THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

10 August 2011

Cựu giảng viên nhận 3 năm tù vì tội 'lật đổ chính quyền'

Được đánh giá là khá thành khẩn về những hành vi gây phương hại cho nhà nước Việt Nam và có nhiều tình tiết giảm nhẹ khác, ông Phạm Minh Hoàng nhận mức án thấp hơn khung hình phạt.
> Cựu giảng viên bị cáo buộc 'lật đổ chính quyền' ra tòa

Trưa 10/8 tòa án nhân dân TP HCM đã tuyên phạt ông Phạm Minh Hoàng (56 tuổi, quốc tịch Pháp và Việt Nam) mức án 3 năm tù về tội "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" và bị quản thúc tại địa phương 3 năm sau khi mãn hạn tù.

Theo HĐXX, bị cáo Hoàng biết tổ chức Việt Tân hoạt động khủng bố, chống phá nhà nước Việt Nam nhưng vẫn tự nguyện tham gia, có những sai phạm làm ảnh hưởng xấu đến an ninh quốc gia cũng như ra sức lôi kéo nhiều người khác... Hồ sơ vụ án có đầy đủ cơ sở cho thấy bị cáo Hoàng đã có hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng như cáo trạng truy tố.

Cơ quan xét xử cũng cho rằng, những người tham gia chung với ông Hoàng đều đã phạm tội nhưng vì mức độ còn hạn chế nên không buộc trách nhiệm hình sự. Một số người vi phạm nghiêm trọng nhưng hiện định cư ở nước ngoài khi nào bắt được sẽ xử lý sau.

Ông Hoàng được dẫn về trại giam sau phiên xét xử. Ảnh: Vũ Mai.
Ông Hoàng được dẫn về trại giam sau phiên xét xử. Ảnh: Vũ Mai.

Theo cáo trạng của VKS, năm 1998, ông Hoàng bị Nguyễn Thị Thanh Vân và Nguyễn Ngọc Đức lôi kéo tham gia vào tổ chức Việt Tân tại Pháp. Đến năm 2000, thực hiện kế hoạch của tổ chức này, ông Hoàng hồi hương về Việt Nam, xin làm giảng viên hợp đồng cho đại học Bách khoa TP HCM.

Từ tháng 7/2002 đến tháng 5/2010, ông Hoàng bị cho là đã lấy bút danh Phan Kiến Quốc viết 33 bài có nội dung "xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước" để phát tán trên Internet. Vị giảng viên đại học còn bị cáo buộc đã cùng 3 thành viên của tổ chức Việt Tân khác tổ chức 4 lớp học về "kỹ năng mềm" để tuyên truyền, xây dựng lực lượng nòng cốt cho Việt Tân.

Sở Văn hóa - Thể Thao và Du lịch TP HCM kết luận, hầu hết bài viết phản ánh ý kiến của tác giả, không có ý kiến đóng góp và xây dựng, chủ yếu là đả phá, bôi nhọ hình ảnh đất nước.

Tại tòa, ông Hoàng thừa nhận đã tham gia tổ chức Việt Tân từ ngày ở bên Pháp và biết những người mình gặp gỡ từng bị xử lý về hành vi chống phá nhà nước Việt Nam. Về 33 bài viết của mình, ông Hoàng cho rằng chỉ mang tính cá nhân, có bài không gây phương hại đến an ninh chính trị.

"Tôi viết xong là gửi lên Internet chứ không biết mình đã vi phạm pháp luật. Nếu biết sẽ bị truy tố như thế này tôi không bao giờ dám làm", ông Hoàng nói.

Trình bày quan điểm, đại diện VKS khẳng định có đầy đủ căn cứ cho thấy bị cáo Hoàng phạm vào tội đã truy tố. Từ đó Viện đề nghị HĐXX tuyên phạt Phạm Minh Hoàng mức án 3-4 năm tù và thời gian quản chế là 3 năm.

Bào chữa cho bị cáo, luật sư cho rằng ông Hoàng đã vi phạm pháp luật nhưng không phải tội như Viện truy tố mà là một tội khác nhẹ hơn. Bị cáo cũng có những tình tiết giảm nhẹ như: nhân thân tốt, thành khẩn, ăn năn, gia đình khó khăn... nên đề nghị Tòa tuyên thả tự do cho ông Hoàng ngay tại phiên tòa.

