SÓC
TRĂNG (NV) - Tù nhân bất khuất Trương Văn Sương đã được chôn ở chân núi
Ba Sao gần nhà tù Nam Hà hôm Thứ Ba, 13 tháng 9, bất chấp lời yêu cầu
của các con trai ông là xin hỏa táng rồi mang về quê nhà.
Hai
người con trai, Trương Quang Dũng (trái) và Trương Tấn Tài (phải) đứng
trước mộ mới đắp của ông Trương Văn Sương ở chân núi Ba Sao tỉnh Nam Hà.
(Hình: Gia đình cung cấp)
Anh
Trương Quang Dũng, con trai lớn của ông Sương, từ Nam Hà về tới nhà ở
thành phố Sóc Trăng, cho báo Người Việt hay như vậy vào buổi tối (giờ
Việt Nam) hôm Thứ Tư.
Ông Trương Văn Sương qua đời hôm Thứ Hai, 12 tháng 9, sau gần một tháng bị buộc quay trở lại trại tù Nam Hà, miền Bắc Việt Nam.
Anh Trương Quang Dũng kể lại đám tang của cha mình cho biết: “Xác
ba con để ở nhà xác bên hông nhà thương ở Phủ Lý. Họ đã liệm hết rồi.
Con xin đừng mổ tử thi để ba con chết toàn thây mà người ta nói cái này
luật của trại. Họ nói anh em con ký tên xác nhận mổ tử thi nhưng anh em
con không chấp nhận. Con nói nếu là luật của trại thì trại mổ, còn chúng
tôi không chấp nhận.”
Anh Dũng mang theo bộ quần áo vét tông mới để thay cho bộ đồ tù của cha anh nhưng không được chấp thuận cho thay.
“Người
ta chỉ cho mở cái nắp phía trên có lỗ nhỏ có kiếng chừng một tấc vuông,
nhìn thấy mặt ba con chớ không được ngó thấy tất cả. Con rờ mặt ba con
một chút rồi nhét 2 bộ đồ mang theo cho ba con vào cái lỗ đó chớ không
được mở hẳn nắp quan tài. Người ta đậy lại rồi bắt chở đi chôn liền. Mọi
chuyện họ đã làm sẵn hết trơn rồi, không có cầu an cầu siêu gì cho ba
con được.”
Hai người con bên cạnh quan tài ông Trương Văn Sương ở nhà xác bệnh viện Phủ Lý, tỉnh Nam Hà. (Hình: Gia đình cung cấp)
Theo
anh kể, chiếc xe chở quan tài ông Sương từ nhà xác của bệnh viện Phủ Lý
đi thẳng đến chân núi Ba Sao, gần nhà tù, nơi các tù nhân chết được
chôn ở đây.
“Mười mấy người ở tù chung với ba con tới xe hạ quan tài ba con xuống rồi chôn liền.” Anh nói.
Theo anh Dũng, công an không đưa cho anh giấy tờ gì về cái chết của ba anh mà “chỉ đưa tờ giấy nói khen ngợi sự nhân đạo của nhà tù cùng với một triệu đồng.”
Anh Dũng kể: “Chôn
ba con xong, con tính vào trong trại xin nhìn chỗ ở của ba con và lấy
các đồ kỷ niệm của ba con. Nhưng họ nói tới đó xa xôi lắm, tới không
được đâu. Họ chỉ dụ chúng con làm tờ cam kết cán bộ đối xử với ba con
tốt này kia kia nọ, rồi đưa cho anh em con một triệu đồng coi như cảm
tình của trại vậy đó. Biểu con ký thì con nói không biết chữ nên không
ký. Còn em con ký nói trại lo lắng này nọ cho ba con thì em con ký, tội
nghiệp mấy người tù phải đào huyệt rồi chôn ba con.”
Theo
lời anh Dũng, anh có xin đem hài cốt của cha về, cuộc đấu tranh gần hai
tiếng đồng hồ, nhưng họ nói đã sắp đặt hết rồi. Luật của trại từ xưa
tới nay ai chết cũng phải chôn ở đây. Ba năm sau xin phép địa phương, có
được chấp nhận thì cho mang hài cốt về quê.
“Chúng
con có xin đem xác hỏa táng thì họ nói khéo là đã đào huyệt xong hết
trơn rồi. Anh ra tới đây lại đòi đem thiêu, nói riết một hồi cũng dứt
khoát là không cho.”
Vẫn
theo lời kể của anh Dũng, Luật Sư Nguyễn Văn Ðài (người từng ở tù chung
phòng với ông Sương hơn một năm) đặt một vòng hoa mang theo nhưng bị
cấm đi theo. Luật Sư Ðài muốn đưa tới một mục sư để cầu nguyện cho ông
Sương cũng không được.
“Tất
cả cái gì chúng con muốn đều không được mà tất cả đều là sự sắp xếp của
trại hết. Họ chỉ cho con thắp nhang rồi nhìn mặt cha là hết,” anh Dũng nói.
Theo
lời kể của của anh Dũng, trước khi bị bắt đi, ông Trương Văn Sương như
linh cảm mình không còn cơ hội trở lại với các con và các cháu nên nói
rằng: “Ba đi chuyến này, ba năm sau con tới lấy hài cốt mang về.”
Theo
lời anh, trước khi chết, ông Sương có viết một bức thư về cho các con.
Thư chưa kịp gửi đi thì ông chết. Nhà tù có đưa cho anh lại bức thư này,
chỉ là thư thăm hỏi.
“Nội dung bức thư là khuyên răn con cái lo làm ăn, lo cho gia đình.”
Ông
Trương Văn Sương 68 tuổi, nguyên là một trung úy thuộc Ðịa Phương Quân
VNCH, bị kết án tù chung thân năm 1983 khi từ Thái Lan về Việt Nam lập
chiến khu phục quốc cùng trong nhóm với các ông Lê Quốc Túy, Mai Văn
Hạnh. Trước đó, khi miền Nam sụp đổ, ông bị bắt đi tù “cải tạo” 6 năm
rồi vượt biên sang Thái Lan.
Quan tài ông Trương Văn Sương được các bạn tù khiêng tới huyệt mộ. (Hình: Gia đình cung cấp)
Trong
nhà tù, ông nổi tiếng là một tù nhân bất khuất, từng cầm đầu các cuộc
đấu tranh hay tuyệt thực chống sự hà khắc của nhà tù. Các thành quả mà
tù nhân ở nhà tù Ba Sao được đối xử bớt hà khắc hơn trước cũng là nhờ sự
đấu tranh can đảm của những người như ông Sương. Vì vậy, ông đã bị biệt
giam và cùm rất nhiều lần.
Những
năm sau này, ông bị bệnh hở van tim, sức khỏe cạn kiệt gần chết thì
được cho về nhà tạm một năm để chữa bệnh từ giữa tháng 7, 2010. Hết hạn
thì bị buộc quay lại nhà tù Ba Sao và chỉ ba tuần lễ sau thì lên cơn đau
tim và qua đời. Con ông đã làm giấy bảo lãnh xin cho ông được tiếp tục
chữa bệnh nhưng bị từ chối.
Tổng cộng, ông đã ở trong nhà tù cộng sản hai lần với gần 34 năm. (TN)
Free counters