THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

19 August 2012

Thực trạng ngược đời tại Việt Nam: Xây nhà máy điện nguyên tử!



Nhật Bản đang tìm cách nhanh chóng tháo bỏ các nhà máy điện nguyên tử - Thực trạng ngược đời xảy ra tại Việt Nam: Xây nhà máy điện nguyên tử!

Nguyễn Hùng, Trần Hoài Nam (Danlambao) - Thảm họa Chernobyl cách đây 26 năm đã gây thương vong cho hằng trăm ngàn người dân Nga tại Ukraine, gây ô nhiểm phóng xạ cho hằng triệu người dân Sô Viết trong nhiều chục năm và kéo dài qua nhiều thế hệ, làm kiệt quệ và gây thiệt hại rất nhiều cho nền kinh tế của Liên Bang Sô Viết và nước Nga sau đó.

Các tập đoàn điện hạt nhân của các nước thuộc thế giới tự do cho rằng thảm họa hạt nhân tại Chernobyl là do hệ quả của chế độ độc tài, tham nhũng và vô trách nhiệm đối với sinh mạng con người. Tại các nước tiên tiến, với trình độ khoa học kỹ thuật nguyên tử và điều kiện kiểm soát an toàn rất cao và chặt chẽ của chính phủ đối với các nhà máy điện hạt nhân, cùng với sự minh bạch của chế độ chính trị tự do dân chủ, người ta tin rằng nhà máy điện hạt nhân là rất an toàn. Trong số các nước sử dụng điện hạt nhân nầy, Nhật Bản là nước duy nhất trên thế giới đã từng hứng chịu 2 quả bom nguyên tử vào năm 1945. Là quốc gia đã từng bị thảm họa hạt nhân với hằng trăm ngàn người bị chết và bị nhiểm phóng xạ từ hai quả bom nguyên tử, dân tộc Nhật Bản còn có truyền thống kỷ luật cao, nên người dân Nhật Bản và ngay cả dân chúng các nước khác đều tin tưởng vào các tập đoàn điện hạt nhân của Nhật Bản, và cứ tin rằng các tập đoàn điện hạt nhân rất quan tâm đến an toàn tại các nhà máy điện, và ngành điện hạt nhân tại Nhật là tuyệt đối an toàn.

Nhưng thảm họa nổ bốn lò phản ứng hạt nhân tại Fukushima sau trận động đất và sóng thần vào tháng 03 năm 2011 tại khu vực nhà máy điện hạt nhân Fukushima vùng Đông Bắc Nhật Bản đã đánh đổ tất cả các huyền thoại về tính an toàn tuyệt đối của điện nguyên tử tại tất cả các nước trên thế giới, không phân biệt thể chế chính trị. Một khi tai nạn lò phản ứng nguyên tử đã xảy ra tại Nhật Bản thì thảm họa hạt nhân xuất phát từ các nhà máy điện hạt nhân chắc chắn sẽ xảy ra tại các nhà máy điện hạt nhân khác trên thế giới dù cho nó có thuộc thế hệ nào: 1, 2, 3 hay mới nhất là thế hệ 4. Vấn đề là không sớm thì muộn, thảm họa hạt nhân sẽ gây ra rất khủng khiếp, hay nếu nhẹ thì cũng gây tai nạn rò rỉ phóng xạ cục bộ.
Với tinh thần kỷ luật và truyền thống thượng tôn pháp luật tại Nhật Bản được toàn thế giới ngưỡng mộ và học hỏi, với trình độ khoa học kỹ thuật tiên tiến bậc nhất nhì thế giới, chính phủ Nhật và các tập đoàn điện hạt nhân tại Nhật cũng không thể bảo đảm sự an toàn tuyệt đối và thảm họa hạt nhân đã xảy ra. Sau khi xảy ra thảm họa, với hệ thống cấp cứu thảm họa rất tiên tiến, Nhật cũng không thể nào chống đỡ nổi. May mắn cho hơn 30 triệu người dân tại thành phố Tokyo và các vùng phụ cận, và cũng may mắn cho cả nước Nhật, thảm họa hạt nhân Fukushima được bước đầu kiểm soát và tạm thời tránh được một thảm họa hạt nhân kinh hoàng hơn thảm hoạ Chernobyl, đó là nhờ tinh thần hy sinh “vỏ sĩ đạo Nhật” của một số công nhân viên của nhà máy- những người hùng giấu mặt, đã hy sinh mạng sống, quyết tâm bám trụ làm nguội thành công các lò phản ứng hạt nhân bị nóng chảy và các hồ giãi nhiệt chứa nhiều ngàn thanh nhiên liệu hạt nhân, với mỗi thanh nhiên liệu là một quả bom nguyên tử có sức mạnh tương đương hoặc mạnh hơn hai trái bom nguyên tử đã thả xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật trong Thế Chiến Thứ Hai.

Qua thảm họa hạt nhân tại Nhật Bản, một số nước, đặc biệt các nước tại Âu Châu, trước đó đã có kế hoạch cắt bỏ điện hạt nhân, nay đã vội vàng gia tăng tốc độ loại bỏ điện hạt nhân hoàn toàn trong một thời gian ngắn có thể được. Tại Nhật Bản, tuyệt đại đa số dân chúng Nhật Bản không còn tin các tập đoàn điện hạt nhân, nhóm lợi ích “làng hạt nhân”, quyết liệt đòi hỏi chính quyền không cho khởi động lại trên 50 nhà máy điện hạt nhân đang ngưng hoạt động, và yêu cầu ngừng vĩnh viễn điện hạt nhân trên cả nước Nhật. Chính phủ Nhật nay đang có kế hoạch loại bỏ điện hạt nhân với chỉ tiêu đến khoảng năm 2030 sẽ không còn nhà máy điện hạt nhân nào tại Nhật Bản; nhưng dân chúng Nhật đang quyết liệt phản đối kế hoạch này và yêu cầu ngừng sớm hơn. Hằng trăm ngàn dân chúng Nhật Bản đã thường xuyên mỗi tuần xuống đường biểu tình chống điện hạt nhân. 

Với nước Nga, tập đoàn duy nhất điện hạt nhân nhà nước Rosatom - tập đoàn đang vận động xuất khẩu nhà máy điện hạt nhân sang Việt Nam - đã và đang là một tập đoàn đầy tai tiếng, bị cáo giác là một tập đoàn xã hội đen (mafia) điện hạt nhân. Ngoài thảm họa hạt nhân Chernobyl mà họ không thể che dấu được với công luận quốc tế vì tính cách nghiêm trọng của thảm họa này, nhiều tai nạn rò rỉ phóng xạ lớn nhỏ đã thường xuyên xảy ra tại đa số nhà máy điện hạt nhân tại Nga không được nhà máy, công ty Rosatom, và chánh quyền Nga thông báo. Nhiều làng mạc tiếp tục bị ô nhiểm phóng xạ nặng nề nhưng tập đoàn nhà nước Rosatom nào có quan tâm, dân chúng Nga tại những khu vực bị nhiễm xạ bị chính quyền Nga quên lãng và phải tiếp tục sống chung với môi trường ô nhiểm phóng xạ chết người.Tệ hại hơn là thiết bị lò phản ứng hạt nhân của tập đoàn Rosatom cung cấp cho các nhà máy điện hạt nhân, kể cả trong nước Nga và các nước khác, đều không đảm bảo chất lượng; bởi lẽ lãnh đạo Rosatom đã cùng nhau cấu kết ăn chận rút ruột, tráo đổi vật liệu dùng chế tạo thiết bị của các lò phản ứng hạch tâm. Việc làm vô nhân đạo này cần phải bị lên án trước công luận thế giới, vì khi thảm họa hạt nhân xảy ra thì không chỉ khu vực chung quanh nhà máy bị thiệt hại mà một vùng rộng lớn sẽ bị nhiểm phóng xạ, ảnh hưởng đến dân chúng khắp nơi trên thế giới, kéo dài hằng chục, đến hằng trăm năm, qua nhiều thế hệ.

Nhiều nước trên thế giới: những nước chưa nhúng chân vô điện hạt nhân thì nay đã từ bỏ ý định. Những nước đã lở có nhà máy điện nguyên tử thì đang quyết tâm dẹp bỏ các nhà máy họ đang có. Các nước này đã và đang tốn hằng chục, hằng trăm tỷ USD cho công việc tháo bỏ, tẩy trừ ô nhiểm phóng xạ, tìm nơi thích hợp chôn chứa những vật liệu và cơ phận bị nhiểm phóng xạ mà cần phải được tồn trữ cách ly trong nhiều trăm năm, nếu không nói là nhiều ngàn nhiều chục ngàn năm! Ngay đến các nước tiên tiến đang dùng điện hạt nhân, họ cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm đủ nơi thích hợp tại nước họ có thể chứa hằng ngàn tấn nhiên liệu hạt nhân phế thải trong thời gian dài hằng trăm, hằng ngàn năm. Nếu nhà máy điện hạt nhân hoạt động tại Việt Nam thì nơi nào trên dãi đất nhỏ hẹp này đủ an toàn đề tồn trữ hằng ngàn tấn nhiên liệu phế thải trong thời gian hằng ngàn năm, nếu không nói hằng chục ngàn năm?

Không lường trước những hệ quả vô cùng khủng khiếp của điện hạt nhân về lâu dài cho người dân sống trong vùng rộng lớn xung quanh nhà máy điện hạt nhân, cho môi trường và xã hội, Việt Nam đã vội vã nhảy vào thế giới điện hạt nhân với tư duy “đại nhảy vọt”, “đi trước đón đầu” kỹ thuật hạt nhân tân tiến của thế giới trong khi trình độ kỹ thuật, thực lực về trí tuệ, nguồn nhân lực chuyên môn lại chưa có, tham nhũng tràn lan trong tất cả các tập đoàn nhà nước và ngay cả tập đoàn EVN, tập đoàn đang cổ vũ cho điện hạt nhân, đã và đang bị nhiều tai tiếng tham nhũngtrong ban lãnh đạo EVN và bê bối trong các công trình xây dựng các nhà máy thủy điện, một bắng chứng mới nhất là đập thủy điện Sông Tranh bị nứt trầm trọng chỉ một vài năm sau khi hoàn tất. Các quan chức Việt Nam đã bị các đại công ty Nga Nhật, các nhóm lợi ích hạt nhân khuyến dụ, tâng bốc và mê hoặc với số tiền cho vay hàng chục tỷ Đôla với điều kiện “dễ dàng” đầy ưu đãi. Lãnh đạo đảng và nhà nước không quan tâm đến những khuyên can của nhiềuchuyên gia hạt nhân uy tín và kinh nghiệm về điện hạt nhân tại trong và ngoài nước. Năm 2009 lãnh đạo Đảng và nhà nước cùng Quốc hội Việt Nam đã vội vàng quyết định xây nhà máy điện hạt nhân nhiều nơi trên lãnh thổ Việt Nam. Quyết định xây nhà máy điện hạt nhân đang đẩy cả nước vào thảm họa hạt nhân có thể nhìn thấy trước.

Sau thảm họa hạt nhân tại Fukushima Nhật Bản, tháng Ba năm 2011, tập đoàn điện hạt nhân TEPCO đã phải ngậm ngùi quyết định từ bỏ một kế hoạch béo bở trị giá hơn 10 tỷ USD xây nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam; tiếp theo tin tập đoàn điện hạt nhân Rosatom bị đổ bể về các vụ rút ruột, tráo đổi vật liệu chế tạo các lò phản ứng cung cấp cho các nhà máy điện hạt nhân,tham nhũng nhiều tỷ Rubles trong dự án xây nhà máy điện nguyên tử nổi đầu tiên tại chính Nước Nga; toàn dân cùng các nhân sĩ, trí thức, chuyên gia hạt nhân trong ngoài nước đặt nhiều kỳ vọng lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam sớm xét lại và sáng suốt đưa ra quyết định ngưng toàn bộ những dự án xây nhà máy điện hạt nhân, không những tại Ninh Thuận mà trên toàn cỏi Việt Nam, nhanh chóng trở lại sản xuất điện bằng những kỹ thuật phi hạt nhân, dùng nguồn tài nguyên dầu khí sẳn có cùng với các dạng năng lượng tái tạo: nắng, gió, thủy triều, sinh học v.v...

Cả nước rất vui như mở hội khi được tin báo kết quả khảo sát địa chất tại khu vực dự trù cho xây nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận phát hiện nhiều vết nứt có thể gây nguy hiểm nếu xây nhà máy điện hạt nhân tại đây. Và như vậy là Đảng và Nhà nước lại có thêm dữ kiện đầy thuyết phục để nhanh chóng quyết định dứt khoát từ bỏ ảo tưởng điện hạt nhân tại Việt Nam.

Thêm vào đó, tình trạng đào tạo nhân sự đang đi vào ngỏ cụt và chắc chắn sẽ bị bế tắc. Số học sinh, sinh viên xung phong tham gia các chương trình đào tạo hạt nhân tại Nga không được baonhiêu; sau hai năm chỉ chiêu dụ được vài chục học sinh, mặc dầu được khuyến khích với nhiều ưu đãi và đặc ân. Nói chung, thanh niên Viêt Nam đã biết và thường xuyên tiếp cận các nguồn thông tin về thảm họa điện hạt nhân, nên rất lo sợ bản thân, người thân và xã hội sẽ là nạn nhân trực tiếp của thảm họa hạt nhân xảy ra với nhà máy điện hạt nhân. Thanh niên Việt Nam đã nói không với điện hạt nhân bằng khối óc, bằng tấm lòng và chứng minh với hành động tẩy chay không tham gia chương trình huấn luyện làm việc với điện hạt nhân. Như vậy thì bao nhiêu năm nữa mới có đủ chuyên viên, kỹ thuật viên nếu dự án điện hạt nhân vẫn bị ép thực hiện bằng mọi giá?

Thật rất ngạc nhiên, nếu không nói là rất bất bình và rất phẫn nộ khi được tin cho biết trong phiên họp mới đây của Ban chỉ đạo dự án, ngày 9-08-2012, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhânvẫn cố chấp:
Bịt mắt - không thấy thảm họa Fukushima tại Nhật Bản, các cuộc biểu tình chống điện hạt nhân hằng tuần của hằng trăm ngàn người dân Nhật vừa may mắn thoát khỏi địa ngục phóng xạ hạt nhân Fukushima;
Bịt tai - không nghe lời can ngăn của dân chúng và nhân sĩ trí thức trong ngoài nước, lời ta thán của hằng trăm ngàn người dân Nhật bị nhiểm phóng xạ từ thảm họa nổ lò phản ứng hạt nhân Fukushima; miệng nói oang oang - bằng mọi giá thúc đẩy việc đào tạo nhân lực cho dự án điện hạt nhân, trong khi đại đa số các nước trên thế giới đều lánh xa điện hạt nhân.
Trong khi nhân lực cần để đào tạo làm chuyên viên, kỷ thuật viên chỉ đếm được trên các ngón tay, nhà nước lại tiếp tục lãng phí hằng ngàn tỷ, đưa nào là cán bộ (hằng trăm cho mỗi đợt, nhiều hơn số người chính thức đi học nghề) lũ lượt đi Nga, Hungary… “bồi dưỡng ngắn hạn” để nâng cao kiến thức về năng lượng nguyện tử (?), nào là cán bộ đi “đào tạo ngắn hạn” làm giảng viên (?) vận hành nhà máy điện nguyên tử!!!
Giáo sư Phạm Duy Hiển, chuyên gia hàng đầu về nguyên tử của Việt Nam đã bộc bạch trong lần phỏng vấn của báo Phụ Nữ Today ngày 06/06/2012:
"Chuyên gia là phải tự học, phải lăn lộn suốt ngày với công việc chuyên môn, máy móc thiết bị, phải thường xuyên làm việc với các đồng nghiệp quốc tế. Nhiều khi lại phải sống trong “tháp ngà” để tu luyện. ...

Để vận hành một lò phản ứng như của Nga, phải cần ít nhất là 300 hoặc 400 người, trong đó phải có những người đứng đầu biết xử lý mọi tình huống, tức phải là những người có kinh nghiệm. Trước đó lại cần rất nhiều chuyên gia biết thẩm định dự án và giám sát thi công. Rồi phải có nhiều người có kinh nghiệm khác ở các cơ quan pháp quy độc lập với nhà máy. Họ phải làm trong nghề ít nhất 10 năm sau khi tốt nghiệp đại học. Hiện Việt Nam chưa có những người như vậy.

Về chuyện đào tạo trong nước, tuy Chính phủ đã chuẩn chi 3 ngàn tỷ đồng cho dự án này nhưng ai sẽ làm thầy? Trong thế hệ “trẻ” hiện nay chưa ai từng kinh qua những trường đào tạo về hạt nhân nghiêm chỉnh, những chuyến xuất ngoại vài ba tuần lễ chỉ đủ để cưỡi ngựa xem hoa. Vậy làm sao họ có thể đào tạo các chuyên gia ĐHN? Mà trong chương trình lại thấy đào tạo cả thạc sỹ, tiến sỹ nữa? Liệu trong nhà máy ĐHN sau này có chỗ ngồi nào cho các vị cân đai áo mão này?"

Không những thế, trong khi nước Nhật đang có kế hoạch nhanh chóng loại bỏ hoàn toàn điện hạt nhân để bảo vệ cho dân chúng và nước Nhật không còn bị thảm họa hạt nhân, chính phủ Việt Nam lại trơ trơ lội ngược dòng: mời và hợp tác với chính phủ Nhật để họ giúp “xây dựng cơ chế bồi thường tai nạn hạt nhân” cho Việt Nam!. Trong khi ngay tại Nhật Bản, chi phí bồi thường gây ra bởi thảm họa hạt nhân Fukushima chỉ mới bước đầu, tính đến tháng 4/2013, đã lên đến khoảng 30 tỷ USD bồi thường về vật chất, nhà cửa, công ăn việc làm của người dân còn sống sót sau thảm họa; còn về số người bị thương vong hay qua đời, chi phí khử độc ô nhiểm phóng xạ môi trường trên vùng đất, biển, rộng lớn kéo dài vài chục năm sẽ lên đến con số vài trăm tỷ USD hay nhiều hơn mà không thể tính toán trước được! Thử hỏi trong tương lai Việt Nam có khả năng tài chánh gì để bồi thường một khi thảm họa hạt nhân xảy ra?

Đảng, Nhà nước và Quốc hội Việt Nam cần phải thật sáng suốt xét lại các quyết định về xây nhà máy điện hạt nhân. Nền kinh Nhật Bản đang khốn đốn vì thảm họa hạt nhân tại Fukushima với hậu quả kéo dài nhiều chục năm, nhiều trăm năm; đa số người dân Nhật Bản cực lực phản đốiđiện hạt nhân và đòi chính phủ Nhật Bản phải nhanh chóng đoạn tuyệt với điện hạt nhân; và hiện chính phủ Nhật đang gấp rút tiền hành kế hoạch giãi trừ toàn bộ điện hạt nhân trong một thời gian càng nhanh càng tốt để bảo vệ dân chúng và đất nước Nhật; để nước Nhật không bị thêm một thảm họa hạt nhân tương tự như thảm họa Fukushima. Do đó không vì bất cứ lý do gì mà Đảng, Nhà nước và Quốc hội Việt Nam lại tiếp tục cố chấp, độc đoán, xem như không có chuyện gì xảy ra theo quan điểm “sai đâu sửa đó, học tập rút kinh nghiệm”, tiếp tục bịt mắt bịt tai, tiếp tục lãng phí nguyên khí của quốc gia cho một dự án sẽ mang lại khổ nạn cho dân Việt không những cho thế hệ này mà còn di hại cho các thế hệ con cháu mai sau, phải hứng chịu đại nạn ô nhiểm phóng xạ và thảm họa hạt nhân.

Việc Đảng, Nhà nước và Quốc hội vẫn không sớm ngưng dự án điện hạt nhân, vẫn cố chấp giao cho tập đoàn điện hạt nhân nhà nước Rosatom - với đầy tai tiếng tham nhũng và gian dối - tiến hành, là hành động có tội - hại dân hại nước - đối với toàn dân và tổ quốc Việt Nam, và nhất định phải bị lên án gắt gao trước công luận trong và ngoài nước.

Đảng, Nhà nước và Quốc hội Việt Nam luôn tự hào là đầy tớ của dân, luôn luôn tuyên bố lo lắng cho sự an nguy của toàn dân, yêu quí và bảo vệ đất nước; để chứng minh được điều này, lãnh đạo Đảng phải có hùng tâm, biết phục thiện, biết sửa sai, hãy học tập và noi gương các nước tiến bộ trên thế giới, HÃY HỦY NGAY DỰ ÁN XÂY DỰNG NHÀ MÁY ĐIỆN NGUYÊN TỬ!

Ngày 18 tháng 08 năm 2012



________________________________________

Phụ lục tài liệu tham khảo: