THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

16 September 2011

Đề nghị Bộ Y tế giúp xác định “bệnh lạ” chết người

(Dân Việt) - Ngày 14.9, Sở Y tế Quảng Ngãi cho biết vừa có văn bản gửi Bộ Y tế đề nghị hỗ trợ xác định nguyên nhân gây ra căn bệnh ngoài da đang xảy ra đồng loạt tại huyện Ba Tơ, khiến 1 người tử vong.

Theo cơ quan này, từ tháng 4 đến nay có khoảng 50 trường hợp mắc bệnh này, tập trung chủ yếu ở xã Ba Điền (Ba Tơ) với 45 trường hợp. Bệnh nhân bị bệnh này vùng da ở lòng bàn tay, chân nổi sần, rồi bong từng lớp, miệng thì lở loét. Có 5 trường hợp phải chuyển ra Bệnh viện Da liễu T.Ư (Hà Nội) để điều trị.
Một số bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi cho rằng, 5 trường hợp trên là bị dày sừng lòng bàn tay, bàn chân do nhiễm độc. Tuy nhiên, nhiễm chất độc gì hiện chưa xác định được.

Đại gia và những kiểu tắm tiên cùng kiều nữ

Đúng như hẹn trước, sáng 3.9, đại gia ngành bất động sản nổi tiếng vùng Tây đô Lê Năm cùng nhóm bạn từ TP Cần Thơ rủ nhau ra Phú Quốc, Kiên Giang tắm tiên và nhậu thư giãn.

Trên đường từ sân bay về khách sạn, tài xế taxi tên Thành bắt chuyện với khách khá rôm rả. Sau một vài câu thăm dò, Thành bắt đầu quảng cáo về những bãi tắm thơ mộng, hoang sơ bậc nhất của đảo này.

Hai “tiên nữ” ở Phú Quốc tắm tiên cùng khách tại khu vực quần đảo An Thới (Phú Quốc, Kiên Giang)

Sau cùng Thành gợi ý: “Ở những bãi cát dài trắng tinh, phẳng lì và hoang vắng ấy mà được tắm cùng các “tiên nữ” thì hết sẩy. Mấy đại gia ra đây đều nhờ em tìm giúp các “tiên nữ” là người địa phương vì phải thưởng thức “đặc sản” chính gốc Phú Quốc mới thú”.

“Alô” là có

Không cho phép tắm tiên

Ông Huỳnh Quang Hưng, phó chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, cho biết gần đây có nghe chuyện một số 
bãi tắm, khu vực tại các hòn ở Phú Quốc có chuyện tắm tiên. Có trường hợp khách du lịch ra đảo tắm, cũng có trường hợp tắm tiên trá hình giữa khách du lịch và gái do một số tài xế taxi, các chủ tàu du lịch giới thiệu. Hoạt động diễn ra lén lút nên khó phát hiện.

“Chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan tiến hành kiểm tra, vận động các điểm du lịch chấn chỉnh việc này. Về mặt quản lý nhà nước, chúng tôi không cho phép “tắm tiên” vì chuyện này không phù hợp với văn hóa của người Việt” - ông Hưng nói.

Thành khoe trong danh bạ điện thoại của mình có số của khoảng 30 “tiên nữ”. Tất cả đều là... gái nhà lành, người bản xứ cũng có mà từ đất liền ra làm ăn cũng có. Giá cả cho một “tiên nữ” đi tắm cùng khách thì vô chừng, có em đòi hỏi thẳng thừng, em thì tùy lòng hảo tâm của khách. Nhưng thường dao động từ 500.000 - 1 triệu đồng tùy thời gian ngắn dài, dáng dấp, độ tuổi, nhan sắc, “phục vụ” đến mức nào...

“Tụi em biết nhu cầu mấy anh mà, tuyệt đối không đưa hàng là gái bia ôm, gái gọi đâu, toàn là “rau sạch”, gái “sinh thái” cả” - Thành quả quyết.

Thành “tiếp thị” trong danh sách của mình đang có hai em 19 tuổi, là học sinh một trường trung cấp nghề ở Rạch Giá, cũng là dân Phú Quốc chính hiệu, chân dài và xinh như người mẫu, có điều giá đi tắm khá cao, phải là một “vé” (100 USD).

Còn chục chị em bán quán cà phê, làm tóc, làm thời vụ bóc tôm, ướp cá... cho các cơ sở chế biến hải sản ở thị trấn Dương Đông thì chỉ cần chi 500.000 - 600.000 đồng nhưng “bị cái hay mắc cỡ nên tắm, kỳ cọ cùng nhau không thoải mái lắm”.

