THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

07 October 2013

‘Made in China’ là hiểm họa tiêu dùng!

SỐNG MỚI -  06/10/2013 

Có thể nói, công nghệ “cắt gọt” chi phí bằng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng chính là sản phẩm công nghiệp sáng tạo nhất của Trung Quốc.
Ảnh minh họa: Korea Times
Theo báo cáo của hải quan các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), chỉ tính riêng năm 2011, các quan chức khu vực này đã bắt giữ khoảng số hàng giả, hàng nhái có tổng trị giá vào khoảng 1,3 tỷ euro (khoảng 1,7 tỷ USD), mà chiếm đến 73% là từ Trung Quốc.
Bức tranh hàng “Made in China” có thể nhìn rõ nhất từ ngành công nghiệp năng lượng mặt trời. Do ngưỡng giới hạn nhập cảnh hàng hóa thấp cộng với việc thiếu các tiêu chuẩn an toàn bắt buộc, ngành này đã bắt đầu có dấu hiệu của sự rối loạn. Có khoảng 5.000-6.000 nhà sản xuất đang hoạt động trong lĩnh vực này, nhưng 20 doanh nghiệp đứng đầu chiếm gần 30% thị phần. Và cứ mỗi năm qua đi, lại có hàng ngàn doanh nghiệp hoặc sụp đổ hoặc thu nhỏ lại, để lại những tấm pin mặt trời nằm phơi trên mái nhà mục nát.
Bất chấp tình cảnh đó, tương tự như thị trường điện máy Việt Nam “sụp” nhiều mà “dựng lên” vẫn lắm, nhà máy vẫn mọc lên như nấm và các doanh nghiệp không ngần ngại hy sinh tiêu chuẩn chất lượng để giảm chi phí, rồi cuối cùng kết thúc trong cay đắng, phá sản và giải thể. Chỉ có 53,9% khách hàng hài lòng với sản phẩm họ nhận được, và cụm từ “chất lượng kém” gần như đã trở thành bạn đồng hành với hàng Trung Quốc.
Ảnh minh họa: Toonpool
Doanh nghiệp Trung Quốc có định kiến cố hữu rằng cứ “to là tốt”, chỉ chực chạy theo thị phần, bất chấp một thực tế là thị phần tạo nên thương hiệu, song thương hiệu không nhất thiết phải cần thị phần. Đặc biệt với các nhãn hàng sang trọng, cái quan trọng hơn không hẳn là bao nhiêu người dùng, mà là những người đó là ai và sản phẩm của mình có độc đáo hay dẫn đầu trào lưu hay không. Song các doanh nghiệp Trung Quốc hầu như chỉ tập trung vào lợi ích trước mắt, và giá rẻ được coi là chiến lược tiếp thị chính. Chính điều này đã khiến các doanh nghiệp Trung Quốc không còn sức để nỗ lực đầu tư cho công nghệ và kỹ thuật, chấp nhận đánh đổi chất lượng để hạ chi phí - hoàn toàn ngược lại với các nước có nền công nghiệp phát triển, khi chính khoa học kỹ thuật chất lượng cao đã giúp họ giảm chi phí mà không phải hy sinh chất lượng.
Ngay đến cả thực phẩm và dược phẩm Trung Quốc cũng dính đến vô số bê bối. Nổi bật là vụ sữa nhiễm độc melamine khiến 6 trẻ em thiệt mạng và hàng trăm trẻ em phải chịu di chứng, rồi đến thuốc “độc”, thịt lợn siêu nạc được nuôi bằng chất kích thích tăng trọng,… đã khiến các sản phẩm đến từ Trung Quốc gần như không chứa đựng cái gọi là “uy tín”. Chính vì vậy, “Made in China” đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng toàn cầu, dĩ nhiên không phải danh tiếng kiểu như Apple hay Louis Vuitton.
Tại Hội thảo Phòng, chống hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được tổ chức ở Hà Nội ngày 1/10, phần lớn các doanh nghiệp đều chung một nỗi niềm: Với ưu đãi thuế quan giữa Trung Quốc và ASEAN, từ trái cây, rau củ cho đến thực phẩm khô, đồ gia dụng, giày dép, dụng cụ học tập, đồ chơi trẻ em,… xuất xứ từ Trung Quốc đã thừa cơ xâm lấn thị trường Việt. Điều đáng nói là không chỉ chợ búa, mà ngay cả các siêu thị, nhà sách, các khu mua bán - lúc nào cũng rầm rộ khẩu hiệu “người Việt dùng hàng Việt” - cũng ghi nhận sự lấn lướt của các nhãn mác “Made in China”. Nếu hỏi nguyên do, sẽ là những lời biện bạch kiểu như không phân biệt đối xử các loại hàng hóa hay hàng Trung Quốc chỉ chiếm số ít.
Đồ chơi Trung Quốc nhan nhản ở Hàng Mã
Ngay ở khu phố cổ - nơi khách du lịch thường xuyên qua lại và có nhu cầu mua quà lưu niệm Việt Nam, từ chiếc nhẫn bé tí cho đến đồ chơi trẻ em hay thuốc Bắc người lớn đều ngập hình ảnh Trung Quốc. Nhưng người bán nhỏ lẻ cũng chỉ có thể chạy theo thị trường, khi hàng Trung Quốc vừa rẻ vừa mã đẹp, còn hàng Việt Nam bị đánh giá là thô, nặng nề, lại còn cao giá. Nếu nhập chính ngạch từ các nước khác thì sẽ vô cùng đắt đỏ, đặc biệt là sắp tới đây rất có thể Chính phủ sẽ cho phá giá tiền đồng, càng có cơ đẩy giá sản phẩm lên cao.
Nguy hại hơn, vì cụm “giá rẻ” gần như bị đánh đồng với Trung Quốc, nên ngay cả khi hàng nội có rẻ, thì tâm lý người tiêu dùng vẫn tỏ ra e dè, hoài nghi và xa lánh. Thậm chí, khi được người bán đưa ra nhiều lựa chọn các mặt hàng từ các thị trường khác nhau, người mua cũng chỉ tặc lưỡi chọn luôn hàng Trung Quốc vì chắc mẩm hàng nào cũng quy về một mối cả thôi, chọn cái khác có khi còn bị “hớ giá”.
Nhưng cố nhiên, sự thịnh vượng được đánh đổi bằng đạo đức kinh doanh thì không thể bền vững. Xét trên quan điểm dài hạn, đây chính là “điểm chết”. Như Charles Handy – nhà triết lý kinh doanh nổi tiếng của Anh Quốc – từng nói: “Để đạt được lợi ích ngắn hạn mà hy sinh chất lượng thì doanh nghiệp đó không thể có tuổi thọ lâu dài. Chất lượng sản phẩm cũng như sự thật vậy. Không ai và không doanh nghiệp nào có thể sống quá lâu với những lời nói dối.”
Thực tế đã cho thấy, người tiêu dùng các nước đang dần tẩy chay hàng Trung Quốc. Đến ngay cả doanh nghiệp Mỹ, thường rất ngại đặt cơ sở sản xuất ngay tại quê nhà, cũng đã bắt đầu tìm cách “lánh xa” cái tên Trung Quốc. Tuy nhiên, trong khi các nước có hàng rào thuế quan vững chắc thì Việt Nam vẫn còn quá “dễ tính” khi hàng độc, hàng kém chất lượng vẫn tràn ngập thị trường trong sự thoái thác trách nhiệm của cơ quan chức năng.

Tiền xây biệt thự, sân tennis tính vào giá điện!

(DÂN TRÍ Thứ Hai, 07/10/2013) Thanh tra Chính phủ vừa chỉ ra Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lỗ là do đầu tư ngoài ngành thiếu hiệu quả.

