THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

20 March 2012

Một thanh niên chết tại phòng tạm giữ của công an

“Con chết oan uổng lắm, con ơi!”

Thứ Ba, 20/03/2012 18:35

(NLĐO) – Cơ quan công an thông báo anh Trọng treo cổ tự tử nhưng gia đình nạn nhân lại bức xúc cho rằng nạn nhân không tự tử và đã bị đánh đập rất nhiều trước khi chết.


Người nhà nạn nhân đau đớn kể lại sự việc
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, ngày 16-3, anh Lê Quang Trọng (SN 1987, trú tại xóm Hồng Tân, xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) lẻn vào nhà ông Lê Bảo ở xóm Tân Trung (cùng xã) thì bị phát hiện. Gia đình ông Bảo nói là mất một chỉ vàng. Sau đó, công an huyện Can Lộc đã bắt anh Trọng về phòng tạm giữ để điều tra. Hơn 2 ngày sau, anh Trọng tử vong.
 
Công an được huy động để lập lại trật tự, bảo vệ quá trình mổ tử thi
 
Sau cái chết bất thường của anh Trọng, người thân của nạn nhân vô cùng đau đớn và bức xúc. Họ đã kéo đến vây kín trước trụ sở công an huyện Can Lộc và nhà xác của bệnh viện. Ngồi gục đầu trước nhà xác, người thân của nạn nhân luôn miệng gào thét, than khóc “Trời ơi, họ giết con tôi rồi vu oan cho treo cổ tự tử. Còn đâu công lý nữa trời ơi!”.
 
Ông Lê Quang Lý (60 tuổi, bố của anh Trọng) đau đớn nói: “Nếu như con tôi treo cổ tự tử trong phòng tạm giữ của công an thì tại sao ngay khi phát hiện họ không giữ nguyên hiện trường rồi gọi cho người nhà chúng tôi đến đó ngay mà sau hơn 2 giờ mới báo đã đưa vào nhà xác bệnh viện”.
 
Còn anh Lê Quang Ngân (SN 1978, anh trai nạn nhân) nói: “Sau khi em tôi bị bắt và tạm giữ tại công an huyện Can Lộc thì tôi có đến đưa cơm cho nó được 4 lần. Ngày 17, 18-3 đều đưa 2 lần sáng, tối. Những lần gặp tôi, Trọng có kể bị công an đấm đá, đánh đập rất nhiều”.
 
Anh Ngân cho biết thêm khi anh mang áo quần của Trọng về giặt, người nhà còn thấy có vết máu và phân dính trong quần. Khi nghe tin Trọng mất, anh Ngân chạy đến nhà xác thì thấy thi thể Trọng có vết bầm tím ở dưới lòng bàn chân, toạc ở đầu gối, trên cổ có dấu bầm tím. Nhưng lưỡi không thè ra ngoài, mắt vẫn nhắm.
 
Thượng tá Phạm Tài - Phó trưởng Công an huyện Can Lộc, cho hay  khoảng 14 giờ ngày 19-3, anh em trực tại phòng tạm giữ phát hiện nghi phạm Lê Quang Trọng treo cổ tự tử tại phòng tạm giữ. Khi mở cửa phòng ra, thấy nạn nhân còn đang nóng nên mọi người đã cắt dây và đưa ngay sang Bệnh viện Đa khoa Can Lộc để cấp cứu nhưng không kịp. Sau đó, nạn nhân được đưa vào nhà xác tại bệnh viện.
 
Trước sự bức xúc và phản đối của người thân, Công an huyện Can Lộc đã phải huy động lực lượng Cảnh sát cơ động, CSGT, bộ đội, dân phòng… với trang bị dùi cui phong tỏa, giữ trật tự, bảo vệ hiện trường để Cơ quan Pháp y tiến hành mổ tử thi làm rõ nguyên nhân vụ việc.
 
Người nhà nạn nhân bao vây trụ sở công an
 
 Cơ quan chức năng đã phải điều động rất đông CSCĐ, CSGT, bộ đội, dân phòng… phối hợp để giữ trật tự.
 
Thượng tá Tài cho biết vụ việc đã chuyển lên Công an tỉnh thụ lý hồ sơ và điều tra làm rõ, cơ quan Pháp y cũng đã tiến hành khám nghiệm tử thi. Khi có kết luận cuối cùng, cơ quan công an sẽ cung cấp thông tin cụ thể cho báo chí.
Báo Người Lao Động sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Tin-ảnh: Kh.Trình

 

 

(NLĐO) - Sau hơn 2 ngày bị bắt và đưa về tạm giữ tại Công an huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, một thanh niên đã chết trong tư thế treo cổ.

Nạn nhân là Lê Quang Trọng (SN 1987, trú tại xóm Hồng Tân xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh).
Người thân của nạn nhân cùng rất đông người dân tập trung về nhà xác bệnh viện Can Lộc sau khi sự việc xảy ra.
Trước đó, ngày 16-3, anh Trọng có lẻn vào nhà ông Lê Bảo ở xóm Tân Trung thì bị phát hiện. Gia đình ông Bảo nói có bị mất 1 chỉ vàng. Sau đó Công an huyện Can Lộc bắt Trọng đưa đến phòng tạm giữ.
Đến 16 giờ 30 phút ngày 19-3, gia đình anh Trọng nhận được điện thoại từ Công an huyện Can Lộc báo tin anh đã treo cổ tự tử trong phòng tạm giữ.
Ngay sau đó, thi thể nạn nhân đã được đưa sang Bệnh viện Đa Khoa Can Lộc. Nhận được tin báo, người nhà nạn nhân đến Bệnh viện huyện Can Lộc thì thi thể anh Trọng đã được đưa vào nhà xác.
Quá bức xúc với sự việc trên, người nhà nạn nhân đã tập trung rất đông trước trụ sở Công an huyện Can Lộc và bệnh viện khiến việc tiến hành mổ tử thi của cơ quan pháp y từ ngày 19-3 đến sáng ngày 20-3 mới thực hiện được.
Báo Người Lao Động sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.
Tin-ảnh: Kh. Trình