Thành tư vấn thêm: “Để riêng tư, các anh nên bao nguyên một tàu, vừa kín đáo lại có người phục vụ, chả thiếu thứ gì. Nếu không thích “em út” ở Dương Đông thì các anh có thể liên hệ trực tiếp với chủ tàu du lịch để tìm “tiên nữ” ở các xã đảo. Nhà quê hơn, chân chất hơn và cũng... “sinh thái” hơn”.

Để chứng minh, Thành đưa điện thoại cho khách nói chuyện trực tiếp với một người tự xưng là chủ tàu. Đầu dây bên kia, giọng một người đàn ông đứng tuổi nói rành rọt: “Nếu các anh không chọn được người từ đất liền thì lính tụi em sẽ tìm các cô gái trên các đảo (thuộc quần đảo An Thới). Trẻ, da rám nắng, chân dài, chịu chơi hết mình và bơi cũng giỏi. Sau khi ưng ý, mấy anh trích hoa hồng 200.000 đồng cho tụi em”.

Song hành cùng nhóm đại gia trên bãi biển hôm ấy là một nhóm đại gia khác gồm 12 người do ông Lê Sắc, nông dân phất lên từ nghề nuôi cá tra ở TP Cần Thơ, làm trưởng nhóm. Ông Sắc cho biết cứ cách vài tuần ông lại thuê tàu chở cả nhóm ra Hòn Thơm chơi.

Tại một quán cà phê gần bãi biển, đại gia này sẽ điện cho các tài xế xe ôm, tài xế taxi để tuyển lựa hàng ưng ý là gái “sinh thái” và “bốc” lên tàu ngay sau đó. Trong máy điện thoại của ông lưu gần 20 số điện thoại của các “cò” cung cấp “hàng”.

“Ngoài cánh xe ôm, taxi, tui biết khoảng chục đầu mối cung cấp gái “sinh thái” cho khách tắm tiên. Gái quê rặt, dân biển, còn ngây thơ, đen giòn, xinh xắn mà rất an toàn. Họ sẽ điều đến tận nơi cho mình ở các hòn, bãi tắm hoang vắng” - ông Sắc khoe.

“Tiên nữ” giáng trần

Sáng hôm sau, ông Năm cùng hai người bạn đều là các đại gia nổi tiếng trong lĩnh vực bất động sản ở TP.HCM đến Bãi Sao, được xem là một trong những bãi biển thơ mộng nhất của Phú Quốc. Như thỏa thuận hôm trước với tài xế taxi, “hàng” được đưa tới là ba cô gái trẻ người địa phương.

Sau khi cùng khách tắm tiên, “tiên nữ” này chỉ quấn ngang người một chiếc khăn tắm mỏng manh để đi dạo

Ông Năm chi hơn 1 triệu đồng, bao một taxi chạy gần 30km từ trung tâm thị trấn Dương Đông cập Bãi Sao, rồi bao trọn gói một “du thuyền” (tàu du lịch) cỡ lớn với giá 3,5 triệu đồng để du hí một vòng vùng biển An Thới. Đại gia này mua thêm 5kg ghẹ, 3kg mực và 4kg sò tô để lai rai trên boong tàu.

Ba cô gái ngoài 20 tuổi, tự giới thiệu tên Thủy, Diễm, Lan hòa nhập rất nhanh. Các cô nói cười vui vẻ làm huyên náo cả boong tàu. Hai người giới thiệu mình là nhân viên chạy bàn tại một quán ăn ở Dương Đông, cô còn lại cho biết đang làm thời vụ cho một cơ sở chế biến hải sản bên An Thới. Người có sở trường ca cổ, người pha trò rất khéo và tửu lượng đều rất khá.

Mỗi khi các cô nhõng nhẽo, nũng nịu, các đại gia như hưng phấn hẳn lên, bia lon Heineken bật rôm rốp. Khui gần hết một thùng bia, đủ để “say trong lòng một ít”, ông Năm kéo sát cô gái vào lòng thì thầm to nhỏ. Cô gái chỉ cười rồi e lệ cúi đầu...

