THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

28 December 2011

Hiệu trưởng có cha là cán bộ có công với nước lĩnh án chung thân vì cứa cổ thuộc cấp

Cho rằng bị cán bộ văn thư chê bai, xúc phạm, vị hiệu trưởng ngồi nhậu chung bàn liền cứa cổ chết thuộc cấp. Chủ tịch công đoàn can ngăn cũng bị người này sát hại, nhưng thoát chết.
> Cựu hiệu trưởng cứa cổ văn thư sắp bị truy tố/ Hiệu trưởng bị tố cáo cứa cổ sát hại văn thư

Ngày 28/12, TAND tỉnh Bạc Liêu đã tuyên phạt Nguyễn Thanh An (36 tuổi, nguyên hiệu trưởng trường Tiểu học C xã Phước Long) án tù chung thân về tội "giết người".

Đưa bị cáo An về trại giam sau khi tòa tuyên án tù chung thân./.Ảnh: Thiên Phước
Bị cáo An sau khi nghe tòa tuyên án tù chung thân. Ảnh: Thiên Phước

Theo cơ quan công tố, trưa 24/6, bị cáo An rủ cán bộ văn thư Trần Việt Triều và Chủ tịch Công đoàn Bùi Thanh Đẳng vào thư viện của trường nhậu. Trong lúc uống bia, An không giải được một bài toán cấp 3 do anh Triều đố.

Bị thuộc cấp chê bai, cho rằng hiệu trưởng chỉ có bằng bổ túc, bị cáo An tức giận xông đến kẹp cổ anh Triều rồi dùng dao cứa liên tục vào cổ. Anh Triều tử vong tại chỗ. Ông Đẳng lao đến can ngăn cũng bị hiệu trưởng đâm, gây thương tật 21%.

Trả lời thẩm vấn tại tòa, bị cáo An thừa nhận khi bị chê bai, xúc phạm đã không kìm chế được bản thân nên gây ra tội. Do bị cáo thành khẩn, ăn năn, cha là cán bộ có công với nước... HĐXX áp dụng mức án chung thân với An.

Thiên Phước

Thảm họa môi trường – Bài học nào cho Việt Nam?


2011-12-27

Động đất 9 độ Richter gây sóng thần dẫn đến những tai biến tại nhà máy điện nguyên tử Fukushima là một trong những thảm họa môi trường lớn trong năm 2011.

AFP PHOTO

Động đất gây nổ nhà máy điện hạt nhân Fukushima, ảnh chụp tháng 03 năm 2011.

 

Trong chuyên mục Khoa học - Môi trường kỳ này, mời quí vị cùng điểm lại một số thông tin liên quan thảm họa đó và bài học cho Việt Nam. 

Tai nạn nguyên tử tệ hại

Ngày 11 tháng 3 năm 2011 là ngày thảm họa đối với người dân tại khu vực đông bắc Xứ Phù Tang bởi không ai ngờ đến một thảm họa kép giáng xuống vùng đất của họ. Trận động đất  mạnh đến 9 độ trên thang địa chấn Richter dâng sóng thần càn quét vùng đất của họ. Thế nhưng thảm họa không dừng lại ở những chấn động làm rung chuyển, đổ nhà cửa hay tạo sóng cao ập xuống sâu vào đất liền; mà sóng cao đến hơn chục mét là nguyên nhân dẫn đến mất điện khiến hệ thống làm nguội của các lò phản ứng hạt nhân bị ngưng hoạt động. Từ đó gây nên những vụ cháy nổ, tình trạng tan chảy các thanh nhiên liệu làm  phóng xạ bị rò rỉ ra bên ngoài. Đây được xem là tai nạn nguyên tử tệ hại nhất kể từ vụ Chernobyl của Nga hồi năm 1986.

Các chính trị gia nói ông tân thủ tướng Noda cũng không biết gì về điện nguyên tử hết mà dám nói điện nguyên tử an toàn để 'bán điện hạt nhân' cho Việt Nam.

Ô. Âu Minh Dũng

Hơn chín tháng sau khi xảy ra vụ việc, vào ngày 16 tháng 12 năm 2011, thủ tướng Yoshihiko Noda của Nhật chính thức tuyên bố đủ điều kiện 'đóng nguội' nhà máy điện nguyên tử Fukushima. Ông cho biết tai biến tại nhà máy đó nay đã được kiểm soát.

Tuần trước đó, cũng theo thủ tướng Nhật Bản thì nhiệt độ trong ba lò phản ứng có các lõi nhiên liệu bị nóng chảy, hầu như đã hạ xuống dưới điểm sôi và lượng phóng xạ rò rỉ giảm đáng kể. Đây là hai điều kiện để 'đóng nguội' nhà máy.

Đó cũng là điều kiện cần thiết để có thể sắp tới đưa gần cả trăm ngàn cư dân sống trong bán kính 20 km của nhà máy lâu nay phải đi sơ tán trở lại nơi cư ngụ cũ trước khi xảy ra thảm họa.

Thế nhưng ngay ngày hôm sau khi thủ tướng Nhật tuyên bố 'đóng nguội' nhà máy Fukushima, truyền thông Nhật Bản lên tiếng bày tỏ quan ngại về tuyên bố đó của thủ tướng và cho rằng nói như thế là còn sớm.

Ông Tetsunari Iida, giám đốc Viện Chính sách Năng lượng Bền Vững của Nhật, một nhóm chống năng lượng nguyên tử, thì cho rằng những từ ngữ được sử dụng có phần bị lệch lạc, không theo đúng nghĩa của chúng và tạo ra cảm tưởng là mọi chuyện đến lúc này ổn rồi. 

