THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

24 May 2012

Khi công an hành xử như xã hội đen

Khi công an hành xử như xã hội đen

Thanh Quang, phóng viên RFA
2012-05-23

Trong thời gian gần đây, tác phong và hành động của lực lượng trong nước mệnh danh là “công an nhân dân” – và cả dân phòng, xã hội đen – “có muốn tránh không nhắc đến cũng không được nữa” – nói theo lời blogger Mẹ Nấm.

AFP photo-Lực lượng công an nhân dân Việt Nam.



Côn đồ trong cả hành động lẫn lời nói


Lối hành xử của lực lượng mệnh danh là bảo vệ nhân dân, bảo vệ pháp luật và trên nguyên tắc phải am hiểu pháp luật xem chừng như ngày càng khiến công luận phẫn nộ, nhất là, ngoài “cú đạp lịch sử” vào mặt người biểu tình yêu nước, cảnh công an, dân phòng đánh đập dã man, vô cảm và vô cớ 2 nhà báo Đài Tiếng Nói VN VOV, và nhất là cảnh họ bẻ quặt tay và tung cú đá “có nghề” vào bụng một phụ nữ trong biến cố Văn Giang khiến có ý kiến báo động rằng “sao cùng con người với nhau mà lại có thể ác với nhau thế?”. Đó là lời của nhà thơ Văn Công Hùng sau khi xem cái clip đánh người tàn độc khiến thi nhân trĩu nặng nỗi “căm phẫn” ngút ngàn pha lẫn sự cảm thương cho các bà mẹ của những chiến sĩ công an kia vì “các bà đã đẻ ra những người con quá ác”.
Hành động – và cả ngôn từ khiếm nhã – của nhiều nhân viên công an đã khiến người dân Việt, nhất là những nạn nhân trực tiếp của “công an nhân dân”, từng thốt lên rằng:
“Tôi cảm giác mình đang rơi vào một đám thảo khấu côn đồ… Có chế độ nào, đất nước nào khám người như vậy không ?...Tôi không thể tượng tượng nỗi những con người như vậy mà lại đại diện cho một nhà nước, cho nên nhà nước này quả thực rất mờ ám và hành xử rất côn đồ…”
Khi “Nghĩ về ngành công an, từ vụ hai nhà báo bị đánh ở Văn Giang”, tác giả Minh Đoàn thật sự bức xúc và không hiểu nỗi tại sao họ có thể “ra tay tàn bạo” như thế, đánh “hội đồng” tàn bạo như thế với những người tay không, không hề có biểu hiện nào sai trái, không hề có ý chống cự ?
Tác giả tin chắc là các nhân viên công an kia động thủ hung bạo như vậy không phải phát xuất từ quyền lợi cá nhân, từ “phong bì” của phía đầu tư hay từ nhiệm vụ cụ thể của cấp trên là “phải đấm, đá hết cỡ bất cứ ai”, mà theo cái nhìn của tác giả, những “đòn thù” đó có tính cách “tự phát” một cách máy móc, quen thuộc” tôi đấm, anh đá, nó thọc gậy…”. Tác giả Minh Đoàn nêu lên câu hỏi “vậy thì tất cả do đâu?”, rồi bày tỏ nỗi băn khoăn, lo sợ:
“Phải chăng những hành động vô nhân tính một cách “bộc phát, hồn nhiên, vô tư” trên của một số công an viên xuất phát từ khâu tuyển chọn, đào tạo, giáo dục, rèn luyện của ngành công an? Phải chăng đã có sự xóa nhòa, đánh đồng giữa người dân vô tội và bọn tội phạm, trong ý thức, trong cách nhìn nhận của nhiều công an viên ?
Phải chăng thói quen bạo hành, trấn áp, đánh người đã trở nên quen tay, trở thành nhu cầu, trở thành thành tích của không ít công an viên - khiến họ không còn phân biệt được đâu là dân ( phải tôn trọng, lễ phép), đâu là kẻ thù ( phải kiên quyết, khôn khéo)…?

Nên nhớ trên thế giới không ai gọi tên ngành công an là công an nhân dân như ở VN, điều đó nói lên điều gì ?...Bởi với tình trạng trên, rồi đây bất cứ ai trong chúng ta ( kể cả người thân của các công an viên) cũng sẽ có lúc trở thành nạn nhân của thói vô cảm, tàn bạo trên.”