Cả nhóm bước xuống một chiếc xuồng nhỏ vào tham quan di tích Giếng Tiên (giếng nước ngọt duy nhất ở bãi biển) rồi thả bộ dọc bãi cát trắng ven bờ. Đến khu vực vắng người, bao quanh là những bãi đá nhô cao, ông Năm cùng hai người bạn dắt tay ba cô gái nấp vào một khe đá. Họ cởi hết quần áo vứt lên mỏm đá cao rồi dìu nhau dầm mình xuống biển.
Những thân hình không mảnh vải che thân quấn riết lấy nhau cười khúc khích. Trong nhóm cô gái tên Lan tỏ ra bạo nhất, vòng ra sau lưng kỳ cọ cho ông Năm, còn đại gia này thả nổi trên mặt nước, mắt lim dim tỏ vẻ mãn nguyện. Thi thoảng họ chơi trò té nước, hì hụi “mò cua bắt ốc” rồi ré lên cười sảng khoái. Hơn một giờ sau, họ nắm tay nhau nằm dài trên bãi cát, tiếp tục nhâm nhi bia và hải sản.

Sau đó, ba cặp kiều nữ - đại gia bỗng dưng mất hút một cách khó hiểu. Ông Tường, một “phụ bếp” nhiều năm làm việc trên tàu này, cười lém lỉnh: “Tắm tiên là vậy đó. Ở đây tuần nào mà chẳng có gần chục tốp đại gia từ TP.HCM, Cần Thơ, Rạch Giá, Cà Mau... ra câu cá, tắm tiên. Họ mang cả xe hơi từ đất liền ra rồi tự tổ chức tour riêng.

Có đại gia cứ vài tuần ra đây một lần, mỗi lần lại tuyển một em mới, bao tàu đi chơi 3-4 ngày trên biển. Đi chơi “khép kín” như thế vừa bí mật riêng tư vừa có thể che mắt thiên hạ”.

Cũng theo ông Tường, trước đây nói đến tắm tiên ở Phú Quốc chỉ là bạn bè, người thân tự tắm với nhau hoặc cánh mày râu mang theo “hàng xách tay” ra du hí. Nhưng gần đây dịch vụ này rộ lên mà “hàng” phải đều là gái “sinh thái”, dân địa phương mới đúng gu của các đại gia khoái của lạ.

Ông này kể cách đây hai tháng, có một “tiên nữ” đang tắm cùng đại gia suýt chết đuối vì sặc nước. May mắn là nhóm bạn của ông này cùng các “tiên nữ” khác bơi gần đó đã cứu kịp.

Một lúc sau, trời đổ mưa biển nổi sóng, nhóm đại gia - kiều nữ vẫn say sưa tắm. Sau hơn hai giờ, ba cô gái bước lên bờ, vớ lấy chiếc khăn tắm quấn hờ ngang ngực. Xong “việc”, họ thuê một chiếc xuồng nhỏ trở lại “du thuyền”. Ba cô trong ba bộ đồ ướt sũng nước, để lộ hết nội y hằn trong làn áo mỏng, bước lên tàu với khuôn mặt tái mét, người run bần bật vì lạnh.

Họ tiếp tục khui bia và “dô dô” đến xế chiều. Chiếc taxi chở cả nhóm ghé qua cửa hàng trưng bày sản phẩm ngọc trai trên đường về lại Dương Đông. Các cô bước vào một lát rồi hớn hở bước ra, trên tay mỗi người đều xách một giỏ đồ.

Lan lấy hai chiếc bông tai và mặt dây chuyền có gắn ngọc trai đeo lên tai và cổ, tự hào khoe: “Đẹp không? Hết 1,5 triệu đồng đấy! Bù lại cho nguyên một ngày chịu lạnh”.
Theo Tuổi trẻ

Sau mưa, đường ven Hồ Gươm thành... ao nước đen ngòm

Dân Việt - Cơn mưa trưa nay, 5.9, chỉ 30 phút nhưng cũng đủ gây ngập úng đường Đinh Tiên Hoàng. Một đoạn ven Hồ Gươm bỗng thành ao nước đen ngòm, hôi thối nồng nặc.

 Dưới có hồ, còn phía trên lòng đường, vỉa hè cũng lại thành ao sau mưa
 Nước không thoát kịp xuống cống, ùn ùn đùn nước lên và chảy tràn xuống hồ Gươm
 Người đàn ông này bị mắc kẹt trên vỉa hè
 Nước lênh láng cả một đoạn dài phía đường Đinh Tiên Hoàng
Có những chỗ ngập sâu đến nửa mét
 Bãi để xe ô tô ven hồ Gươm cũng bị ngập khá sâu
Nước cống hòa nước mưa, ứ đọng, đen ngòm và kèm theo đó là mùi hôi thối nồng nặc
 Từng mảng váng bẩn cuộn lại theo dòng nước xoáy tràn xuống hồ Gươm
 Nước bẩn ào ào xối xuống lòng hồ
 
 Sợ lội nước bẩn, người phụ nữ này phải ngồi co trên thành rào chắn chờ nước rút

Thứ trưởng Cao Minh Quang khai man bằng cấp

Dân Việt - Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang khai trong hồ sơ lý lịch là tiến sĩ, đồng thời in danh thiếp là tiến sĩ dược khoa. Tuy nhiên, sự thật là ông Cao Minh Quang chưa bao giờ có học vị tiến sĩ.

