Nam Ninh (tỉnh Quảng Tây), Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông) đang trở thành địa chỉ mua sắm giá rẻ cuốn hút khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới trong đó có rất nhiều du khách Việt Nam với... “hàng hiệu siêu giả”. Những nơi này đang trở thành trung tâm đồ nhái sầm uất nhất Trung Quốc.
Góc đặc biệt ở Nam Ninh
Tàu đưa chúng tôi đến ga Nam Ninh, vừa dừng chân ngồi xuống chiếc ghế hàng giải khát, cô bán hàng Trung Quốc đã cười rất tươi rồi thẽ thọt bằng tiếng Việt rất sõi: “Có mua ba số Singapore không? Rẻ lắm! 20.000 thôi. Ở VN 50.000 đấy.”. Một người bạn tôi đã đi Trung Quốc nhiều lần quay sang „xổ“ một tràng tiếng Quảng Đông với cô ta khiến cô bán hàng đỏ mặt cười xòa. “Ba số Quảng Châu đấy mà“ Ông bạn tôi giải thích: „Nhiều người ở Việt Nam mới sang đây lúc đầu cứ tưởng là thuốc „Xinh“ thật đấy”.
Chiếc taxi đưa chúng tôi về đến khu khách sạn Lâm Viên tầm 8 giờ tối. Ngay dưới tầng một, Lệ Viên quán đang ồn ã tiếng nói cười, .... toàn tiếng Việt. Giọng Bắc Ninh có, Bắc Giang có... nhưng phần lớn ở đây lại là giọng Hà Nội. Dân Hà Nội sang đây buôn hàng và chủ yếu là thiên về hàng giày dép, quần áo, mỹ phẩm và những vật dụng gia đình xa xỉ khác
Trung tâm phân phối hàng nhái
Chợ Dân Tộc ở Nam Ninh bề thế, cao bốn tầng và mặt bằng rộng hàng ngàn mét vuông trùm lên mặt tiền của cả hai khu phố, chuyên bán buôn các mặt hàng từ đồ điện tử cho tới quần áo, giày dép... Theo những người am hiểu thì chợ Dân Tộc chủ yếu làm nhiệm vụ “xẻ” những chuyến hàng lớn từ Quảng Châu về.
Tầng một của chợ bày la liệt hàng điện tử. Tầng hai chuyên bán quần áo. Ở một góc chợ lại sáng bừng lên với các quầy hàng được thiết kế hiện đại, đèn sáng choang, la liệt đủ loại các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới. Quần áo thì có Levi’s, Nike, Adidas, Converse, Puma... Giày thì đủ các thương hiệu lớn Adidas, Nike, Converse, Puma, thậm chí có cả hàng chuyên dụng của Timberland... Rồi thắt lưng bạt chuyên dụng của Tough, bình đựng nước dùng trong thể thao của Nikkor...
“Siêu nhái đấy! Hàng nhái hết.”. Một người khách Việt có vẻ sành sơi nói. Quả thật không thể phân biệt nổi điểm khác biệt nào giữa đôi giày này với đôi giày tại đại lý của Converse ở Hà Nội với giá 550.000đ, thế nhưng đôi giày này ở đây lại chỉ bán với giá vẻn vẹn 58 tệ (tương đương 120.000đ), trong khi giá chính thức in trên mác là 225 tệ. Một chiếc quần bò Levi’s 502 “hàng đẹp” đầy đủ nhãn mác như một chiếc quần chính hiệu, chất vải quần cũng không hề có sự khác biệt nếu chỉ vuốt bằng tay và thử dựng đứng quần, bán với giá 80 tệ (160.000đ). Hàng này mà về VN rồi đưa vào shop hẳn là khó ai có thể biết được và chắc chắn là được “hét” với giá “đứt cổ”.
Hơn 30 gian hàng san sát ở đây, gian nào cũng đầy ắp hàng „xịn..nhái” nhưng mà giá lại cực rẻ. Chúng tôi ghé vào gian hàng chuyên bán các loại cặp da hiệu Prada, lóa mắt trước một chiếc cặp có khóa mạ vàng óng ả, toàn bộ cặp được làm bằng da nguyên chất, mềm mại, bề mặt căng bóng, nồng mùi da. Khi hỏi giá, tôi giật mình khi được biết loại này chỉ bán sỉ, phải đặt hàng từ 50 cái trở lên, giá chỉ có 170 tệ/cái! Mới tuần trước cũng cái cặp này ở một siêu thị tại Việt Nam, tôi thấy bảng treo giá 1,85 triệu đồng, đắt gần bảy lần. Còn dây nịt Louis Vuitton ở đây giá sỉ là 80 tệ/dây, mua lẻ 120 tệ/dây nhưng ở Việt Nam hiệu dây nổi tiếng này ít nhất giá cũng trên 1,5 triệu đồng/dây.
Chọn chiếc thắt lưng hiệu Charriol của Geneva, tôi đề nghị cô nhân viên bán hàng cho xem. Mắt tôi bị hoa lên khi thấy giá ghi có... 100 tệ. Ở Việt Nam chiếc thắt lưng này vẫn còn thuộc diện “hàng mới về” và giá không ít hơn 1,6 triệu đồng, gấp bảy lần giá ở đây. Quay sang chiếc xắc tay hiệu Bonia có giá 170 tệ (340.000 đồng) một tâm trạng rối bời lại xuất hiện trong tôi vì tôi thấy chiếc xắc tay này ở nhà trông cũng chẳng khác gì có giá tới 3 triệu đồng. Anh bạn tôi còn làm chúng tôi giật mình hơn khi tiết lộ bộ đồ veste hiệu Ungaro của nam giá ở chợ Bạc Má (Quảng Châu) hàng “siêu đẹp” chỉ độ 400 tệ/bộ trong khi ở Việt Nam được “hét” ít nhất 8 triệu đồng.
Hàng nhái bay vào cửa hàng
Từ chợ Dân Tộc, đi bộ vào khu trung tâm thành phố Nam Ninh là đến phố đi bộ Hưng Ninh nổi tiếng của Nam Ninh với bạt ngàn các cửa hàng và siêu thị quần áo. Bên cạnh cửa hiệu của các hãng Trung Quớc và thế giới danh tiếng, những cửa hàng nhỏ của tư nhân cũng chen đầy.
Vào cửa hàng mỹ phẩm Di Hoa Cung, chúng tôi không thể nào tin được những gì đang bày ở đây lại là hàng giả. Hàng trăm loại dầu gội đầu, kem dưỡng da, sữa tắm, bộ trang điểm, nước hoa bày chật các ngăn tủ với đủ xuất xứ, đủ các thương hiệu nổi tiếng của Nhật, Mỹ, Hàn Quốc, Pháp, Đức... Tôi đi tới ngăn nước hoa, chợt trông thấy chai CK One Summer. Thật bất ngờ vì đây là loại nước hoa mới nhất của Calvin Klein mà bây giờ ở đây đã có. Cô bán hàng trả lời tôi với cái giá không thể tin nổi: 260 tệ.
Tiếp theo tôi thấy hàng loạt thương hiệu nổi tiếng khác ... cũng là nạn nhân như Chanel No5, Lolita Lampicka, 212, BLV Absolute... Tất cả “đồ siêu nhái” ở đây đều được giả làm tới mức tinh vi và rất khó phân biệt với đồ thật, từ mùi đặc trưng, chữ nhũ bắn trên lọ nước hoa, độ tơi của tia nước hoa khi xịt ra cho đến vỏ hộp hai lớp với đầy đủ mã vạch.
Xuôi xuống mạn Hưng Ninh Tây, chúng tôi vào một vài cửa hàng chuyên bán hàng lấy ra từ chợ Dân Tộc. Trong cửa hàng Sunny và Hỉ Hoan, cũng vẫn những đôi giày ấy, vẫn những bộ quần áo ấy, dưới ánh đèn điện và cách bài trí chuyên nghiệp chúng trở nên lộng lẫy và bắt mắt hơn nhiều. Tất nhiên, giá cả cũng tăng lên tương ứng. Một đôi Nike trong chợ chỉ hơn trăm tệ, tại đây ghi giá 280 tệ.
Một chiếc áo nỉ dài tay đóng mác Puma ghi giá 250 tệ. Khác với những cửa hàng khác, hệ thống cửa hàng Like lại chuyên tập trung những mặt hàng dành cho dân “phủi”. Cái tên cửa hàng có vẻ cũng đã thấy “nhái nhái”, cái logo dưới tên cửa hàng cũng làm một vệt phết lên trông từa tựa logo của Nike, bên trong đủ các loại quần áo hip hop, quần áo, giày, mũ chuyên dành cho dân du lịch bụi...
Sau khi đi thêm mấy cửa hàng lớn bán mỹ phẩm “siêu giả” như Thảo Tư Hành, Nhuận Sắc, chui vào chợ Tân Hòa Bình để tìm hiểu các loại túi và ví “siêu giả” nhái của Louis Vuitton, Gucci... và các cửa hàng chuyên làm tem, nhãn mác theo bất kỳ mẫu nào được đặt, chúng tôi về khách sạn, đầu gối tôi lúc này như muốn rời ra nhưng bên tai cứ lảng vảng lời của người bạn đi cùng “Từ nay về sau về Việt Nam đừng có mơ là mình đang được xài đồ hiệu nhé..”.
PV