Ông Kazuhiko Kudo, nhà vật lý nguyên tử tại đại học Kyushu lên tiếng cho rằng tuyên bố 'đóng nguội' của thủ tướng có thể tạo nên cảm tưởng rằng nhà máy được cấp chứng chỉ an toàn chính thức rồi. Nếu như thế thì đó sẽ là vấn đề.

Ông Takashi Sawada, phó chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Nhật Bản, một nhóm ủng hộ năng lượng nguyên tử thì cho rằng cũng chấp nhận được, khi nói là những lò phản ứng đã cơ bản đạt đến điều kiện nguội ổn định. Dù rằng theo ông này thì từ 'đóng nguội' không có nghĩa là cả bốn lò phản ứng bị tai biến nay đã hoàn toàn bình thường trở lại rồi.

Ông Âu Minh Dũng, một người Việt sống tại Nhật Bản lâu nay cho biết ý kiến về tuyên bố của thủ tướng Yoshihiko Noda về việc 'đóng nguội' nhà máy điện nguyên tử Fukushima:

nuclear-no-thanks-305.gif
Người Nhật biểu tình chống điện hạt nhân sau biến cố Fukushima, ảnh chụp năm 2011. AFP PHOTO.
"Tâm lý của người dân Nhật là người ta vẫn không tin lời ông thủ tướng này nói. Lý do trước đây đã có những tuyên bố lạc quan nhưng sau đó lòi ra hết cả mọi chuyện. Bây giờ người ta chỉ tin vào những gì các nhà khoa học nói mà thôi.

Vừa rồi trên kênh truyền hình số năm có cuộc bàn luận của các chính trị gia, và họ nói ông tân thủ tướng Noda cũng không biết gì về điện nguyên tử hết mà dám nói điện nguyên tử an toàn để 'bán điện hạt nhân' cho Việt Nam. Khi hỏi ông điện hạt nhân an toàn thế nào ông không trả lời được.

Chính những khoa học gia nhưng chúng tôi ngồi tại đây xác định thuỷ điện vẫn xảy ra tai nạn huống gì điện hạt nhân. Ai nói điện hạt nhân an toàn là không hiểu gì về điện hạt nhân."

Theo tính toán thì lượng phóng xạ rò rỉ tại nhà máy điện nguyên tử Fukushima ở Nhật chỉ chừng 1/5 lượng phóng xạ của thảm họa Chernobyl tại Nga. Tuy nhiên phóng xạ từ nhà máy điện Fukushima cũng đã nhiễm vào các loại lương thực thực phẩm trong vùng như gạo, rau, thịt bò… Người dân sản xuất ra các loại lương thực, thực phẩm đó phải chịu khốn đốn vì hàng bị người tiêu dùng không mua, và nhiều sản phẩm từ đó bị các nước khác cấm nhập.

Vào ngày 12 tháng tư năm nay, tức một tháng sau khi xảy ra thảm họa tai biến tại nhà máy điện Fukushima, chính phủ Nhật cho nâng mức nghiêm trọng của tai biến đó lên mức cao nhất trên thang đánh giá của thế giới, ngang bằng với thảm họa Chernobyl dù lượng phóng xạ phát tán ra ngoài không bằng.

Các nước đóng cửa nhà máy

Những nhà chính trị thảo luận của Nhật cho rằng ông Noda 'gắp lửa bỏ tay người', vì việc mình giải quyết không được mà dám nói với người khác 'an toàn'.

Ô. Âu Minh Dũng

Sau khi xảy ra thảm họa hạt nhân tại nhà máy điện Fukushima, chính quyền tại nhiều nước từ Á sang Âu đều lên tiếng yêu cầu ngành hạt nhân tại quốc gia họ phải rà soát lại tình trạng an toàn của các nhà máy.

Thủ tướng Angela Merkel hồi cuối tháng năm mạnh mẽ cho biết nước Đức sẽ theo từng giai đoạn đóng hết 17 nhà máy điện hạt nhân vào năm 2022.

Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn, đại học bách khoa Grenoble Pháp, và nguyên cố vấn chiến lược công ty điện lực EDF của Pháp, trình bày trong một chương trình trước đây của Đài Á Châu Tự do về mức độ an toàn  của các loại lò phản ứng điện hạt nhân như sau:

"Các kiểu lò từ thế hệ 1 đến thế hệ 2 như PWR vẫn chưa đạt được mức an toàn đòi hỏi. Kiểu lò thế hệ ba dần dần xuất hiện ở một vài nước như lò EVR của Pháp đang được xây cất ở Flamanville thuộc miền bắc nứơc Pháp, và ở Phần Lan. Nhưng nên nhớ rằng lò thế hệ 3 chỉ là kiểu lò tiến hóa, chứ không phải lò 'cách mạng'. Lò EPR tinh xảo hơn lò PWR nhưng cũng cùng một công nghệ mà nhiều chuyên gia xem như đã lỗi thời. 

Tôi xin phép kê ra những tiến bộ của lò EPR cần được lưu ý: hệ thống an toàn được tăng cường, số xác suất tim lò bị nóng chảy được hạ thấp, hậu quả phóng xạ được hạn chế, nhiên liệu hạt nhân được sử dụng tối ưu.

