THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

05 February 2012

VIDEO - Nhà anh Vươn chỉ là "cái chòi trông cá" - Khẳng định của Giám Đốc D CA Đỗ Hữu Ca

Thế giới “nóng” cùng tình hình Syria và Iran ở Trung Đông


(Dân trí) - Thế giới những ngày qua "nóng" chưa từng có với hai "lò lửa" ở Trung Đông vốn nhiều bất ổn: nguy cơ nội chiến ở Syria và xảy ra chiến tranh giữa Mỹ/đồng minh Israel với Iran, kéo theo những dự báo về hậu quả thảm khốc với cả khu vực.
 >> Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ: Israel sẽ tấn công Iran vào mùa xuân này
 >> Vì sao Nga quyết tâm bảo vệ Syria đến cùng?
 
Ảnh chụp tàu sân bay Mỹ USS John C. Stennis do hải quân Iran công bố đang ở trong eo biển Hormuz, nơi Iran đang tiến hành cuộc tập trận hôm 29/12 vừa qua.
Syria- nguy cơ nội chiến nhấn chìm cả khu vực

Tình hình đang "rối" cả bên trong và bên ngoài Syria.

Sau 10 tháng biểu tình phản đối phi bạo lực vấp phải sự đàn áp dã man, các phiến quân Syria vũ trang hiện đang phát động các trận chiến kéo dài với lực lượng trung thành với Tổng thống Syria Bashar al-Assad tại nhiều khu vực ngay ở cửa ngõ thủ đô Damas.

Phe đối lập, thất vọng trước việc các quan sát viên của Liên đoàn Arập (AL) không đạt được tiến bộ trong việc chấm dứt sự đàn áp với các cuộc biểu tình ở nước này, dọa sẽ tăng cường các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng của Tổng thống al-Assad. Nguy cơ nội chiến đang đến rất gần với Syria.

Trong khi đó, Hội đồng Bảo an LHQ đang bị chia rẽ về một dự thảo nghị quyết do AL đề xuất, trong đó kêu gọi chấm dứt tình trạng đổ máu tại Syria và bắt đầu tiến trình chuyển giao chính trị tại nước này.

Mỹ và đồng minh Israel trong khu vực đã xúc tiến một dự thảo nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an LHQ về Syria, yêu cầu Tổng thống al-Assad từ chức kèm theo các chi tiết khác liên quan đến tiến trình chuyển sang dân chủ tại nước này. Nhưng Nga, nước thành viên nắm quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an - phản đối dự thảo này.

Nga dường như kiên quyết không để điều này xảy ra một lần nữa ở Syria, nước được cho là đồng minh Arập cuối cùng của Nga tại Trung Đông . Cả Trung Quốc lẫn hầu hết các nước trong nhóm BRICs (Braxin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đều chia sẻ quan điểm này của Nga. Quan hệ giữa Nga và phương Tây tại Hội đồng Bảo an LHQ trở nên xấu đi nghiêm trọng hồi năm ngoái xung quanh tranh cãi về một nghị quyết của LHQ cho phép dùng vũ lực bảo vệ dân thường trong các cuộc nổi dậy tại Libya.

Washington được cho là không muốn can thiệp vào Syria. Tuy nhiên, sự hiện diện của một trong những hàng không mẫu hạm của Mỹ ở vùng biển khá gần Syria đã làm dấy lên nhiều đồn đoán. Tuần này, truyền thông Nga cho biết Mátxcơva sẽ đưa hàng không mẫu hạm tiên tiến nhất của mình tới Syria – động thái mà hầu hết các nhà phân tích cho rằng đây có thể là lời cảnh báo ngầm tới các cường quốc phương Tây đang tính đến việc can thiệp quân sự vào Syria.

Nguy cơ các cuộc nổi dậy ở Syria đang leo thang thành một cuộc nội chiến quy mô lớn đã thấy rõ. Nguy hiểm hơn, một cuộc nội chiến không loại trừ sẽ hút các quốc gia khác vào cuộc, sẽ không chỉ khoét sâu thêm những mâu thuẫn khu vực mà còn làm gia tăng sự đối đầu giữa các cường quốc trên thế giới. Những đồn đoán về sự can thiệp quân sự của nước ngoài có nguy cơ dẫn đến một cuộc đối đầu trực tiếp theo kiểu "Chiến tranh Lạnh" giữa Nga và Mỹ.

Báo chí Mỹ từng dẫn lời Robert Danin, thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại tại Washington, nói: "Rõ ràng, Syria đang rơi vào nội chiến và xung đột phe phái ác liệt. Tuy nhiên, với việc Syria có vị trí chiến lược, nằm ở trung tâm khu vực, giáp biên giới với các nước quan trọng đối với các lợi ích của Mỹ - trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Jordan, Israel và Lebanon - chắc chắn những biến động và bất ổn tại Syria sẽ vượt khỏi biên giới của nước này".

Chiến tranh với Iran – đồn đoán và những động thái

Tình trạng bế tắc giữa Iran và phương Tây liên quan đến vấn đề hạt nhân đã khiến quan hệ vốn căng thẳng giữa hai bên leo thang đến mức cao chưa từng thấy. Những đồn đoán về nguy cơ xảy ra chiến tranh đã xuất hiện từ những ngày cuối năm 2011, nay đã được "củng cố" thêm bằng những động thái của các bên.

Báo chí khu vực đầu tháng 1/2012 đưa tin các lực lượng không quân và hải quân của Mỹ, Nga, Pháp và Anh đã đổ về vùng duyên hải của Syria và Iran để sẵn sàng cho những diễn biến mới tại hai điểm nóng Trung Đông này. Báo chí phương Tây một tháng sau đó xác nhận Mỹ, Anh và Pháp đã bắt đầu điều quân đến khu vực vịnh Persian "để chuẩn bị tham chiến với Iran".

Theo thông tin hiện có, các đội quân hiện đang di chuyển đến đảo Masira thuộc Oman, nằm về phía Nam của Eo biển Hormuz, nơi lập căn cứ quân sự của lực lượng không quân Mỹ; Mỹ đã điều máy bay chiến đấu đến Qarta, cũng sẽ tăng cường quân ở Israel và Kuwet. Binh lính Anh và Pháp cũng đã bắt đầu đến Arập Xêút và Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất.

"Mục tiêu chính là Iran và chương trình hạt nhân của Tehran mà các nước phương Tây quan ngại lâu nay", báo chí Nga viết.

Iran đã không ngừng khiêu khích Mỹ trong 10 ngày qua. Theo giới chuyên gia Nga, trong những tháng gần đây đã xuất hiện nguyên cớ để mở màn sự đối kháng công khai - đó là Eo biển Hormuz, hành lang biển chủ đạo để chuyên chở dầu mỏ từ khu vực vịnh Péc-xích ra thị trường quốc tế, đang bị Tehran đe dọa sẽ ngăn chặn.

