RBA là Bob Rankin lại báo cho ông biết là việc làm của ông không còn nữa. 

Một cựu phó thống đốc khác, Ric Battellino, tức người mà ông Hood báo động về các người môi giới tham nhũng, đã nói với ông rằng đừng bao giờ nêu vấn đề hối lộ. Sau đó, khi ông Rankin trở thành chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị của cả Securency và NPA thì thông báo cho ông Hood nghỉ việc vì “thừa người.” 

Những lời khai báo của ông Hood trái ngược với những lời điều trần ở Quốc Hội của ông Thống Ðốc Glenn Stevens rằng các chức sắc cao cấp của RBA không biết gì về chuyện hối lộ quan chức ngoại quốc. 

Lời khai của ông Hood cho biết không những vậy, ông đã nêu sự quan ngại với Phó Thống Ðốc Frank Campbell năm 2007 về những vụ hối lộ liên quan đến cả hai công ty NPA và Securency. Ông nói cả với ông Phó Thống Ðốc Mattellino, kiểm toán chính của RBA là ông Paul Apps và bà Helen Brown, luật sư nội bộ của RBA. 

Qua lời khai của ông Hood thì từ trên xuống dưới, dấu hiệu cho thấy cả các cấp cao nhất của RBA đã biết vụ việc từ lâu nhưng cố tình ém nhẹm để giữ mối thầu in tiền cho Việt Nam và các nước khác. 

Một ngày trước, báo chí Úc đưa tin Cựu Thủ Tướng Úc Paul Keating khi làm tư vấn cho một công ty Úc (Armaguard) được Cục Xúc Tiến Thương Mại Úc (Austrade) giới thiệu với Lương Ngọc Anh năm 2008 để nhờ tay này giới thiệu với các quan chức cao cấp của Việt Nam, nhắm mối thầu tư vấn về quản trị tài chính. Tuy nhiên, công ty Armaguard không tiến tới. 

Cựu Thủ Tướng Úc Paul Keating. (Hình: The Age)

Việc này diễn ra dù một năm trước cơ quan Austrade đã gửi một bức thư “tuyệt mật” gửi Securency cho biết tòa Ðại Sứ Úc ở Hà Nội đã điều tra và nói “Lương Ngọc Anh có thể là một viên chức cao cấp ở Bộ Công An hoặc một cơ quan trực thuộc.” 

Tuần trước, báo chí Úc tường thuật phiên tòa ngày 6 tháng 9, 2012 cũng cho biết một phái đoàn của Ngân Hàng Nhà Nước CSVN sang Úc cuối năm 2007 đã được cung cấp gái điếm mà chi phí do Securency trả. Trong đó một viên chức trong phái đoàn CSVN còn đòi cung cấp gái “tóc vàng.” (TN)


*

Bài cũ:

Lương Ngọc Anh cầm tiền hối lộ thay cho cấp trên 

MELBOURNE, Aus. (NV) - Công tố viên cáo buộc Lương Ngọc Anh, đại tá tình báo công an CSVN chỉ là người đứng bình phong nhận tiền hối lộ cho các sếp Ngân Hàng Nhà Nước CSVN trong dịch vụ công ty Úc in tiền giấy nhựa cho Việt Nam. 

Ðại tá tình báo của công an CSVN Lương Ngọc Anh làm tổng giám đốc công ty Phát Triển Công Nghệ (CFTD) bị công tố viên Úc cáo buộc là người trung gian cầm tiền hối lộ cho các sếp lớn. (Hình: Sydney Morning Herald)

Tin từ phiên tòa ngày 14 tháng 8, 2012 ở Melbourne xử các viên chức công ty dịch vụ in tiền giấy nhựa Securency và công ty in tiền của chính phủ Úc NPA (Note Printing Australia) được đăng tải trên tờ Sydney Morning Herald cho hay. 

