THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

25 February 2012

Đất bố bị thu hồi, con phải tạm nghỉ việc



TP - Cải tạo hơn 5.000 m2 đất trong gần 30 năm, nhưng khi thu hồi ông Lê Hồng Ngọc chỉ được bồi thường hơn 2 triệu đồng! Con trai ông được yêu cầu tạm nghỉ việc để về quê "vận động" bố chấp hành lệnh thu hồi...
Khu ruộng của ông Ngọc đã bị thu hồi làm đường Ảnh: Minh Lê
Khu ruộng của ông Ngọc đã bị thu hồi làm đường. Ảnh: Minh Lê.
Theo đơn khiếu nại, ông Lê Hồng Ngọc (trú tại thôn Lão Cầu, xã Tiên Tân, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) thấy đất trũng, nhiều người chê không cày cấy, từ năm 1982, gia đình ông đứng ra đắp bờ phân vùng, cải tạo đất.
Gần 30 năm trôi qua, khu đất trũng nhiều thùng vũng đã biến thành những thửa ruộng màu mỡ, cho năng suất cao. Trong xác nhận năm 2009, Chủ tịch xã Tiên Tân khi đó là ông Phạm Nguyên Quyền khẳng định, ông Ngọc nhận khoán đất từ năm 1982.
"Trước năm 1982 ruộng này khó làm, thùng vũng nhiều do máy cày lớn đào khoét sâu, không bằng phẳng, gia đình hàng vụ phải san lấp mặt bằng để canh tác, cấy trồng. Đề nghị Hội đồng GPMB của huyện xem xét giải quyết", ông Quyền kiến nghị.
Ông Ngọc chỉ được hỗ trợ vỏn vẹn 2,29 triệu đồng tương ứng với công đắp bờ cho khu ruộng, ông Ngọc đã liên tục khiếu nại trong suốt hai năm 2010 và 2011.
Ngày 2-10-2010 khi đoàn công tác với cả chục cán bộ chiến sỹ công an đến "bảo vệ thi công" cho tuyến đường chạy qua khu ruộng bị thu hồi nhà ông Ngọc thì ngay trước đó, anh Lê Hồng Yên là con trai cả ông Ngọc đang làm việc tại Cty Khai thác Công trình Thuỷ lợi huyện Duy Tiên đã bị Giám đốc mời lên phòng Tổ chức cán bộ đưa văn bản của huyện yêu cầu anh Yên tạm nghỉ việc để về "vận động" bố mình chấp hành lệnh thu hồi đất của huyện!
"Đúng là xã có thiếu sót không ký hợp đồng khoán thầu với hộ ông Ngọc nên chúng tôi phải đi giải quyết hậu quả. Huyện đang chỉ đạo rà soát lại toàn diện về quản lý đất đai vì còn nhiều bất cập"- Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Tiên Phạm Hồng Thanh.
Anh Yên đã rời cơ quan về nhà nghỉ một tuần cho đến khi việc thu hồi đất của ông Ngọc hoàn tất thì trở lại cơ quan làm việc.
Ông Vũ Trí Thức – Giám đốc Cty Thuỷ lợi Duy Tiên thừa nhận đã yêu cầu anh Yên "tạm nghỉ ít ngày" về vận động gia đình chấp hành việc thu hồi đất vì đó là yêu cầu của huyện và tỉnh. Ông Thức cho hay không nhớ rõ tên lãnh đạo huyện đã ký văn bản yêu cầu.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Phạm Hồng Thanh – Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Tiên cho biết, sẽ kiểm tra sự lại việc. Ông Thanh cho rằng, vì phần đất ông Ngọc canh tác nằm trong diện tích đất công ích của xã nên tiền đền bù đất UBND xã được hưởng 40.000 đồng/m2 và ông Ngọc chỉ được hỗ trợ hoa màu, công cải tạo đất.
Việc ông Ngọc bỏ công sức ra cải tạo đất, làm cho đất màu mỡ hơn, nhưng nhà nước lại không có quy định nào để tính hỗ trợ cho khoản này thì đúng là quy định còn bất cập. "Ông Ngọc kiến nghị phải công nhận đó là đất nông nghiệp giao ổn định lâu dài được cấp sổ đỏ, nhưng thiếu cơ sở pháp lý"-ông Thanh nói.
Trong báo cáo gửi Chính phủ, UBND tỉnh Hà Nam cho rằng: "Đoàn công tác liên ngành của trung ương đã về làm việc với UBND tỉnh Hà Nam. Sau khi nghe báo cáo vụ việc, Đoàn công tác cơ bản thống nhất với việc giải quyết của tỉnh".
Tuy nhiên, Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước có văn bản phủ nhận ý kiến của UBND tỉnh Hà Nam. Văn bản nêu rõ: Tổ công tác của Thanh tra Chính phủ khi làm việc với UBND tỉnh Hà Nam là kiểm tra việc giải quyết khiếu nại tố cáo phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, không đi sâu xem xét từng việc cụ thể.
Việc trả lời của UBND tỉnh Hà Nam tại văn bản 1737 ngày 21-12-2010 gửi Thủ tướng và các cơ quan Trung ương đối với vụ việc nhà ông Lê Hồng Ngọc là không đúng với tinh thần nội dung buổi làm việc ngày 16-12-2010 của Đoàn công tác với UBND tỉnh Hà Nam...
Nhóm PV Thời sự

