Bão số 5 đổ bộ đã làm 5 người chết, 3 người bị thương, hàng ngàn ngôi nhà bị tốc mái, hư hại. Hà Nội lại ngập lụt nghiêm trọng trên diện rộng.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư hôm qua 18.8 đã phát đi bản tin cuối cùng về cơn bão số 5. Theo đó, sau khi đổ bộ vào địa phận tỉnh Quảng Ninh bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, tiếp tục đi sâu vào đất liền, suy yếu thành một vùng thấp rồi tan dần.
Đường phố Hà Nội ngập sâu trong nước - Ảnh: Ngọc Thắng |
Bão đã gây ra một đợt mưa to đến rất to tại Bắc bộ. Tổng lượng mưa đo được phổ biến trong khoảng từ 70-100 mm, một số nơi có mưa lớn hơn như Việt Trì (Phú Thọ) 185 mm, Tam Đảo (Vĩnh Phúc) 187 mm, Đại Từ (Thái Nguyên) 127 mm, Sơn Tây (Hà Nội) 159 mm. Tại Móng Cái (Quảng Ninh) có gió mạnh 16 m/giây (cấp 7), giật 25 m/giây (cấp 10); trên đảo Cô Tô gió mạnh 15 m/giây (cấp 7), giật 25 m/giây (cấp 10); Lạng Sơn 12 m/giây (cấp 6), giật 20 m/giây (cấp 8)... Hoàn lưu của bão sẽ tiếp tục gây mưa vừa, mưa to tại các tỉnh Bắc bộ.
Tại Hà Nội, những cơn mưa lớn liên tục trút nước từ tối 17.8 đến sáng qua đã gây ngập úng nghiêm trọng. Hàng loạt các tuyến đường, tuyến phố trên địa bàn thủ đô, như: Nguyễn Khuyến, Khuất Duy Tiến, Trương Định, Nguyễn Xiển, Thái Hà, Thái Thịnh... ngập sâu từ 0,3 - 0,4 m, gây ách tắc giao thông nghiêm trọng. Hình ảnh của trận ngập lụt nghiêm trọng xảy ra vào năm 2008 đã tái hiện tại nhiều nơi. Trên đường Trương Định, người dân phải dùng thuyền để vận chuyển hàng hóa và người qua những đoạn nước ngập sâu. Trên đường Tả Thanh Oai (H.Thanh Trì), nước sông Nhuệ dâng cao đã nhấn chìm nhiều đoạn đường, người dân đã phải trả cho những người chạy xe lam chở xe máy qua đoạn ngập với giá 20.000 đồng/lượt. Giá rau xanh, thực phẩm bày bán ở các chợ dân sinh tăng đột biến, có nơi tăng đến 30 - 50%.
Tổng hợp của PV Thanh Niên từ Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư và các địa phương, tính đến tối hôm qua, bão số 5 đã làm ít nhất 11 người chết, 2 người mất tích và 7 người bị thương. Ngoài 1 tài xế taxi Mai Linh bị cây đổ đè chết trên phố Lò Đúc (Hà Nội), tại Bắc Ninh, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Sơn La, Lào Cai và Bắc Giang bước đầu xác định có 10 người chết vì sạt lở đất, lũ cuốn và điện giật...
Có nơi, người dân Hà Nội phải dùng thuyền tự chế để đi lại - Ảnh: Ngọc Thắng |
Cụ thể, mưa to gió lớn đã xô đổ cây, làm đứt dây điện tại P.Chiềng Sinh (TP.Sơn La), điện rò rỉ giật chết 2 người dân ở gần đó. Tại xã Tân Sơn (H.Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang), đã xảy ra một vụ sạt lở đất nghiêm trọng. Hàng trăm mét khối đất đá từ trên đồi đổ ập xuống ngôi nhà của gia đình ông Giáp Văn Tăng làm bà Giáp Thị Khan, vợ ông Tăng bị vùi lấp và tử vong trong đống đổ nát, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy xác; ngoài ra còn 1 người khác tử vong. Tại Lào Cai, cháu Giàng Thị Dờ, dân tộc Mông ở thôn Hầu Chư Ngài, xã Hầu Thào, H.Sa Pa chết vì bị lũ cuốn trôi. Cũng tại Lào Cai, có 12 ngôi nhà bị hư hại, đường từ Lào Cai đi Văn Bàn bị ngập sâu 1 - 1,5 m, tuyến Lào Cai - Sa Pa sạt lở 3 điểm.
Trong khi đó, tại Yên Bái, giông lốc đã làm trên 1.300 ngôi nhà bị tốc mái và sập; 3 người chết. Tại Tuyên Quang, thiệt hại nặng nhất là H.Hàm Yên, với 32 ngôi nhà của các hộ dân bị tốc mái, 3 cột điện bị gãy đổ, 1 nhà văn hóa thôn và 1 phòng học bị sập đổ. Mưa bão cũng đã làm hàng chục héc ta lúa, hoa màu bị ngập úng, 25 hộ dân sống ở ven suối xã Kháng Nhật và Sơn Nam (H.Sơn Dương) phải sơ tán khẩn cấp do có nguy cơ bị sạt lở… Tại Bắc Ninh có 1 người chết, Vĩnh Phúc 1 người chết.
Ở Quảng Ninh, lực lượng cứu hộ cứu nạn đã dùng xuồng cao tốc tiếp cận và neo đậu an toàn 22 bè mảng với 50 người bị cuốn trôi ra Cửa Đạt.
Theo Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, trong ngày, tàu SAR 273 đã lên đường tìm kiếm cứu nạn tàu cá QB 92760 với 6 lao động của Quảng Bình bị hỏng máy thả trôi, không liên lạc được tại khu vực cách bờ biển đèo Ngang (Hà Tĩnh) khoảng 65 hải lý về hướng đông bắc.
Thành lập BCH phòng chống lụt bão ở tất cả trường học
Ngày 18.8, ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở GD-ĐT An Giang, cho biết để đảm bảo an toàn cho học sinh trong mùa lũ năm nay, Sở vừa chỉ đạo phòng giáo dục các huyện, thị trong tỉnh thành lập Ban Chỉ huy (BCH) phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn ở tất cả trường học trên địa bàn. Đối với các huyện đầu nguồn bị ảnh hưởng nặng bởi lũ như An Phú, Tân Châu, Tịnh Biên và TX.Châu Đốc, BCH phải chủ động phối hợp với các ngành, đoàn thể địa phương đưa rước học sinh vùng bị ngập. Riêng đối với trẻ nhỏ, An Giang cũng tổ chức 50 điểm giữ trẻ mùa lũ, với khoảng 1.400 em được trông giữ.
Tú Uyên
|
Quang Duẩn