THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

27 June 2012

Xử lý hành chính vụ tố bị “khủng bố” bằng quan tài


Nam Định:


(Dân trí) – Cơ quan CSĐT Công an huyện Hải Hậu vừa có kết luận điều tra vụ tố bị “khủng bố” bằng quan tài xảy ra tại xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.
 >>  Hoang mang vì bị “khủng bố” bằng quan tài

Gia đình ông Hùng bàng hoàng trước 2 chiếc quan tài “bỗng dưng” xuất hiện ngoài cửa
Gia đình ông Hùng bàng hoàng trước 2 chiếc quan tài “bỗng dưng” xuất hiện ngoài cửa
 
Báo Dân trí vừa nhận được công văn số 53/CV của Cơ quan CSĐT Công an huyện Hải Hậu phúc đáp đơn tố cáo của ông Đỗ Trọng Hùng, trú tại xóm 6, xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định về việc gia đình ông bị một số đối tượng khủng bố bằng 2 chiếc quan tài và công văn kiến nghị khởi tố của luật sư Hoàng Văn Hướng, Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) là cơ quan tư vấn và bảo vệ quyền lợi cho ông Đỗ Trọng Hùng. Sau khi điều tra xác minh, ngày 22/5/2012, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hải Hậu đã ra bản kết luận số 48 về việc giải quyết đơn tố cáo của công dân và ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự.
 
Kết luận trên nêu rõ: Ngôi nhà nơi xảy ra vụ việc là trụ sở của quỹ tín dụng nhân dân Hải Anh cũ (chưa có sổ đỏ). Hiện ngôi nhà trên đang có tranh chấp giữa gia đình ông Đỗ Trọng Hùng và 7 thành viên góp vốn xây dựng quỹ tín dụng nhân dân xã Hải Anh. Hành vi mua hai chiếc quan tài và thuê người đưa đến trước quỹ tín dụng nhân dân xã Hải Anh cũ (là ngôi nhà đang có tranh chấp) của ông Nguyễn Thanh Hải, sinh năm 1955, trú tại xóm 6 xã Hải Anh là không có dấu hiệu phạm tội quy định trong Bộ luật hình sự mà là hành vi vi phạm hành chính. Do vậy, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hải Hậu quyết định không khởi tố vụ án và chuyển xử lý hành chính đối với hành vi nói trên của ông Hải theo quy định tại điểm b, khoản 1, điều 7 của Nghị định 73/CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ.
Công văn của Cơ quan CSĐT Công an huyện Hải Hậu gửi Báo Dân trí
Công văn của Cơ quan CSĐT Công an huyện Hải Hậu gửi Báo Dân trí
(Ảnh: Vũ Văn Tiến)
Như Dân trí đã đưa tin, ông Đỗ Trọng Hùng, sinh năm 1956, trú tại xóm 6, xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, có đơn tố cáo phản ánh:
Căn nhà tại mặt đường chợ Lương, xóm 3, xã Hải Anh, huyện Hải Hậu thuộc quyền sở hữu của gia đình ông Hùng. Gần 2 năm qua, gia đình ông Hùng cho Quỹ Tín dụng nhân dân xã Hải Anh thuê để làm trụ sở giao dịch. Tuy nhiên, trong suốt thời gian này, Quỹ Tín dụng nhân dân đã không thanh toán tiền thuê nhà cho gia đình ông Hùng, dẫn đến việc tranh chấp căn nhà trên giữa hai bên. Vụ việc này hiện đang được Công an huyện Hải Hậu xác minh, giải quyết.
Đầu năm 2012, khi hợp đồng thuê nhà hết hạn, gia đình ông Hùng đã lấy lại căn nhà để ở, đồng thời làm nơi thờ cúng hai anh trai là liệt sỹ.
Sự việc trở nên phức tạp vào ngày 5/4/2012, khi cụ Đỗ Văn Yết (91 tuổi, là bố ông Hùng) đang ngồi tại nhà ở xóm 3, xã Hải Anh thì thấy một nhóm người chở 2 chiếc quan tài đến đặt trước cửa nhà ông Hùng rồi bỏ đi trước sự chứng kiến của nhiều người.
Vũ Văn Tiến

Chủ tịch nước phê bình vụ Vinalines



BBC "...Giới quan sát cho rằng bình luận này thực ra nhắm vào Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người ký quyết định ngày 6/2/2012 đồng ý đề nghị chuyển ông Dương Chí Dũng từ Vinalines sang Cục Hàng Hải..."