Ðà Nẵng mở chiến dịch bắt ăn mày



Thưởng tiền cho kẻ chỉ điểm

ÐÀ NẴNG (NV) - Nhà cầm quyền thành phố Ðà Nẵng đưa ra một kế hoạch 2 tháng nhằm dứt điểm đối phó với những người nghèo khổ xin ăn hoặc những người bán hàng rong, trẻ em đánh giày.
Một người bán hàng rong ở Ðà Nẵng. Tin cho hay nhà cầm quyền sẽ "đối thoại với người ăn xin, bán hàng rong." (Hình: VNExpress)
Trong một "chỉ đạo" gửi đến tất cả các ban, ngành, đoàn thể, quận huyện... của thành phố hôm Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2012, "Ủy Ban Nhân Dân" Ðà Nẵng ra lệnh càn quét tình trạng xin ăn, bán hàng rong, trẻ đánh giày trong thành phố.
Chiến dịch này dự trù diễn ra từ ngày đầu tháng 3 đến hết ngày 30 tháng 4 với mục tiêu "kiên quyết với nạn xin ăn trước thềm lễ hội pháo hoa."
"Lễ hội pháo hoa" là bắn pháo hoa mừng ngày nhuộm đỏ được cả nước, đưa cả nước vào gông cùm cộng sản độc tài đảng trị.
Theo kế hoạch này, các "đối tượng" sẽ bị lùa trở lại địa phương hoặc đưa vào "trung tâm bảo trợ xã hội."
Cuối tháng 12, 2011, nhà cầm quyền Ðà Nẵng siết chặt vấn đề người ngoại thành nhập cư bằng cách "tạm dừng đăng ký mới nhập cư vào thành phố" lấy cớ đang gặp tình trạng "quá tải." Ðiều này đã bị đả kích là trái luật. Hiến Pháp công nhận người dân có quyền tự do cư trú, tự do đi lại.
Theo báo Dân Trí, nhà cầm quyền Ðà Nẵng sẽ "vận động các cơ sở tôn giáo không tổ chức các hoạt động công đức ban phát từ thiện (quà, lương thực, tiền,...) tại nơi thờ tự; phối hợp tuyên truyền cho các tín đồ không mua hàng, cho quà, tiền cho các đối tượng biến tướng xin ăn; tổ chức treo các bảng quy định cấm không cho tụ tập đánh giày, bán hương, sách báo trong khu vực chùa, nơi thờ tự."
Ðối với những người nghèo khổ xin ăn, nhà cầm quyền Ðà Nẵng "lập đường dây nóng, thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân phát hiện người ăn xin báo cho lực lượng chức năng đến xử lý. Mỗi người dân khi phát hiện, báo tin được thưởng nóng 200,000 đồng."
Ði xin ăn là những người cùng khổ trong xã hội, không còn phương cách nào tự mưu sinh. Nó không phải là một "nghề" và không ai hãnh diện khi phải ngửa tay xin tiền hay miếng ăn từ người khác.
Nhiều làng quê Việt Nam, nhất là sau những đợt mưa bão làm trôi nhà, ruộng vườn bị tàn phá, không ít người phải chạy ra các thành phố xin ăn.
Báo điện tử VNExpress khoe rằng "Với các biện pháp mạnh, thành phố (Ðà Nẵng) không còn người xin ăn."
Trẻ đánh giày. (Hình: Thanh Niên)
Tuy nhiên, vì đánh giày, bán hàng rong, bán vé số không kiếm ra tiền, những người này trở thành người xin tiền mà nhà cầm quyền địa phương gọi là "biến tướng" nên cũng sẽ bị càn quét quyết liệt.
Theo VNExpress, "gần đây tình trạng này tái diễn. Họ đa phần đến từ các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế,..., mượn cớ bán hàng rong, đánh giầy, bán vé số để xin tiền của khách. Tại nhiều chùa lớn còn xuất hiện nhóm người già yếu, tàn tật hoặc giả tàn tật để ăn xin."
Báo điện tử VNExpress nói rằng nhà cầm quyền Ðà Nẵng "sẽ đối thoại với người xin ăn" trong khi báo Dân Trí thì nói nhà cầm quyền "tổ chức gặp mặt người ăn xin, đánh giày."(TN)

Nông dân Nam định biểu tình trước cổng Ủy ban Nhân dân tỉnh



Nữ Vương Công Lý - Liên tiếp nhiều ngày qua, tại thành phố Nam Định, trước trụ sở Ủy ban Nhân dân tỉnh và Tỉnh ủy Nam Định, dân chúng đã đến biểu tình, đòi nhà cầm quyền trả lại đất đai cho những người bị chiếm đoạt. Họ đòi gặp nhà cầm quyền để đối thoại, nhưng bị từ chối.
Chuyện "quy hoạch mở đường" và "nhà nước lấy đất, bán ruộng của dân cho các công ty, xí nghiệp với mức đền bù rẻ mạt là "chuyện thường ngày ở huyện" xảy ra trên khắp đất nước Việt Nam, cách đặc biệt tại tỉnh Nam Định.


Những người biểu tình cho biết: "Họ sẽ tiếp tục biểu tình cho đến khi nhà cầm quyền chịu đối thoại với họ, hoặc trả lại sự công bằng cho họ."

Cảnh sát đã tìm mọi cách ngăn cấm, không cho những người đi đường đứng lại xem hay chụp hình, với lý do: "Vì đây là vấn đề nhạy cảm". 


Trong một diễn biến khác, 
ngày 21/2/2012 vừa qua, khoảng 200 dân oan từ Đắc Nông, từ Dương Nội – Hà Đông, từ huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, đã tập trung tại 35 Ngô Quyền, Hà Nội, để bày tỏ sự phản đối chính quyền địa phương ngang nhiên chiếm đất, bán cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các khu du lịch sinh thái.

Nông dân Dương Nội, Văn Giang và tỉnh Đắc Nông biểu tình trước 35 Ngô Quyền, Hà Nội sáng 21/2

Vài năm trở lại đây, hiện tượng người dân bị thu hồi đất với mức giá đền bù rẻ mạt xảy ra rộng khắp các tỉnh thành cả nước. Nhiều nơi, người dân bị cưỡng chiếm đất đai, nhưng chỉ biết đau đớn nhìn khối tài sản của mình bị những quan chức biến chất xà xẻo chia chác lợi nhuận.

Trong khi đó, một số nơi người dân quyết tâm giữ đất bằng cách đến các cơ quan công quyền khiếu nại, nhưng hầu như tất cả các vụ việc đều bị chính quyền sở tại ém nhẹm, đe dọa, bắt bớ, giam cầm. Phần lớn các vụ việc đều bị cho chìm xuồng và số lượng người nông dân phải nhìn khối tài sản của mình rơi vào tay các nhà tài phiệt ngày càng đông. 


Sau vụ việc xảy ra ở Tiên Lãng, Hải Phòng, vụ việc được báo chí chính thống công bố rộng rãi trên mặt báo, nhiều nông dân mất đất đã tới thăm khu đầm anh Đoàn Văn Vươn, trong đó có những nông dân đến từ Dương Nội, Hà Đông, Văn Giang, Hưng Yên. Phải chăng, những nông dân này tới Tiên Lãng vì đã ý thức được hiệu quả của "tiếng súng hoa cải" trong việc đấu tranh đòi hỏi quyền lợi của mình? 


Hải Phòng: CA trả thù các nhà báo tác nghiệp vụ Tiên Lãng?


Danlambao - Báo Dân Việt sáng thứ Bảy ngày 25/02/2012 đưa tin "Phóng viên bị dọa giết vì chụp ảnh công an gây tai nạn"

Khoảng 21 giờ 15, ngày 23.2.2012, phóng viên các báo Nông Thôn Ngày Nay, Thanh Niên, Pháp luật TP.HCM, Tuổi Trẻ nhận được thông tin vụ tai nạn giao thông do một số công an gây ra khi họ đuổi bắt đối tượng vi phạm đâm vào người đi đường trên đoạn đường Trần Hưng Đạo, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hồng Bàng. Nhóm phóng viên ngay sau đó xuống hiện trường, thấy có 4-5 người mặc cảnh phục. Trong khi phóng viên các báo nói trên ghi hình, ghi âm thì bị một chiến sĩ công an lao lên giật máy ảnh, nhưng không thành.Khoảng 5 phút sau, khi công an cho nạn nhân lên xe đi cấp cứu, thì xuất hiện ít nhất 3 đối tượng lạ mặt. Một đối tượng lao vào yêu cầu không ghi hình nữa và xóa toàn bộ hình đi.Tuy nhiên, người dân đứng đó theo dõi vụ việc có ý kiến bảo vệ phóng viên, đối tượng này đã lẩn vào đám đông. 
 
Các phóng viên lấy ý kiến nhân chứng, rồi đến quán café gần đó làm việc. Khoảng 2 phút sau, thì 3 đối tượng lạ mặt lúc trước đi đến. Một đối tượng lao vào túm gáy một phóng viên, bắt đưa máy ảnh và tất cả những gì liên quan đến vụ tai nạn. 

Đối tượng khác thì ngồi đe dọa "chọc thủng mắt" các phóng viên và các phóng viên khác nếu không xóa mọi dữ liệu liên quan. Các phóng viên buộc phải xóa các file liên quan đến vụ việc trước sự giám sát của chúng. 

Chúng đe dọa: Nếu ngày mai trên báo, trên mạng có thông tin về vụ việc vừa xảy ra, chúng sẽ chọc thủng 2 mắt, giết, đốt cả nhà phóng viên. (Lời kể của một phóng viên trong cuộc) 

Phóng viên Phạm Mạnh Thắng, báo Nông thôn ngày nay bị hành hung 
Sau vụ việc xảy ra, các phóng viên đã gọi điện cho ông Dương Tự Trọng – Phó Giám đốc Công an TP. Hải Phòng, ông Trọng nói gọi cho ông Đỗ Hữu Ca - Giám đốc Công an thành phố thì ông Ca lại "hướng dẫn" trình báo với Công an phường Hoàng Văn Thụ. Tại đây các phóng viên đã viết bản trình báo, Công an phường lấy lời khai, yêu cầu 2 trong số phóng viên lên Công an quận Ngô Quyền lấy lời khai đến 3 giờ sáng ngày 24.2.

Chiều ngày 24.2, khi không nhận được thông tin gì từ Cơ quan điều tra Công an TP. Hải Phòng về vụ việc, phóng viên của một số cơ quan báo chí đã đến Công an phường Lương Khánh Thiện để xác minh thông tin các chiến sĩ công an gây tai nạn. 

Tại trụ sở Công an phường, chúng tôi thấy có tên các chiến sĩ công an như: Bùi Văn Dũng, Nguyễn Minh Tiến trùng với tên trên biển hiệu của các chiến sĩ công an gây tai nạn tối 23.2 mà phóng viên vẫn giữ được hình ảnh vụ việc.

Sau khi giới thiệu, ông Nguyễn Thế Đạt - Phó trưởng Công an phường Lương Khánh Thiện đã tiếp nhận các ý kiến của phóng viên và nói chưa được nghe cụ thể thông tin vụ việc xảy ra tối 23.2. Được một lúc ông Đạt xin phép ra ngoài, nhưng không thấy quay lại. 

Nhóm phóng viên đề nghị công an trực ban báo cáo với lãnh đạo Công an phường để tiếp tục làm việc thì chiến sĩ công an này từ chối, hẹn các phóng viên khi khác và không ghi vào sổ trực ban việc phóng viên đến liên hệ công tác. 


***

Được biết, nhóm phóng viên có mặt tại hiện trường vụ tai nạn giao thông tối ngày 23.02.2012 trên đường Trần Hưng Đạo (phường Hoàng Văn Thụ, quận Hồng Bàng, Hải Phòng) là những người có mặt và theo sát vụ việc xảy ra tại Tiên Lãng.

Nhiều câu hỏi được đặt ra: "Phải chăng chuyện công an Hải Phòng, dưới sự lãnh đạo của ông Đỗ Hữu Ca, đang muốn dằn mặt nhóm phóng viên đã tham gia tác nghiệp tại Tiên Lãng?". Mặc dù tham gia chỉ đạo trực tiếp buổi cưỡng chế trái pháp luật đối với hộ gia đình ông Đoàn Văn Vươn, nhưng đến nay, trong các văn bản chính thức, và kết luận cuối cùng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, không hề thấy có hình thức khiển trách hay xử lý, kỷ luật nào đối với ông Đỗ Hữu Ca – Giám đốc Công an Hải Phòng.

Điều này khiến người ta dễ dàng nghĩ đến việc Thủ tướng dung dưỡng cho một hình thức côn đồ xã hội đen mới mang tên công an. Đặc biệt là đối với trường hợp Hải Phòng, nơi mà ông Thủ tướng Dũng đang là Đại biểu Quốc Hội

Qua vụ việc đe dọa, hành hung các phóng viên tối ngày 23.02.2012, người ta càng nhận thấy rõ hơn mối liên kết chặt chẽ, có hệ thống giữa công an và côn đồ. 

Ai sẽ bảo vệ các nhà báo, bảo vệ những công dân can đảm trước sự lộng hành của thế lực côn đồ trên? 

Câu trả lời, xin nhường lại cho ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Danlambao

Cần chế tài mạnh hơn đối với các hành vi cản trở báo chí


Ngộ độc thực phẩm, 60 công nhân nhập viện


Một tàu cá bị tàu Trung Quốc uy hiếp, tịch thu đồ đạc


'Trung Quốc phải dừng xâm phạm chủ quyền VN'

TP - Ngày 24-2, trở về với con tàu rỗng không, 11 ngư dân nước da đen nhẻm bước xuống tàu với vẻ mệt mỏi. Thân tàu bị thủng vì đạn cháy. Chủ tàu Đặng Tằm nói: "Bám biển Hoàng Sa bị tàu tuần tra Trung Quốc thu hết đồ đạc". Sau đây là lời kể của các ngư dân do chúng tôi ghi lại được.

Vết đạn trên tàu
Vết đạn trên tàu .

Lấy sạch

7h 30 phút sáng 24-2, tàu QNG 90281 TS của ông Đặng Tằm (ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đưa 11 ngư dân trở về cửa biển Sa Kỳ trong sự mệt mỏi. Các ngư dân bị tàu tuần tra Trung Quốc mang số 789 bắt giữ ở đảo Xà Cừ thuộc quần đảo Hoàng Sa chiều 22 - 2.

Chân thấp, chân cao bước lên bờ, ngư dân Đặng Tự cho biết, anh bị liệt nhẹ 2 chân nên anh em giao cầm lái. Khi tàu tuần tra sáp tới, anh Tự quyết định chơi kiểu nai chọi sư tử.

Anh Tự lặng thinh cho tàu nổ máy chạy. Thế nhưng, đạn lửa bên tàu tuần tra nã sang ầm ầm. Một viên đạn xọc thẳng vào ca-bin. Những loạt đạn khác dội lắc cắc trên thân tàu nghe sởn da gà.

Khi tàu tuần tra kè sát tàu cá, 6 tuần tra viên đồng loạt nhảy qua tàu. Nhanh như cắt, họ hốt chùm mũi tên trên tàu cá ném xuống biển thật nhanh vì sợ những mũi tên này trở thành vũ khí trong tay những ngư dân nghèo. Đây là mũi tên mà ngư dân sử dụng để bắn cá.

Trước khi nhảy qua tàu, các tuần tra viên kéo vòi rồng chữa cháy ra boong tàu và xả vào ngư dân. Ngư dân phải cuộn mình, day lưng và bám vào nhau để chống chọi vòi rồng.

Năm 2010 bị bắt lần thứ nhất, giờ là lần 2 nên các ngư dân đều giữ bình tĩnh và quan sát nhất cử nhất động của tuần tra viên trên tàu cá. Nhiều ngư dân thì thào cho rằng, chắc sẽ bị bắt giữ và đưa về đảo Phú Lâm phạt tiền.

Một tuần tra viên nhào vào ca-bin, tháo hết máy dò, Icom, định vị. Số khác lục đục xúc cá trong hầm, một tuần tra viên hốt quần áo ném xuống biển.

Các tuần tra viên kéo dây hơi ra sàn tàu và dùng dao băm nát, quăng xuống biển. Sau tàu còn gần 1.000 lít dầu cũng bị đổ xuống biển. Các tuần tra viên chỉ để lại một ít dầu đủ để cho tàu trở về quê.

Đẩy đuổi

Dây hơi bị băm nát
Dây hơi bị băm nát.
 

Các ngư dân trên tàu chuyên lặn đêm để bắt hải sâm, cá mó, cá mú và tôm hùm. Vừa ra tới đảo, tàu đã bị tàu tuần tra xua đuổi và kè theo vài chục hải lý.

Sập tối, tàu lẳng lặng tiến ngược vào vùng biển Hoàng Sa. Thời tiết diễn biến xấu, các ngư dân cho tàu lọt vào lạch của đảo Xà Cừ chống chọi sóng gió. Sau đó, tàu tiếp tục hành nghề thì bị tàu tuần tra bắt giữ.

Khi thu hết đồ đạc, các tuần tra viên yêu cầu tàu ngư dân chạy theo về phía Phú Lâm. Nhưng đi được một quãng, họ đổi ý thả tàu ngư dân trở về. Không có định vị, các ngư dân mò mẫm và về quê bằng la bàn.

Đụng tàu tuần tra, ông Tằm bàng hoàng nhớ lại câu chuyện cách đây hơn 1 năm. Tàu cá bị bắt lôi vào đảo, thuyền viên bị nhốt vào một căn phòng trên đảo Phú Lâm. Ngày nào cũng có phiên dịch tới bảo gửi tiền phạt qua.

Lần đầu tiên bị bắt, quá sợ hãi, ông Tằm vội gọi vợ gửi 70 ngàn nhân dân tệ qua để chuộc người. Tổng số tiền ông bị thiệt hại trong chuyến đi đó là 600 triệu đồng.

Còn lần đụng chạm này, theo ông Tằm, nếu bị bắt giữ thì sẽ không nộp tiền. Tổng số thiết bị và cá bị thu giữ trên tàu lần này vào khoảng 300 triệu đồng.

Gõ vào thành tàu, ông Tằm nói, lần này, tàu hứng đạn rào rào. Theo tay ông chỉ, một vết đạn cháy xuyên thủng phía trước tàu, một vết đạn khác ăn xuyên qua cánh cửa gỗ, lọt hẳn vào cabin.

"Anh em tôi ra Hoàng Sa mà te tua hết như vầy đây. Nhưng mà Hoàng Sa chúng tôi vẫn cứ đi", ngư dân Trần Công Nở nói.

Đối với ngư dân xã Bình Châu, câu chuyện về chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa giờ đây không còn là chuyện chỉ liên quan đến mấy ông ngư dân. Cả cộng đồng ngư dân hành nghề ở Hoàng Sa đều ý thức rằng, đây là mảnh đất máu thịt không thể tách rời.

Trạm kiểm soát biên phòng Sa Kỳ và Đồn Biên phòng 288 đã lập biên bản ghi dấu những thiệt hại và dấu vết để lại trên tàu.

Theo các ngư dân, đây không phải là vụ đầu tiên tàu ngư dân ra Hoàng Sa bị phun nước và bắn đạn cháy. Trước đó một tàu bị tàu tuần tra Trung Quốc bắn đạn làm cháy toàn bộ hành lý trong ca-bin.

Hải Anh

Ba ngàn cư dân Trường Sa


Đổi thay ở Trường Sa

TP - Tại cửa biển Sa Cần của tỉnh Quảng Ngãi có đội tàu câu mực khơi gần 100 chiếc chuyên đánh bắt ở quần đảo Trường Sa. Mỗi chiếc tàu như một ngôi nhà nhỏ. Hơn 3.000 ngư dân từ lâu đã trở thành cư dân Trường Sa.

Tàu câu mực như cánh hoa trên sóng Ảnh: Hải Anh
Tàu câu mực như cánh hoa trên sóng Ảnh: Hải Anh.

Ra khơi = về quê

Cửa biển Sa Cần thuộc xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, đoàn tàu câu mực khơi nối đuôi nhau chờ nước lên để mở biển. Sau đuôi tàu treo lủng lẳng mấy buồng chuối chưa chín, quanh hông tàu treo đầy rổ rá, mọi nơi trong khoang giắt đầy đường, sữa, thuốc lá.

Mỗi năm lênh đênh ở Trường Sa gần 10 tháng, con tàu đã trở thành ngôi nhà trên sóng nước của ngư dân câu mực khơi. Nhổ neo ra khơi, mỗi tàu câu mực chở theo 30 chiếc thúng để 30 ngư dân đi câu giữa đêm Trường Sa.

Chưa năm nào ngư dân câu mực xuất hành rộn rã như năm nay. Bởi vụ mùa trong năm 2011, các ngư dân câu mực khơi đã trúng đậm. Bình quân sau 4 phiên biển, mỗi chủ tàu kiếm được hơn 1 tỷ đồng. Còn mỗi ngư dân đi bạn (làm thuê) kiếm được 120-150 triệu đồng.

Có nhiều tàu làm nghề lưới, năm nay chuyển sang đi câu mực. Riêng tàu của ông Hồ Sang đóng mới vừa hạ thủy có công suất máy 500 mã lực. Con tàu dài 23 m này đã phá lệ - chở theo 41 ngư dân, trong đó có 6 tà lọt (người phụ trên tàu).

Hiện nay, tại đảo Đá Tây và DK1 đã có Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ Khai thác hải sản biển Đông. Ngư dân câu mực có thể được tiếp nhiên liệu và nước ngọt tại cơ sở hậu cần này. Đây chính là điều kiện để các ngư dân bám biển dài ngày hơn trước.

Ngày ngư dân câu mực mở biển, vợ con và người thân đứng đầy trước bến. Chị Thương, vợ một ngư dân ở xã Tam Quang, huyện Núi Thành (Quảng Nam) đứng trên cầu nhìn theo bóng dáng chồng. Chị đưa anh vào Quảng Ngãi để đi biển.

Chị bảo rằng lòng thấy hụt hẫng, bởi mỗi năm anh có mặt ở đất liền với vợ con chỉ vỏn vẹn 2 tháng, còn gần mười tháng anh sống với Trường Sa chẳng khác gì bộ đội hải quân. Ngư dân Nguyễn Tấn Lạt cho biết: "Ở biển lâu thì nhớ nhà, nhưng ở nhà thì lại nhớ biển. Trường Sa là quê hương của dân câu mực khơi".

Chiều tắt nắng, những con tàu cuối cùng rục rịch rời bến. Ngư dân ào xuống đò để chở nhanh ra tàu. Chị Hồ Thị Thạnh, vợ ngư dân Huỳnh Cư ở xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn níu tay chồng, giúi một lon dầu rái, dặn dò: "Anh xuống thúng câu mực cẩn thận đó. Lỡ thúng mà phá nước thì trét dầu rái này vô".

"Người mực, mực người "

Chở thúng xuống thuyền câu mực Ảnh: Hải Anh
Chở thúng xuống thuyền câu mực. Ảnh: Hải Anh.
 

Ngư dân Ngô Văn Đại đúc kết, dân câu mực bị nạn đủ kiểu: Gió úp thúng, ngủ gục rớt xuống nước, bị tàu lạ nhấn chìm. Mực đắng khi câu lên thúng thì nằm im một cục. Nhưng lỡ ngư dân rớt xuống nước thì lập tức bị râu mực quấn riết và thít chặt như buộc dây cao su. Sinh nghề tử nghiệp cũng là chuyện thường.

Câu được mực, ngư dân xẻ ra phơi khô, sau đó dồn vào bao. Nếu gặp ngày mưa, những chùm mực treo lủng lẳng khắp nơi, từ trên giàn cho đến khoang máy.

Chỗ nào trống thì treo mực. Trong ca bin nằm ngủ của ngư dân cũng treo mực. Ngư dân hy vọng, gió biển hanh hao sẽ làm mực xẻ ráo nước. Sống chung với những chùm mực, mực nhuốm vào người các ngư dân. Về nhà, mất một tháng tròn thì mùi mực mới tan dần.

Ngư dân nói đùa là mình cũng như con mực khô. Có lần, tàu câu mực ghé vô Nha Trang để tiếp thêm nhiên liệu. Nhớ nhà, các ngư dân tranh thủ về quê. Vừa bước lên xe, hành khách và tài xế nhổm dậy ý kiến: "Mực, mực ở đâu vậy, xe gắn máy điều hòa, đề nghị bà con không mang mực lên xe!".

Nắn bóp hành lý của anh em ngư dân, bác tài nhà xe tìm không ra nổi một con mực nhỏ. Theo các ngư dân, khi lên bờ mua quần áo mới mặc, tắm bằng xà phòng thơm, xịt nước hoa nhưng vẫn không thể tẩy hết mùi mực".

Hỏi chuyện mùi mực, vợ một ngư dân cười vui: "Ổng đi xa, về tới cửa, dù nửa đêm em cũng hay liền. Thoát đâu được cái mùi mực khơi. Người lạ gõ cửa đừng hòng em mở".

Thì ra vợ các ngư dân không thích mùi nước hoa của dân phố thị, các chị chỉ yêu cái cái mùi mực khô phảng phất trên người chồng. Có chị đọc chệch ca dao: Chồng em mùi mực em thương/Chồng người áo gấm xông hương mặc người.

Những năm trước đây, ngư dân quan niệm đi câu mực đắng, đời ngư dân đắng nghét như con mực. Còn giờ đây, mỗi chuyến ra khơi là ngày hội mừng vui. Khi hoàng hôn ở Trường Sa buông xuống, thuyền mẹ thả thúng xuống biển để ngư dân đi câu, mỗi thuyền cách nhau vài hải lý.

Mỗi thúng đều gắn theo một chiếc Icom cá nhân. Chủ tàu muốn điểm danh quân số thì ngồi ở tàu mẹ nhấc máy alô. Biển Trường Sa trong màn đêm đen kịt. Tiếng ngư dân trong Icom đã kết nối họ 
bên nhau.

Bình minh vừa ló rạng, tàu mẹ lại lượn vòng đón mấy chục chiếc thúng về sau đêm sương lạnh. Buổi sáng gặp mặt, các ngư dân thi nhau bình phẩm về chuyện câu ít, câu nhiều. Mỗi chiếc tàu câu mực trở thành phiên chợ buổi sáng trên sóng nước Trường Sa.

Cư dân Trường Sa

Ra Trường Sa, những ngày biển nổi sóng, các ngư dân lại cho tàu ngược về đảo Trường Sa Lớn neo đậu và lên đảo giao lưu với anh em bộ đội hải quân. Bộ đội đã mở cửa la to: "Bà con câu mực vô thăm đảo".

Có ngư dân kết nghĩa anh em với các chiến sĩ. "Họ như con em của mình, còn thân hơn anh em trong nhà. Nếu cấp hộ khẩu thì chúng tôi đã trở thành cư dân Trường Sa hơn 20 năm rồi", một ngư dân câu mực cho biết. Dọc ngang khắp quần đảo Trường Sa, gần như không hòn đảo nào ngư dân chưa từng đặt chân đến.

Anh Dương Thành Minh (44 tuổi), chủ chiếc tàu câu mực mang số QNg 95267 TS kể lại: "Cách đây 2 năm ngư dân Hồ Minh Long đi bạn trên tàu bị đau ruột thừa. Nếu mấy năm trước mà gặp trường hợp này thì phải bỏ biển, chạy hết ga vô Nha Trang để cứu người.

Còn bây giờ thì tiện hơn, vì đã có bác sĩ quân y ở đảo Trường Sa". Ông Nguyễn Tấn Lạt (48 tuổi) nhớ lại: "Trời nổi gió lớn, anh em kéo neo chạy thì bỗng nghe một tiếng nổ lớn.

Ngư dân Nguyễn Bảo Lộc bị dây hơi bung ra đập vào đầu gây thương tích nặng. Vậy là anh em hộc tốc cho thuyền lao về phía đảo Song Tử Tây".

Trong chuyến đi biển, các ngư dân thường mong ngóng tàu chạy về gần đảo để có sóng điện thoại. Gần tới đảo, tất cả các ngư dân rút điện thoại rà sóng để gọi điện vào đất liền. Người hỏi thăm vợ con, người kể về năng suất đánh bắt.

Có ngư dân thì kể câu chuyện kỳ thú, đó là gặp Ông cá tự dưng nổi hẳn trên mặt nước để cản thúng. Loại cá này chỉ có ngư dân Trường Sa mới được chứng kiến. Họ kính cẩn gọi loại cá này là Ông Núc…

(Còn nữa)

Hải Anh 
Đón đọc kỳ 2: Cá lạ Trường Sa