MĂNG TÂY CÓ TÁC DỤNG TỐT VỚI BỆNH NHÂN UNG THƯ


Mẹ tôi đã dùng nước sinh tố măng tây, sáng 4 muỗng súp và tối cũng 4 muỗng từ hơn 1 tháng nay. Bà đang phải uống thuốc hóa trị cho bệnh ung thư màng phổi giai đoan 3 về và số lượng tế bào ung thư của bà từ 386 đã xuống 125 trong tuần vừa qua. Vị bác sĩ chuyên gia có nói là bà không cần phải đến gặp ông ta trong 3 tháng tới đây. BÀI BÁO :Nhiều năm trước đây, tôi có gặp một người đang đi tìm măng tây cho người bạn bị bệnh ung thư. Anh ta đưa tôi một bản sao bài báo tựa đề “Măng tây cho bệnh ung thư”, được đăng trên tờ Cancer News Journal, tháng 12 năm 1979. Tôi chia sẻ cùng các bạn ngay bây giờ như anh ta đã làm với tôi : tôi là một nhà hóa sinh và chuyên về liên quan giữa chế độ ăn kiêng và sức khỏe trên 50 năm rồi. Nhiều năm trước, tôi có biết về sự khám phá của ông Richard R. Vensal, D.D.S, rằng măng tây có thể chữa khỏi bệnh ung thư. Từ đó đến giờ, tôi đã hợp tác với ông ta cho dự án của ông ta. Chúng tôi đã thu thập được rất nhiều trường hợp rất triển vọng. Sau đây là vài thí dụ : Trường hợp thứ 1 : Một người đàn ông gần như là không còn hy vọng gì với bệnh Hodgkin (một loại bệnh ung thư về mạch bạch huyết) đã hoàn toàn mất hết năng lực. Một năm sau khi chữa trị bằng liệu pháp măng tây, các bác sĩ của ông ta không thể tìm thấy bất cứ dấu hiệu nào của bệnh ung thư và anh ta trở lại làm việc thật hăng hái. Trường hợp thứ 2 : Một thương gia thành đạt ở tuổi 68 đã bi bệnh ung thư bàng quang từ 16 năm rồi. Sau nhiều năm điều trị, kể cả xạ trị không kết quả, ông ta chuyển qua măng tây. Sau 3 tháng, các xét nghiệm cho thấy khối u trong bàng quang đã biến mất và thận của ông ta hoạt động bình thường Trường hợp thứ 3 : Một người đàn ông bị ung thư phổi. Vào ngày 5 tháng 3 năm 1971, ông ta được đưa lên bàn mổ nhưng vì căn bệnh đã phát triển quá nhiều nên không thể tiến hành cuộc giải phẫu được. Các bác sĩ tuyên bố trường hợp của ông ta không còn hy vọng gì. Vào ngày 5 tháng 4, ông ta nghe nói đến liệu pháp măng tây và bắt đầu uống ngay tức thì. Đến tháng 8, các phim X quang cho thấy các dấu hiệu của bệnh ung thư đã biến mất và ông ta trở lại công việc kinh doanh của mình. Trường hợp thứ 4 : Một phu nữ bị bệnh ung thư da từ nhiều năm. Sau đó bệnh này đã chuyển sang nhiều hình thức ung thư khác nhau mà vị bác sĩ chuyên gia cho là đã phát triển nhiều rồi. Sau 3 tháng dùng măng tây, vị bác sĩ chuyện gia cho biết da bà ta trông rất tốt và không còn các vết tổn thương nữa. Bà này còn cho biết liệu pháp măng tây còn chữa căn bệnh thận của bà, mắc phải từ năm 1949. Bà ta đã làm 10 cuộc giải phẩu lấy sỏi thận và bà cũng nhận được trợ cấp từ chính phủ về tình trạng thận không thể giải phẩu ở giai đoạn cuối. Bà quy cho liệu pháp măng tây đã chữa khỏi bệnh thận của bà. Tôi không ngạc nhiên lắm vế các kết quả, vì theo “Các yêu tố về materia medica” được xuất bản vào năm 1854 do một ông Giáo sư của Trường Đại học Pennsylvania, nói rõ là măng tây là một phương thuốc dân gian để làm tan các sỏi thận. 
 
Hãy chú ý đến ngày tháng ! Chúng tôi còn có nhiều trường hợp khác nữa nhưng ngành y tế đã can thiệp vào việc chúng tôi thu thập các hồ sơ. Vì thế chúng tôi mới kêu gọi các độc giả hãy phổ biến các thông tin rất hữu ích này để giúp đỡ chúng tôi thu thập thật nhiều chứng cứ về các thành tích bệnh sử để áp đảo các người hoài nghi của ngành y tế cho một thứ liệp pháp rất không thể tin được, đơn giản và tự nhiên này. Về cách chữa trị, măng tây phải được nấu chín trước khi dùng vì thế măng tây đóng hộp vừa tươi và tiện lợi. Tôi có liên hệ với 2 công ty đóng hộp măng tây , Giant và Stokely, và tôi rất hài lòng vì 2 nhãn hiệu này không có sử dụng thuốc trừ sâu hoặc hóa chất bảo quản. Bỏ các cọng măng tây vào máy xay sinh tố và đánh cho nhừ, sau đó cất vào trong tủ lạnh. Cho người bệnh uống 4 muỗng canh, 2 lần trong ngày, sáng và chiều tối. Thường thì sau 2 - 4 tuần người bệnh sẽ thấy sức khỏe được cải thiện. Người bệnh cũng có thể pha loãng trong nước nóng hoặc nước lạnh để uống. Liều lượng này được ấn định căn cứ trên các thí nghiệm thực tế nhưng dung lượng nhiều hơn cũng không có hại gì hết mà đội khi rất cần thiết trong vài trường hợp. Với tư cách là một nhà hóa sinh, tôi tin chắc rằng câu châm ngôn cổ xưa rằng “ Cái gì điều trị được thì có thể phòng ngừa được”. Căn cứ theo lý thuyết này mà vợ chồng chúng tôi thường dùng purée măng tây như là thức uống trong các bữa cơm. Chúng tôi dùng 2 muỗng canh được pha trong nước để hợp khẩu vị của chúng tôi cho các bữa ăn sáng và tối. Tôi thì thích uống nóng trong khi vợ tôi thì thích lạnh. Từ nhiều năm rồi chúng tôi thường cho xét nghiệm máu trong các lần kiểm tra sức khỏe. Trong lần kiểm tra máu sau cùng do một ông bác sĩ chuyên về dinh dưỡng liên quang đến sức khỏe, cho thấy có nhiều cải thiện đáng kể trong các thành phần trong máu khác với lần trước đó và chúng tôi có thể khẳng định rằng các cải thiện đó không do cái gì khác hơn là măng tây. Với tư cách là một nhà hóa sinh, tôi có làm một nghiên cứu sâu rộng về các nét đặc trưng của các bệnh ung thư và các phương pháp chữa trị được đề nghị. Và với kết luận cuối cùng, tôi tin chắc rằng măng tây phú hợp nhất cho các lý thuyết về ung thư. Măng tây có chứa một số lượng lớn protein gọi là histones mà tôi tin là rất tích cực trong kiểm soát sự phát triển của tế bào. Vì lý do đó, tôi tin là ta có thể nói măng tây có chứa một chất mà tôi tạm gọi là chất bình thường hóa cho sự phát triển tế bào. 
 
Tầm quan trọng của tác động trên bệnh ung thư cũng không khác như là nhiệm vụ của một loại thuốc bổ cho cơ thể. Không để ý đế lý thuyết, trong hoàn cảnh này, măng tây được dùng theo đề nghị của chúng tôi, là một chất vô hại. Cơ quan FDA (Cơ quan kiểm tra thực phẩm và dược phẩm của Hoa Kỳ) không có lý do gì ngăn cản bạn dùng một thứ mà chỉ có đem lại điều tốt mà thôi. Viện Nghiên Cứu Ung Thư Hoa Kỳ đã báo cáo là trong măng tây có chứa chất glutathione, được xem như là chất chống sinh ung thư và chống oxy rất hiệu nghiệm. )
 
Xin các bạn hãy phổ biến thông tin này. Một việc làm không nghĩ đến lợi ích của bản thân là hãy phổ biến thông tin để nhận lại lòng tốt của người khác, dù cho đó là một người không xứng đáng chút nào. (VLP dịch)

Chi cục phó CC Hải quan Hà Tây say rượu làm càn


20/03/2012 07:38:30

 "Chúng tôi đã mời lái xe lên làm việc để hoàn tất hồ sơ xử lý vụ va chạm giao thông này" - đây là thông tin được đại diện Phòng CSGT CATP Hà Nội khẳng định vào ngày 19/3.

Trước đó, chiều 16/3, chiếc xe Innova BKS:  29Y-2490 do ông Đặng Quốc Dũng (SN 1956) ở Hoàn Kiếm, Hà Nội, là Chi cục phó Chi cục Hải quan Hà Tây (Cục Hải quan TP Hà Nội) điều khiển xảy ra va chạm với một chiếc xe mang BKS ngoại giao. Trong hơi thở sặc mùi bia rượu, ông Đặng Quốc Dũng đã chửi bới lái xe đi biển ngoại giao; lao vào khu vực gần một đại sứ quán ở quận Đống Đa, gây hấn, lăng mạ lực lượng an ninh và CSGT.