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói người ký quyết định bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng làm Cục trưởng Cục Hàng hải “phải chịu trách nhiệm”.

Ông Sang phát biểu trong cuộc trả lời phỏng vấn đặc biệt dành cho tờ Tuổi Trẻ, nhân dịp ông vào TP. HCM để gặp cử tri.

Câu hỏi cuối cùng trong bài phỏng vấn đặt vấn đề “nhiều cử tri rất than phiền” về giải thích của Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng rằng quy trình bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng làm Cục trưởng Cục Hàng hải là đúng.

Vị chủ tịch nước trả lời: “Quy trình được xây dựng là để lựa chọn những con người có đức, có tài, không phải để chọn những con người hư hỏng.”

“Ở đây cũng cần xem thấu đáo có phải do không biết các sai phạm trước đó hay do bao che nhau.”

Nhiều nhà quan sát nói có một 
cuộc chiến 'ngầm' giữa hai vị lãnh đạo
Ông nói tiếp: “Ðương nhiên người ký quyết định bổ nhiệm trường hợp như thế phải chịu trách nhiệm.”

Giới quan sát cho rằng bình luận này thực ra nhắm vào Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người ký quyết định ngày 6/2/2012 đồng ý đề nghị chuyển ông Dương Chí Dũng từ Vinalines sang Cục Hàng Hải.

Chủ tịch nước nhấn mạnh:

“Trong quá trình kiểm điểm theo tinh thần của nghị quyết trung ương 4 tới đây chắc chắn những trường hợp như thế sẽ được làm rõ.”

Trong một phỏng vấn khác với tờ Sài Gòn Giải Phóng, ông Trương Tấn Sang bình luận “tuy có đạt một số kết quả nhất định, song vẫn chưa đẩy lùi được tham nhũng, thậm chí có mặt còn nghiêm trọng hơn”.

Ông nói: “Trung ương đã cân nhắc rất kỹ về bộ máy chống tham nhũng cần được thay đổi và do Tổng Bí thư đứng đầu.”

“Tổng Bí thư cũng đã nói đến ‘lợi ích nhóm’, cho nên càng phải có biện pháp quyết liệt hơn,” ông Sang nói.
"Ðương nhiên người ký quyết định bổ nhiệm trường hợp như thế phải chịu trách nhiệm."
Trương Tấn Sang, Chủ tịch nước
Đây là lần đầu tiên một ủy viên Bộ Chính trị công khai nhận xét về quyết định thay đổi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Ở Hội nghị Trung ương Đảng lần 5 hồi tháng Năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bị buộc bàn giao chức lãnh đạo ban này.

‘Có lỗi khi để dân sợ’

Chuyến vào Nam gặp cử tri của Chủ tịch nước Việt Nam gây nhiều chú ‎ý với những bình luận được cho là “cởi mở” của ông Sang.

Báo chí trong nước đưa tin, những người ở hai quận của TP. HCM được vào gặp Chủ tịch đã nêu nhiều bức xúc, như lỗ lã của tập đoàn nhà nước, các vụ Vinashin, Vinalines, bổ nhiệm cán bộ, sự có mặt của người Trung Quốc trong các lĩnh vực bị cho là “nhạy cảm”.

Ông Trương Tấn Sang nói đảng viên và người dân “không thể thụ động”.

“Chúng tôi cũng cảm thấy có lỗi để cho dân và đảng viên sợ, nhưng mặt khác, đảng viên và người dân cũng phải có trách nhiệm của mình, không thể thụ động.”