Các nước đồng minh rõ ràng là đang chuẩn bị tấn công nếu như Tehran thực hiện lời đe dọa này. Nhưng ở một khía cạnh khác, không một nước nào trong số các quốc gia kể trên sẵn sàng tham chiến.

Lo ngại xung quanh vấn đề Iran còn liên quan tới cả Israel đang để ngỏ khả năng tấn công quốc gia hồi giáo này, và nước Mỹ lúc đó sẽ khó xử. TờWashington Post ngày 2/2 đã đề cập tới khả năng Israel có thể đang chuẩn bị tấn công Iran. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Penetta tin rằng thời điểm xảy ra có thể trong khoảng thời gian từ tháng 4 tới tháng 6.

Israel lo ngại rằng Iran sẽ sớm có đủ lượng urani đã được làm giàu tại các cơ sở nằm sâu trong lòng đất. Israel không thể kiên nhẫn chờ Mỹ bật đèn xanh và sẵn sàng phớt lờ những lời khuyên của Mỹ, bởi nếu chờ cho tới khi Iran chế tạo thành công bom hạt nhân và tấn công trước, quốc gia Do thái này lúc ấy sẽ không có khả năng chống đỡ.

Nhưng cũng có nhiều phân tích cho rằng cả Mỹ và Israel đều không thể hiện mong muốn một cuộc chiến sắp xảy ra. Một cuộc tấn công nhằm vào Iran sẽ tạo ra những thách thức nghiêm trọng: giá dầu tăng cao, khả năng Iran báo thù nhằm vào các căn cứ quân sự của Mỹ và cả Israel, sự hỗ trợ cho các hoạt động khủng bố…, trong khi thiệt hại đối với chương trình hạt nhân của Iran chỉ là hạn chế.

Đây rõ ràng là điều mà cả Israel và Mỹ đều không muốn.

Việt Hà

Giỏ quà Tết "đầu dê, thịt chó"


(Dân trí) - Không ít người tiêu dùng ngỡ ngàng khi mở giỏ quà Tết và bánh, kẹo hết hạn sử dụng hoặc những sản phẩm vỏ bao bì một đường, chất lượng một nẻo.
 >> Ngợp mắt với... giỏ quà Tết
 >> Giỏ quà tết toàn hàng Việt, hút khách

Rầm rộ phát triển

Mấy năm trở lại đây, xu hướng tặng giỏ quà Tết khi đến nhà bạn bè, người thân, xuôi gia, … trở nên phổ biến. Bởi thế, tết đến từ thành thị đến thôn quê, cửa hàng lớn, cửa hàng nhỏ đều chất đầy những giỏ quà Tết, giá cả từ bạc trăm đến bạc triệu, thỏa sức khách hàng lựa chọn.

Nhìn chung "văn hóa" quà biếu bằng giỏ quà Tết đã đến tận vùng quê và để đáp ứng xu hướng chung của khách hàng, nhiều tiệm tạp hóa đến sạp bán rau cải, quán giải khát, nhà thuốc,… tranh thủ bỏ ra bạc triệu "đầu cơ" giỏ quà Tết, kiếm chác trong mấy ngày xuân.
 
Vì mục đích tiện lợi, nhiều người thích chọn quà biếu bằng giỏ quà tết như thế này

Chị Thu - chủ tiệm kinh doanh điện thoại di động (chợ Thới lai, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ) cho biết: "Trong mấy ngày tết, đàng nào mình cũng mở cửa hàng nên tranh thủ lấy thêm vài chục giỏ quà tết bán thêm. Mấy năm trước lấy hàng của người ta bán lại, năm nay tự gói quà bán luôn. Khổ nổi do nhiều người bán nên đến mùng 9 Tết mới bán hết."

Trong khi nhiều người "ủng hộ" xu hướng tặng quà biếu bằng giỏ quà tết thì vợ chồng anh Minh - ở quận Ninh Kiều e ngại: "Giỏ quà tết đúng là tiện nhưng có điều làm sao biết được các sản phẩm bên trong như thế nào, còn hạn sử dụng không".

Giá cả, chất lượng… chỉ có trời biết

Nỗi lo của anh Minh là có cơ sở. Bên ngoài, giỏ quà nào cũng đẹp, cũng to nhưng sản phẩm bên trong không có nhãn mác (chủ yếu là các loại bánh mứt - PV), không ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng và đáng buồn nhất là gặp những giỏ quà "treo đầu dê bán thịt chó"
 
Hình bánh bên ngoài và bánh bên trong chẳng "họ hàng" gì với nhau

Chị Ly - ở Tam Bình, Vĩnh Long vừa bức xúc vừa lo lắng: "Làm sao dám ăn khi những gói bánh kẹo không nhãn mác, hạn sử dụng như thế này? Mình không dám trách bạn bè, chỉ trách những người làm ăn không trung thực, không trọng chữ tín. Không biết giỏ quà Tết ông nhà mua về tặng cha mẹ có gặp tình cảnh này không, đúng là tình ngay lí gian!"

Đồng cảnh ngộ với chị Ly, vợ chồng anh Bình bức xúc khi mở mấy giỏ quà tết gặp tình cảnh "treo đầu dê bán thịt chó". Theo anh Bình mô tả, ngoài những hộp bánh mức hết hạn sử dụng thì những hộp bánh thập cẩm nhãn hiệu Tasty, Bibica… bên ngoài có hình những chiếc bánh nhân kem rất bất mắt, nhưng bên trong là hộp bánh tây khô cứng, với mấy bịch bánh lẻ không nhãn hiệu.

Quan sát lại hộp bánh, anh Bình phát hiện, vỏ hộp bánh bên ngoài được dán bằng băng keo thông thường và những cạnh gốc hộp bánh bị rách, móp. Riêng hộp đựng bánh bằng thiếc thay vì nắp hộp được "nêm phong" cẩn thận đằng nay cũng được dán sơ sài bằng băng keo.
 
Vỏ hộp bánh được dán bằng băng keo một cách sơ sài

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguồn gốc của những giỏ quà tết dỏm này được khách mua ở những tiệm tạp hóa nhỏ, các quầy hàng không chuyên hoặc những điểm bán hàng tết quen đường. Lợi dụng ngày Tết lực lượng chức năng không kiểm tra (chẳng ai đi kiểm tra các giỏ quà Tết - PV) nên đây là thời điểm xả hàng tồn. Ngoài ra, về giá cả họ tự đặt ra, tha hồ chặt chém người tiêu dùng.