“Người đại diện (agent) (tức Lương Ngọc Anh) được hứa hẹn (hoa hồng) trên căn bản là đã được thỏa thuận và được hiểu rằng từ tiền hoa hồng ông ta đưa hối lộ cho các chức sắc Ngân Hàng (Nhà Nước CSVN) để đạt hợp đồng in tiền mà đó là chủ đề của sự đàm phán.” 

Công tố viên Nicholas Robinson nói trong phiên xử như vậy và được báo SMH thuật lời. 

Ra tòa là 8 viên chức cao cấp của Securency và NPA bị truy tố về tội tham gia vào âm mưu hối lộ các viên chức chính phủ nước ngoài trong đó có Việt Nam để giật mối thầu in tiền. 

Nhà cầm quyền Việt Nam cho đổi từ tiền giấy sang tiền giấy nhựa polymer với công nghệ của nước Úc để đối phó với nạn tiền giả tràn lan khắp nước. Dù vậy, tiền polymer nay vẫn bị Trung Quốc làm giả với những số lượng lớn rồi tuồn vào Việt Nam tiêu thụ. 

Theo cáo buộc, viên chức Úc đã trả hàng triệu Úc kim tiền hối lộ cho các người trung gian có mối quan hệ với những viên chức chính phủ cấp cao tại các nước Á Châu như Indonesia, Malaysia và Việt Nam từ năm 1999 đến 2004. 

Ðương kim Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, thời đó là phó thủ tướng thường trực và chủ tịch Hội Ðồng Tài Chính-Tiền Tệ của chính phủ. Tháng 5, 1998, ông được Quốc Hội cử kiêm chức thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước và giữ ghế này đến tháng 12, 1999 thì bàn giao lại cho ông Lê Ðức Thúy. 

Vậy vụ việc Lương Ngọc Anh làm trung gian cầm tiền hối lộ của Securency và NPA diễn ra trong cả 2 thời thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước CSVN là Nguyễn Tấn Dũng và Lê Ðức Thúy. Số tiền “hoa hồng” từng được đề cập đến là $20 triệu Úc kim. 

Tại phiên tòa ở Melbourne, thẩm phán đã được nghe cáo buộc rằng Lương Ngọc Anh được dùng làm kẻ trung gian là qua sự đề nghị của đại diện thương mại Úc tại Việt Nam là bà Elizabeth Masamune. 

Một ngày trước, báo Sydney Morning Herald dựa vào các nguồn tin điều tra nói rằng bà có mối quan hệ tình ái với ông đại tá tình báo Lương Ngọc Anh. (Thật ra, báo Úc dùng từ intimately được hiểu là có liên quan đến tình dục). Khi được báo Úc yêu cầu bình luận, bà đã không trả lời. 

Khi ông Lương Ngọc Anh đòi công ty cung cấp tiền cho chuyến đi ngoại quốc (trong đó có cả chuyến đi Mỹ) của một số viên chức Ngân Hàng Nhà Nước CSVN, ông Clifford Gerathy đặt nghi vấn thì được bà Masamune nói đó là hành động bình thường của các công ty ngoại quốc làm ăn ở Việt Nam. Bà lại còn được thuật lời nói có rất nhiều những kẻ cạnh tranh khác sẽ sẵn sàng tài trợ những chuyến đi như thế (để tranh mối). 

Lương Ngọc Anh, 49 tuổi, hồi giữa năm 2009 được báo điện tử Ðảng Cộng Sản Việt Nam ca ngợi như một anh hùng, tuổi trẻ tài cao. Bài báo dài khoe khoang cuộc đời, sự nghiệp ông tổng giám đốc công ty Phát Triển Công Nghệ (CFTD) ở Hà Nội chỉ được ít ngày thì bị lấy xuống khi có bài viết tố cáo của báo Úc. 

Cho tới khi báo Úc khui ra qua nhiều loạt bài viết hơn hai năm qua, người ta mới biết kẻ cầm đầu CFTD là một đại tá tình báo của công an CSVN. Công ty này chỉ là bình phong hay là công ty “sân sau” của những kẻ quyền thế trong guồng máy cai trị độc tài ở Hà Nội. 