Chiều qua, PV đã liên hệ với ông Nguyễn Văn Trường - Cục trưởng Cục Hải quan TP Hà Nội để xác minh thông tin về ông Dũng. Ông Trường cho biết, ông Đặng Quốc Dũng hiện là Chi cục phó Chi cục Hải quan Hà Tây. Ông Trường cũng rất bất ngờ và buồn trước thông tin ông Dũng va chạm giao thông, có hành vi coi thường pháp luật. Đến thời điểm này, dù chưa nhận được thông báo từ phía CSGT cũng như các cơ quan chức năng, song ông Trường khẳng định đúng sai thế nào sẽ xử lý đến đó và không bao che cho sai phạm.

Vụ TNGT tuy thiệt hại tài sản không nghiêm trọng (chiếc xe biển ngoại giao chỉ gãy rời gương chiếu hậu), song hành vi của lái xe Đặng Quốc Dũng đã để lại hình ảnh không đẹp trong mắt những người tham gia giao thông. Cụ thể, theo một số nhân chứng, sau khi lái xe đi biển ngoại giao bị chửi bới đã nhờ lực lượng bảo vệ ở khu vực đại sứ quán trên giúp đỡ, hỗ trợ bảo vệ nhưng ông Dũng vẫn xông vào gây hấn.

Kể cả khi CSGT, CAP có mặt, lái xe Dũng vẫn ngang nhiên không chấp hành yêu cầu thổi vào máy đo nồng độ cồn của CSGT, "hù dọa", thách thức lại lực lượng làm nhiệm vụ. Chưa hết, 3 người bạn của ông Dũng cũng trong tình trạng có hơi men, khi nhận được điện thoại của ông Dũng đã đến hùa với ông này dọa nạt CSGT.

(Theo ANTĐ)

 

Đà Nẵng: Huỷ MBH rởm, bán mũ "xịn" với giá chỉ 50.000đồng/chiếc


20/03/2012 06:56:05
 - Lực lượng chức năng Đà Nẵng sẽ tiến hành kiểm tra chất lượng mũ bảo hiểm (MBH). Trường hợp kém chất lượng sẽ hướng dẫn người dân mua MBH đúng chất lượng với giá chỉ 50.000 đồng/1 chiếc.

Ngày 19/3, Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh tiếp tục có buổi gặp gỡ đối thoại thời lực lượng công an, CSGT, cảnh sát trật tự, bộ đội biên phòng… về việc chấn chỉnh công tác và tăng cường các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội, an ninh trên địa bàn TP.Đà Nẵng.

Theo ông Thanh: thời gian tới, Đà Nẵng tăng cường chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, sử dụng MBH giả, nhái, không đúng chất lượng, có nguy cơ cao ảnh hưởng đến tính mạng và tình trạng an toàn giao thông.
 
Theo đó, vị Bí thư thành ủy này chỉ đạo, từ ngày 1/4 tới, liên ngành CSGT, sở Khoa học và công nghệ, Ban ATGT TP Đà Nẵng sẽ thí điểm xử lý người tham gia giao thông đội MBH không đúng chất lượng.
 
Từ 1/4, Lực lượng CSGT có nhiệm vụ dừng phương tiện xe máy để thử mủ MBH
Từ 1/4, CSGT sẽ dừng phương tiện xe máy để thử mũ MBH. Ảnh: Thu Hiền


"Sở Khoa học và công nghệ trực tiếp đem máy kiểm định để thử chất lượng MBH. Lực lượng CSGT có nhiệm vụ dừng phương tiện xe máy để thử mũ MBH, còn ban ATGT thì tổ chức bán mũ đúng chất lượng với giá 50.000 đồng/1 chiếc (bằng chiếc mũ MBH giả, nhái đang được bày bán khá tràn lan trên địa bàn – PV)", ông Thanh nói.

Riêng lực lượng CSGT, để hỗ trợ công tác tuần tra, kiểm soát, ông Thanh cho hay: CSGT đứng chốt tại 4 trạm cửa ô Hòa Phước, Hòa Hải, Kim Liên, Hòa Nhơn sẽ được hỗ trợ thêm 5 triệu đồng/1 tháng. Bên cạnh đó, Đà Nẵng triển lắp đặt camera giám sát quá trình kiểm tra, xử lý của CSGT tại 4 trạm cửa ô trên. Trường hợp phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm, đuổi khỏi ngành. Lực lượng CSGT ở 4 trạm này cũng được luân chuyển mỗi quý một lần.

Đại tá Nguyễn Đến, Trưởng phòng CSGT, Công an TP Đà Nẵng cho hay: đơn vị đang hoàn thành các thu tục hành chính, lên danh sách số lượng CSGT tuần tra kiểm soát tại 4 trạm cửa ô để được nhận hỗ trợ 5 triệu đồng/1 tháng/ người. Theo đó, chủ trương này sẽ bắt đầu triển khai từ tháng 3/2012. Ngoài tiền lương theo quy định, lực lượng CSGT làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát tại các cửa ô sẽ được hỗ trợ thêm số tiền trên từ nguồn ngân sách của thành phố, chuyển qua thẻ nhận lương.

Xuân Tuyết

Tăng cường xe hút đinh ở cửa ngõ phía tây TP.HCM

TNO) Bốn xe hút đinh của quận 12 (TP.HCM) sẽ được chuyển giao cho huyện Bình Chánh, cửa ngõ nối TP.HCM với các tỉnh miền tây Nam bộ, do nạn rải đinh ở khu vực này tăng đột biến trong thời gian gần đây.

>> Tiếp tục chống "đinh tặc" trong năm 2012
>> Đinh tặc" lộng hành ở Indonesia
>> Củng cố pháp lý khởi tố đối tượng rải đinh và đua xe
>> Nạn rải đinh tiếp diễn sau khi "đinh tặc" được thả

Anh Bùi Xuân Thời - cán bộ Trung tâm Công tác xã hội thanh niên TP.HCM thuộc Thành đoàn TP.HCM - cho biết, gần đây Huyện đoàn H.Bình Chánh và người dân trên địa bàn huyện thông báo thường xuyên xảy ra tình trạng rải đinh trên đại lộ Nguyễn Văn Linh.

 
Q.7 và H.Bình Chánh được tăng cường xe hút đinh - Ảnh: Trí Quang

Do đó, Trung tâm đã quyết định chuyển giao bốn xe hút đinh của Q.12, địa bàn ít xảy ra nạn rải đinh, sang cho Huyện đoàn H.Bình Chánh sử dụng.

Đây là lần đầu tiên địa bàn H.Bình Chánh có xe hút đinh hoạt động.
Tương tự, do Quận đoàn Q.2 đã được UBND Q.2 đầu tư xe riêng nên Trung tâm cũng chuyển giao bốn xe hút đinh của quận này sang cho Quận đoàn Q.7 sử dụng.
Được biết, tại Q.7, đinh và vật nhọn thường xuyên xuất hiện tại khu chế xuất Tân Thuận hay trên đường Nguyễn Thị Thập.
Anh Bùi Xuân Thời cho biết, trong các dịp lễ lớn sắp tới như Giỗ tổ Hùng Vương, lễ 30.4, 1.5 thì "đinh tặc" sẽ hoạt động mạnh trở lại do lưu lượng người đi lại tăng.
Các đội hút đinh của H.Bình Chánh, Q.2, Q.7, Q.9 và Q.Thủ Đức (TP.HCM) cũng đã lên kế hoạch tăng cường hoạt động vào những ngày lễ này.
 
Từ ngày 22.3 đến 31.12.2011, các đội phòng chống rải đinh của các quận 2, 9, 12, và Q.Thủ Đức đã thu được 237 kg đinh, vật nhọn kim loại trên 50 tuyến đường - Ảnh: Trung tâm công tác xã hội thanh niên TP.HCM cung cấp
"Một tuần trở lại đây, nạn rải đinh ở địa bàn Q.9 bắt đầu rộ lại. Đội mình đã báo cho Công an quận để phối hợp tuần tra phòng ngừa nạn rải đinh tăng đột biến", bạn Kim Chi - đội trưởng Đội phòng chống rải đinh Q.9 - cho biết.
Theo thống kê của Trung tâm Công tác xã hội thanh niên TP.HCM, từ ngày 22.3 đến 31.12.2011, các đội phòng chống rải đinh của các quận 2, 9, 12, và Thủ Đức đã thu gom được 237 kg đinh, vật nhọn kim loại trên 50 tuyến đường.
Trong khi đó, hiện có 48 bạn trẻ, tình nguyện viên tham gia thường xuyên các đội hút đinh trên các tuyến đường, ghi nhận những phản ánh của người dân về nạn rải đinh.

