Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người
Đông đảo cộng tác viên của Vinamost đang sẵn sàng cho mùa Noel
(TNO) Cùng với các dịch vụ đã có từ lâu, dịch vụ cho "thuê" người yêu tiếp tục gây được sự chú ý đối với những người độc thân trong mùa Noel 2010. Thế nhưng, vấn đề tồn tại của loại hình "dịch vụ" đặc biệt này cũng còn là điều gây tranh cãi...
Nhiều khách, nhiều dịch vụ
Theo ông Phạm Xuân Huy, Phó giám đốc công ty Cổ phần Vinamost - đơn vị đầu tiên cung cấp dịch vụ cho "thuê" người yêu tại VN, năm nay khách hàng ngoài việc "hẹn hò" đón đêm Noel cùng các cộng tác viên (CTV) của Vinamost, còn có thêm sự lựa chọn: đi chơi cùng CTV kèm vé tham dự Party Noel tại Nghi Tàm Garden hoặc 2 buổi Cafe @ và 1 vé tham dự Party Noel.
Chỉ tính riêng khu vực Hà Nội, Vinamost đã có gần 100 khách hàng đăng ký "thuê" người yêu đi chơi... Noel. Trước nhu cầu tăng cao, công ty đã chuẩn bị gần 200 CTV sẵn sàng cho những buổi "hẹn hò".
Còn tại chi nhánh TP.HCM (mới khai trương ngày 14.12) đã có hàng chục khách hàng tới hỏi "thuê" người yêu đi chơi dịp Noel.
Trong khi đó, Công ty Cổ phần VinaEscort (phố Tô Hiệu, quận Cầu Giấy, Hà Nội) có dịch vụ Cafe @: cho thuê người đóng vai người yêu, bạn gái, bạn trai cùng đi dự tiệc, hội họp và dịch vụ "hợp đồng hôn nhân": dẫn "người yêu" về ra mắt bố mẹ…
Điều khoản giữa khách hàng và "người yêu" vẫn được đảm bảo chặt chẽ bằng hợp
Hợp đồng quy định rất rõ, khách hàng không được xâm hại đến cơ thể, tinh thần, ép buộc cộng tác viên uống rượu, chất kích thích, hay cầm tay, ôm hôn.
đồng cụ thể.
Các CTV thực hiện công việc "hẹn hò" đều phải đảm bảo các tiêu chuẩn nhất định như: có ngoại hình đẹp, biết giao tiếp, có trình độ học vấn tốt và ưu tiên biết ngoại ngữ…
Mức phí thuê "người yêu" đi chơi Noel là không... "mềm" : 1 triệu đồng đối với khách hàng là giới doanh nhân, văn phòng, còn sinh viên là 700 ngàn đồng cho thời gian "hẹn hò" từ 4 - 5 tiếng. Các chương trình có dự party lên đến 2 hoặc 3 triệu đồng.
Thời gian "thuê" kéo dài từ cuối giờ chiều và kết thúc trước 21 giờ 30 phút do vấn đề kiểm soát an ninh cho "người yêu" sau thời gian này là khá vất vả và khó khăn.
Tình thật nảy nở từ "tình giả"
Đây là một hiện tượng mới của xã hội đang đặt ra nhiều vấn đề từ hai phía: nên hay không nên có "dịch vụ đặc biệt" này?
Từ những bản "hợp đồng" này, đã có những mối quan hệ, những mối tình thật nảy nở.
Vốn là sinh viên năm cuối của trường Đại học Hà Nội, chưa có người yêu và có ngoại hình khá, lại biết ngoại ngữ, cô sinh viên Nguyễn Thanh Ngân đã tham gia làm CTV ở Vinamost với một mục đích rất "sinh viên" là kiếm thêm thu nhập vào dịp cuối năm.
Nhưng khi vào làm, Ngân nhận thấy công việc rất lạ này còn cho cô thêm nhiều điều thú vị". "Không chỉ có thêm thu nhập mà mình có thêm nhiều mối quan hệ với các giới khác nhau, một vài anh đã trở thành những người bạn thân của
"Giống như bất cứ những lĩnh vực khác, những câu chuyện liên quan đến tình yêu bao giờ cũng có hai mặt, cả những ánh sáng lung linh huyền ảo và cả những góc khuất mà nhiều người chưa nghĩ đến" - diễn đàn eva.vn
mình. Hơn nữa, mình đã tìm được nửa kia của mình trong chính hợp đồng "yêu" trước đây", Ngân chia sẻ.
Còn anh Nguyễn Ngọc Cường (ngụ tại Q.Đống Đa, Hà Nội), một người từng có hợp đồng thuê "người yêu" lại cho biết: "Thực sự lúc đó mình cũng chỉ nghĩ là đưa cô "người yêu" về quê để các cụ đỡ phiền lòng do tuổi mình đã ngoài 30. Nhưng sau đó, những gì cô ấy đã thể hiện làm mình thực sự bị khuất phục và đã làm theo những gì con tim mách bảo".
Hợp đồng đã hết từ lâu, nhưng Cường và "người yêu" giả này đã trở thành hai nửa không thể thiếu của nhau.
Trong khi đó, trên nhiều trang diễn đàn, dân cư mạng lại bày tỏ nhiều ý kiến trái ngược về vấn đề này. Trên diễn đàn eva.vn, nick Mua_he_xanh_pl bày tỏ: "Sợ nhỉ. Lại còn có dịch vụ thuê người yêu à?". Còn nickname thuykieu thì cho rằng: "Ở VN đây là chuyện mới chứ ở nước ngoài có từ lâu rồi".
Theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Long, giảng viên tâm lý học trường CĐ Sư phạm T.Ư TP.HCM, nhìn ở góc độ tích cực, đây là hoạt động làm phong phú đời sống tinh thần của cộng đồng nói chung và giới trẻ nói riêng. Nó giúp một số người cảm thấy bớt cô đơn, vui vẻ thoải mái hơn và không bị căng thẳng, buồn bã trong những ngày lễ, ngày vui chung của mọi người.
Tuy nhiên, nếu không quản lý một cách đúng đắn thì sẽ dẫn đến hậu quả đáng tiếc. "Lửa gần rơm" dù là 1 ngày, 1 buổi hay 1 giờ cũng tiềm ẩn những rủi ro nhất định. Chắc chắn có trường hợp nảy sinh tình cảm không kiểm soát.
Theo ông Long, đó là kiểu tình cảm nhất thời, không bền vững, có thể để lại hậu quả, chẳng hạn như quan hệ tình dục dẫn đến những hậu quả không tốt hoặc lấy tài sản của nhau… nếu một trong hai người có mưu đồ trước.
Và những bản "hợp đồng" này sẽ có điểm dừng cuối ở đâu thì chẳng ai biết được. Và có ai dám đảm bảo rằng dịch vụ này sẽ không biến tướng dưới hình thức khác?
Các CTV cần chuẩn bị gì?
Theo cá nhân Thạc sĩ Nguyễn Hữu Long thì nên hạn chế tham gia dịch vụ này bởi nó có những "nguy hiểm" nhất định.
Nếu đã đến với nghề này thì cần phải có tâm hồn trong sáng, phải xuất phát từ khát khao được làm việc chuyên nghiệp, coi nó là nghề tạo nguồn thu nhập của mình, đồng thời giúp người khác đỡ cô đơn.
Song, ông Long cũng đề nghị các bạn CTV cần chuẩn bị kỹ năng, đề phòng tình huống xấu, học cách ứng phó, xử lý tình huống, dự đoán tất cả các tình huống có thể xảy ra.
Trước khi nộp đơn đầu quân cho các công ty cho thuê người yêu, các bạn cần tìm nơi có uy tín, hoặc CLB hay công ty hẳn hoi. Người đi thuê dịch vụ này cũng đừng quên lưu ý tìm đến các công ty tốt, đừng bộc bạch hết tâm sự cá nhân và cần có khoảng cách. Tốt nhất là những người cô đơn cần tự tạo niềm vui cho chính mình và tìm đến những sân chơi bổ ích như khu giải trí, CLB văn hóa… để vượt qua nỗi buồn. (Trí Quang ghi)
Chiều ngày 23/12, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's (S&P) đã tuyên bố cắt giảm một bậc điểm tín nhiệm nợ quốc gia của Việt Nam, với triển vọng tiêu cực do mối quan ngại về các rủi ro đối với hệ thống ngân hàng.
Trong báo cáo đánh giá tín nhiệm của S&P, điểm tín nhiệm dành cho nợ ngoại tệ dài hạn của Việt Nam bị tổ chức này cắt giảm xuống BB- từ BB. Điểm tín nhiệm nợ nội tệ dài hạn của Việt Nam cũng bị giảm 1 bậc xuống BB từ BB+, trong khi điểm dành cho nợ nội tệ ngắn hạn được duy trì ở mức B.
Nói về triển vọng "tiêu cực" dành cho điểm tín nhiệm mới của Việt Nam, S&P cho biết, triển vọng này phản ánh dự báo của họ rằng, những bất ổn kinh tế vĩ mô sẽ còn tác động bất lợi tới ổn định tài chính của Việt Nam.
Điểm tín nhiệm dành cho nợ ngoại tệ dài hạn của Việt Nam bị tổ chức này cắt giảm xuống BB- từ BB.
Theo Bloomberg, điểm số tín nhiệm nợ quốc gia hiện nay của Việt Nam đang "đồng hạng" với Bangladesh và Mông Cổ.
Báo cáo của S&P nhận xét, môi trường kinh tế vĩ mô của Việt Nam có nhiều biến động trong những năm gần đây, cùng với tình trạng tăng trưởng tín dụng mạnh, làm suy yếu hệ thống ngân hàng.
Tuy vậy, tổ chức này cho rằng, những cải cách cơ cấu mà Việt Nam thực hiện trong mấy năm gần đây đã giúp cải thiện triển vọng của nền kinh tế. S&P dự báo, GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% trong năm 2010.
Trước đó, hôm 15/12, Moody's hạ mức xếp hạng tín nhiệm trái phiếu Việt Nam từ Ba3 xuống B1 và duy trì triển vọng tiêu cực, do một số nguyên nhân trong đó có nguy cơ rơi vào khủng hoảng cán cân thanh toán ngày càng cao, các chính sách tiền tệ và ngoại hối không phù hợp, cũng như nợ của Vinashin.
Theo Moody's, nguyên nhân của cuộc khủng hoảng này xuất phát từ thâm hụt ngân sách ngày càng cao, sự thất thoát của nguồn vốn và dự trữ ngoại hối thấp. Moody's cho biết việc lạm phát sắp chạm mức hai con số sẽ tiếp tục gia tăng sức ép lên tỷ giá.
Trong khi đó, các chính sách có mục đích chồng chéo đã làm gia tăng các khoản nợ tiềm tàng trong bảng cân đối kế toán của Chính phủ, các doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng.
Ông Tom Byrne, Phó chủ tịch cấp cao Bộ phận đánh giá rủi ro nợ công (Sovereign Risk Group) của Moody's nhận định: "Moody's cho rằng những thiếu sót trong chính sách kinh tế đã khiến Việt Nam vấp phải nhiều khó khăn khi giải quyết những áp lực về cán cân thanh toán và dẫn tới những bất ổn vĩ mô".
Cùng ngày, tổ chức này đã hạ bậc ba loại xếp hạng của 6 ngân hàng Việt Nam, bao gồm xếp hạng tiền gửi ngoại tệ, đánh giá tín dụng cơ sở (Baseline Credit Assessments) và xếp hạng sức mạnh tài chính ngân hàng (Bank Financial Strength Ratings).
Theo một nguồn tin thân cận với các chủ nợ nước ngoài, đến 5h chiều giờ Hà Nội ngày 23/12/2010, tập đoàn công nghiệp tàu thuỷ Vinashin vẫn chưa chuyển trả số nợ 60 triệu USD, khoản tới hạn đầu tiên trong tổng gói nợ 600 triệu USD mà tập đoàn này vay từ năm 2008.
Theo thông lệ quốc tế, Vinashin có ba ngày ân hạn kể từ khi đến hạn trả vào ngày 20/12. Trước đó, các nguồn tin nước ngoài cho biết Vinashin đã gửi một thư thông báo sẽ thanh toán khoản lãi trong một thời gian ngắn, nhưng không đả động gì đến việc tập đoàn này có trả khoản gốc 60 triệu USD.
Tuần trước, trả lời báo chí trong nước, ông Nguyễn Ngọc Sự, chủ tịch Vinashin cho biết đang đề nghị các chủ nợ cho hoãn việc trả nợ đến tháng 12 năm sau để công ty có thời gian sắp xếp ổn định kinh doanh. Cho đến cuối ngày 23/12, chưa có một thoả thuận nào đạt được giữa hai bên.
Các chuyên gia có kinh nghiệm về xử lý nợ cho biết theo quy định quốc tế, trong trường hợp bên vay không trả nợ, bên cho vay có quyền đòi tất cả số tiền cho vay ngay lập tức mà không cần phải theo cam kết ban đầu. Trong trường hợp của Vinashin, cam kết vay quy định khoản vay này được trả số nợ gốc làm 10 lần, mỗi lần 60 triệu đôla Mỹ.
Theo Lan Anh, báo Sài Gòn Tiếp thị ngày 24/12/2010
- Yêu đơn phương đồng nghiệp đã lâu nhưng không được đáp trả, bác sĩ Cao cầm dao đâm "người trong mộng" thừa sống thiếu chết rồi tự sát nhưng bất thành.
Sáng 24/12, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm vụ án giết người, tuyên phạt 12 năm tù đối với bị cáo Nguyễn Đình Cao (26 tuổi, thường trú ở Lai Châu).
Cao là bác sĩ làm việc tại một bệnh viện lớn ở quận Bình Thạnh (TP.HCM). Trong quá trình công tác, Cao quen biết và yêu tha thiết cô đồng nghiệp tên Vi. Do đã có người yêu, Vi thẳng thừng từ chối tình cảm của Cao.
Ôm mối tình đơn phương trong lòng, Cao đau khổ nhìn Vi hạnh phúc bên người yêu. Khoảng 22h ngày 25/2/2010, sau chầu nhậu bí tỉ, Cao về nhà gọi điện thoại cho Vi. Biết được Vi đang ăn bún bò do người yêu cô mua mang tới, Cao đau đớn cầm dao tới bệnh viện với ý định sẽ tử tự trước mặt Vi để chứng minh tình yêu của mình dành cho cô.
Tới được bệnh viện, Cao đứng chờ Vi ở trước phòng xét nghiệm sinh hóa. Chờ lâu quá, Cao vô phòng nghỉ dành cho bác sĩ nam và ngủ thiếp đi. Tới khoảng 4h30 sáng 26/2/2010, Cao tỉnh giấc. Nhìn thấy chai rượu trên bàn, Cao tu hết nửa chai rồi đi sang phòng xét nghiệm gặp Vi.
Yêu mù quáng, vị bác sĩ trẻ phải trả giá bằng cả cuộc đời và sự nghiệp của mình
Vừa nhìn thấy Vi bước vào phòng, Cao đổi ý sẽ giết chết Vi rồi tự tử. Cao chạy tới, cầm tay Vi kéo cô vào phòng rồi lấy chân đóng sầm cửa lại. Cao dùng dao đâm tới tấp vào mặt và ngực của Vi làm Vi ngã xuống đất. Cao cầm dao cứa vào cổ tay trái thì bị Vi kéo tay hất văng con dao đi.
Không chịu dừng lại, Cao tiếp tục lấy con dao thứ 2 đâm nhiều nhát vào người Vi. Khi Vi gục xuống, Cao kéo áo lên tự đâm nhiều nhát vào bụng mình để tự sát. Đúng lúc này, bảo vệ bệnh viện đạp cửa xông vào đưa cả hai đi cấp cứu. Cả Vi và Cao đều may mắn giữ được mạng sống.
Tại tòa, Cao thành khẩn nhận tội và xin lỗi Vi cùng gia đình bị hại. Bị cáo hối hận vô cùng về hành vi dại dột của mình. Vi cũng tha thiết xin tòa giảm nhẹ án cho Cao. HĐXX tuyên phạt bị cáo Cao 12 năm tù.
Với áp lực tăng giá lớn nhất đến từ nhóm lương thực, thực phẩm, nhà ở và vật liệu xây dựng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 12 so với tháng 11 đã đạt mức tăng kỷ lục 1,98% - là mức tăng cao nhất từ đầu năm đến nay; chính thức đưa CPI năm 2010 từ mức một con số lên hai con số là 11,75%.
Đây là thông tin chính thức vừa được Tổng cục Thống kê công bố sáng 24/12. Với mức tăng này, CPI bình quân cả năm 2010 tăng 9,19% so với bình quân cả năm 2009.
CPI tháng 12 tăng ở 10/11 nhóm trong rổ hàng hóa chung với mức tăng từ 0,07-3,31%. Riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,02%.
Ảnh minh họa
Dẫn đầu về mức tăng giá tiếp tục là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống; đặc biệt, lương thực tăng 4,67%, thực phẩm tăng 3,28%, ăn uống ngoài gia đình tăng 1,86%. Tiếp theo là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng với mức tăng 2,53%.
Các nhóm hàng hóa có mức tăng trên 1% gồm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,81%; đồ uống, thuốc lá tăng 1,3%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,06%. Các nhóm còn lại có mức tăng dưới 1% gồm thiết bị và đồ dùng gia đình; văn hóa giải trí và du lịch; giao thông; thuốc và dịch vụ y tế. Giáo dục là nhóm tăng thấp nhất.
Theo Vụ trưởng Vụ giá Tổng cục Thống kê Nguyễn Đức Thắng, CPI tháng 12 và cả năm 2010 tăng ngoài dự kiến là do tác động tương hỗ phức tạp, cùng lúc của nhiều nguyên nhân khác nhau. Điển hình như do dịch bệnh trên gia súc và gia cầm trên cả nước chưa được khống chế, tốc độ tái đàn sau dịch bệnh còn chậm, thiên tai nặng nề, mặt bằng giá lương thực thế giới tăng cao, quy luật tiêu dùng nóng cuối năm… giá lương thực, thực phẩm và ăn uống ngoài gia đình (nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tiêu dùng) đã tăng vọt kéo CPI cả nước tăng cao.
Bên cạnh đó, giá một loạt các mặt hàng thiết yếu khác như khí hóa lỏng LPG (gas), sắt thép, vật liệu xây dựng khác cũng tăng "chóng mặt" bất chấp những nỗ lực bình ổn thị trường của một số Tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Về phía Bộ Tài chính, Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng, một trong các nguyên nhân khiến CPI năm 2010 tăng cao là do việc sử dụng nguồn vốn đầu tư không hiệu quả kéo theo chính sách tiền tệ phải đáp ứng.
Thứ hai là giá nguyên vật liệu cơ bản phục vụ tăng trưởng kinh tế như xăng dầu, phôi thép, ximăng, phân hóa học…nhập khẩu tăng gần 30% tác động vào giá thị trường trong nước. Thứ ba là sức mua nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội tăng cao, tỷ giá hối đoái và giá vàng trong năm tăng mạnh…
Ngoài ra, do hệ thống phân phối hàng hóa chưa tốt, chưa hợp lý cũng là nguyên nhân khiến cả người tiêu dùng và nhà sản xuất đều không được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ của nhà nước về giá; trong khi nhóm trung gian lại có cơ hội trục lợi, găm hàng, tạo cơn sốt giá giả tạo.
Các chuyên gia cũng cho rằng, với dự báo nhu cầu tiêu dùng trong dịp tết Tân Mão 2010 sẽ tăng trên 20% với tháng bình thường và khả năng thanh toán của người dân tăng lên, chắc chắn mặt bằng giá cả nhiều loại hàng hóa thiết yếu sẽ tiếp tục chịu sức ép tiếp tục tăng giá. Trong khi đó, những tháng giáp Tết nguyên đán, lượng tiền đưa ra lưu thông nhiều hơn do hàng loạt các công trình hoàn thành giải ngân…cũng sẽ gây áp lực đến mặt bằng giá trong dịp Tết.
Để bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo và đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ, từ sản xuất cân đối cung cầu đến chính sách về tài khóa tiền tệ, chính sách về kiểm tra, kiểm soát thị trường.
Bộ Công Thương và Bộ Tài chính từ nhiều tháng nay vẫn tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm bình ổn thị trường như cho các doanh nghiệp lớn vay vốn ưu đãi để dự trữ hàng hóa thiết yếu, kiểm tra kiểm soát việc tăng giá bất hợp lý, hoãn thu phí giết mổ thịt gia súc, gia cầm; sử dụng linh hoạt công cụ phí thuế, quỹ bình ổn giá để bình ổn giá xăng dầu trong dịp Tết.
Bộ Công Thương chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện đúng các cam kết khi nhận vốn để bình ổn giá, bảo đảm giá bán thấp hơn giá thị trường từ 5-10%, bán hàng theo đúng quy định, bảo đảm giữ được vốn khi thực hiện bình ổn giá và mở rộng điểm bán hàng bình ổn giá đến tận tay người tiêu dùng để họ được thụ hưởng chính sách bình ổn giá của Nhà nước.
Về phía Tổng cục Thống kê, ông Thắng lưu ý, năm 2011, theo lộ trình, giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu như điện, than, gas…sẽ được điều chỉnh theo thị trường, lương cũng sẽ tăng…Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ bài học điều chỉnh giá trong 2 năm vừa qua, các cơ quan quản lý cần tính toán thời điểm và mức độ tăng phù hợp với diễn biến thực tế để hạn chế các tác động tâm lý bất lợi đến từ cú sốc tăng giá cùng lúc nhiều mặt hàng.
Cũng trong tháng 12, chỉ số giá vàng trên thị trường tự do đã tăng 5,43% so với tháng 11, đưa giá vàng cả năm tăng 30% so với tháng 12/2009 và tăng 36,72% so với bình quân 12 tháng của năm 2009. Những con số này cũng cho thấy năm 2010 là một năm đặc biệt bởi giá vàng biến động mạnh nhất trong 15 năm qua.
Giá USD cũng biến động rất mạnh do các chính sách điều hành tỷ giá của Ngân hàng nhà nước. Cụ thể, giá USD tháng 12 tăng 2,86% so với tháng 11, đưa giá USD cả năm tại thị trường tăng 9,68% và tăng 7,63% so với bình quân 12 tháng năm 2009.
Trong đó Chủ tịch thành phố Nguyễn Thế Thảo chỉ đạo các cấp, các ngành, các cơ quan, đoàn thể và các tổ chức kinh tế, xã hội của thành phố quán triệt và thực hiện nghiêm chỉnh các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng về việc đẩy mạnh sản xuất, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ, bình ổn giá cả thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Tân Mão và quý I/2011.
Liên quan đến việc tổ chức Tết của các cấp, các ngành, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo yêu cầu từng đơn vị phải quán triệt tinh thần tiết kiệm, tổ chức chúc Tết giản dị, đầm ấm tại trụ sở, nơi làm việc, không tổ chức đi chúc Tết, tặng hoa lãnh đạo các cấp.
Đặc biệt, nghiêm cấm sử dụng công quỹ, tài sản công sai mục đích, chi lương thưởng không đúng quy định. Đồng thời thực hiện nghiêm việc không dùng rượu ngoại để chiêu đãi, tiếp khách, không được sử dụng xe công để phục vụ các hoạt động cá nhân.
Về nhiệm vụ phục vụ Tết, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc theo dõi sát tình hình giá cả, thị trường các mặt hàng thiết yếu như: nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, hoa quả; chủ động xử lý các biến động bất lợi và bảo đảm nguồn cung, bình ổn giá thị trường, nhất là đối với các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá.
Cũng theo chỉ thị này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra chống hàng giả, kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện quy định về đăng ký giá, niêm yết và bán hàng theo giá niêm yết ở các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, các cửa hàng chuyên doanh, chợ dân sinh để xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm về giá và chất lượng.
Đến xóm 16, thôn Áng Hạ, xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức, Hà Nội thời điểm này sẽ thấy một không khí náo nhiệt khác thường. Người người, nhà nhà, trẻ con lẫn người già kéo nhau đến nhà một hộ dân trong xóm để xem một hiện tượng khác thường: Một hố sâu gần chục mét, rộng cỡ 30m2 trong một đêm bỗng xuất hiện giữa làng và "nuốt" mất căn bếp của một hộ dân.
Bưng bít thông tin?
Địa điểm xuất hiện "hố tử thần" là nhà ở của một hộ dân tên Kỳ ở xóm 16. Ngay cạnh khu vực nhà ông Kỳ, 2 hàng rào bằng tre đã được thiết lập để canh phòng không cho người lạ vào.
Chuyện sụt hố này diễn ra từ lúc 15h chiều ngày 21/12, nhưng đến bây giờ, hàng chục người dân vẫn hiếu kỳ kéo đến xem tình hình thế nào. Có cụ già gần 90 tuổi ở bên xóm khác cũng đạp xe sang để mong một lần được nhìn thấy cái hố kì lạ đó.
Theo tường thuật của người con trai ông Kỳ tên là Nguyễn Thanh Bình, ngày 21/12, gia đình anh có tổ chức khoan giếng. Tuy nhiên, sau khi khoan được một lúc, nối được 3 đường ống xuống thì thợ không thấy nước chảy ra nữa. Lúc này, tốp thợ bèn gọi nhau tản ra.
Khi họ vừa tản ra xong thì đất bỗng nhiên sụt xuống, kéo theo cả khu bếp của nhà ông Kỳ xuống hố sâu. May mắn là gia đình anh Bình đã kịp thời sơ tán, không ai bị thương.
Anh Bình cho biết: Ngay khi xảy ra hiện tượng sụt đất thì gia đình anh đã cử người chạy ra thông báo với chính quyền xã. Nhưng chưa kịp thông báo xong thì cả căn bếp nhà anh đã bị "hố tử thần" nuốt chửng. Hiện giờ, theo người dân nơi đây, đã có đoàn của xã và của cả Sở Tài nguyên - Môi trường HN xuống làm việc nhưng chưa có kết luận gì.
Một người dân bức xúc cho biết: "Thậm chí, mấy đoàn xuống rồi mà chỉ đứng nhìn loanh quanh rồi về, còn chả thèm thò cái thước xuống đo xem nó thế nào".
Tại nhà anh Bình, một hố sâu khoảng 6m, rộng khoảng 6m hở toác ra, phía dưới là bê tông, gạch ngói của căn bếp cũ. Hố sâu sụt sát cả đến cổng nhà. Người dân bèn tự lấy gậy chống đỡ để cổng không bị đổ xuống hố. Theo những người có mặt tại hiện trường, thì ước tính có khoảng 200m3 đất đã sụt xuống.
Sau đó, xã đã cho phong tỏa hiện trường và cho người canh giữ, đề phòng nguy hiểm. Thế nhưng, khi nhóm PV đến xin làm việc thì ông chủ tịch xã Phạm Quang Lộ lại cho một anh cán bộ xã tên Thiện ra ngăn cản "không được phép quay phim, chụp ảnh". Lí do anh Thiện truyền đạt lại với PV là do "ở trên không cho phép"?!
Người dân hoang mang, phải sơ tán
Sau khi xuất hiện "hố tử thần", những hộ dân sống xung quanh khu vực này đều tỏ ra hoang mang, lo lắng. Họ chẳng dám ở trong nhà vì nỗi lo sợ chẳng may lại xuất hiện thêm những "hố tử thần khác". Nhiều người dân đã phải sơ tán đi tìm nơi ở khác để tránh nguy hiểm.
Hiện tại, anh Bình cũng như những hộ dân xung quanh khu vực này đang rất phải khổ sở vì đã mấy ngày trôi qua nhưng vẫn chưa thấy có kết luận nào từ các cơ quan chức năng. Vì thế những hộ gia đình xung quanh phải sống trong thấp thỏm và lo lắng vì không biết mình sẽ đựơc quay trở lại nhà vào lúc nào.
Trong nỗi lo âu, sợ hãi, nhiều người dân xóm 16 đã tình nguyện bảo vệ phóng viên để có thể ghi hình, đưa thông tin lên phương tiện thông tin đại chúng để các cơ quan chức năng có thể lên tiếng, kiểm tra, cho họ biết chuyện gì đã xẩy ra.
"Chúng tôi rất hoang mang, hai đêm rồi chẳng dám ngủ ở nhà, phải dắt díu nhau đến nhà người quen để ở. Vì nếu ở nhà thì sợ, chẳng may nhà mình cũng bị như thế thì rất nguy hiểm. Chúng tôi mong muốn các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng kiểm tra và cho người dân câu trả lời để có thể yên tâm sinh sống", một người dân xóm 16 nói.
Sau khi từ chối tiếp PV tại hiện trường với lí do bận họp và "phía trên không cho quay phim, chụp ảnh" thì chúng tôi cố gắng liên lạc với ông Phạm Quang Lộ, Chủ tịch xã Lê Thanh với thiện chí muốn đựơc biết rõ tình hình. Tuy nhiên, lúc này ông Lộ lại đòi phải đến xã để gặp thì mới tiếp? Và ông cung cấp thông tin rằng, việc không cho công bố chuyện sụt đất ở xã Lê Thanh là do "bên Sở Tài nguyên Môi trường HN khi xuống làm việc có chỉ đạo như vậy".
Theo chuẩn mới, những hộ sống ở khu vực thành thị có mức thu nhập bình quân từ 750.000đồng/người/tháng trở xuống và những hộ sống ở khu vực nông thôn có mức thu nhập bình quân từ 550.000đồng/người/tháng trở xuống là hộ nghèo.
Đối với những hộ sống ở khu vực thành thị có mức thu nhập bình quân từ 751.000 - 1.000.000đồng/người/tháng và những hộ sống ở khu vực nông thôn có mức thu nhập bình quân từ 551.000 -750.000đồng/người/tháng là hộ cận nghèo.
Theo chuẩn nghèo mới nói trên, tính đến ngày 15/12/2010, trên địa bàn thành phố có 114.636 hộ nghèo (chiếm 9,6%) và 209.613 hộ cận nghèo (13,59%).
TTXVN cho hay, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phí Thái Bình yêu cầu Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch, có biện pháp thực hiện hữu hiệu phấn đấu đến năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của Thành phố còn dưới 2%. "Song song với việc sử dụng ngân sách của Thành phố khoảng 5.000 tỷ để hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo, Thành phố sẽ huy động các nguồn lực xã hội hóa để nhanh chóng giúp các hộ nghèo thoát nghèo bền vững", ông Bình khẳng định.
Được biết chuẩn nghèo của thành phố Hà Nội trước đây là từ 500.000đồng/người/tháng trở xuống đối với khu vực thành thị và 330.000đồng/người/tháng trở xuống đối với khu vực nông thôn; chuẩn cận nghèo ở khu vực thành thị trên 500.000- 650.000đồng/người/tháng và ở nông thôn là trên 330.000- 430.000đồng/người/tháng. Trong năm 2010, chỉ tiêu giảm nghèo là 22.500 hộ, do đó đến cuối năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo của thành phố còn 4,48%.
- Ngày 23/12, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Chính phủ Thụy Điển đã thông báo trong năm 2011 sẽ đóng cửa Đại sứ quán Thụy Điển tại một số nước, trong đó có Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga nói:
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam. Ảnh: TTXVN
"Việt Nam rất lấy làm tiếc về quyết định của Chính phủ Thụy Điển đóng cửa Đại sứ quán Thụy Điển tại Hà Nội cùng với việc đóng cửa Đại sứ quán Thụy Điển ở một số quốc gia khác do những khó khăn về ngân sách. Đây là quyết định nội bộ của Thụy Điển".
Việt Nam khẳng định luôn coi trọng quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống với Thụy Điển đã được gìn giữ và phát triển bởi nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước trong nhiều năm qua, bà Nguyễn Phương Nga nói.
Người phát ngôn Bộ Ngoại Việt Nam cũng khẳng định: "Chúng tôi mong muốn hai bên sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác trong thời gian tới, thông qua các biện pháp và hình thức phù hợp, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của cả hai nước. Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để Thụy Điển sớm mở lại Đại sứ quán tại Việt Nam khi điều kiện cho phép".
Trước đó, trong thông cáo báo chí phát trên website của Bộ Ngoại giao Thụy Điển, Ngoại trưởng Thụy Điển, ông Carl Bildt cho biết: "Quyết định khó khăn này là một kết quả từ quyết định mới đây của quốc hội cắt giảm khoảng 300 triệu kronor Thụy Sĩ (khoảng 43 triệu USD) ngân sách cấp cho các cơ quan chính phủ".
- Đêm 23/12, hàng chục ông già Noel tại TP Thanh Hoá đã cưỡi những con tuần lộc thời @ là những chiếc Vespa cổ đi diễu hành trên phố và tặng quà cho trẻ em.
Hôm 20/12, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM đã tổ chức cuộc họp với các chuyên gia để thông qua đề cương chi tiết về việc khảo sát các điểm lún sụt mặt đường tại thành phố này.
RFA photo
Tình trạng ngập nước ở TPHCM đã trở nên bình thường
Nhân dịp này, Quỳnh Như có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trọng Hoà, Giám đốc Viện Nghiên cứu Phát Triển Thành phố Hồ Chí Minh về tình trạng lún sụt nền này.
Hiện trạng
Tình hình lún sụt mặt đường tại Thành phố Hồ Chí Minh được đánh giá là rất nghiêm trọng. Trong năm nay, chỉ tính từ tháng 7 đến nay đã có gần 60 vụ lún sụt tại trung tâm lớn nhất cả nước này.
Giám đốc Viện Nghiên cứu Phát Triển Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Trọng Hoà nhận định về vấn đề này như sau:
"Đây là một vấn đề lớn. Hiện nay một mặt là phải khảo sát để phát hiện những chỗ có lổ hổng lớn, thì phải có hướng xử lý. Từ đây cũng thấy là đã nhiều lần nhắc nhở công tác quản lý đô thị là phải nhìn toàn diện và phải bắt đầu một cách khoa học. Lâu nay vẫn cứ chạy theo tiến độ phát triển, phát triển nóng thành ra không lường trước được chuyện này.
Đây là một vấn đề nan giải, không thể chữa được trong một sớm một chiều, mà phải chỉnh đốn lại công tác quản lý đô thị.
Ông Nguyễn Trọng Hòa
Hiện nay cũng đã nhìn thấy được mặt trái của vấn đề, tức là không phải cứ phát triển nóng, phát triển trên mặt đất, còn dưới đất không có cống rãnh, không có nước thì không thể phát triển đô thị được, không thể phát triển theo cách phồn vinh giả tạo mà phải đúng chất lượng. Nhưng hiện nay vấn đề cụ thể phải làm gì thì đó là câu trả lời của các cơ quan quản lý và các kỹ sư chuyên ngành.
Đứng về góc độ của một chuyên gia phát triển đô thị thì tôi thấy đây là một vấn đề nan giải, không thể chữa được trong một sớm một chiều, mà phải chỉnh đốn lại công tác quản lý đô thị. Có khi chỉ vì một cái cống bị bể lâu ngaỳ không sửa sẽ dẫn đến sụp, chứ không chỉ là tắc nước không thôi, mà là sụp cả một khu vực, một con hẻm, một căn nhà, hoặc một đoạn phố chẳng hạn."
Nguyên nhân
Một công trình đang thi công ở TPHCM. RFA photo
Phân tích các nguyên nhân dẫn đến tình trạng lún sụt mặt đường tại Thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Phát Triển Thành phố Hồ Chí Minh nói:
"Đây là một quá trình phát triển đô thị, mấy chục năm nay trong công quản lý đô thị thực hiện không tốt, ví dụ như vấn đề cấp nước. Hầu như ở các nước người ta có mạng lưới cấp nước, hễ đô thị phát triển đến đâu thì nước cấp đến đấy. Ở Thành phố Hồ Chí Minh ngày xưa, có mạng lưới cấp nước nhưng sau này khi đô thị phát triển quá nhanh, mạng lưới cấp nước của thành phố không đáp ứng được nhu cầu phát triển của dân cư.
Mặt khác người dân ở thành phố này không chỉ dùng nước cho sinh hoạt mà còn để sản xuất nước đá. Và chuyện khoan nước ngầm ở thành phố là một vấn đề gây mất tầng nước. Thứ hai, hệ thống cống rãnh từ thời xưa Pháp xây dựng, thời Mỹ có làm một ít, rồi Việt Nam cũng làm một số nhưng rất nhiều khu dân cư không có cống thoát nước, hoặc cống cũ bị sập. Thành ra toàn bộ nước phải tìm cách khác chạy, chính vì thế nước sói mòn đất trong lòng đất. Những tác động đó âm ỉ lâu ngày làm cái nền của Thành phố yếu đi.
Và sau một thời gian nhất định thì nó bị lún sụp. Theo tôi nghĩ có những cái lún sụp bây giờ nguyên nhân chủ yếu là do bởi vấn đề đó, tức là hệ thống cống thoát nước cũ bị hỏng, và những khu vực không có cống thoát nước thì nước làm trôi đất, cát. Rồi đến vấn đề khoan nước ngầm. Và cũng có vấn đề hiện nay lúc thi công các công trình thì do lúc đào lên lấp xuống không cẩn thận thì làm đất sụp. Nên đây là vấn đề tương đối lớn, chứ không chỉ là vấn đề do làm cống thoát nước, thi công ẩu."
Có những cái lún sụp bây giờ nguyên nhân chủ yếu là do bởi vấn đề đó, tức là hệ thống cống thoát nước cũ bị hỏng, và những khu vực không có cống thoát nước thì nước làm trôi đất, cát.
Ông Nguyễn Trọng Hòa
Trước tình trạng lún sụt ngày càng nghiêm trọng như vậy, Ủy Ban nhân Dân Thành phố Hồ Chí Minh đã trình văn bản báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ, và đề xuất ý kiến thành lập một đoàn chuyên gia tiến hành điều tra, khảo sát đánh giá nguyên nhân, để tìm các giải pháp khắc phục.
Giải pháp
Dưới mắt chuyên gia phát triển đô thị này, thì giải pháp khắc phục tình trạng lún sụt nền phải là một biện pháp đồng bộ, có sự kết hợp của nhiều ngành liên quan. Ông Nguyễn Trọng Hoà nói:
"Theo tôi nghĩ đây là vấn đề rất tổng hợp, không phải một ngành phải chữa mà tất cả công tác về quản lý, phát triển đô thị. Hiện nay kiểm soát rất kỹ các vấn đề khoan nước ngầm. Kế nữa là, phát triển đô thị đến đâu thì phải có cống cấp nước và thoát nước đến đó để chống, tránh các hiện tượng nước ngầm.
Người dân đang lưu thông trên một "con đường đau khổ" ở TPHCM. RFA photo
Thứ hai là không để nước chảy tự do, lộn xộn. Thứ ba, phải lần lượt kiểm tra hệ thống cống cũ; có thể nó vẫn còn chảy nhưng có thể nó chảy trong lúc đục thủng nền đất để thoát thì sẽ đào rỗng đất. Hiện nay đã có những hiện tượng không phải chỉ ngoài đường lớn, mà hiện giờ có rất nhiều nhà lúc sửa nhà, khi đào nền nhà lên thì phát hiện dưới nền nhà có lỗ hổng to tướng, mới phát hiện do cống nhà bị hỏng lâu nay, nước chảy được là do xoáy đất đi.
Thành ra hiện tượng lún sụt không phải chỉ ở ngoài đường mà thôi. Tôi nghĩ trong những con hẻm cũng có, thậm chí trong các nhà dân bây giờ, người ta biết nhưng không công bố ra bên ngoài xã hội. Chúng ta không nhìn thấy thì không nghĩ là có vấn đề. Không cần phải có tác động từ bên ngoài vào mà tự bản thân nó trong quá trình thẩm thấu, xói mòn nó làm mất tầng đất ở bên dưới."
Bên cạnh đó hiện nay thành phố có triển khai hệ thống máy thăm dò, tuy nhiên theo ông Hoà:
"Chủ yếu chỉ có thể thăm dò từ ngoài đường cái để xem ở dưới đất có lỗ hổng lớn hay không, cũng giống như ở các nước người ta đi dò gaz. Tôi nghĩ biện pháp đó giải quyết được, giải quyết không khó vì nó lộ ra, nhưng còn đối với những cái tiềm ẩn trong các khu dân cư, thì sẽ rất khó kiểm tra, kiểm soát vì nó ở dưới nền nhà của người ta, ở trong các con hẻm."
Đây là vấn đề rất tổng hợp, không phải một ngành phải chữa mà tất cả công tác về quản lý, phát triển đô thị.
Ông Nguyễn Trọng Hòa
Đề cập đến các biện pháp nhằm tránh hiện trạng hư lún mặt đường hay nền đất, Giám đốc Viện Nghiên cứu Phát Triển Thành phố Hồ Chí Minh cho biết:
"Về mặt nguyên tắc, những quy định này đã có từ lâu, từ mấy năm nay rồi, nhưng việc thực thi pháp luật trong lĩnh vực này không đúng mà cơ quan quản lý, kiểm tra thì không kiểm soát được. Do nhu cầu phát triển có những cái người ta dấu, tự động làm. Ví dụ, cấm khoan giếng nước thì người ta khoan trong nhà.
Ở ngoài đường thì còn kiểm tra được chứ trong sân, trong nhà thì khó mà kiểm soát được. Tôi nghĩ các biện pháp thì trước nay đã có tính toán đến rồi, nhưng công tác kiểm tra, giám sát chưa tốt, thì hiện nay cần tăng cường công tác đó. Vừa chống thất thoát nước, chống việc mất phần nước ngầm, vừa giải quyết bài toán cải tạo hệ thống thoát nước, thì có thể giúp từ từ kèo lại được sự ổn định."
Không riêng gì trong phạm vi Thành phố xuất hiện các vụ lún sụt hay các "hố tử thần", nhiều công trình xây dựng lớn cũng đang xuất hiện tình trạng lún sụt trầm trọng. Ví dụ như theo báo cáo của Ủy Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận, tuyến đường Tân Tạo- Chợ Đệm cũng bị lún nền nghiêm trọng.