Nếu không có những móc nối, quan hệ ở thượng tầng guồng máy cai trị CSVN, cái công ty CFTD không thể trúng thầu những mối nhập cảng trang thiết bị “nhạy cảm” và béo bở cho hệ thống công an và Bộ Quốc Phòng CSVN. 

Trên báo Ðảng Cộng Sản Việt Nam, Lương Ngọc Anh từng cho hay công ty CFTD có vốn 400 tỉ đồng do đóng góp của 200 cổ đông, một số tiền không lấy gì làm lớn, nhưng lại có thương vụ hàng năm khoảng $30 triệu USD. Nếu người ta biết danh sách 200 cổ đông này gồm những ai, tiền bạc ở đâu ra để góp cổ phần, người ta có thể hiểu thêm được hậu trường quyền lực và kinh tài của những kẻ quyền thế tại Hà Nội. 

Theo báo Úc, Cục Xúc Tiến Thương Mại Úc (Austrade), để đạt được mối thầu in tiền polymer cho Việt Nam, họ đã phải dùng tới quan hệ tình báo ngoại giao. Tuy Austrade từ chối cung cấp thông tin nhưng báo Úc tin rằng những người cầm đầu Securency có tin tức Lương Ngọc Anh là đứng làm bình phong của Bộ Công An CSVN tại CFTD. Công ty này vừa đóng vai kinh tài, vừa là một trong những tổ chức tình báo và an ninh của Hà Nội. 

Trang mạng của công ty Phát Triển Công Nghệ (CFTD) 
phần giới thiệu thành phần cầm đầu vẫn có tên Lương Ngọc Anh là tổng giám đốc. (Hình: Internet)

Lương Ngọc Anh được mô tả là một nhân vật từng tháp tùng ông Nguyễn Tấn Dũng và các bộ trưởng khác nhiều lần ra ngoại quốc. 

Cho tới nay, chỉ mới có ông David J. Ellery, cựu quan chức tài chính tại công ty in tiền của chính phủ NPA là nhận tội và sẽ khai chống lại các người khác. 

Hiện các phiên thẩm vấn ở tòa án còn tiếp tục. (TN)

Nhiều “đại gia ngân hàng” bán hết tài sản cũng không thể trả hết nợ



Tiếng là “đại gia ngân hàng” nhưng nếu tính thẳng thắn ra chắc chắn nhiều đại gia dù có bán hết tài sản đi cũng không thể trả hết nợ tại các ngân hàng – T.S Lê Xuân Nghĩa thẳng thắn nói.

T.S Lê Xuân Nghĩa cho biết quyết tâm của Chính phủ trong việc ngăn chặn tình trạng lũng đoạn tại ngân hàng: Đồng tiền đầu tư vào ngân hàng phải là đồng “tiền sạch” 12 đời (đời - đi qua 1 chủ sở hữu).

Theo nguyên phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia – ông Lê Xuân Nghĩa, tình trạng lũng đoạn tại các ngân hàng đã được Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc Gia chỉ ra và báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ cách đây 2 năm.

Quy định của luật hiện hành thì cá nhân và những người liên quan không được phép sở hữu quá 20% tổng số cổ phần tại một tổ chức tín dụng, nhưng trên thực tế có những người sở hữu lên đến 50% thậm chí 60%.



Ông Nghĩa châm biếm rằng, đó là ngân hàng của “choa” (tao) chứ không phải ngân hàng của cộng đồng, nhân dân, ngân hàng của đất nước.

Chính vì thế chỉ ở Việt Nam mới có chuyện mẹ làm chủ tịch HĐQT, con gái làm tổng giám đốc, con trai làm phó tổng giám đốc… Việc này đã diễn ra trong vòng nhiều năm, nó như một góc xa lạ đối với thị trường tài chính quốc tế.

Trước đây, chúng tôi (Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia) đã cảnh báo đây được xem là nguy cơ lớn nhất đe dọa đến an ninh của hệ thống tài chính tại Việt Nam.