Theo Thanh tra Chính phủ, công tác đầu tư xây dựng nhiều dự án điện phát sinh nhiều chi phí làm đội giá thành điện. Tại dự án Nhà máy nhiệt điện Uông Bí mở rộng, ngoài số tiền trên 167 tỉ đồng phải chi thêm ngoài hợp đồng tổng thầu EPC, còn phát sinh chi phí cho khoản dầu đốt lại lò do xảy ra sự cố phải ngừng hoạt động.
Đáng chú ý, nhiều dự án điện còn phát sinh thêm hạng mục “khu nhà quản lý vận hành và sửa chữa”. Đơn cử như nhiệt điện Ô Môn 1, nhiệt điện Phú Mỹ 1 và 4, nhiệt điện Nghi Sơn 1, nhiệt điện Hải Phòng 1, nhiệt điện Quảng Ninh 1.
Tiền xây biệt thự, sân tennis tính vào giá điện
Thực tế, hạng mục này được xây dựng lại là nhà ở cho cán bộ với các loại biệt thự đơn lập, nhà song lập, nhà liền kề, chung cư cao tầng, có cơ sở hạ tầng đi kèm như nhà trẻ, bể bơi, sân tennis. Tổng diện tích lên tới 355.000 m2, giá trị đầu tư trên 595 tỉ đồng.
Toàn bộ chi phí này nằm trong tổng mức đầu tư dự án nguồn điện, do đó sẽ được tính vào giá bán điện là không đúng quy định.
Theo kết luận thanh tra, tính đến hết năm 2011, công ty mẹ EVN đã đầu tư vốn ra ngoài lên đến trên 121.000 tỉ đồng, trong khi vốn điều lệ của công ty mẹ chỉ có gần 77.000 tỉ đồng. Việc EVN đầu tư ra ngoài doanh nghiệp vượt vốn điều lệ hơn 45.000 tỉ đã vi phạm quy định của Bộ Tài chính. Đáng chú ý, mặc dù đầu tư ra ngoài cả trăm ngàn tỉ đồng nhưng EVN không thu được đồng lãi nào mà lỗ đến 2.195 tỉ đồng.
Theo PV
VEF

Phát hành trái phiếu cho Vinashin, hoãn nợ cho Vinalines!

TIỀN PHONG - 05/10/2013
TP - Tại cuộc họp báo quý III của Bộ GTVT chiều 4/10, Chủ tịch Tập đoàn Vinashin Nguyễn Ngọc Sự cho biết, Tập đoàn vừa phát hành trái phiếu đợt 1 trị giá gần 12.000 tỷ đồng cho các chủ nợ trong nước với lãi suất bằng trái phiếu chính phủ.
Khoảng 17.000 tỷ đồng nợ trong nước cũng sẽ được áp dụng biện pháp này vào quý 1 năm 2014. Khoản nợ nước ngoài cũng áp dụng biện pháp phát hành trái phiếu và triển khai vào 10/10 tới. Theo ông Sự, tổng số nợ trên 4 tỷ USD của tập đoàn sẽ được xử lý xong vào cuối năm 2013 hoặc đầu năm 2014.
Với Vinalines, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết: Đội tàu của Cty Vinashinlines ở nước ngoài đã bán gần hết (còn 1 trong số 7 tàu được lên kế hoạch bán) để thu hồi vốn, trả nợ và đưa thuyền viên về nước. Các dự án đóng tàu mới Vinalines được giãn đến sau năm 2020, các khoản nợ trong nước của Vinalines này cũng sẽ được hoãn đến sau 2020.
BẢO AN

Hãi hùng giăm bông bẩn!

TIỀN PHONG - 07/10/2013
Sau nhiều ngày thâm nhập cơ sở sản xuất giăm bông (da bao, thịt nguội) ở số 41 đường Miếu Gò Xoài, KP.11, P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân (TP.HCM), chúng tôi đã ghi lại được những thước phim ghê rợn về công nghệ chế biến món ăn khoái khẩu này.
Da thối vứt ngổn ngang dưới sàn nhà bẩn thỉu, nhếch nhác
Da thối vứt ngổn ngang dưới sàn nhà bẩn thỉu, nhếch nhác.
Tẩy da thối bằng ô xy già
Khó khăn lắm chúng tôi mới thu thập được quy trình sản xuất giăm bông do đôi nam nữ tên Văn và Hân làm chủ. Đầu tiên, chủ cơ sở thu mua da heo từ các đầu nậu, các chợ, do vậy hàng đưa về đến cơ sở luôn trong tình trạng bốc mùi hôi thối, chảy nước. Da heo đưa về được đổ thẳng xuống nền nhà nhớp nháp, cạnh nhà vệ sinh.
Sau đó, các nam công nhân tay trần, chân trần lựa ra những tấm da lớn chặt thành hình vuông hoặc chữ nhật may thành các chiếc túi (để nhồi thịt vào trong túi). Số công nhân khác thì dùng đục để tạo các lỗ xung quanh tấm da heo nhằm xỏ chỉ may túi.
Sau khi những túi da được may xong, công nhân sẽ gom chúng vào một cái thau lớn, đổ ô xy già vào để tẩy các chất nhớt bầy nhầy, tẩy trắng và làm bớt mùi hôi thối.
Khi đổ ô xy già vào thau da (khoảng nửa lít cho một thau đựng chừng 20 kg da), lập tức nước trong thau sôi lên sùng sục, những váng bọt màu trắng đục, màu đỏ, màu xám tái nổi lên từng lớp, quyện với nhau kín hết mặt thau. Lúc này, mùi hôi thối, tanh tưởi bốc lên nồng nặc.
Khoảng 15 phút sau, một công nhân chắt hết nước ở thau đi, đổ nước khác vào, rồi dùng hai chân trần giẫm đạp liên tục lên những chiếc túi da cho đến khi miếng da hết nhớt và trắng, để chuẩn bị mang đi nhồi thịt…
Dùng chân trần đạp vào thau đựng da heo
Dùng chân trần đạp vào thau đựng da heo.
Đối với số da còn dư sau khi chặt da làm túi nói trên, sẽ được đổ thẳng vào nồi nước sôi. Sau khi da chín, công nhân vớt ra ngâm vào thau nước lạnh, rồi bước vô, tiếp tục dùng hai chân trần nhảy đạp liên tục lên những miếng da để tẩy bớt chất nhầy, nhớt, sau đó vớt ra cho vào tủ lạnh. Hôm sau, số da này được đem ra xay nhỏ như hạt lựu rồi trộn chung với thịt vụn, cho vào túi da làm giăm bông.
Lấy chân đạp lên da heo đã luộc chín đựng trong thau để tẩy sạch da - Ảnh: Hải Nguyên
Lấy chân đạp lên da heo đã luộc chín đựng trong thau để tẩy sạch da - Ảnh: Hải Nguyên.
Thu gom thịt thối làm nhân
Khâu làm nhân từ thịt cũng dơ bẩn không kém. Chủ cơ sở mua các loại thịt vụn giá rẻ từ một đầu nậu chuyên gom thịt ế của các tiểu thương để hàng tháng trong tủ lạnh.
Số hàng này đã mềm nhũn, chảy nước, biến sắc và bốc mùi hôi thối nồng nặc. Tiếp đó, công nhân đổ một lượng lớn muối vào số thịt này, rồi tiếp tục dùng đôi chân trần nhảy đạp để tẩy nhớt và làm bớt mùi hôi.
Đáng chú ý, sau bước sơ chế thịt, công nhân dùng một loại bột được gọi là muối đỏ và nhiều “gia vị” khác không rõ nguồn gốc vào thau thịt, đặc biệt là rất nhiều ngũ vị hương để át mùi hôi của thịt thối.
Một số công nhân, vốn thường xuyên dùng tay trần trộn thịt đã tẩm ướp nhiều loại “gia vị” trên, bị hăm lở, trầy xước, mưng mủ ở tay nhưng hằng ngày chẳng ngại dùng tay trần để trộn thịt, xay da.
Giăm bông bán ế được trả về cơ sở để tái chế - Ảnh: Thanh Tùng
Giăm bông bán ế được trả về cơ sở để tái chế - Ảnh: Thanh Tùng.
Sau khi thịt đã thấm “gia vị” sẽ được trộn với da xay hôm trước theo tỷ lệ: 60 kg thịt, 25 kg da (loại 3); 60 kg thịt, 15 kg da (loại 2); 60 kg thịt, 9 kg da (loại 1); rồi nhồi vào những chiếc túi da, khâu kín miệng tạo thành những đòn giăm bông; đem luộc chín, vớt ra, quấn vải, dùng dây giàng chặt và bỏ vào tủ lạnh.
Sáng hôm sau, công nhân tháo dây ra, lấy các đòn giăm bông đem rửa nước lạnh có pha với một loại hóa chất không rõ nguồn gốc, dạng bột mịn màu trắng, có mùi hôi nồng nặc, nhằm loại bỏ số mỡ dính trên đó. Sau đó, số giăm bông này tiếp tục được trụng lại với nước sôi có pha với loại bột màu đỏ, không nhãn mác, rồi cho vào bịch ni lông đem giao cho khách hàng.
Ngâm ô xy già, đảm bảo trắng ngon
Chúng tôi ra chợ hóa chất Kim Biên (Q.5) hỏi mua ô xy già thì được chủ một tạp hóa đon đả: “Anh lấy nguyên can hay lấy lẻ, nếu lấy nguyên can 35 lít thì em tính 350.000 đồng, còn lấy lẻ thì 12.000 đồng/lít, lấy bao nhiêu cũng có”.
Khi chúng tôi hỏi về công dụng của ô xy già trong tẩy trắng thực phẩm, anh này nói: “Anh mua ô xy già là đúng rồi. Mực, bạch tuộc, da heo... có thối, đen thế nào, chỉ cần đổ một ít ô xy già này vào ngâm, đảm bảo sẽ trắng, nhìn ngon như hàng mới…”. 
Chủ, công nhân không dám ăn
Theo chúng tôi được biết, từ chủ đến công nhân ở cơ sở trên không ai dám ăn món giăm bông do chính họ làm ra, kể cả việc nếm thử xem nó đã chín hay chưa. Mỗi ngày, cơ sở này cho ra lò khoảng 400 - 500 kg giăm bông; giá bán từ 60.000 - 100.000 đồng/kg (tùy loại).
Giăm bông của cơ sở bà Hân, ông Văn được bán đi khắp nơi, từ các xe bán bánh mì đến các khu vực: Chợ Lớn, chợ Hòa Bình (Q.5), chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh) và cả Long An.

Theo Hải Nguyên
Thanh Niên

Xí nghiệp ngoại sống, xí nghiệp nội chết !

HÀ NỘI (NV) Sunday, October 06, 2013 Vốn đầu tư của nước ngoài (FDI) tăng 114% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục giải thể hoặc ngưng hoạt động.


Theo báo Công Thương ngày 3/7/2013 của bộ Công Thương CSVN, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2013 đã có 6,192 doanh nghiệp “ngừng hoạt động ở thành phố Hà Nội trên tổng số hơn 28,000 xí nghiệp dẹp tiệm trên cả nước. (Hình: báo Công Thương)

Theo báo cáo về tình hình từ đầu năm đến nay, tại các khu chế xuất và khu công nghiệp ở Sài Gòn do Ban Quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp ở Sài Gòn (HEPZA) thực hiện, 9 tháng qua, khối doanh nghiệp hoạt động bằng đầu tư ngoại quốc (FDI) vẫn tiếp tục tăng trưởng và mở rộng đầu tư.
Tổng vốn đầu tư của khối này trong chín tháng tăng khoảng 340 triệu USD. Doanh nghiệp của một số quốc gia như: Singapore, Úc, Đức, Nhật và Hoa kỳ vẫn đang bỏ vốn đầu tư vào các dự án cơ khí, dược phẩm, nhựa, thực phẩm.

Ngược lại, những doanh nghiệp Việt Nam trong các khu chế xuất và khu công nghiệp ở Sài Gòn đang thu hẹp sản xuất, thậm chí nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động hoặc giải thể. Chín tháng qua, vốn đầu tư của những doanh nghiệp Việt Nam trong các khu chế xuất và khu công nghiệp ở Sài Gòn không những không tăng mà còn giảm 16% so với cùng kỳ của năm 2012.

HEPZA cho biết, 9 tháng vừa qua, trong phạm vi các khu chế xuất và khu công nghiệp ở Sài Gòn, có 20 dự án phải tạm ngưng hoạt động hoặc hủy bỏ. Ngoài ra có 21 dự án bị thanh lý, giải thể trước thời hạn và ¾ trong số này là dự án của các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào các khu chế xuất và khu công nghiệp ở Sài Gòn. Bên cạnh đó, còn có 35 dự án của các doanh nghiệp Việt Nam phải giảm từ 20%-30% công suất.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra trong lĩnh vực xuất – nhập cảng. Kim ngạch xuất cảng của những doanh nghiệp trong các khu chế xuất và khu công nghiệp ở Sài Gòn tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhập cảng giảm 10,7%.

Viên Chánh Văn phòng của HEPZA giải thích, sở dĩ xuất cảng tăng trong khi nhập cảng giảm là vì nhiều doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn về thị trường, không có đơn đặt hàng, trong khi chi phí sản xuất gia tăng nên họ phải giảm nhịp độ sản xuất hoặc tạm ngưng hoạt động và ngưng nhập cảng nguyên vật liệu.
Trong câu chuyện nói với báo VnEconomy ngày 19/8/2013 về tình hình hoạt động doanh nghiệp trong hơn nửa năm nay, về số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể, ông Lê Quang Mạnh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư CSVN cho biết: Số doanh nghiệp khó khăn, ngừng hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2013 là 28,755, trong đó, có 4,499 doanh nghiệp đã chính thức giải thể hẳn.


Báo cáo của HEPZA cho biết, tình trạng vừa kể là nguyên nhân khiến từ đầu năm đến nay, có thêm 1.200 công nhân làm việc tại  các khu chế xuất và khu công nghiệp ở Sài Gòn thất nghiệp. Viên Trưởng Phòng Đầu tư của HEPZA cho rằng, nguyên nhân khiến các doanh nghiệp Việt Nam vẫn ngắc ngoải vì mãi lực thấp, năng lực cạnh tranh lại giảm sút, chi phí mỗi ngày một tăng... (G.Đ.)

Súng lậu vào Việt Nam qua cửa 'chuyển phát nhanh' !

SÀI GÒN 6-10 (NV) .- Súng nhập lậu vào Việt Nam khá nhiều qua đủ mọi cửa, mọi kiểu từ tàu biển, đến bưu kiện “chuyển phát nhanh” qua đường hàng không.

Lô hàng súng hơi do Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 4 khám phá hồi Tháng Ba 2013. (Hình: báo Hải Quan)

Theo tin báo Thanh Niên hôm Chủ Nhật, ngày 6/10/2013, Chi cục Hải quan “Chuyển Phát Nhanh” CSVN tại phi cảng Tân Sơn Nhất “đã liên tiếp phát hiện nhiều vụ vận chuyển trái phép vũ khí gửi qua đường chuyển phát nhanh hàng không”.

Nguồn tin này nói rằng cơ quan nói trên đã “phát hiện trong lô hàng phi mậu dịch gửi từ Mỹ về Việt Nam có một khẩu súng ngắn quân dụng hiệu Heckler&Koch - Sterling đã tháo rời. Một kiện hàng phi mậu dịch khác cũng gửi từ Mỹ về Việt Nam cất giấu bên trong đầu DVD một súng ngắn quân dụng hiệu PX4 Storm và 2 băng đạn chứa 24 viên đạn R-P luger 9 mm. Một kiện hàng khác bên trong chứa 3 khẩu súng ngắn bằng nhựa, 1 khẩu súng ngắn kim loại sử dụng khí nén, 1 súng ngắn kim loại và 1 hộp tiếp đạn. Một gói bưu phẩm khác có 12 viên đạn Blazer Luger 9 mm.”

Nguồn tin cho biết “Người nhận những lô hàng trên có địa chỉ khác nhau” tại Sài Gòn. Hiện tất cả “tang vật” đã bị tạm giữ để “điều tra làm rõ”. Người dân ở Việt Nam bị cấm mua bán, tàng trữ, vận chuyển tất cả các loại võ khí có giá trị quân sự. 

Những năm gần đây, người ta thấy rất nhiều vụ bắt giữ các loại súng được nhập lậu, đặc biệt là những thứ súng mà các nước tây phương coi như đồ “thể thao” bắn bằng hơi.

Ngày 6/4/2013, báo Dân Việt nói 104 khẩu súng hơi nhập lậu cùng hàng ngàn viên đạn và 105 ống “giảm thanh” đã bị hải quan tìm thấy trên một chiếc tàu cập cảng Tân Thuận. Trước đó, ngày 23/3/2013, hải quan cảng Sài Gòn cũng đã tịch thu 300 khẩu súng hơi giấu trong một container. 

Ngày 24/6/2011, đội hải quan Hải Phòng tìm thấy trên tàu vận tải Trang Việt và ở kho của công ty này tại Hà Nội tổng cộng 500 khẩu súng hơi “thuộc diện cấm nhập khẩu”. (TN)

Xếp đại học bị lột văn bằng vì đạo văn!

HÀ NỘI (NV) Sunday, October 06, 2013 - Ông Hoàng Xuân Quế, Viện phó Viện Tài chính - Ngân hàng của Đại học Kinh tế Quốc dân ở Việt Nam, vừa bị thu hồi văn bằng tiến sĩ do đạo văn.

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có rất nhiều lùm xùm trong “ban giám hiệu” thời gian qua. (Hình: Đất Việt)
Bộ Giáo dục và Đào tạo – nơi từng cấp văn bằng tiến sĩ cho ông Quế, giải thích, họ thu hồi văn bằng tiến sĩ của ông Quế, vì phát giác luận văn tiến sĩ của ông ta (đề tài có tên “Giải pháp hoàn thiện các công cụ chủ yếu của chính sách tiền tệ ở Việt Nam”) đã chép khoảng 30% luận văn tiến sĩ (đề tài có tên “Các giải pháp hoàn thiện việc cung ứng và kiểm soát khối lượng tiền lưu thông của ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong nền kinh tế thị trường”) của ông Mai Thanh Quế.

Đáng ngạc nhiên là ông Mai Thanh Quế bảo vệ luận văn năm 2002, năm sau - 2003, ông Hoàng Xuân Quế chép lại 1/3 như thế nhưng Hội đồng Khoa học của Bộ Giáo dục và Đào tạo không phát giác.

Vụ đạo văn này chỉ mới bị phát giác sau khi có tố cáo. Ngoài việc thu hồi văn bằng, học vị tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế, Bộ Giáo dục và Đào tạo còn đề nghị Hội đồng Chức danh Giáo sư thu hồi quyết định công nhận ông Hoàng Xuân Quế là Phó Giáo sư và yêu cầu Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân “xử lý sai phạm” của ông Hoàng Xuân Quế.

Những scandal như vừa kể đang rất phổ biến tại Việt Nam. Việt Nam có rất nhiều “giáo sư”, “tiến sĩ” như ông Hoàng Xuân Quế. Việt Nam hiện dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về số lượng “giáo sư”, “tiến sĩ” nhưng gần như không có ai có sự nghiệp khoa học theo đúng nghĩa của cụm từ này.

Cuối năm ngoái, tại một buổi góp ý cho Luật Khoa học Công nghệ, ông Phạm Bích San, Phó Tổng Thư ký của Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), nhận xét: Mỗi năm, số lượng các bài báo khoa học của Việt Nam, được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế chỉ bằng số lượng của một trường đại học tại Thái Lan.
Cũng tại buổi góp ý đó, ông Hồ Uy Liêm, cựu Phó Chủ tịch VUSTA, than rằng, Việt Nam chưa bao giờ thống kê được là có bao nhiêu đề tài khoa học được nghiên cứu, bao nhiêu phần trăm của những đề tài đó được ứng dụng vào cuộc sống.

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam, bổ túc thêm rằng, trong lĩnh vực nông nghiệp, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam có tới 18 viện trực thuộc. Riêng khối thuỷ lợi đã có tám viện, 38 trường, 18 hiệp hội và 19 hội chuyên ngành nhưng vẫnkhông thể kết hợp được nghiên cứu với đào tạo, chuyển giao công nghệ, không tạo được sản phẩm quốc gia. (G.Đ.)

Lại đổ tiền tỷ vá mặt cầu Thăng Long?!

ĐẤT VIỆT -(Tin tức thời sự06/10/2013- Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Hồng Trường cho biết, để sửa chữa triệt để hư hỏng mặt bê tông cầu Thăng Long, đồng thời, đảm bảo thuận tiện cho việc lưu thông của các phương tiện từ nay đến năm 2016, Bộ GTVT quyết định ký hợp đồng với một đơn vị của Mỹ, tiến hành sửa chữa 12.000m2 mặt cầu.

“Sắp tới đây, trong dự án nối dài đường cao tốc trên cao từ Mai Dịch đến cầu Thăng Long, Bộ GTVT đã đề nghị Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA) giúp đỡ nghiên cứu và tiến hành sửa chữa mặt cầu Thăng Long.

Đề nghị này đã được chấp thuận nhưng nhanh nhất cũng phải đầu năm 2016 mới có thể sửa chữa bằng công nghệ Nhật Bản”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nói.


Mặt cầu Thăng Long sẽ sửa chữa bằng công nghệ Mỹ.
Mặt cầu Thăng Long sẽ sửa chữa bằng công nghệ Mỹ.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, trong khi chờ công nghệ từ phía Nhật Bản, từ nay đến năm 2016, Bộ GTVT sẽ cho tiến hành sửa chữa mặt cầu Thăng Long theo công nghệ của Mỹ đã được nghiên cứu và thử nghiệm trên thực tế. Chi phí cho đợt duy tu này rất thấp so với chi phí sửa chữa vào năm 2009, chỉ xấp xỉ khoảng 10 tỷ đồng.

Trước đó, từ tháng 7/2012 đến nay, mặt cầu Thăng Long đã được sửa chữa trên 14.000m2/tổng số 26.100m2 diện tích mặt cầu bằng công nghệ và vật liệu của hãng Hall Brother.

Tại dự án đặc biệt này, việc thi công bằng công nghệ của Hall Brother được triển khai sau khi đã thực hiện thí điểm và tiến hành bằng máy chuyên dụng, thi công lớp bê tông nhựa phủ mặt sử dụng vật liệu dính bám Novabond.

Hiện tại còn trên 12.000m2 mặt cầu cũ, sau 4 năm khai thác đã xuất hiện nhiều vị trí hư hỏng, cản trở lưu thông và đe dọa mất ATGT. Việc bố trí sửa chữa phần diện tích mặt cầu cũ còn lại này làm lắt nhắt và không kịp thời khiến mặt đường bị phá rất nhanh.

Theo ông Hoàng Hà – Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, nên bố trí vốn để sửa chữa toàn bộ phần diện tích hơn 12.000m2 còn lại, vì không còn hy vọng gì nữa ở phần mặt cầu cũ này, và nay đã có thể tin cậy ở công nghệ và vật liệu của Hall Brother.

Trên diện tích đã được thi công, từ suốt 14 tháng qua, vật liệu Novabond của Hall Brother cho thấy có khả năng dính bám ổn định trong điều kiện làm việc thực tế của mặt cầu Thăng Long.

Đại diện Công ty Hall Brother tại cuộc họp đã đề xuất Bộ cho tiến hành cào bóc thảm NovaChip 2cm đối với toàn bộ bề mặt cầu để tăng độ êm, đẹp, tăng tốc độ thoát nước và tạo nhám mặt đường.
 
Hall Brother khẳng định có thể thi công từ 300 – 500m mặt cầu mỗi đêm, như vậy chỉ sau 1 tuần có thể hoàn tất việc sửa chữa.

Thứ trưởng Trường cũng cho biết, trước đây Bộ GTVT cũng đã mời các chuyên gia trong nước, hợp tác với các tổ chức quốc tế nghiên cứu, ứng dụng chuẩn hóa bê tông để sửa chữa mặt cầu Thăng Long. Tuy nhiên, công nghệ bê tông trải trên dầm thép không được ứng dụng rộng rãi nên mặt cầu vẫn xảy ra hiện tượng hỏng hóc.

Đường lún nhưng vẫn đề xuất thưởng 180 tỷ đồng

Trong khi tuyến đường Vành đai 3 trên cao xuất hiện nhiều vết lún kéo dài thì Ban Quản lý dự án Thăng Long lại đề xuất Bộ Giao thông Vận tải thưởng cho các nhà thầu thi công gần 180 tỉ đồng vì hoàn thành vượt tiến độ.

Theo đề xuất của PMU Thăng Long, trong tổng mức thưởng 179,9 tỉ đồng, nhà thầu Sumitomo Mitsui (Nhật Bản) được 102 tỉ đồng vì hoàn thành gói thầu số 2 (đoạn Trung Hòa - Thanh Xuân) trước 454 ngày, liên danh nhà thầu Samwhan - Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4) trên 77,7 tỉ đồng vì hoàn thành gói thầu số 1 (Mai Dịch - Trung Hòa) trước thời hạn 263 ngày.

Việc rút ngắn thời gian thi công 2 gói thầu này đã giúp dự án hoàn thành và đưa vào khai thác trong tháng 10-2012 thay vì tháng 11-2013 như kế hoạch. PMU Thăng Long cho rằng mức thưởng đưa ra tương đương 10% giá trị làm lợi từ việc rút ngắn tiến độ hoàn thành dự án.

Đáng chú ý, đề xuất thưởng nói trên được đưa ra đúng thời điểm tuyến đường trên cao hiện đại nhất Thủ đô vừa bị phát hiện lún sau 10 tháng thông xe, tại phần mặt đường bê tông nhựa thuộc gói thầu số 2, do chính nhà thầu được đề xuất khen thưởng là Công ty TNHH Xây dựng Sumitomo Mitsui thi công.

PMU Thăng Long khẳng định, với việc thiết kế thành phần cấp phối và quy trình thi công đã tuân thủ theo đúng các quy định hiện hành thì hiện tượng lún là do ảnh hưởng của tình trạng xe quá tải thường xuyên lưu thông trên tuyến đường chứ không phải do kỹ thuật và chất lượng thi công.

Hiện nay, toàn bộ dự án vẫn trong giai đoạn bảo hành, PMU Thăng Long cùng với tư vấn Nhật Bản và phía nhà thầu vẫn chủ động thường xuyên theo dõi, kiểm tra và sẽ tiến hành sửa chữa những vị trí cục bộ bằng kinh phí của nhà thầu.

Huyền Hồ (Tổng hợp VOV, NLĐ)

Đánh thượng sĩ công an dập mặt vì thu giữ xe gian!

(Tin tức pháp luật 07/10/2013- Không đồng tình cho cơ quan chức năng thu giữ chiếc xe liên quá tới vụ việc trộm cắp, Hùng đã lao vào đánh một chiến sĩ công an trọng thương...

Ngày 3/10, Thượng sỹ Trịnh Hoài Nam, Công an thị trấn Võ Xu, huyện Đức Linh - Bình Thuận cùng với tổ bảo vệ dân phố đến nhà Trần Mạnh Hùng (32 tuổi) trú tại khu phố 8, thị trấn Võ Xu để thu xe máy liên quan đến vụ trộm tài sản trước đó.

Khi đến nhà Hùng, anh ruột của Hùng là Trần Dũng (42 tuổi) ngăn cản dẫn đến xô xát giữa Dũng, tổ bảo vệ dân phố và Thượng sỹ Trịnh Hoài Nam.

Sau đó Hùng vào nhà lấy 1 cây rựa thách thức cơ quan chức năng làm nhiệm vụ.

Khi Thượng sỹ Trịnh Hoài Nam vào ngăn cản thì xô xát giữa hai bên làm Thượng sỹ Nam chảy máu mũi và dập môi.

Công an huyện Đức Linh cho biết đã tạm giữ các đối tượng để xử lý về hành vi chống người thi hành công vụ.


Theo báo Bình Thuận

Nhân tài lận đận!


( NLĐ ) Chủ Nhật, 06/10/2013 19:30

Nhiều địa phương thời gian qua đã ban hành các chính sách ưu đãi nguồn nhân lực chất lượng cao đến làm việc. Thế nhưng, trong khi việc “trải thảm đỏ đón nhân tài” được thực hiện không mấy mặn mà thì chính nguồn nhân lực địa phương lại bị bỏ phí

Nhiều năm nay, ngành y tế Ninh Thuận luôn đối mặt tình trạng thiếu nhân lực, nhất là đội ngũ có trình độ chuyên môn cao. Chính quyền Ninh Thuận từng chiêu mộ nhân tài bằng việc ban hành một số chế độ ưu đãi cho người có trình độ từ đại học (ĐH) trở lên nếu tình nguyện về tỉnh công tác. Tuy nhiên, nhiều người sau một thời gian về đây làm việc đã thất vọng bỏ đi.
Ưu đãi nửa vời
Năm 2012, tiến sĩ - bác sĩ Lê Trọng Sanh, nguyên trưởng khoa một bệnh viện lớn phía Nam, tình nguyện về Ninh Thuận công tác, được bổ nhiệm làm phó giám đốc bệnh viện đa khoa tỉnh. Theo chính sách “chiêu hiền đãi sĩ” của địa phương, ngoài khoản trợ cấp ban đầu 80 triệu đồng, ông còn được hỗ trợ đất ở, mua nhà trả góp… Tuy nhiên, qua tìm hiểu của chúng tôi, hiện bác sĩ Sanh chỉ được trợ cấp 80 triệu đồng. Ông vẫn phải thuê một căn phòng lầu 3 chung cư để ở, những chế độ khác thì vẫn đang… chờ xem xét!
Tiến sĩ - bác sĩ Lê Trọng Sanh tình nguyện về Ninh Thuận công tác nhưng hiện vẫn ở nhà thuê, những chế độ khác vẫn đang… chờ xem xét! Ảnh:LÊ TRƯỜNG
Do chính sách đãi ngộ chưa tương xứng nên trong số 27 cán bộ y tế tình nguyện về Ninh Thuận công tác, đã có 3 bác sĩ sau khi làm việc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh 2 năm thì trả lại tiền hỗ trợ, chuyển đi nơi khác với lý do thu nhập không đủ trang trải đời sống. “Từ năm 2008 đến nay, tỉnh có 74 sinh viên vào học ĐH y, dược nhưng số tình nguyện về địa phương sau khi tốt nghiệp rất ít. Chúng tôi luôn tìm cách động viên nhưng hầu hết các em không mặn mà về tỉnh vì cho rằng chế độ ưu đãi quá thấp” - ông Lê Minh Định, Giám đốc Sở Y tế Ninh Thuận, băn khoăn.
Tốt nghiệp Trường ĐH Lâm nghiệp, năm 2005, anh Trần Văn Việt về làm việc tại Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Nghệ An theo chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao (Quyết định 30 năm 2001 của UBND tỉnh). Sau một thời gian công tác, anh được đơn vị tạo điều kiện đi học thạc sĩ ở Úc. Năm 2012, hoàn thành chương trình thạc sĩ, anh về lại chi cục. Sau nhiều năm làm việc theo diện thu hút nguồn nhân lực, hiện anh vẫn chỉ là nhân viên hợp đồng tạm, chưa được xét vào biên chế.
Cũng tại Chi cục Lâm nghiệp Nghệ An, chị Hoàng Thị Hồng Phúc, thạc sĩ chuyên ngành lâm học, được tuyển dụng năm 2006 theo chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Chị luôn hoàn thành tốt công việc, được bầu chọn là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở năm 2012. “Chi cục đã có tờ trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nội vụ để chuyển lên UBND tỉnh xem xét đưa tôi vào biên chế. Tuy nhiên, không hiểu lý do gì mà đến nay, tôi vẫn chỉ là nhân viên làm việc theo diện hợp đồng thu hút nhân lực” - chị băn khoăn.
Dứt áo ra đi
Tiến sĩ Phạm Ngọc Hiền, Phó Khoa Xã hội Trường ĐH Sài Gòn, là người Phú Yên. Năm 2007, sau khi lấy bằng tiến sĩ văn học, ông Hiền có nguyện vọng được làm việc ở quê nhà nhưng không thể. “Lúc đầu, tôi quyết tâm về công tác ở một cơ quan nào đó của tỉnh phù hợp với năng lực của mình. Tuy nhiên, chứng kiến quá nhiều nhiêu khê trong việc tuyển dụng và bố trí nhân sự của tỉnh thời điểm đó, tôi nản lòng nên phải vào TP HCM” - tiến sĩ Hiền nói.
“Nam tiến” không lâu, tiến sĩ Hiền dễ dàng được nhận vào Trường ĐH Văn Hiến, rồi sau chuyển sang Trường ĐH Sài Gòn. Theo ông, trong việc thu hút nguồn nhân lực trình độ cao, cơ chế tuyển dụng và điều kiện làm việc rất quan trọng, nếu không khéo thì sẽ gây nên sự lãng phí nhân tài.
Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Xuân Đàm, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên, cho rằng do tỉnh chưa có cơ chế ưu đãi rõ ràng nên ngay cả “nhân tài trong nhà” cũng bỏ đi. “Theo nghị quyết của tỉnh, đến năm 2015, Phú Yên sẽ có 60 tiến sĩ được đào tạo. Với cơ chế hiện nay, học xong, họ đều bỏ đi hết. Ngay Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh có 8 học sinh nay là tiến sĩ nhưng chẳng ai chịu về quê nhà làm việc” - ông Đàm cho biết.
Ở xã Tịnh Long, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, ai biết chuyện của kỹ sư Nguyễn Văn Vũ cũng đều không khỏi cám cảnh. Trong căn nhà ọp ẹp, trống hoác, không có tài sản gì đáng giá, anh Vũ kể: “Năm 2001, tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM loại khá, tôi được nhận vào làm ổn định ở một công ty chuyên sản xuất máy lọc nước ở TP. Tám năm sau, tôi quyết định về Quảng Ngãi, vừa mong cống hiến cho quê nhà vừa để gần gũi gia đình”.
Thoạt tiên, Vũ xin vào làm ở một công ty xây dựng để chờ công việc phù hợp hơn. Chỉ vài tháng sau, công ty này phá sản, anh thất nghiệp đến nay. “Ngày nào tôi cũng đến trung tâm giới thiệu việc làm hay lên mạng tìm việc rồi mang hồ sơ gõ cửa từ các đơn vị nhà nước đến công ty tư nhân nhưng đều nhận được những cái lắc đầu. Về quê tưởng đâu góp được chút công sức nhưng ngay cả kế mưu sinh giờ cũng khó tìm, kiểu này chắc tôi sẽ quay lại TP HCM” - Vũ buồn bã.
Kỳ tới: Vật vã chờ việc
Không dễ nhận người
Tháng 5-2013, Quảng Ngãi ban hành quyết định thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đến tỉnh công tác. Theo đó, ngoài nhà cửa thì giáo sư được hỗ trợ 350 triệu đồng, tiến sĩ 250 triệu đồng, người tốt nghiệp ĐH chính quy 100 triệu đồng… Nếu xét nguồn nhân lực chất lượng cao thì nhiều ngành nghề của Quảng Ngãi đang rất cần người, nhất là y tế, giáo dục. Thế nhưng, để nhận một sinh viên tốt nghiệp chính quy vừa ra trường đến công tác không phải chuyện dễ dàng. Ngành y tế Quảng Ngãi mỗi năm chỉ tuyển 5-7 bác sĩ, không đủ thay thế cho những người nghỉ hưu; còn ngành giáo dục luôn kêu thiếu người, nhất là ở vùng cao, nhưng khi có người tìm đến thì lại không chịu nhận.
Năm 2011, anh Nguyễn Văn Kỳ tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn chuyên ngành ngữ văn. Từ khi tốt nghiệp, Kỳ đi xin việc khắp nơi ở Quảng Ngãi nhưng vẫn không được nhận vào trường nào. “Nghe tỉnh thiếu giáo viên vùng sâu, hơn 2 năm qua, mình cầm hồ sơ đến xin được giảng dạy nhưng không trường nào nhận. Sao họ kêu thiếu người nhưng để nhận vào làm việc lại quá khó như vậy?” - anh tỏ ra khó hiểu.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Ép chín sầu riêng bằng thuốc “lạ”!


( NLĐ ) Chủ Nhật, 06/10/2013 19:58

Để sầu riêng nhanh chín, người trồng và các thương lái nhúng vào thùng nước đã pha sẵn thuốc, có nguy cơ gây bệnh cho người sử dụng

Sau nhiều lần thuyết phục, những ngày đầu tháng 10-2013, chúng tôi được anh N.V.D (kinh doanh trái cây) đồng ý đưa đi về huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk - nơi được mệnh danh là thủ phủ sầu riêng của Tây Nguyên - để thu mua hàng.
Từ lâu, sầu riêng Krông Pắk đã có thương hiệu trên thị trường không chỉ vì diện tích trồng lớn mà sản phẩm vốn thơm ngon, ít trái lép… Chính vì vậy, anh D. dù kinh doanh sầu riêng ở tận Hải Phòng nhưng vẫn thường xuyên vào đây gom hàng về bỏ lại cho những cửa hàng bán lẻ ở các tỉnh phía Bắc.
Sầu riêng được nhúng vào thùng nước đã pha sẵn thuốc
Khi chúng tôi tới, gia đình ông H.T.N (xã Ea Yông, huyện Krông Pắk) đang tất bật nhúng từng trái sầu riêng vào một thùng nước đã pha sẵn thuốc. Tháo vội đôi găng tay, ông N. mời chúng tôi vào nhà rồi mang một trái sầu riêng ra mời, kèm lời trấn an: “Mấy chú yên tâm, trái này tôi vừa mang ngoài vườn vào, nó chín cây chứ không nhúng thuốc đâu”.
Sau khi thưởng thức vài múi sầu riêng, chúng tôi ra sân phụ giúp gia đình ông N. chuyển hàng lên xe. Ông N. lấy thêm một chiếc thùng (loại dùng đựng sơn nước) đổ nước quá nửa rồi cho vào một loại thuốc có màu trắng đục. Theo quan sát của chúng tôi, thuốc này được đựng trong một chai nhựa có nhãn hiệu “Trái chín”. Sau khi nhúng vào thùng nước, sầu riêng được xếp lên xe, dùng bạt phủ kín. Tôi với tay loại ra 2 trái sầu riêng còn xanh và hỏi: “Trái này làm sao chín mà sắp lên xe?”. Ông N. cười bảo: “Đúng là nhân viên mới, chú không biết đó thôi. Sầu riêng đã nhúng vào nước có pha “Trái chín” thì dù xanh cỡ nào, khoảng 3-4 ngày sau đều chín đồng loạt. Chú yên tâm đi!”.
Theo ông N., ở Krông Pắk, hầu như nhà nào cũng trồng sầu riêng nên không tiêu thụ tại đây mà bán cho thương lái chở đi các tỉnh phía Bắc hoặc TP HCM. Trong khi sầu riêng chín lác đác thì thương lái lại muốn mua đầy xe tại một vài nhà vườn để tiết kiệm chi phí. Điều này dẫn đến tình trạng người trồng thu hái ồ ạt rồi ngâm thuốc cho chín đồng loạt. Nếu người trồng không kịp xử lý, thương lái vẫn gom hàng, sau đó thuê kho bãi tại chỗ để ép cho chín rồi vận chuyển đi khắp nơi tiêu thụ.
Ông Lê Văn Thành, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk, cho biết “Trái chín” không có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật, đồng nghĩa không được phép lưu hành sử dụng. Còn về nguy cơ của chất này gây bệnh tật cho người sử dụng ở mức độ nào, cần phải chờ kết quả kiểm định thành phần hóa chất mới biết.
Theo một cán bộ chi cục, ngoài “Trái chín”, nhiều nhà vườn và thương lái còn sử dụng thuốc có tên Carbendazim và Tebuconazole để ép sầu riêng mau chín. Đây là loại hóa chất diệt nấm theo phương thức lưu dẫn thuộc nhóm cực độc. Chúng phân hủy chậm và có nguy cơ gây bệnh cho người sử dụng.
“Bằng mắt thường, người mua không thể phân biệt được sầu riêng đã qua xử lý thuốc. Người nào tinh ý cũng chỉ phân biệt được khi đã mua về và tách ra ăn. Sầu riêng có nhúng thuốc “lạ” sẽ khó tách rời từng múi, cơm hơi sượng, màu nhạt…” - anh D. cho biết.

Bài và ảnh: CAO NGUYÊN

Đón đầu quy hoạch, cán bộ gom đất!


(NLĐ ) Chủ Nhật, 06/10/2013 22:47

Nắm được thông tin dự án sắp triển khai, được chi trả tiền đền bù hậu hĩnh, không ít người đã thu gom đất của bà con dân tộc thiểu số với giá bèo, sau đó hưởng đền bù tiền tỉ

Thủy điện Đăkdrinh, huyện Sơn Tây là một trong những dự án có số tiền đền bù lớn ở tỉnh Quảng Ngãi.
Mua cả ngọn đồi với giá rẻ mạt
Mới đây, chúng tôi đến xã Sơn Liên, huyện Sơn Tây. Cả xã nghèo quanh năm gắn bó với núi rừng vẫn còn “nóng” hầm hập chuyện nhận tiền đền bù vừa rồi. Nhiều người bàn tán xôn xao việc ông Đặng Thêm và bà Hồng (người thân của trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Tây) nhận hàng chục tỉ đồng tiền đền bù từ dự án thủy điện Đăkdrinh.
Một cán bộ xã Sơn Liên nói với chúng tôi: “Nếu các anh muốn biết cụ thể thì hãy đi qua ngọn núi kia. Vô đó, các anh sẽ thấy họ mua hết đất của đồng bào như thế nào. Không phải một vài hecta, họ mua cả ngọn đồi với giá rẻ mạt”.
Một người dân xã Sơn Liên nhận tiền đền bù bị chủ nợ lấy hết
Men theo lối chỉ dẫn, chúng tôi đến thôn Tu Mít và thôn Nước Doa. Quanh năm, người dân ở đây chỉ biết đi rừng, làm lúa rẫy. Anh Đinh Văn Gành, Trưởng khu dân cư thôn Nước Doa, bức xúc: “Hồi trước, đồng bào không biết sẽ xây dựng thủy điện tại đây. Cách nay 2 năm, ông Thêm, bà Hồng đến hỏi mua đất trồng rừng, bảo vệ bản làng với giá 2-3 triệu đồng/ha. Thấy được giá, bà con bán hết cho họ. Đến khi thấy địa phương chi trả tiền đền bù, bà con mới biết mình bị lừa. Hộ nào nhận tiền về cũng bị ông Thêm, bà Hồng chặn lấy hết vì đã bán đất cho họ”.
Tiền bán đất chỉ tiêu xài được vài hôm đã hết sạch. Sau đó, hàng chục hộ ở 2 thôn Nước Doa và Tu Mít chỉ còn cách lên rừng đốn củi về bán mua gạo sống qua ngày. Không ít hộ lại trở thành con nợ của những người mua đất.
Không chỉ Nước Doa và Tu Mít, tại nhiều thôn khác ở xã Sơn Liên, đi đến đâu chúng tôi cũng nghe những câu chuyện đau lòng về việc người dân trở thành con nợ của những “cán bộ tốt bụng”, nơi nào cũng thấy họ bị lừa bán đất với giá rẻ. Ông Đinh Văn Rót (xóm Ngèo, thôn Nước Vương) dù được nhận tiền đền bù và hỗ trợ đến 1,2 tỉ đồng, đang bị bệnh nặng nhưng không có tiền mua thuốc uống.
Ông Rót là người phát được nhiều rẫy nhất ở xóm Ngèo nhưng bị con rể là Đinh Văn Nuôi trót bán hết cho ông Thêm với giá mỗi đám rẫy chỉ bằng vài con gà. Khi nhận tiền đền bù và hỗ trợ, ông Trót được ông Thêm cho lại 100 triệu đồng nhưng nay đã trả nợ hết.
Xác định cán bộ liên quan
Ông Đinh Kà Để, Bí thư Huyện ủy Sơn Tây, cho biết năm 2007, khi triển khai dự án thủy điện Đăkdrinh, lợi dụng việc biết trước thông tin về khu vực giải tỏa và mức đền bù, con buôn và một số cán bộ cho người thân đến dụ dỗ người dân để thu gom đất với giá rẻ. Đến năm 2009, tình hình mua đất trái phép ở đây diễn biến hết sức phức tạp. Nhằm ngăn chặn tình trạng này, Huyện ủy đã có chủ trương cấm mua bán đất nằm trong diện đền bù. Tuy nhiên, nhiều bà con vẫn bị lừa bán đất cho nhưng đối tượng thu gom.
Theo ông Để, trong đợt chi trả tiền đền bù vừa rồi, xã Sơn Liên có 46 hộ nhận tổng cộng đến 41 tỉ đồng. Sắp tới, huyện sẽ chi trả tiền đền bù cho 2 xã Sơn Dung và Sơn Long với khoảng 150 tỉ đồng. Chuyện tiền đền bù đất đai, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp của bà con lọt vào túi người khác chắc sẽ còn diễn ra phức tạp, gây nhiều hệ lụy.
“Hiện nay, dù chúng tôi nghiêm cấm nhưng việc mua bán đất trong vùng giải tỏa vẫn âm thầm diễn ra. Để xác định đối tượng lừa bà con để mua đất giá rẻ rồi chờ nhận tiền đền bù, chúng tôi đã yêu cầu các lực lượng chức năng vào cuộc làm rõ” - ông Để cho biết.
Theo ông Lê Văn Tùng, Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, trước mắt, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm điểm và làm rõ hành vi của ông Đinh Văn Lan, cán bộ phòng này, vì liên quan đến việc mua bán đất đền bù dự án thủy điện Đăkdrinh.
UBND huyện Sơn Tây cũng yêu cầu chủ tịch Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án thủy điện Đăkdrinh không phân công nhiệm vụ cho ông Nguyễn Anh Dũng (Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Tây kiêm phó chủ tịch Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ tái định cư của dự án) vì có người thân tham gia mua bán đất trong khu vực dự án.

Bài và ảnh: Tử trực

Có nên thưởng cho đàn áp ở Việt Nam?!

BBC - chủ nhật, 6 tháng 10, 2013
Phiên xử Luật sư Lê Quốc Quân
Chính quyền VN tuyên án phạt luật sư Lê Quốc Quân 30 tháng tù giam
Hoa Kỳ có vẻ tỏ ra chưa thực sự cương quyết với các hành xử được cho là đàn áp nhân quyền và các nhà bất đồng chính kiến ôn hòa ở Việt Nam, theo quan điểm của tờ Washington Post.
Liệu các quan chức cao cấp đại diện cho chính quyền Washington có nên nói thẳng với Việt Nam rằng chính quyền cộng sản nên chấm dứt các hành vi đàn áp, trong khi Việt Nam có nhu cầu tham gia vào các thỏa thuận kinh tế, thương mại ở Châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là thỏa thuận Đối tác Thương Mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) vốn đề cao nguyên tắc tuân thủ luật pháp quốc tế.

"Trong lúc thế lực của Trung Quốc gia tăng, Việt Nam nỗ lực làm việc để xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn với Hoa Kỳ. Chủ tịch nước Việt Nam đã đến thăm Nhà Trắng vào tháng Bảy."Câu hỏi này được tờ báo Mỹ đặt ra trong bài xã luận hôm Chủ Nhật. Bài báo mở đầu với nhận định về quan hệ song phương Mỹ - Việt:
"Sự kiện này đã khuyến khích sự tham gia của Mỹ vào các tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và một số nước châu Á, bao gồm Việt Nam, và đang có đề xuất Việt Nam gia nhập cơ cấu Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thỏa thuận thương mại tự do với Hoa Kỳ và 11 quốc gia khác."
Bài báo nói chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã 'khuyến khích' động thái này như một phần của chiến lược "xoay trục" của Mỹ tới châu Á, nhằm 'cân bằng ảnh hưởng' của Trung Quốc.

'Bắt chước Trung Quốc?'

"Như Trung Quốc, Việt Nam đã mở cửa kinh tế cho đầu tư nước ngoài và thị trường tự do. Song cũng giống lãnh đạo mới của TQ, VN siết chặt giới bất đồng chính kiến trong năm qua"
The Washington Post
Tờ báo Mỹ cho rằng giữa Việt Nam và Trung Quốc đang có điểm tương đồng trong hành xử với tự do nhân quyền:
"Nhưng không giống như hầu hết các nước láng giềng, Việt Nam đang làm rất ít để tự phân biệt với chế độ cộng sản ở Bắc Kinh.
"Như Trung Quốc, Việt Nam đã mở cửa kinh tế cho đầu tư nước ngoài và thị trường tự do. Song cũng giống lãnh đạo mới của Trung Quốc, Việt Nam đã siết chặt giới bất đồng chính kiến trong năm qua."
Bài báo hôm Chủ Nhật nêu con số thống kê cho thấy trong năm nay, ít nhất 46 nhà hoạt động ở Việt Nam đã bị bỏ tù vì chỉ trích đảng Cộng sản cầm quyền hoặc vì vận động cho nhân quyền.
Và nạn nhân mới nhất của chế độ cộng sản Việt Nam, theo Washington Post là một trong những nhà vận động 'nổi tiếng nhất và dũng cảm nhất' cho tự do rộng rãi hơn, ông Lê Quốc Quân.
Bài báo cho rằng luật sư Quân, 'một luật sư 42 tuổi, giáo dân Công giáo và blogger thẳng thắn,' đã gặp sự đàn áp có hệ thống trong một thời gian dài trước khi bị bắt và tin rằng lý do của việc này là ông Quân thách thức vai trò độc tôn của Đảng Cộng sản.
"Năm 2007, ông bị bắt ngay sau khi trở về từ khóa tu nghiệp theo học bổng ở Mỹ với Quỹ Quốc gia vì Dân chủ ở Washington, ông đã được chính quyền thả ra ba tháng sau đó sau khi có các phản đối từ Washington.
"Năm 2011, ông bị bắt một lần nữa vì quan sát phiên tòa của một nhà bất đồng chính kiến khác. Năm 2012, ông bị tấn công và bị hành hung bởi những người mà ông nói là nhân viên an ninh nhà nước.
"Đối mặt với tất cả những điều này, ông Quân vẫn tỏ ra kiên định, tiếp tục đăng tải trên trang blog của ông nhiều vụ lạm dụng nhân quyền và đưa ra các đề xuất cho tự do hóa chính trị."

'Câu hỏi trên bàn'

Biểu tình đòi thả ông Lê Quốc Quân
Người dân biểu tình trước phiên tòa xử luật sư Quân với cáo buộc trốn thuế
Tờ báo Mỹ trong phần kết của mình đưa ra một chỉ trích về thái độ được cho là 'thiếu mạnh mẽ' và 'thiếu nhất quán' của chính quyền Obama với việc 'đàn áp nhân quyền' của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam:
"Mặc dù ông Quân từ lâu đã là một người bạn của Hoa Kỳ, phản ứng của chính quyền Obama với bản án của ông Quân có vẻ không thực mạnh mẽ," bài báo viết và viết nhắc lại tuyên bố của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội sau phiên xử nhà bất đồng chính kiến:
"Việc sử dụng pháp luật về thuế của chính quyền Việt Nam bỏ tù các nhà chỉ trích chính phủ, bày tỏ quan điểm chính trị của họ một cách ôn hòa là đáng lo ngại."
Tuy nhiên, bài viết cho rằng tuyên bố này có thể là chưa đủ mà cần nhấn mạnh thêm rằng cách hành xử với nhân quyền ở Việt Nam đã đặt nước này 'mâu thuẫn' với Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị và tin rằng chính quyền của ông Obama cần phải có phản ứng thích đáng hơn nữa:
"Một câu hỏi đặt ra là liệu Hoa Kỳ sẽ không đặt Việt Nam ra ngoài vòng một liên minh thương mại tự do vốn dựa vào sự tôn trọng các quy định của pháp luật?

"Và liệu tuần tới đây khi các quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ gặp gỡ các đối tác Việt Nam tại hội nghị thượng đỉnh châu ở Á, câu hỏi có nên được đặt lên bàn thảo luận hay là không," tờ Washington Post đặt câu hỏi.