Theo tài liệu mà chúng tôi có được, Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang chỉ theo học một khóa học từ năm 1993 -1994 tại Trường Đại học Uppsala (Thụy Điển) và đạt được chứng chỉ về nghiên cứu khoa học dược phẩm tự nhiên.
Ông Cao Minh Quang.
Thế nhưng, ông Cao Minh Quang tự khai trong phiếu Đảng viên là tiến sĩ (năm 2003). Lúc đó ông Cao Minh Quang vẫn còn đang là Phân viện trưởng Phân viện Kiểm nghiệm Bộ Y tế. Tiếp đó, đến năm 2006, khi là Cục trưởng Cục Quản lý dược, ông Quang tiếp tục khai trong bản tự khai sơ yếu lý lịch là: Tiến sĩ dược.
Trong bản tự khai này, ông khai rõ rằng ông đạt chứng chỉ “Licentiate of Pharmaceutical Sciences (tương đương tiến sĩ dược khoa)”. Và để chứng minh cho mọi người biết học vị tiến sĩ của mình, ông Quang còn cho in danh thiếp ghi rõ: “Cao Minh Quang - Tiến sĩ Dược khoa - Cục trưởng”.
Vậy ông Cao Minh Quang có phải là tiến sĩ dược khoa như ông đã khai hay không? Ngày 8.9.2011, Cơ quan Lưu trữ Thông tin Sinh viên thuộc Trường ĐH Uppsala (Thụy Điển) đã có thư hồi đáp Bộ GDĐT Việt Nam về vấn đề này.
* Mời các bạn đón đọc bài viết chi tiết trên báo Nông thôn Ngày nay số ra thứ Sáu ngày 16.9.2011 và báo điện tử Dân Việt (www.danviet.vn).

Điện ảnh Việt có tới 42 tỷ đồng để... thất thoát: Bàng hoàng !!!

42 tỷ thất thoát đã khiến giới làm phim “choáng váng”. Họ không ngờ, nền điện ảnh xưa nay vốn rất eo hẹp như thế lại có đến 42 tỷ đồng để... thất thoát.

1.
Điện ảnh Việt Nam đã từng được ví như một đứa trẻ được nuông chiều, bao bọc. Vào thời điểm ấy, mỗi năm ngân sách nhà nước đều rót tiền (dù không quá nhiều) để nuôi dưỡng, chăm bẵm cho các hãng phim. Từ cơ chế “nuông chiều”, hàng loạt những bộ phim đã xuất xưởng, trong đó phần lớn chỉ để… cất kho.
Với ngân sách được chi, các hãng phim nhà nước mải mê đầu tư sản xuất phim với mục đích chào mừng những ngày lễ trong năm, chiếu hết mấy ngày lễ là phim vào kho, nằm đợi mốc. Các hãng phim không phải lo nghĩ đến doanh thu, lợi nhuận. Chính vì thế, khi Nhà nước ngừng rót vốn, bi kịch của những hãng phim nhà nước đã bắt đầu.
Một cảnh trong phim Làng Vũ Đại ngày ấy
10 năm nay, kể từ khi tiến hành cổ phần hóa, Hãng phim truyện Việt Nam “dặt dẹo” tồn tại ở số 4 Thụy Khuê, Hà Nội. Nhiều người cảm thấy xót xa khi nhìn cảnh hãng phim tiêu điều, xập xệ. Người ta tiếc nhớ quá khứ huy hoàng của hãng phim, tiếc nhớ chiếc nôi đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam, nơi đã cho ra đời những tên tuổi lớn. Từ hãng phim truyện Việt Nam đã có Chung một dòng sông, Con chim Vành Khuyên, Chị Tư Hậu, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Làng Vũ Đại ngày ấy, Vợ chồng A phủ…
Từ năm 2001, giữa tình cảnh kiệt quệ ngân sách, hãng phim truyện Việt Nam đã cố gắng vẫy vùng chuyển đổi, bao đời Giám đốc lên rồi xuống, từ ông Nguyễn Nam, đạo diễn Lê Đức Tiến đến đạo diễn Vương Đức… Hãng phim ngày càng yên ắng hơn. Hai năm nay, hãng phim truyện Việt Nam không có bộ phim nào ra mắt, lý do đơn giản là, không có tiền sản xuất.
Cùng với hãng phim truyện Việt Nam, hãng phim truyện I cũng từng rơi vào tình cảnh “sống dở chết dở” khi bước sang cổ phần hóa. Giữ chức Giám đốc hãng phim truyện I khi ấy là đạo diễn Tất Bình, để bám trụ được, ông đã không ngại chạy vạy, xin xỏ tiền khắp nơi để đảm bảo cuộc sống cho anh em nghệ sỹ, và có tiền để sản xuất phim. Nhìn cảnh đạo diễn Tất Bình chạy ngược chạy xuôi xin tiền có người đã nói, “nhìn anh chẳng khác một con buôn”, Tất Bình cười, “Tôi phải là con buôn để có tiền mà làm phim chứ, chẳng lẽ ngồi đợi chết đói?”.
2.
Khi những hãng phim nhà nước “vật vã” tồn tại, phim tư nhân lên ngôi với dòng phim giải trí tung hoành khắp các rạp chiếu phim. Tiêu chí làm phim của những người kinh doanh rất rõ ràng, họ làm phim chỉ để kiếm tiền. Lợi nhuận là trên hết.
Về cách làm phim của các nhà sản xuất tư nhân, đạo diễn Đỗ Thanh Hải có nói “Khi nhà sản xuất đặt lợi nhuận lên hàng đầu, họ yêu cầu các đạo diễn phải quay trong thời gian nhanh nhất có thể để tiết kiệm chi phí. Nhà sản xuất còn yêu cầu đạo diễn làm việc với “chân dài” A, “chân dài” B… Nếu vai diễn, diễn viên cũng được nhà sản xuất sắp đặt trước, đạo diễn còn lại quyền lực gì cho quá trình sáng tạo của mình? Vì thế, tôi nghĩ, đã đến lúc, các đạo diễn cần phải học cách từ chối những kịch bản ngớ ngẩn, từ chối những diễn viên ngớ ngẩn..”.
Dung mạo của những bộ phim giải trí "thảm họa".
Bước chân đến rạp chiếu phim có thể nhận thấy ngay, phim giải trí chính là gương mặt đại diện của điện ảnh VN hiện tại. Ngay đến một người làm phim tư nhân, phim giải trí như Charlie Nguyễn- cũng chia sẻ “Tôi làm phim, điều đầu tiên tôi phải có trách nhiệm với đồng tiền nhà sản xuất đã bỏ ra. Nếu bây giờ tôi mang một kịch bản đến trước nhà sản xuất và nói, đây là tâm huyết của tôi, đây là một bộ phim giàu tính nghệ thuật- sẽ chẳng ai quan tâm! Điều mà tôi phải đảm bảo với họ chỉ là, phim sẽ bán được vé..!”.
Vì thế, những bộ phim giải trí “nhợt nhạt” vẫn ra rạp.
3.
Nhìn dòng phim giải trí hưng thịnh lại thấy hết sự thảm thương của phim nghệ thuật.
Đạo diễn Phạm Nhuệ Giang có một bộ phim nghệ thuật ấp ủ nhiều năm nay. Sau khi có được kịch bản, chị phải trình lên hãng phim truyện Việt Nam đợi duyệt. Muốn có tiền sản xuất phim, hãng phim truyện Việt Nam sẽ gửi kịch bản của Nhuệ Giang lên Cục Điện ảnh, Cục xem kịch bản- nếu đồng ý cho sản xuất, Cục sẽ xem xét duyệt chi 70% theo đúng quy định để Nhuệ Giang có tiền làm phim.
Đạo diễn Phạm Nhuệ Giang chưa biết phải làm gì với kế hoạch phát hành của bộ phim Tâm hồn mẹ.
Sau nhiều năm chờ đợi, cuối cùng bộ phim Tâm hồn mẹ cũng được duyệt. Nhưng với hơn 1 tỷ đồng xin được chỉ chi cho công việc đi tìm bối cảnh phim và casting diễn viên đã tốn đến phân nửa. Nhuệ Giang lại gửi kịch bản đến những tổ chức phim quốc tế, cũng chạy vạy nhiều nơi với hy vọng sẽ có thêm tiền làm phim. May mắn cho chị, một tổ chức của Pháp đã đồng ý tài trợ cho phim của chị thêm 2,7 tỷ đồng sản xuất và hứa sẽ hỗ trợ thêm trong khâu hậu kỳ.
Nhuệ Giang chia sẻ: “Hằng trăm kịch bản đã gửi đến, vậy mà kịch bản của tôi đã nhận được tài trợ. Tôi thấy mình may mắn, và hạnh phúc”.
Phạm Nhuệ Giang đã cho bấm máy Tâm hồn mẹ sau 10 năm thai nghén, xét duyệt, xin tiền, và chờ đợi. Nhưng, khi Tâm hồn mẹ hoàn tất, lại thêm một nỗi buồn lớn hơn cả nỗi buồn đợi xét duyệt và xin tiền, Nhuệ Giang nói gần như cay đắng, “Rất có thể, sẽ không có nhà phát hành nào đứng ra phát hành phim của tôi, vì chiếu phim nghệ thuật ở thị trường điện ảnh Việt Nam hiện tại là một sự mạo hiểm!”.
4.
Cục trưởng và Cục phó Cục Điện ảnh đã nộp đơn xin từ chức sau vụ thất thoát 42 tỷ.
Đã và đang có rất nhiều đạo diễn bất lực đứng nhìn kịch bản của mình nằm mãi trên giấy trắng vì không xin được tiền sản xuất. Đã có bao đạo diễn phải mang kịch bản đến các doanh nghiệp để xin từng triệu về làm phim. Đã có rất nhiều những dự án phim bị đình trệ vì thiếu tiền.
Bộ phim Trung úy (đạo diễn Hà Sơn) dừng đi, dừng lại không biết bao nhiêu lần vì cứ đang quay lại hết tiền. Đạo diễn Lưu Trọng Ninh khi được mời làm phim Mùi cỏ cháy (kịch bản Hoàng Nhuận Cầm) đã từ chối vì không thể sản xuất với kinh phí quá thấp.
Vì thế, con số 42 tỷ đồng thực sự khiến giới làm phim “bàng hoàng”. Họ không ngờ, một nền điện ảnh vốn nổi tiếng nghèo khổ, thiếu thốn như thế lại có đến 42 tỷ đồng để thất thoát.
Theo Dân trí

Ông Cao Minh Quang - Tiến sĩ dỏm, Thứ trưởng thật

(Dân Việt) - Ông Cao Minh Quang khai man mình là tiến sĩ, phải chăng để tiến thân lên chức Thứ trưởng Bộ Y tế? Bên cạnh đó, việc khai báo lý lịch của ông Quang cũng có dấu hiệu khai man tuổi tác.

Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang có phải là tiến sĩ dược khoa như ông đã khai hay không?

Ngày 8.9.2011, Cơ quan Lưu trữ Thông tin Sinh viên thuộc Trường ĐH Uppsala (Thụy Điển) đã có thư hồi đáp Bộ GDĐT Việt Nam, trong đó có đoạn: "Ông Cao Minh Quang đã tham dự một khoá học tại ĐH Uppsala năm 1993-1994 và được trao chứng chỉ­ sau ĐH về khoa học Dược”.

Bức thư cũng cho biết, chứng chỉ mà ông Quang được ĐH Uppsala của Thụy Điển trao chỉ là bước đệm để học tiếp lấy chứng nhận tiến sĩ.

Trong hồ sơ lý lịch và danh thiếp của mình, ông Cao Minh Quang ghi học vị là Tiến sĩ  và các văn bản của ngành chức năng phủ nhận điều đó .

Chỉ là chứng chỉ

Theo tài liệu mà chúng tôi thu thập được, Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang chỉ theo học một khóa học từ năm 1993 -1994 tại Trường Đại học Uppsala (Thụy Điển) và đạt được chứng chỉ về nghiên cứu khoa học dược phẩm tự nhiên.

Thế nhưng, ông Cao Minh Quang tự khai trong phiếu Đảng viên là tiến sĩ (năm 2003) lúc đó ông Cao Minh Quang vẫn còn đang là Phân viện trưởng Phân viện Kiểm nghiệm Bộ Y tế.

Tiếp đó đến năm 2006, khi là Cục trưởng Cục Quản lý dược, ông Quang tiếp tục khai trong bản tự khai sơ yếu lý lịch là: Tiến sĩ dược. Trong bản tự khai này, ông khai rõ rằng ông đạt chứng chỉ “Licentiate of Pharmaceutical Sciences (tương đương tiến sĩ dược khoa)”.

Và để chứng minh cho mọi người biết học vị tiến sĩ của mình, khi còn giữ chức Cục trưởng Cục Quản lý dược, ông Quang còn cho in danh thiếp ghi rõ: “Cao Minh Quang - Tiến sĩ Dược khoa - Cục trưởng”.
Khai man lý lịch

Ngày 13.9.2011, Cục An ninh Chính trị nội bộ (A83) thuộc Tổng Cục an ninh II đã có Văn bản số 3157/A83 (P5) trả lời đơn tố cáo của ông Ngô Minh Nho (một đảng viên, cựu chiến binh ở TP.HCM) về việc ông Cao Minh Quang (Thứ trưởng Bộ Y tế) có gian lận trong việc kê khai tiến sĩ và lợi dụng chính sách luân chuyển để trù dập cán bộ không ăn cánh với mình (Về việc này, chúng tôi sẽ nói rõ ở bài sau).
Theo đó, Cục An ninh Chính trị nội bộ khẳng định, Trường Đại học Uppsala Thụy Điển khẳng định ông Cao Minh Quang đã học tại trường từ năm 1993-1994 và đạt chứng chỉ về nghiên cứu khoa học dược phẩm tự nhiên vào ngày 26.10.1994 (không phải là văn bằng). Theo quy định của trường, đây chỉ là chứng chỉ cần đạt được để tham dự khóa học tiến sĩ.

Trước đó, ngày 9.9.2011, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Văn bản số 664/KTKĐCLGD-VB cũng khẳng định chứng chỉ của ông Cao Minh Quang do Trường Đại học Uppsala Thụy Điển chỉ là chứng chỉ cần đạt được để theo học tiến sĩ.

Một điểm đáng lưu ý là trong hồ sơ của Trường Đại học Uppsala Thụy Điển thì ông Cao Minh Quang lại sinh ngày 6.6.1953, trong khi đó, trong hồ sơ lý lịch tự khai tại Bộ Y tế thì ông Quang lại khai sinh ngày 10.11.1956.
Tại sao ông Cao Minh Quang lại khai trong bản sơ yếu lý lịch ngày tháng năm sinh khác với lời khai về ngày tháng năm sinh khi học tại Trường Đại học Uppsala Thụy Điển?

Đặt câu hỏi này với một chuyên gia nội vụ, chúng tôi được trả lời: “Có lẽ thời điểm ông Quang đi học tại Thụy Điển năm 1993 khi ông này chưa có chức vụ gì nên khai đúng. Còn khi đã là Cục trưởng (năm 2006) thì lại mong danh vọng, quyền lực được lâu hơn nên khai rút tuổi đi” (?).

Chuyên gia này cũng bình luận: “Có lẽ vì chiếc ghế Thứ trưởng Bộ Y tế mà ông Cao Minh Quang đã phải khai man lý lịch và mạo nhận mình có học vị tiến sĩ”.
(Còn nữa)

UPDATED PICS - Đám tang của ông Trương Văn Sương & hai con của ông không được nhận xác cha

NNP phỏng vấn ông Trương Văn Sương 13/7/2010 tại nhà riêng, TP Sóc Trăng




































Hình mộ của chú Trương Văn Sương do anh em tù chôn cất.... (Hình do gia đình cung cấp)
Xin chú phù hộ cho đất nước VN mau khỏi ách CS.

Danchuleaks


SÓC TRĂNG (NV) - Tù nhân bất khuất Trương VănSương đã được chôn ở chân núi Ba Sao gần nhà tù Nam Hà  hôm Thứ Ba, 13 tháng 9, bất chấp lời yêu cầu của các con trai ông là xin hỏa táng rồi mang về quê nhà.

Anh Trương Quang Dũng, con trai lớn của ông Sương, từ Nam Hà về tới nhà ở thành phố Sóc Trăng, cho báo Người Việt hay như vậy vào buổi tối (giờ Việt Nam) hôm Thứ Tư.

Ông Trương Văn Sương qua đời hôm Thứ Hai, 12 tháng 9, sau gần một tháng bị buộc quay trở lại trại tù Nam Hà, miền Bắc Việt Nam.

Anh Trương Quang Dũng kể lại đám tang của cha mình cho biết: "Xác ba con để ở nhà xác bên hông nhà thương ở Phủ Lý. Họ đã liệm hết rồi. 

Con xin đừng mổ tử thi để ba con chết toàn thây mà người ta nói cái này luật của trại. Họ nói anh em con ký tên xác nhận mổ tử thi nhưng anh em con không chấp nhận. Con nói nếu là luật của trại thì trại mổ, còn chúng tôi không chấp nhận."

Anh Dũng mang theo bộ quần áo vét tông mới để thay cho bộ đồ tù của cha anh nhưng không được chấp thuận cho thay. 

"Người ta chỉ cho mở cái nắp phía trên có lỗ nhỏ có kiếng chừng một tấc vuông, nhìn thấy mặt ba con chớ không được ngó thấy tất cả. Con rờ mặt ba con một chút rồi nhét 2 bộ đồ mang theo cho ba con vào cái lỗ đó chớ không được mở hẳn nắp quan tài.


Người ta đậy lại rồi bắt chở đi chôn liền.


Mọi chuyện họ đã làm sẵn hết trơn rồi, không có cầu an cầu siêu gì cho ba con được."

Theo anh kể, chiếc xe chở quan tài ông Sương từ nhà xác của bệnh viện Phủ Lý đi thẳng đến chân núi Ba Sao, gần nhà tù, nơi các tù nhân chết được chôn ở đây.

"Mười mấy người ở tù chung với ba con tới xe hạ quan tài ba con xuống rồi chôn liền." Anh nói.

Theo anh Dũng, công an không đưa cho anh giấy tờ gì về cái chết của ba anh mà "chỉ đưa tờ giấy nói khen ngợi sự nhân đạo của nhà tù cùng với một triệu đồng."

Anh Dũng kể: "Chôn ba con xong, con tính vào trong trại xin nhìn chỗ ở của ba con và lấy các đồ kỷ niệm của ba con. Nhưng họ nói tới đó xa xôi lắm, tới không được đâu. Họ chỉ dụ chúng con làm tờ cam kết cán bộ đối xử với ba con tốt này kia kia nọ, rồi đưa cho anh em con một triệu đồng coi như cảm tình của trại vậy đó. Biểu con ký thì con nói không biết chữ nên không ký. Còn em con ký nói trại lo lắng này nọ cho ba con thì em con ký, tội nghiệp mấy người tù phải đào huyệt rồi chôn ba con."

Theo lời anh Dũng, anh có xin đem hài cốt của cha về, cuộc đấu tranh gần hai tiếng đồng hồ, nhưng họ nói đã sắp đặt hết rồi. Luật của trại từ xưa tới nay ai chết cũng phải chôn ở đây.
 

Ba năm sau xin phép địa phương, có được chấp nhận thì cho mang hài cốt về quê.

"Chúng con có xin đem xác hỏa táng thì họ nói khéo là đã đào huyệt xong hết trơn rồi. Anh ra tới đây lại đòi đem thiêu, nói riết một hồi cũng dứt khoát là không cho."

Vẫn theo lời kể của anh Dũng, Luật Sư Nguyễn Văn Ðài (người từng ở tù chung phòng với ông Sương hơn một năm) đặt một vòng hoa mang theo nhưng bị cấm đi theo. Luật Sư Ðài muốn đưa tới một mục sư để cầu nguyện cho ông Sương cũng không được.

"Tất cả cái gì chúng con muốn đều không được mà tất cả đều là sự sắp xếp của trại hết. Họ chỉ cho con thắp nhang rồi nhìn mặt cha là hết," anh Dũng nói.

Theo lời kể của anh Dũng, trước khi bị bắt đi, ông Trương Văn Sương như linh cảm mình không còn cơ hội trở lại với các con và các cháu nên nói rằng: "Ba đi chuyến này, ba năm sau con tới lấy hài cốt mang về."

Theo lời anh, trước khi chết, ông Sương có viết một bức thư về cho các con. 
 

Thư chưa kịp gửi đi thì ông chết. Nhà tù có đưa cho anh lại bức thư này, chỉ là thư thăm hỏi.

"Nội dung bức thư là khuyên răn con cái lo làm ăn, lo cho gia đình."

Ông Trương Văn Sương 68 tuổi, nguyên là một trung úy thuộc Ðịa Phương Quân VNCH, bị kết án tù chung thân năm 1983 khi từ Thái Lan về Việt Nam lập chiến khu phục quốc cùng trong nhóm với các ông Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh. Trước đó, khi miền Nam sụp đổ, ông bị bắt đi tù "cải tạo" 6 năm rồi vượt biên sang Thái Lan.

Trong nhà tù, ông nổi tiếng là một tù nhân bất khuất, từng cầm đầu các cuộc đấu tranh hay tuyệt thực chống sự hà khắc của nhà tù.


Các thành quả mà tù nhân ở nhà tù Ba Saođược đối xử bớt hà khắc hơn trước cũng lànhờ sự đấu tranh can đảm của những người như ông Sương. Vì vậy, ông đã bị biệt giam và cùm rất nhiều lần.

Những năm sau này, ông bị bệnh hở van tim, sức khỏe cạn kiệt gần chết thì được cho về nhà tạm một năm để chữa bệnh từ giữa tháng 7, 2010. Hết hạn thì bị buộc quay lại nhà tù Ba Sao và chỉ ba tuần lễ sau thì lên cơn đau tim và qua đời. Con ông đã làm giấy bảo lãnh xin cho ông được tiếp tục chữa bệnh nhưng bị từ chối.

Tổng cộng, ông đã ở trong nhà tù cộng sản hai lần với gần 34 năm.
free counters
Free counters