000_Hkg4677172-305.jpg
Động đất gây cháy lan rộng ở thành phố Natori, tỉnh Miyagi hồi tháng 03/2011. AFP PHOTO.
Lò thế hệ 4 đang được 12 nước chung sức nghiên cứu, trên lý thuyết sẽ được an toàn, nhưng không ai có thể bảo đảm sự an toàn tối ưu, hay tuyệt đối. Những tiêu chuẩn chính của loại lò này là: tiết kiệm được chu kỳ nhiên liệu, hạn chế chất thải phóng xạ, hạn chế sự lan rộng vũ khí nguyên tử.

Lò thế hệ 4 không thể xuất hiện trước những năm 2035, 2040. Tuy vậy Pháp có tham vọng cho chạy lò mẫu (active) 600 MW trước các nước khác vào năm 2020. Một số ít lò neutron nhanh làm lạnh bởi sodium được khai thác ở Nga, Nhật Bản và cũng đang được xây cất ở Trung Quốc, Ấn Độ nhưng những lò này không có độ an toàn cao như kiểu lò thế hệ 4."

Việt Nam xây mới

Trong khi đó thì Việt Nam là một trong những quốc gia ở  Đông Nam Á,muốn triển khai điện hạt nhân như một cứu cánh giúp đáp ứng nhu cầu khát năng lượng của họ.

Bài báo của tác giả Sonia Kolesnikov Jessop trên tờ The New York Times đăng hồi cuối tháng 11 vừa qua nhắc lại đánh giá của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, IAEA, cho rằng dù tình hình của Fukushima khiến cho nhiều nước như Đức, Bỉ… có kế hoạch đóng dần các nhà máy điện nguyên tử của họ, nhưng công tác xây dựng những nhà máy dạng này ở nhiều quốc gia vẫn tiến triển bình thường, đặc biệt ở Châu Á. IAEA dự báo những yếu tố góp phần gia tăng mong muốn sản xuất năng lượng nguyên tử vẫn không có gì thay đổi.

Lò thế hệ 4 đang được 12 nước chung sức nghiên cứu, trên lý thuyết sẽ được an toàn, nhưng không ai có thể bảo đảm sự an toàn tối ưu, hay tuyệt đối.

GS Nguyễn Khắc Nhẫn

Việt Nam sẽ là quốc gia  vào năm 2020 sẽ có nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. Theo kế hoạch công tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam sẽ được triển khai tại Ninh Thuận. Công ty Nga Atomstroyexport sẽ đảm nhận công tác này và nhà máy đầu tiên này của Việt Nam sẽ có hai lò phản ứng VVER-1000 hay 1200. Việt Nam cũng sẽ hợp tác với phía Nhật xây dựng hai lò phản ứng tại nhà máy thứ hai cũng ở tỉnh Ninh Thuận. Tin cho biết, Việt Nam muốn xây dựng ít nhất tám nhà máy điện nguyên tử. 

Ông Nguyễn Nhị Điền, giám đốc Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt của Việt Nam cho biết về hệ thống lò phản ứng có thể được sử dụng tại nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam:

"Nhà máy đầu sẽ chọn công nghệ của Nga là nhà máy VVER-1000; tuy nhiên trong VVER-1000 có một số loại như EF-92,91. Có lẽ sẽ chọn một trong những loại đó. Tổng công ty Điện lực sẽ chọn loại thế hệ mới nhất."

Về địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam tại tỉnh Ninh Thuận có ý kiến quan ngại vì đây là nơi nằm gần biển và khu vực này cũng không phải là vùng an toàn hoàn toàn khỏi nguy cơ động đất.

000_Hkg4757473-250.jpg
Các đơn vị đặc biệt tiếp tục phun loại nhựa chống phóng xạ lây lan quanh khu vực Tepco của nhà máy điện hạt nhân Fukushima hồi tháng 04/2011. AFP PHOTO.
Theo giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn, Việt Nam không cần thiết phải triển khai điện hạt nhân mới có thể đáp ứng nhu cầu về năng lượng của mình, mà Việt Nam còn nhiều nguồn năng lượng tái tạo chưa được khai thác có thể giúp đáp ứng nguồn nhu cầu ngày càng tăng.

Ông Âu Minh Dũng nhắc lại cảnh báo từ phía đối lập của Nhật nêu ra với chính thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về kế hoạch triển khai điện nguyên tử với sự trợ giúp của các đối tác Nhật:

"Vị chủ tịch đảng đối lập hiện nay tại Nhật, Đảng Dân chủ Xã hội, trên website của Đảng này cho biết đã gặp và nói với thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng Việt Nam không nên có điện hạt nhân vào lúc này. Ngay chính Nhật Bản không giải quyết được tai nạn điện hạt nhân Fukushima, vậy mà Nhật dám nói điện hạt nhân an toàn, cho nên không nên tin vào lời hứa đó. 

Những nhà chính trị thảo luận của Nhật cho rằng ông Noda 'gắp lửa bỏ tay người', vì việc mình giải quyết không được mà dám nói với người khác 'an toàn'. Nếu như sau này Việt Nam xảy ra tai nạn, không phải chính quyền ông Noda bây giờ chịu trách nhiệm mà toàn thể người dân Nhật phải chịu trách nhiệm vì Nhật Bản dám nói điện hạt nhân an toàn."

Dân gian Việt Nam có câu: 

"Cá trong lờ, đỏ lơ con mắt,
Cá ngoài lờ, ngúc ngắc muốn vô."