Nạn rải đinh tại Bình Dương giảm mạnh
Hiện tại, địa bàn thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương đã gần như sạch bóng "đinh tặc". Riêng vài cung đường ở các huyện Phú Giáo, Bến Cát, Tân Uyên và thị xã Dĩ An vẫn còn nạn rải đinh nhưng số đinh rất ít.
Thông tin này do anh Phạm Hồng Thắng - Tổng đội trưởng đội Thanh Niên xung phong tỉnh Bình Dương - xác nhận.
"Tuy nạn rải đinh gần như không còn nhưng hiện tại đội hút đinh ở thị xã Thủ Dầu Một vẫn hoạt động mỗi ngày một ca", anh Thắng cho biết. 
Chia sẻ về các biện pháp khả thi để làm giảm nạn rải đinh, anh Thắng cho rằng nên đẩy mạnh chuyển giao xe hút đinh về cho xã, phường chủ động tổ chức sử dụng.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cần khoanh vùng các đối tượng nghi vấn ở những điểm đen của nạn rải đinh, đồng thời thường xuyên kiểm tra các tiệm sửa xe có dấu hiệu làm ăn gian dối, hét giá.
"Nhìn thấy cơ quan chức năng vào cuộc mạnh mẽ, người dân sẽ có thêm niềm tin để tích cực hỗ trợ kiểm tra và tố giác hành vi rải đinh, vá xe "cắt cổ". Có như vậy mới giảm nạn "đinh tặc" bền vững. Chứ nếu chỉ trông chờ vào đội hút đinh hoài thì không ổn, vì hôm nay hút, ngày mai người ta rải cũng như không", anh Thắng nhận định.
Trí Quang



Hà Nội: Một con đường, trăm nỗi bức xúc


Đó là câu chuyện rắc rối về con đường dân sinh thông ra hồ Ba Mẫu của gần 400 hộ dân thuộc các tổ 23A, 23B, 24, 25, 34 (cụm dân cư số 5, phường Phương Liên, Đống Đa) vừa bị rào lại.
Vấn đề ở chỗ, tại tổ dân phố 23B có 61 hộ dân có hợp đồng mua bán nhà đất với một doanh nghiệp từ cách đây nhiều năm và các hộ dân này cho rằng, quyền lợi của họ chưa được bảo đảm.
Đường nội bộ trong khu 61 hộ dân bị thi công nửa vời, nay vẫn bỏ dở, chưa xong…

Nỗi khổ của dân

Chỉ cho chúng tôi khu nhà tầng cách đường quanh hồ Ba Mẫu chừng 100m - nơi người dân bị rào đường, cụ Ngô Doãn Hiểu (nhà 38, tổ 49, phường Phương Liên) cho biết: "Đấy các anh xem, nhìn thì gần thế thôi, chứ muốn vào phải đi nhờ đường của tổ 49 đấy". Con đường dài chỉ 100m, nhưng đi đến gần cuối thì bị rào lại bằng cửa sắt chặn. Phải đi lòng vòng một lúc qua những ngõ nhỏ (khoảng 2m) vòng vèo hình "vòng thúng", chúng tôi mới vào được khu nhà phía trong cửa sắt. Cần nói rằng, người rào con đường này không có lỗi, vì phần đất dài khoảng 30m cuối con đường dân sinh này thuộc sở hữu của gia đình bà Cả Vàng (phường Phương Liên). Người dân ở đây chẳng ai trách nhà bà Cả Vàng, vì theo họ "tài sản của người ta thì người ta phải giữ chứ". 
 
Vấn đề ở chỗ, cách đây nhiều năm Công ty Xây dựng và Phát triển công trình hạ tầng Hà Nội (theo người dân thì thuộc Tổng công ty Đầu tư và Phát triển hạ tầng Hà Nội - UDIC) xây dựng khu nhà ở Dự án hồ Ba Mẫu bán cho 61 hộ dân thuộc cụm 5, phường Phương Liên hiện nay. Điểm quan trọng là trong các bản vẽ dự án khu nhà mà công ty giao kèm hợp đồng mua bán nhà với các hộ dân đều có con đường dân sinh nói trên. Nhưng thay vì mua đứt phần đất nhà bà Cả Vàng để làm đường cho 61 hộ dân thuộc dự án, Công ty Xây dựng và Phát triển công trình hạ tầng Hà Nội đã thuê lại phần đất này và trông chờ khi TP triển khai lại Dự án hồ Ba Mẫu sẽ làm thay mình." - Trước đây họ thuê 5 triệu đồng/tháng, sau này tăng lên 15 triệu đồng/tháng, nhưng hết năm 2011, họ không thuê nữa nên nhà bà Cả Vàng đã rào lại. Bán nhà mà không có đường đi thì chẳng khác nào lừa chúng tôi. Ngoài ra, nhiều đoạn đường nội bộ, vỉa hè trong khu họ (chủ đầu tư) đang thi công, nay dừng lại bỏ đó, dở dang, ngổn ngang vật liệu khiến người dân chúng tôi đi lại càng thêm khổ..." -  bà Lê Thị Tạo, Tổ phó Tổ 23B, phường Phương Liên bức xúc.

Ai là người có trách nhiệm?

Trong đơn kêu cứu gửi cơ quan báo chí, đại diện của 61 hộ dân tổ dân phố 23B cho biết, nhiều năm nay, cả ngàn người vẫn qua lại con đường này hết sức thuận tiện, nay tự dưng con đường bị bịt lại, khiến ai cũng lo lắng. Điều mọi người lo nhất là trong trường hợp nếu không may xảy ra hỏa hoạn hay người nào đó phải đi cấp cứu, thì xe cứu hỏa, xe cứu thương không có đường vào trong khu và hậu quả xảy ra khó có thể lường trước.

Cầm một tập hồ sơ dày trong tay, bà Lê Thị Tạo, Tổ phó Tổ 23B cho biết: - Nhìn thấy khu công viên hồ Ba Mẫu được đầu tư xây dựng, người dân ở đây mừng lắm. Nhưng niềm vui chưa thấy đâu thì nỗi buồn vì con đường bị rào đã ập đến". Bà Tạo là người đã được người dân trong tổ tin tưởng giao nhiệm vụ tập hợp hồ sơ, làm đơn kiến nghị các cơ quan chức năng giải quyết vụ việc. Nhưng theo bà, mặc dù đã cố gắng nhiều tháng nay, gửi đơn, thư đến nhiều nơi, nhưng mọi việc vẫn rơi vào bế tắc. Trong khi đó họ không sao gặp lại được chủ đầu tư…

Qua điện thoại chúng tôi đã liên hệ được với ông Nguyễn Minh Quang, Bí thư Đảng ủy, Ủy viên HĐQT, TGĐ Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC). Thật bất ngờ, ông Nguyễn Minh Quang đã khẳng định, đơn vị hợp đồng bán nhà cho 61 hộ dân không phải là công ty con trực thuộc UDIC (!?). Ông cũng đề nghị chúng tôi làm mạnh tay, đưa đơn vị nào đã gây ra rắc rối nói trên phơi bày lên công luận.

