SV Ngoại Thương chảnh, sự thật và tin đồn
by Le Danh Hoang on Monday, June 25, 2012 at 8:21pm ·
CHÂN DUNG MỘT SINH VIÊN NGOẠI THƯƠNG
Tôi vào trường năm 2001. Lý do làm tôi chọn Ngoại Thương có lẽ chính là cái tên của nó, một cái tên rất kiêu sa với một thằng nhà quê và sính ngoại như tôi. Nhà ngoại tôi ba đời buôn bán, tôi cũng có thừa hưởng chút máu con buôn trong người.
Khi đi đóng học phí lần đầu cơ ngơi của trường đã làm tôi choáng ngợp. Nó hẳn là một tòa nhà phố ngang 5m dài 20m (đoán thế), một trệt, hai lầu nằm ở phần ... nối dài của một con đường không nổi tiếng lắm trong quận Phú Nhuận. Đầu đường thời đó là khu ruộng rau muốn đang được san lấp làm khu đô thị mới.
Khi nhập học chúng tôi được chào đón trong một hội trường chật ních, nóng như lò bát quái trên Lầu 2 của .... Cao Đẳng Kinh Tế Đối Ngoại. Một màn ra mắt cây nhà lá vườn rất hoành tráng trong con mắt thằng nhà quê như tôi.
Ngay lập tức chúng tôi được hứa là sang năm sẽ được học trong một ngôi trường mới khang trang, bề thế. Tôi tin ngay, nhà quê ra tỉnh mà :D. Và lời hứa này được nhắc lại mỗi năm cho tới khi tôi ra trường. Sự thật là sau khi tôi ra trường một năm thì trường chuyển sang cơ sở mới thật. Nó hoành tráng hẳn bằng ... cái thư viện hoặc một block giảng đường của một số ngôi trường ở Việt Nam mà tôi biết (Chưa nói đến nước ngoài).
Tôi lĩnh bằng tốt nghiệp ở chính cái hội trường chật ních đã đón cậu nhà quê và lũ bạn nó hơn bốn năm trước đó. Chỉ có điều cuộc sống đô thành đã làm đầu chúng nó có sạn hơn một chút để nhận ra:
- Có điều gì đó không ổn khi chiếc áo cử nhân mỗi người chỉ được mặc chừng 10 phút lên nhận bằng, chụp hình hỏa tốc và phải thay ra cho thằng khác mặc. Nhục không để đâu tả hết, tôi không hiểu người ta chào đón những tân cử nhân đã miệt mài đèn sách hơn bốn năm theo cái cách gì thế này. Khi đó là năm 2006, nước ta không còn quá nghèo nữa.
- Có điều gì đó không ổn khi các môn học được triển khai một cách chung chung. Phần thực hành từ rất nhỏ cho đến ... bằng không. Tôi là một sinh viên ĐH Ngoại Thương, cho đến khi ra trường tôi chưa một lần được tới cảng, chưa một lần nhìn thấy những con tàu và chiếc bãi container, chưa một lần cầm cái B/L, C/O thật.
- Sự thật phũ phàng hơn khi một phần không nhỏ của giáo trình Kinh Tế Đối Ngoại 4 năm rưỡi dành cho các môn liên quan đến Xuất Nhập Khẩu, một môn mà sau này khi làm hàng trăm giao dịch quốc tế tôi chợt nhận ra là khả năng IQ như đa số chúng tôi đáng ra chỉ cần 6 tháng cho vài khóa học nghiệp vụ là đủ.
- Có điều gì đó không ổn khi một đại học danh tiếng mà theo cách nói phóng đại của bạn tôi là chỉ có Thầy hiệu trưởng và Hiệu phó (Rất đáng kính) là thật, còn toàn bộ giáo viên, phương tiện và cơ sở vật chất là đi thuê ở đâu đó.
- Có điều gì đó không ổn khi có những thầy viết ra vài quấn sách đọc không hiểu nối, và không hiểu đọc để làm gì. Nhưng thầy bắt học sinh mua trong quá trình thầy giảng môn đó và ghi lại tên những học sinh đã mua sách của thầy !!!???