Câu nói này có thể nói đúng trong trường hợp xây dựng nhà máy điện nguyên tử. Trong khi do mối nguy của một sự cố nhà máy điện nguyên từ mà nhiều nước từng lệ thuộc vào nguồn năng lượng này; ngay cả như Nhật, nay đều muốn giảm dần và đi đến đóng hết các nhà máy điện nguyên tử của họ; thì một số nước khác như Việt Nam hiện rất tích cực trong việc xây dựng các nhà máy điện nguyên tử mới, bất chấp các gương 'nhãn tiền' Chernobyl, Fukushima…, cũng như mọi cảnh báo của giới khoa học đưa ra.

Mục Khoa học - Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí vị trong chương trình kỳ tới. Gia Minh chào tạm biệt.


Theo dòng thời sự:

ANH PHÊRÔ NGUYỄN ĐÌNH CƯƠNG BỊ BẮT


TNCG – Vào lúc 16h 15 phút ngày 24.12.2011, Tại Giáo xứ Yên Đại. Hạt Cầu Rầm, Tp Vinh – Nghệ An.
Công an TP Vinh đã ập tới nhà một người Bạn là bác sỹ mà anh Cương đang đi đến để chúc mừng Giáng sinh. Đang ngồi trò chuyện, 3 kẻ lạ mặt ập vào, còng tay, bắt anh Nguyễn Đình Cương mang lên chiếc xe taxi. Đó là một toán người không rõ danh tính, tất cả đều mặc thường phục.
Được biết Anh Phêrô Nguyễn Đình Cương là Kitô hữu thuộc giáo xứ Yên Đại, hạt Cầu Rầm, Giáo Phận Vinh. Anh Cương là thành viên của Trung Tâm Bảo vệ sự sống Gioan Phaolo II. Là Thanh niên nhiệt tâm trong các công việc mục vụ bác ái xã hội của Giáo xứ Yên Đại. Xin mọi người hiệp ý cầu nguyện cho Anh Cương sớm được tự do để mừng lễ Giáng Sinh với gia đình và Giáo xứ.
Chúng tôi sẽ cập nhật tin tức tiếp.
Cập nhật 1. 
Ngay sau khi nhận được tin nhắn về việc anh Cương bị bắt, một người em của anh đã phóng xe máy đuổi theo chiếc xe taxi Mai Linh và chặn ngang yêu cầu dừng lại để làm rõ hành vi bắt người trái pháp luật. Có 3 kẻ lạ mặt trong xe mở cửa xuống bóp cổ, xô đẩy và hành hung em trai của Anh Cương, gạt xe máy sang một bên và tiếp tục chạy.
Một số người tiếp tục đi theo chiếc taxi chở bọn bắt cóc đó thì thấy nó đi thẳng vào trụ sở Công An Tỉnh Nghệ An. Không ai có thể tưởng tượng được ở một nhà nước pháp quyền mà công an đóng giả du côn, dắt sẵn còng tay trong người, lừa và bắt không hề có lệnh, có thông báo.
Gia đình đang rất phẫn uất việc này vì anh Cương là một người con ngoan, một người anh tốt và hết lòng hy sinh vì công việc của Giáo Hội. Anh bị bắt cóc mang đi vào đúng buổi chiều ngày 24/12 là lúc toàn thể giáo dân đang chuẩn bị đón mừng Thiên Chúa giáng sinh.

Tàu Vinalines Queen 54 ngàn tấn mất tích trên biển Đông


Tàu Vinalines Queen của Việt Nam bị mất tích trong khu vực Biển Đông sau ba ngày đến sáng nay vẫn chưa thể liên lạc được.

Google map

Khu vực ghi nhận tàu Vinalines mất tích.

Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam nhận tin báo của công ty vận tải biển Vinaline là con tàu này đang trên hành trình vận chuyển  54. 400 tấn quặng  từ cảng Morowali- Indonesia đi đến cảng Ningde-Trung quốc thì gặp nạn ở Bắc  Đảo Luzon- Philippine.  
Dù có các lực lượng tìm kiếm cứu nạn của Philippine, Đài Loan, Nhật Bản, Hồng Kong hỗ trợ nhưng đến nay vẫn chưa có tin tức gì về con tàu này.
Ông Bùi Văn Các, phó giám đốc công ty Vinalines khẳng định rằng gió mùa cấp 7,8 là bình thường so với tàu Queen.  Nhưng ông không hiểu tại sao con tàu này lại mất liên lạc. 
Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm Cứu nạn Hàng hải Việt Nam cho biết đang tiếp tục liên lạc với các đối tác để tìm kiếm con tàu đang còn mất tích.

Chặn Facebook nhưng chào đón người sáng lập !!


Tại Việt Nam truyền thông trong nước suốt những này qua loan tin về việc người sáng lập Facebook, tỷ phú trẻ Zuckerberg, đến Việt Nam để nghỉ lễ Giáng sinh năm nay.

AFP

Tỷ phú trẻ Zuckerberg, người sáng lập Facebook

Bản tin của hãng thông tấn AP hôm nay trích dẫn phát biểu của một viên chức địa phương tại Vịnh Hạ Long cho biết Zuckerberg đã có mặt tại danh thắng đó để mừng đêm vọng giáng sinh.
Sau đó, vị tỷ phú trẻ nổi tiếng này đi Sapa, nghỉ tại khách sạn Topas Ecolodge tại đó, và trong thời gian đó Zuckergerg đã tham gia một tua cưỡi trâu tại Sapa.
Chàng tỷ phú trẻ 27 tuổi sáng lập ra mạng Facebook hồi năm 2004. Mạng xã hội này đang được nhiều người sử dụng tại Việt Nam, nhất là giới trẻ. 
Cơ quan chức năng chuyên kiểm duyệt Internet cố chặn Facebook và nhiều trang mạng khác; thế nhưng các bạn trẻ đều có cách vượt tường lửa để duy trì tài khoản Facebook của họ

Những đứa trẻ không có Giáng Sinh


2011-12-27

Trong không khí tưng bừng của đêm Noel, ở một góc khuất nào đó, có những đứa trẻ không có Giáng sinh. Chúng không có Giáng sinh, chỉ đơn giản là vì chúng không có mẹ.

