> Cúm A và những điều cần biết
TP - Trong khi dịch cúm đang lan rộng ở nhiều tỉnh - thành, không ít chợ lớn, chợ nhỏ ở TPHCM vẫn bày bán gia cầm sống không rõ nguồn gốc.
|
Gia cầm sống không rõ nguồn gốc được bày bán trên đường Phạm Hùng, quận 8. Ảnh: L.N. |
Tấp nập bán mua
Các quận - huyện TPHCM hiện có hàng trăm điểm bán gia cầm trái phép hoạt động ngày đêm.
Theo Chi cục thú y TPHCM, các điểm nóng bán gia cầm trái phép đã bị dẹp bỏ nhiều năm trước, nhưng vẫn lén lút hoạt động khi vắng bóng lực lượng chức năng.
Ở khu vực Chợ Cầu, quận 12, có hơn 10 điểm bán; khu vực bến xe Chợ Lớn, quận 5 có số lượng tương tự.
Tại đường Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Thị Thập, Lê Văn Lương, quận 7 có cả chục điểm bán gia cầm sống, làm thịt tại chỗ.
Theo nhiều người bán, đa số gia cầm do các hộ nuôi nhỏ lẻ ở quận huyện vùng ven TPHCM và một số đưa lên từ các tỉnh Long An, Tiền Giang.
Đường Phạm Hùng, quận 8, chỉ dài 2km nhưng có đến 15 điểm bán gia cầm sống không nguồn gốc. Mỗi sáng, tiểu thương bán gà vịt sống lấn ra cả lòng đường.
Hầu hết người mua về nhà làm thịt, số ít làm ngay tại chỗ. "Khi lực lượng dân phòng và cán bộ phường 4 hú xe tới, các tiểu thương nháo nhác chạy.
Nhiều chủ hàng bỏ của chạy lấy người. Sau 10 phút dọn dẹp, lực lượng chức năng bỏ đi, mọi việc lại đâu vào đấy.
Ngoài đường tấp nập kẻ bán người mua, trong chợ, tình trạng mua bán gia cầm đã làm thịt, không kiểm dịch cũng sôi nổi không kém.
Ở chợ Tân Mỹ, quận 7, có cả chục quầy bán gia cầm. "Gà ta 120.000 đồng/kg, vịt 90.000 đồng/kg. Đảm bảo an toàn vì đã kiểm dịch", một chủ sạp bán gia cầm ở chợ Tân Mỹ rao.
Tuy nhiên, toàn bộ số gà vịt tại đây đều không có dấu kiểm dịch. Ở khu chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, gà vịt không kiểm dịch trà trộn với gia cầm đóng gói có thương hiệu, bán với giá rẻ hơn.
Tại các chợ ở Thị Nghè, quận Bình Thạnh và chợ Tân Thuận Tây, quận 7, gia cầm không nguồn gốc được bày bán công khai.
Tại các chợ tự phát, chợ cóc cho công nhân, gia cầm không rõ nguồn gốc giá rẻ nên tấp nập người mua.
Có thể bùng phát dịch
Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM, nói: "Vẫn còn hơn 165 điểm kinh doanh gia cầm trái phép ở 17 quận - huyện tại TPHCM chưa được xử lý rốt ráo".
Theo ông Thảo, đây là nguyên nhân khiến cho nguy cơ dịch bùng phát cao. Ông Thảo cho biết đã chỉ đạo các quận - huyện kiểm tra thường xuyên, đột xuất các điểm nóng kinh doanh gia cầm trái phép, đồng thời chặn đường vận chuyển từ các tỉnh vào thành phố.
Tuần qua, Chi cục Quản lý Thị trường TPHCM phát hiện 158 vụ vi phạm về vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm không nguồn gốc. Tại các quận - huyện, nhiều điểm giết mổ gia cầm lậu vẫn hoạt động tấp nập.
Ông Thảo cho biết, vừa thu giữ 200 gia cầm không rõ nguồn gốc ở cơ sở giết mổ tại thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh. Ngoài ra tại cơ sở này, còn phát hiện chất độn và dụng cụ bơm nước vào gia cầm.
Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 1-3, TS. BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM, cho biết, đã cử cán bộ xuống xã Tân An Hội, huyện Củ Chi để điều tra dịch tễ, phun hóa chất sau khi phát hiện ông N.C.C có liên hệ với bệnh nhân Trương Phú Sơn (Bình Dương) đang mắc cúm A/H5N1, điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM. Theo ông C., ngày 10-2, ông mua một con ngan của một người dân xã Tân An Hội bán dạo, đưa về nhà ông Sơn cùng nhau làm thịt.
Sau đó, ông Sơn mắc bệnh. Vì vậy, các chuyên gia đang nghi vấn nguồn lây dịch cúm A/H5N1 từ TPHCM.
TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM, cho biết, bệnh nhân Sơn đã qua cơn nguy kịch, không cần thở máy. "Tuy nhiên, chúng tôi vẫn theo dõi sát bởi cúm A/H5N1 gây tỷ lệ tử vong rất cao", bác sĩ Châu nói.
Ông Phan Văn Bình, Cục Trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), hôm qua cho biết, đã có công văn gửi các viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur và Sở Y tế các địa phương, khuyến cáo người dân không nên ăn tiết canh, bởi nguy cơ mắc bệnh cao.
Cục Y tế Dự phòng cũng kêu gọi người dân sau khi tiếp xúc gia cầm và có triệu chứng sốt, ho, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám.
Lợn bệnh vào lò quay 20 con lợn bệnh mới đây bị Trạm thú y huyện Bình Chánh phát hiện khi đã giết mổ, chuẩn bị đưa vào lò lợn quay của bà Lê Thị Tới (ấp 6, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh). Số lợn nặng 430 kg không có giấy kiểm dịch, nằm trên nền đất mất vệ sinh. Kiểm tra cho thấy lợn bị bệnh truyền nhiễm và xuất huyết toàn thân. |
Lê Nguyễn