ĐĂNG BỞI  - 
Sáng 28.11, Bộ Tư pháp và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tổ chức hội thảo “Hoàn thiện quy định của Bộ luật Hình sự về hình sự hóa các hành vi tham nhũng theo Công ước Chống tham nhũng”.
Hối lộ tình dục, thăng chức...
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tân (Bộ Công an) nhận định ở nước ta hiện nay đã xuất hiện dấu hiệu các hành vi tham nhũng phi vật chất như hối lộ tình dục, thăng chức… mà Bộ luật Hình sự chưa quy định đối với hành vi này. Ông kiến nghị các cơ quan lập pháp Việt Nam cần bổ sung quy định các hành vi tham nhũng có giá trị phi vật chất là tội phạm mới trong Bộ luật Hình sự.
Ông Tân cũng cho rằng trước tình trạng xuất hiện ngày càng nhiều hành vi có dấu hiệu tham nhũng do pháp nhân thực hiện, việc truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân thực hiện hành vi tham nhũng là hết sức cần thiết, phù hợp với thông lệ quốc tế, yêu cầu của Công ước Chống tham nhũng.
Làm giàu bất chính cũng phải bị trừng trị  
Về vấn đề hình sự hoá hành vi làm giàu bất chính, nhiều đại biểu tham dự hội thảo lưu ý có thể đánh giá được tình trạng làm giàu bất chính ở Việt Nam hay không, cơ quan nào thực hiện, đánh giá dựa trên cơ sở nào?
Hành vi làm giàu bất chính có tính nguy hiểm cao cho xã hội, cần phải hình sự hóa bằng các chế tài hình sự.
Thực tế ở Việt Nam chưa có một báo cáo chính thức của cơ quan, tổ chức về vấn đề này, nhưng qua nhiều nguồn phản ánh khác nhau, có thể thấy rằng tình trạng làm giàu bất chính cực kỳ nghiêm trọng.
Để xử lý hành vi làm giàu bất chính, các đại biểu đề xuất cần hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách như hoàn thiện dữ liệu quản lý tài sản, thu nhập quốc gia; xây dựng luật riêng về minh bạch tài sản theo hướng quy định cụ thể về quản lý tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và những đối tượng có liên quan khác.
Báo cáo của nhóm nghiên cứu về hoàn thiện các quy định của Bộ luật Hình sự đối với các hành vi tham nhũng cho rằng các dấu hiệu về tính bất hợp pháp của tài sản tăng thêm của công chức là yếu tố quan trọng, là xuất phát điểm để chứng minh về hành vi làm giàu bất chính và xác định thời điểm hoàn thành hành vi này. 
Khi chứng minh về tính bất hợp pháp của tài sản tăng thêm, cần làm rõ hành vi làm giàu bất chính đã hoàn thành mà không phải chứng minh có hay không việc công chức đã thực hiện hành vi phạm tội hoặc hành vi vi phạm pháp luật để có được tài sản tăng thêm bất hợp pháp ấy.
Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu đề xuất cần đưa hành vi này vào Bộ luật Hình sự, nếu chưa có thể bổ sung ngay vào Bộ luật Hình sự thì hành vi này vẫn còn nhiều căn cứ để xử lý.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Công Hồng tán thành việc nhanh chóng bổ sung vào Bộ luật Hình sự những hành vi tham nhũng mới đã xuất hiện trong xã hội nhằm ngăn chặn, đẩy lùi hành vi tham nhũng đã được Công ước Chống tham nhũng đề cập.
Tuy nhiên, các chế tài xử lý hành vi làm giàu bất chính của pháp luật Việt Nam không đủ răn đe, giáo dục cũng như xử lý triệt để. Luật Phòng, chống tham nhũng quy định người kê khai tài sản không trung thực bị xử lý theo quy định của pháp luật và đối với người ứng cử vào các cơ quan dân cử thì bị xoá tên trong danh sách ứng cử, người được dự kiến bổ nhiệm thì không được bổ nhiệm.
Tại Nghị định 78/2013/NĐ-CP về minh bạch tài sản, thu nhập cũng quy định người có nghĩa vụ kê khai có thể bị áp dụng các hình thức kỷ luật nếu kê khai sai như khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức…
Theo Lê Sơn (Chinhphu.vn)
(Trong ảnh là vụ án tham nhũng tại Ban quản lý dự án đại lộ Đông Tây. Sắp tới, nhiều hành vi tham nhũng mới có thể được đưa vào Bộ luật Hình sự để xử lý, chẳng hạn như  tính bất minh của tài sản tăng thêm mà công chức không lý giải được nguồn gốc...)