Nói lời sau cùng, ông Hoàng trình bày; "Những bài viết của tôi chỉ là theo suy nghĩ chủ quan nên không đúng theo đường lối, chính sách của nhà nước. Trong thời gian điều tra tôi đã hợp tác rất tốt. Xin HĐXX quan tâm đến hoàn cảnh khó khăn của gia đình, tôi còn phải chăm sóc cho bố mẹ già và người anh tàn tật... Tôi ước mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật để sớm được về làm tròn trách nhiệm một người con, một người cha và có cơ hội được tiếp tục thực hiện đam mê giảng dạy".

Vũ Mai

1.000 lao động Trung Quốc làm việc không phép tại Cà Mau

Trên công trường nhà máy đạm trong Cụm khí điện đạm Cà Mau đang có khoảng 1.700 lao động người Trung Quốc làm việc, trong đó có hơn 1.000 người làm việc không phép.

Ông Lê Thanh Tòng, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh Cà Mau cho biết, đang tiến hành lập báo cáo gửi UBND tỉnh Cà Mau về việc trên 1.000 lao động người Trung Quốc làm việc không phép trên công trường nhà máy đạm nằm trong Cụm khí điện đạm Cà Mau ở xã Khánh An, huyện U Minh, Cà Mau.

Một góc công trình nhà máy đạm Cà Mau có rất nhiều lao động Trung Quốc làm việc không phép. Ảnh: Thiên Phước.
Công trình nhà máy đạm Cà Mau có rất nhiều lao động Trung Quốc làm việc không phép. Ảnh: Thiên Phước.

Những công nhân này nằm trong danh sách hơn 1.700 người Trung Quốc do Công ty Cổ phần khoa học kỹ thuật Ngũ Hoàn, Trung Quốc đưa sang Việt Nam làm việc. Trong đó có rất đông công nhân làm những công việc thủ công, đơn giản như khiêng gạch, xây hồ… với thu nhập khoảng 100 ngàn đồng mỗi người một ngày.

Theo ông Tòng, có những công việc khá đơn giản không cần phải sử dụng công nhân ngoài nước. Vì vậy, lao động địa phương rất cần được ưu tiên tuyển dụng nhưng đơn vị thi công đã tuyển nhiều người Trung Quốc vào làm việc tại công trình xây nhà máy đạm. Cụ thể là qua 4 lần kiểm tra các thủ tục hành chính, trong đó lần gần nhất là ngày 4/8 nhà chức trách phát hiện số lao động ngoài nước làm việc không phép lên đến trên 1.000 người.

Tuy nhiên, trao đổi với VnExpress.net, ông Phạm Thành Tươi - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - cho biết chưa nghe báo cáo có lao động Trung Quốc làm việc không phép với số lượng lớn như đã nêu. Theo ông Tươi, trước đây có phát hiện tình trạng lao động Trung Quốc làm việc ở nhà máy đạm nhưng rất ít và đã xử lý xong.

Thiên Phước

Nhóm tin tặc toàn cầu dọa xóa sổ Facebook

Trên YouTube xuất hiện một đoạn video được cho là của nhóm hacker khét tiếng Anonymous với lời đe dọa đánh sập Facebook vào 5/11, ngày nhân vật Guy Fawkes âm mưu làm nổ tung Nhà Quốc hội Anh năm 1605.

Anonymous phẫn nộ vì cơ chế thiết lập mập mờ và rắc rối của Facebook cũng như việc người dùng rất khó xóa tài khoản của họ. Nhóm này khẳng định "phương tiện giao tiếp mà mọi người ưa chuộng sẽ bị kết liễu" với lý do Facebook đã bí mật bán thông tin về người dùng cho các công ty và tổ chức chính phủ. Anonymous cũng tuyên bố "chúng tôi không làm hại mà đang cứu rỗi các bạn".

Sau khi Google chặn hòm thư Gmail và tài khoản Google+ của Anonymous, nhóm tin tặc này cũng tuyên bố xây dựng hẳn một mạng xã hội riêng mang tên AnonPlus.

Video lời tuyên bố của Anonymous

Với hành tung bí ẩn của Anonymous, khó có thể xác định chiến dịch Operation Facebook có thật không hay chỉ là trò đùa của một kẻ mạo danh. Nhưng nếu nó thực sự diễn ra, đây sẽ là sự kiện chấn động nhất trong làng công nghệ năm 2011 dù trước đó Anonymous và Lulzsec đã tổ chức nhiều đợt tấn công quy mô lớn vào các tổ chức lớn từ CIA, FBI cho đến Sony.

Châu An

Chủ tịch nước: 'Cải cách tiền lương một cách nghiêm túc'

Tại buổi tiếp xúc cử tri sáng 10/8 Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, 3 vấn đề lớn của đất nước cần phải giải quyết là lạm phát; tham nhũng, lãng phí và biển đảo.

Ngày 10/8, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các đại biểu Quốc hội đơn vị số 1 gồm các ông Trần Du Lịch - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM và ông Hoàng Hữu Phước - Tổng Giám đốc công ty Doanh thương Mỹ Á đã có buổi tiếp xúc cử tri quận 1 và quận 3.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri quận 1. Ảnh: Tá Lâm.

Tại buổi tiếp xúc, ông Huỳnh Công Thành trăn trở trước tình trạng đạo đức xuống cấp của thanh thiếu niên và cần có biện pháp căn cơ. Vị cử tri này lấy dẫn chứng từ một quán bar ngay cạnh nhà, thường xuyên mở cửa đến 2 giờ sáng, thỉnh thoảng lại có tiếng kêu la thất thanh vì đánh nhau.

"Trước cổng quán bar, một anh ôm 2-3 em nũng nịu đến gần sáng. Các cô gái ăn mặc lả lơi rất mất thuần phong mỹ tục. Mà đến người trong ngành cảnh sát cũng đánh nhau như vụ trung úy cơ động ẩu đả với cảnh sát giao thông ở quận Bình Thạnh vừa qua. Các đại biểu Quốc hội cần thảo luận để chấm dứt tình trạng này", cử tri Thành kiến nghị.

Đồng quan điểm, cử tri Thành Lê (phường Nguyễn Thái Bình, quận 1) cho rằng, để chấm dứt tình trạng đạo đức xuống cấp của một số thanh thiếu niên hiện nay cần bắt đầu từ giáo dục. "Giáo dục tốt sẽ sinh ra những đứa trẻ tốt và ngược lại", ông tri này nói.

Liên quan đến tiền lương, một nữ cử tri bức xúc trước việc giá cả tăng vọt trong khi đồng lương không tăng khiến cho người dân gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là công nhân. "Chính phủ phải có bước đột phá về cải cách tiền lương, không thể để tình trạng lương tăng nhỏ giọt", nữ cử tri này bức xúc.

Trong buổi tiếp xúc, nhiều kiến nghị và đóng góp ý kiến của cử tri cũng đã được gửi gắm đến Chủ tịch nước và các đại biểu Quốc hội, trong đó nhấn mạnh đến việc đẩy mạnh hoạt động giám sát của Quốc hội, chống tham nhũng, lãng phí, kiềm chế lạm phát… Ngoài ra, vấn đề biển Đông cũng được các cử tri quan tâm đặc biệt.

Cử tri Huỳnh Công Thành kiến nghị với Chủ tịch nước và đoàn đại biểu Quốc hội. Ảnh: Tá Lâm.
Cử tri Huỳnh Công Thành kiến nghị với Chủ tịch nước và đoàn đại biểu Quốc hội. Ảnh: Tá Lâm.

Chia sẻ những bức xúc, lo ngại của cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ: "Có hai gạch đầu dòng tôi không quên được. Một là các đại biểu trúng cử hứa gì với dân. Hai là người dân muốn gì với Nhà nước và với đại biểu Quốc hội, thì những người đã trúng cử chắc chắn rằng sẽ ghi nhớ và làm cho kỳ được".

Theo Chủ tịch, hiện nay 3 vấn đề lớn cần giải quyết là lạm phát; tham nhũng, lãng phí và biển đảo. Đối với việc lạm phát tăng cao và đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, Quốc hội sẽ tập trung giải quyết trong một đến hai năm đầu của nhiệm kỳ khóa 13. Còn tình trạng tham nhũng và lãng phí sẽ cố gắng hết sức tạo sự chuyển biến đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.

Trước bức xúc của cử tri về tình hình biển Đông, Chủ tịch nước nhấn mạnh, đây là vấn đề hết sức hệ trọng, liên quan trực tiếp đến công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chúng ta phải giữ vững độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; đồng thời phải đảm bảo môi trường hòa bình để xây dựng phát triển đất nước.

Trả lời bức xúc của cử tri về tiền lương, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, trong khóa 13 này, phải đặt việc sửa đổi, cải cách tiền lương một cách nghiêm túc trước Quốc hội và phải làm dứt khoát.

"Trong tình hình lạm phát, giá cả tăng cao như hiện nay, rõ ràng việc điều chỉnh lương cơ bản, phụ cấp… không theo kịp với cuộc sống. Nếu tư duy cũ mà làm những cái cũ là không thoát ra được chính sách tiền lương hiện nay", Chủ tịch nước nói.

Tá Lâm

Nháo nhác bán vàng vì sợ rớt giá

Giá vàng tụt dốc xuống về đầu 44 triệu đồng một lượng, người dân Hà Nội ào ạt đi bán vì lo còn xuống nữa. Tại TP HCM, khách đi bán vàng trong căng thẳng. 
> Giá vàng giảm khi có chính sách nhập khẩu / Nỗi đau mang tên vàng

Đội nguyên cả mũ bảo hiểm và khẩu trang vào bán vàng vì sợ rớt giá. Ảnh: Lệ Chi.
Đội nguyên cả mũ bảo hiểm và khẩu trang vào bán vàng. Ảnh: Lệ Chi.

Lúc 9h30 sáng nay, khách hàng xếp hàng dài tại các cửa hàng trên phố Trần Nhân Tông (Hà Nội). Khu vực bãi để xe của các cửa hàng tại đây đều chật kín. Nếu như hôm qua khách đến chầu chực mua vàng thì hôm nay chủ yếu đến bán. Khách mua xong rồi đi luôn, chứ không còn nán lại nghe ngóng giá như hôm qua, lúc thị trường lập đỉnh 46,3 triệu đồng.

Bác Linh, nhà ở đường Lê Duẩn (Hà Nội) đến bán hơn 7 cây vàng vào sáng nay cho biết, có tổng cộng hơn chục cây, chiều qua đem đi bán nhưng thấy vẫn có nhiều người mua vào, nên phân vân và chỉ dám bán một nửa.

"Sáng nay, thấy giá xuống nhanh quá, mới qua một đêm mà mất hơn một triệu một cây, nên tôi đem bán nốt lấy tiền gửi lại vào ngân hàng. Đúng là chẳng cái dại nào như cái dại nào, con gái tôi cũng mới rút tiền định đi mua thì giá lại xuống", bác Linh chia sẻ.

Theo quan sát của VnExpress.net, trong sáng nay, có không ít người vừa mới nhận vàng đã vội bán ngay dù lỗ. Chị Tú, một nhà đầu tư mới mua 5 cây vàng vào sáng qua, hôm nay cầm phiếu hẹn đến lấy hàng cho biết, vừa nhận vàng xong, chị này bán ngay với giá ở mức 44,5 triệu đồng một lượng vào lúc 9h30. Chỉ 30 phút sau, giá đã tụt xuống mất 150.000 đồng mỗi lượng, còn 44,35 triệu đồng.

Không khí mua bán sôi động khiến cho một số tiệm vàng tại đây mới 10h đã thông báo hết tiền mặt để trả cho khách. Bác Trọng, đến bán 5 cây vàng tại Bảo Tín Minh Châu sáng nay cho biết, nhân viên hẹn đến 16h chiều mới có tiền nên cầm phiếu hẹn về. "Tôi mua từ đợt vàng 35,3 triệu đồng một cây. Giờ cần tiền nên bán ra", bác nói.

Tại TP HCM, ngay từ lúc sáng sớm khi các cửa hàng tại TP HCM vừa mở cửa, nhiều người dân đã đến chờ bán. Nét mặt ai cũng lộ rõ sự căng thẳng chứ không hào hứng như sáng qua.

Đang đếm tiền vừa bán một cây vàng tại hiệu vàng Mi Hồng, chị Thanh cho biết, hôm qua trót mua giá 46 triệu đồng một lượng. Sáng giờ thấy giá rơi liên tục nên xót ruột quá, đành mang vội đến bán.

"Lỡ càng để giá càng xuống thì lỗ to", chị nói.

Kế bên cạnh, bác Tám thì đỡ căng thẳng hơn, nhưng cũng có vẻ tiếc nuối. "2 lượng vàng này tôi mua từ hồi giá 37 triệu đồng. Giờ thấy giá xuống nên đi bán cũng lãi. Nhưng giá như hôm qua bán lúc giá lên đỉnh, vượt 46 triệu đồng thì lời to", bác bộc bạch.