Courtesy TTVH

Bé Thảo và Hiệp bên bàn thờ Mẹ Nguyễn Thị Liễu hồi tháng 06/2011.

 

Đó là chuyện của về hai bé Thảo và Hiệp mà Quỳnh Chi chia sẻ sau đây:

Ngóng chờ sự kì diệu

Hà Nội đêm Noel thật rộn ràng, phố xá ngập ánh đèn cùng với tiếng chuông thánh lễ. Giờ này người đi chơi lễ đã túa ra đường. Đêm Giáng sinh làm người ta khó tìm một góc mà nơi ấy không nhộn nhip. Đêm 24, đường phố Bangkok lạnh hơn mọi ngày. Thỉnh thoảng vài cơn gió thốc qua the thé như cố mang thêm chút không khí của đêm Giáng sinh về với thành phố lớn. Các trung tâm thương mại giờ này đã đóng cửa nhưng đèn vẫn mở sáng choang. Đường phố Bangkok dường như vắng hơn Hà Nội. Hơn chín giờ tối, vài chiếc "tút tút" vẫn chạy xe không... có lẽ mọi người đang đón Giáng sinh đầm ấm cùng gia đình. Giờ này, ở một xã nhỏ quê mùa thuộc huyện Chương Mỹ, hai bé Thảo và Hiệp đang ngồi ngóng một sự một sự kì diệu từ ông già Noel.

Những vấn đề như thế thì cha cháu không lo được đâu. Bảo làm gì thì làm thôi chứ Hiển không hề biết tự mình làm gì cả.

Ô. Nguyễn Văn Tám

Thảo – đứa bé vừa bước sang tuổi thứ 9 và em nó, thằng Hiệp vẫn còn ngô nghê ở cái tuổi lên sáu. Có lẽ hai đứa bé cũng sẽ giống như bất cứ đứa trẻ nào được đón Noel nếu cách đây đúng sáu tháng, mẹ nó không mất trong một lần đình công. Mẹ của nó là chị Nguyễn Thị Liễu, người bị bảo vệ của Công ty TNHH Vật liệu đặc biệt Giai Đức Việt Nam (Khu công nghiệp Phú Nghĩa, Chương Mỹ, Hà Nội), cán chết trong một lần đình công vào ngày 23 tháng 6 năm nay để đòi cải thiện bữa ăn trưa. 

Gọi cho ông Nguyễn Văn Tám – ông trẻ hai bé Thảo và Hiệp, mới biết các em đang ngồi thẩn thờ xem TV, ngơ ngác nhìn ông già Noel trao quà cho các bạn mà thèm thuồng. Ông Nguyễn Văn Tám, chú ruột của anh Hiển chồng chị Liễu, cho biết anh Hiển không thể tổ chức Giáng sinh cho gia đình:

"Những vấn đề như thế thì cha cháu không lo được đâu. Bảo làm gì thì làm thôi chứ Hiển không hề biết tự mình làm gì cả. Ví dụ, bảo quét nhà thì Hiển quét nhà, nhưng chỉ như thế thôi. Đôi khi thời tiết thay đổi làm ảnh hưởng thêm thì Hiển đập phá lung tung. Có lúc hơi tỉnh táo một chút thì còn để Hiển đi làm, chủ yếu là những công việc gần nhà thôi, nhưng có lúc cũng không ai nhận."

Anh Hiển có vấn đề về thần kinh bẩm sinh, đến tuổi dựng vợ gã chồng mà tìm mãi trong làng cũng chẳng có đám nào ưng thuận. Duyên nợ đưa đẩy, anh Hiển bén duyên với gái cùng gia cảnh. Ông Tám nói tiếp:

"Chuyện hôn nhân của Hiển và Liễu là do giới thiệu cả. Gia cảnh Liễu cũng khó khăn. Hai gia đình lại quen biết nhau vì cùng làng cho nên hai gia đình sắp xếp cho hai đứa lấy nhau. Chúng nó cũng chẳng yêu đương tìm hiểu gì cả."

Mối tình đơn sơ với lần lượt hai đứa con ra đời tạo ra một gia đình hạnh phúc với những đêm Giáng sinh bình thường như bao gia đình khác cho đến khi xảy ra cái chết đột ngột của chị Liễu. Kết quả của cuộc đình công tại công ty Giai Đức (100% vốn Đài Loan) cách đây nửa năm là bữa ăn được cải thiện từ 10 ngàn đồng lên 15 ngàn đồng và một số yêu cầu khác. Tuy nhiên, cái giá phải trả là mạng sống của chị Nguyễn Thị Liễu khi bảo vệ công ty là Lê Tấn Minh đã lái xe tải đâm thẳng vào đoàn người đình công. 

