Phóng viên: Báo Người Lao Độngvừa có loạt bài phản ánh về những hậu quả đã lộ diện của biến đổi khí hậu (BĐKH). Theo ông, đâu là nguyên nhân chính gây ra những tình trạng này?
- Ông Phạm Đức Thi:
Nguyên nhân chủ yếu làm thay đổi khí hậu là sự tăng nồng độ các nhà kính gây nên nóng tầng đối lưu và nguội tầng bình lưu. Chỉ từ sau cách mạng công nghiệp (1965) đến nay, nồng độ nhiều loại nhà kính trong khí quyển mới tăng lên và tăng liên tục. Lượng CO2 tăng 31%, mê-tan tăng gấp 2 lần và N2O tăng 17%.
TS Phạm Đức Thi, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam
Nguyên nhân chủ yếu tăng CO2 là do đốt các loại nhiên liệu hóa thạch như than, dầu, khí và phá hủy rừng. Trong đó, việc sử dụng các nhiên liệu đóng góp 80%-85% lượng khí CO2 tăng thêm trong khí quyển khiến tổng lượng CO2 trong bầu khí quyển tăng 0,5%-1%/năm. Đốt các loại nhiên liệu, sử dụng phân hóa học, sản xuất các chất hóa học, tiêu thụ nhiên liệu, phá rừng... làm tăng khoảng 15% lượng N2O vốn có trong khí quyển. Đó là hệ quả của quá trình phát triển công nghiệp gây nên sự thay đổi môi trường lớn nhất mà con người phải chịu đựng.
Những biểu hiện nào chứng tỏ khí hậu đã biến đổi mạnh?
- Nhiệt độ trung bình của trái đất đã tăng lên rõ rệt trong giai đoạn 1920-1940, giảm dần khoảng giữa những năm 1960 và ấm lên từ sau năm 1975 đến nay. Đây là thời kỳ nhiệt độ ấm nhất trong vòng 600 năm trở lại đây. Mưa cũng có những biến động đáng kể, tuy xu thế không rõ rệt như nhiệt độ.
Tương ứng với sự tăng của nhiệt độ toàn cầu, mực nước trung bình của đại dương cũng tăng lên 10-25 cm. Xu thế tăng của mực nước như vậy là lớn. Sự tan băng ở các vùng núi cao, giảm tuyết ở Bắc bán cầu và tăng nhiệt độ đã làm cho mực nước biển dâng cao. Cùng với xu thế tăng nhiệt độ toàn cầu là sự phân bố các dị thường của nhiệt độ.
Một trong những căn nhà của người dân miền Trung bị san phẳng trong cơn bão số 10 vừa qua Ảnh:HỮU TÀI
Riêng Việt Nam, BĐKH sẽ ảnh hưởng ở mức độ nào?
- Theo dự đoán, Việt Nam là một trong số ít nước phải chịu hậu quả tác động nặng nề nhất của BĐKH. Riêng ĐBSCL, nếu mực nước biển dâng như dự báo vào năm 2030 sẽ khiến khoảng 45% diện tích đất có nguy cơ nhiễm mặn nặng, mùa màng thiệt hại nghiêm trọng do lũ lụt và úng ngập. Nếu mực nước biển dâng 1 m mà không có các hoạt động ứng phó, phần lớn diện tích ĐBSCL sẽ bị ngập nhiều thời gian trong năm, thiệt hại tài sản ước tính lên tới 17 tỉ USD.
Những biểu hiện cụ thể nào về hiện tượng BĐKH ở Việt Nam?
- BĐKH đã khiến thiên tai - đặc biệt là bão lũ, hạn hán - ngày càng ác liệt. Các thiên tai và hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra bất thường với sự gia tăng tần suất xuất hiện và cường độ.
Nhiệt độ trung bình/năm trong vòng 50 năm qua đã tăng khoảng 0,5%. Theo dự báo, vào cuối thế kỷ XXI, nhiệt độ trung bình/năm có thể tăng lên 2,6 độ C ở Tây Bắc, 2,5 độ C ở Đông Bắc, 2,4 độ C ở đồng bằng Bắc Bộ, 2,8 độ C ở Bắc Trung Bộ, 1,9 độ C ở Nam Trung Bộ, 1,6 độ C ở Tây Nguyên và 2 độ C ở Nam Bộ so với trung bình của thời kỳ 1980 -1999.
Lượng mưa gia tăng vào mùa mưa và giảm vào mùa khô, số ngày mưa phùn giảm rõ rệt. Cuối thế kỷ XXI, lượng mưa có thể tăng khoảng 7%-8%/năm ở Tây Bắc, Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và 2%-3% ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ so với trung bình thời kỳ 1980-1999. Lượng mưa các tháng cao điểm của mùa mưa sẽ tăng 10%-15% ở phía Bắc và Nam Trung Bộ. Trong khi đó, lượng mưa mùa khô sẽ giảm 4%-7% ở Tây Bắc, Đông Bắc và đồng bằng Bắc Bộ; khoảng 10% ở Bắc Trung Bộ và các vùng khí hậu phía Nam giảm tới 10%-15% so với thời kỳ 1980-1999. Mưa trái mùa và mưa lớn dị thường xảy ra nhiều hơn.
Tần số hoạt động của không khí lạnh ở Bắc Bộ giảm rõ rệt trong 3 thập kỷ, từ 288 đợt giai đoạn 1971-1980 xuống còn 249 đợt giai đoạn 1991-2000. Tuy số ngày rét đậm, rét hại trung bình giảm nhưng có năm xảy ra đợt rét đậm kéo dài với cường độ mạnh kỷ lục (đầu năm 2008).
Số đợt nắng nóng trong thập kỷ 1991-2000 nhiều hơn, nhất là ở Trung Bộ và Nam Bộ. Hai đợt nắng nóng kéo dài giữa tháng 6 và đầu tháng 7-2010 làm nhiệt độ tối cao tuyệt đối đạt trên 40 độ C trên diện rộng là một ví dụ.
Đường đi của bão có xu hướng dịch chuyển về phía Nam và mùa bão dịch chuyển vào các tháng cuối năm. Lũ đặc biệt lớn xảy ra thường xuyên hơn ở miền Trung và miền Nam.
Vậy Việt Nam sẽ phải đối mặt với những hệ quả gì do ảnh hưởng của BĐKH?
- Việt Nam được xếp vào nhóm các quốc gia thiếu nước, trong khi lượng bốc hơi nước của các hồ ao, sông suối tăng. Hậu quả là sự suy thoái tài nguyên nước cả về lượng và chất sẽ trầm trọng hơn.
Sự gia tăng thiên tai và các hiện tượng cực đoan của thời tiết sẽ ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ tới nông, lâm nghiệp, thủy hải sản. Nhiều loại bệnh sẽ gia tăng dưới tác động của sự thay đổi chế độ nhiệt độ, độ ẩm và môi trường.
Ngoài ra, BĐKH còn tác động tiêu cực đến cơ sở hạ tầng, an ninh môi trường, an ninh quốc gia, làm xuất hiện khả năng có làn sóng tị nạn môi trường, sự xâm lấn của sinh vật lạ và sinh vật biến đổi gien...
Con người tác động đến 90%
Theo ông Phạm Đức Thi, BĐKH là sự biến đổi trạng thái của khí hậu so với trung bình và dao động của khí hậu duy trì trong một khoảng thời gian dài, thường là vài thập kỷ hoặc dài hơn. Nguyên nhân là do các quá trình tự nhiên hoặc do con người gây ra đối với các thành phần khí quyển.
Tác động của con người đóng góp đến 90% vào tình trạng BĐKH hiện nay. Riêng năm 2012, con người đóng góp 50% vào việc xuất hiện các hiện tượng khí tượng cực đoan.
|