THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

16 November 2012

Khẩn cấp: Nữ sinh đại học cộng đồng Houston mất tích

Khẩn cấp: Nữ sinh đại học cộng đồng Houston mất tích


Cô Tống Vy Trầm Hương (sinh năm 1993 Facebooker https://www.facebook.com/ho.lo.biet.di) hiện đang là sinh viên Đại học Cộng Đồng Houston học xá tại SaiGonTech, Việt Nam đã mất tích hơn nửa ngày.

Cấp báo, cẩn thận với nick tên Duong Doi Soi Da nhóm Việt Tân Xuống Đường Trên Mạng


Hôm 15/11/2012, nhận được “Giấy mời” của công an phường Tân Chánh Hiệp, Quận 12 – địa bàn cô đang ở trọ để đi học – nội dung giấy mời ghi lý do là “bổ sung hồ sơ đăng ký tạm trú”, lúc 8h30 sáng ngày 16/11/2012, cô Vy đã tới công an phường Tân Chánh Hiệp, Quận 12 để làm việc nhưng cho tới giờ vẫn không rõ tung tích.

Theo lý do ghi trên giấy mời thì thời gian làm việc không thể lâu đến thế.

Cô Tống Vy Trầm Hương là một trong những người bị câu lưu trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc thành lập TP.Tam Sa ngày 1/7/2012 tại Sài Gòn.

(CÔNG AN PHƯỜNG TÂN CHÁNH HIỆP , QUẬN 12

19/5, Khu Phố 3 Tân Chánh Hiệp 10, Phường Tân Chánh Hiệp, Quận 12, Quận 12, TP.HCM
Phone: (08) 3883 7825)


Lâm Duy Nguyễn

Động đất 4,7 độ Richter tại Bắc Trà My

(TNO) PGS-TS Nguyễn Hồng Phương, Phó giám đốc Trung tâm báo tin và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) cho biết, lúc 14 giờ 24 phút chiều nay 15.11, tại Quảng Nam đã xảy ra một trận động đất mạnh 4,7 độ Richter.
Theo ông Phương, động đất xảy ra tại vị trí có tọa độ 15,35 độ vĩ bắc; 108,10 độ kinh đông, thuộc khu vực địa phận H.Bắc Trà My. Độ sâu chấn tiêu khoảng 6 km.
Theo đánh giá, động đất gây nên rung động cấp 6 (theo thang MSK -64) ở khu vực đập thủy điện Sông Tranh 2.
Đây là trận động đất mạnh nhất kể từ tháng 9 đến nay xảy ra ở khu vực này.
Ông Phương cho rằng, đây là động đất kích thích, xảy ra liên quan đến việc tích nước của thủy điện Sông Tranh 2.
“Thời gian tới, vẫn có thể xảy ra những trận động đất có cường độ mạnh hơn”, TS Phương nhận định. 
Vào khoảng 14 giờ 24 phút ngày 15.11, một cơn địa chấn kéo dài trong khoảng 10 giây đã khiến vùng thủy điện Sông Tranh 2 (H.Bắc Trà My, Quảng Nam) rung chuyển dữ dội. Cơn địa chấn này sau đó đã được xác định là động đất mạnh 4,7 độ Richter.
Ông Lê Văn Tuấn, Chánh văn phòng UBND H.Bắc Trà My cho biết thêm: “Chúng tôi đang họp tại trụ sở UBND huyện thì rung chấn xảy ra. Cuộc họp phải dừng lại, nhiều người hoảng loạn bỏ chạy ra khỏi nhà”.

 Bắc Trà My lại động đất dữ dội
Người dân Bắc Trà My vào rừng làm nhà tránh động đất - Ảnh: Hoàng Sơn
Tại nhiều địa phương khác như huyện Hiệp Đức, Tiên Phước, Nam Trà My, Phước Sơn… thậm chí, tại cả TP.Tam Kỳ (cách vùng xảy ra đợt rung chấn khoảng 70 km), người dân cho biết vẫn có thể cảm nhận rất rõ những tác động của dư chấn.
Ông Lê Văn Tuấn cho biết thêm, ngay sau khi đợt rung chấn xảy ra, ngay lập tức ông đã nhận được điện thoại của nhiều người dân tại H.Tây Trà (Quảng Ngãi) xác nhận thông tin, địa phương này cũng cảm nhận rất rõ các rung chấn.
Ông Hồ Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Trà Bui, nói: “Lòng đất phát ra tiếng nổ dữ dội, sau đó, mặt đất như dậy sóng, cuộn tung lên. Người dân nháo nhào tháo chạy ra khỏi nhà. Hiện địa phương đang thống kê thiệt hại từ các thôn”. (Hoàng Sơn)