Ông Trần Nhật Nam, Phụ trách kinh doanh của Bảo Tín Minh Châu, xác nhận xu hướng bán ra của người dân là chính. Ông Nam cho biết từ chiều qua, có nhiều người đã đến để bán, nhưng sáng nay mới thật sự sôi động.

Đại diện kinh doanh công ty vàng bạc Phú Quý cũng chia sẻ, tỷ lệ mua vào, bán ra trong sáng nay đạt khoảng 3:7 (3 người mua vào và 7 người bán ra). Tuy nhiên, chỉ có người dân có số lượng vàng nhỏ lẻ mới tham gia thị trường, còn những người đầu tư lớn với số lượng nhiều vẫn nằm im nghe ngóng.

Tại hiệu vàng Kim Thành, gần chợ Bà Chiểu, Bình Thạnh (TP HCM) cũng ghi nhận số người bán vàng sáng nay vượt trội mua. "Từ sáng đến trưa, 10 khách đến là đã có đến 9 người bán vàng. Một số người cũng có ý định mua vào, nhưng khi thấy giá rớt nhanh nên họ cũng bỏ ý định luôn", chủ hiệu nói.

Đại diện SJC Sài Gòn cho biết, lực mua vào đã chững lại ngay từ chiều hôm qua, khi giá quay đầu giảm. Đến sáng nay thì sức mua giảm hẳn và lượng người đi bán ra xuất hiện.

Một số doanh nghiệp vàng cho rằng, giá thu gom lao dốc mạnh trong sáng nay một phần do thông tin Ngân hàng Nhà nước cho nhập khẩu vàng, và chính động thái người dân bán ra quá nhiều cũng khiến giá rớt nhanh hơn.

Dân buôn vàng lượn lờ trước cửa hàng, cò kè và xúi giục khách hàng. Ảnh: Công Tâm.
Dân buôn vàng lượn lờ trước cửa hàng, cò kè và xúi giục khách hàng trong sáng nay, khi giá vàng ngày càng giảm. Ảnh: Công Tâm.

Trong sáng nay, bên cạnh những người có nhu cầu mua bán thực có rất nhiều "cò mồi" xuất hiện. Đội ngũ đầu cơ này đã lượn lờ trước các hiệu vàng từ 3-4 ngày nay, luôn miệng gạ khách mua vào. Những người này đóng vai khách giao dịch, nhưng tỏ ra phân vân với giá mua bán hiện tại. Dù vậy, nếu có khách, họ sẵn sàng tư vấn.

Một người phụ nữ khoảng 50 tuổi đang đầu cơ vàng tại đây cho biết, với biên độ giãn dài như hiện nay, rất khó để quyết định mua vào hay bán ra. Tuy nhiên, khi có khách đến hỏi, bà này khuyên nên mua vào vì có thể từ giờ đến chiều giá sẽ còn bị đẩy lên.

Vài người có tiền nhàn rỗi như chị Hòa ở đường Trần Xuân Soạn (Hà Nội) vẫn chọn mua vàng để tích tiền. Chị Hòa cho hay, cứ làm được đồng nào là chị lại đi mua vàng, chỉ một, chỉ một. "Đợt vừa rồi, mỗi chỉ vàng bán ra đã gần 4,6 triệu đồng, cũng máu mê, nhưng nghĩ đi nghĩ lại cuối năm nào vàng cũng lên, nên tôi không bán ra. Bán ra lấy tiền rồi cũng không làm gì mà lại tiêu hết", chị này lý giải nguyên nhân đi mua 2 chỉ vàng vào sáng nay.

Đến 14h chiều, thị trường vàng trong nước vẫn liên tục đi xuống. Tại Hà Nội, vàng miếng giao dịch quanh 43,9-44,52 triệu đồng, giảm 600.000-700.000 đồng so với lúc mở cửa.

Tại Tập đoàn DOJI, giá vào lúc 13h50 chiều tiếp tục giảm 850.000 đồng chiều mua vào và 950.000 đồng chiều bán, công bố giá lẻ ở 43,75-44,25 triệu đồng (mua vào - bán ra). Biên độ mua bán là 500.000 đồng. Giá bán sỉ là 43,80-44,20 triệu đồng. Biên độ mua bán 400.000 đồng.

Trong sáng nay, tại khu vực Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, khi thấy giá vàng giảm, khách hàng chủ yếu bán ra. Tổng lượng giao dịch của DOJI trong buổi sáng đạt khoảng 1.500 lượng.