"Vì lợi nhuận trước mắt, một số người mua hộp bánh cũ, sau đó lấy bánh kẹo giá thấp cho vào các hộp bánh, gói thành giỏ quà bày bán. Những điểm chuyên nghiệp họ phân phối hàng xuống tận các chợ huyện, xã với giá rất hời. Đây cũng là tâm lý chuộng hàng giá rẻ của người dân nông thôn nên trúng kế của đám người này. Nhưng cuối cùng người tiêu dùng (cả sang, bình dân - PV) lãnh đủ", một người dân bức xúc nói.

Ngô Nguyễn 

Đầu năm, tấp nập thị trường vàng mã Hà Nội


Cứ dịp đầu năm, thị trường vàng mã thủ đô lại tấp nập, đặc biệt là thời điểm nửa đầu tháng giêng, người người vào "mùa" dâng sao, giải hạn.
 >> Chuyện lạ sắm iPhone, iPad cho... Táo Công chầu trời
Tại phố Hàng Mã - nơi được coi là trung tâm mua sắm "các mặt hàng âm phủ" (ảnh) - người người chen chúc đông không kém thời điểm trước tết. Tại phủ Tây Hồ, hàng mã cũng được bày bán rất nhiều. Ngoài việc mua để hóa ngay tại phủ, nhiều người có quan niệm mua vàng mã ở đây "thiêng" hơn!

Bên cạnh các đồ vàng mã truyền thống như: Tiền, vàng, sớ, quần áo, giày - dép, mũ, nón... thì thị trường vàng mã còn đa dạng mẫu mã, chủng loại... hiện đại. Từ những mặt hàng rẻ tiền đến các mặt hàng cao cấp như biệt thự cao tầng, máy bay, ôtô, các loại xe tay ga, tivi, tủ lạnh và cả Iphone 4S, IPad 2... Hàng được nhập về từ Bắc Ninh, Hưng Yên hay huyện Thường Tín (Hà Nội)..., có loại còn được nhập từ Trung Quốc. Đặc biệt trong thị trường vàng mã đầu năm, mặt hàng giấy mã hình rồng luôn đắt hàng. 

Với quan niệm "trần sao, âm vậy", nhiều người không tiếc khi bỏ ra số tiền lớn mua đồ hàng mã, ví như: Một xe máy có giá từ 80.000 - 150.000 đồng; xe ôtô khoảng 200.000 - 300.000 đồng/chiếc. Một số khách hàng còn đặt mua cả nhà lầu, biệt thự, những mặt hàng này thường có giá khá đắt, thấp nhất cũng hơn 1 triệu đồng, những loại to hơn có giá trên 10 triệu đồng. 

Chị Nga - chủ cửa hàng trên phố Hàng Mã - cho biết: Những mặt hàng bán chạy nhất là tiền âm phủ, vàng, mũ, quần áo. Những mặt hàng sang hơn cũng khá chạy trong dịp này.

Từng dòng người nối nhau trên phố Hàng Mã với lỉnh kỉnh những đồ lễ vừa sắm được. Nhiều gia đình thậm chí còn thuê cả xe tải chuyên chuyển đồ đến để chở đồ lễ. Một số người dân còn cho biết, đây cũng mới chỉ là số đầu, còn đợi thầy phán thêm gì sẽ bổ sung nốt. "Thiếu gì chứ thiếu đồ xuống cho các cụ, các cụ quở trách cho; chẳng những hạn không được giải mà lại còn rước thêm cái họa nặng. Mình không thể lơ là được" – một khách hàng tên là Minh cho biết. Ước tính sơ sơ vào đống đồ lễ trên tay, chị Huyền – một khách hàng tại chợ Mơ - cho biết đã phải chi đến gần 2 triệu đồng, nhưng vẫn chưa đủ.

Trong quan niệm của người Á Đông, việc cúng bái theo nghĩa "có thờ có thiêng, có kiêng có lành" đã ăn sâu vào tiềm thức từ xưa đến nay. Tuy nhiên, nhiều người đã vô hình làm méo mó đi đức tin đó bằng những hành động phi truyền thống theo kiểu "mạnh ai nấy thờ" khi ném vào đống lửa từ vài trăm đến vài triệu đồng cho đồ cúng, lễ thì đó là việc làm không nên. Đó là chưa kể hàng loạt những loại phí thủ tục kéo theo khi làm lễ, số tiền tiêu tốn thật không hề nhỏ chút nào.

Theo Nguyễn Lộc - Vũ Loan
Lao Động

Giới siêu giàu “đổ tiền” xuất ngoại tiêu xài


(Dân trí) - Trong dịp Tết vừa rồi, trong khi tầng lớp phong lưu phóng tay chi 7,2 tỷ USD ra nước ngoài mua sắm thì thị trường hàng xa xỉ phẩm nội địa Trung Quốc chỉ đạt mức doanh thu chưa đầy 2 tỷ USD.

Những tín đồ hàng hiệu của Trung Quốc có sức tiêu thụ chiếm tới 28% tỉ trọng toàn cầu.

Theo một thông tin trên tờ Nhật báo Thượng Hải (Shanghai Daily), chỉ trong 7 ngày nghỉ Tết, giới nhà giàu Trung Quốc đã chi khoảng 7,2 tỷ USD ra ngoài đại lục, trên mức ước tính trước đó là 5,7 tỷ USD và tăng vọt 28,6% so cùng kỳ năm 2011.

Dẫn kết quả khảo sát từ Hiệp hội World Luxury, tờ báo cho hay, Châu Âu vẫn được coi là thiên đường mua sắm của nhóm tiêu dùng này, chiếm 46% thị phần.

Trong khi đó, khách du lịch Trung Quốc cũng chiếm tới 62% doanh số bán với mặt hàng xa xỉ của khu vực này, một tỷ lệ tăng 12% so cùng thời điểm năm trước đó.

Tiếp đến, Hồng Kông, Macau và Đài Loan chiếm 35% thị phần với mức đóng góp của người dân từ đại lục cho doanh thu của họ đạt 69%.

Thị trường Bắc Mỹ duy trì mức thị phần 19% và cũng "móc túi" từ du khách Trung Quốc số tiền chiếm 1/3 doanh thu bán hàng.

World Luxury cho biết, giới nhà giàu Trung Quốc chính là đối tượng khách hàng tiêu thụ mạnh nhất những xa xỉ phẩm như đồng hồ hàng hiệu, đồ da, quần áo thời trang hàng hiệu, cho đến các loại sản phẩm siêu cấp khác như máy bay phản lực tư nhân, du thuyền và xe hơi – chiếm tỷ trọng 28% toàn thế giới.