dinh-cong-250.jpg
Chiếc xe tải của Công ty TNHH Vật liệu đặc biệt Giai Đức Việt Nam (Khu công nghiệp Phú Nghĩa, Chương Mỹ, Hà Nội), cán chết chị Nguyễn Thị Liễu trong lần đình công vào ngày 23 tháng 6 năm 2011 để đòi cải thiện bữa ăn trưa. Courtesy giaoduc.net.vn
Cái chết của người mẹ trẻ khi chưa bước qua tuổi 30, khi đồng lương chưa quá 1,4 triệu đồng một tháng trong hoàn cảnh ấy làm nhiều người không khỏi chạnh lòng. Ngày để tang vợ, anh Hiển cũng ngơ ngáo như đứa trẻ tìm mẹ, còn hai bé Thảo và Hiệp chỉ biết khóc đến thiếp đi. Từ khi chị Liễu mất, Thảo và Hiệp phải nhờ vào ông Tám chăm sóc:

"Hai cháu sống rất vất vả. Bà nội thì già cả và mắt kém.Cha cháu thì chẳng làm ăn gì được. Cô của cháu Thảo và Hiệp cũng bị ảnh hưởng chất độc màu da cam mà cũng không chăm sóc được cho mình. Bây giờ tôi cũng đảm nhận trông nom dạy dỗ các cháu chứ cha cháu thì không thể làm được chuyện này."

Ông Tám cũng trở thành người giải quyết các công việc liên quan đến pháp lý cho gia đình. Chị Lam Hồng, đại diện văn phòng luật INTERLA, nhận bảo vệ miễn phí cho gia đình chị Liễu cho biết:

"Lần nào vào nhà thì tôi cũng gặp anh Hiển nhưng anh là người thiểu năng nên nhận thức pháp lý và nhận thức xã hội của anh không đầy đủ. Khi ngồi nói chuyện với chúng tôi thì anh không thể nói được gì cả. Mọi vấn đề chúng tôi đều phải trao đổi với ông trẻ và ông cụ của hai cháu."

Chưa có kết luận điều tra

Chị Liễu là người tỉnh táo duy nhất trong gia đình thì giờ cũng không còn.Các cháu rất thiếu thốn và khó khăn về cả tinh thần lẫn vật chất.

Chị Lam Hồng

Cũng theo chị Lam Hồng, hiện giờ thì giai đoạn điều tra còn chưa xong và cơ quan điều tra vẫn còn đang làm rõ vai trò của những người liên quan. Cho nên, theo dự kiến, giai đoạn điều tra sẽ chậm hơn so với thông lệ khoảng vài tháng. Theo thông lệ, quá trình điều tra kéo dài trong vòng 6 tháng nhưng một số trường hợp có thể kếo dài đến khi kết thúc điều tra. Cũng theo chị, theo bộ luật dân sự thì người chủ công ty phải liên đới chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, cơ quan điều tra vẫn đang xác định xem có đưa vai trò của công ty Giai Đức vào hay không và bảo vệ Minh là người trực tiếp chịu trách nhiệm.

Mặc dù nhận chăm sóc cho Thảo và Hiệp nhưng cố gắng lắm, ông Tám cũng chỉ có thể lo được những gì cơ bản nhất cho hai bé. Cho nên, những đêm Noel lại là một trong những đêm cô đơn nhất của các em. Chị Lam Hồng cho biết:

"Noel là một dịp lễ không quá phổ biến ở Việt Nam và ở vùng quê ấy thì dịp lễ này cũng không quan trọng mấy. Tuy nhiên, mỗi khi dịp lễ lạc đến là tôi rất chạnh lòng cho các cháu vì gia đình không trọn vẹn. Chị Liễu là người tỉnh táo duy nhất trong gia đình thì giờ cũng không còn.Các cháu rất thiếu thốn và khó khăn về cả tinh thần lẫn vật chất.

Anh-2-1-250.jpg
Hiện trường nơi xe tải của Công ty TNHH Vật liệu đặc biệt Giai Đức Việt Nam (Khu công nghiệp Phú Nghĩa, Chương Mỹ, Hà Nội), cán chết chị Nguyễn Thị Liễu trong lần đình công vào ngày 23 tháng 6 năm 2011 để đòi cải thiện bữa ăn trưa. Courtesy giaoduc.net.vn
Mặc dù huyện Chương Mỹ nay đã thuộc Hà Nội nhưng nhà các cháu chỉ là nhà cấp 4, ba gian, chưa trát được tường, cũ kĩ. Trong nhà lại không có gì đáng giá. Khi mẹ các cháu mất thì người ta thương nên cho một số đồ đạc. Các cháu mới có TV và tủ đựng quần áo, có bàn học và quạt để dùng. Khi mẹ các cháu còn sống thì chỉ có thể lao ra kiếm tiền để nuôi gia đình thôi chứ không thể nào sắm sửa được cho gia đình."

Qua điện thoại, chúng tôi nghe rõ tiếng TV bên kia đầu dây với những bài hát Giáng sinh rộn ràng. Thấy bé Thảo nói chuyện điện thoại, anh Hiển đổi kênh TV và bỗng nghe đầu dây bên kia có tiếng khóc thét lên. Bé thảo cho biết, tiếng khóc ấy là của cô em, tức em anh Hiển, cũng có bệnh lâu ngày và không thể tự chăm sóc cho mình. Đêm Giáng sinh của Thảo và Hiệp là như thế. Những lúc như thế này làm các em nhớ mẹ hơn. Thảo cho biết, em nhớ những đêm Noel khi mẹ mang kẹo về. Còn Hiệp thì vô tư hơn, khi có khách hỏi thăm, em bảo mình thích đồ chơi "máy múc".