- Có điều gì đó không ổn khi tôi (CHÍNH TÔI), bằng lời khuyên của một anh thủ khoa đầu vào và đầu ra của ĐH Ngoại Thương đã dành 30% của bài thi hết môn của mình để ca ngợi "Công đức" của một thầy. Kết quả tôi được 9 điểm, một trong những điểm số cao nhất khóa cho môn đó. Tôi nhìn điểm số của mình mà tự thấy xấu hổ và thật sự hoang mang.
Suốt hơn bốn năm, tôi lê lết hết giảng đường này đến giảng đường khác tại nhiều cơ sở khác nhau của ... Cao Đẳng Kinh Tế Đối Ngoại, học các thầy cô của nhiều trường. Điểm chung của các cơ sở này là nóng, chật, bàn ghế nhỏ như dành cho học sinh tiểu học, không có các phương tiện hỗ trợ ngoài bảng đen và vài cái loa rè.
Tôi thường dành một nửa thời gian ngồi trên lớp cho việc ... ngủ. Có lúc ngủ say ngáy khò khò, có lúc ngủ gà ngủ gật. Có thầy gọi hỏi tôi là sau dám ngồi bàn đầu mà ngủ. Tôi trần tình “Nếu thầy cho em ngủ hai tiết đầu thì ít nhất em còn mở mắt được để nghe thầy ba tiết sau”. Thầy bó tay và chấp ngận làm ngơ cho tôi ngủ tiếp.
Tôi tổng kết những nguyên nhân ngủ của mình:
- Tôi đi làm và hoạt động Đoàn khá nhiều, đây là lỗi của tôi.
- Bài giảng và nội dung giảng của nhiều thầy cô rất dễ ngủ
- Nóng quá, mắt mở không ra.
Thành tích là tôi ra trường với hai cái bằng. Một bằng tốt nghiệp loại khá và Một bằng "VÔ ĐỊCH NGỦ NGÀY" của K40B trao cho tôi với toàn bộ chữ ký của Khối trưởng và Ban chấp hành Đoàn khoa. Sau này tôi giữ cả hai cái bằng và quý nó như nhau.
Dẫu sao tôi cũng tự hào là một sinh viên chuyên cần lên lớp ... ngủ, cậu cùng phòng với tôi còn cúp học nhiều hơn để ngủ ở nhà. Và kết quả là cậu ấy cũng được bằng khá, ra trường cậu ấy sáng lập một công ty Truyền thông nổi tiếng trong thị trường Marketing số ngày nay.
Tôi tạm kể lể để cho người đọc biết quá khứ "trần trụi" của tôi khi ở Ngoại Thương và cơ sở hình thành nên góc nhìn của tôi với SV Ngoại Thương.
ĐIỂM YẾU VÀ ĐIỂM MẠNH
Điểm Số Cao hay Chất Lượng Cao? Theo tôi sinh viên ngoại thương có một đầu vào ĐIỂM SỐ cao, điều này thể hiện qua điểm thi Đại Học của họ. Khi một nền giáo dục phổ thông không nhấn mạnh vào KHẢ NĂNG TƯ DUY thì những NGƯỜI CHUYÊN CẦN sẽ nhớ được nhiều bài hơn và đạt điểm cao hơn. Đừng cãi tôi vì tôi cũng luyện thi và thi đầu vào giống bạn. Mà ở môi trường kinh doanh thương mại mà đa số SV Ngoại Thương sẽ gia nhập họ cần KHẢ NĂNG TƯ DUY hay KHẢ NĂNG NHỚ thì hẳn chúng ta cũng có câu trả lời.
KHẢ NĂNG NGÔN NGỮ. Đây là lợi thế tuyệt đối của SV Ngoại Thương. Một khả năng NHỚ BÀI TỐT và chương trình học rất nhấn mạnh tới Ngoại Ngữ đã khiến năng lực ngôn ngữ của SV Ngoại Thương dễ dàng qua mặt các trường khác trong mọi cuộc thi tuyển đầu vào (Nhưng thời thế đã thay đổi, tôi sẽ nói sau).
KIẾN THỨC CHUNG ĐƯỢC TRANG BỊ TỐT. Với một chương trình khá toàn diện, nhìn chung SV Ngoại Thương được trang bị tốt các kiến thức chung về quản trị, kinh doanh, thương mại, tài chính ... Nếu bạn sinh viên nào đang trên ghế nhà trường mà coi thường những kiến thức cơ bản này thì nên thay đổi quan điểm sớm. Mọi mô hình kinh tế quản trị cao siêu mà các tập đoàn, diễn giả thế giới nói với bạn sau này đều căn cứ trên những kiến thức cơ bản, đặc biệt là Kinh Tế Vĩ Mô và Vi Mô. Cá nhân tôi tự hào và tự tin vì trường đã dạy tôi những căn bản vô cùng quý giá này. Kiến thức chung tốt này cũng là nền tảng để SV Ngoại Thương có thể tham gia vào nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau.
MỘT SỐ SV CÓ KINH NGHIỆM LÀM VIỆC TRƯỚC KHI RA TRƯỜNG. Nhờ khả năng ngôn ngữ và ngoại hình tốt. SV Ngoại Thương thường có một số kinh nghiệm làm việc trước khi ra trường. Nhưng đây chỉ là ưu thế lúc phỏng vấn đầu vào vì có cái để khoe chứ chưa bao giờ là lợi thế trong công việc lâu dài.
THIẾU TÍNH THỰC TIỄN. Điều này có lẽ xuất phát từ chương trình giảng dạy nặng về lý thuyết và thiếu tính thực tiễn. Điểm yếu này sẽ sớm được các nhà tuyển dụng tốt lấp đầy bằng hệ thống đào tạo nội bộ. Dẫu sao thì sinh viên ở các trường ĐH Việt Nam nói chung khi tốt nghiệp và mới vào công ty sẽ phải qua "Tái đào tạo" khá nhiều. Điều này cũng dẫn tới các nhà tuyển dụng nhỏ không đào tạo được sẽ làm nhân viên mới không có khả năng hoàn thành công việc và sớm chán. Nên tiếng SV Ngoại Thương hay nhảy việc là điều tất nhiên và thường xảy ra ở các công ty đào tạo yếu (Quy mô công ty không đi đôi với khả năng đào tạo nội bộ)
ÂM THỊNH DƯƠNG SUY. Nữ SV Ngoại Thương vừa xinh vừa giỏi, điều này có thật. Khi còn sinh viên, cá nhân tôi và CLB của mình đã kiếm hàng trăm triệu nhờ tổ chức khóa dạy khiêu vũ cho SV Ngoại Thương và các trường khác. Bí quyết là đem nhan sắc và trí tuệ của nữ SV Ngoại Thương sang dụ ĐH Kiến Trúc và Bách Khoa đi học. Mọi người đều vui, chúng tôi thu tiền. Nam sinh Ngoại Thương có lẽ cũng không tệ (Như tôi :D này!), nhưng bị hào quang của phái nữ lấn át mất rồi.
HỌC THUYẾT CHUỒNG NGỰA.
Tôi ngộ ra học thuyết chuồng ngựa này ngay khi ra trường. Trước tiên tôi xin lỗi nếu đụng chạm đến một số thầy cô rất đáng kính của tôi và một số bạn bè thân hữu. Nhưng có lẽ tôi vẫn phải nêu ra vì tôi cho rằng đó là việc phải làm.
Chắc chúng ta ai cũng được học qua trong chương trình PTTH về hiện tượng thoái hóa giống do lai cận huyết trong một thời gian dài. Nói một cách đơn giản là bỏ một đàn ngựa đen vào chuồng và chỉ cho chúng giao phối với nhau thì tới thế hệ F2, F3 sẽ xuất hiện những con bạch tạng, ốm yếu, tàn tật.
Giang hồ khóa tôi đồn rằng có một thầy khi trẻ mới xuất ngũ về làm bảo vệ ở trường ngoài Hà Nội, sau đó rảnh quá mới đi học ở trường luôn. Rồi khi tốt nghiệp anh ấy vào phòng đào tạo làm. Rảnh quá lại làm một bằng thạc sĩ ở trường. Và đương nhiên với quan hệ có sẵn anh ấy tốt nghiệp bằng ưu. Sẵn đà anh ấy nghiên cứu luôn tiến sĩ, rồi anh ấy đậu tiến sĩ ở trường thật. Kết quả là anh ấy trở thành Tiến sĩ, giảng viên một môn học rất thời thượng mà anh ấy chưa từng đi làm ngày nào.
Tôi đã được thỉnh giáo giảng viên này. Chúng tôi gọi thầy là "Tiến sỹ gây mê, không hồi sức" . Oái oăm thay ra trường một tập đoàn đa quốc gia tuyển tôi vào làm đúng cái nghề mà thầy dạy. Họ đào tạo tôi trong một chương trình 18 tháng, và động tác đầu tiên họ phải làm là ... tẩy não những gì tôi biết trước đó về cái nghề này.
Câu chuyện trên đoạn đầu nghe có vẻ thậm xưng vì tôi chưa có nghiệp vụ FBI để điều tra sự thật mà giang hồ nói. Nhưng đoạn sau là thật.
Có một vài giảng viên tôi biết học cùng khóa hoặc trước sau tôi chỉ vài năm. Có người thậm chí không đủ điểm bằng khá nhưng được ưu tiên gì đó bằng thành tích hoạt động Đoàn nên cũng có bằng khá. Ra trường ở lại dạy. Có người chưa đi làm trong môi trường chuyên nghiệp ngày nào. Kiến thức do các thầy thế hệ trước dạy được "xào" lại và dạy cho thế hệ sau.
Các cụ nói cấm có sai "Tam sao thất bản". Mà thế giới đang tiến với tốc độ chóng mặt. Không phải ngẫu nhiên mà các chương trình Đại Học và MBA trong Top 10 luôn giữ 60% là sinh viên quốc tế , thường xuyên thỉnh giảng viên quốc tế, và cho phép sinh viên thuộc các trường Top 10 này có thể học ở bất kỳ trường nào khác nhưng vẫn tính tín chỉ. Họ làm vậy để nuôi dưỡng sự đa dạng, nuôi dưỡng những kiến thức và luồng sinh khí luôn mới.
Tôi nghe đồn có hai kiểu người đi dạy:
Kiểu thứ nhất là người rất tâm huyết với việc trồng người. Có thể họ đã trải nghiệm rất nhiều hoặc luôn nỗ lực cập nhật thế giới để truyền đạt cho học viên. Với họ dạy học là niềm vui, nhìn thấy trò mình tiến bộ và thành công là niềm hạnh phúc. Tôi đã được học khá nhiều thầy cô như vậy ở ĐH Ngoại Thương. Có thể thầy cô sẽ đọc được những dòng này thì xin hiểu dẫu em viết có đoạn khó nghe thì đó cũng là lời tri ân vì thầy cô đã dạy ra những con người dám nhìn và dám nói.
Kiểu thứ hai là người không làm được thì đi dạy. Đối với họ dạy học đơn thuần là nghề kiếm cơm. Liệu có ai trong ĐH Ngoại Thương như vậy không? Tôi không biết, hỏi SV ấy.