Giá quốc tế trong phiên giao dịch châu Á vẫn dao động trên 1.750 USD mỗi ounce. Đến 2h50, giá đã nhích lên 1.755 USD một ounce.

Tuệ Minh- Lệ Chi

Có thể cách chức cán bộ kê khai tài sản không trung thực

Theo nghị định 68 có hiệu lực từ 30/9, cán bộ kê khai tài sản, thu nhập không trung thực có thể bị xử lý bằng hình thức kỷ luật cao nhất là cách chức.
> Khó tiếp cận bản kê khai tài sản của người ứng cử/ Cán bộ xã, phường Hà Nội đều phải kê khai tài sản

Ngày 8/8, Chính phủ ban hành Nghị định 68 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37 ngày 9/3/2007 về minh bạch tài sản, thu nhập, trong đó bổ sung quy định công khai Bản kê khai tài sản thu nhập.

Một trong những quy định bổ sung tại nghị định lần này là về các nguyên tắc kê khai tài sản, thu nhập. Trong đó nhấn mạnh người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, sự trung thực, đầy đủ đối với nội dung kê khai. Bên cạnh đó, việc kê khai bổ sung theo định kỳ hằng năm chỉ thực hiện khi người có nghĩa vụ kê khai có biến động tổng thu nhập trong kỳ kê khai từ 50 triệu đồng trở lên hoặc khi có biến động về tài sản, thu nhập phải kê khai theo quy định.

* Những người thuộc diện phải kê khai tài sản, thu nhập

Nghị định 68 đã sửa đổi, bổ sung và quy định rõ về việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai. Bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai phải công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình thường xuyên làm việc. Thời gian công khai tối thiểu 30 ngày

Căn cứ vào đặc điểm, tình hình của cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức quyết định công khai bằng hình thức công bố tại cuộc họp hoặc niêm yết bản kê khai tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Thời điểm công khai được thực hiện từ 31/12 đến 31/3 năm sau.

Ảnh minh họa: Hoàng Hà.
Cán bộ kê khai tài sản, thu nhập không trung thực có thể bị xử lý cao nhất bằng hình thức cách chức. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.

Bản kê khai tài sản, thu nhập của người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND phải công khai tại hội nghị cử tri nơi công tác, nơi cư trú của người đó. Thời điểm công khai được thực hiện theo quy định của Hội đồng bầu cử, Ban thường trực, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Bản kê khai tài sản, thu nhập của người dự kiến được bầu, phê chuẩn tại Quốc hội, HĐND phải được công khai với đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tại kỳ họp. Thời điểm, hình thức công khai được thực hiện theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND.

Người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập là thành viên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thì ngoài việc thực hiện công khai bản kê khai được quy định nêu trên còn phải công khai bản kê khai do tổ chức đó quy định.

Đặc biệt, nghị định mới của Chính phủ đã bổ sung hình thức xử lý kỷ luật người kê khai tài sản, thu nhập không trung thực. Theo quy định cũ, người bị kết luận là không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập thì tuỳ theo tính chất, mức độ bị xử lý bằng một trong các hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, hạ ngạch.

Tại Nghị định 68, ngoài các hình thức xử lý kỷ luật nêu trên còn bổ sung hình thức kỷ luật cách chức đối với cán bộ và hình thức giáng chức, cách chức với công chức kê khai không trung thực.

Ngoài ra, nếu chậm kê khai, chậm tổ chức kê khai, chậm tổng hợp báo cáo kết quả minh bạch tài sản, thu nhập cũng bị xử lý kỷ luật. Cụ thể, người đứng đầu của cơ quan có cán bộ thuộc đối tượng phải kê khai mà tổ chức việc kê khai chậm; người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập mà kê khai chậm; người có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo kết quả về minh bạch tài sản, thu nhập mà thực hiện chậm thì tùy theo tính chất, mức độ bị xử lý bằng một trong các hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương.

Nghị định 68 có hiệu lực thi hành từ ngày 30/9/2011.