Tình trạng công an – nói theo lời nhà báo tự do Nguyễn Hữu Vinh ở Hà Nội – “đánh dân như chớp, đánh tàn bạo, đánh như đòn thù” ấy khiến GS Nguyễn Văn Tuấn thuộc Đại Học New South Wales bên Úc nêu lên câu hỏi rằng tại sao họ lại hành xử với người đồng hương mình như những kẻ thù, và đánh đập một cách không nương tay, đánh để sướng tay ? Vẫn theo GS Nguyễn Văn Tuấn thì những người công an này bị “phơi nhiễm” bởi những giáo điều độc hại nào đó, nên cái ác thắng thế cái thiện và dẫn đến những hành động mà chúng ta thấy trong cái clip video mang tính lịch sử.
Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc thuộc Đại học Victoria bên Úc thấy “rộ lên” những cáo giác, lên án dữ dội công an VN - và cả giới lãnh đạo, khi trên mạng ào ạt, tràn lan những chữ như “tàn bạo”, “dã man”, “không thể gọi đó là người”, “ngu” và “đểu”…

Đẩy dân vào thế đối nghịch

Chuyện công an đánh người, chẳng hạn như “cảnh công an đánh phóng viên như đánh một con chó dại: kẻ thì thụi, người thì đạp, kẻ thì đá, người thì cầm gậy quất tới tấp…” ,theo GS Nguyễn Hưng Quốc, thật ra chả có gì lạ. Ông gõ thử vào Google 3 chữ trong ngoặc kép “công an đánh” thì hiện ngay gần 6 triệu kết quả về vô số chuyện công an hành dân, như GS Nguyễn Hưng Quốc mô tả:

“Lái xe không đội mũ bảo hiểm: bị đánh. Học sinh tình nghi ăn cắp: bị đánh. Dân chúng xuống đường biểu tình chống Trung Quốc: bị đánh. Giáo dân Công giáo cầu nguyện đòi đất: bị đánh. Nông dân không chịu dời nhà theo lệnh giải tỏa: bị đánh. Thường, chỉ đánh bị thương. Nhưng không hiếm trường hợp công an đánh quá tay khiến nạn nhân bị gãy cổ hoặc có khi chết tốt. Chết thì dễ thôi: Công an sẽ dàn cảnh tự tử. Gia đình chỉ việc mang xác về chôn. Những chuyện “tự tử” trong nhà giam xảy ra khá thường xuyên, vài ba tháng lại nghe một lần”.
Nhận xét về thực trạng này, nhà báo Nguyễn Minh Cần, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội, lên tiếng từ Matxcơva:
“Chưa bao giờ tôi thấy tình trạng CA lộng quyền đến như thế. Vì sao ? Vì nhà nước, những người lãnh đạo cho quyền CA được làm như thế thì họ mới có thể làm. Nhà nước bây giờ xử màu mè một vài vụ. Nhưng chính những hành động đàn áp của CA như vậy là do nhà nước, những người lãnh đạo bày cho họ, do những người lãnh đạo sử dụng các phần tử gọi là “quần chúng tự phát”, tức CA giấu mặt để đàn áp dân chúng.
Đó là cái gì ? Là sự khuyến khích của nhà nước dẫn tới tình trạng CA hành hung người dân. Chưa bao giờ số người dân bị CA giết chết nhiều như vậy. Trong điều kiện như thế thì làm sao nói đến nhân quyền ? Cho nên công luận thế giới nhìn nước VN mình thiếu thiện cảm. Khinh bỉ nhà nước này không biết gì luật pháp cả.”
Theo GS Nguyễn Hưng Quốc thì khi cho phép công an đánh dân và khi nằng nặc bào chữa, bênh vực cho những tên công an đánh dân như vậy, nhà nước đã xem dân như một thành phần thù nghịch, hoặc nếu chưa, thì họ cũng đang dần dần đẩy người dân vào thế đối nghịch.
Khi đề cập tới việc để tang cho lòng tin đã mất, tác giả Hồ Như Hiển có những dòng kết luận cho bài “Tín Tang” của ông rằng “Những kẻ đánh dân, những kẻ ra lệnh, thao túng, bao che cho thuộc cấp đánh dân phải ra trước vành móng ngựa về tội xúc phạm tính mạng, sức khoẻ danh dự con người. Bằng không, vành khăn người dân Vụ Bản - Nam Định quấn trên đầu vào chiều ngày 08/5/2012 không phải chỉ là địa tang - để tang đất, mà là tín tang - để tang lòng tin về cái gọi là “của dân, do dân, vì dân”.