Rung chấn nhiều nơi ở Quảng Ngãi
Vào khoảng 14 giờ 30 phút chiều nay 15.11, tại nhiều địa phương của tỉnh Quảng Ngãi đã xảy ra đợt rung chấn khiến nhiều người lo sợ.
Tại các huyện miền núi Ba Tơ, Trà Bồng, Tây Trà, hiện tượng rung lắc xuất hiện trong thời gian từ 3-5 giây khiến nhiều người vội vã bỏ chạy ra khỏi nhà, nơi làm việc.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên Online, vào thời điểm trên, tại một số phường của TP.Quảng Ngãi, nhiều người cũng cảm nhận sự rung lắc của nhà cửa, nhìn thấy rõ màn hình máy tính bàn "đung đưa" 4 - 5 lần mới đứng yên. (Hiển Cừ)
Quang Duẩn

Tàu Trung Quốc vào vùng tranh chấp

Kyodo News dẫn lời Lực lượng tuần duyên Nhật Bản cáo buộc một tàu nghiên cứu của Trung Quốc xuất hiện trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư vào ngày 15.11.
Theo đó, tàu trên chạy trong vùng đặc quyền 200 hải lý của Nhật, thả dây thừng xuống biển ở vị trí cách 1 đảo thuộc Senkaku/Điếu Ngư 176 km về phía bắc - đông bắc. Tuần duyên Nhật đã yêu cầu tàu Trung Quốc ngừng hoạt động và lập tức rời khỏi vùng biển. Tàu Trung Quốc không có phản ứng gì nhưng kéo dây thừng lên vào khoảng gần 1 giờ sau.
Cùng ngày, 4 tàu hải giám và 1 tàu ngư chính của Trung Quốc xuất hiện trong khu vực ngay bên ngoài khu vực tranh chấp. Đây là ngày thứ 27 liên tiếp, tàu nước này hiện diện trong vùng biển trên, theo Kyodo News. Trung Quốc chưa có bình luận về các thông tin trên.
Lê Loan

VIỆT KHANG : BỞI VÌ TÔI LÀ NGƯỜI VIỆT NAM !



VRNs - Phiên tòa bỗng lặng đi vài giây. Lời tự bào chữa “Bởi vì tôi là người Việt Nam” của Việt Khang đủ để xổ toẹt vào Cáo trạng của Viện Kiểm sát, là lời biện hộ đầy đủ và hùng hồn nhất, làm thức tỉnh những trái tim đã bán linh hồn cho ngoại bang, kêu gọi lòng yêu nước nơi những người bàng quan trước vận mệnh sinh tử của đất nước. Hai vị luật sư còn ngồi đó làm gì mà không đứng dậy xách cặp đi về...

*

8 giờ sáng ngày 30.10.2012 tôi đến Tòa án Sài Gòn để tham dự phiên tòa xử hai nhạc sĩ yêu nước. Trong sân tòa dày đặc công an chìm nổi. Tôi ước lượng cũng phải đến 300-500 tên. Ngoài ra còn có xe chữa cháy, xe cứu thương và xe bít bùng đậu trong khu vực tòa. Thỉnh thoảng lại có môtô cảnh sát giao thông và 113 chạy vào sân tòa rồi lại chạy ra. Không khí sân tòa ngột ngạt và căng thẳng như sắp sửa xảy ra khủng bố. 

Trong sân tòa xuất hiện một số nhóm người là thân nhân và bạn bè của hai nhạc sĩ. Có mấy ca viên của ca đoàn xóm 7-8 nhà thờ Kỳ Đồng. Khuôn mặt ai cũng có vẻ căng thẳng, không phải vì thân nhân của họ sắp sửa bị tòa kết án bất công mà vì họ đang đứng trong một rừng cảnh sát, nguy hiểm ập đến với họ bất cứ lúc nào. 

Tôi xuất trình giấy tờ và đi qua vòng kiểm soát thứ nhất, một dãy hàng rào sắt cắt ngang sân tòa, công an nai nịt gọn gàng, với súng ống lăm lăm trên tay như đang sẵn sàng chiến đấu với nhân dân. Vòng kiểm soát thứ hai đặt tại cửa chính của tòa, công an thu hết điện thoại và các thiết bị điện tử của những người đến tham dự, sau đó còn bắt tôi qua một cửa điện tử kiểm soát vũ khí như ở sân bay. 

Trong phòng xử có hơn 20 người tham dự trong đó phân nửa là chị em phụ nữ trong vai “diễn viên quần chúng”. Những người tham dự khác đông hơn, kể cả thân nhân của hai bị cáo ngồi tại sảnh chính, theo dõi phiên tòa qua màn hình. Trong phòng xử, sảnh xem truyền hình trực tiếp và hành lang đầy nhóc an ninh chìm nổi, với những cặp mắt soi mói, rình rập đến tất cả mọi cử động ánh mắt của những người tham dự.

Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Vũ Phi Long. 

Bào chữa cho nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình là luật sư Nguyễn Văn Miếng, Đoàn Luật sư Sài Gòn; bào chữa cho nhạc sĩ Việt Khang là luật sư Trần Vũ Hải, Đoàn Hà Nội. 