“Vĩnh viễn chúng ta không thể xóa được nợ xấu, hệ thống ngân hàng không thể lành mạnh nếu điều này không được chấm dứt. Bởi lẽ, ngay từ đầu việc người góp vốn đã không minh bạch” – ông Nghĩa nói.

Tiền ở đâu ra?

Về tỷ lệ sở hữu là thế. Nhưng ông Nghĩa cũng đặt câu hỏi: Tiền đâu để những cá nhân đó có thể sở hữu số cổ phần đó?

Cách đây vài năm NHNN có hàng loạt các yêu cầu về tăng vốn từ 500 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng, rồi từ 1.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng trong một thời gian rất ngắn.

Giả sử, một cá nhân đang sở hữu 30% cổ phần tại một ngân hàng có vốn điều lệ là 1.000 tỷ đồng, thì khi ngân hàng đó tăng vốn điều lệ lên mức 3.000 tỷ đồng, cá nhân đó muốn duy trì tỷ lệ sở hữu của mình thì đồng nghĩa với việc phải có thêm 1.000 tỷ đồng để đóng vào.

Số tiền trên là quá lớn đối với một cá nhân cộng thêm thời gian để có được số tiền đó lại rất ngắn.

Do đó, hầu hết các cá nhân này buộc phải “lao” vào sử dụng tất cả các công cụ tài chính để "biến" tiền gửi của dân cư thành tiền của mình.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Cũng dễ hiểu vì sở hữu ngân hàng sẽ đem lại lợi nhuận rất cao nên ít có ai bỏ lỡ cơ hội này. Thống kê cho thấy, lợi nhuận cao nhất rơi vào khoảng 33%/năm.

Ông Nghĩa chỉ ra cách kiếm tiền để góp vào duy trì tỷ lệ sở hữu của những cá nhân sở hữu tại các ngân hàng (tạm gọi là “đại gia ngân hàng”) cụ thể như sau: thông thường là họ sẽ lập ra các công ty con và dùng chính công ty con này để phát hành trái phiếu lấy tiền về đầu tư vào ngân hàng của mình đang sở hữu hoặc các ngân hàng khác; sau đó lấy chính số cổ phiếu tại ngân hàng mà mình nắm cổ phần về cầm cố vay vốn ngay tại ngân hàng của mình và lấy số tiền cầm cố được này đi trả nợ trái phiếu.

Tiếng là “đại gia ngân hàng” nhưng nếu tính thẳng thắn ra chắc chắn nhiều đại gia dù có bán hết tài sản đi cũng không thể trả hết nợ tại các ngân hàng – ông Nghĩa thẳng thắn nói.

Bởi lẽ, vòng quay của trái phiếu ra cổ phiếu, rồi từ cổ phiếu thành tín dụng và từ tín dụng trả trở lại cho trái phiếu thời gian quá ngắn.

Thời gian đó chưa đủ để cổ phiếu đó sinh lời để trả lại tiền cho trái phiếu. Chính vì thế nợ xấu của các “đại gia ngân hàng” tại các ngân hàng là tương đối lớn.

Tiền phải "sạch" 12 đời

Thủ tướng Chính phủ cũng đã rất bức xúc về tình trạng này và yêu cầu phải làm rõ vấn đề, đồng tiền đầu tư vào ngân hàng phải là đồng “tiền sạch” 12 đời (điều tra nguồn gốc 12 đời), trước mắt hãy chứng minh được đó là đồng “tiền sạch” 3 đời, ông Nghĩa cho biết. 

Ông Nghĩa cho rằng, việc chống thao túng sẽ tiếp tục được Chính phủ làm quyết liệt và dứt khoát phải làm sớm để làm trong sạch hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên, để đảm bảo không gây xáo trộn hệ thống thì cách thức xử lý có thể khác. Chẳng hạn giao cho ngân hàng nhà nước xử lý hành chính, ép giảm tỷ lệ xuống đúng như quy định, tịch thu số cổ phần dư thừa xung công quỹ…

Theo TTVN

Sự lố bịch của TT Nguyễn Tấn Dũng



Người không mang họ (Danlambao) - Ông Dũng là thủ tướng Việt Nam hiện nay, cũng là một trong 4 đầu sỏ tay sai của Trung cộng, là đồ tể nắm giữ nhiều quyền lực nhất về kinh tế cũng như chính trị. Không ít bè phái trong đảng CS Việt Nam tìm cách truất ngôi Dũng, nhưng với sự chi phối quyền lực như hiện nay Dũng đủ khả năng để đứng vững trên cái ghế Thủ tướng.

Là Thủ tướng chính phủ, nhiệm kì cuối cùng nên Dũng cố gắng vơ vét sức dân, cố gắng bán đất đai, bán biển đảo trong thời gian còn lại để xây dựng một đế chế cho mình, cho mấy chục đời con cháu được ấm no ăn sung mặc sướng. Trong bộ máy chính trị Việt Nam hiện nay, đó là một trò lố phân chia quyền lực, bè phái đấu đá lẫn nhau, trong 4 cái tên: Hùng - Dũng - Sang - Trọng, thì nhân dân Việt nam có thể thấy được sự thối nát đến tột cùng, nhưng để nói đến sự lố bịch, bỉ ổi, thối tha thì Nguyễn Tấn Dũng vẫn đứng vị trí số 1.

Sở dĩ không ngẫu nhiên mà nhân dân việt nam bầu chọn Dũng là tên lố bịch nhất, tất cả đều có nguyên do của nó, mà mẫu chốt vấn đề là: Lòng tham trắng trợn và sự độc tài quân phiệt.

Nói về lòng tham của Dũng, đơn giản đứa bé con cũng biết, từ người nông dân cần cù một nắng hai sương ở thôn quê đến những bác xe ôm nơi thành thị, đến những sinh viên đang trên ghế nhà trường hay tầng lớp tri thức như giáo viên, bác sĩ luật sư thì càng thấy rõ. 

Chẳng hạn mấy đứa sinh viên bàn nhau về ai là người giàu nhất việt nam, ban đầu chúng cũng tranh cãi nhau về ông này bà nọ chủ tịch tập đoàn này, tập đoàn nọ mà chúng từng biết trên internet, nhưng rồi, rốt cuộc một câu: Chẳng có ai giàu bằng... thằng Nguyễn Tấn Dũng

Mấy đứa sinh viên mà được đảng nhồi sọ bao nhiêu tư tưởng này, tư tưởng nọ giờ cũng gọi thủ tướng bắng ''thằng'' thì có thể hiểu được chúng không còn ngây thơ như đảng nghĩ. 

Mấy bác xe ôm lúc thưa khách cầm mấy tờ báo phe phẩy, khi thì úp lên mặt nằm dài trên xe cũng bàn chuyện Vinashin với Vinalines, rồi cuối cùng cũng chốt lại: Tất cả cũng đều là con bài của thằng Nguyễn Tấn Dũng, Dũng nó thích làm sao thì được vậy, dân mình có biết thì cũng chẳng làm được chi! 

Nhưng chắc các bác xe ôm vỉa hè và người dân lương thiện vẫn chưa biết rõ rằng Dũng đã xóa nợ cho Vinashin như thế nào, và dưới bàn tay lãnh đạo của Dũng trung bình mỗi người dân Việt Nam phải đóng 1 triệu đồng tiền thuế để trả nợ cho doanh nghiệp tập đoàn nhà nước đó. 

Shin vừa đắm xong thì Dũng lại đục thủng luôn cái Vinalines, 2 con thuyền kinh tế quốc dân do chính thủ tướng điều hành đang đang chìm là biểu hiện của sự đục khoét ghê gớm vào nền kinh tế của đất nước, nhưng con mọt đứng đầu trong lũ mọt ấy chính là Nguyễn Tấn Dũng. 

Nhìn bộ mặt bịp bợm của Dũng người dân Việt Nam không khỏi xót xa cho chính mình và chính nền kinh tế của đất nước, hai nhiệm kì lãnh đạo Dũng đã thỏa sức vơ vét tiền tài của cải nhân dân để làm giàu cho chính mình và bè lũ. Người dân tự hỏi, liệu có khi nào Dũng ta cảm thấy thế là quá đủ cho sự vinh thân mà động lòng thương tới lũ dân đen thấp cỏ bé họng hay không?

Sự lố bịch thứ hai là Dũng công khai bán nước cho Trung Cộng một cách trắng trợn, cũng chẳng trách được y vì chính y là con bài, con rối của Trung Quốc, được cộng sản Trung Quốc chăn nuôi cho khôn lớn, để sau đó dùng chính con rối đó chiếm lấy tài nguyên đất đai biển đảo của Việt Nam, chính Dũng đang từng ngày hút máu nhân dân. 

Người dân Việt Nam không khỏi bàng hoàng xót xa khi tài nguyên thiên nhiên đang ngày càng cạn kiệt mà Dũng lại rước người “Đồng chí tốt” “anh em tốt” vào khai thác tài nguyên bô-xít ở Tây Nguyên, điều đó chẳng khác gì Dũng “rước voi về dày mả tổ”. Trong khi đó Đại tướng Việt Nam Võ Nguyên Giáp là thế hệ đi trước, 3 lần gửi thư ngăn cản Dũng “rước giặc vào nhà dày xéo đất nước ta”, sau 3 lần gửi thư ngăn cản đó Tướng Giáp chịu sống cuộc đời thực vật đến nay, mà tài nguyên khoáng sản của quốc gia vẫn đang bị Trung Cộng. 

Vấn đề cho Trung cộng khai thác bô-xít Tây Nguyên có một thời đã trở thành chủ đề nóng trong lòng dân tộc Việt Nam, nhưng lũ dân đen thì làm gì mà cản nổi thủ tướng với một hệ thống quyền lực bậc nhất đất nước hiện nay. Rõ ràng điều đó cho thấy Dũng là tên bù nhìn của Trung cộng và Dũng đã bán tài nguyên đất nước cho Trung cộng với giá hàng trăm triệu đô la. 

Không chỉ bán tài nguyên cho Trung cộng, Dũng còn bán chính cả biển đảo Tổ quốc cho chúng. Với sự để hèn của một Thủ tướng Việt Nam, Dũng lặng thinh cúi đầu trước người anh Trung cộng, khi chúng không ngừng bành trướng ở Biển Đông, xâm phạm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của chính đất nước mình. Dũng dè dặt cho mấy tên phát ngôn bộ ngoại giao lí nhí phản đối cho có lệ để lừa bịp nhân dân. Còn nhân dân yêu nước nổi lên đi biểu tình phản đối sự xâm lăng của Trung cộng thì Dũng sử dụng lũ công an, côn đồ đàn áp, bắt bớ, tù đày. Điều đó cho thấy Dũng hèn với giặc và tàn ác với nhân dân. 

Cái lý do mà Dũng và cộng sản đưa ra để nói với quần chúng việc Trung cộng xâm chiếm hải đảo là: Mọi việc đã có nhà nước lo! - Vâng nhà nhà nước lo hết mọi việc khi Hoàng Sa mất vào tay Trung Cộng 1974, Trường Sa 1988, trong chừng ấy năm đủ thấy nhà nước đã giải quyết ổn thỏa như thế nào, hay nói thẳng ra để nhà nước bán đất đai biển đảo cho Trung cộng cho xong! Và sự thật như đã rõ ràng mà người dân có thể trông thấy, Dũng đã và đang cúi đầu, quỳ gối xuống trước Trung cộng, lễ phép đưa hai tay kính dâng tài nguyên, đất đai và biển đảo của dân tộc Việt Nam cho chúng. Không một sự bạc nhược nào có thể sánh bằng, không một ngòi bút nào có thể tả xiết nỗi nhục và sự đê hèn của thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng.

Sự lố bịch thứ 3 mà chúng ta có thể thấy ở Dũng đó là sự độc tài quân phiệt, bóp nghẹt tự ngôn luận, báo chí và nhân quyền. Vì những thông tin quá thật về sự thối nát của cộng sản việt nam từ lâu được che dấu, vì sự tham nhũng hàng tỷ đô la của Dũng và hệ thống cán bộ cộng sản dưới quyền, Dũng đã dùng một hệ thống phát thanh, truyền thanh, truyền hình hùng hậu cùng với hơn 700 tờ báo “lề đảng” để lừa bịp, mị dân. Mà công cụ đắc lực nhất là Đài truyền hình Việt Nam và Đài truyền hình Hà Nội đang từng ngày có những bước đi trái với sự thật, đạo đức, đạo lý của người làm truyền thông. 

Dưới sự gõ đầu của Dũng, những công cụ ấy vẫn đang miệt mài tìm cách che dấu sự thối nát của Đảng và các cá nhân trong Đảng, điển hình như bộ tứ quan tham: Hùng, Dũng, Sang, Trọng. Thực ra những công cụ đó họ đang nhận thức được việc sai trái mình đang làm nhưng vì địa vị quyền lợi, sợ hãi và miếng cơm manh áo mà phải trở thành kẻ vô tâm đi ngược lại với đạo đức của một con người.

Bên cạnh nỗ lực chỉ đạo hệ thống truyền thông lề đảng, Dũng còn thực hiện chính sách quân phiệt ra tay trấn áp những tờ báo “lề dân”, những người làm báo chân chính đang ngày càng phanh phui tội ác và sự lố bịch của y cũng như các thành viên trong đảng Cộng Sản. Bằng nhiều hình thức khác nhau, Dũng đã và đang ra tay trấn áp những blogger, những chiến sĩ thông tin chân chính, nhưng Dũng lại không biết được rằng một tay y không thể che hết cả bầu trời. Người dân Việt Nam ngày càng tỉnh ngộ và hiểu biết thông tin, họ có quyền tìm hiểu sự thật trên đất nước của họ nhờ đến sự kỳ diệu của internet cùng với sự cống hiến của các chiến sĩ thông tin đang mang đến cho người dân Việt Nam một cái nhìn mới về cái đảng và cái chế độ mà họ đang sống. Và bây giờ, 90 triệu người dân Việt Nam không còn ngu như đảng nghĩ. 

Song song với việc bóp chẹt quyền tự do báo chí là việc đàn áp nhân quyền. Dưới sự chỉ đạo của Dũng, tình trạng nhân quyền tại Việt Nam ngày càng trở nên tồi tệ. Chỉ vì muốn có một đường hướng mới xây dựng dân tộc trở nên giàu mạnh văn minh, dân chủ, nơi đó sự thật, công lý và hòa bình mà hàng trăm nhà bất đồng chính kiến bị bắt, bị nhốt, tù đày, tra tấn… Vì lòng tham muốn bá chủ đất nước, Dũng đã sử dụng mọi công cụ để thấu tóm quyền lực, dùng mọi thủ đoạn để đàn áp tiếng nói bất đồng chính kiến, nhưng tất cả dường như không làm lay chuyển ý chí của người yêu chuộng hòa bình, chính nghĩa.

Với những bước đi lố bịch, đê hèn và độc tài quân phiệt đó, Nguyễn Tấn Dũng đang cố nhấn chìm dân tộc Việt Nam vào một thế giới tối tăm, hệ lụy tạo nên những làn sóng căm phẫn trong lòng dân tộc Việt Nam. Nhân dân Việt Nam vẫn tin rằng kẻ “gieo nhân nào, thì gặp quả ấy”, và giờ đây nhân dân đã và đang nhận thức rõ những thối nát của Dũng cũng như của đảng cộng sản Việt Nam. Rồi sẽ một ngày, đất nước Chúng ta sẽ có một cuộc cách mạng mới, cuộc cánh mạng có sự ngự trị của Dân chủ, Sự thật, Công lý và Hòa bình. Đó là những khát khao đang nảy nở trên quê hương đất nước chúng ta.

Người không mang họ (Sinh viên học viện báo chí tuyên truyền)