THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

15 November 2012

Kiểm duyệt ở Việt Nam và Trung Quốc

Kiểm duyệt ở Việt Nam và Trung Quốc







Nguyễn Hưng Quốc
12.11.2012

Ai cũng biết, về vấn đề ngôn luận, Việt Nam và Trung Quốc có rất nhiều điểm giống nhau. Thứ nhất, đó là hai trong bốn năm quốc gia hiện nay vẫn cấm việc tư nhân hóa truyền thông: Tất cả các phương tiện truyền thông, từ báo in đến báo nói (radio), báo hình (ti vi) và báo mạng đều nằm trong tay nhà nước. Thứ hai, trừ Bắc Hàn, đó là hai quốc gia có chế độ kiểm duyệt khắc nghiệt nhất trên thế giới hiện nay. Hệ thống kiểm duyệt của họ được tổ chức rất chặt chẽ, bao gồm nhiều cấp và bao quát nhiều phạm vi. Hình phạt của họ dành cho những kẻ vi phạm cũng rất nặng nề.

Tuy nhiên, về kiểm duyệt, giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn có một số khác biệt quan trọng. Ở đây, tôi chỉ lưu ý đến một khía cạnh: nội dung.

Trong bài “Tôi và người kiểm duyệt tôi” (Me and My Censor) đăng trên tờ Foreign Policy số ra ngày 26 tháng 10, Eveline Chao kể về những cách thức kiểm duyệt vừa gắt gao vừa lạ lùng ở Trung Quốc. Có vô số điều cấm kỵ đối với người cầm bút cũng như người làm báo, kể cả báo bằng tiếng Anh, chủ yếu cho người ngoại quốc.

Trong số các cấm kỵ ấy, có ba điều quan trọng nhất, được tổng kết thành công thức: “Ba T”, bao gồm: Taiwan (Đài Loan), Tibet và Thiên An Môn.

Đó là ba chữ cấm. Không được nhắc. Nếu phải nhắc, không nhắc không được, phải nhấn mạnh đến các quan điểm của đảng. Ví dụ, nhắc đến Đài Loan như một trong các thị trường hải ngoại (overseas market) thì được, nhưng dùng chữ “thị trường ngoại quốc” (foreign market) thì lại không được vì chính phủ Trung Quốc không xem Đài Loan như một nước mà chỉ xem như một tỉnh lẻ ở ngoài. Không được viết “tình hình sau vụ Thiên An Môn” mà phải viết “tình hình sau tháng 6 năm 1989”. Cũng vậy, không được viết “thời Cách mạng văn hóa” mà chỉ được viết “vào cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970”. Vân vân.

Các nhà báo bị dặn dò tránh các chữ ấy. Trên internet, chính quyền Trung Quốc cũng đựng tường lửa tất cả các chữ ấy.

Chúng bị xem là những chữ “nhạy cảm”. Chúng gợi lại những hiện thực mà chính quyền Trung Quốc không muốn dân chúng biết hoặc nhớ. Họ muốn những ấn tượng xấu xí và xấu xa liên quan đến vụ trấn áp ở Thiên An Môn chìm vào quên lãng. Họ muốn các cuộc phản kháng của dân Tây Tạng không lọt vào tai hay vào mắt bất cứ người nào ở Trung Quốc. Và muốn Đài Loan chỉ là một hòn đảo nhỏ thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

Ở Việt Nam, cũng có những chữ bị cấm như vậy.

Chỉ xin nhắc lại vài chữ:

Trước hết, chữ “Trung Quốc”, trong rất nhiều trường hợp, cũng là một chữ bị cấm. Nói đến quan hệ tốt đẹp, môi hở răng lạnh giữa Việt Nam và Trung Quốc thì được. Nhưng tàu hải giám Trung Quốc đánh chìm tàu đánh cá Việt Nam, bắt ngư dân Việt Nam rồi đòi tiền chuộc thì lại không được dùng chữ “Trung Quốc”. Phải nói là… tàu lạ.

Chữ “biểu tình” cũng là một chữ cấm. Dân chúng xuống đường biểu tình chống Trung Quốc thì phải được gọi là các cuộc “tụ tập tự phát”. Còn dân chúng biểu tình phản đối các chính sách cướp đoạt đất đai thì phải được gọi là “khiếu kiện”.

Nhưng buồn cười nhất là mới đây, ngay chính cái tên cúng cơm của đương kim Thủ tướng Việt Nam cũng bị xem là một chữ cấm. Vị Thủ tướng ấy, khi đứng trước diễn đàn, nói năng huyên thuyên về đạo đức, về sự trong sạch, về quyết tâm chống tham nhũng thì là Nguyễn Tấn Dũng. Nhưng khi vị Thủ tướng ấy bị mang ra phê bình về tội tham nhũng, bao che tham nhũng và bất lực để cho tham nhũng hoành hành, phá nát nền kinh tế quốc gia thì lại phải là “một đồng chí” hoặc là “đồng chí X” (nhà báo Ngô Nhân Dụng, trên tờ Người Việt ở California, đọc là “đồng chí Ếch’).

So sánh những từ bị cấm ở Trung Quốc và ở Việt Nam, chúng ta thấy gì?

Hầu hết những chữ bị cấm ở Trung Quốc đều liên quan đến tội ác của họ. Tây Tạng là một tội ác: tội cướp nước và tội diệt chủng. Thiên An Môn cũng là một tội ác: tội độc tài và tội trấn áp quần chúng. Cách mạng văn hóa cũng vậy. Cũng là một tội ác: tội đàn áp và tội sùng bái lãnh tụ một cách bệnh hoạn. Một phần, đó là những vết nhơ mà người ta không muốn nhắc đến. Phần khác, chúng có thể châm ngòi cho các cuộc phản đối và phản kháng kế tiếp, điều mà chính quyền không muốn.

Với Đài Loan, việc cấm kỵ cũng là điều dễ hiểu. Từ lâu, Trung Quốc luôn luôn khẳng định đó là một phần lãnh thổ của họ. Họ không bao giờ nhìn nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập.

Những từ mà Trung Quốc xem là nhạy cảm có thể giải thích được.

Nhưng không ai có thể giải thích một cách thỏa đáng phần lớn các từ bị xem là cấm kỵ ở Việt Nam.

Tránh chữ “biểu tình”. Ừ, thôi thì cũng được.

Nhưng biến “tàu Trung Quốc” thành “tàu lạ” thì, như hầu hết các blogger trong và ngoài nước, đã bình luận, không có cách giải thích nào ngoài một chữ: Hèn.

Còn “đồng chí Nguyễn Tấn Dũng” biến thành “đồng chí X” hay “đồng chí Ếch” thì sao?

Chịu!

Hiện tình nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa trong tù

Hiện tình nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa trong tù


Nhà văn yêu nước Nguyễn Xuân Nghĩa bị toà án Hải Phòng áp đặt 6 năm tù giam và 3 năm quản chế hồi năm 2009 về tội gọi là “chống chính quyền, vi phạm điều 88 Bộ Luật Hình sự".


Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa tại tòa án thành phố Hải Phòng hôm 08/10/2009. AFP photo

Thanh Quang điện thoại cho bà Nguyễn Thị Nga, vợ nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa tại Hải Phòng, để tìm hiểu về tình cảnh của nhà văn, và được bà cho biết như sau:
Nhiều bệnh nặng

Bà Nguyễn Thị Nga: Nói thật, bệnh tình của anh ấy đã lâu rồi, ngay từ khi vào trại giam B14, Bộ Công an, cách đây 4 năm. Tức là anh ấy bị 3 thứ bệnh cơ bản nhất gồm bệnh trĩ, bệnh khối u tiền liệt tuyến và một khối u ở má cứ càng ngày càng lên to.

Thanh Quang: Thưa bà, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa bị bệnh nặng như vậy thì giới cầm quyền có cho ông chữa trị gì không ?

Bà Nguyễn Thị Nga: Dạ, bây giờ anh ấy đang được phía công an cho đi điều trị ở bệnh viện tỉnh Nghệ An. Do có nhiều lời kêu mãi, kêu mãi, tức là rất nhiều dư luận rồi bao nhiêu tiếng nói ở trên các diễn đàn đưa tin về anh ấy, về bệnh tình của anh ấy rất lâu. Nhưng mà họ cũng làm ngơ quá lâu rồi. Đến bây giờ thì bệnh cũng không thể dừng được nữa, tức là anh ấy bị trĩ độ 3, nó sa ruột ra rất nhiều. Bây giờ họ cho đi cắt. Hôm nay tôi ở Hải Phòng vào bệnh viện này cách nhà cách nhà 400 km. Đi từ hôm 11 tây tháng này cho đến hôm nay 14/11/12 thì mới bắt đầu được làm thủ tục ở trại giam rồi làm thủ tục tại bệnh viện. Và bác sĩ nói là ngày mai mới cắt.

Thanh Quang: Mặc dù nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa được họ tạm thời cho chữa trị như vậy, nhưng bà có lo ngại là về lâu dài, liệu việc chữa trị cho chồng có thể bị trở ngại thế nào không?

Bà Nguyễn Thị Nga: Vâng, điều tôi mong muốn là hai bên không có chuyện gì xảy ra, để không có vấn đề gì xấu cho chồng tôi. Nhưng điều tôi mong muốn không biết có được hay không!

Thanh Quang: Thưa, họ cư xử với chồng bà cụ thể như thế nào, dù có tạm thời cho ông đi chữa bệnh?

Bà Nguyễn Thị Nga: Dạ, ở bệnh viện thì sáng nay họ đưa anh ấy đi, và còng tay anh ấy vào với một tù nhân nữa. Một người tù khác nữa được phép đến trông anh ấy. Nhưng người ta nói là chỉ khi nào có lệnh, tôi mới được vào trông nom anh ấy, còn không thì phải ra ngoài ngồi đợi. Thì cả ngày hôm nay, nói chung là cũng có lúc tôi được vào với anh ấy một tí, xem anh ấy thiếu thốn những gì để mua thêm, để củng cố sức khoẻ cho anh, để chuẩn bị những đồ dùng khi anh được phẫu thuật xong. Tôi lo những việc ấy cho anh tương đối hoàn chỉnh. Bây giờ tôi đi ra ngoài tìm nhà trọ để nghỉ.

Thanh Quang: Dạ, bà có được biết, hay giới hữu trách có cho bà biết, là sau thời gian nằm viện của nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa thì số phận ông sẽ như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Nga: Dạ, anh ấy bị trở về nhà giam. Tức là sau khi được phẫu thuật xong, khi mà vết thương đã khỏi theo như xác nhận của bác sĩ, thì chắc là anh ấy phải nằm viện 4-5 ngày gì đó, sau đó sẽ bị đưa trở về trại giam.

Thanh Quang: Thưa, nói chung thì bà có nói chuyện được gì nhiều với chồng bà không? Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa có nhắn gởi điều gì không?
Bà Nguyễn Thị Nga: Dạ, rất hạn chế. Anh ấy cũng có nhắn với vợ con là thôi thì rất là phiền đến gia đình, và anh rất cám ơn mọi người đã quan tâm đến anh ấy. Nói chung thì anh cũng có kể chuyện trong thời gian ở tù – nhưng ngắn thôi vì lúc nào an ninh cũng kiểm soát 24/24, lại có thêm một người tù riêng của người ta nữa để giám sát mình. Cho nên việc chuyện trò giữa vợ chồng rất hạn chế, chỉ những gì đáng nói thì nói thôi, vì cũng cần tạo điều kiện vui vẻ cho hai bên để anh Nghĩa đi phẫu thuật cho vui vẻ.

Đối xử như tù hình sự

Thanh Quang: Thưa, những lần bà tới thăm nuôi chồng bà ở trong tù thì nhà văn có nói lên điều gì không?

Bà Nguyễn Thị Nga: Anh ấy bức xúc lắm. Khi mà khoá tay anh cùng với một người tù nữa rồi đi qua 2 bệnh viện, trong đó có một bệnh viện là bệnh viện lao, để cho hai người tù kia xuống bệnh viện lao, còn anh ấy về bệnh viện đa khoa của tỉnh Nghệ An – của TP Vinh, khi tháo khoá để 2 tù nhân kia xuống bệnh viện lao thì lúc bấy giờ tôi mới biết là anh ấy bị khoá tay. Tôi cứ nghĩ là anh ấy bên chính trị, họ cũng để cho anh khỏi phải bị khoá. Nhưng anh bị khoá khiến tôi có nói một câu rằng “anh cũng phải bị khoá tay à ?”, anh ấy nói “cẩu”.
Anh cáu quá thì khi vào trong nhà tôi hỏi sao anh nói họ quá thế ? Anh cho biết rằng uất hận lắm. Rồi anh rơi hai hàng nước mắt và nói “em có biết không, anh bị khoá tay, cả đến khi vào thử máu, giơ tay lên để thử máu vẫn còn phải còng tay”. Anh ấy nói trong hai hàng nước mắt, bảo rằng mình không có tội mà chúng nó làm mình như thế nên trong lòng anh rất uất hận. Thực ra anh ấy là người rất tử tế. Và thường thì tội phạm chính trị rất hiền lành. Thế nhưng họ lại coi những người này còn nguy hiểm hơn là các tội phạm ma tuý, giết người. Tôi được biết là có một cô bị tù chung thân vì phạm tội ma tuý. Cô cũng đi bệnh viện thử máu, nhưng không bị còng tay, trong khi anh thì bị còng tay, khoá tay – khoá siết hai bàn tay vào.

Thanh Quang: Thưa, như vậy thì bà nhận xét tổng quát như thế nào về tình cảnh tù đày của nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa?

Bà Nguyễn Thị Nga: Nói chung là họ rất sợ những án chính trị. Họ coi mình như là kinh khủng lắm. Khi cháu Phạm Thanh Nghiên ở tù về thì cháu Nghiên nói về cảnh tù đày ở trong đó, tôi thấy thảm thiết lắm ! Nó khổ sở, quyền con người, nó…Tôi đi thăm chồng, nhưng ra, vào một tí là lại phải trình họ. Trong thời gian mà anh ấy cần mổ xẻ thì mình cần chuẩn bị xem chồng thiếu những cái gì, rồi còn nói những gì với vợ…Bao nhiêu thời gian ấy, nói thật, mới được gần nhau một tí thôi, nhưng mà họ đứng họ giám sát, họ nghe này khác. Nói chung là căng lắm !

Anh rơi hai hàng nước mắt và nói “em có biết không, anh bị khoá tay, cả đến khi vào thử máu, giơ tay lên để thử máu vẫn còn phải còng tay”.
Bà Nguyễn Thị Nga


Thanh Quang: Còn gia đình bà hiện gặp khó khăn ra sao, nhất là khó khăn gây ra từ phía công an, giới cầm quyền?

Bà Nguyễn Thị Nga: Dạ, về gia đình thì nói chung các cháu đi làm xa. Còn tôi chẳng làm gì để họ gây phiền hà cho tôi. Nhà thì làm nghề tự do. Đợt này, nói chung, họ cũng không có gì gây phiền phức.

Thanh Quang: Tình cảnh của chồng bà như vậy thì nhân đây, bà có muốn lên tiếng gì với công luận không?

Bà Nguyễn Thị Nga: Dạ, vâng. Tôi nghĩ tình cảnh như chồng tôi,cũng như nhiều anh em tù nhân khác, bị bệnh tật rất lâu rồi. Như chồng tôi bị bệnh 4 năm nay rồi, 4 năm hai tháng rồi, mà đến bây giờ họ không thể đừng được nữa, thì họ mới đưa chồng tôi đi. Tôi nghĩ là trường hợp của những người khác, giới cầm quyền để cho thật là nguy hiểm. Nói chung là họ không tôn trọng mạng sống của con người. Họ để cho thời gian tù đày của chồng tôi quá dài, còn thời gian bệnh tật kéo quá dài. Bây giờ chồng tôi còn cái bệnh gọi là khối u tiền liệt tuyến, đi tiểu rất khó khăn. Bệnh rất nguy hiểm. Nếu như anh được cho giải phẫu ngay đầu tiên thì rất dễ chịu. Còn bây giờ đã lâu ngày thì bệnh rất là nguy hiểm.Nhân đây, tôi mong mỏi dư luận giúp lên tiếng cho những tù nhân bị bệnh lâu ngày mà không được giới cầm quyền quan tâm đến. Tôi cũng mong rằng mọi người lên tiếng để giúp tránh rủi ro về tính mạng của họ.

Thanh Quang: Cảm ơn bà Nguyễn Thị Nga.


Thanh Quang, phóng viên RFA