Để có luật sư bào chữa cho hai anh, anh Trần Văn Việt anh của anh Bình đã phải bỏ cả công ăn việc làm để dò hỏi, tìm kiếm người sẵn lòng giúp đỡ em mình, bà Chung Thị Thu Vân mẹ anh Việt Khang đã phải lặn lội từ Mỹ Tho lên Sài Gòn gõ cửa các văn phòng luật sư, cuối cùng một luật sư giới thiệu bà về Đoàn Luật sư Sài Gòn, nơi đây đã nhiệt tình giới thiệu bà cho luật sư Trần Vũ Hải có chi nhánh tại Sài Gòn.

Trong vụ án này, vợ của hai nhạc sĩ cũng bị an ninh mời lên bót hỏi tội. Chị Cao Thị Lan Anh vợ anh Việt Khang bị an ninh gây áp lực về tinh thần và bị lấy lời khai như một kẻ phạm pháp. Chị Trương Thị Mỹ Duyên vợ anh Bình mặc dù không quen giao tiếp ngoài xã hội cũng bị an ninh bắt viết lời khai nhưng chị đã xé nát tờ giấy ném vào mặt chúng và đứng dậy ra về. Lời khai của chị Lan Anh và chị Mỹ Duyên (nếu có) trong điều kiện như vậy liệu có giá trị hay không? 

Phiên tòa bắt đầu lúc 8 giờ 30. Trong phần mở đầu phiên tòa, luật sư Hải yêu cầu tòa triệu tập giám định viên; luật sư Miếng yêu cầu tòa cho công bố các bài hát tại phiên tòa do chứng cứ là các tác phẩm âm nhạc nên cần phải có cái nhìn toàn diện và khách quan. 

Về yêu cầu của luật sư Hải, thẩm phán Vũ Phi Long nói đã gửi giấy triệu tập hai giám định viên nhưng do luật sư Hải gửi yêu cầu quá trễ nên các giám định viên đang nghỉ phép, không thể mời được. Tuy nhiên bản Kết luận giám định của họ vẫn có giá trị làm căn cứ để xét xử trong vụ án này. 

Về yêu cầu của luật sư Miếng, thẩm phán nói không thể đáp ứng trong khuôn khổ của một phiên tòa, tất cả đều phải căn cứ vào bản Kết luận giám định. 

Sau khi vị đại diện Viện Kiểm sát công bố Cáo trạng, thẩm phán cho mọi người giải lao. 

Tiếp tục phiên tòa, trong phần xét hỏi, thẩm phán Vũ Phi Long chủ yếu truy vấn mục đích của các bị cáo. Các bị cáo đã trả lời mục đích của các bị cáo là chống Trung Quốc, các hành vi bị cáo thực hiện là tự nguyện không bị ai xúi giục và không có mục đích chống nhà nước. 

Phần luận tội, công tố viên hùng hồn: Hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, đề nghị phạt Trần Vũ Anh Bình 6-7 năm tù và khuyến mãi 3 năm quản thúc; Việt Khang 4-5 năm tù và kính biếu 2 năm quản thúc theo khoản 2 Điều 88. 

Bắt đầu bài bào chữa, luật sư của anh Bình lên tiếng tố cáo cơ quan an ninh đã bắt giữ nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình trái pháp luật 3 ngày. Anh Bình bị bắt tại nhà vào sáng 19-9-2011, bị giữ tại Công an phường 9 quận 3 một ngày, giữ tại số 4 Phan Đăng Lưu hai ngày. Tối ngày 21.09.2011 Cơ quan An ninh mới ra lệnh bắt khẩn cấp. Trong các biên bản hỏi cung, có một biên bản anh Bình bị dựng dậy để lấy lời khai lúc 0h15 là vi phạm luật cấm hỏi cung ban đêm. Luật sư yêu cầu tính lại ngày anh Bình bị bắt là ngày 19.09.2011. 

Tranh luận với luật sư, đại diện Viện Kiểm sát nói việc bắt giữ người là nghiệp vụ của công an, Viện không can thiệp, “án tại hồ sơ” nên Viện vẫn xác định ngày anh Bình bị bắt là 21.09.2011. 

Ôi Trời ơi! Viện Kiểm sát có nhiệm vụ giám sát việc thực thi pháp luật mà trả lời vô pháp như vậy. Chẳng trách vì sao việc bắt giữ người trái pháp luật của cơ quan công an xảy ra hằng ngày trên đất nước này. 

Luật sư của anh Bình trình bày tiếp, hành vi của bị cáo chỉ đáng bị xử phạt hành chính. Vì các lý do anh Bình cũng có các hành vi tương tự: 

- Trong vụ án này, có Nguyễn Kiên Giang treo cờ vàng tại 3 địa điểm tại thành phố Thái Nguyên, chỉ bị xử phạt hành chính. Thực ra công an Thái Nguyên không xử lý hành vi treo cờ vàng mà phạt Nguyễn Kiên Giang về 2 hành vi: Xem các trang mạng lề trái, và phát tán trong mạng điện thoại hình ảnh độc hại. Nghị định gì đó về văn hóa – thông tin tôi nghe không rõ, mà công an áp dụng, không xử phạt hành vi treo cờ vàng. 

- Trần Thành, người được tặng một laptop mới và có nhiều bài đăng trên web, không bị truy tố vì chưa thành niên. 

- Nguyễn Thiện Khánh (em trai của nhân vật bí ẩn Nguyễn Thiện Thành) và Trần Tuấn Kiệt cũng không bị khởi tố vì “hoạt động cầm chừng”. Luật sư nói Cơ quan điều tra đã “sáng tạo” ra định chế “hoạt động cầm chừng” để miễn truy tố các sinh viên này. 

Về hành vi vi phạm theo Cáo trạng, trước tòa anh Bình có nhận thực hiện một số hành vi, nhưng thấy việc mình làm có thể nguy hiểm cho bản thân nên đã tự ý chấm dứt trước khi công an phát hiện. Nên đề nghị Tòa xem xét cho anh Bình tình tiết tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. 

Đáng chú ý là kết luận giám định 11 tác phẩm âm nhạc thu giữ trong máy vi tính của anh Bình, không xác định Trần Vũ Anh Bình là tác giả mà chỉ đi phân tích tính “độc hại” của những tác phẩm này. Anh Bình khai mục đích việc đăng nhạc lên mạng là để đấu tranh đòi tự do và nhân quyền, lên tiếng phản đối Trung Quốc dùng vũ lực cướp biển đảo của mình, bắn giết ngư dân Việt Nam trên biển. 

Về việc làm truyền đơn đem dán và treo cờ vàng, luật sư cho rằng Cơ quan điều tra đã dùng chứng cứ ảo để kết tội thật. Cơ quan điều tra chỉ phát hiện ra sự việc khi truyền đơn và cờ vàng xuất hiện trên internet. Họ đã in ra và bắt bị cáo ký xác nhận. Chứng cứ phải là những gì có thật. Trong vụ án này Cơ quan điều tra không thu được vật chứng như truyền đơn, cờ, chứng cứ trên điện toại di động và máy vi tính không có, biên bản khám nghiệm hiện trường cũng không có nốt.

Nguyễn Thiện Thành khai đã đến nhà anh Bình, tại đây anh Bình mới bắt đầu in ra bốn tờ truyền đơn do anh Bình đã làm sẵn lưu trong máy tính. Thế nhưng tang vật thu giữ tại nhà anh Bình không thu được máy in. 

Có một điều hài hước là việc tranh cãi ai là tác giả của nội dung tờ truyền đơn “Không thể lấy sự cẩu thả và sự sợ hãi làm phương pháp bảo vệ chế độ”. Cơ quan điều tra đã truy anh Bình và Nguyễn Thiện Thành xem một trong hai anh ai là tác giả. Cả hai anh đều không nhận mình là tác giả. Thực tế ai cũng biết đây là lời bình luận của giáo sư Ngô Bảo Châu sau phiên tòa xét xử tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ. Viện Kiểm sát không thể lấy câu nói của giáo sư Ngô Bảo Châu làm căn cứ để kết tội bị cáo. 

Bào chữa cho hành vi treo cờ vàng, bất ngờ luật sư của anh Bình lôi “đạo cụ” từ bộ hồ sơ dày cộp ra. Đó là 3 tấm ảnh khổ A4 in cờ Hùng Vương, Long Tinh Kỳ của nhà Nguyễn và Cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam. Luật sư nói, cờ Hùng Vương được treo tại lễ hội 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, bây giờ vẫn được treo tại Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ; Long Tinh Kỳ được treo mỗi khi con cháu hoàng tộc họp mặt, Cờ Mặt trận được treo mỗi dịp 30.04. Không vi phạm pháp luật, không ai bị bắt vì hành vi treo cờ “chế độ cũ”. Thẩm phán Vũ Phi Long vội ngắt lời luật sư: “Luật sư đã phạm một sai lầm nghiêm trọng”. 

Tôi không hiểu luật sư đã phạm lỗi gì nhưng dường như phần trình bày về cờ Việt Nam đã xong, luật sư đề nghị tòa xem xét hành vi treo cờ vàng của bị cáo là không có tội theo cách xử lý của công an tỉnh Thái Nguyên. Một vị ngồi gần tôi buột miệng: Cờ nào cũng là “đồ cổ” sao lại cấm cờ vàng? 

Đối với hành vi anh Bình nhận tiền để đi mua cho Trần Thành một máy laptop, nhận 200 đô để tổ chức cho anh em đi chơi Nha Trang, anh Bình thật thà khai báo là chỉ nghĩ đơn giản là mình ở Sài Gòn, nên đi mua giúp, nhận tiền dùm để anh em đi chơi chứ điều đó không đáng gì. Số tiền 200 đô lúc ấy đổi ra tiền Việt được 4.200.000 đồng, nếu chia cho 6 người đi chơi bữa đó mỗi người chỉ được 700.000 đồng. 

Trong lúc học lập trình trên mạng, Vũ Trực nói có mấy cái laptop cũ để anh ấy lau chùi sửa chữa gửi về cho các học viên. Nguyễn Thiện Thành là người nhận được 2 cái laptop cũ, anh lựa cái tốt nhất về cho bạn gái chơi game, còn cái máy mất ốc, rụng phím thì đem đến nhà cho anh Bình, lúc ấy anh Bình đang nghỉ hè tại quê vợ, không có mặt ở Sài Gòn. Lúc nhận được laptop “thương binh liệt sĩ” anh mắc cỡ phải nói dối mọi người là mua lại của thằng em. 

Tranh luận với luật sư, đại diện Viện Kiểm sát không đi vào từng phần, chỉ nói chung là bị cáo đã nhận tội rồi, Viện đã vận dụng pháp luật “không sai” cho mọi đối tượng trong vụ án, bị cáo vẫn vi phạm khoản 2 Điều 88. 

Bào chữa cho Việt Khang, luật sư Hải chủ yếu soi bản Kết luận giám định để gỡ tội cho Việt Khang. Bản Kết luận giám định có chữ ký 3 giám định viên nhưng có dấu hiệu cạo sửa. Chữ ký của hai giám định viên về âm nhạc và tài liệu Nguyễn Hoài Phương và Nguyễn Minh Nghiệp không được ai xác nhận. Hai vị này được Tòa mời mà không đến. Chữ ký của giám định viên giao nhận vật chứng, không tham gia giám định lại được ông trưởng phòng xác nhận chữ ký. Đặc biệt bản Giám định này được Phòng Kiểm tra Văn hóa phẩm Xuất nhập khẩu lập. Thực tế bị cáo không xuất nhập khẩu văn hóa phẩm. 

Theo bản Giám định, bài hát “Anh là ai?”: “Thông qua việc chống Trung Quốc xâm lược, xuống đường biểu tình bị giải tán, bị bắt, Việt Khang muốn thanh minh, giải bày tự nhận mình là người yêu nước, để đả phá cách giải quyết của Nhà nước”. 

Ở đây Việt Khang chỉ đả phá cách giải quyết của Nhà nước, chứ không chống lại Nhà nước. Bởi vì cách giải quyết một vấn đề có thể đúng có thể sai, cho nên đả phá cách giải quyết một vấn đề không thể là một hành vi vi phạm pháp luật. 

Còn bài hát “Việt Nam tôi đâu?” theo Việt Khang lời bài hát ban đầu đã bị sửa “Kẻ xâm lược cướp nước Việt Nam” thành “Kẻ nhu nhược bán nước Việt Nam”. Cơ quan điều tra đã không làm rõ tình tiết này mà đã vội vàng quy kết Việt Khang tuyên truyền chống Nhà nước. 

Bản Giám định kết luận: “Hầu hết các ca khúc đều có nội dung tuyên truyền chống phá Nhà nước ở các mức độ khác nhau.” 

Bản giám định viết là “hầu hết” chứ không phải là tất cả nên không thể gom tất cả các bài hát thu được thành một mối là tuyên truyền chống phá Nhà nước. Thể hiện rõ nhất là cụm từ “Ở các mức độ khác nhau”. Nghĩa là có những bài hát mức độ tuyên truyền chống phá Nhà nước rất thấp hoặc không chống phá gì cả nhưng lại không chỉ ra là bài nào. 

Bài hát “Quê hương ngày về” không phải là của Việt Khang, cơ quan điều tra thu được từ email trong hộp thư đến của Việt Khang. Cơ quan điều tra cho rằng Việt Khang đã nhận phối khí bài hát này. Nhưng Việt Khang đã phủ nhận hoàn toàn và không có chứng cứ buộc tội bị cáo. Việc in tài liệu từ email gửi đến ra và bắt bị cáo phải nhận tội tạo thành một tiền đề rất nguy hiểm về sau này. Bởi vì bất cứ ai nhận được email có nội dung chống nhà nước mà không xóa đi đều có nguy cơ vi phạm điều 88. Điều này rất vô lý. 

Khi được Cơ quan an ninh mời lên, Việt Khang đã hợp tác tốt và được cho về nhà. Nay Viện lại lấy thiện chí đó để quy kết Việt Khang phạm tội “đặc biệt nghiêm trọng” là không hợp lý. 

Trong một vụ án được cho là “đặc biệt nghiêm trọng” mà lại có một sự chênh lệch quá lớn về cách xử lý, người thì không bị truy tố, người thì chỉ bị phạt hành chính, người thì bị truy tố mà hình phạt tù có thể tới 20 năm. Như đồng nghiệp tôi đã trình bày. Đó là điều rất bất hợp lý. Qua đó Viện đã không chứng minh được tính đặc biệt nghiêm trọng của vụ án. 

Việt Khang khẳng định chỉ mời ba người vào mạng chat, còn việc họ có tham gia vào nhóm Tuổi trẻ yêu nước hay không lại là việc khác.

Tranh luận với luật sư Hải, kiểm sát viên lại “vận dụng pháp luật” nói bản Kết luận giám định chỉ dùng để tham khảo, trước Tòa bị cáo đã cúi đầu nhận tội. Mới lúc đầu nói bản Kết luận giám định là căn cứ để kết tội bây giờ nói ngược lại. 

Việt Khang lại bị thẩm phán yêu cầu thẩm vấn lại. Thẩm phán công bố bản cung của Việt Khang do an ninh điều tra lập: “Việc mời 3 người vào mạng chat là để phát triển lực lượng.” 

Mục đích của việc sáng tác hai bài hát lại được thẩm phán chất vấn, bị cáo tự ý hay bị xúi giục. Việt Khang nói việc đó là do bị cáo bức xúc và bị cáo tự ý làm, không bị ai xúi giục, Việt Khang nghẹn ngào, và bởi vì bị cáo là người Việt Nam. 

Phiên tòa bỗng lặng đi vài giây. Lời tự bào chữa “Bởi vì tôi là người Việt Nam” của Việt Khang đủ để xổ toẹt vào Cáo trạng của Viện Kiểm sát, là lời biện hộ đầy đủ và hùng hồn nhất, làm thức tỉnh những trái tim đã bán linh hồn cho ngoại bang, kêu gọi lòng yêu nước nơi những người bàng quan trước vận mệnh sinh tử của đất nước. Hai vị luật sư còn ngồi đó làm gì mà không đứng dậy xách cặp đi về. 

Trần Vũ Anh Bình và Việt Khang nói lời sau cùng. Cả hai đều mong muốn Tòa xử một mức án thấp nhất để trở về với gia đình và sống trong môi trường âm nhạc với cộng đồng. 

Trong lúc chờ nghị án, tôi muốn tìm hiểu thêm một số thông tin về vụ án nhưng không thể tiếp cận được hai vị luật sư. Luật sư Miếng đang đứng nói chuyện với viên thư ký tại hành lang trước cửa phòng xử, sau lưng là một viên an ninh già, không biết ông ta đứng đó để “bảo vệ” luật sư hay đang nghe lén câu chuyên của họ. Luật sư Hải và cô thư ký thì biến đâu không rõ. 

Kết quả tòa tuyên án Trần Vũ Anh Bình 6 năm tù giam, Việt Khang 4 năm tù giam theo khoản 1 Điều 88, sau khi chấp hành xong hình phạt tù mỗi người còn nhận thêm 2 năm quản thúc, bị tước quyền bầu cử, ứng cử, quyền làm việc trong cơ quan nhà nước. 

Phiên tòa kết thúc lúc quá ngọ. Trần Vũ Anh Bình và Việt Khang tra tay vào còng quay lại cám ơn hai vị luật sư và theo quan quân áp giải ra xe. 

Trong lúc chờ nhận lại điện thoại, có hai ông Tây đến bắt tay hai vị luật sư. Một vị nói tiếng Việt: “Chúng tôi đã theo dõi hết tất cả. Cám ơn hai luật sư. Các luật sư làm việc rất tốt nhưng tòa kết án không tốt (ông lắc đầu tỏ vẻ thất vọng). Buồn thật là buồn! Chúng tôi sẽ tiếp tục lên tiếng về vụ này.” 

Tôi nhận lại điện thoại ra về, trời Sài Gòn gay gắt nắng. 

Sài Gòn - 15.11.2012

PV.VRNs 

____________________ 

[*] Một phóng viên mới của VRNs được sắp xếp để được vào dự phiên tòa, nhưng quá bất ngờ về tiến trình tranh tụng và cách xử của tòa án, nên người phóng viên nay đã lâm bệnh. Mãi đến hôm nay, người phóng viên này mới có thể viết lại tường tận để thông tin đến bạn đọc.

51 năm 'đi theo Đảng'!



Ảnh: Việt Dũng (Tuổi Trẻ Online)
Lê Phục Văn (Danlambao) - Vào hôm thứ tư, 14/11 vừa qua, ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đăng đàn trả lời các chất vấn của quốc hội về những kế sách giải quyết các vấn nạn kinh tế và xã hội. 

Nếu đọc hay xem các thông tin trên truyền thông lề đảng thì điều ghi nhận đầu tiên là số đại biểu chất vấn chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng câu hỏi và câu trả lời thì dài lê thê, vượt quá mức lịch sự và lễ nghi cần thiết, thậm chí là lủng củng và khá tối nghĩa.

Thế nhưng có một điểm đáng chú ý được một số báo chí lề đảng giật tít tựa khá mạnh. Đó là việc ông Dũng nói rằng, chỉ 3 ngày nữa là quá trình "đi theo đảng" (cấm nói lái) của ông sắp đúng 51 năm và ông sẽ không cần chạy chọt, xin xỏ hay từ chối bất cứ nhiệm vụ nào mà đảng và nhà nước giao phó cho ông. Ông nhấn mạnh rằng cái ghế thủ tướng của ông là do đảng chọn lựa và giao phó cho ông, vì thế ông cương quyết hoàn thành vai trò của mình mặc dù đã nghiêm túc thừa nhận các khuyết điểm và những yếu kém của mình trước đảng, trước bộ chính trị cũng như ban chấp hành trung ương đảng.

Thành thật mà nói, nếu Ủy ban Nobel hay Liên Hiệp Quốc có giải thưởng "Chính khách Chai mặt" thì ứng viên sáng giá nhất trong năm nay phải là ông Nguyễn Tấn Dũng, người mà cả nước VN đang biết đến dưới biệt danh "đồng chí X", nhân vật trọng tâm của cuộc hội nghị lần thứ 6 ban chấp hành trung ương đảng cộng sản VN khóa 11. 

Lý do đoạt giải là ông Dũng đã trả lời một cách lưu loát mà không biến sắc mặt, tựa hồ như ông đã biết rõ câu hỏi của ông đại biểu Dương Trung Quốc và đã chuẩn bị sẵn câu trả lời. Xuất sắc hơn nữa là ông còn biết tận dụng con số 51 năm để nhắn nhủ là mình có quá trình đóng góp xương máu và mồ hôi nước mắt cho đảng cộng sản, vượt xa nhiều đối thủ đang rắp tâm muốn hạ gục ông. 

Chỉ cần con số 51 năm "đi theo đảng" và câu nói "đảng đã chọn lựa và phó thác chiếc ghế thủ tướng", thì cả đảng (chứ đừng nói là cái quốc hội nghị gật) sẽ không dám truy hỏi thêm một câu nào khác. Với tội trạng ngập đầu cả nước đều biết mà đại đa số ban chấp hành trung ương đảng không dám đề nghị kỷ luật ông Dũng thì quốc hội là cái thá gì mà dạy dỗ cho ông biết về hành động từ chức để giữ tiết tháo và liêm sỉ của tiền nhân? 

Do đó cả quốc hội biến thành những sinh viên Sài Gòn và im lặng lắng nghe những lời phán của ông Dũng là chính phủ sẽ cải tổ chuyện này, thay đổi chuyện nọ trong thời gian tới nhưng không dám đặt câu hỏi là nếu tình trạng kinh tế hay xã hội không khả quan hơn thì thủ tướng có từ chức không, hay lại tiếp tục xin lỗi và nhận "trách nhiệm chính trị" vì đã không làm tròn vai trò mà đảng giao phó?

Điều mỉa mai là có lẽ vì trí nhớ quá ngắn, hay vì được dựng lên để làm cảnh, nên không có đại biểu quốc hội nào để ý thấy rằng, những "kế sách" mà ông thủ tướng Dũng đưa ra chẳng có gì là mới. Chúng là những khẩu hiệu được xào đi nấu lại suốt nhiều năm qua và được áp dụng trong mọi vấn nạn. Ví dụ như "gia tăng vai trò giám sát hay thanh tra của các cơ quan chức năng", "thực hiện nghiêm túc các qui định của pháp luật" hay "bảo đảm tính công khai và minh bạch" vân vân và vân vân.... 

Nhưng cuối cùng thì "mèo vẫn hoàn mèo" và phiên họp kế tiếp hay quốc hội khóa tới thì mọi chuyện lại tiếp tục mang ra mổ xẻ chỉ vì chưa có luật, hay luật chưa hoàn chỉnh, hay vì "báo cáo thì có rồi nhưng để... ở nhà" như câu trả lời của ông bộ trưởng xây dựng Trịnh Đình Dũng vào hôm trước. 

Thật sự thì cũng khó trách được các bộ trưởng vì ngay cả vị xếp của họ, đồng chí X, cũng không có khả năng điều hành đất nước thì việc họ phát biểu hay làm ăn rất bê bối là chuyện đương nhiên. Một ví dụ điển hình là cái quyết định số 71, nội dung phạt vạ những ai lái các chiếc xe không đúng tên sở hữu chủ mà giới truyền thông trong nước là "không chính chủ", là đủ chứng minh tài năng của ông thủ tướng Dũng ra sao.

Lý do là khi ký cái quyết định ấy, không hiểu ông Dũng có thăm dò ý kiến của mấy đứa con từng du học ở các ngoại quốc hay không. Nếu có thì ông Dũng phải biết rằng chuyện sở hữu chiếc xe không liên quan gì đến người tài xế. Chuyện vợ lái xe của chồng, con mượn xe của cha mẹ, hay bạn bè mượn xe của nhau, là chuyện thường ngày xảy ra ở các xứ văn minh. Và nếu lỡ xảy ra tai nạn thì khi ấy vẫn là chuyện dàn xếp giữa giới dân sự với nhau, nếu lớn chuyện thì mới nhờ vả đến chính quyền. Dĩ nhiên chuyện mua xe mà không chịu sang tên là bất hợp pháp nhưng đó không phải là một trọng tội và điều quan trọng là chuyện đó không nằm trong sự quản lý của lực lượng cảnh sát, vì thuộc thẩm quyền của sở giao thông.

Chính vì thế, nếu muốn người dân phải tuân thủ luật pháp thì chính phủ có quyền ra một đạo luật hay nghị định ép buộc chủ nhân thật sự phải đăng bạ ngay lập tức trong một thời hạn 3 hoặc 6 tháng nào đó. Quá thời hạn đó thì sẽ áp dụng mức phạt vạ bằng một phương thức điều tra nào đó của sở giao thông, chứ không phải là giao cho lực lượng công an "còn đảng, còn mình" muốn chận xe ai thì chận để kiểm tra giấy chủ quyền chiếc xe. 

Giả sử như trước khi ký, ông Dũng chỉ cần hỏi ái nữ Nguyễn Thanh Phượng là có khi nào cảnh sát Thụy Sĩ hay Mỹ chận hỏi giấy tờ trên đường phố nếu như cô không vi phạm luật lệ giao thông hay không? Trừ phi cô Phượng cũng ù ù cạc cạc, nếu không thì ông bố đã đủ sáng suốt để vất cái nghị định ấy vào thùng rác, tránh gây thêm phiền phức cho người dân ở một cái xứ mà "hành chính" là "hành dân là chính". Nhưng ông Dũng đã không làm như thế. Ông đã ký đại vào cuối tháng 9 năm nay để ban hành ngay theo lời xúi của ông bộ trưởng Đinh La Thăng, khiến cho giới công an vừa áp dụng đã thấy ngần ngại vì sự phản đối dữ dội của công chúng. 

Điều bất hạnh cho đất nước là một ông thủ tướng tồi tệ như thế nhưng sẵn sàng khoe khoang là mình chỉ hơn 10 tuổi đã "đi theo đảng" nhằm khẳng định rằng, mình là người xứng đáng để cầm quyền. Nhưng cũng may là da mặt ông Dũng chưa đủ dày để phán thêm một câu nhằm bào chữa cho những tội lỗi tày trời của mình: "Khi tôi sinh ra, không ai dạy tôi cách thức làm một thủ tướng"!


Lê Phục Văn
danlambaovn.blogspot.com

CA liên tục khủng bố gia đình Phạm Thanh Nghiên



CTV Danlambao - Trong những ngày vừa qua, gia đình Phạm Thanh Nghiên tại Hải Phòng liên tục bị CA sách nhiễu mỗi khi cô đi Hà Nội khám chữa bệnh. 

Sau nhiều thủ đoạn trấn áp không thành đối với Phạm Thanh Nghiên, phía CA chuyển qua đe dọa, khủng bố người mẹ già của cô là bà Nguyễn Thị Lợi, năm nay đã 76 tuổi.

Ngày 30/10, lợi dụng lúc Nghiên vắng nhà đi chữa bệnh, công an đã đến nhà tra vấn và đe dọa những người thân trong gia đình, rồi gửi giấy triệu tập. 

Đêm ngày 13/11 vừa qua, đúng lúc mất điện, một nhóm khoảng 3 công an bất ngờ ập vào nhà Phạm Thanh Nghiên với lý do ‘kiểm tra hộ khẩu’. Lúc này Nghiên đang đi khám bệnh ở Hà Nội, trong nhà chỉ còn một mình bà Lợi chống chọi với họ. 

Những viên công an thi nhau lùng xục mọi ngõ ngách trong nhà. Từ nhà bếp, phòng vệ sinh cho đến phòng riêng của Nghiên đều bị họ tự tiện đi vào khám xét.

Đến chiều ngày 14/11, khi Phạm Thanh Nghiên đã về đến nhà thì công an lại tiếp tục kéo đến đập cửa. Trước những hành vi khủng bố như trên, gia đình từ chối không mở cửa tiếp. Những viên CA đứng lỳ trước cửa nhà khoảng 30 phút mới chịu ra về.
Từ khi ra tù đến nay, công an liên tục đến nhà Phạm Thanh Nghiên sách nhiễu
Trong tháng vừa rồi, cô Phạm Thanh Nghiên phải đi Hà Nội khám chữa bệnh tổng cộng 3 lần. Cứ mỗi khi cô vắng nhà là gia đình tại Hải Phòng đều phải sống trong cảm giác lo sợ vì CA có thể ập vào bất cứ lúc nào. 

Được biết, Nghiên bị mắc chứng bệnh khá nghiêm trọng về mắt, cần phải đi khám và uống thuốc thường xuyên. Nếu không được điều trị có thể dẫn đến những hậu quả nguy hiểm hơn, thậm chí là bị mù. 

Từ khi ra tù, đến nay mới khoảng hơn 2 tháng, tổng cộng Phạm Thanh Nghiên đã phải nhận 4 ‘giấy triệu tập’ với lý do ‘trình diện hàng tháng’ về việc thi hành án quản chế. 

Nghiên cho biết, mục đích của phía CA là muốn khủng bố gia đình cô, đặc biệt là họ muốn nhắm vào người mẹ già vốn hay bị hoảng loạn vì thương con. 

Bà Nguyễn Thị Lợi, mẹ Phạm Thanh Nghiên năm nay đã 76 tuổi. 4 năm đã trôi qua, nhưng những ký ức đau lòng về ngày con gái mình bị bắt vẫn thường xuyên hiện về.

Cũng xin được nhắc lại, năm nay cô Phạm Thanh Nghiên cùng hai phụ nữ là Tạ Phong Tần và Huỳnh Thục Vy vừa được trao giải thưởng của Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam.


Phạm Thanh Nghiên và mẹ