Vậy nếu không phải UDIC, thì ai chịu trách nhiệm trong việc này!? Trong khi đó, những người dân nơi đây thì lại quả quyết: "- Đúng là công ty con này thuộc UDIC. Nhưng khi tìm những người có trách nhiệm của công ty, thì họ lại bảo ký hợp đồng trước là do đời giám đốc cũ, bây giờ công ty đã cổ phần rồi, lại gặp khó khăn về kinh tế, nên chưa thể giải quyết yêu cầu của bà con...". Phóng viên cũng đã cố gắng đi tìm những người có trách nhiệm của Công ty XD và phát triển công trình hạ tầng Hà Nội, nhưng cũng không ai đứng ra để trả lời vấn đề này.

Giải pháp nào cho con đường "đau khổ"?

Chuyện rắc rối về con đường nói trên, theo lời người dân, còn là hệ lụy của việc điều chỉnh quy hoạch hồ Ba Mẫu. Trong quy hoạch ban đầu của 20 năm trước, con đường này nằm trong dự án. Nếu làm theo quy hoạch cũ, TP sẽ thu hồi đất, GPMB nhà bà Cả Vàng để làm con đường thông ra hồ cho các hộ dân thuộc cụm 5, phường Phương Liên, trong đó có 61 hộ dân nói trên. Nhưng sau khi dự án bị đình trệ kéo dài (chủ yếu do vướng về GPMB), TP đã cho điều chỉnh quy hoạch. Sau điều chỉnh, diện tích cần phải GPMB bị thu hẹp lại và con đường đi qua phần đất của nhà bà Cả Vàng không còn nằm trong quy hoạch mới nữa...

Gặp Ban QLDA hồ Ba Mẫu, ông Bùi Ngọc Hòa (Phó Giám đốc Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị - Sở XD) giải thích: Trong quy hoạch ban đầu của Dự án hồ Ba Mẫu không hề có con đường nói trên. Trước đây, khi xây dựng nhà để bán chủ đầu tư (Công ty Xây dựng và Phát triển công trình hạ tầng Hà Nội - PV) đã sử dụng con đường này để vận chuyển vật liệu, phế thải nên có thời gian phải thuê lại một phần đất của nhà bà Cả Vàng. Khi bán xong nhà họ không thuê đất nữa, thì nhà bà Cả Vàng cho rào chắn lại nên bây giờ không có đường cho ô tô vào. Người dân trong khu vực này hiện vẫn có đường đi, nhưng phải đi lòng vòng theo những ngõ ngách hẹp...
 
Tuy nhiên, cũng theo ông Hòa, trong quy hoạch tổng thể mới (đã được phê duyệt) của thành phố, Dự án hồ Ba Mẫu có tuyến đường số 6 (dài khoảng 70m, rộng 5,5m cộng 1m vỉa hè, nằm giáp phía nam phường Trung Phụng và phía đông bắc phường Phương Liên) dẫn từ đường ven hồ vào trong khu của 61 hộ dân nói trên. Con đường này sẽ có đầy đủ hệ thống thoát nước, chiếu sáng, cây xanh. Theo kế hoạch, việc GPMB sẽ cố gắng được hoàn tất trong quý II-2012 và sau khi có mặt bằng thì con đường sẽ được ưu tiên thi công trước để sớm giải tỏa nỗi bức xúc cho người dân...

Còn ông Trương Đình Đức, Trưởng ban GPMB quận Đống Đa thì khẳng định, khi quy hoạch tổng thể Dự án hồ Ba Mẫu có nghiên cứu hệ thống giao thông cho toàn khu dân cư của hai phường Trung Phụng và Phương Liên, trong đó có đường vào khu của 61 hộ dân. Tuyến đường số 6 chắc chắn có trong quy hoạch tổng thể và đã được niêm yết công khai cho người dân tại hai phường Phương Liên và Trung Phụng. Việc con đường sẽ được thi công và hoàn thành sớm hay muộn hiện đang phụ thuộc rất nhiều vào công tác GPMB, cũng như sự ủng hộ, hợp tác của người dân trong việc đẩy nhanh tiến độ GPMB của Dự án hồ Ba Mẫu.
 
Song, ở góc độ người mua nhà, ông Trương Đình Đức cho rằng, bên chủ đầu tư xây dựng nhà cần phải có trách nhiệm với người sử dụng, bởi khi bán nhà thì phải kèm theo hạ tầng và phải có đường đi. Trong trường hợp cụ thể trên, ông Đức cho rằng, Công ty Xây dựng và Phát triển công trình hạ tầng Hà Nội nên tiếp tục tạm thời thuê đất của nhà bà Cả Vàng, trong khi chờ đợi con đường mới (tuyến đường số 6) được hoàn thành và đưa vào sử dụng...
Theo Hà Nội Mới

Đồng đơn tố cáo và yêu cầu Quốc hội lên tiếng về việc công an lạm quyền đánh chết dân


Người nhà chúng tôi không thể sống lại, trở về cùng gia đình nhưng chúng tôi nói riêng và xã hội Việt Nam nói chung cần có những bản án đúng lương tâm, một mức án và một tội danh đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Có như vậy tội ác mới thôi hoành hành, không còn kẻ đầu bạc tiễn người đầu xanh, cảnh những người mẹ khóc con, vợ khóc chồng, con khóc cha bởi cái chết của người thân do bàn tay của những người mà đúng ra trách nhiệm là bảo vệ luật pháp và bảo vệ công dân.

Vấn đề nan giải công an đánh dân giống như một căn bệnh dịch có sức lây truyền và lan tỏa nếu như không có phương pháp cứu chữa kịp thời nó sẽ trở thành một ổ dịch lớn. Tội ác đó chỉ có thể chấm dứt khi sự thật được làm sáng tỏ, công lý được thực thi... - Nguyễn Quang Phục, Trịnh Kim Tiến, Nguyễn Thị Thanh Tuyền.

*
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập-Tự do-Hạnh phúc

**************

ĐƠN TỐ CÁO VÀ YÊU CẦU

(V/v: Quốc hội lên tiếng về việc công an lạm quyền đánh chết dân, công lý chưa được thực thi đầy đủ, pháp luật chưa công minh) 

Kính gửi: 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam

Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam - ông Nguyễn Sinh Hùng

Các Đại biểu Quốc hội: 
- Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội: Ông Phạm Quang Nghị
- Quận Hoàng Mai, Hà Nội: Ông Nguyễn Hồng Sơn
- Huyện Bến Cát, Bình Dương: Ông Lê Thành Nhơn 

Chúng tôi là thân nhân của những nạn nhân bị công an Việt Nam đánh chết. Gồm:

Nguyễn Quang Phục – Sinh năm: 1949
Trú tại: số nhà 11, hẻm 254/101/3, tổ 5, phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội
Số điện thoại: 01653687846

- Trịnh Kim Tiến – sinh năm: 1990
Trú tại: 525 Trần Khát Chân, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Số điện thoại:0947526256

- Nguyễn Thị Thanh Tuyền – sinh năm: 1981
Trú tại: Thôn Phước An, xã Đức Hòa, huyện Mộ Đức, Tỉnh Quảng Ngãi
Số điện thoại: 0908796116

Chúng tôi đồng gửi đơn này khẩn thiết đề nghị Quốc hội lên tiếng về tình trạng công an ngày càng lạm dụng chức vụ, nghề nghiệp gây ra những cái chết oan khuất cho người dân; sự thật bị bao che, lấp liếm; công lý và pháp luật không được thực thi đầy đủ và trọn vẹn.

Đau đớn trước những cái chết oan ức, tức tưởi của người thân, chúng tôi càng đau xót hơn khi sự thật bị che giấu, công lý bị chà đạp bởi những người thực thi pháp luật và tình trạng công an đánh chết người vẫn liên tục tiếp diễn mà không được giải quyết trọn vẹn.

Việc cụ thể như sau:

1. Tôi là Nguyễn Quang Phục, sinh năm 1949, trú tại Mai Động, Hoàng Mai, Hà Nội. Ngày 21/01/2010, con tôi là Nguyễn Quốc Bảo, sinh năm 1978 bị công an quận Hai Bà Trưng tạm giữ một cách không rõ ràng và ngày 22/01/2010 tôi được báo tin xác con tôi đã được công an quận Hai Bà Trưng đưa đến bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội. 


Bảo là một người con có hiếu với cha mẹ, xưa nay không hề có tiền án, tiền sự nào, là một thanh niên đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, có một vợ và con trai nhỏ.

Lúc bị giữ, Bảo đang trên đường đi mua đồ chơi cho con của Bảo. Công an quận Hai Bà Trưng đã bắt ép đưa Bảo về đội Hình sự quận với lý do tạm giữ hành chính. Nhưng lý do tạm giữ hành chính là gì lại không nhất quán rõ ràng. Theo kết quả điều tra của VKSNDTC, sáng ngày 21/ 01/2010, công an quận Hai Bà Trưng nhận được đơn của ông Vũ Văn Hoạt nào đó, mà không ai biết đó là ai, trình báo về việc con trai tôi đi xe máy theo sát ô tô của ông ta với biểu hiện nghi vấn từ sáng nên yêu cầu được bảo vệ. Nhưng thời điểm đó, Bảo không đi ngoài đường mà đang nghỉ tại khách sạn Thành Đô (Đền Lừ). Công an quận Hai Bà Trưng nói họ đã theo dõi Bảo từ sau khi nhận được đơn của ông Hoạt cho đến lúc bắt nhốt Bảo.

Mâu thuẫn là ở chỗ kết luận lại nói con trai tôi bị tạm giữ vì lý do không đội mũ bảo hiểm, trong cốp có vũ khí thô sơ và không có giấy tờ tùy thân. Nhưng nếu con tôi không đội mũ thì tại sao họ không bắt con tôi luôn từ sáng trong khoảng thời gian họ theo dõi con tôi mà phải đợi đến chiều? Vũ khí thô sơ mà họ nói chỉ là một con dao gọt hoa quả cùng với cái kéo chỉ là hai đồ gia dụng bình thường mà ai cũng có thể mang đi, đó không phải là vũ khí thô sơ. Còn nếu không có giấy tờ tùy thân thì tại sao đang trong quá trình điều tra, công an thành phố Hà Nội lại có chứng minh nhân dân của Bảo để trả lại cho gia đình tôi? Việc trả lại giấy tờ là một điều kì lạ và sai quy trình điều tra.

Kết luận của cơ quan pháp y Quân đội có cho kết quả khám nghiệm HIV và độc tính trong cơ thể của con tôi là âm tính, vậy mà họ nói con trai tôi sử dụng ma túy.

Nguyên nhân trực tiếp gây tử vong cho Bảo là chấn thương sọ não mức độ nặng, do tác động của vật tày có giới hạn gây vỡ nền sọ ở hố sau sọ phải. Trên thân thể vô số thương tích do vật tày có giới hạn là vật cứng gây ra.

Không ai tự đánh mình đến chết! Vậy mà cơ quan điều tra kết luận con trai tôi tự thương, tự gây ra thương tích cho mình mà chết.


2. Tôi là Trịnh Kim Tiến, sinh năm 1990, trú tại 525 Trần Khát Chân, Hà Nội, là con gái của nạn nhân Trịnh Xuân Tùng, sinh năm 1958, người bị Trung tá công an Nguyễn Văn Ninh, nguyên phó Công an cùng dân phòng phường Thịnh Liệt đánh vào ngày 28/02/2011 và tử vong vào ngày 8/3/2011. 

Bản án 4 năm tù giam về tội "làm chết người trong khi thi hành công vụ", không xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự của công an trực ban và dân phòng phường Thịnh Liệt, những đồng phạm gây ra cái chết oan của bố tôi trong phiên Tòa ngày 13/01/2012 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội; chúng tôi cho rằng là chưa đúng pháp luật, chưa khách quan, bỏ lọt tội phạm, gây bức xúc cho gia đình tôi.

Ngày 28/02/2011, bố tôi bị giam giữ trái pháp luật gần 6 tiếng đồng hồ tại đồn công an phường Thịnh Liệt. Sau khi bị đánh đập dã man, trong tình trạng hết sức nguy hiểm, liệt hết tay chân và đau đớn, họ đã không cho bố tôi đi cấp cứu. Bố tôi bị còng tay, đưa lên xe đồn và mang về phường. Các cán bộ trực ban Công an phường Thịnh Liệt đã thiếu trách nhiệm, bỏ mặc, giam giữ bố tôi suốt 6 tiếng tại trụ sở mà không kiểm tra sức khỏe của bố tôi dẫn đến bố tôi không được cấp cứu kịp thời và đã tử vong. Họ đã cản trở việc cứu chữa kịp thời của bố tôi, không cho gia đình tôi được tiếp xúc chăm sóc và cho bố tôi ăn uống, thậm chí họ còn còng tay bố tôi đến tận phòng cấp cứu của bệnh viện Bạch Mai.


Chỉ vì một sự việc không đáng, một lỗi vi phạm giao thông nhỏ, không đội mũ bảo hiểm mà bố tôi bị đánh chết một cách oan ức. Bản án cho rằng người bị hại là bố tôi có lỗi, có hành vi chống người thi hành công vụ là không có cơ sở.

Lời khai của nhân chứng có mặt trực tiếp tại đó khẳng định bố tôi hoàn toàn không đánh bị cáo mà chỉ có lời nói nóng nảy. Trong khi đó, các nhân chứng khách quan là những người xe ôm, người bán hàng và người có nhà ở gần đó thì không được phép có mặt tại Tòa án để được thẩm vấn công khai, khách quan tại phiên tòa mà Tòa án chỉ đọc lời khai có trong hồ sơ vụ án. Như vậy, không đủ cơ sở khẳng định các lời khai của các nhân chứng này có khách quan không, có bị ép cung hay mớm cung không. 

Tội danh mà Tòa án xét xử bị cáo là chưa đúng với hành vi tội phạm đặc biệt nghiêm trọng của bị cáo Ninh. Đồng thời việc không xem xét đến trách nhiệm của những người liên quan đã bỏ lọt tội phạm.


3. Tôi là Nguyễn Thị Thanh Tuyền, sinh năm 1981, trú tại Thôn phước an, Xã Đức Hòa, Huyện Mộ Đức, Tỉnh Quảng Ngãi.

Chồng tôi là Nguyễn Công Nhựt, sinh năm 1981 đã chết một cách bí ẩn tại trụ sở công an huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương, ngày 25/04/2011.

Tôi khẳng định chồng tôi bị tra tấn, nhục hình, đánh đến chết. Chồng tôi không tự tử như lời ông Nguyễn Tấn Đức, Chánh văn phòng VKSND tỉnh Bình Dương trả lời trên báo Người lao động.

Anh Nhựt không thể tự nguyện ở lại đồn công an rồi tử tự chết trong khi anh có một gia đình hạnh phúc. Trong khi anh không hề phạm tội mà lại là người đi tố giác tội phạm.

Chồng tôi làm việc cho công ty Kumho, một công ty chuyên sản xuất lốp xe của Hàn Quốc. Phát giác được có sự ăn chặn, trộm cắp diễn ra, mức hao hụt thành phẩm do phần mềm bị lỗi, nghi ngờ những người ăn trộm 56 lốp xe trong đêm ngày 21/08/2010, anh đã báo cho ông Chi Kyu Sik, ông Kim Tae Song… nhưng các vị lãnh đạo công ty Hàn Quốc này đều làm ngơ. Sau đó chính họ đã giao nộp anh Nhựt cho công an Bình Dương trong giờ làm việc mà không báo cho gia đình tôi biết. Cũng trong ngày họ đã tuyển dụng gấp thay thế vị trí của anh Nhựt.

Lúc đầu công an Bình Dương trả lời là anh sợ tội nên quẫn trí tự tử chết? Sau đó lại trả lời anh có công tố giác tội phạm và sợ bi trả thù nên không dám về nhà và đã xin ở lại đồn công an rồi tự tử.


Điều đáng buồn cười nhất, tôi xin được nói là buồn cười, cười trong dòng nước mắt đau thương, một điều hết sức phi lý, chồng tôi chết bởi một sợi dây sạc pin điện thoại. Chồng tôi tự tử bằng một sợi dây sạc pin điện thoại - đó là phát ngôn đầu tiên của công an Bình Dương. Sau đó, đối diện với dư luận phẫn nộ thì công an Bình Dương trả lời rằng "Nhựt thắt cổ bằng dây cáp điện thoại bàn". Câu trả lời của công an Bình Dương: "Thắt cổ dưới hình thức treo cổ". Vô lý trong một đồn công an hàng bao nhiêu con người ra vào lại để một người đàn ông nặng 65kg cao 1m78 "thắt cổ dưới hình thức treo cổ" dễ dàng đến vậy. Người ta biết rõ anh chuẩn bị tự tử hay sao mà còn chuẩn bị cho anh giấy bút để viết lại bức thư tuyệt mệnh ca ngợi những điều tra viên là những người tuyệt vời nhất. Nét chữ đó không phải nét chữ của anh Nhựt, ngôn ngữ viết không phải do anh viết. Nhưng cơ quan điều tra công an tỉnh Bình Dương đã giám định và đưa ra kết luận là do anh viết. Cơ quan pháp y của cơ quan công an Bình Dương kết luận là anh tự tử. VKSND Tối cao gần một năm qua chưa thông báo cho gia đình tôi về kết quả điều tra.

Một lần nữa tôi xin khẳng định chồng tôi không tự tử.

*

Tất cả chúng tôi đều nhận thấy những cái chết oan khuất như thế vẫn đã và đang diễn ra trong nhiều năm nay:

- 20/11/2009: Anh Nguyễn Mạnh Hùng (33 tuổi) đã qua đời tại phòng tạm giam công an quận Hà Đông, Hà Nội. Chiều 10/11/2009, có hai người tự xưng là công an quận Hà Đông đến nhà, nói đưa Hùng đi có chút việc. Ngày 21/11/2009, gia đình Hùng nhận được tin báo từ công an Hà Đông rằng Hùng đã chết. Hùng vốn khỏe mạnh, nặng 55kg, không có tiền sử bệnh tật. Ông Nguyễn Xuân Bình (70 tuổi), bố của Hùng đau đớn gấp ngàn lần hơn khi kinh hoàng trông thấy xác con: " Toàn bộ thân thể khô đét lại, 10 đầu ngón tay chân bầm tím…từ 1/3 đùi trở xuống đến bàn chân phù nề và thâm tím". Ông gửi đơn thư đi nhiều nơi mong nhận được trả lời thỏa đáng về nguyên nhân tử vong trong khi bị giam giữ của đứa con trai duy nhất. Phía công an Hà Đông cho rằng "không có chuyện dùng nhục hình, bức cung hay đánh đập can phạm", nhưng lại từ chối giải thích vì sao lại có những dấu vết "lạ" trên cơ thể anh Hùng, dù họ khẳng định lúc bị bắt những vết thâm tím này không hề có. Vụ việc này đến nay vẫn chưa có câu trả lời. 


- 7/5/2010: Anh Võ Văn Khánh (SN 1981, ngụ Đại An, Đại Lộc, Quảng Nam) bị chết trong đồn công an. Kết luận của công an là "tự tử bằng dây buộc giày". Theo thông báo của tổ pháp y với gia đình, xương sườn anh Khánh bị đứt là do vết mổ cũ, còn bên trái xương sườn có vét bầm đen là do quá trình sơ cấp cứu.

Ngoài ra, khi phẫu thuật phía dưới vai trái anh Khánh, tổ pháp y cũng phát hiện có máu bầm tím. 8-5, công an huyện Điện Bàn đưa xác anh Khánh về cho gia đình ở Điện An kèm theo một phong bì 10 triệu đồng. 

Cho đến nay vẫn không có tin tức gì thêm về vụ việc này. 


- 25/5/2010: Em Lê Xuân Dũng (12 tuổi, vừa học xong lớp 6, Trường THCS Tĩnh Hải), anhLê Hữu Nam (43 tuổi, trú tại thôn Trung Sơn) bị công an bắn chết khi người dân xã Tĩnh Hải tập trung tại khu vực thi công san lấp mặt bằng dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn ngăn cản không cho các thiết bị máy móc, xe ôtô chở đất đá hoạt động. Đến nay vụ việc này đã bị cho chìm xuồng. 


- 29/6/2010: anh Vũ Văn Hiền (40 tuổi) tử vong trong tay công an. Theo lời công an nói với bác sĩ, nạn nhân phải đi cấp cứu do "tự lao đầu vào tường". Người giám sát việc mổ tử thi cho hay, nạn nhân bị đa chấn thương rất nặng: Đỉnh đầu có hai vết tụ máu, vỡ xương hàm trái, thái dương trái bị rạn xương sọ, phổi tụ máu, gãy 4 chiếc xương sườn, gẫy cẳng xương tay trái.

Ngày 1.12, cơ quan điều tra, viện KSND tối cao đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Hạ Kim Quý, trung tá công an, nguyên đội trưởng đội quản giáo, công an huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên về hành vi "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Các can phạm Lê Văn Hiếu, Nguyễn Quý Thương trong đó Lê Văn Hiếu đã nhiều lần đánh anh Vũ Văn Hiền khiến Hiền bị đa chấn thương, xuất huyết não, nhồi máu phổi bị tạm giam. Không có thêm tin tức gì về vụ việc này và kết quả khởi tố. 


- 23/7/2010 : Anh Nguyễn Văn Khương, sinh năm 1989, quê thôn Như Thiết, xãHồng Thái, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang bị tử thương do không đội mũ bảo hiểm. 

Chiều 4/8/2010, Viện khoa học hình sự kết luận nguyên nhân cái chết của anh Khương được xác định là do não bị tụ máu dưới màng mềm được hình thành do có ngoại lực lớn tác động trực tiếp. 

Liên quan đến vụ án này đã có quyết định tạm đình chỉ công tác 4 cán bộ công an huyện Tân Yên là: Ngô Văn Đỗ, Hoàng Văn Thái, Nguyễn Thế Nghiệp và Diêm Đăng Quyết để điều tra vụ việc.

Kết quả cuối cùng Nguyễn Thế Nghiệp nhận án 7 năm tù giam về tội "Làm chết người trong khi thi hành công vụ" sau khi nhân dân Bắc Giang bức xúc mang thi thể anh Khương lên UBND Bắc Giang.


- 8/8/2010: Anh Trần Duy Hải (32 tuổi, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP CầnThơ) chết trong đồn công an huyện Châu Thành A, Hậu Giang. Theo lời của công an thì anh Hải đã "dùng áo sơ-mi dài tay treo cổ trên khung cửa sổ buồng tạm giam để tự sát". 


- 9/9/2010: Ông Trần Ngọc Đường (52 tuổi, ngụ ấp Trung Tâm, xã Thanh Bình) đã chết sau khi làm việc với công an xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom - Đồng Nai. Công an nói ông Đường chết "do treo cổ", nhưng người nhà ông Đường cho rằng chuyện đó khó có thể xảy ra vì ông chết trong tư thế ngồi co, hai tay chống vào tường nhà, cách đó 2 m là chiếc mũ, điếu cày và quần tây của ông được xếp ngăn nắp. "Chết trong tư thế ngồi thì làm sao gọi là thắt cổ được. Qua quan sát bằng mắt thường, tôi không thấy dấu hiệu cha tôi chết do treo cổ". Vụ việc này đã bị chìm xuồng. 


- 6/3/2011: Anh Nguyễn Lập Phương (sinh 1965, ở thôn 3, xã Thiên Hương, Thủy Nguyên, Hải Phòng) sau 4 ngày bị giam giữ đã được đưa từ đồn công an huyện Thủy Nguyên đến bệnh viện và tử vong. Thượng tá Võ Xuân Trọng, phó Trưởng Công an huyện Thuỷ Nguyên cho biết: Do thấy đối tượng Nguyễn Lập Phương có dấu hiệu bất thường về sức khoẻ nên cho đi cấp cứu, lên viện thì chết. Kết quả giám định ban đầu cho thấy nạn nhân chết vì bệnh tim. Anh Nguyễn Trung Trực (SN 1983), em trai anh Nguyễn Lập Phương cùng người nhà có mặt tại nhà xác BV Thuỷ Nguyên, chứng kiến thi thể anh Phương có nhiều vết bầm tím trên 2 tay, dọc hai bên sườn, chân, cằm và ngực bầm tím, hai mi mắt và hai bên tai có vết rách khoảng 2 cm. 


- 30/3/2011: Ông Trần Văn Dữ (44 tuổi, ngụ tại ấp 3, thị trấn Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) bị vỡ gan và lách gây tụ máu bầm trong ổ bụng dẫn đến tử vong sau khi bị công an bắt. Ông được người dân phát hiện nằm chết ở gần đồn công an sau đó. Hung thủ là Thượng úy Võ Văn Út Đèo, Phó trưởng công an thị trấn Ngã Năm, huyện Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng), Thượng sĩ Danh Nhãn và trung sĩ Trần Văn Khải, công an thị trấn Ngã Năm. 

Tháng 9/2011, báo Dân Trí đưa tin: Truy tố 3 công an đánh người tử vong. 

Theo Viện KSND tỉnh Sóc Trăng, trong vụ án này, Thượng úy Đèo đã thiếu trách nhiệm, để cho cấp dưới đánh ông Dữ khiến ông này bị chấn thương nặng; thậm chí khi ông Dữ bị lâm nguy lại ra lệnh cho thuộc cấp mang ra bỏ ngoài khuôn viên đơn vị cho đến chết. Hành vi này trái với đạo đức nghề nghiệp nên Đèo cũng là đồng phạm với Nhãn, Khải và Thắng. 

Không có thêm tin tức gì về vụ án này. 


- 8/8/2011: anh Trần Gòn (27 tuổi, thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) bị công an đánh trọng thương, phải cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Ninh Thuận vào ngày 8/8 và chết tại bệnh viện tối cùng ngày. 

Khi đến trụ sở CA phường Mỹ Hải, anh Trần Gòn vẫn bình thường, không bị thương tích. Nhưng đến khoảng 14 giờ cùng ngày, anh được đưa từ Công an P.Mỹ Hải đi cấp cứu với nhiều vết thương và tử vong tại bệnh viện.

Hung thủ là thượng sĩ công an Lê Khắc Sáu bị tạm giam 2 tháng để phục vụ điều tra vì bị nghi đánh người tử vong. 

Chiều 14-8, thiếu tướng Huỳnh Thế Kỳ - giám đốc Công an Ninh Thuận - cho biết vừa ra quyết định khởi tố vụ án cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với thượng sĩ Lê Khắc Sáu. Không có thêm thông tin về vụ này. 


- 19/02/2012: gia đình anh Hoàng Gia Đạt Phước, ngụ phường Long Thạnh Mỹ, quận 9- thành phố Hồ Chí Minh, nhận được tin từ công an phường, yêu cầu đến công an quận 9 để làm việc. Tại đây gia đình anh Phước bất ngờ và đau đớn nhận được tin anh đã tử vong. Trước đó cuối tháng 12-2011, Phước đã mua chiếc xe máy không rõ nguồn gốc của 1 đối tượng tại tiệm sửa xe của mình trên đường số 1, phường Long Thạnh Mỹ và bán lại để kiếm lời. Do chiếc xe này liên quan đến vụ mất cắp nên Phước đã bị công an tạm giữ để điều tra làm rõ hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Gia đình anh khẳng định từ trước đến nay anh vẫn mạnh khỏe không có bệnh tình gì đáng kể. Theo những người hàng xóm Phước rất hiền và chưa từng vi phạm pháp luật. Sự việc rồi cũng im lặng. 


- Mới đây nhất, ngày 29/02, ông Nguyễn Hữu Năm, sinh năm 1957 nguy kịch sau khi chịu 6 phát súng của viên Trưởng công an xã Long Hà, Bình Phước.

Trước khi bị bắn, ông Năm đang xem tivi với cháu nội. Chỉ vì ông đứng dậy can ngăn công an khi một người khách không liên quan đến việc đánh bài bị mời vào làm việc mà ông đã bị tên Cao Đình Sâm, Trưởng công an xã Long Hà dùng chân đạp ngã, rút súng ngắn và từ khoảng cách một mét bắn liên tiếp vào cổ và vai ông và sau đó còn tiếp tục lao đến đánh vào đầu ông Năm rồi còng tay bắt ông này về trụ sở công an xã.

Trưởng công an xã này và các công an viên nồng nặc mùi rượu, trước đó họ ăn thịt chó và uống rượu tại quán kế bên quán ông Năm - theo lời của nhiều nhân chứng.

Sự việc đến nay không có thêm thông tin.


Đó chỉ là một số trường hợp bị chết dưới bàn tay của công an hay liên quan đến công an trong 3 năm trở lại đây. Và sẽ có rất nhiều những trường hợp khác nữa nếu như tình trạng công an đánh chết người dân không được ngăn chặn kịp thời.

Tình trạng trên tiếp diễn liên tục đã làm cho hình ảnh của lực lượng công an ngày càng tồi tệ trong mắt nhân dân, những bản án, kết luận điều tra không công khai minh bạch, thiếu công bằng đã làm giảm sút nghiêm trọng niềm tin của người dân vào pháp luật và chính quyền.

Chúng tôi cho rằng những việc làm, hành động đó của công an vi phạm nghiêm trọng phẩm chất đạo đức, phẩm chất nghề nghiệp mà ngành công an thường tuyên bố - là những người thực thi pháp luật, hiểu biết luật pháp.

Sự bao che lấp liếm, dung túng cái ác đang được diễn ra một cách công khai, công lý đang bị chà đạp.

Người nhà chúng tôi không thể sống lại, trở về cùng gia đình nhưng chúng tôi nói riêng và xã hội Việt Nam nói chung cần có những bản án đúng lương tâm, một mức án và một tội danh đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Có như vậy tội ác mới thôi hoành hành, không còn kẻ đầu bạc tiễn người đầu xanh, cảnh những người mẹ khóc con, vợ khóc chồng, con khóc cha bởi cái chết của người thân do bàn tay của những người mà đúng ra trách nhiệm là bảo vệ luật pháp và bảo vệ công dân.

Vấn đề nan giải công an đánh dân giống như một căn bệnh dịch có sức lây truyền và lan tỏa nếu như không có phương pháp cứu chữa kịp thời nó sẽ trở thành một ổ dịch lớn. Tội ác đó chỉ có thể chấm dứt khi sự thật được làm sáng tỏ, công lý được thực thi.

Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp, Quốc hội được xem như tiếng nói của người dân. Chúng tôi gửi đơn tố cáo và yêu cầu này đến Văn phòng Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam với đề nghị Quốc hội phải lên tiếng về vấn nạn công an lạm dụng quyền lực gây ra những cái chết tang thương cho dân lành. Tình trạng trên cần được ngăn chặn ngay lập tức. Công lý phải được thực thi đầy đủ và trọn vẹn để những tiếng nấc uất nghẹn được an nghỉ nơi chín suối.


Việt Nam, ngày 19 tháng 03 năm 2012

Đồng kính đơn

Nguyễn Quang Phục
Trịnh Kim Tiến
Nguyễn Thị Thanh Tuyền