Bây giờ, đi ngang qua công ty Giai Đức, vết máu của chị Liễu cũng đã phai. Công ty vẫn tiếp tục hoạt động bình thường như chưa có chuyện gì xảy ra, cũng giống không ai biết chuyện những đứa trẻ ngơ ngác đón Noel bên ông bố ngờ nghệch. Kết thúc buổi nói chuyện mà hình ảnh ba cha con bó gối ngồi tựa cửa bơ vơ đón Giáng sinh vẫn còn ám ảnh. Ba cha con mỗi người có một suy nghĩ riêng nhưng có thể lắm các suy nghĩ ấy đều mang hình bóng chị Liễu – khi mà ít ra "máy múc" không phải là một giấc mơ của Hiệp.

Mời quý vị liên lạc với Quỳnh Chi tại Quynhchi@rfa.org. Kính hẹn gặp lại quý vị vào kỳ tới.


Theo dòng thời sự:

Cuộc sống người lao động ăn lương


2011-12-27

Mặc dù Nhà nước đã cho tăng lương tối thiểu cách nay 2 tháng, nhưng phần lớn công nhân Việt Nam cho biết họ vẫn sống rất chật vật, túng thiếu.

AFP photo

Các bạn trẻ tìm việc tại một Trung tâm giới thiệu việc làm ở TPHCM

Đây là câu chuyện dài được báo chí cho là "vui ít, buồn nhiều" mỗi khi có đợt tăng lương. Vì sao lại có sự mâu thuẫn ấy?  Và người lao động thu nhập thấp có phản ứng ra sao?

Thắt lưng, buộc bụng…

Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy hiện có tới gần 49% người lao động Việt Nam có thu nhập thấp, nên hầu hết đều phải là thêm việc, thêm giờ, hoặc đành phải sống thắt lưng, buộc bụng.

Mức thu nhập trung bình của công nhân lao động đạt trên dưới hai triệu đồng một tháng, bao gồm các loại phụ cấp tiền nhà trọ, tiền xăng.

Nhưng với tỷ lệ lạm phát tăng vọt, gía cả, hàng hóa, dịch vụ leo thang, cuộc sống của giới lao động không những không được cải thiện, mà còn eo hẹp, chật vật, điều kiện sống thấp kém hơn, cần kiệm mấy cũng khó đủ sống, khi đau yếu, bất trắc thì dễ lâm cảnh nợ nần.

Được biết, lương tối thiểu được định nghĩa là mức lương thấp nhất được sử dụng làm cơ sở để chủ nhân và công nhân thỏa thuận với nhau về tiền lương.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa cho lao động được hưởng mức lương sàn tối thiểu, mà không bị cơ quan hữu trách kiểm tra, nhắc nhở hay xử lý.

Theo khảo sát của Viện Công Nhân thì mức chi trả của doanh nghiệp cho người lao động lâu nay vẫn không đáp ứng được mức sống hàng ngày, tối thiểu của công nhân.

Với khẩu phần ăn gồm gạo, thịt rau, mắm muối thì người lao động cũng phải chi tới hơn 35 ngàn đồng, một ngày, có nghĩa là mỗi tháng người lao động phải cần trên một triệu đồng để chỉ lo miếng ăn.

Nói cách khác là đồng lương khó nuôi sống bản thân người lao động chứ chưa nói đến những người khác trong gia đình.

Báo Lao Động cho biết, lương tối thiểu của người lao động Việt Nam còn rất xa mức sống tối thiểu, cho dù trong vòng 10 năm qua lương tối thiểu đã được điều chỉnh tăng 7 lần, nhưng vẫn "hụt hơi" so với cuộc chạy đua với lạm phát.

Vai trò của Nhà nước

000_Hkg4060360-250.jpg
Công nhân sơn lại một cây cầu qua sông Hồng tại Hà Nội vào ngày 24 tháng 9, 2010. AFP photo
Giải thích về chuyện lương bổng của người lao động Việt Nam, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế tại Hà Nội nhấn mạnh:

"Tới đây chính phủ sẽ có các biện pháp cải cách mạnh mẽ, có hiệu quả để cho khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng năng suất lao động thì sẽ có tăng lương.

Chỉ có thể tăng lương dựa trên tăng năng suất lao động, thì tăng lương mới có bền vững, kế đó là phải kiềm chế lạm phát, nếu không thì lương tăng không đủ cho sự thiệt thòi của người dân, phải chịu đựng mức tăng giá, như thế mới có thể giải quyết được vấn đề tiền lương, một cách cân bằng, ổn định và bền vững.

Tình hình thu nhập của người dân Việt Nam đã bị giảm sút đáng kể do yếu tố lạm phát, năm 2011 dự kiến lạm phát sẽ vào khoảng 18, 19%, như vậy đó là một thứ thuế vô hình đánh vào tất cả những người nào dùng tiền Việt Nam, vì đồng tiền mất giá trên dưới 19%, và mức tăng lương sẽ phải bù đắp cho đủ cái sự giảm sút đó."

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh khẳng định rằng muốn bảo đảm được mức sống tối thiểu của hàng chục triệu lao động khắp nước thì chính phủ cần sớm giải quyết nguyên tắc cơ bản, chứ không phải là cách bù đắp hay chấp vá tạm thời:

"Chỉ có thể khắc phục được một cách cơ bản là cải cách biên chế, cách quản lý của nhà nước; tức là dựa trên hiệu quả công việc, mà không cần có điều kiện gì.

Phải khắc phục tình trạng rất là phổ biến trong hệ thống xã hội chủ nghĩa trước đây, trả lương giả vờ thì cũng làm việc giả vờ và đấy là một việc làm tha hóa con người.

Người Việt Nam yêu lao động, cần cù nhưng nếu hệ thống tiền lương, động lực vật chất không phù hợp, thì có thể dẫn đến chuyện con người giả vờ làm việc, lãnh lương giả vờ, điều ấy là một bi kịch mà chúng ta phải chấm dứt."

Theo những người lao động ăn lương ở Việt Nam thì việc nhà nước xem xét tăng lương không phải là để chạy đuổi kịp vật giá, quy định mức lương tối thiểu không thể đáp ứng được mức sống tối thiểu của công nhân.

Trước tình trạng này, người lao động mong mỏi các cơ quản quản lý thị trường, giá cả áp dụng chặt chẽ các biện pháp ngăn chặn việc tăng giá bất hợp lý tránh chuyện lương chưa tăng mà vật giá đã leo thang gấp bội.

Người lao động nói gì?

Nói về chuyện đồng lương eo hẹp mà mình nhận lãnh để sống qua ngày, trước ảnh hưởng của cơn bảo giá, cô Mai, một công nhân ngành dệt may ở Bình Dương giải thích:

000_Hkg4285787-250.jpg
Công nhân lao động ăn sáng trên vỉa hè Hà Nội ngày 17 tháng 11 năm 2010. AFP photo
"Nói chung tăng lương chỉ đỡ một phần nào thôi, với điều kiện là giá bên ngoài phải bình ổn. Ở đây, nhà nước cũng đã cho bình ổn giá một số mặt hàng, số khác là do thị trường tự do, trôi nổi, nên không bình ổn.

Dù lương tối thiểu tăng được chút ít nên cuộc sống cũng đỡ hơn, bây giờ còn đang chờ luật tăng lương ra đời, mới dự kiến thôi. Đối với tư nhân từ qua đầu năm mới áp dụng, để điều chỉnh mức lương cho lao động, ngoài quốc doanh." 

Như bao lao động khác trong nước, cô lo lắng rồi đây năm mới, hàng hóa nhu yếu cũng sẽ được bán ra với giá mới:

"Một số mặt hàng như xăng, dầu, gas đang được bình ổn, nhưng dường như sang năm, điện, nước sẽ được điều chỉnh, tăng giá lên, hy vọng lương cũng sẽ nhích lên chút ít, chứ lao động thì chắc chịu không nỗi."

Một khi đồng lương không theo kịp vật giá, không bảo đảm mức sống tối thiểu của bản thân thì người lao động phải xoay sở ra sao, chị Mai kể tiếp:

"Mình ráng mà làm thêm một, hai nơi nữa thôi, chứ làm một chỗ, sống không nổi thì phải chạy làm thêm, cho có đồng lương khả dĩ, chút xíu.

Tiền lương làm ra chỉ đủ một người ăn thôi, chứ không nói là nuôi được ai khác, nhất định mình phải làm thêm việc để kiếm thêm thu nhập."

Khi góp ý về vấn đề vật giá và lương bổng của người lao động, ông Mai Khắc Đồng, một đảng viên, chuyên viên ngành dược phẩm ở Hà Tĩnh cho rằng nguyên nhân chủ yếu tạo nên bao bất cập trong xã hội, đó là sự thiếu tôn trọng luật pháp và việc quản lý chính sách không chặt chẽ:

"Muốn giải quyết được vấn đề tăng lương, trước hết là phải kiềm chế được lạm phát, tức là khi tăng lương thì giá thành các mặt hàng khác không được tăng theo. Bây giờ, mới nhút nhích tăng lương thì bao nhiêu cái khác đã tăng giá rồi.

Có rất nhiều vấn đề ảnh hưởng đến cuộc sống của người lao động, người ta nói rất nhiều, là đã có pháp luật rồi, nhưng thực tế, văn bản pháp luật không làm được gì cả, không giúp ích gì cho người lao động, việc chế tài, xử lý không đủ mạnh.

Người thi hành pháp luật, lại không làm theo công tâm của mình, cuối cùng lao động là người chịu thiệt thòi nhất. Lên lương được mấy trăm nghìn đồng, trong lúc đó, lại kéo theo lạm phát, người lao động phải chịu bao nhiêu thứ, như tiền thuê nhà, điện, nước tất cả đều tăng theo.

Nhà nước không quản lý được những cái đấy, huống hồ gì rau cỏ ngoài thị trường, trôi nổi, tất nhiên phải tăng giá rồi, vì cơ chế quản lý của nhà nước còn quá lỏng lẻo."    

Kết quả một cuộc khảo sát về lương bổng mới đây của cơ quan chuyên môn quốc tế cho thấy lương tối thiểu của người lao động Việt Nam chỉ từ 4.000 đến 4.500 đồng, một giờ, tương đương với hơn 2,75 xu Mỹ, trong khu vực EU, đạt gần 5,35 đôla, một giờ, tức gấp 20 lần, khu vực ASEAN đạt 75 xu Mỹ, một giờ, gấp gần 3 lần.

Các số liệu cụ thể này chứng tỏ là doanh nghiệp Việt Nam trả lương công nhân quá thấp. Thu nhập của họ chỉ đáp ứng được phân nữa hoặc 2/3 nhu cầu tối thiểu trong cuộc sống.

Theo dòng thời sự: