THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

06 October 2012

Siết nhập cư ở Thủ đô: Chưa phải tối ưu nhưng cần thiết?

(TNO) Nhìn nhận việc "siết" nhập cư ở Thủ đô không phải là giải pháp tối ưu, song Ủy ban Pháp luật của Quốc hội lại cho rằng đó là giải pháp “cần thiết”.
Dự luật Thủ đô vừa được Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng trình tại phiên họp Thường vụ Quốc hội chiều nay 6.10, cùng với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật.
Đáng chú ý của dự luật này vẫn là các quy định về tăng điều kiện đăng ký thường trú vào nội thành Hà Nội, đề xuất tăng mức xử phạt hành chính đối với các lĩnh vực văn hóa, đất đai, xây dựng, hay cho phép thu phí giao thông cao hơn ở khu vực nội thành.
Về điều kiện đăng ký thường trú vào nội thành Hà Nội đối với một số đối tượng chặt hơn so với quy định của luật Cư trú, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết cơ quan thẩm tra nhận định “việc bổ sung các điều kiện đăng ký nhập hộ khẩu vào nội thành Hà Nội đối với một số đối tượng chặt chẽ hơn tuy chưa phải là giải pháp tối ưu để quản lý dân cư nhưng cũng là một trong nhưng giải pháp cần thiết kết hợp với các giải pháp khác nhằm giãn bớt số lượng dân cư cư trú trong nội thành”.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra lưu ý: Về lâu dài cần phải có các giải pháp tổng thể, đồng bộ về kinh tế - xã hội, quy hoạch, như chuyển các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ra khỏi nội thành, hạn chế việc xây dựng các chung cư cao tầng trong nội thành, xây dựng tuyến đường giao thông thuận lợi kết nối nội thành với ngoại thành và các vùng phụ cận... thì mới có thể giải quyết được gốc rễ của vấn đề”.
Tại phiên thảo luận, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị giãi bày thêm về thực trạng quá tải dân cư ở nội đô Hà Nội, đồng thời cho rằng nếu không có biện pháp về điều kiện thường trú ở nội đô thì mức độ quá tải sẽ ngày càng trầm trọng. “Một người nhập cư mới ở Hà Nội là chúng ta phải chuẩn bị tiếp nhận cả một gia đình sau đó, hoặc đông hơn”, ông Nghị cảnh báo.

Dự thảo luật Thủ đô quy định:
Việc đăng ký thường trú ở ngoại thành được thực hiện theo quy định của pháp luật về cư trú.
Điều kiện đăng ký thường trú tại nội thành được áp dụng với các trường hợp quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 20 của luật Cư trú. Ngoài ra, “phải có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở và đã tạm trú liên tục tại chỗ ở đó từ 3 năm trở lên; nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú”.
Bảo Cầm

Người dân tháo dỡ rào chắn phong tỏa nhà máy gây ô nhiễm

(TNO) Người dân xã Điện Nam Đông (H.Điện Bàn, Quảng Nam) chiều 6.10 đã chấp nhận tháo dỡ rào chắn phong tỏa nhà máy Công ty TNHH Thép Việt Pháp (Cụm công nghiệp và Dịch vụ Thương Tín 1) suốt 12 ngày qua, cùng với cam kết chấm dứt ô nhiễm của doanh nghiệp.
UBND xã Điện Nam Đông chiều nay 6.10 đã chủ trì buổi đối thoại giữa người dân địa phương và Công ty TNHH Thép Việt Pháp để giải quyết dứt điểm vụ việc.
Đại diện nhà máy thép Việt Pháp thừa nhận dù rất nỗ lực đảm bảo vệ sinh môi trường trong quá trình sản xuất nhưng thực tế đã gặp nhiều khó khăn, sai sót và cam kết khắc phục.
 rào chắn
Người dân xã Điện Nam Đông giải tán khỏi khu vực nhà máy thép
sau 12 ngày bám trụ
Người dân yêu cầu nhà máy thép Việt Pháp chấm dứt tình trạng khói bụi, tiếng ồn và mùi khét. Nếu đơn vị tái diễn, người dân sẽ tiếp tục phong tỏa lối vào nhà máy như ba lần trước, khiến sản xuất ngưng trệ.
Trước mắt, người dân đồng ý tháo dỡ hai rào chắn ở hai hướng vào nhà máy để đơn vị xuất hàng và chèn chống tại nhà xưởng, bến bãi phòng tránh bão số 7.
Tuy nhiên, trong khi chưa khắc phục được công nghệ xử lý ô nhiễm, nhà máy vẫn chưa được phép tiến hành sản xuất theo yêu cầu của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam.
Như Thanh Niên Online đã thông tin, từ ngày 24.9 đến ngày 5.10, nhà máy thép Việt Pháp bị người dân xã Điện Nam Đôngbao vây vì nhiều lần gây ô nhiễm.
UBND xã Điện Nam Đông, UBND H.Điện Bàn đã hai lần họp dân đối thoại nhưng bất thành.
Tin, ảnh: Nguyễn Tú

Phú Yên di dời hơn 1.000 hộ dân tránh bão số 7

(TNO) Đến 14 giờ 6.10, tỉnh Phú Yên đã hoàn tất việc di dời hơn 1.000 hộ dân ở những vùng xung yếu, nguy hiểm do triều cường, ngập lụt.
Ngày 6.10, tại Phú Yên mưa rất to, tổng lượng mưa có thể từ 300 - 400 mm, có nơi cao hơn. Lưu lượng về hồ thủy điện Sông Ba Hạ khoảng 600 - 1.500 m3/giây. Đến 16 giờ, Phú Yên đã có gió mạnh cấp 6 - 7.
Lượng mưa thực tế tại Phú Yên bình quân 100 mm, chủ yếu là vùng ven biển.
 Người dân chằng chống nhà cửa để chống bão
Người dân chằng chống nhà cửa để chống bão
Trước tình hình đó, lãnh đạo tỉnh Phú Yên đã đi thị sát tại các điểm xung yếu để chỉ đạo công tác phòng chống bão, lũ lụt tại các địa phương.
 Dùng bao cát để đắp đê kè, chống triều cường xâm thực
Dùng bao cát để đắp đê kè, chống triều cường xâm thực
Được biết, thủy điện Sông Ba Hạ đã xả lũ với lưu lượng 3.000 m3/giây để đảm bảo mực nước dâng ở cao trình đón lũ là 103 m nhằm đảm bảo an toàn cho vùng hạ du khi mưa lũ về.
 Kè bằng bao cát được đắp trước nhà để ngăn nước tràn vào
Kè bằng bao cát được đắp trước nhà để ngăn nước tràn vào
Theo dự báo, tâm bão số 7 sẽ đổ bộ vào TX.Sông Cầu nên công tác chuẩn bị đối phó ở địa phương này hết sức khẩn trương.
Tại vùng triều cường thôn 2, xã Xuân Hải, địa phương đã huy động 45 đoàn viên thanh niên, dân quân của xã để di dời hơn 100 tàu thuyền vào nơi an toàn; di dời 58 hộ dân ở những nơi có nguy cơ sạt lở, sập nhà đến những nơi trú bão an toàn.
Ngoài ra, 257 tàu thuyền của địa phương này cũng đã neo đậu an toàn.
 Tàu thuyền ở phường Phú Đông, TP Tuy Hòa neo đậu an toàn
Tàu thuyền ở phường Phú Đông, TP.Tuy Hòa đã neo đậu an toàn
Theo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn TX.Sông Cầu, đến 14 giờ chiều 6.10, 256 hộ dân và 2.800 tàu thuyền đã di dời, neo đậu an toàn, hơn 16.000 lồng nuôi tôm hùm đã chằng chống và 804 bè nuôi tôm hùm đã kéo vào nơi an toàn.
 Người dân ở xã Xuân Hải, TX Sông Cầu kéo tàu thuyền vào nơi an toàn
Người dân ở xã Xuân Hải, TX Sông Cầu kéo tàu thuyền vào nơi an toàn
Chiều cùng ngày, Sở GD-ĐT Phú Yên đã thông báo cho học sinh nghỉ học để phòng chống bão. Chuyến bay TP.HCM - Tuy Hòa và ngược lại vào chiều nay cũng đã bị hủy vì mưa bão.
 Di chuyển thúng chai vào bờ
Di chuyển thúng chai vào bờ
Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên cho biết, hiện còn 99 tàu cá đánh bắt xa bờ hoạt động tại ngư trường Trường Sa, nhưng đây là vùng biển không bị ảnh hưởng nhiều bởi bão số 7.
 Huy động 45 đoàn viên thanh niên, dân quân xã An Hải giúp đỡ người dân di chuyển tàu thuyền
Huy động đoàn viên, thanh niên, dân quân xã An Hải giúp đỡ người dân
di chuyển tàu thuyền vào nơi an toàn
 Và di chuyển lưới vào nhà
Và di chuyển lưới vào nhà
Người dân chằng chống tàu thuyền
Người dân chằng chống tàu thuyền
Lực lượng xung kích xã Xuân Lộc, TX Sông Cầu đưa ông Nguyễn Thành Đôn (64 tuổi) bị bãi liệt đến nơi trú bão an toàn
Lực lượng xung kích xã Xuân Lộc, TX.Sông Cầu đưa ông Nguyễn Thành Đôn (64 tuổi)
bị bại liệt đến nơi trú bão an toàn
Tin, ảnhĐức Huy

Tàu Trung Cộng, Tàu Đài Loan: Tàu Tàu xâm lược

Tàu Trung Cộng, Tàu Đài Loan: Tàu Tàu xâm lược

Nguyễn Hùng, Trần Hoài Nam (Danlambao) - Trong những năm qua, ngoài hành động trực tiếp cướp của bắt giết ngư dân Việt Nam trên biển Đông, ở khu vực quần đảo Hoàng Sa mà Trung Cộng đã dùng vũ lực đánh chiếm vào năm 1974, nhà nước Trung Cộng đã gian manh tiến hành công tác tuyên truyền đổi trắng thay đen về chủ quyền của họ trên toàn vùng biển Đông trên các phương tiện truyền thông trong ngoài nước, kết hợp việc sử dụng lực lượng nghiên cứu khoa học kỹ thuật người Tàu chèn các tấm bản đồ lãnh hải 9 đoạn vẽ tay phi pháp - bị đặt cho cái tên nhục nhã là đường lưỡi bò - vào các bài nghiên cứu đăng trong các tập san khoa học kỹ thuật quốc tế để đánh lừa thế giới với việc làm lộng giả thành chân, mưa dầm thấm đất.

Hành động côn đồ trong mặt trận khoa học kỹ thuật của Trung Cộng đã bị giới trí thức khoa học kỹ thuật Việt Nam trong ngoài nước đồng loạt tấn công, vạch mặt chỉ tên trên hầu hết các cơ quan truyền thông và các tạp chí nghiên cứu quốc tế, qua các lá thư chống đối, thư cảnh báo… với hằng trăm nhà trí thức cùng nhau ký tên gởi đến hằng trăm tổ chức trên khắp thế giới. Bàn tay dơ bẩn xấu xa hèn hạ của Trung Cộng đã bị thế giới biết rõ hơn qua các bài viết phản đối đường lãnh hải phi pháp của Tàu Cộng trên tạp chí Nature, số tháng 10 năm 2011. 

Nay Đài Loan cũng đang thò cái đuôi cáo của họ, cũng theo thói côn đồ "văn hóa" như Trung Cộng từng sử dụng với đường lãnh hải "lưỡi bò". Trên trang mạng cộng đồng Wikipedia, Đài Loan vừa tự ý thay tên đảo Ba Bình của Việt Nam bị họ đánh chiếm từ tên bằng tiếng Anh (Itu Aba island) đã được quốc tế thừa nhận sang tên tiếng Tàu (phiên âm: Taiping island).

Đảo Ba Bình trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam 

Hiện nay cộng đồng trí thức người Việt trong và ngoài nước đang liên kết chống lại ý đồ đen tối này của Đài Loan. 

Trung Cộng và Đài Loan đang cấu kết cùng nhau xâm lược hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, cùng lúc gây hấn với Phi Luật Tân tranh giành khu Bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham, gây hấn với Nhật Bản tranh giành đảo Senkaku/Điếu Ngư. Họ cấu kết với nhau theo thế liên hoàn, dùng cả lực lượng hải quân hải giám và hàng ngàn tàu thuyền đánh cá tràn ngập vùng biển Đông Á, biển Đông. Trong nước, họ cho hằng ngàn người thường xuyên biểu tình bạo động chống Nhật, bài Nhật. 

Tại biển Đông, Trung Cộng lập thành phố Tam Sa tại quần đảo Hoàng Sa, Đài Loan thì cho mở rộng căn cứ quân sự tại đảo Ba Bình.

Trong khi đó tại Việt Nam, nhà nước lại kết thân với bọn xâm lược Trung Cộng, bỏ lơ sinh mạng và tài sản của ngư dân bị bọn "hải tặc" Trung Cộng bắt cướp đòi tiền chuộc mạng, chỉ phản đối lấy lệ cho qua chuyện. Người dân Việt Nam quan tâm đến sự an nguy của đất nước xuống đường biểu tình trong ôn hòa chống Trung Cộng xâm lược Hoàng Sa và Trường Sa, lên án hành động hải tặc bắt giết cướp đoạt tài sản của ngư dân trên biển Đông thì bị nhà nước ngăn chặn, hành hung, bắt bớ, khủng bố. Có trường hợp những người yêu nước bị chụp mũ gán trọng tội với những bản án phi lý vô nhân đạo với hàng chục năm tù. 

Thật đau đớn và uất ức nghẹn lòng khi người Việt Nam quan tâm đến an nguy của đất nước, lên tiếng chống bọn Tàu xâm lược lại bị chính nhà nước Việt Nam kết tội phản động! 

Ngày 06/10/2012


Truyền thông bố láo của đảng ta qua vụ Dương Chí Dũng



Dân Làm Báo - Các quan của đảng đăng đàn giảng dạy nhân dân ta "ngày nay sẽ không còn ai tin là trái đất có hình vuông" - lời đồng chí Nguyễn Sĩ Dũng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội  chiêng trống hùa theo công văn của quan thủ tướng vừa đòi xử lý Danlambao, vừa chỉ đạo "Báo Nhân Dân, Thông tấn xã VN, Đài truyền hình VN, Đài tiếng nói VN, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường cung cấp tin kịp thời và phản bác các tin không đúng sự thật.." Nhưng qua vở tuồng hát bội Thái... giám Dương Chí Dũng chúng ta thấy được gì về bản chất của các cơ quan thông tin đại chúng của đảng? Danlambao xin trình chiếu lại vở tuồng hát bội được chuyển thành phim nhiều tập chưa đến hồi kết này:

Ngày 18 tháng 5, 2012 báo lề đảng đăng tin đàng hoàng, rõ ràng: "Sáng nay, ông Dương Chí Dũng Cục trưởng Cục Hàng hải đã bị cơ quan điều tra Bộ Công an bắt giam"

Ngày 19 tháng 5, 2012 đảng ta cho ông Chí Dũng... dọt mất: "Hôm nay, cơ quan điều tra Bộ Công an đã phát lệnh truy nã ông Dương Chí Dũng (55 tuổi), nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines - người đã vắng mặt bất thường tại cơ quan, nơi cư trú."

Những bài báo đăng tin Dương Chí Dũng bị úm vào thứ 6 ngày 18 trên các cơ quan đại chúng"tăng cường cung cấp tin kịp thời" của ngài Thủ tướng đã bốc hơi không một lời giải thích sau khi tin thứ 7 ngày 19 lên khuôn báo cáo đồng chí Dũng cục trưởng đã biến. (*1)

Ngày 5 tháng 9, 2012 - tức gần 3 tháng 6, báo lề đảng đồng loạt đưa tin CA đã bắt được Dương Chí Dũng khi đang lẩn trốn tại một nước trong khối ASEAN, theo lệnh truy nã của Interpol. Sau khi bị bắt giữ, Dương Chí Dũng "đã bị dẫn độ về Việt Nam"

Không một bản tin nào có được một hình ảnh đính kèm cũng như thông tin nói rõ nước nào trong khối ASEAN. 

"Nước nào" sau đó được trang báo điện tử Năng Lượng Mới của đại tá Nguyễn Như Phong khẳng định: Dương Chí Dũng bị bắt giữ tại Campuchia hôm 3/9. Bản tin này cũng chung số phận "chết yểu" ngay sau đó. Bài báo bốc hơi dầu lặng lẽ (*2).

Trên bản niêm yết truy lùng tội phạm của Interpol cũng không có thông báo cập nhật là Dương Chí Dũng bị bắt. Sau khi Danlambao đưa tin về dữ kiện này, thông tin Dương Chí Dũng bị bắt theo lệnh truy nã quốc tế của Tổ chức Interpol đã bị đục bỏ trên các báo mạng của đảng ta (*3)

Ngay sau đó, cùng ngày, Cổng thông tin điện tử Bộ CA đăng tin: Ngay sau vụ bắt giữ, Thượng tướng - Bộ trưởng Bộ CA Trần Đại Quang "đã khen thưởng kịp thời cho các tập thể, cá nhân có thành tích bắt giữ Dương Chí Dũng".

Không chịu thua, từ phủ chúa, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ cũng lập tức khẳng định "Thủ tướng chỉ đạo rất sát sao vụ bắt Dương Chí Dũng". (*4)

Thế nhưng gần một tuần sau, từ "chỉ đạo sát sao" thì báo lề đảng lại đăng tin Thủ tướng "Yêu cầu báo cáo quá trình truy bắt Dương Chí Dũng" (*5)

Và sau đó mọi sự im re, yên ắng... cho đến... 

Sáng ngày 5 tháng 10, 2012 báo Lao Động của đảng ta xì tin Dương Chí Dũng đã được dẫn giải từ Sài Gòn về Hà Nội qua sân bay Nội Bài. Lao Động ta còn nói rõ "Theo quan sát, sắc diện của ông Dương Chí Dũng đã thay đổi nhiều so với hồi đương chức và ông này vẫn tỏ ra vui vẻ." Nhưng chỉ quan sát bằng mắt và nói lại bằng mồm thôi - xin lỗi nhân dân máy ảnh bị sự cố bất ngờ!.

Phim đến đây tạm thời ngừng quay. Các tài tử bận lên võ đài ở Ba Đình với diễn viên mới nhập cuộc tên Dũng họ Dương. Mà... chắc gì! Có ai thấy Dương Chí Dũng bị còng bị bắt không?

Bà con trong thôn đọc đến đây nếu có tính cất giọng giũa truyền thông lề đảng bố láo như Danlambao giật tít thì xin đừng. Làm sao đăng tin trung thật về các đồng chí đảng ta được khi các đồng chí đảng ta láo từ trên láo xuống, lếu từ dưới lếu lên.

Nên đành ẳng một tiếng và sang xem báo lề Dân.



_________________________

Ghi chú:

(1) http://danlambaovn.blogspot.com/2012/05/dan-lam-bao-thu-6-ngay-18-thang-5-2012.html#.UG9S8RhhNBo

(2) http://danlambaovn.blogspot.com/2012/09/them-nhieu-nghi-van-xung-quanh-vu-bat.html#.UG9ViRhhNBo

(3) http://danlambaovn.blogspot.com/2012/09/map-mo-tin-bat-duong-chi-dung.html#.UG9SlBhhNBo

(4) http://www.baomoi.com/Thu-tuong-da-chi-dao-bat-bang-duoc-Duong-Chi-Dung/58/9263121.epi

(5) http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/510923/Yeu-cau-bao-cao-qua-trinh-truy-bat-Duong-Chi-Dung.html

Trầm Bê mất trộm sừng tê giác bạc tỷ, xã nghèo chấn động



Hữu Danh (Dân Việt) - Chiều 3.10, phóng viên Dân Việt có mặt tại khu dinh thự của ông Trầm Bê. Giữa những căn nhà lá rách nát, khu nhà hoành tráng của ông vươn lên sừng sững đối lập hoàn toàn với cảnh nghèo nơi đây.Vụ đại gia Trầm Bê mất trộm sừng tê giác bạc tỷ vừa xảy ra đã gây chấn động xã nghèo Hàm Tân (Trà Cú, tỉnh Trà Vinh). Tuy nhiên, theo thông tin từ cơ quan chức năng, người bị mất sừng tê giác không có tên trong danh sách những người xuất và nhập khẩu hợp pháp sừng tê giác.

Vụ trộm tại “xã an toàn”

Thượng úy Lê Trần Nghĩa – Trưởng Công an xã Hàm Tân cho biết, Hàm Tân được công nhận là “Xã an toàn” từ tháng 6.2009. Từ ngày thành lập đến nay, Hàm Tân chưa bao giờ xảy ra vụ việc gì liên quan đến an ninh trật tự. Người dân sống rất hiền hòa, đến chuyện cãi vã nhau cũng hiếm khi xảy ra. Thậm chí, nhiều năm nay chưa có người dân Hàm Tân nào có hành vi vi phạm pháp luật ở nơi khác bị thông báo về địa phương.

“Chiều 27.9, người thân của ông Trầm Bê đến trụ sở Công an xã báo mất sừng tê giác. Ngay sau đó, chúng tôi báo về Công an huyện để nơi này xử lý vì vụ này vượt thẩm quyền cấp xã” - thượng úy Nghĩa nói. Cũng theo ông Nghĩa, khu dinh thự của ông Trầm Bê rất rộng. Khu này có khoảng 13 bảo vệ, an ninh khá nghiêm ngặt.

Khu dinh thự - nơi mất sừng tê giác của ông Trầm Bê nằm giữa vùng quê nghèo.

Ông Cao Thanh Hiền – Phó Chủ tịch UBND xã Hàm Tân cho biết, ông hoàn toàn bất ngờ trước thông tin sừng tê giác bạc tỷ bị mất trên địa bàn, bởi lâu nay xã này tuyệt đối an toàn. Tại quê nhà Hàm Tân, ông Trầm Bê không có đóng góp nào trực tiếp đối với địa phương, cũng không đầu tư làm ăn tại đây nhưng người dân vẫn quý mến vì ông Trầm Bê đã từng bỏ tiền ra tu sửa chùa Vàm Rây (còn gọi là chùa Phật Nằm với kinh phí hơn 1 triệu USD – PV).

“Hoàn thành năm 2008, khu dinh thự của ông Trầm Bê vẫn mở cửa cho các đoàn khách T.Ư và địa phương tham quan. Mỗi lần cấp trên yêu cầu, tôi sẽ liên hệ với người quản lý để họ mở cửa và hướng dẫn tham quan” - ông Hiền nói.

Chiều 3.10, phóng viên Báo NTNN có mặt tại khu dinh thự của ông Trầm Bê. Giữa những căn nhà lá rách nát, khu nhà hoành tráng của ông vươn lên sừng sững đối lập hoàn toàn với cảnh nghèo nơi đây. Biết tôi là nhà báo, một người dân chép miệng: “Chú vào không được đâu. Ở đây toàn đón khách đi xe hơi sang trọng không hà. Tụi tui ở đây cũng không biết ở trỏng có gì, chỉ nghe nói xa hoa dữ lắm”.

Nói chuyện mất trộm, một người dân chỉ vào cánh cổng bề thế, nói: “Con kiến cũng không lọt vào được, kẻ trộm chắc phải cao thủ lắm”. Khi tôi đến cổng khu dinh thự, vòng ngoài có 3 người bảo vệ đang đứng. Tôi trình thẻ nhà báo và xin được gặp người quản lý để hỏi thông tin. 2 người bảo vệ mặc đồng phục hỏi ý kiến người mặc thường phục, sau đó nói ngắn gọn: “Anh không được vào”.

Chúng tôi lại tìm đến trụ sở Công an huyện Trà Cú để tìm hiểu thông tin, nhưng lãnh đạo ở đây đều bận công tác. Trao đổi qua điện thoại, thượng tá Nguyễn Văn Thuyền – Trưởng Công an huyện Trà Cú cho biết: “Vụ này chúng tôi đang làm, chưa khởi tố vụ án nên vẫn chưa có thông tin gì để cung cấp cho nhà báo”.

Đề nghị làm rõ nguồn gốc

Điều dư luận quan tâm là, liệu ông Bê có bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi sở hữu sừng tê giác hay không? Được biết, ngay trong sáng 3.10, Tổ chức Wildlife Conservation Society (WCS) đã có văn bản chính thức gửi tới Công an Trà Cú đề nghị làm rõ vấn đề này.

Hiện Công an Trà Cú đã tiếp nhận văn bản và tiếp tục làm rõ. Theo đó, WCS đã có điều tra riêng, cụ thể đã trao đổi với Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam (thuộc Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NNPTNT) là nơi quản lý việc buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp.

Theo đó, ông Trầm Bê không nằm trong danh sách những người được nhập khẩu hợp pháp sừng tê giác vào Việt Nam. Ông này cũng không có tên trong danh sách những người xuất khẩu sừng tê giác hợp pháp như là mẫu vật săn bắn từ Nam Phi. Vì vậy, WCS cho rằng, chiếc sừng tê giác mà ông Trầm Bê bị mất có khả năng là đồ bất hợp pháp.

Trao đổi với PV NTNN qua điện thoại, ông Đỗ Quang Tùng – Phó Giám đốc Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam cho biết, cơ quan này đã có buổi làm việc với WCS về tính hợp pháp đối với “sừng tê” của ông Trầm Bê: 

“Chúng tôi quản lý chặt chẽ việc mua bán sừng tê giác, muốn mua bán phải có giấy phép. Trong danh sách do chúng tôi quản lý không có tên ông Trầm Bê” - ông Tùng khẳng định. Hiện phía WCS đang chờ trả lời từ phía cơ quan công an và sẽ có thông tin chính thức.




*

Đại gia mê sừng tê, dân đen xơi gà dành cho gia súc 


(Trái hay Phải) – Dù vô cùng cọc cạch, người viết bài này xin được đặt chuyện một đại gia bỏ 4 tỷ đồng ra mua sừng tê giác cạnh chuyện giới bình dân nhiệt tình xơi loại thực phẩm mà xứ người dùng để sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Thông tin đáng chú ý hàng đầu trên báo chí hôm nay có lẽ là câu chuyện về cái sừng tê giác bị mất cắp của Trầm Bê. Không tính đến những thông tin có liên quan về khối tài sản nghìn tỷ của đại gia này, xét riêng ở khía cạnh cái sừng này từ đâu và giá trị của nó ra sao cũng có ối chuyện thú vị kỳ cục. 

Điều đầu tiên có thể khẳng định rằng chiếc sừng tê này là đồ xịn trăm phần trăm, trước hết là vì chuyện mất cắp do chính các bảo vệ của đại gia này thông báo với cơ quan công an. Thứ nữa, Trầm Bê là một đại gia có tiếng với khối tài sản cả nghìn tỷ, cái sừng 4 tỷ chẳng qua cũng chỉ tương đương một mẩu tài sản, không lẽ ông ta chơi sừng trâu sừng bò để thiên hạ cười vào mũi? 

Ngay cả đích thân khổ chủ khi lên tiếng với một hãng tin nước ngoài cũng lờ tịt đi chuyện hàng xịn hay hàng rởm, thành ra băn khoăn của thiên hạ dồn vào việc cái sừng quý hơn vàng kia có xuất xứ như thế nào, hợp pháp hay không. Ờ nhỉ, hình như sừng tê giác là hàng cấm, hàng lậu đấy chứ mà sao đại gia này khai báo với công an và kêu toáng trên báo chí cứ như sừng trâu ấy nhỉ? Mà không biết các chú công an có rụt rè hỏi lại: sừng tê giác châu Phi hay sừng tê giác Việt Nam và làm sao anh có hẳn một cái? Cho đến giờ, vẫn chưa có một thông tin chính thức nào trên báo chí trong nước trả lời câu hỏi này, dù Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã cho biết họ nghiêng về phía giả thiết bất hợp pháp, với một giọng điệu vô cùng thận trọng như thể của các nhà ngoại giao. 

Riêng về tình yêu bất tận với loài tê giác thì người Việt từ lâu đã không còn giấu giếm và thế giới cũng từng nhiều lần bày tỏ sự thán phục. Nếu ở trong nước, con tê giác cuối cùng tại Cát Tiên đã lên đường thăm Diêm Vương thì hồi tháng 4 vừa qua, Nam Phi cũng ban lệnh cấm người có quốc tịch Việt Nam săn bắn tê giác ở nước này. Còn theo các hãng thông tấn quốc tế thì nhu cầu sừng tê giác đang tăng mạnh ở Việt Nam là một trong những nguyên nhân chính khiến số lượng tê giác bị hạ sát bất hợp pháp ở Nam Phi gia tăng đột biến. 

Cách đây mấy hôm, tờ Global Post lại tiếp tục đăng tải một bài viết quy trách nhiệm về vấn nạn săn trộm tê giác trên thế giới cho các băng nhóm người Việt. Bài báo cũng không quên trích dẫn phân tích của một tổ chức bảo vệ động vật hoang dã cho biết, nhiều người Việt rất háo hức chi tiền mua sừng tê giác đơn giản chỉ để chứng minh cho thiên hạ biết họ giàu đến mức nào. 

Từ phân tích trên đây, ta có thể gật gù mà tán đồng rằng ông chủ cái sừng tê đình đám này nhất định là người chịu chơi hàng đầu, nếu không muốn nói số 1, của Việt Nam. Lâu nay, người ta cứ bảo đại gia Việt mê đắm sừng tê, nhưng đây là lần đầu tiên một đại gia công khai niềm đam mê ấy. Ngay lập tức, những thứ như đám cưới triệu đô, vàng đeo gãy cổ, thậm chí cả anh Cường đô la hom hem vung tiền sưu tập siêu xe lập tức trở thành trò trẻ nít lăng nhăng. Quý vị thử nghĩ mà xem, mua vàng, làm đám cưới, tậu siêu xe dù xa hoa quá thể nhưng suy cho cùng đều có một giá trị gì đó, làm sao mà oách bằng việc bỏ tiền tỷ ra mua một mẩu sừng có giá trị đúng như móng trâu móng bò hay lông lợn? 

Trăm phần trăm, chúng ta là những con... lừa! 

Các nhà khoa học đã từng khuyên những người có ý định sử dụng sừng tê hãy gặm móng tay của mình nếu thấy cần, vì sừng tê được cấu tạo từ… chất sừng. Đương nhiên, lời khuyên này của các nhà khoa học chẳng có một tí ti giá trị nào với cánh nhà giàu, bởi đơn giản họ mua nó chỉ để chứng minh mình giàu có kia mà. Điều đó có nghĩa, cái sừng càng vô giá trị, họ càng thấy mình oách hơn trong mắt thiên hạ. Thật đúng là một thú vui làm rạng danh đất nước trên bản đồ thế giới, thậm chí còn đáng tự hào hơn cả danh hiệu uống bia khỏe nhất Đông Nam Á nữa kia. 

Trong khi đó, cũng liên quan đến sự ăn và uống của người Việt, mà cũng liên quan đến các loài súc vật, mấy hôm nay, nhiều tờ báo cho biết chúng ta đang đua nhau tống vào mồm các sản phầm từ gà thải loại Hàn Quốc. 

Không như sừng tê giác nằm giữa sự canh gác cẩn mật, kín đáo trong nhà đại gia, những con gà thải loại mang quốc tịch Hàn Quốc nằm rất duyên dáng, công khai trong các siêu thị, ngay tại đất Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Chẳng biết có phải do điều kiện kinh tế ngày càng đi xuống hay không mà các cửa hàng bán gà lại đông khách mới quý hóa, bất chấp một thực tế là các nước dùng loại gà này để chế biến thức ăn gia súc. 

Tinh thần lạc quan số 1 thế giới của người Việt Nam một lần nữa lại được chứng tỏ. Việc ngấu nghiến thứ thực phẩm dành cho động vật này một phần vì giá rẻ, phần khác vì theo nhiều người, nó ngon hơn cả gà công nghiệp. Niềm vui ăn uống cốt sao cho ngon miệng quả thật đã lên ngôi, còn hormon, kháng sinh, hóa chất… tồn dư là cái khỉ gì, đã chết ngay đâu mà sợ. 

Nhưng sự lạc quan của người dân khiến thế giới khâm phục một, thì tinh thần trách nhiệm của các cơ quan quản lý hẳn phải khiến thế giới khâm phục gấp mười. Theo các nhà báo, những con gà Hàn Quốc này được cơ quan chức năng cho phép nhập đàng hoàng, hẳn hoi, chứ tuyệt đối không thèm chịu kiếp hàng nhập lậu lén lút. Dân ta vừa xuề xòa vừa nghèo khó, lại tham ăn tục uống nên thịt thà lèn chặt túi tiền và bộ não đã đành, vậy chứ cơ quan quản lý cũng học giới bình dân chăng? 

Quý vị thử nghĩ mà xem, trong khi các đại gia không tiếc tiền mua một món hàng vô giá trị nhưng hiếm có, dù có thể bất hợp pháp, thì đám dân đen lại vì tiếc tiền mà đổ xô mua những thứ độc hại từ nước ngoài để tống vào mồm, với sự dễ dãi rộng rãi bất ngờ từ phía cơ quan chức năng. Thật là một sự kết hợp hoàn hảo giữa giới có tiền, giới bình dân và các cơ quan nhà nước, rồi thiên hạ hẳn phải thấy rõ rằng người Việt chúng ta quả nhiên vô cùng xứng đáng khi sống bên nhau trên cái dải đất hình chữ S này. Với chúng ta, chẳng có gì là không thể. 

Dĩ nhiên, thiên hạ cũng sẽ âm thầm tự hỏi, có đất nào như đất ấy không, như cụ Tú Xương của chúng ta ngày xưa. 


Tăng phí chạy thận, bệnh nhân kêu trời !



TT - Nhiều bệnh nhân đang chạy thận tại khoa thận nhân tạo Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) kêu khổ khi các khoản chi phí chạy thận tại đây tăng vọt từ ngày 10-9.

Dù bệnh nhân bị suy thận mãn đều có thẻ bảo hiểm y tế, nhưng mức đồng chi trả với cơ quan bảo hiểm 20% khiến họ gặp nhiều khó khăn khi phải gắn với việc chạy thận suốt đời.

Tăng 6 lần

Ghi nhận của chúng tôi tại khoa thận nhân tạo Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 2-10 cho thấy các khoản thu áp dụng cho bệnh nhân đang chạy thận bằng công nghệ HDF-Online (thẩm tách siêu lọc máu) tại đây đã tăng chóng mặt. Trong 30 khoản chi phí khi chạy thận, chỉ có bốn khoản giữ nguyên giá cũ, hai khoản giảm là dịch lọc Bicar (từ 160.000 đồng xuống 140.000 đồng), màng lọc high-flux 1.8 (sử dụng một lần rồi bỏ) từ 519.225 đồng xuống 501.900 đồng. Còn tất cả các khoản khác trong danh mục đều tăng cao, trong đó loại tăng cao nhất lên đến 6 lần! (xem bảng).

Đối với bệnh nhân lọc máu định kỳ theo công nghệ bình thường thì mức thu cũng tăng cao. Dịch sát khuẩn máy tăng từ 5.000 đồng lên 15.000 đồng, bộ chích AVF tăng từ 5.951 đồng lên 12.075 đồng, dây truyền dịch và tiền thuê máy cũng tăng...

Bệnh nhân ngồi chờ chạy thận tại khoa thận nhân tạo Bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh: Ngọc Nga

Với mức tăng trên, nhiều bệnh nhân cho biết trung bình mỗi tháng họ phải đóng thêm 800.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng chi phí điều trị. Như vậy, tính ra tổng chi phí cho một lần điều trị tăng 30-50%.

Đơn cử như trường hợp ông N.V.C., trước ngày 10-9 chi phí một lần chạy thận của ông hơn 615.000 đồng. Trong số tiền này, bảo hiểm y tế chi 400.000 đồng, ông đóng hơn 215.000 đồng. Nhưng đến ngày 25-9, chi phí cho một lần chạy thận của ông C. hơn 924.000 đồng (bảo hiểm y tế thanh toán 460.000 đồng, ông C. phải đóng hơn 464.000 đồng). Như vậy ông C. phải đóng tiền tăng gấp đôi.

Không biết trụ được bao lâu?

6g ngày 2-10 tại khoa thận nhân tạo Bệnh viện Chợ Rẫy có rất nhiều bệnh nhân ngồi chờ để vào chạy thận ca hai. Một vài bệnh nhân từ miền Tây lên vội mở bọc cơm nguội ngắt mang theo từ nhà để ăn sáng. Trên từng gương mặt mệt mỏi của bệnh nhân và người nhà lộ rõ nỗi lo về mức tăng viện phí mà Bệnh viện Chợ Rẫy mới áp dụng. Bàn tay nổi từng cục u to tướng do chạy thận quá nhiều lần của bà Đ.M.L. run run cầm tờ phiếu viện phí lọc máu định kỳ.

Giọng bà L. trầm ngâm: “Không biết tui còn trụ được bao lâu nữa. Mười năm nay chạy thận đã quá khổ, quá chật vật, giờ nhiều khoản tăng gấp nhiều lần như vầy không biết tui còn xoay xở được tiền để đến đây chạy thận mấy lần...”.

Bà L. kể quê bà ở Bạc Liêu, từ khi bị mắc bệnh suy thận giai đoạn cuối, bà phải chuyển lên TP.HCM sống với con để tiện việc chữa bệnh. Con bà làm công nhân, tiền lương ít ỏi nhưng mỗi tháng vẫn phải chắt chiu, dành dụm chút tiền cho mẹ chạy thận. Ngoài suy thận, bà L. còn bị suy tim nên chi phí điều trị rất tốn kém. Trước đây, mỗi tháng bà phải đóng tiền đồng chi trả với cơ quan bảo hiểm hơn 6 triệu đồng để chạy thận. Với mức thu mới, bà không biết con mình có thể kham nổi chi phí chữa bệnh cho mẹ được bao lâu...

Tương tự như bà L., bà N.T.T. (76 tuổi, quê Đồng Tháp) cũng phải xa quê lên sống với con gái ở Q.Bình Thạnh (TP.HCM) để chạy thận hơn bảy năm nay. Tất cả chi phí chạy thận của bà đều trông chờ vào con cái. Bà rất lo lắng vì mức tăng viện phí mà Bệnh viện Chợ Rẫy mới áp dụng khiến chi phí điều trị của bà mỗi tháng phải tăng thêm hơn 1 triệu đồng...

Nhiều bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy đều cho rằng mức tăng viện phí như trên là quá cao. Bà N.T.K. (Bình Thuận) cho biết mới đây bà phải bán ngôi nhà ở quê để lấy tiền chạy thận cho con trai. Con trai bà năm nay 27 tuổi nhưng đã bị suy thận bảy năm.

Bảy năm qua bà phải vào TP.HCM bán vé số và chăm người bệnh để lấy tiền chạy chữa cho con. Có lúc quá khó khăn, ba tháng liền bà phải nợ tiền viện phí. Mỗi tuần con trai bà phải chạy thận ba lần, mỗi tháng phải đóng tiền đồng chi trả với cơ quan bảo hiểm 2,2 triệu đồng. Nay với mức tăng viện phí mới, bà phải đóng 3 triệu đồng.

Bà K. bảo bà rất lo vì tài sản duy nhất là căn nhà ở quê đã phải bán đi, nay không biết trông chờ vào đâu để tiếp tục có tiền chạy thận cho con.

Các khoản thu tăng vọt như:

Khoản chi
Mức thu cũ
Mức thu từ 10-9
Tăng
Dịch sát khuẩn máy
5.000 đồng
30.000 đồng
6 lần
Dịch lọc Acetat
40.000 đồng
160.000 đồng
4 lần
Màng lọc low-flux
(tái sử dụng)
50.000 đồng
100.000 đồng
2 lần
Găng tay vô trùng
3.500 đồng/đôi
6.350 đồng/đôi
~ 2 lần
Tiền phòng (nằm 4 giờ)
10.000 đồng
30.000 đồng
3 lần

NGỌC NGA

Cập nhật theo giá mới

Trả lời câu hỏi vì sao giá nhiều loại vật tư tiêu hao và một số loại khác tăng quá nhiều, ông Tôn Văn Tài - phó phòng tài chính kế toán Bệnh viện Chợ Rẫy - cho rằng giá một số loại vật tư tiêu hao và một số loại khác tăng là do bệnh viện cập nhật giá mới theo danh mục đấu thầu vật tư tiêu hao năm 2012.

Theo ông Tài, kết quả trúng thầu các mặt hàng này có từ ngày 9-7-2012 và có loại giá tăng, có loại giá giảm so với giá cũ. Đúng ra giá mới này phải được bệnh viện điều chỉnh ngay sau khi có kết quả trúng thầu, nhưng sau ngày 10-9 khoa thận nhân tạo mới cập nhật.

L.TH.H