Trong khi đó, trên thị trường nội địa, mức tiêu thụ hàng xa xỉ chỉ đứng mức 1,75 tỷ USD, chủ yếu là ở các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải.

Có tới 72% những người tham gia khảo sát cho biết, họ bị thu hút bởi giá cả hàng hóa bán ngoài nước và mức thuế thấp hơn. Trong khi đó, 69% và 45% tương ứng cho biết họ được thỏa mãn, "chiều lòng" hơn nhờ yêu cầu được đáp ứng cũng như chất lượng dịch vụ bên ngoài tốt hơn trong nước.

Trước đó, trong bài viết "Giới siêu giàu Trung Quốc muốn gì.." đăng trên tờ Thời báo Tài chính Anh (Financial Times) cũng nhận định, những nhóm người này đang tìm kiếm những trải nghiệm được phụ vụ cho VIP. Cùng với đó là tìm hiểu kiến thức về lịch sử cũng như sản xuất của những thương hiệu xa xỉ.

Còn theo đánh giá từ tạp chí Nhà Kinh tế (Economist) thì một số nhân vật giàu có ở quốc gia này muốn sắm sửa các dịch vụ, hàng hóa sang trọng là nhằm mục đích rửa tiền, kết quả của tham nhũng và các nguồn thu bất hợp pháp khác.

Điều đó giúp giải thích phần nào lý do tại sao những người giàu có lại thường quan tâm đến bảo vệ thông tin riêng tư như vậy.

Bích Diệp
Theo Shanghai Daily, Financial Times

Đi tìm tội phạm trong vụ Đoàn văn Vươn : Đất đai - Nguồn sống và hiểm họa


LTS: Cách đây dăm năm, trong bài viết rất công phu đầy sức thuyết phục, tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang dã tha thiết cảnh báo: "Nguy cơ hiểm họa từ đất đã nhỡn tiền, hãy sáng suốt lắng nghe thế giới tiên tiến và học lại cha ông tư hữu hóa ruộng đất để giải tỏa hiểm họa, đồng thời làm cho đất đai thực sự trở thành nguồn sống cường thịnh của đất nước". Tuy nhiên do độc tài độc đoán, do hợm hĩnh "kiêu ngạo công sản", do đặt quyền lợi phe nhóm trên lợi ích quốc gia, những người lãnh đạo ĐCSVN dã bỏ ngoài tai những ý kiến đóng góp, phản biện đầy trí tuệ và trách nhiệm này. Nhân vụ Đoàn Văn Vươn, chúng tôi đăng lại ở đây bài viết này để cùng suy xét về căn nguyên tội lỗi trong vụ Đoàn Văn Vươn và thấy được ai là kẻ phải bị trừng phạt, chứ không phải người anh hùng Đoàn Văn Vươn.


***

Trăn trở trước hiện trạng các đoàn biểu tình khiếu kiện đông người ngày càng rầm rộ kéo về 110 Cầu Giấy – Hà Nội và trụ sở Văn phòng 2 của Quốc hội ở Sài Gòn, trong bài " Quản lý đất đai – Những khía cạnh đặc thù " đăng trên báo Lao Động trong số ra hồi nửa cuối tháng 8 năm 2007, ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, một đồng hương lớp sau của tôi đã nêu mấy câu hỏi khái quát:

● " Có nhiều ý kiến cho rằng, trình độ, năng lực và phẩm chất cán bộ các cấp yếu kém và tiêu cực là nguyên nhân chủ yếu gây nên bất bình khiếu kiện của người dân. Liệu giải thích như vậy đã thật đúng chưa ?
● Ý kiến khác cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do người dân hiểu sai, làm sai hoặc cố tình đòi hỏi những lợi ích không thể đáp ứng được. Lẽ nào nhân dân ta nhiều người thiếu hiểu biết và thiếu tôn trọng luật pháp đến vậy ?
● Có ý kiến giải thích, cái sai này chủ yếu là do các cấp bên dưới, do có sự hiểu sai, làm sai. Nghe ra cũng không ổn. Vậy vì sao cái sai chỉ chủ yếu tập trung chủ yếu ở lĩnh vực này mà không là các lĩnh vực khác, bên trên thì đúng, còn bên dưới thì sai ? "

Những câu hỏi vừa như đặt vấn đề, vừa có phần tự trả lời ấy có yếu tố dũng cảm, dám nhìn thẳng vào sự thật và tỏ ra muốn tiếp cận chân lý. Tuy nhiên, liệu như vậy là đã dám đi vào cốt lõi vấn đề chưa ?

Tư hữu hóa đất đai, một tiến bộ lịch sử thời phong kiến Việt Nam

Trong tư duy tổng hợp của người Việt Nam về những cương vực núi sông, mây gió; về quốc sử, tổ tiên; về bản quán, họ hàng …, yếu tố đất luôn luôn xuất hiện đầu tiên. Người Việt Nam gọi tổ quốc mình là đất nước. Trong kho tàng thi ca Việt Nam thời chống Pháp, có lẽ bài thơ hùng tráng nhất là bài " Đất nước " của Nguyễn Đình Thi. Theo nhà thơ này, tổ quốc được hồi sinh sau cách mạng như cũng từ đất trồi lên: " Nước Việt Nam từ máu lửa. Rũ bùn đứng dậy sáng lòa ".
Từ thuở vua Hùng dựng nước đến nhiều thế kỷ về sau, đất đai đều của nhà vua. Đất của các lãnh chúa đều do vua ban qua những thác đao điền. Đến thế kỷ thứ X, chế độ sở hữu công cộng về ruộng đất vẫn tồn tại. Tuy nhiên, trong quá trình vận động phát triển của xã hội, bắt đầu từ thế kỷ XII, sở hữu tư nhân về ruộng đất đã xuất hiện dần dần từ cá biệt đến phổ biến. Nhà nước Lý và Trần không những không ngăn chặn mà còn tạo điều kiện để sở hữu tư nhân về ruộng đất phát triển bằng nhiều cách: bán ruộng công cho dân, cho phép mua, bán, chuộc theo luật lệ, cho phép vương hầu, quý tộc, phò mã, cung tần lập điền trang …

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm Giáp Dần ( 1254 ) vua Trần Thái Tông xuống chiếu: " Bán ruộng công, mỗi diện ( mẫu ) là 5 quan tiền, cho phép dân mua làm ruộng tư ".

Để tạo điều kiện cho mua, bán, chuộc, nhượng đất đai được dễ dàng, tháng chạp năm Nhâm Tuất ( 1142 ) vua Lý Anh Tông xuống chiếu: " Những người cầm đợ ruộng thục trong vòng 20 năm thì cho phép chuộc lại; việc tranh chấp ruộng đất trong vòng 5 năm hay 10 năm thì còn được tâu kiện; ai có ruộng đất bỏ hoang bị người khác cầy cấy, trồng trọt trong vòng một năm thì được kiện mà nhận lại, quá hạn ấy thì cấm. Làm trái thì xử 80 trượng ".

Để tránh tình trạng sử dụng quyền uy cướp đoạt đất đai, nhà vua lại xuống chiếu: " Những người tranh nhau ruộng ao, của cải không được nhờ cậy nhà quyền thế, làm trái thì đánh 80 trượng xử tội đồ".

Để bồi hoàn thỏa đáng khi trưng thu đất đai, năm Mậu Thân ( 1248 ) vua Trần Thái Tông cho phép trưng thu đất để dắp đê nhưng quy định: " Chỗ nào đắp thì đo xem mất bao nhiêu ruộng đất của dân, theo thời giá trả lại tiền ".

Để phát triển đất canh tác, ngay từ thời Lý đã tương truyền câu chuyện về một người có tên là Hoàng Lệ Mật người huyện Gia Lâm vì có công mò được xác một công chúa nên được nhà vua cho đem dân nghèo ở Lệ Mật đến khai hoang lập làng ở phía tây thành Thăng Long, hiện còn di tích đền thờ gần với khu " thập tam trại ".

Năm Bính Dần ( 1266 ), Trần Thánh Tông " xuống chiếu cho vương hầu, công chúa, phò mã, cung tần chiêu tập dân phiêu tán, không sản nghiệp làm nô tỳ để khai khẩn ruộng bỏ hoang, lập thành điền trang". Do tác động của chủ trương này, một loạt điền trang xuất hiện như: điền trang của thượng tướng Trần Phó Duyệt, ( cha của Trần Khánh Dư ) ở ven sông Kinh Thầy ( Chí Linh, Hải Dương ); điền trang của An sinh vương Trần Liễu ( cha của Trần Hưng Đạo ) ở An Lạc ( xã Bảo Lộc, huyện Mỹ Lộc, Nam Định ); điền trang của công chúa Trần Khắc Hãn ở An Nội và Cổ Nhuế ( Từ Liêm, Hà Nội ); điền trang của Trần Khánh Dư ở Linh Giang …

Đến cuối đời Trần, hoàng hậu Bạch Ngọc ( vợ vua Trần Duệ Tông ), người huyện Hương Khê đã đưa 172 người về khẩn hoang ở vùng đất giáp hai huyện Can Lộc và Đức Thọ ngày nay rồi lập thành bốn điền trang mới: Lai Sơn, Hằng Nga, Ngũ Khê, Tùng Chính với tổng diện tích đến 3985 mẫu ….

Năm 1397, nhân việc hạn danh điền ( ruộng có chủ đứng tên ) theo chủ trương của Hồ Quý Ly, sử chép rằng: " Trước kia các nhà tôn thất thường sai nô tỳ của mình đắp đê bối ở bờ biển để ngăn nước mặn, sau hai ba năm khai khẩn thành ruộng, cho họ lấy nhau và ở ngay đấy, lập ra nhiều ruộng đất tư trang ".

Nhờ chủ trương tư hữu hóa đất đai, tạo cơ sở thực thi khẩn hoang bằng nhiều hình thức, cha ông ta đã mở đường cho ruộng đất không ngừng sinh sôi, từ đấy ngày mỗi ngày càng mở mang bờ cõi.

Trong " Chủ nghĩa Mác … tản mạn ký ", khi bàn về " Tư hữu và khát vọng cá nhân " Vũ Cao Quận đã ngợi ca: " Với riêng Tễu tôi, xin viết hoa hai chữ " Tư hữu " là sáng tạo vĩ đại thiêng liêng nhất vượt lên mọi thời gian, vĩ đại nhất của mọi vĩ đại để từ con vật tiến lên để thành " con người ". Hai anh em " Động lực cá nhân " và " Tư hữu " chính là động lực phát triển của xã hội loài người"
 
Công hữu làm nghèo đất đai

Chính quyền Sài Gòn tiếp tục duy trì chế độ tư hữu đất đai, tuy nhiên, để hữu sản hóa những nông dân vô sản, họ đã tiến hành hai cuộc phân chia lại ruộng đát. Trong cuộc phân chia thứ nhất, từ năm 1955 đến 1960, họ chỉ để lại cho mỗi địa chủ nhiều nhất là 115 ha, số còn lại bị trưng thu rồi bán cho tá điền. Một phần ba tổng diện tích đất canh tác tại Miền Nam lúc bấy giờ ( 650.000 ha ) đã về tay nông dân.. Sau năm 1970, cuộc cải cách thứ nhì mang tên " Người cày có ruộng " lại được xúc tiến nhằm hợp lý hóa thêm vấn đề sở hữu đất đai. ( Tư liệu từ cuốn "Việt Nam cải cách kinh tế theo hướng rồng bay " của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia )

Trong khi đó, ở Miền Bắc, cuộc Cải cách Ruộng đất long trời lở đất đã nổ ra cướp đi trên dưới ba mươi vạn sinh mạng và để lại những oan khiên dầy vò đằng đẵng hàng triệu số phận con người. Với đầm đìa xương máu thê lương, oán hờn chồng chất, từ 1949 đến 1953, một triệu rưỡi hecta ruộng đất cũng đã được phân chia cho 2,4 triệu hộ ở nông thôn. Từ năm 1953 đến năm 1955, lại có thêm 895.000 ha được đem chia.

Dẫu sao, có thể xem đấy là biện pháp xúc tiến cho đất đai được tư hữu hóa sâu hơn, nhờ vậy sản xuất nông nghiệp cũng được đẩy mạnh, sản lượng lương thực năm 1957 đạt được 3,95 triệu tấn, cao hơn cả sản lượng cao nhất tại Miền Bắc trước Đại chiến Thế giới lần thứ hai ( 2,4 triệu tấn ).

Niềm vui " người cày có ruộng " chưa nhen nhúm được bao lâu, chẳng hiểu ma nào đưa lối, quỷ nào dẫn đường, người ta bỗng lùa hết nông dân vào hợp tác xã. Hiến pháp sửa đổi năm 1980 quy định rõ rành: đất đai là sở hữu của toàn dân. Từ đó, hầu hết đất đai được giao cho các hợp tác xã và nông trường khai thác. Ngay từ khi chính sách này được thực thi, từ năm 1976 đến năm 1980 năng suất lúa giảm từ 2,23 tấn/ha xuống chỉ còn 2,08 tấn/ha mặc dù Nhà nước đã tăng cường đầu tư vào nông nghiệp.

Người ta không những không tích cực trồng cấy mà cũng chẳng thiết gì đến khai hoang khẩn hóa. Việt Nam có tiềm năng nhất định về đất đai nhưng hiệu quả sử dụng tiềm năng này vào nhũng năm đẩy mạnh công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa càng rất thấp. Diện tích đất chưa sử dụng, tính đến năm 1993 còn tới trên 14,2 triệu ha, chiếm gần một nửa ( 43% ) tổng diện tích đất tự nhiên. Trong đó: miền núi và trung du Bắc Bộ 6,5 triệu ha, Khu Bốn 2,3 triệu ha, duyên hải Miền Trung 2,1 triệu ha, Tây nguyên 1,6 triệu ha, đồng bằng Cửu Long 0,8 triệu ha. Đến năm 1993 cả nước còn 11.420 ha đất trống đồi trọc, chiếm 57% diện tích đất lâm nghiệp. ( Theo Vietnam Discoverry – Nhà xuất bản Thống kê ).

Lợi dụng quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, các quan chức Nhà nước đua nhau phát huy sáng kiến vẽ ra đủ loại bản đồ quy hoạch, trong đó hàng loạt " kế hoạch treo " rải rác khắp nơi đã để hoang hóa hàng vạn hecta đất qua nhiều năm, suốt từ thành thị, đồng bằng đến trung du …

Trong cuốn " Viết cho Mẹ và Quốc hội " cụ Nguyễn Văn Trấn kể lại: Một lần, đến thăm một lớp học chính trị của cán bộ trung cao cấp, khi được hỏi: " Dân chủ tập trung là gì ? ", cụ Hồ đã giải đáp: " Như các cô, các chú có đồ đạc, tài sản gì đó thì các chú các cô là chủ, đó là dân chủ. Các chú các cô không biết giữ. Tôi giữ dùm cho. Tôi tập trung bỏ vào rương. Tôi khóa lại và bỏ chìa khóa vào túi tôi đây. Đó là tập trung ! ".

Thay cho hợp tác hóa nông nghiệp, hòng nhích tý chút ra khỏi cái cùm công hữu ruộng đất, bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phú Kim Ngọc dũng cảm đề xuất chủ trương khoán sản phẩm trong nông nghiệp. Ông bị tổng bí thư Trường Chinh đập tơi bời qua nhiều trang báo Nhân Dân dày đặc. Rồi ông bị trù dập, đầy ải cho đến chết. Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị mãi sau này mới thắp được một nén nhang muộn màng cho oan hồn Kim Ngọc.

Công hữu hay tư hữu hóa bằng quyền lực

Trong bài " Nông dân Bắc Phi " in trong " Hồ Chí Minh toàn tập " ( tập Một ), Nguyễn Ái Quốc có đoạn viết sau: " Đối với người Tuynidi, người ta thường sử dụng những mánh khóe kiểu như sau: 25 khu ruộng của người Tuynidi làm thành một babu tập thể. Những người nông dân canh tác đất đai ấy được hưởng một phần mừa màng, phần khác dành cho phúc lợi xã hội, giáo dục, xây nhà, phương tiện thông tin và những xí nghiệp có ý nghĩa tập thể khác nhau.

Babu tập thể không thể được sử dụng cho cá nhân, nhưng có thể chuyển từ một xí nghiệp tập thể sang xí nghiệp khác, vì đó là do lợi ích công cộng. Về sau Phủ Toàn quyền cứ lấy cớ dùng cho lợi ích công cộng mỗi khi cần lấy đất của người bản xứ cho bọn chủ đồn điền. Một thí dụ: một nhà báo và chủ đồn điền, khi thấy người dân bản xứ từ chối bán đất cho hắn, mà hắn thì muốn mua cho mình, liền đến nhờ bạn - là viên công sứ tỉnh ấy. Tên này liền ra ngay một sắc lệnh trưng thu dất ấy cho lợi ích công cộng, đuổi người dân bản xứ ra khỏi đất ấy và chuyển cho người bạn của mình.
Chế độ thuộc địa ấy đem lại lợi ích gì cho những người nông dân nghèo Pháp ? Không! Chỉ có những tên chính khách bẩn thỉu, những con buôn tham lam và tư bản lớn được lợi mà thôi

Những công ty đồn điền lớn chiếm những khu đất đai mênh mông, không phải nhắm làm cho nó sản sinh, mà chỉ với mục tiêu đầu cơ ".

Tước đoạt kiểu như vậy còn phải sử dung mánh khóe vất vả. Ở Việt Nam, đã xẩy ra cuộc tước đoạt ruộng đất đại quy mô mà cứ tỉnh bơ, mà ngon xơi, thoải mái hơn nhiều. Ông Vũ Cao Quận chỉ ra cái phương thức tước đoạt trong cuốn " Gửi lại trước khi về cõi " như sau: " Công hữu của Nhà nước Xã hội chủ nghĩa Việt Nam bao gồm: tài nguyên, hầm mỏ, đất đai, nhà cửa, ruộng đồng … được Đảng và Chính phủ " giữ dùm " cho nhân dân. Nói chung là như vậy, nhưng Đảng và Nhà nước cũng phải cử một ông Kèo, ông Cột cụ thể rồi giao con dấu và chữ ký có quyền hành quản lý cho ông ấy …. Khi có quyền hành, con dấu và chữ ký, việc đầu tiên của ông Kèo, ông Cột là xắn miếng công hữu ngon nhất cho sếp - người đã giao quyền hành và con dấu cho ông. Rồi tuần tự, ông tiếp tục tùng xẻo miếng công hữu tùy theo thân thủ, tim gan … cho vợ, cho con cháu, họ hàng và các chiến hữu thân thiết của ông. Còn nhân dân – " người chủ " của ông ? Cứ yên trí đi, sẽ được một mảnh vỏ sò là cái chắc !". Hai nhà lý luận chống cộng Trung Quốc Mã Lập Thành và Lăng Chí Quân trong " Giao Phong " cũng nhất trí với Vũ Cao Quận: " Công hữu của Mác " là " sở hữu của toàn dân " mà " sở hữu của toàn dân " là " sở hữu của nhà nước " mà " sở hữu của nhà nước " là " sở hữu của chính phủ ", tức … tức là " sở hữu của quan chức ".

Bài " Giám đốc Sobexco có " xé rào " pháp luật ? " trên báo Lao Động ra ngày 30 tháng 8 năm 2007 có chạy mấy dòng chữ lớn : " Những tài liệu mới nhất thể hiện ông Nguyễn Thanh Hải – giám đốc công ty chế biến cây trồng nông nghiệp xuất khẩu ( Sobexco ) – đã " cầm đèn chạy trước ôtô ", vi phạm luật pháp trong vụ " biếu không " 700 ha đất công ở huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương ".

Một ông giám đốc nho nhỏ như vậy mà có thể biếu không 700ha đất ! Hỏi, những thủ trưởng cấp trên ông dăm bẩy bậc có thể biếu không bao nhiêu, bao nhiêu hecta đất ? Cho nên các " địa chủ đỏ " ngày nay không phải chỉ có hàng trăm ( Chính quyền Sài Gòn trước 1975 chỉ giới hạn 115 ha cho mỗi địa chủ ) mà hàng chục nghìn hecta đất.

Nhiều " địa chủ đen " ngày nào chưa có nổi một hecta đất đã bị trói vào cột trường đấu để tá điền đốt râu rồi chết tức tưởi trong lao đầy. Các " điạ chủ đỏ " ngày nay không tốn một giọt mồ hôi mà ung dung quá, phè phỡn quá.

Ôi những oan hồn dân tộc! và hỡi các sủng nhi, sủng tử của chế độ công hữu …!

Giá đất

Ở Việt Nam đã tồn tại khá lâu những khái niệm, những thuật ngữ rất quái đản. Không nói đến những khái niệm, những thuật ngữ kỳ dị xuất hiện trong các tác phẩm thơ văn của những nhà văn, những thi sỹ siêu việt hay trong các luận văn khoa học làm choáng váng trí tuệ con người, thử đề cập đến một số văn liệu hành chính quốc gia như Hiến pháp chẳng hạn. Trong bản " Thảo luận về dự thảo sửa đổi hiến pháp Việt Nam năm 1980 " gửi Nhà nước cách đây 15 năm, một trong những khuyến nghị tôi nêu là: " Không nên lạm dụng cụm từ XHCN. Việc đưa ý niệm " Công dân có nghĩa vụ tôn trọng và bảo vệ tài sản XHCN " làm cho điều 76HP vừa không xác định, vừa mâu thuẫn với một số điều khác. Thế nào là tài sản XHCN ? Đối với các di sản văn hóa, di tích lịch sử, các tài sản của các thành phần kinh tế khác thì sao ? ".

Thế nào là tài sản XHCN ? Câu hỏi rất rõ rành và câu trả lời nghiêm túc là cần thiết và rất hệ trọng nhưng chẳng ai dám đụng đến. Cam đoan rằng, cho đến nay, không phải chỉ những người it học như tổng bí thư Đỗ Mười hay có được du hoc ngoại quốc như tổng bi thư Nông Đức Mạnh mà cả nhũng người có học vấn thực sự cũng không thể xác định được đâu là tài sản XHCN.

Hiến pháp là luật mẹ của các luật trong một nước mà còn lơ mơ, nhập nhằng như vậy thì làm sao mà xây dựng được nhà nước pháp quyền, dù chỉ là pháp quyền XHCN !

Tương tự là trường hợp thuật ngữ: " Giá quyền sử dụng đất ".

Luật Đất đai công bố năm 2003 quy định:

● " Giá quyền sử dụng đất ( sau đây gọi là giá đất ) là số tiền tính trên một đơn vị diện tích đất do Nhà nước quy định hoặc được hình thành trong giao dịch về quyền sử dụng đất.
● Giá trị quyền sử dụng đất là giá trị bằng tiền của quyền sử dụng đất đối với một diện tích đất xác định trong thời hạn sử dụng đất xác định ".

Thật là " bối rối chẳng xong bề nào ". Đất và quyền sử dụng đất là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau, cho nên không thể có chuyện: " Giá quyền sử dụng đất ( sau đây gọi là giá đất ) " được. Cái ghế tổng bí thư ngồi thì có giá chứ quyền ngồi trên cái ghế tổng bí thư thì làm sao định giá bằng tiền được. Có chăng chỉ định bởi sự chấn hưng của đất nước hay nỗi thống khổ của nhân dân.

Cho nên đã qua mấy đời thủ tướng rồi mà trong bài phát biểu trước Quốc hội ngày 31 tháng 3 năm 2007 thủ tường Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vẫn phải trần tình: " Vấn đề giá đất, thưa Quốc hội, đây là một trong những vấn đề mà trong lãnh đạo, điều hành, trong quản lý của Chính phủ là đang khó khăn, vướng mắc rất nhiều và Chính phủ cũng tốn rất nhiều thời gian về vấn đề này ". Không đành tỏ ra bất lực, ủy viên Bộ Chính trị Phạm Quang Nghị, trong bài viết đã nêu trên đây chỉ thành khẩn van nài: " Quả thật, đây là một trong những vấn đề vô cùng quan trọng, khó khăn, phức tạp và bức xúc không chỉ với đông đảo nhân dân mà các cấp chính quyền cũng đang mong chở Chính phủ và Quốc hội khóa XII sớm xem xét, giải quyết " .

Cũng trong bài " Nông dân Bắc Phi " đã nêu trên, Nguyễn Ái Quốc tố cáo " những tên chính khách bẩn thỉu, những bọn con buôn tham lam " như sau:

" Những tên địa chủ biết rõ là, dân bản xứ luôn luôn lo sợ bị trưng thu. Vì vây, khi nào họ muốn chiếm đất, họ sử dụng luật về trưng thu như một con ngoáo ộp. Dân bản xứ tất nhiên muốn bán đất của mình với giá rẻ mạt, còn hơn là để cho chính quyền hành chính bỗng chốc làm mình phá sản …..
Công ty này mua của dân bản xứ mối hecta giá từ 20 đến 30 phrăng và sau một thời gian ngắn bán lại với giá 1.000 và 1.200 phrăng trong một vài tháng lãi tới 858.000 phrăng ".

Họ, ở Châu Phi, mới ăn lãi được gấp ( 1.100 / 25 = ) 44 lần đã bị cụ Nguyễn Ái Quốc căm phẫn rủa xả là " những tên chính khách bẩn thỉu ". Cái bọn sủng nhi, sủng tử của chế độ công hữu ở Việt Nam ngày nay chúng chỉ trả cho người dân ( trong đó có bà mẹ Việt Nam anh hùng, có cựu chiến binh đã để lại một phần máu thịt ở chiến trường ) vài nghìn đồng để bán được mấy triệu đồng, vài chục nghìn đồng để bán được mấy chục triệu đồng. Thưa Cụ, không phải chỉ có 44 lần như ở Châu Phi đâu, ở Việt Nam bây giờ bọn chúng thu lợi bất chính gấp nghìn lần Cụ ạ!

Chỉ một vụ rất nhỏ của Sobexco nêu trên đã được báo Lao động công bố: " Nhiều cơ quan chức năng khẳng định: Việc hợp pháp hóa giá trị đất công cho tư nhân, dẫn tới hậu quả gần 400 tỷ đồng tiền Nhà nước, hiện nay đã thật sự chẩy vào túi tư nhân ".

Cựu thứ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường Đặng Hùng Võ thì cho biết: với việc áp dụng hai giá đất trong 20 năm qua Nhà nước đã để rơi vào túi các quan tham và đệ tử của họ 70 tỷ USD.

Kiến nghị

Đến đây, tưởng đã có thể trả lời mấy câu hỏi liên quan đến các vụ biểu tình khiếu kiện đang diễn ra ngày càng đông người của ông Phạm Quang Nghị như sau:

● Có phần do trình độ, năng lực và phẩm chất cán bộ các cấp yếu kém và tiêu cực nhưng đấy không phải là nguyên nhân chủ yếu gây nên bất bình khiếu kiện của người dân.
● Không phải nguyên nhân chủ yếu là do người dân hiểu sai, làm sai hoặc cố tình đòi hỏi những lợi ích không thể đáp ứng được.Càng không phải do người dân bị các thế lực thù địch, bọn bất mãn, cơ hội chính trị, bọn tôn giáo phản động xúi giục, kích động.
● Không phải cái sai này chủ yếu là do các cấp bên dưới, do có sự hiểu sai, làm sai, mà do các Bộ Chính trị ĐCSVN tử trước đến nay mù quáng đưa chủ nghĩa Mác vào Việt Nam, vạch ra nhiều đường lối sai lầm, trong đó có chủ trương công hữu hóa ruộng đất.

Ruộng đất phải có chủ cụ thể, phải " hạn danh điền ", phải được tư hữu hóa; đấy là lẽ đời mà cha ông ta đã nhận ra và thực thi từ gần nghìn năm trước. Nay Việt Nam đã vào WTO, muốn hay không, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố phải xây dựng nền kinh tế thị trường đầy đủ. Kinh tế thị trường là kinh tế hàng hóa phát triển ở trình độ cao. U mê, trì trệ mãi nhưng rón rén rón rén rồi cũng phải cho mở lại nhà thương tư, trường tư thục …, phải thừa nhận lao động, chất xám … cũng là hàng hóa. Chỉ còn bước cuối cùng sao sống chết cứ phải ngoan cố giữ cho được đất đai là tài sản của Nhà nước ? Phải chăng vì miếng ăn này to quá, phải chăng chỉ vì đất đai đang là cái kho vô tận để các quan tham bấu xấu. Tham thực cực thân. Tước đoạt tàn bạo lắm thì phản ứng của nhân dân sẽ càng mạnh. Đàn áp đi, để rồi lại cú phải đàn áp mãi, đàn áp nữa, đàn áp ngày càng dữ dội hơn. Để rồi, oán giận cứ thế mà chồng chất lên cao ngút tròi.. Đất đai là nguồn sống của nhân dân, của đất nước nhưng là hiểm họa của chính quyền chính vì vậy. Hiểm họa dẫn đến sụp đổ, đến tang thương không phải vì kẻ thù đâu mà do chính từ lòng tham và sự ngu muội của chính quyền.

Hãy thực sự cầu thị nhận ra cho được sai lầm tai hại đã mắc phải và dũng cảm, chân thành sửa sai, đừng loanh quanh dối mình, lừa người, đừng vá víu chằng đụp. Thay áo đi để có áo mới đẹp hơn, đừng để áo cũ phải bục nát, tả tơi, rơi rụng. Có thể phải tiết chế bớt sự kiêu hãnh, lòng tự hào đã có một cách giả tạo, quá trớn; có thể phải san bớt cửa, sẻ bớt nhà; có thể phải nhả bớt miếng ăn ( đã ăn vụng, ăn chặn ) nhưng đấy là đòi hỏi của lẽ công bằng, của ý trời không thể không thành khẩn sám hối mà nhận ra cho kỳ được.

Tư hữu hóa ruộng đất phải được tiến hành từng bước thận trọng nhưng cần hết sức khẩn trương. Có thể là nên thảm khảo ý kiến sau đây của ông Nicolaus Tideman – cựu thành viên Hội đồng Cố vấn Kinh tế của tổng thống Mỹ và ông Bruno Moser – chuyên gia quốc tế về đất đai: " Cấp " Giấy chứng nhận sở hữu cá nhân " cho người sử dụng đất. Tất cả mọi người sử dụng đất sẽ phải nộp thuế đất hàng năm. Việc định thuế đất dựa vào giá trị đất với những lợi thế tự nhiên của nó: độ màu mỡ, vị trí …Giấy chứng nhận sở hữu cá nhân về đất đai được tự do chuyển đổi với mức phí tương ứng với chi phí cấp một giấy chứng nhận mới. Sẽ không có bất kỳ khoản thuế chuyển nhượng dựa trên giá trị nào, vì điều này làm tăng chi phí, ngăn cản sự linh động của thị trường và tạo cơ hội cho tham nhũng và các hành vi trốn thuế. Các mảnh đất chưa có chủ sẽ được đấu giá công khai, dành cho những người sẵn sàng nộp thuế cao nhất …. Thông tin về mức thuế ở mỗi khu vực được công khai trên Internet và tại mỗi văn phòng quản lý đất đai. Bất kỳ ai muốn tranh cãi về việc định giá sẽ được yêu cầu đệ trình đề án của mình. Tin rằng, nếu chính sách này được thực thi, sẽ chấm dứt ngay tình trạng đầu cơ đất và giúp hạ nhiệt giá đất. Người nghèo và những người sử dụng hiệu quả sẽ được tiếp cận với những thửa đất theo đúng nhu cầu. Các tòa nhà, cơ sở hạ tầng sẽ mọc lên nhanh chóng vì mọi người sử dụng các cơ hội mới để cải thiện mảnh đất của mình. Không còn cảnh mua đất rồi ngâm đấy, chờ Nhà nước đền bù giải tỏa hoặc chờ giá đất lên cao để bán … Thuế đánh vào các hoạt động kinh doanh ( Thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp …) không phải là công cụ tốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Việc tăng thu ngân sách từ thuế đất và giảm gánh nặng thuế kinh doanh sẽ giúp Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài ( FDI ) một cách vượt trội, thậm chí các tập đoàn sẽ chuyển cả tổng hành dinh vào Việt Nam chứ không phải chỉ chuyển nhà máy ".

Nguy cơ hiểm họa từ đất đã nhỡn tiền, hãy sáng suốt lắng nghe thế giới tiên tiến và học lại cha ông tư hữu hóa ruộng đất để giải tỏa hiểm họa, đồng thời làm cho đất đai thực sự trở thành nguồn sống cường thịnh của đất nước.

Hà Nội 6 tháng 9 năm 2007

Nguyễn Thanh Giang