“Nếu tất cả chúng ta sợ hết thì đất nước sẽ như thế nào, Đảng sẽ ra sao? Không thể được đâu, phải hành động thôi,” ủy viên Bộ Chính trị nói tại buổi gặp cử tri.

Theo trang tin VietNamNet, tại các buổi gặp, ông Sang còn nói thẳng rằng sẽ làm rõ “trách nhiệm cá nhân của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ, xung quanh vấn đề thất thoát, lỗ lãi của các tập đoàn, tổng công ty; vấn đề bổ nhiệm cán bộ…”
"Chúng tôi cũng cảm thấy có lỗi để cho dân và đảng viên sợ, nhưng mặt khác, đảng viên và người dân cũng phải có trách nhiệm của mình, không thể thụ động."
Trương Tấn Sang, Chủ tịch nước
Cố gắng lấy lòng dư luận của vị Chủ tịch nước tiếp tục bằng bài phỏng vấn trên hai tờ báo ở TP. HCM.

Với tờ Sài Gòn Giải Phóng, ông Sang nói ông “muốn nghe sự thật chứ không phải những lời hoa mỹ”.

Ông tuyên bố: “Quốc hội sẽ bỏ phiếu tín nhiệm, bãi nhiệm các chức danh được bầu và phê chuẩn. Đảng cũng sẽ bỏ phiếu tín nhiệm qua kiểm điểm cá nhân lần này.”

Còn khi gặp báo Tuổi Trẻ, ông cho hay Ủy ban Kiểm tra trung ương đang kiểm tra tin về “biệt thự” của con trai bí thư Tỉnh ủy Hải Dương.

Ông Trương Tấn Sang tiết lộ khi gặp cử tri, “có một ý kiến phản ảnh về một cán bộ cấp cao được cấp đến mấy suất đất”.

“Hay một ý kiến khác nói rằng có trường hợp ‘chiêu đãi’ đoàn thanh tra của trung ương trước khi kết thúc công việc bằng một đêm ‘vui vẻ’ với các cô gái xinh đẹp tại khách sạn,” ông nói và cho biết đã “cử ngay” cán bộ tìm hiểu.

Ông cam kết “nhất định phải làm trong sạch Ðảng, trong sạch bộ máy nhà nước, không còn cách nào khác”.

Từ bên ngoài, giới quan sát chú ý đến vai trò và thái độ của ông Sang từ mấy năm qua liên quan đến chính trị nội bộ của Việt Nam.

Trong tài liệu ngoại giao Hoa Kỳ hồi 2010 do Wikileaks tiết lộ, giới chức Mỹ nhận xét cả hai ông Nguyễn Tấn Dũng và Trương Tấn Sang đều không ủng hộ cải cách chính trị ở mức như là cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Tuy thế, họ đều ''thực dụng, theo kinh tế thị trường, và đều muốn có thêm những bước tiến trong quan hệ với Hoa Kỳ'', theo tài liệu được Wikileaks công bố mà cả Hoa Kỳ và Việt Nam đều không thừa nhận.

Tổng thống Obama phê chuẩn việc bán vệ tinh viễn thông cho Việt Nam



ABC Radio Australia - Tổng thống Barack Obama đã cho phép Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Hoa Kỳ cho một công ty quốc doanh Việt Nam vay 125,9 triệu đô la để mua vệ tinh viễn thông và truyền hình của Mỹ. 

Ông Phil Cogan, Phát Ngôn viên Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Hoa Kỳ (Ex-Im Bank: U.S. Export-Import Bank) nói việc cho vay cần được sự chấp thuận của Tổng thống Obama vì Việt Nam là nước có nền kinh tế “theo chủ nghĩa Mác Lê” chứ không phải vì mặt hàng này là đặc biệt nhạy cảm.