Ai dám đảm bảo sau nhiều năm sẽ không có những con ngựa bạch tạng xuất hiện? Tôi, với tư cách là một nhà tuyển dụng, đã gặp vài con ngựa bạch tạng như thế rồi. Mà có khi chính tôi là một con cũng nên :((
SINH VIÊN NGOẠI THƯƠNG NGÀY NAY:
Trước tiên tôi phải tái khẳng định quan điểm của mình "Ở đâu cũng có anh hùng, ở đâu cũng có thằng khùng thằng điên". Tôi không định và không có tư cách tổng quát hóa tính chất sinh viên ĐH Ngoại Thương. Tôi chỉ nêu lên một số thực tế như sau:
- Chưa có một số liệu nghiên cứu chính thức nào nói rằng SV Ngoại Thương sau 5 năm đi làm thì thành công hơn SV các trường khác. 5 năm là một thời gian đủ để xóa nhòa ưu thế ngắn hạn như ngoại ngữ hay kinh nghiệm làm thêm trước khi ra trường. Mà kể ra tôi chưa gặp một quản lý chóp bu nào ở tập đoàn lớn là cựu SV Ngoại Thương. Nếu có gặp thì hãy hỏi xem họ có đi học sau đại học ở đâu không nhé :D.
- Ưu thế về ngôn ngữ ngày càng mất giá trị. Cùng với một số lượng lớn các Du học sinh về nước hoặc tốt nghiệp ở các chương trình Quốc tế ở trong nước, ngoại ngữ giờ chỉ là điều kiện cần phải có chứ không phải là nhân tố ưu tiên nữa. Mà cũng may là như vậy, vì ai dám đảm bảo là Tiếng Anh của SV Ngoại Thương sẽ giỏi hơn mấy bạn đi học ở nước bản ngữ về? Tôi được biết chính sách tuyển dụng của một vài tập đoàn hàng đầu ở Việt Nam bây giờ rất ưu tiên các bạn du học sinh, đặc biệt là có bằng MBA.
- Sinh viên Ngoại Thương hay nhảy việc. Có cậu bạn khóa tôi 5 năm làm qua 6 công ty. Đến giờ thì thành công của cậu ấy chẳng đến đâu cả. Các nhà tuyển dụng không có hệ thống đào tạo nội bộ tốt thường tránh SV Ngoại Thương vì họ biết nhiều hơn để làm những công việc giấy tờ bình thường, nhưng lại quá non nớt để cho làm xếp. Không cầm tay chỉ việc thì họ không làm được và mau chán. Thế là họ nghỉ. Công ty mất thời gian tuyển người khác. Ngoài ra họ thường kỳ vọng lương cao ngay từ đầu bởi bạn bè trang lứa làm tập đoàn nọ kia lương cao quá, suốt ngày đi nước ngoài nữa.
- Đừng quá tự hào vì các bạn tốt nghiệp ở trường hàng đầu Việt Nam. Trường các bạn xếp hạng ở đâu trên thế giới? Giáo dục nước nhà xếp hạng ở đâu trên thế giới? Nếu các bạn muốn thành một công dân toàn cầu thì hãy dẹp cái sỹ thân đó qua một bên và mở to mắt ra mà học hỏi đi. Tôi thật nực cười khi vài tờ báo nói rằng "Tại sao lại để sinh viên ĐH hàng đầu Việt Nam đi làm mấy việc chân tay ở sân bay Changi". Phải chăng chúng ta đang cổ vũ thói lười lao động và tự kiêu của những đứa trẻ được nuông chiều. Điều quan trọng là mình chịu khó để ý và học hỏi chứ không phải chờ người ta cầm tay chỉ việc. Nếu thực sự thấy bất công và không có gì học hỏi thì xách vali về nước. Phẩy tay và nói rằng đó là lựa chọn sai của mình và có thể còn nhiều lựa chọn sai nữa sau này. Cuộc sống mà.
Tôi xin kết thúc những dòng tản mạn của mình bằng một hình ảnh. Đây là hình chụp BUỔI HỌC CUỐI CÙNG của khóa K40B cơ sở 2 trước khi ra trường năm 2005. Tôi hi vọng nó cho các bạn một vài cảm xúc nào đó về một khoảnh khắc giảng đường tại ĐH Ngoại Thương.
Thân ái!
Những điều được viết trên đây là quan điểm cá nhân tôi tại thời điểm hiện tại tức Tháng 6/2012, tôi không có ý định tổng quát hóa và không chắc tôi còn giữ quan điểm như vậy sau này.