“…tham nhũng ngày càng quy mô, nghiêm trọng. Chúng ta “tìm bệnh” đúng rồi, “bốc thuốc” đúng rồi, nhưng bây giờ là ai uống? …” (ông TBT Nguyễn Phú Trọng).
Như chuyện “Tam Quốc Chí” diễn nghĩa bên Tàu, bởi nó lê thê và rối nùi nên người ta nói chuyện dài nhiều hồi, nhiều tập. Bộ 3 ông
Nguyễn Tấn Dũng,
Lê Đức Thúy và
Lương Ngọc Anh lại có mặt ở hồi thứ ba sau nhiều tập của hai hồi trước trong “ma trận hối lộ” của Securency company qua hợp đồng in tiền Polymer cho Việt Nam.
Ba nhân vật chính trong truyện nhiều tập “ tiền Polymer”
Nhưng khác với hai hồi trước đặc trưng nhuộm màu điều tra hình sự với nồng nặc mùi đôla Úc và tiền Polymer, cốt truyện kỳ này lồng vào tình tiết mới cho ướt át nói về “đạo chích” Lương Ngọc Anh “Đại Tá còn đảng còn tiền” và “giai nhân” Elizabeth Masamune nữ viên chức cơ quan xúc tiến thương mại (Austrade) sứ quán Úc tại Việt nam.
Lương Ngọc Anh và “giai nhân” Elizabeth Masamune (ảnh BBC)
Nhiều người biết rồi, nhưng cũng nên khái quát lược lại từ nhiều tập trong hai hồi trước.
Vụ tai tiếng hối lộ của công ty Securency với các quan chức Chính Phủ Việt Nam và nước ngoài trong các thương vụ hoa hồng in tiền Polymer giai đoạn từ 1999 tới 2005 đã bị tờ nhật báo Australia The Age có trụ sở ở Melbourne phát giác từ tháng 5/2009, gây chấn động lớn tại Úc, vì không những ở Việt Nam mà còn có tại Indonesia và Malaysia đã kéo các cơ quan điều tra, an ninh và tư pháp của nước này vào cuộc, trong đó buộc tội một lúc 6 quan chức cao cấp của công ty Securency dính líu vào vụ việc này.
Trong đó có Clifford John Gerathy, người đứng đầu bộ phận kinh doanh của Securency, bị cảnh sát liên bang của Australia cáo buộc đã giúp đưa số tiền 17,2 triệu đô la cho một người môi giới ở Việt Nam, Gerathy đã phải giao nộp hộ chiếu của mình cho Tòa án Melbourne.
Cảnh sát liên bang cũng đưa thêm cáo buộc đối với hai quan chức đã dính vào vụ bê bối này Gerathy, 60 tuổi, là một người bạn của giám đốc điều hành trước đây của Securency là Myles Curtis, người bị câu lưu trước đó củng bị buộc tội tham gia hối lộ để giành được các hợp đồng in tiền ở Việt Nam, Indonesia và Malaysia.
Tờ báo có trụ sở tại Melbourne này đưa ra chi tiết: Việt Nam là nơi mà Securency có thỏa thuận làm ăn lớn nhất tới nay, với một hợp đồng 5 năm để chuyển đổi toàn bộ đồng tiền của quốc gia từ tiền giấy sang polymer Người đóng vai trò trung gian kết nối rất mạnh mẽ trong vụ này là “Đại Tá công an Lương Ngọc Anh” Tổng Giám đốc công ty TNHH Phát triển Công nghệ CFTD, là người đã bị tờ The Age nhiều lần nêu đích danh với cáo buộc đã nhận lót tay nhiều triệu đô-la Úc từ công ty Securency.
Báo này viết: “Các cựu quan chức thương mại và ngoại giao Australia đã xác nhận một cách riêng tư rằng nhân vật môi giới của Securency Lương Ngọc Anh là đại tá ngành an ninh và điều này đã được Đại sứ quán Úc ở Hà Nội biết từ khi cơ quan đại diện thương mại Austrade giới thiệu ông ta và công ty CFTD của ông Anh làm trung gian vào năm 2002”. Và rằng quan chức thương mại Australia đã tiếp xúc với ông tổng cộng 18 lần trước khi giới thiệu ông cho công ty Securency chuyên cung cấp giấy và dịch vụ kỹ thuật in tiền polymer.
Theo luật Úc, việc công ty nước này thuê quan chức nước ngoài làm môi giới có trả tiền bị coi là phạm pháp. Thêm vào đó, Securency còn bị cáo buộc đã chuyển cho “đại tá Lương Ngọc Anh” tới 20 triệu đôla Úc, đa số đó là để hối lộ.
Đổi lại, ông Anh đã giúp Securency thắng hợp đồng khổng lồ in tiền polymer cho Việt Nam. Trong bài báo mới ra, The Age nhắc tới chi tiết mà cũng chính báo này cáo giác trước đó, rằng ông Lương Ngọc Anh “có quan hệ thân cận với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từ hồi ông Dũng còn giữ chức Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khi quan hệ “làm ăn” với Securency mới bắt đầu”. Ông Lương Ngọc Anh cũng bị cáo buộc đã sử dụng một phần trong số tiền môi giới để trả học phí cho con trai của ông Lê Đức Thúy du học ở nước ngoài.
Trong một sự kiện liên quan khác, tờ The Age cho biết tổng số tiền “lại quả” cho ông Lương Ngọc Anh, người được cho là có các liên hệ rất gần gũi với ông Lê Đức Thúy và ông Lê Đức Minh (con trai của ông Thúy) - người đứng đầu một công ty con có liên hệ tới quá trình in tiền polymer, cũng như qua công ty của ông Lương Ngọc Anh, theo The Age, là hơn 12 triệu đô-la Úc. Một phần trong đó, vẫn theo báo này, đã được gửi vào tài khoản ở Thụy Sĩ.
Ông Lê Đức Thúy là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong 8 năm, từ năm 1999. Người tiền nhiệm của ông là đương kim Thủ tướng VN, ông Nguyễn Tấn Dũng. Sau khi ông Thúy thôi chức Thống đốc, Thủ tướng Dũng tiếp tục bổ nhiệm ông, từ tháng 3/2008 tới 05/2011 làm Chủ tịch một cái ủy ban “mới toanh” là Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đến tháng 5/2011 “hạ cánh” nghỉ hưu an toàn.
Báo The Age cho biết phóng sự điều tra của họ đã được cảnh sát sử dụng cho cuộc điều tra liên quốc gia. Chính quyền Indonesia và Malaysia đã hợp tác với cuộc điều tra, trong khi Việt Nam thì không. Tờ báo này nhận xét rằng nhà chức trách Việt Nam vẫn “từ chối hỗ trợ phía Úc trong cuộc điều tra toàn cầu”. Cho tới nay phía Việt Nam nói thông tin trên báo Úc về cáo buộc hối lộ quan chức Việt Nam chỉ có thể được coi là “tin tố giác” chứ không thể dùng làm bằng chứng.
Sự việc tạm lắng trong bế tắc bởi thiếu sự hợp tác tích cực từ phía Việt Nam và (cũng dễ hiểu vì quyền lợi quốc gia) chính Phủ Úc không muốn xé to sự việc.
Trong khi đó, không bỏ cuộc, hai phóng viên người Úc Richard Baker và Nick McKenzie, nhóm nhà báo đầu tiên phát giác về vụ bê bối, tiếp tục công bố cáo buộc bà Elizabeth Masamune viên chức cơ quan xúc tiến thương mại (Austrade) sứ quán Úc tại Việt nam có quan hệ “thân mật” với ông Lương Ngọc Anh, người bị nghi có thể nhận hối lộ lên tới 20 triệu đôla Úc.
Bà Elizabeth Masamune
Theo tờ The Age và The Sydney Morning Herald đăng hôm 13/8 cho biết vào đầu thập niên 2000, khi đến Hà Nội làm việc trong vị trí tùy viên cao cấp của Austrade, cơ quan thương mại thuộc chính phủ Úc, bà Elizabeth Masamune đã quen ông Lương Ngọc Anh. Vào thời điểm đó, ông Anh đang làm việc với công ty in tiền Securency nhằm giúp giành được hợp đồng in tiền polymer cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Năm ngoái, vị đại tá công an này bị công tố viên và cảnh sát liên bang Úc cáo buộc tại tòa rằng đã nhận đến tối đa 20 triệu đôla Úc tiền hối lộ của Securency. Hai phóng viên điều tra người Úc dẫn các nguồn ngoại giao giấu tên “xác nhận trong khi bà Masamune khuyến khích Securency trả những khoản đáng kể cho Đại tá Lương Ngọc Anh để nhờ giúp giành hợp đồng, bà cũng có quan hệ tình cảm với ông này”. Theo tờ báo, bà không tường trình mối quan hệ riêng tư này cho Bộ Ngoại giao cũng như cơ quan tình báo Úc.
Tờ báo Úc nói khi đó, bà Masamune là viên chức thương mại cao cấp nhất của Úc ở Việt Nam, có quyền được tiếp cận các thông tin mật của chính phủ Úc.
Phó Lãnh đạo đảng đối lập Úc, Julie Bishop, tuyên bố sẽ yêu cầu Bộ trưởng Thương mại Úc giải trình về những cáo buộc liên quan bà Masamune.
“Vì những cáo buộc nghiêm trọng này, chính phủ cần phải biết thật đầy đủ là họ đã biết những gì” bà Bishop nói.
Từ khi vụ bê bối hối lộ bị tờ The Age khui ra năm 2009, cảnh sát liên bang Úc vào cuộc nhưng chỉ điều tra cáo buộc liên quan các lãnh đạo công ty Securency và Note Printing Australia. Riêng vai trò của các cơ quan chính phủ liên quan trong vụ bê bối này không được chính thức điều tra.
Tờ báo Úc cho biết khi được họ liên lạc, bà Elizabeth Masamune không đưa ra bình luận nào. Hiện bà vẫn làm việc cho Austrade, phụ trách thị trường Đông Á, gồm những nước như Trung Quốc, Việt Nam, từ tháng Mười 2011.
Đây không phải là lần đầu tiên tờ The Age đưa ra cáo buộc với bà Masamune. Cuối năm ngoái, tờ này đã cáo buộc bà biết về mối liên hệ giữa Securency và người môi giới tại Việt Nam, Đại tá Lương Ngọc Anh ngay từ năm 2001.
Điều tra khi ấy của hai phóng viên tờ The Age nói rằng ngay từ năm 2001, Securency nói với bà Elizabeth Masamune rằng công ty của ông Lương Ngọc Anh, một đại tá công an, sẽ là “hộp thư” giữa Securency (thuộc Ngân hàng Quốc gia Úc) và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
The báo Age nói họ có trong tay email trao đổi giữa bà Masamune và cựu giám đốc của Securency, Cliff Gerathy.
Tháng Giêng 2001, theo tờ báo, bà Masamune nói với ông Gerathy rằng bà "sẽ liên lạc với Anh (Đại tá Lương Ngọc Anh) và bàn tiếp về những lá thư mà anh ta cần viết gửi ông, liên quan những vấn đề tài chính khác."
Hai tháng sau, ông Gerathy gửi email cho bà Masamune nói: "Trong trường hợp Việt Nam, chúng tôi đang làm nhiều hơn so với ở bất kỳ nước nào khác, đặc biệt là về cam kết tài chính, mà chúng tôi xem là sự đầu tư."
Bà Masamune cũng được gửi cho xem các email về kế hoạch của Đại tá Lương Ngọc Anh đi Úc tháng Ba 2001 để “thảo luận và ký văn bản bổ sung về việc ủy nhiệm cho CFTD”.
Theo tờ báo, bà Masamune nói với ông Gerathy rằng bà sẽ vận động Bộ Di trú để cấp visa “siêu nhanh” cho ông Ngọc Anh.
Trong bài mới nhất hôm 13/8/2012, tờ The Age nói bà Masamune giúp dàn xếp một chuyến đi Mỹ cho ông Lương Ngọc Anh và các viên chức Việt Nam, chi phí do phía Securency đài thọ.
Cơ quan xúc tiến thương mại Úc buộc phải kiểm tra an ninh toàn diện sau cáo buộc một viên chức của họ có quan hệ tình ái bí mật với đại tá công an Việt Nam trong nghi án hối lộ tiền polymer.
Sau cáo buộc này, văn phòng Bộ trưởng Thương mại Úc Craig Emerson cho biết quy chế tiếp cận thông tin mật của bà Masamune đang được xem lại.
Bộ trưởng Thương mại Úc chỉ mới được Austrade thông báo về quan hệ tình cảm cũ của bà và ý nghĩa an ninh của vụ việc cũng vào thứ Sáu tuần trước.
Tờ báo Úc nói các quan chức cao cấp của Austrade đã biết về quan hệ của bà với Đại tá Lương Ngọc Anh “suốt nhiều tháng qua”.
Người phát ngôn cho Bộ trưởng Emerson nói: “Đang có các thủ tục tòa án và việc xem xét quy chế an ninh của bà Masamune, nên bộ trưởng không thể có bình luận trước.”
Nhưng người này cho biết: “Giám đốc hiện nay của Austrade… đã làm việc với bộ trưởng về việc kiểm tra đầy đủ với Austrade các sự việc, “Giám đốc của Austrade đã yêu cầu nguồn độc lập xem xét lại an ninh tại Austrade từ năm 2010, và các khuyến nghị đang được thực hiện.”
Trong bài báo mới nhất hôm 14/8, tờ The Age còn nói họ “tin rằng còn có những công ty lớn khác của Úc đã sử dụng hoặc từng nghĩ đến việc sử dụng Đại tá Lương Ngọc Anh làm người trung gian giúp giành các hợp đồng ở Việt Nam”.
Tới đây thì chi tiết sự cộng tác của “giai nhân và đạo chích giang hồ” chắc phải đợi thông tin tập kế tiếp.
Đáng bàn là việc nổi cộm, ba nhân vật, một sĩ quan công an một viên chức cao cấp và Thủ tướng nhà nước Việt Nam bị báo chí truyền thông Úc lôi lên mặt báo liên quan hối lộ tham nhũng như vậy trong nhiều tập nhiều hồi như lột “trần truồng” với quốc tế mà Quốc Hội Việt Nam thì “im re” không thấy yêu cầu điều tra hay tối thiểu là đề nghị phải ra điều trần sự việc trước QH, gián tiếp với nhân dân? vì Thủ Tướng là ĐB/QH người đứng đầu nhà Nước.
Còn Bộ Công an thì vui hơn nữa, trong khi vụ việc cũng giống như vậy thì 2 quốc gia Indonesia và Malaysia hợp tác với Úc điều tra tới nơi tới chốn, thủ phạm bị trừng phạt, thì Việt Nam cũng được cơ quan điều tra nước bạn cung cấp thông tin truyền thông và chi tiết “tố giác” nhân viên mình liên quan hối lộ tham nhũng nghiêm trọng lại bình thân an tọa còn như rung đùi tuyên bố“đó là tin tố giác chứ không phải là bằng chứng”!? Trong khi Việt Nam đang nằm gần cuối bảng của “Tổ chức Minh Bạch quốc tế” đánh giá là quốc gia tham nhũng đáng sợ trong khối Asean, Châu Á và chính Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương chống tham nhũng trong nước lại đang kêu gọi khuyến khích người dân kiên trì “tố giác” những hành vi tham nhũng!?.
Nếu nói như ngài TBT Nguyễn Phú Trọng tham nhũng ngày nay như một thứ “bệnh” mà “nhà nước, đảng ta” được cơ quan điều tra nước bạn có nhiều uy tín cung cấp miễn phí kết quả việc chẩn đoán chỉ đích danh “loại bệnh và con bệnh” thì liệu tại thời điểm này đồng bào nhân dân Việt Nam có tin được lời ngài phán công khai với truyền thông công luận gần đây:
Ngày 30/6/2012, Tổng Bí thư (TBT) Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội đã tiếp xúc đông đảo cử tri quận Tây Hồ-Hà Nội, Trước các ý kiến đề cập đến công tác chống tham nhũng – một trong những vấn đề được đông đảo cử tri cả nước quan tâm, ông Nguyễn Phú Trọng đã trao đổi thẳng thắn về tinh thần chống tham nhũng, phải nhìn thẳng vào sự thật và công khai sự thật: “Giờ tham nhũng ngày càng quy mô, nghiêm trọng, chúng ta đã bắt được bệnh, đã bốc thuốc, giờ phải lo uống thuốc cho đủ, đúng liều, đúng như các cử tri nói rằng “tìm bệnh” đúng rồi, “bốc thuốc” đúng rồi nhưng bây giờ là ai uống? Tôi không nói là ai uống mà tôi chỉ nói là có chịu uống không, uống có đúng liều không, chứ còn ai có bệnh thì phải uống: “Bệnh nặng thì phải uống liều cao lên”. (
www. baomoi. com).
Công luận hy vọng không bao giờ còn thấy trên mặt báo câu nói bất hủ… “Vụ việc xét thấy không cần thiết phải kỷ luật một ai ” dù “có công” làm biến mất vài tỷ đôla như thời gian vừa qua.
Người ta nói: Không biết những con bệnh “tham nhũng” đó “phải điều trị” thuốc nặng cỡ nào cho khỏi bệnh.
Những tuổi thơ bất hạnh trong bệnh viện
Có tới vài trăm em thiếu nhi cơ nhỡ nghèo khó trong cả nước đang nằm viện, nhưng không đủ tiền để trang trải việc “giải phẫu bệnh tim bẩm sinh”. Khi các em nằm thoi thóp chờ đợi từng ngày vào những tấm lòng hảo tâm từ xã hội thì số tiến gần 20 triệu USD “hoa hồng” (thực ra là mồ hôi nước mắt của nhân dân) “lại quả” từ in tiền Polymer ấy sẽ đủ để giành lấy các em từ tay “tử thần” về lại với thiên đàng tuổi thơ của các em cùng đồng bào chúng ta.
Xã hội XHCN ơi! sao đau khổ thế này - Rời bàn phím với một tiếng thở dài.