Theo ông Cogan, luật pháp Mỹ đòi hỏi phải có sự chấp thuận của Tổng thống trước khi Ex-Im Bank có thể cho vay khoản tiền nào lớn hơn 50 triệu đô la cho một nước có hệ thống kinh tế theo chủ nghĩa Mác Lê. Vẫn theo luật, quyết định của Tổng thống Mỹ phải đặt trên cơ sở rằng việc cho vay như vậy có phù hợp với quyền lợi quốc gia của Hoa Kỳ hay không.

Cảnh phóng hỏa tiễn Delta-4 Heavy mang theo một vệ tinh do thám tại Cape Canaveral, Florida, Hoa Kỳ. Hình minh họa. (Credit: ABC) 
Đề nghị bán vừa nêu phải được Quốc hội phê chuẩn trong thời hạn 35 ngày trước khi nó được Hội đồng Quản trị Ex-Im Bank phê chuẩn.

Vệ tinh này được Mỹ bán cho Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam hoàn toàn do nhà nước làm chủ.

Ông Cogan phát biểu: “Chúng tôi hy vọng đây sẽ là sự khởi đầu của một loạt đơn đặt hàng từ Việt Nam”.

Theo ông Cogan, Việt Nam, một quốc gia đang phát triển nhanh và có đông dân số, có rất nhiều nhu cầu lớn lao về hạ tầng cơ sở, từ năng lượng tái tạo tới đường cao tốc, phi trường và viễn thông.

Ông Fred Hochberg, Chủ tịch Ex-Im Bank đã thăm viếng Việt Nam hai lần để quảng bá cho việc xuất khẩu của Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ cũng đang thương lượng hiệp ước thương mại tự do khu vực tên Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương, TPP. Việt Nam là một thành viên trong TPP.

Vụ Dương Chí Dũng: Trương Tấn Sang quy tội Nguyễn Tấn Dũng



SÀI GÒN (NV) - Chủ tịch nước Việt Nam ông Trương Tấn Sang trực tiếp quy tội cho Bộ Trưởng Giao Thông Vận Tải Ðinh La Thăng và gián tiếp quy tội cho Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng trong vụ bổ nhiệm Dương Chí Dũng vào chức vụ cục trưởng Cục Hàng Hải.

Dương Chí Dũng, 55 tuổi, hiện đang bị truy nã quốc tế về tội “cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế gây thiệt hại nghiêm trọng”. Khi công an xét nhà và chỗ làm việc ngày 18 tháng 5, 2012 thì ông này đã bỏ trốn. Một số bài viết nêu ra nhiều sai trái của ông này từ việc mua hàng loạt các tàu cũ, ụ nổi quá quy định, đến đầu tư cảng biển dẫn đến thiệt hại cho ngân sách nhà nước hàng ngàn tỉ đồng.

Khi tới Sài Gòn “tiếp xúc với cử tri”, ông Trương Tấn Sang được báo Tuổi Trẻ hỏi về việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng là “quy trình bổ nhiệm có vấn đề hay vấn đề nằm ở chỗ chọn không đúng cán bộ?”

Ông Trương Tấn Sang (phải) và ông Nguyễn Tấn Dũng tại đại hội lần thứ 11 của đảng CSVN. Ðang có những đồn đoán về ‘cuộc chiến ngầm’ giữa hai ông. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)
Ông Sang cho rằng “Không thể đổ cho quy trình làm công tác cán bộ được. Quy trình được xây dựng là để lựa chọn những con người có đức, có tài, không phải để chọn những con người hư hỏng. Không thể nói là làm đúng quy trình, nhưng con người được bổ nhiệm đã hư rồi thì còn nói đúng quy trình gì nữa?”

Dịp này ông Sang nói “Tôi cho rằng trường hợp này là đánh giá không đúng con người. Trước khi bổ nhiệm phải biết rõ con người dự định chọn là tốt hay xấu. Một người đã hư rồi nhưng bảo không hư, đã hỏng rồi nhưng còn lý giải gì nữa, chắc chắn cử tri sẽ không đồng tình.”

Không những vậy, ông chủ tịch nước còn đặt nghi vấn “Ở đây cũng cần xem thấu đáo có phải do không biết các sai phạm trước đó hay do bao che nhau.”

Ngày 6 tháng 2, 2012 sau khi đã có văn bản “quyết định” của ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng cho ông Dương Chí Dũng “thôi giữ chức chủ tịch hội đồng thành viên Tổng Công Ty Hàng Hải Việt Nam (Vinalines)”, ông Bộ Trưởng Ðinh La Thăng cũng ký một “quyết định” khác cử ông Dương Chí Dũng làm cục trưởng Cục Hàng Hải.

Bộ Trưởng GTVT Ðinh La Thăng (giữa) chúc mừng ông Dương Chí Dũng (ngoài cùng bên phải) khi nhận chức cục trưởng Cục Hàng Hải. (Hình: Cục Hàng Hải)

Trước nhiều nghi vấn bổ nhiệm “có vấn đề” cả ông Ðinh La Thăng cũng như ông bộ trưởng chủ nhiệm văn phòng chính phủ Vũ Ðức Ðam (thay mặt ông thủ tướng) thanh minh rằng việc “điều” ông Dương Chí Dũng từ tổng công ty Vinalines đang lỗ chỏng chơ về làm cục trưởng Cục Hàng Hải là “đúng quy trình” bổ nhiệm cán bộ.

Tại cuộc họp báo thường lệ sau phiên họp chính phủ ngày 27 tháng 5 năm 2012, ông Vũ Ðức Ðam nói “việc Bộ Giao Thông Vận Tải bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng làm cục trưởng Cục Hàng Hải là đúng thẩm quyền, đúng trình tự thủ tục theo các quy định về cán bộ của đảng và nhà nước”. Báo điện tử VietNamNet tường thuật. “Thời điểm Bộ Giao Thông Vận Tải có văn bản đề nghị bổ nhiệm ông Dũng làm cục trưởng Cục Hàng Hải là tháng 12 năm 2011. Bộ Nội Vụ, cơ quan thẩm tra đề nghị này, ra văn bản thẩm định vào tháng 1 năm 2012”, ông Ðam nói. “Tất cả đều trước thời điểm thanh tra có dự thảo kết luận vào tháng 2 năm 2012. Trong tất cả các hồ sơ cho đến thời điểm báo cáo lên đều chưa có thông tin về các sai phạm của ông Dũng”.

Giải thích như vậy rồi ông Ðam nói thêm: “Không có quy định nào nói rằng một doanh nghiệp đang trong quá trình thanh tra thì không được bổ nhiệm, thuyên chuyển cán bộ, bởi theo luật, thanh tra không chỉ để phát hiện các sơ hở để phòng ngừa, mà còn để phát hiện các yếu tố tích cực, thanh tra là công việc hàng năm.”

Văn bản “quyết định” thuyên chuyển ông Dương Chí Dũng ngày 6 tháng 2, 2012 của ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng. (Hình: datafile.chinhphu.vn)

Sau đó, khi điều trần ở Quốc Hội ngày 14 tháng 6 năm 2012, ông Bộ Trưởng Ðinh La Thăng vẫn cả quyết việc ông bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng là “đúng thẩm quyền, không trái các quy định của luật thanh tra”. Có chăng, ông này chỉ nhận “nóng vội khi bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng”.

Tuy nhiên, trước đó hai tuần lễ, ông Thăng ngày 31 tháng 5 năm 2012 nói với báo chí rằng “...Tập thể Vinalines khi đó có thể nói là mất đoàn kết cần thay một vị trí chủ chốt. Do đó, việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng làm cục trưởng Cục Hàng Hải nhằm cứu Vinalines, giải quyết mâu thuẫn, đẩy mạnh chiến lược biển và quá trình tái cơ cấu tập đoàn...”

Trong dịp này, ông Thăng tiết lộ nhiều chuyện lình xình xảy ra tại Vinalines nên “Từ tháng 9 năm 2011, ban cán sự đảng bộ giao thông có chủ trương phải đưa ông Dũng ra khỏi vị trí Chủ Tịch Vinalines càng sớm càng tốt. Sau hơn một tháng động viên thì ông Dũng mới đồng ý. Tuy nhiên, thời gian thực hiện quy trình thủ tục, bổ nhiệm quá lâu, từ tháng 10 năm 2011 (xin chủ trương) đến tháng 2 năm 2012 (có quyết định) là gần 5 tháng..”

Các tập đoàn, tổng công ty lớn nằm dưới sự điều động trực tiếp của chính phủ. Những chuyện nội bộ của chúng thế nào, chắc chắn ông thủ tướng phải biết để ra lệnh.

Một điều khó hiểu là ngày 25 tháng 5 năm 2012, sau khi ông Dương Chí Dũng bỏ trốn và bị truy nã, nhiều tai tiếng của Vinalines bị bới móc trên mặt báo, “Bộ trưởng chủ nhiệm văn phòng chính phủ Vũ Ðức Ðam ký văn bản truyền đạt ý kiến của thủ tướng yêu cầu Bộ Giao Thông Vận Tải, Bộ Nội Vụ báo cáo việc đề xuất thay đổi nhân sự và thực hiện quy trình bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng làm cục trưởng Cục Hàng Hải trong khi thanh tra chính phủ đang thanh tra việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại Tổng Công Ty Hàng Hải (Vinalines). Báo cáo gửi thủ tướng trước ngày 31 tháng 5.”

Báo điện tử VNExpress tường thuật tin này ngày 30 tháng 5 năm 2012 làm ra vẻ ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng vô can trong việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng ở Cục Hàng Hải dù ông ta có cho “thôi chức” ở Vinalines.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn của tờ Tuổi Trẻ, ông Trương Tấn Sang nói “Trong quá trình kiểm điểm theo tinh thần của nghị quyết trung ương 4 tới đây chắc chắn những trường hợp như thế sẽ được làm rõ”.

Làm rõ như thế nào, để làm gì, chưa ai hình dung ra. Sau vụ tập đoàn đóng tàu Vinashin đổ bể tùm lum, ông Nguyễn Tấn Dũng là người chịu trách nhiệm cao nhất trong vụ việc, chỉ ra trước Quốc Hội nói qua loa mấy câu “nhận trách nhiệm” là xong.

Trong bài phân tích nhân vụ đổ bể của Vinalines gửi cho BBC ngày 23 tháng 5 năm 2012, ông Carl Thayer, chuyên viên các vấn đề Việt Nam của Học Viện Quốc Phòng Hoàng Gia Úc cho rằng “chỉ dấu rằng đang có mâu thuẫn lớn trong nội bộ đảng về các chính sách và các cá nhân... Việt Nam hẳn đang bấn loạn vì các bê bối nhiều tỉ đô la liên quan đến các tập đoàn khổng lồ của nhà nước là Vinashin và Vinalines.”

“Hai bê bối này nó liên hệ trực tiếp tới trọng tâm chính trị Việt Nam hiện nay vì chúng dính líu tới mạng lưới ngầm của quyền lực kinh tế và chính trị. Nói cách khác, Vinashin và Vinalines không chỉ dính líu tới các chủ tịch, giám đốc, nhân viên của hai tập đoàn, mà các ông bầu chính trị đằng sau họ.”

Và rằng, “các tập đoàn này đã được tung hoành mà không cần minh bạch và thiếu giám sát có hiệu quả... Rõ ràng phong cách lãnh đạo tùy hứng của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, vốn khiến cho quyền lực tập trung ngày càng nhiều vào tay thủ tướng, đã khiến đảng và các cơ quan của đảng bị giảm quyền lực để có thể giám sát và kiểm soát hiệu quả. Mạng lưới sâu rộng của thủ tướng vừa là cầu thủ vừa là trọng tài trong nền kinh tế Việt Nam.” (T.N.)