Nguyễn Hưng

Rà soát biển báo trên đường cao tốc vì tai nạn tăng cao

Trước tình hình nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra trên đường cao tốc TP HCM - Trung Lương, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải có văn bản yêu cầu rà soát và điểu chỉnh biển báo trên tuyến đường này.
> Ôtô khách đâm xe tải trên cao tốc Trung Lương, 2 người chết /Ôtô khách đâm xe tải trên cao tốc Trung Lương, 8 người chết

Theo đó, để hạn chế tối đa tai nạn giao thông xảy ra trên tuyến cao tốc, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ rà soát hệ thống các biển báo hiệu đường bộ, đồng thời điều chỉnh hợp lý hơn.
Nhiều vụ tại nạn nghiêm trọng đã xảy ra trên tuyến đường cao tốc TP HCM - Trung Lương. Ảnh: Kiên Cường.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát các phương tiện giao thông không bảo đảm an toàn kỹ thuật theo quy định tham gia trên đường cao tốc và phải có biện pháp xử lý, giải tỏa ách tắc giao thông khi có tai nạn xảy ra.
Theo số liệu Trung tâm Quản lý đường cao tốc TP HCM - Trung Lương, tính đến ngày 20/6, đã có 6.675 vụ tai nạn giao thông xảy ra trên đường này làm 18 người chết và hàng chục người bị thương. Phần lớn các vụ tai nạn đều xảy ra ban đêm. Nguyên nhân là do nổ lốp, xe chạy quá tốc độ, không giữ đúng khoảng cách quy định, lái xe ngủ gật…
Đường ôtô cao tốc TP HCM - Trung Lương nối TP HCM với các tỉnh Long An, Tiền Giang, có 4 nút giao để xe ra vào: chợ Đệm, Bến Lức, Tân An, Thân Cửu Nghĩa. Chiều dài tuyến khoảng 60 km, tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. Đây là tuyến đường bộ cao tốc đầu tiên của Việt Nam dành cho xe cơ giới, xe chạy hai chiều riêng biệt, chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định.
Đường cao tốc TP HCM - Trung Lương được thông xe khai thác tạm thời từ ngày 3/2, góp phần kích thích các hoạt động giao thương giữa TP HCM và khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tuyến đường này đã rút ngắn khoảng thời gian đi từ TP HCM về Tiền Giang và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long khoảng trên một giờ đồng hồ.
Hữu Công

1.000 lao động Trung Quốc làm việc không phép tại Cà Mau !


Trên công trường nhà máy đạm trong Cụm khí điện đạm Cà Mau đang có khoảng 1.700 lao động người Trung Quốc làm việc, trong đó có hơn 1.000 người làm việc không phép.


Ông Lê Thanh Tòng, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh Cà Mau cho biết, đang tiến hành lập báo cáo gửi UBND tỉnh Cà Mau về việc trên 1.000 lao động người Trung Quốc làm việc không phép trên công trường nhà máy đạm nằm trong Cụm khí điện đạm Cà Mau ở xã Khánh An, huyện U Minh, Cà Mau.
Một góc công trình nhà máy đạm Cà Mau có rất nhiều lao động Trung Quốc làm việc không phép. Ảnh: Thiên Phước.
Công trình nhà máy đạm Cà Mau có rất nhiều lao động Trung Quốc làm việc không phép. Ảnh: Thiên Phước.
Những công nhân này nằm trong danh sách hơn 1.700 người Trung Quốc do Công ty Cổ phần khoa học kỹ thuật Ngũ Hoàn, Trung Quốc đưa sang Việt Nam làm việc. Trong đó có rất đông công nhân làm những công việc thủ công, đơn giản như khiêng gạch, xây hồ… với thu nhập khoảng 100 ngàn đồng mỗi người một ngày.
Theo ông Tòng, có những công việc khá đơn giản không cần phải sử dụng công nhân ngoài nước. Vì vậy, lao động địa phương rất cần được ưu tiên tuyển dụng nhưng đơn vị thi công đã tuyển nhiều người Trung Quốc vào làm việc tại công trình xây nhà máy đạm. Cụ thể là qua 4 lần kiểm tra các thủ tục hành chính, trong đó lần gần nhất là ngày 4/8 nhà chức trách phát hiện số lao động ngoài nước làm việc không phép lên đến trên 1.000 người.
Tuy nhiên, trao đổi với VnExpress.net, ông Phạm Thành Tươi - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - cho biết chưa nghe báo cáo có lao động Trung Quốc làm việc không phép với số lượng lớn như đã nêu. Theo ông Tươi, trước đây có phát hiện tình trạng lao động Trung Quốc làm việc ở nhà máy đạm nhưng rất ít và đã xử lý xong.
Thiên Phước